Tặng c.Huyền
W1
Nước. Trái Đất.
¾.
Nước mặn. Nước ngọt.
Nước mặn chiếm ¾ Trái Đất.
W2
1 phút sau.
Không đúng. Chậm quá.
Chỉ cần một nửa của một phút thôi.
30 giây sau.
W3
Một đường kẻ màu đen xuất hiện trên một mặt phẳng có hoa văn sọc carô màu xanh dương.
W1
Đường kẻ màu đen ở W3 nằm đè lên dòng chữ: “Nước mặn chiếm ¾ Trái Đất”.
Một dòng chữ mới xuất hiện với kiểu chữ nắn nót cầu kì:
Nước ngọt chiếm ¾ Trái Đất
W4
Người ta hay bị lầm lẫn giữa sự thật, câu chuyện và tin tức.
“Nước mặn chiếm ¾ Trái Đất” là sự thật.
“Nước ngọt chiếm ¾ Trái Đất” là tin tức.
Và câu chuyện có thể là nước mặn, có thể là nước ngọt.
Từ đó, theo ngôn ngữ của tổ hợp thì sự thật và tin tức là tập hợp con, là phần tử, là cái nằm trong câu chuyện. Theo cách hiểu của ba dấu so sánh cơ bản: >,=,< thì sự thật và tin tức chỉ có thể nhỏ hơn hoặc bằng câu chuyện. Nó không thể kháng cự ra khỏi ranh giới của câu chuyện.
W5
Anh là người thích viết về sự thật.
Cô là người thích viết về câu chuyện.
Số đông mọi người trong chiếc hộp ấy thích tin tức. Nghĩa là tất cả những công việc xoay quanh “tin tức”: đọc tin, viết tin, tạo tin, biến đổi tin, tổng hợp tin, truyền tin và…hủy tin.
W4
“Nước mặn chiếm ¾ Trái Đất” cũng có thể là tin tức
“Nước ngọt chiếm ¾ Trái Đất” cũng có thể là sự thật.
Điều này xảy ra khi một ngày nào đó, ¾ Trái Đất thật sự là nước ngọt và con người đã quá quen thuộc với việc đó đến nỗi nhàm chán. Thế rồi ¾ nước ngọt đó bỗng trở nên mặn chát.
W5
Mọi người chơi trò “Nếu…thì…”
Cô viết chữ “nếu”
Anh viết chữ “thì”
W2
3 phút đầu tiên.
Một chữ nếu và một chuỗi từ ngữ khác được viết đằng sau nó.
20 giây sau đó.
Mệnh đề nếu ấy bị xóa đi.
1 phút sau.
Một chữ nếu mới kèm theo một chuỗi từ ngữ mới xuất hiện.
Thế nhưng,
Lại chỉ mất 1 phút.
Để viết chữ thì và chuỗi từ ngữ hợp với chữ ấy.
W4
“Con chó cắn người thì không phải là tin. Nhưng người cắn chó thì lại là tin”
Liệu có một ngày nào đó, người cắn chó không còn là tin tức nữa không?
Chỉ những gì trái ngược với sự thật mới gọi là tin tức. Nhưng đồng thời, tin tức cũng phải là một phần của sự thật. Nếu chuyện “người cắn chó” chỉ đơn thuần được viết dựa trên trí tưởng tượng của một ai đó thì người ta sẽ gọi nó là câu chuyện.
Hiểu theo khía cạnh này thì “sự thật” là cha đẻ của hai đứa con “tin tức” và “câu chuyện”. Đứa con nào giống cha nhiều hơn thì sẽ là “tin tức” và ít giống hơn thì là “câu chuyện”. Kể cả khi hiểu như vậy, “câu chuyện” vẫn lớn hơn cả “sự thật”. Vì câu chuyện bao gồm “sự thật” và “tưởng tượng” trong khi đó, “sự thật” thì chỉ là “sự thật”.
Bởi lẽ như thế mà sự thật luôn ghen tị với câu chuyện. Vì trong thế giới của sự thật có hai loại: sự thật là chân lí và sự thật không phải là chân lí.
Sự thật là chân lí có hai loại: loại thuộc về tự nhiên và loại thuộc về số đông.
Ví dụ:
Sự thật tự nhiên: Nước sôi ở 1000C.
Sự thật số đông: Một người mẹ sẽ không bao giờ tạt nước sôi lên người con gái mình.
Sự thật không phải là chân lí thuộc về số ít.
