Địa hạt thơ ca xưa nay luôn sôi động, thu hút người đọc, người nghiên cứu và không bao giờ có điểm dừng. Đã có rất nhiều lý thuyết nghiên cứu về thơ như: lý thuyết tiếp nhận, phân tâm học, liên văn bản, thi pháp học... Mỗi một lý thuyết đều có hướng giải mã tác phẩm văn học riêng. Trong đó, việc vận dụng thi pháp học của R. Jakobson để khám phá các tầng nghĩa thơ ca đã và đang thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Rất nhiều công trình áp dụng thi pháp học của Jakobson thành công như: Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Phan Cảnh, Cấu trúc thơ của Thụy Khuê, Thơ - Thi pháp và chân dung của Đặng Tiến, Thơ - điệu hồn và cấu trúc của Chu Văn Sơn... Điều đó đã cho thấy những đóng góp quan trọng về phương pháp lý luận của Jakobson đối với thơ ca.
Việc vận dụng thi pháp học của Jakobson vào việc nghiên cứu thơ ca không phải tùy tiện cho bất kì tác phẩm thơ nào. Trước hết, thơ phải đảm bảo cách tân về mặt ngôn từ, lạ hóa những cái bình thường, giàu chất thơ và nhạc. Nhà thơ phải là người trăn trở với từng con chữ để định giá chất thơ.
Với công trình Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson, Hoàng Thụy Anh đã vận dụng rất “ăn khớp” giữa việc chọn lý thuyết và đối tượng nghiên cứu. Thơ Hoàng Vũ Thuật thể hiện độc đáo nhiều thủ pháp của thi ca như: ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, điệp, đối... làm tăng tính nhạc và giá trị ngữ nghĩa nên không bị sáo, rỗng, mòn. Những tìm tòi, cách tân, lạ hoá ngôn từ đã đem đến cho thơ Hoàng Vũ Thuật cảm xúc, cấu trúc, tứ thơ mới... mà không phải bất kì một nhà thơ nào cũng dễ dàng có được trong suốt hành trình thi ca của mình. Đó là lý do để tác giả soi chiếu lý thuyết thi học vào thơ Hoàng Vũ Thuật có hệ thống và thuyết phục. Hơn nữa, việc Hoàng Thụy Anh chọn đúng mật mã cũng là cách mở cánh cửa vào miền thơ khác lạ, đầy lý thú của Hoàng Vũ Thuật và giải mã chúng một cách nghệ thuật với tư cách là chủ thể tiếp nhận đồng sáng tạo theo tinh thần thi học hiện đại.
Trong khuôn khổ cuốn sách, Hoàng Thụy Anh giới thiệu thêm một số bài viết của các nhà phê bình nghiên cứu văn học và một số bài thơ của Hoàng Vũ Thuật đã công bố trên các diễn đàn văn học để bạn đọc rộng đường tham khảo, đặng có thêm những góc nhìn mới về thơ ông như là những sự chia sẻ và cộng cảm với quan điểm của người nghiên cứu.
Tôi nghĩ cách nhìn nhận, đánh giá về những thành công và hạn chế trong thế giới nghệ thuật ngôn từ thơ Hoàng Vũ Thuật là kết quả của sự lao động nghiêm túc, lòng say mê nghiên cứu khoa học của tác giả. Vì thế, cuốn sách sẽ là tài liệu bổ ích đối với đông đảo bạn đọc nhiệt huyết với thơ, với thi học của Jakobson.
Xin chúc mừng thành tựu của tác giả nghiên cứu văn học trẻ Hoàng Thụy Anh và trân trọng giới thiệu chuyên luận “Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson” đến độc giả.
Huế, 9/2010