Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.211.789
 
Dưới Bóng Trưởng Lão, Gabriel García Márquez và những ma quỷ của thời đại ông- 2
Hiếu Tân

Trong Mùa thu của trưởng lão, chính cái mạch văn của nó, một dòng chảy ào ạt không thể kiềm chế lại được cuốn qua các thời đại, các lục địa, các nhân vật, bản thân câu chuyện kể trở thành độc đoán.

 

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng một đoạn văn dài tám mươi bảy trang, đôi khi dày vò bạn đọc một cách ngọt ngào, mà García Márquez đã biện hộ bằng cách nói rằng “nó là thứ đồ xa xỉ mà tác giả Trăm năm cô đơn có thể cho phép mình xài” Trong cuốn sách này chỉ có chỗ cho ý thức của nhà độc tài. Mọi chuyện xảy ra qua, cho, và trong nhận thức của trưởng lão. Ông ta là người kể chuyện biết hết mọi thứ, là tác giả của một đất nước. Các ý thức khác chỉ là thứ yếu, phái sinh và không tồn tại. “Hiến mình cho niềm hoan lạc cứu thế của tư duy cho chúng ta…ông là người duy nhất biết được kích cỡ thật của số phận chúng ta,”  García Márquez viết, và “cuối cùng, chúng ta không thể nào hình dung chúng ta có thể sẽ là gì nếu không có ông.” “Riêng mình ông là dân tộc”– và là cuốn tiểu thuyết.

 

Cuốn sách này về nhiều mặt khác với Ngài Tổng thống, một cuốn tiểuthuyết-thơ có hơi hướng siêu thực, chính trị, cách mạng; nhưng có lẽ chỗ khác nhau chủ yếu là ở sách của Asturias người ta không chỉ nghe có một giọng bạo chúa. Người ta còn nghe thấy cả giọng nói của “nhân dân đường phố.” Các quan chức dân sự và quân sự nói trong giận dữ và trong tự phê bình, trong khi người dân có cuộc sống đang diễn tiến của họ. Trong tiểu thuyết của Asturias những giọng nói của họ được kính trọng, và những trải nghiệm nhà tù và tra tấn được miêu tả. Khi phơi bày sự lạm dụng, tham nhũng và tính thất thường của chính quyền, giọng điệu của nó không chỉ là phê phán dứt khoát rành mạch không lập lờ, mà còn khinh bỉ. Không có miễn trừ. Trong Mùa thu của trưởng lão, ngược lại, các nạn nhân là một phần của phông màn sân khấu. Họ không bao giờ là những người tham gia tích cực vào câu chuyện.

 

“Khía cạnh chính trị của cuốn sách này phức tạp hơn rất nhiều so với vẻ ngoài của nó, và tôi không định giải thích nó.” García Márquez tuyên bố khi kết thúc cuốn tiểu thuyết. Martin chắc chắn đã sẵn sàng giải mã nó: “nhà văn cô đơn” (đừng để ý đến cái danh sách vô tận các bạn bè nổi tiếng của ông) đã nhìn thấy mặt của chính mình trong tấm gương và “quyết định sẽ sống tốt hơn và làm tốt hơn, khi lúc này số phận đã cho ông nhìn thấy sự thật.” Việc nâng cao đạo đức này nằm ở chỗ dùng danh tiếng của ông để phục vụ cho một sự nghiệp – Cách mạng Cuba – dẫn đầu bởi một người, thật ngược đời, sẽ mang một nét giống người trong gương. “Theo cái chủ nghĩa khuyển nho cực kỳ tàn nhẫn về con người, quyền lực và của cải này” Martin viết, “chúng tôi thấy bản thân mình bị buộc phải coi rằng quyền lực có đó là để được sử dụng và ‘một ai đó phải làm điều này.’” Dựa trên quan điểm lịch sử “Machiavenlli” này – tính từ này, cũng như logic, là của Martin – nhà viết tiểu sử tin rằng ông đã hiểu tại sao García Márquez thẳng tiến .. đi tìm quan hệ với Fidel Castro, một nhà giải phóng xã hội chủ nghĩa, người hóa ra là nhà chính khách Mỹ Latin có tiềm năng trở thành gương mặt lâu bền nhất và thân yêu nhất trong số các nhà độc tài trên toàn châu lục”

 

Một nhà độc tài là một nhân vật quyền uy, tôi nghĩ thế, nhưng là nhân vật rất kỳ quặc. Có lẽ Mùa thu của trưởng lão thể hiện câu thần chú cuối cùng của câu chuyện về người ông của nhà văn, trong đó từ “bạo chúa” được tế nhị làm dịu đi thành “trưởng lão”. Vị trưởng lão đọc cho viết chính tả toàn bộ tiểu thuyết, không có dấu chấm dấu phảy hay để cho ai kịp thở, trừ ông. Đó là cuốn tiểu thuyết trong đó bóng ma của Medardo Pacheco, kẻ nạn-nhân đạo-cụ ấy với người mẹ bị [tình nhân] đá, và người vợ với hai đứa con ma, sẽ vĩnh viễn biến mất. Tiếng nói của anh ta bị buộc phải câm lặng, không nghe được ở đâu nữa. Và sau khi mô tả vị trưởng lão trong văn học, thì đến lúc đi tìm ông ấy trong đời thực. Martin khẳng định điều này: chính “Fidel Castro, con người duy nhất, nhân vật người ông của ông, là người mà ông không thể, không dám, thậm chí không hề muốn thắng.” Từ Macondo đến Havana: một phép lạ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

 