Ví dụ:
Một người mẹ tạt nước sôi vào con gái mình nghĩa là bà ta không bình thường.
W1
Trong một khối lập phương.
Khối lập phương này thuộc không gian 3D (Hẳn nhiên rồi. Đây là thông tin thừa. Gạch đi em!).
Trong một khối lập phương.
Khối lập phương này có hình dáng bình thường như bao khối lập phương khác (Nó bình thường thì không cần ghi)
Trong một khối lập phương.
Chỉ là một khối lập phương (Sao em cứ ghi mãi thông tin thừa?)
Trong một khối lập phương.
W3
Có rất nhiều loài thực vật hình chữ nhật (3D) bốn chân màu nâu gỗ.
Có một thực vật hình chữ nhật (2D) màu đen hoặc xanh lá cây.
Có những khối trụ màu trắng tuổi thọ không dài. Nó chết vì bị loài 2D bào mòn cơ thể theo thời gian.
Và có một cái bục.
W4
Đa phần, sự thật không phải là chân lí thường dễ trở thành tin tức vì nó mới lạ. Vấn đề nằm ở chỗ khi nó được đưa lên mặt báo, người ta dễ bị lầm tưởng tin tức là câu chuyện.
Một người mẹ tạt nước sôi vào con gái mình. (Vẫn chưa đủ hấp dẫn)
Nếu cô ấy không phải là người bình thường, ngoại hình thực sự là điều quan trọng với cô ta. Cô ấy là người mẫu chẳng hạn? (Bắt đầu có vấn đề rồi đấy. Nhưng cô ấy bị bỏng ở chỗ nào? Nếu là những vùng kín thì không có gì để viết cả)
Khuôn mặt cô ấy bỏng nặng, không thể làm người mẫu được nữa (Hãy nhanh viết tin này, không thì các báo khác sẽ viết trước)
Những tin vắn. Những bài viết tường thuật. Những cuộc phỏng vấn: tâm trạng của cô gái, của người mẹ, của người yêu cô gái, của những người bạn đồng nghiệp, của luật sư, của bác sĩ tâm thần trị liệu cho người mẹ…v.v…và cả của những người…dưng nước lã với cô gái (hay còn gọi là phản hồi độc giả). Hình ảnh cô gái nằm trên mặt phẳng hình chữ nhật đánh số 1, rồi từ từ lùi dần về số 2, số 3, số 4…cho đến khi người ta quên mất cô nằm ở mặt phẳng số mấy. Cô biến mất như chưa bao giờ tồn tại. Điều còn lại duy nhất sẽ chỉ là một thứ cảm giác gần với sự lầm tưởng. Người ta không hề nhớ rằng mình đã đọc cái gọi là tin tức mà chỉ nhớ rằng mình đã đọc một câu chuyện. Thứ cảm giác này khiến người ta thấy yêu bản thân mình hơn vì lí do: tôi là một người công dân có trách nhiệm với xã hội, một con người mang đầy tính hướng thiện, luôn quan tâm đến đồng loại của mình. Nhìn này, tôi cũng biết đau, biết tức giận, biết buồn, biết…,biết đồng cảm với nỗi lòng của người trong…câu chuyện.
Khi sự quan tâm của số đông không còn tồn tại nữa, nếu vẫn có một ai đó tiếp tục kể về cuộc sống của cô gái thì những trang viết ấy là câu chuyện.
W5
Người yêu của cô gái bị mẹ tạt nước sôi phát biểu trên mặt báo: Cho dù khuôn mặt của cô ấy đã bị hủy hoại, tôi vẫn yêu cô ấy. Đơn giản bởi tôi yêu con người bên trong cô ấy chứ không phải chỉ yêu ngoại hình. Tôi nghĩ rằng mình sẽ sớm quen với khuôn mặt mới của cô ấy thôi.Từ bây giờ, tôi sẽ luôn ở bên cạnh cô ấy.
Người đọc 1, nữ, 15 tuổi: Tình cảm của hai anh chị thật đẹp và lãng mạn. Chúc hai người mãi hạnh phúc bên nhau.
Người đọc 2, nam, 19 tuổi: Anh thật là một người đàn ông có trách nhiệm. Em cũng sẽ cố gắng hết mức để có thể chịu trách nhiệm đến cùng với người bạn gái của em giống như anh
Người đọc 3, nữ, 28 tuổi: Liệu có thể tin được những lời đẹp đẽ này không? Nếu anh đã nói vậy thì hãy cố gắng giữ lời hứa với cô ấy. Đừng chỉ hứa suông!