Mặc dầu một trong những lời khuyên với tư cách phóng viên của García Márquez là “đầu độc người đọc bằng uy tín và nhịp độ”, trong mảng báo chí rộng lớn của mình ông đã không thực hành chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nhiều bằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Bằng tiếng Tây Ban Nha những bài báo của ông chất đầy không dưới tám tập dày, từ 1948 đến 1991. Chúng chưa được dịch ra tiếng Anh, và Martin mới chỉ đọc lướt qua. Điều này thật đáng tiếc, nếu ta xét đến việc tập tiểu sử này ban đầu chỉ nói với một công chúng nói tiếng Anh. Những loạt bài báo đầu tiên của García Márquez là quan trọng vì nó cho ta một ý niệm mơ hồ về những bí mật của những “bài tập cơ bản” của ông, của “nghề mộc văn chương” của ông. Loạt thứ hai (1955-1957) bao gồm những phóng sự từ châu Âu và Hoa kỳ, có nội dung chính trị nhiều hơn và được nhà viết tiểu sử chú ý hơn một chút. Nhưng những bài báo chính trị then chốt, viết trong khoảng từ 1974 đến 1995, tập hợp trong Por la libreNotas de prensa – một nghìn trang tất cả – được coi là chỉ xứng đáng với những bình luận tối thiểu, hầu hết là ngưỡng mộ. Và điều này thật tai hại.

 

Ba loạt bài mà Martin coi là đáng ghi nhớ, nhưng không phê bình, được viết bởi García Márquez sau thời gian dài lưu trú ở Cuba năm 1975 và nhan đề “Cuba từ đầu này đến đầu kia” (Cuba de cabo a rabo). Chúng được xuất bản vào tháng Tám/tháng Chín năm đó bởi tạp chí Alternativa, do García Márquez lập ra năm 1974 ở Bogotá. Và chắc chắn là chúng đáng nhớ! Chúng công khai thừa nhận một niềm tin tuyệt đối vào Cách mạng như được hiện thân trong hình tượng anh hùng của Tư lệnh (mà đến lúc này García Márquez chưa được gặp): “Mọi người Cuba hình như nghĩ rằng nếu một ngày nào đó không còn ai ở lại trên đất Cuba, thì một mình anh ta, dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro, sẽ tiến hành cuộc cách mạng, đưa nó đến một kết cục hạnh phúc. Đối với tôi, nói thẳng ra, hiện thực này là kinh nghiệm phấn khích nhất và quan trọng nhất mà tôi từng có.”

Quả đúng vậy, đến mức mà trong ba mươi tư năm hỗn loạn ấy García Márquez chưa từng công khai tách mình khỏi cái nhìn thiên khải ấy. Ông đã thấy những gì mà mọi người đều có thể thấy? Những thành tựu xác thực trong y tế và giáo dục, mặc dầu ông không tự hỏi có nhất thiết phải duy trì một chế độ toàn trị để đạt được những mục tiêu xã hội ấy không. Và điều gì ông đã không nhìn thấy? Sự hiện diện của Liên xô, ngoài vai trò người cung cấp dầu lửa hào phóng? Và ông đã nói ông không nhìn thấy những gì? “Những đặc quyền đặc lợi cá nhân” (mặc dầu gia đình Castro đã chiếm quyền sở hữu hòn đảo này như thái ấp của riêng họ) và “sự đàn áp của cảnh sát và sự phân biệt đối xử đủ mọi kiểu” (mặc dầu từ năm 1965 đã tồn tại những trại tập trung cho những người đồng tính, những tín đồ tôn giáo, và những người bất đồng chính kiến – chúng được gọi một cách hoa mỹ là: Các Đơn vị Quân đội Hỗ trợ Sản xuất, hay UMAP).

 

Tóm lại, những gì mà ông nhìn thấy là những gì mà ông muốn nhìn: năm triệu dân Cuba thuộc về các Ủy ban Bảo vệ Cách mạng, không phải như những gián điệp và những người bị cưỡng bách của Cách mạng, mà là “lực lượng thật sự” đông vô kể những người hạnh phúc, tự nguyện, hay, nói trắng ra, bằng những lời lẽ ớn lạnh của chính Castro, được García Márquez trích dẫn một cách ngưỡng mộ - “một hệ thống cảnh giác cách mạng tập thể đảm bảo mọi người biết người ở nhà bên cạnh là ai và làm gì” Ông thấy “nhiều mặt hàng thực phẩm và hàng công nghệ được bày bán tự do trong các cửa hàng” và ông tiên tri rằng “năm 1980 Cuba sẽ là nước phát triển đầu tiên ở châu Mỹ Latin.” Ông thấy “những trường học cho mọi người” và những tiệm ăn “tốt như những tiệm tốt nhất ở châu Âu.” Ông thấy “sự thiết lập chính quyền nhân dân thông qua phổ thông đầu phiếu bằng những cuộc bỏ phiếu kín từ lứa tuổi mười sáu.” Ông thấy một cụ già chín mươi tư tuổi mải mê đọc sách “chửi rủa chủ nghĩa tư bản về tất cả những cuốn sách mà ông chưa đọc.”

Hơn hết cả, ông thấy Fidel. Ông thấy “cái hệ thống liên lạc gần như bằng ngoại cảm” mà ông đã thiết lập với nhân dân. “Cái nhìn chăm chú bộc lộ một tính dịu dàng kín đáo của trái tim như trẻ thơ trong ông.” “Ông đã sống bình an vượt qua sự gặm mòn khắc nghiệt và quái ác của quyền lực hàng ngày, của những nỗi buồn âm thầm… Ông đã thiết lập cả một hệ thống phòng thủ chống lại tệ sùng bái cá nhân.” Nhờ tất cả những cái đó, và nhờ “trí tuệ chính trị, những bản năng và sự tao nhã của ông, cái khả năng làm việc gần như phi phàm của ông, sự gắn bó sâu sắc và tuyệt đối tin tưởng vào sự khôn ngoan của quần chúng,” Castro đã đạt được ước mơ “đáng thèm muốn và khó nắm bắt” của tất cả những nhà cai trị: “tình thương”

 

Những đức tính này, theo sự miêu tả của García Márquez, được hỗ trợ bởi “cái kỹ năng cơ bản và bị coi thường nhất” của Fidel: cái “thiên tài làm nhà báo” của ông. Tất cả những thành tựu to lớn của Cách mạng, những nguồn gốc của nó, những chi tiết của nó, các ý nghĩa của nó, được “biên chép trong các bài diễn văn của Fidel Castro. Nhờ những bản báo cáo nói tuyệt vời này, người dân Cuba là một trong những dân được thông tin tốt nhất trên thế giới về thực tế cuộc sống của họ.” García Márquez thừa nhận rằng những bài diễn văn này “chưa giải quyết những vấn đề tự do phát biểu và dân chủ cách mạng” và đạo luật cấm tất cả các tác phẩm sáng tác chống đối các nguyên tắc của Cách mạng đánh vào ông như một sự “báo động” – nhưng, tất nhiên, không phải vì những giới hạn quyền tự do của nó. Không, điều làm ông băn khoăn về đạo luật đàn áp này là sự vô ích của nó: “bất cứ nhà văn nào liều lĩnh đến mức viết một cuốn sách chống lại Cách mạng không cần phải vấp vào hòn đá Hiến pháp… cách mạng sẽ đủ chín để tiêu hóa nó.” Theo ý ông, báo chí Cuba vẫn còn thiếu thông tin và những đánh giá phê phán, nhưng người ta có thể “thấy trước” rằng nó sẽ trở nên “dân chủ, sinh động, và độc đáo”, bởi vì nó sẽ được xây dựng trên một “nền dân chủ thực sự và mới mẻ…chính quyền nhân dân hình dung như một cấu trúc kim tự tháp nó bảo đảm cơ sở bền vững và sự kiểm soát trực tiếp của các lãnh đạo của nó.” (Một năm sau, trong một phỏng vấn của The New York Times, ông được Alan Riding hỏi tại sao ông không chuyển đến Cuba, vì ông thường xuyên đến đó. “Bây giờ rất khó mà đến đó và thích ứng với hoàn cảnh. Tôi đã thiếu thốn quá nhiều thứ, tôi không thể sống mà thiếu thông tin.”) “Quỷ ạ, đừng tin tôi” García Márquez kết luận “Anh cứ đến đấy mà thấy tận mắt.”

 

Một tác phẩm thuộc hệ hình khác trong báo chí chính trị của ông – danh tiếng đích thực của García Márquez trong thế giới nói tiếng Anh có thể không trụ nổi sau bản dịch của tuyển tập báo chí của ông sang tiếng Anh “Vietnam por dentro” hay “Việt nam nhìn từ bên trong,” mà Martin không nói đến trong cuốn sách của ông. Một năm trước khi nó được xuất bản, tháng Mười Hai năm 1978, García Márquez đã sáng lập một tổ chức gọi là “Quỹ Habeas vì Nhân quyền” ở Mỹ, với mục đích “vận động trả tự do cho các tù nhân. Không phải là chỉ trích các nhà cai trị bạo ngược, nó chỉ cố gắng trong phạm vi có thể để điều tra tung tích những người mất tích và tạo điều kiện cho người lưu đày trở về nhà. Tóm lại – không giống với các tổ chức cứu trợ sự sống khác, Habeas sẽ tập trung quan tâm trực tiếp vào việc giúp đỡ những người bị đàn áp hơn là lên án kẻ đàn áp.” Theo tinh thần này, có thể hy vọng rằng những thảm kịch của những thuyền nhân rời khỏi Việt nam trong tuyệt vọng có thể thu hút sự chú ý của ông, như nó đã thu hút sự chú ý của Sartre và những người khác ủng hộ chế độ Việt nam.

 

Nhưng trong chuyến đến Việt nam người sáng lập của Habeas chỉ nói chuyện với một bên, và chỉ lắng nghe câu chuyện chính thức. Trong loạt bài báo mà García Márquez gửi về, chúng ta được biết một chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, “một quan chức chóp bu” hàm Bộ trưởng của Đảng Cộng sản phụ trách quan hệ đối ngoại, ông thị trưởng Chợ Lớn, ông Bộ trưởng Ngoại giao, và, tất nhiên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người với “trí sáng suốt lặng lẽ…tiếp tôi và gia đình tôi vào một giờ mà hầu hết các nguyên thủ quốc gia vẫn còn đang say giấc nồng: vào sáu giờ sáng.” Trong chuyến thăm “gần một tháng” nhóm của García Márquez đã có dịp tham dự “những lễ hội văn hóa” trong đó “những thiếu nữ duyên dáng chơi đàn thập lục, và hát những điệu ca buồn thương để tưởng nhớ những liệt sĩ”; nhưng họ không có thời gian để nghe những người tị nạn, hay phỏng vấn họ, hay chìa tay giúp đỡ họ. “Câu chuyện của họ, García Márquez nói một cách thật thà “chiếm vị trí thứ yếu trong thực tế khắc nghiệt của đất nước này. Cái “thực tế khắc nghiệt” ấy, tất nhiên, là lịch sử cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và nguy cơ một cuộc chiến tranh mới với Trung Quốc.