…
W2
Gần mười năm đã trôi qua.
Bây giờ là những ngày chớm đông.
Vào tháng 6, người ta hát: “Tháng 6 trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa…”
Vào tháng 9, người ta hát: “Tháng 9 trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa, thôi trời đừng mưa…”
W5
Cô tự hỏi bây giờ người yêu của cô gái ấy có còn yêu cô không? Có còn ở bên cạnh cô như đã hứa không?
Đương nhiên, cô không thể biết được vì báo chí sau đó đã không đưa tin cuộc sống của cô gái ấy như thế nào, cô làm sao để vượt qua được cơn địa chấn khủng khiếp trong cả tâm hồn lẫn thể xác ấy?
Nếu báo chí không viết, có lẽ cô ấy đã lầm lũi sống ở một góc khuất nào đó trong cuộc sống này và có lẽ cô ấy cũng đã lầm lũi biến mất…
Có lẽ anh người yêu ấy đã lập gia đình với một cô gái khác…
Anh tự hỏi sau khi hết tiết học này, trở về nhà anh sẽ làm gì? Ngày mai, anh sẽ làm những gì, sẽ gặp những ai, sẽ học được những điều gì, sẽ nói những gì? Anh phải làm như thế nào để thực hiện ước mơ của mình?
Đương nhiên, anh luôn biết được câu trả lời ngay lập tức vì mỗi ngày trôi qua, anh đều lên kế hoạch rất cụ thể cho những gì mình sẽ thực hiện.
W3
Rào…rào…rào…
Một cơn mưa lớn ập tới.
Mưa ư?
Cô muốn viết về cô gái ấy. Viết về một câu chuyện. Cô gái bị bỏng nặng. Cô gái bị bỏng nhẹ. Cô gái không bị bỏng. Tất cả các trạng huống đều có thể viết thành một câu chuyện.
Nước mặn chiếm ¾ Trái Đất.
Có đem áo mưa không nhỉ?
Anh hầu như luôn có khả năng giữ cho đầu óc mình tập trung một cách cao độ vào những mục tiêu cụ thể. Anh không lãng phí nhiều thời gian để suy nghĩ vẩn vơ.
Nước mặn chiếm ¾ Trái Đất cũng được mà nước ngọt chiếm ¾ Trái Đất cũng chẳng sao.
W3 & W5
Người đứng trên bục thứ 1: Thưa các bạn, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, lớp báo chí chúng ta tổ chức trò chơi “Nếu…thì…”
Người đứng trên bục thứ 2: Sau khi phân chia ra khu vực viết “Nếu…”, khu vực viết “thì…” và chờ đợi các bạn viết, cuối cùng, chúng tôi đã thu thập lại được những tờ giấy viết “Nếu…” và những tờ giấy viết “thì…” vào 2 bọc nylon.
Người đứng trên bục thứ 1: Bây giờ, tôi sẽ đọc “Nếu…” và bạn (chỉ vào người thứ 2) sẽ đọc “thì…”
Người đứng trên bục thứ 2: Vâng. Chúng ta hãy cùng chờ xem sẽ có những mệnh đề bất ngờ nào xuất hiện đây.
Người đứng trên bục thứ 1: Nếu như tôi có thật nhiều tiền
Người đứng trên bục thứ 2: Hihi, bạn này có lẽ rất chăm học, chăm học đến nỗi bị ám ảnh nên viết câu là…
Đám đông: Nói đi! Nói đi! Nói nhanh đi!
Người đứng trên bục thứ 1: Bạn cũng làm mình hồi hộp quá.
Người đứng trên bục thứ 2: thì tôi sẽ cắn con chó và bị con chó cắn lại.
Nếu như tôi có thật nhiều tiền thì tôi sẽ cắn con chó và bị con chó cắn lại.
Tiếng vỗ tay. Tiếng cười đùa.
(…)
Người đứng trên bục thứ 1: Ôi! Câu này mình đọc lên không hiểu gì hết. Không biết có nên đọc không nữa.
Đám đông: Đọc đi! Đọc đi!
Người đứng trên bục thứ 1: Vậy mình xin phép đọc. Nếu trên Trái Đất này nước ngọt chiếm ¾ .