 

Điều thật sự trọng yếu đối với García Márquez ở Việt nam là nó “đã thua cuộc chiến tranh thông tin”. Đối với người sáng lập Habeas, thảm họa không phải là hàng trăm nghìn dân tị nạn, chết đuối, chết đói, đau ốm, bị cướp hết tài sản, bị hãm hiếp, bị giết chết. Thảm họa là thế giới biết tất cả về điều này. García Márquez tiếc rằng những người Việt nam, những người Việt nam thật sự quan trọng, những người mà ông đã phỏng vấn – không có “ tầm nhìn xa để tính toán quy mô rộng lớn của những nỗ lực quốc tế vì lợi ích của những người tị nạn.” Phe nhân đạo đã thắng phe toàn trị - đó là điều đã làm ông buồn bực.

 

Tất cả những bài báo này vẫn theo mẫu những bài báo trước đây của García Márquez về Hungary, và làm lộ rõ cái hình mẫu của tất cả những bài báo chính trị của ông, lúc đó và bây giờ: chỉ nghe tiếng nói của kẻ mạnh, và làm mất tác dụng – ngăn chặn, hạ thấp, bóp méo, xuyên tạc, và bỏ qua – bất kỳ thông tin nào có thể “rơi vào tay bọn đến quốc.”

 

IV

 

Mặc dù những bài báo đáng nhớ này” năm 1975, Fidel Castro nhận xét với Régis Debray rằng ông vẫn chưa tin tưởng vào tính “kiên định cách mạng” của nhà văn Colombia này. Thật ra, García Márquez đã từ chối giúp đỡ nhà thơ Cuba Heberto Padilla trong cái vụ nổi tiếng ông ta bị buộc “thú tội” rằng tiếng vọng mãnh liệt của các vụ án Moscow đã dẫn đến việc cắt đứt các nhà trí thức Mỹ Latin với chế độ này. Castro nhận thấy điều này, nhưng ông vẫn còn chưa chắc chắn, và không cho phỏng vấn. García Márquez lúc đó đã phải tự bằng lòng với việc phỏng vấn người hùng của Panama, Omar Torrijos, một nhà đốc tài hạng hai vùng Carribe, nhưng là một độc giả trung thành của García Márquez. Torrijos đã có câu này để nói về Mùa thu của trưởng lão: “Nó đúng đấy, nó là chúng tôi, chúng tôi là như thế đấy.” “Bình luận của ông khiến tôi ngạc nhiên và thích thú,” García Márquez nói. “Và rất nhanh, hai người đã thiết lập một tình bạn dựa trên sức hấp dẫn tình cảm sâu sắc qua thời gian đã biến thành một cuộc tình” Martin viết.

 

Năm 1976 García Márquez trở lại Cuba, và sau khi chờ đợi một tháng (giống như ông đại tá truyền kỳ) ở khách sạn Nacional một cuộc gọi của ngài Tư lệnh, cuộc gặp đã được dự tính gần hai thập kỷ cuối cùng cũng đa diễn ra. Ngay sau khi được Castro tiếp, và dưới sự giám sát cá nhân của ông ta, ông đã viết “Chiến dịch Carlota: CubaAngola,” một biên niên mang đến cho ông một giải thưởng từ Tổ chức Nhà báo Quốc tế. Mario Vargas Llosa (người đã viết và xuất bản luận án tiến sĩ về Trăm năm cô đơn) đã gọi thẳng ông là “đầy tớ” của Castro. Hai năm sau,  García Márquez tuyên bố rằng việc ông gắn vó với Cuba có ý nghĩa tương tự như với đạo Thiên Chúa: “một sự hiệp thông với các Thánh.”

 

Martin dành vài trang để miêu tả mối ràng buộc đang lớn lên giữa Tư lệnh và nhà văn sau 1980. “Mối quan hệ của chúng tôi là một mối quan hệ trí thức” García Márquez nói năm 1982. “Khi chúng tôi ngồi với nhau chúng tôi nói về văn học.” Và không phải chỉ có văn học liên kết họ lại với nhau. “Họ bắt đầu có những chuyến đi nghỉ hàng năm cùng với nhau tại dinh thự của Castro ở Cayo Largo,” Martin ghi lại, “nơi đôi khi một mình, đôi khi với khách, họ có thể nói chuyện trong chiếc xuồng du lịch nhanh hay du thuyền Acuaramas của ông.”

 

Vợ García Márquez “đặc biệt thích thú những dịp này bởi vì Fidel có cách cư xử đặc biệt với phụ nữ, luôn luôn chu đáo với một cử chỉ ga lăng theo phong cách cũ khiến người ta vừa vui thích vừa hãnh diện.” Ông cũng cho chúng ta biết về tài nấu bếp của Castro, và Gabo thì thích món trứng cá muối, còn Castro thì thích cá tuyết. Mừng giải Nobel, Castro gửi cho bạn mình cả một thuyền rượu rum, và khi gia đình trở lại ông đưa họ lên Nhà Lễ tân số sáu, ngôi nhà này chỉ vài năm sau trở thành ngôi nhà Cuba của họ. Tại đây García Márquez cho những vị khách như Debray ngập trong Veuve Cliquot. “Không có mâu thuẫn giữa việc người ta giàu có và việc người ta là nhà cách mạng,” García Márquez tuyên bố thế, “chừng nào bạn chân thành trong vai trò là nhà cách mạng và không chân thành trong việc là người giàu có.”

 

Nguồn cảm hứng này – không phải của chủ nghiã hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo – Martin có thể đã lấy một it nước ngọt từ Gabo và Fidel  của Ángel Esteban và Stéphanie Panichelli (mà ông có nhắc đến trong cuốn tiểu sử nhưng không trích dẫn vào sách). Tập này đưa ra lời chứng thực của nhà thơ Cuba Miguel Barnet, một người bạn của García Márquez và là chủ tịch Tổ chức Fernando Ortiz. Barnet cho ta một mô tả chi tiết về các bữa tiệc ở “lâu đài Siboney” thậm chí miêu tả đến cả trang phục của chủ nhân. Fidel và Gabo – Barnet nói – là những chuyên gia thật sự về các vấn đề văn hóa ẩm thực, và họ biết cách thưởng thức rượu ngon và thức ăn ngon. Gabo là ‘người hưởng lạc số dách’ vì ông biết yêu bánh ngọt, cá tuyết, hải sản và thực phẩm nói chung.” Và Manuel Vázquez Montalbán, một nhà văn Tây Ban Nha và là bạn của Castro, sưu tập những chứng cớ sau đây từ “người thợ rèn vĩ đại” người có lẽ là đầu bếp giỏi nhất Cuba “Gabo là người tán thưởng tuyệt vời tài nấu bếp của tôi, và ông ấy hứa viết lời giới thiệu cho cuốn sách nấu ăn của tôi, mà tôi viết đã gần xong.” Trong cuốn sách dạy nấu bếp đó, mỗi món ăn được dành riêng cho một người và vì người ấy nó được sáng tạo ra. Món của Gabo là “Tôm hùm à la Macondo” còn của Fidel Castro là “Rùa Consommé.” Điều quan trọng cần ghi chú ở đây là vào thời gian đó sổ lương thực ở Cuba (được áp dụng từ năm 1962) gồm, cho mỗi người mỗi tháng, những cao lương mỹ vị sau đây: bảy pao[1] gạo và ba mươi aoxơ[2] đậu, năm pao đường, nửa pao dầu, bốn trăm gam mì sợi, mười quả trứng, một pao gà đông lạnh, và nửa pao thịt nền (gà) trộn với cá, mortadella, hay xúc xích có thể chọn cho thêm vào để thay đổi, trong cái loại “sản phẩm thịt” này.

 

Trong “Mùa thu của trưởng lão vị trưởng lão nhìn xuống con người văn chương bằng vẻ kẻ cả: “Bọn nó vênh vang trong cái nghề văn như những con gà trống thuần chủng khi chúng rụng lông, do đó chúng nó  là đồ vô tích sự trừ khi có giỏi một thứ gì đó.” García Márquez bây giờ có ngôi nhà của riêng mình trên hòn đảo ấy, là phải giỏi nhiều thứ. Tháng Mười Hai năm 1986, ông thành lập một Viện hàn lâm điện ảnh ở San Antonio de los Bãnos: New Latin American Cinema Foundation. Học viện mới này – do García Márquez tài trợ, là quan trọng đối với chế độ, bởi vì ở châu Mỹ Latin văn hóa luôn luôn là nguồn gốc cơ bản của tính hợp pháp. Trong số khách mời có Robert Redford, Steven Spielberg, và Francis Ford Coppola. Học viện này, như Martin mô tả, là một ý tưởng thông minh và kích thích: “Điện ảnh có tính vui vẻ, tập thể, tiên phong, trẻ trung; điện ảnh là sêchxy và điện ảnh là vui nhộn. Và García Márquez sống từng phút của nó; ông được bao vây bởi những cô gái trẻ hấp dẫn, nồng nhiệt và những chàng trai đầy tham vọng nhưng cung kính, và ông ở trong môi trường của mình”

 

Martin nói đúng:  García Márquez “ở trong môi trường của ông.” Điều mà Martin không nhìn thấy là ý nghĩa tiểu sử của những gì ông kể lại. Toàn bộ sự việc giống như xây dựng lại thiên đường Macondo trước cơn bão lá, với thuận lợi là bây giờ Gabriel García Márquez là người sống ở phía bên kia, phía đặc quyền đặc lợi, phía “Mỹ”. Đối với những người Cuba bình thường, lâu đài Siboney của ông, những bữa ăn hoang phí của ông, nhưng sâm banh, những hải sản,  mỳ sợi tuyệt diệu do Castro nấu nướng, những cuộc đi chơi bằng du thuyền, là  – như García Márquez viết về “thành phố cấm” của người Mỹ ở Arcataca – “cái nhìn lướt qua về một thế giới biệt lập và không chắc thực mà chúng tôi bị cấm lui tới.”

 

Điều hay nhất là lại một lần nữa được đi dạo tay trong tay với trưởng lão. Năm 1988 García Márquez viết một tiểu sử sơ lược về “caudillo”[3] (như ông gọi ông ta) được xuất bản như lời giới thiệu cho Habla Fidel hay Fidel nói, một cuốn sách của tác giả Ilaty Gianni Minà. Trong cuốn tiểu sử sơ lược này, dành sự ngưỡng mộ về văn học đối với nhân vật chính của mình (“Ông có thể không nhận thấy sức mạnh của sự hiện diện của ông, nó dường như chiếm hết không gian trong phòng, mặc dầu ông không cao cũng không to như ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên.”)  Cùng năm đó, đang sống ở Habana, García Márquez đạt được tiến bộ trong cuốn sách về hành trình cuối cùng của Bolivar: Tướng quân trong mê hồn trận. Martin gợi ý rằng miêu tả của ông về Bolivar  được gợi hứng từ những nét đặc trưng của Castro, và ngược lại.

 

Năm tiếp theo mở đầu một cách tồi tệ, với những phản hồi của một bức thư chung được ký 1988 bởi nhiều nhà văn có danh tiếng quốc tế yêu cầu Castro theo bước Pinochet có đủ can đảm để làm một cuộc trưng cầu dân ý về chế độ của ông ta.

 

Đối với García Márquez, người từ những năm 1970 đã bộc lộ sự khinh bỉ đối với những thiết chế, luật pháp và các quyền tự do của nền dân chủ “tư sản”, và năm 1981 đã chế giễu “những giọt nước mắt cá sấu của những kẻ “thường chống Liên xô và chống cộng” sau cuộc đàn áp công đoàn Đoàn kết ở Ba lan – bức  thư này là một chương mới trong sự nổi lên của “phái hữu” được John Paul II, Thatcher, Reagan, và bản thân Gorbachev  cổ vũ. (Trong một chuyến thăm Moscow vào cuối những năm 1980, García Márquez đã cảnh cáo Gorbachev về nguy cơ đầu hàng đế quốc.)