Người đứng trên bục thứ 2: Mình thì lại nghĩ nó không có gì khó hiểu. Có lẽ là do bạn này rất thích uống Pepsi, Cocacola thôi mà. Ồ! Tờ giấy trong tay mình thì lại là…
Đám đông: Là gì? Là gì? Đọc nhanh đi!
Người đứng trên bục thứ 2: thì tôi sẽ nói là bạn bị điên.
Đám đông vỗ tay rần rần. Những tiếng cười sặc sụa kéo dài. Bên ngoài, trời vẫn mưa to.
Nếu trên Trái Đất này nước ngọt chiếm ¾ thì tôi sẽ nói là bạn bị điên.
W4
“Hỡi những dòng sông!
Tại sao nước mặn chiếm ba phần tư trái đất?
Tại sao con người lại ít cười hơn khóc.”
(Trích thơ Những đối lập-Vi Thùy Linh)
W5
Nếu trên Trái Đất này nước ngọt chiếm ¾ thì có lẽ con người sẽ hạnh phúc hơn.
Cô đứng bên trong một dãy hành lang dài, lặng lẽ nhìn màn mưa phủ dày đặc bên ngoài và suy nghĩ như thế.
Nếu trên Trái Đất này nước ngọt chiếm ¾ thì điều đầu tiên xảy đến sẽ là hàng ngàn, hàng triệu đàn kiến lũ lượt bò lên khắp mặt đất. Không biết chừng khi đó, điều kiện tự nhiên thay đổi, Trái Đất này sẽ không phải là nơi thích hợp cho con người nữa. Chủ nhân mới của nó sẽ là loài kiến. Nếu con người không thể chạy trốn sang những hành tinh khác, cơ thể họ sẽ loang lổ những vết phồng rợp, những đau đớn. Họ sẽ bị lũ kiến dày vò, cấu xé. Họ cũng chẳng còn nghe thấy nhau nữa vì đã bịt chặt hai lỗ tai. Họ muốn trước nhất phải bảo vệ được não, bảo vệ bản thể của mình tránh xa lũ kiến...
Anh rùng mình khi tưởng tượng những giọt mưa đang chảy trôi qua khuôn mặt mình là nước ngọt và nếu không cẩn thận, lũ kiến sẽ làm nó biến dạng.
Mưa lạnh và gió thổi mạnh. Những hàng cây yếu ớt ngả nghiêng, xiêu vẹo. Trên mặt đường, nước đã chảy thành dòng. Người ta hối hả đi qua nhau và làm nhau ướt. Ướt vì những tia nước bắn nghiêng.
Anh lại rùng mình. Lần này không phải vì tưởng tượng mà vì lạnh. Chiếc áo mưa ướt sũng nước dính chặt vào người anh. Anh tập trung để đi hết con đường trắng xóa trước mặt và nghĩ về hình ảnh chiếc xe bus đang đến. Những suy nghĩ vẩn vơ không còn tồn đọng chút nào trong anh.
Ở dãy hành lang dài ấy, cô vẫn mải mê nhìn ngắm mưa và chìm đắm trong những giả thiết không tưởng của mình.
H
Những cây cầu không thể nối được hết hai bờ của những con sông chảy dài trên khắp Trái Đất. Có những con sông chỉ thấy một đường chân trời xa tít tắp. Màu xanh dương ấy trải nỗi cô đơn của bờ bên này muốn chạm vào bờ bên kia kéo dài…mênh mông, vô tận.
Dường như, luôn có một điều gì đó bị khuyết đi.
Kể cả khi có những cây cầu bắc ngang hai bờ, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc tất cả đã vẹn toàn. Giống như phần phía trên và phía dưới của chữ H luôn có một khoảng trống.
Trong nhiều trường hợp, dường như câu hỏi “tại sao” dễ trả lời hơn là “như thế nào”.
Tại sao nước mặn chiếm ba phần tư trái đất?
Nhiều nhà khoa học có thể tụ hợp lại, nghiên cứu và cùng đưa ra một câu trả lời.
Nhưng,
Thứ nước chiếm ba phần tư trái đất ấy mặn như thế nào?
Lúc ấy, sẽ cô đơn biết dường nào khi ta phát hiện ra con người khó có thể đưa ra quan điểm chung cho câu hỏi “như thế nào”.
Nước sôi thì sao?
Nó có vị như thế nào? Mặn hay ngọt?
Tôi thấy rồi.
Một làn khói trắng bay lên. /.
20.10.2010