 

Về những người đã ký bức thư phản đối nền chính trị phi tự do ở Cuba, Martin viết rằng “Những cái tên Mỹ không gây được mấy ấn tượng, trừ Susan Sontag, ngay cả những cái tên Mỹ Latin cũng thế (Carlos Fuentes, Augusto Roa Bastos, v..v.).” Trong số những tác giả Mỹ không gây được ấn tượng với Martin có Saul Bellow và Elie Wiesel; những tác giả Mỹ Latin là Reinaldo Arenas (người soạn thảo bức thư này), Ernesto Sábato, Mario Vargas Llosa, Guillermo Cabrera Infante, và Octavio Paz; trong số những người Âu có Juan Goytisolo, Federico Fellini, Eugene Ionesco, Czesław Miłosz, và Camilo José Cela.

 

Nhưng điều này có thể hiểu được. Đối với nhà viết tiểu sử và với chủ đề cuốn sách của ông, năm 1989 là năm tận thế. Một đòn đánh vào uy tín của Cuba còn mạnh hơn cả sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu là bản án được bàn tán nhiều kết án Tướng tư lệnh sư đoàn Arnaldo Ochoa và anh em Antonio (Tony) và Patricio de la Guardia, về tội vận chuyển ma túy và phản bội Cách mạng. Thời kỳ đen tối và tệ hại này – Martin chỉ dành có vài đoạn cho nó – được công luận chú ý vào Tháng Sáu 1989. Theo nhà báo Andrés Oppenheimer, việc vận chuyển ma túy qua Cuba bắt đầu năm 1986, và được sự bảo trợ ngầm của Fidel, cho đến khi tình báo Mỹ khám phá ra một vụ móc ngoặc. Khi đó Castro chớp lấy cơ hội giết bốn con chim bằng một hòn đá: ông có thể dứt bỏ một kẻ thù tiềm tàng nguy hiểm (Ochoa là một trong những chỉ huy cao cấp trong cuộc can thiệp vào Angola, một cựu binh trong cuộc đột nhập vào Venezuela. Ethiopia, Yement, và Nicaragua, và được công nhận chính thức là “Anh hùng của Cách mạng”) cùng với anh em Guardia, cả hai là bạn của Castro và gắn bó với Bộ Nội vụ dưới một “phe cánh ngầm” khác, viên tướng tư lệnh sư đoàn José Abrantes. Fidel đã giao cho Tony de la Guardia, người “được ông bảo hộ”, nhiều nhiệm vụ tình báo (như vụ rửa 60 triệu đô la cho Montoneros của Argentina trong năm 1975, để thanh toán cho một cụ bắt cóc). Khó mà tin rằng cuộc phiêu lưu mới này – theo lệnh rõ ràng của Abrantes – không được hưởng sự bảo trợ của Fidel, giống như tất cả mọi việc trên hoàn đảo này. Nhưng mục đích biện minh cho phương tiện.

 

Sự kiện nổi bật là Antonio de la Guardia, một tính cách như trong một phim hành động, cũng là bạn thân của García Márquez. Một trong những tranh vẽ của ông ta treo ở nhà của García Márquez ở Habana. Cùng năm đó, 1989, Gabo đề tặng Tướng quân trong mê hồn trận cho ông ta: “Tặng Tony: người gieo điều thiện.” Ngày 9 tháng Bảy, khi bản án cuối cùng sắp được công bố, Castro đến thăm García Márquez tại nhà riêng ở Havana. Oppenheimer tái hiện một đoạn trong cuộc nói chuyện dài đó như sau: “Nếu họ bị hành hình, sẽ không ai tin rằng nó không phải là do anh ra lệnh” theo thuật lại, García Márquez đã nói thế. Đêm khuya, nhà văn tiếp Ileana de la Guardia, con gái Tony, và chồng cô ta là Jorge Masseti (con trai của một chỉ huy du kích đã mất Jorge Ricardo Masseti, một người bạn cũ và sếp của García Márquez ở Prensa Latina). Họ đến cầu xin García Márquez can thiệp giùm để cứu mạng Guardia. Nhà văn nói đại loại “Fidel không điên đến mức ông có thể để cho các vụ hành hình diễn ra,” và khơi dậy hy vọng của họ. Ông nói họ không nên lo lắng, và khuyên họ không nên kêu gọi các tổ chức nhân quyền. Bốn ngày trôi qua. Rồi, ngày 13 tháng Bảy, 1989, người bạn tốt của Gabo, Tony de la Guardia và Ochoa bị hành hình. Patricio bị phạt ba mươi năm tù và Abrantes hai mươi năm. Ông này chết vì bệnh tim năm 1991.

 

Mặc dù rời Cuba trước vụ hành hình, theo những chứng cớ do chính Ileana de la Guardia thu thập được, García Márquez đã “tham dự phiên tòa, cùng với Fidel và Raúl, đằng sau tấm gương lớn’ trong hội trường lớn của Các Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba.” Ở Paris, trong lễ kỷ niệm hai trăm năm Cách mạng Pháp, ông nói với François Mitterrand rằng đó chỉ là “một xích mích giữa các sĩ quan.” Ông tuyên bố công khai đã có “những thông tin rất tốt” rằng việc kết án “phản bội” là công bằng, và ông bình luận rằng trong tình hình đó Castro không có lựa chọn nào khác.

 

Vài tháng trước sự kiện đó, khi viết những trang cuối cùng của Tướng quân trong mê hồn trận, García Márquez đã tả Simón Bolívar khoái trá trong giấc ngủ khi ông ta nhớ lại ông ta đã ra lệnh bắn viên tướng lai đen can đảm Manuel Piar, là người vô địch chống Tây Ban Nha và một anh hùng của quần chúng. “Đó là việc sử dụng quyền lực dã man nhất trong đời ông,” García Márquez bình luận trong tiểu thuyết của mình. “Nhưng cũng là thời cơ thuận lợi nhất cho ông để củng cố quyền lực, hợp nhất quyền chỉ huy của ông, và dọn đường đi đến vinh quang.” Và đến đoạn cao trào của chương, García Márquez đặt vào mồm Bolivar câu nói của ông nội ông: “Tôi sẵn sàng làm lại tất cả những chuyện đó.” 

 

“Hồi đó tôi không xuất bản bất kỳ quyển sách nào trước khi Tư lệnh đọc nó” García Márquez nói đôi lần vào giữa những năm 1980. Đó là lý do vì sao Martin, nhắc đến những đoạn nói về Bolívar và Piar, đã tự hỏi “Liệu ông [Castro] có nhớ đến những đoạn ấy khi ông ra quyết định không?” Tất nhiên ông ấy nhớ. Nhưng căn cứ vào “những thông tin rất tốt” mà García Márquez luôn luôn tuyên bố là ông có được về tình hình Cuba, và căn cứ vào việc ông rất thân với Antonio de la Guardia, những câu hỏi thú vị không dính dáng đến nhà độc tài mà đến nhà văn. Chẳng lẽ García Márquez không biết gì về nhiệm vụ bí mật của ông bạn Tony của mình? Khi ông viết cuốn tiểu thuyết của mình, ông có xem xét cái khả năng là các bạn ông sẽ bị bắt về tội cố ý “phản bội” không?

Và như vậy một chu kỳ cũ của sự đồng lõa đã hoàn thành. Nó bắt đầu bằng việc hành hình trong nhóm khống chế của chàng García Márquez trẻ tuổi – việc ông nội chàng bắn người bạn, trung úy Medardo, con của người tình – và kết thúc với việc hành hình trong nhóm khống chế của ông: bản án của Tổng Tư lệnh về người bạn Tony của ông, người gieo giống tốt. Nhà văn là người từ thời rất sớm, đã chấp nhận thứ “đạo đức chính trị” của ông nội, là người “hoàn toàn máu lạnh đặt chính trị lên trước đạo đức,” là người đã thấy Castro như “hình ảnh của ông nội ông, người mà ông không thể, không dám, và thậm chí không muốn thắng” đã buộc phải thử nghiệm lý thuyết của mình bằng xương máu. Và ông đã chấp nhận phán quyết của quyền lực.

 

Tình bạn và những con tôm hùm đã tiếp tục trong hai mươi năm. Người viết tụng ca, cố vấn cung đình, đại lý báo chí, đại sứ lưu động, đại diện toàn quyền, lãnh đạo các quan hệ quốc tế: García Márquez đã làm tất cả những vai trò này cho Castro. Năm 1996, ông ăn tối với tổng thống Clinton và nói với ông ta rằng: “Nếu ông và Fidel có thể ngồi đối diện nhau, sẽ không còn vấn đề gì nữa.” Sau [sự kiện] ngày 11 tháng Chín, ông công bố một bức thư dài gửi Bush: “Ông sẽ cảm thấy thế nào nếu bây giờ sự khủng khiếp ấy nổ bùng ra ngay trong sân nhà ông mà không phải trong phòng khách nhà hàng xóm?”

 

Mọi việc diễn biến khá ổn cho nhà văn và Tư lệnh, chỉ trừ một vài thời điểm, như trong năm 2003, một phong trào quan trọng hơn và rộng rãi hơn phong trào dân chủ, là phong trào nhân quyền, hình như đã xen vào giữa họ. Vào tháng Ba năm đó, bằng một đòn bất ngờ và tàn ác, Castro lặp lại những phiên toà Moscow, kết án bảy mươi tám nhà bất đồng chính kiến từ mười hai đến hai mươi bảy năm tù. (Một người trong số họ bị kết án vì đã sở hữu một máy ghi âm Sony). Ngay lập tức sau đó, giữa thời khắc nóng bỏng ấy, ông ra lệnh hành hình ba thanh niên đã cố trốn thoát khỏi thiên đường trên một chiếc bè. Đối đầu với tội ác ấy, José Saramago tuyên bố (mặc dầu sau đó ông rút lại tuyên bố này) rằng đó là “đây là điểm tận cùng” trong quan hệ của ông với Castro. Nhưng Susan Sontag đi xa hơn, và trong Hội chợ Sách Bogotá, bà trực diện với García Márquez: “Ông ấy là nhà văn lớn nhất của đất nước này và tôi rất ngưỡng mộ ông ấy, nhưng không thể tha thứ được việc ông không lên tiếng về những biện pháp mới đây của chế độ Cuba

 

Để đáp lại, García Márquez dường như có vẻ xa lánh, một cách không dứt khoát, với Castro: “Xét về các án tử hình, tôi không có gì nói thêm vào những gì tôi đã nói ở chỗ riêng tư hay trước công chúng trong chừng mực mà tôi còn nhớ: tôi phản đối nó ở bất kỳ nơi nào, vì bất kỳ lý do nào, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.” Cứ như thể vấn đề chỉ là án tử hình! Và gần như liền đó ông đã lánh xa ngay sự xa lánh của mình: “Một số cơ quan truyền thông – trong đó có CNN – đang xuyên tạc và bóp méo câu trả lời Susan Sontag của tôi, làm cho nó có vẻ như một tuyên bố chống lại Cách mạng Cuba.” Để nhấn mạnh, ông nhắc lại một tuyên bố cũ, để thanh minh cho quan hệ cá nhân của ông với Castro: “Tôi không thể đếm được số lượng các tù nhân, những nhà bất đồng chính kiến, và những kẻ âm mưu, những người mà tôi đã giúp đỡ trong im lặng tuyệt đối, để ra khỏi nhà tù và di cư khỏi Cuba trong ít nhất hai mươi năm qua.”

 

Trong “im lặng tuyệt đối” hay trong đồng lõa tuyệt đối? Tại sao García Márquez có thể giúp đỡ bất kỳ ai rời khỏi Cuba nếu ông không coi việc tù tội của họ là bất công? Và nếu ông coi nó là bất công, trong phạm vi đấu tranh cho sự nghiệp của họ, tại sao ông đã tiếp tục – tại sao ông vẫn còn tiếp tục – ủng hộ một chế độ gây nên những bất công ấy? Tố cáo sự cầm tù bất công đối với “những tù nhân, những nhà bất đông chính kiến, những kẻ âm mưu” ấy, và như vậy giúp xóa bỏ hệ thống nhà tù chính trị, có phải là giá trị hơn không?

 

Gabriel García Márquez không phải là một nhà văn trong lồng kính. Ông tuyên bố tự hào với công việc nhà báo của mình. Ông cổ súy báo chí tại một học viện ở Colombia. Ông đã khẳng định rằng những bài báo phóng sự là thể loại văn học với tiềm năng trở thành “không chỉ chân thật với cuộc sống mà còn tốt đẹp hơn cuộc sống. Một bài báo cũng tốt như một cuốn tiểu thuyết, nhưng có một sự khác biệt quan trọng và không thể xâm phạm: tiểu thuyết và truyện ngắn cho phép bịa đặt không giới hạn, nhưng phóng sự phải thật cho đến dấu phảy cuối cùng.” Như vậy làm thế nào có thể hòa hợp tuyên bố về đạo đức nghề báo này với việc chính ông che dấu sự thật ở Cuba, mặc dầu ông có đặc quyền thông tin nội bộ?

 

Cuối cùng lịch sử đã phán quyết cả về đạo đức và thẩm mỹ. Về phương diện thẩm mỹ, nói rằng García Márquez là một “Cervantes mới” là hơi vội vã. Nhưng về mặt đạo đức, chắc chắn là không thể có sự so sánh. Là một anh hùng trong chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ, bị thương và tàn tật trong chiến tranh, đắm tàu và bị cầm tù ở Algeria trong năm năm, Cervantes sống với những lý tưởng của ông, những nỗi đau khổ của ông, trong cảnh nghèo nàn với tính chính trực như Don Quixote, và hưởng tự do cao cả nhất trong việc chấp nhận thất bại một cách hài hước. Không hề có một dấu vết nào của sự cao cả về tinh thần đó ở García Márquez, người đã say sưa cộng tác với độc tài và áp bức. Còn Cervantes ư? Không bao giờ!

 

Vẻ đẹp của những hư cấu của Gabriel García Márquez sẽ sống mãi mặc dầu những sự trung thành méo mó của người sáng tạo ra nó, đúng như tác phẩm của Céline sẽ sống mãi mặc dầu sự say mê của ông đối với chủ nghĩa quốc xã, và tác phẩm của Pound sẽ sống mãi mặc dầu ông ngưỡng mộ Mussolini. Nhưng sẽ là một sự công bằng đầy chất thơ nếu, trong mùa thu của cuộc đời mình và trên đỉnh cao chói lọi của vinh quang, ông tự tách mình ra khỏi Fidel Castro và dùng ảnh hưởng của mình để phục vụ cho những thuyền nhân Cuba. Tất nhiên chẳng có hy vọng gì cho một sự chuyển biến như thế. Những chuyện như thế chỉ xảy ra trong các tiểu thuyết của García Márquez mà thôi./.

 

Enrique Krauzelà biên tập viên của Letras Libres. Tiểu luận này được Natasha Wimmer dịch từ tiếng Tây Ban Nha.Bản tiếng Việt : Hiếu Tân. November 7, 2009  

 

 



[1] 0,454 kg

[2] 28,35 g

[3] Caudillo là một từ tiếng Tây Ban Nha mô tả một lãnh tụ chính trị-quân sự đứng đầu một chế độc độc tài chuyên chế (sếp, tư lệnh, người hùng, như Simón Bolivar) hay những lãnh tụ có sức lôi cuốn quần chúng (như Jorge E. Gaitán). Các Caudillo có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử châu Mỹ Latin. (Theo Wikipedia)

 

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2934
Ngày đăng: 20.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngôn ngữ của Kertész Imre - Nguyễn Hồng Nhung
Đọc “Tiểu Luận” Của Lê Đạt- 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Đọc “Tiểu Luận” Của Lê Đạt- 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Cái Thế Lực Của Nhà Văn Hào - Phan Khôi
Cấu Trúc Hình Tượng Không Gian Trong Tiểu Thuyết Sông Côn Mùa Lũ Của Nguyễn Mộng Giác - Nguyễn Thị Kim Oanh
Nghĩ Về Thơ Tô Thùy Yên, Thơ Bảy Chữ Có Ưu-Thế Hơn Thơ Tự Do - Trần Văn Nam
Đọc Lại Truyện Kiều-1 - Hiếu Tân
Đọc Lại Truyện Kiều-2 - Hiếu Tân
Về Quái - Nguyễn Bình Phương
Con tim và lý trí của thi sĩ Xuân Diệu: giai đoạn 1954-1958 (phần 4) - Lại Nguyên Ân
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)