Đám tang Tư “ người rừng” không có mấy người. Chỉ có một ông thầy chùa là người lạ, còn tất cả là mấy anh em bên đồn biên phòng Tân Hoà. Đủ số cho việc đào huyệt cho Tư , lấp đất và trồng lên đó một bụi cỏ làm dấu. Rồi ngôi mộ này cũng như thân phận lão thôi. Sẽ chẳng có một ai thăm viếng và nhang khói.
*
Lão ở đây từ hồi nào đến giờ, không ai biết. Chỉ người biết thì gọi lão là Tư và kèm theo hai chữ “ người rừng “. Giữa cánh rừng già có một cái chòi nằm gác lên hai thân gỗ lớn. Có một đường xuống suối. Có một đường khác vào rừng. Từ ngày có bội đội biên phòng về đóng quân con đường mòn mới được nới rộng ra chút ít, còn trước kia, nó chỉ vừa bước chân cho một người đi.
Lão sống ở đây từ bao giờ, ngay cả lão cũng không biết. Biết mà để làm gì. Với lão, tháng ngày chẳng có ý nghĩa gì hết. Cứ mặt trời mọc là buổi sáng, mặt trời lặn là buổi chiều. Ngủ một giấc là đến thêm một ngày nữa. Bản thân lão cũng không biết lão từ chỗ nào sinh ra. Những lúc cực quá, lão chửi đ. má thằng nào, con nào chơi nhau đã tòi ra lão để lão khổ đến như vậy. Khi lớn lên, lão mới biết lão đang ở với ông bà già nuôi. Ông già nuôi lão biểu rằng: trong một lần đi giao hàng ngoài bến sông, lúc trở về thấy một thằng nhóc đặt trên cỏ, trần truồng không mảnh vải che. Thế là lão được ông già rước về. Người ngợm lão lúc đó đã sần lên những nốt muỗi trích, kiến cắn và vắt đeo. Thế mà lão vẫn cứ sống. Lão sống giống như một thứ cây tầm gởi , đeo vắt vẻo vậy mà cứ sống hoài. Mấy thằng con ông già nuôi lão rất ghét lão. Nhất là thằng Út. Nó cho rằng vì lão bú hết sữa mẹ nó nên nó thì èo uột, còn lão cứ phì ra, lớn hùi hụi. Trong nhà chỉ có con chị gái là có vẻ thương lão. Ấy là hồi nhỏ. Sau này lớn lên một chút, lão biết, con bé đâu có thương lão, chẳng qua nó thích cái củ tỏi giữa hai đùi lão thôi. Thỉnh thoảng con bé tìm cách lùa tay vào đó. Nhột thấy mẹ. Lão bỏ chạy vào rừng. Cũng tội con bé. Sống giữa đám thợ rừng, toàn bậc cha chú không, trong khi đó nó đã đến tuổi dậy thì.
Lão không có người thân nào hết. Thân xác lão to lớn, kềnh càng, vậy mà cũng chẳng vợ con gì. Người ta kháo nhau rằng, lão không còn bộ tam sự nữa. Lão ở rừng lâu, làm nghề cưa cây vào loại thành thạo. Vây mà ngu. Có một lần cây lão cưa tựa vào một cây khác không chịu đổ theo ý muốn. Lão điên lên vác bùa chém lung tung. Một cây nhỏ uốn cong như cây cung, bị lão chém một nhát bật tung lên, quất ngay vào giữa háng lão. Lão bất tỉnh mấy ngày. Lão không chết, nhưng lão mất luôn cái thứ dùng để truyền giống nòi. Lão không buồn. Lão biểu: Cần cái đ. gì. Cái giống con hoang không truyền càng tốt.
Chiến tranh kết thúc. Rừng đóng cửa. Tất cả các toán thợ rừng giải nghệ. Lão rút về rừng bên Việt, gác chòi sống. Hình như lão không có hứng thú di chuyển nên lão ở riết chỗ này khiến cái gì cũng kèm theo tên lão. Suối “ Tư người rừng”. Phân khu Tư “ người rừng”. Trảng Tư “ người rừng”. Lão sống bằng những thứ rừng có. Chỉ có gạo, mua, phải nhờ anh em đồn biên phòng Tân Hoà giúp. Đôi ba lần cánh cắt gỗ lậu kêu lão nhập cuộc. Lão lắc đầu từ chối. Làm giàu lão không ham. Có một mình giàu có mà làm gì. Không vợ, không con, chẳng phải lo. Làm đến đâu, ăn đến đó, chết là hết. Cần quái gì.. Sau này, khi bộ đội biên phòng lên đóng quân, cánh chiến sĩ biên phòng lâu lâu tuần tra lại ghé lão, uống hớp nước, tán ba câu chuyện và nhắc lão cảnh giác đề phòng những chuyện bất trắc. Lão không biết rằng lão giống như hơi người trong nhà hoang vậy. Có lão ở đó tức rừng có chủ. Lão làm cái việc giữ đất biên cương một cách vô tình như vậy đó. Nổi tiếng thợ rừng một thời, nên cánh thợ rừng lau nhau cắt gỗ lậu cũng kính nể lão, không dám qua mặt lão, ít nhất là ở khu rừng lão ở.
Lão chết, người ta mới có dịp bàn nhiều về lão. Chuyện của lão giống như chuyện hoang đường vậy.
Cánh rừng mà ngày nhỏ Tư ở với gia đình lão thợ rừng có hai mắt trố lồi ra ngoài và mụ vợ đồ sộ nằm rất sâu trong rừng già bên đất Miên. Họ vào sâu như vậy nhằm tránh càng xa cuộc chiến tranh càng tốt. Ở đó chỉ có một con suối mùa nắng nước trong veo róc rách chảy. Mùa lũ nước cuồn cuộn, đục ngầu. Có một con đường duy nhất từ nơi khai thác ra bãi tập kết gỗ. Con đường này do chính những sơn tràng tạo ra. Ban đầu nó chỉ là một lối mòn nhỏ. Những chiếc xe cù cây được những người thợ tháo rời ra, mang vào tận đây mới ráp lại . Những chiếc xe cù cây ấy có công mở rộng con đường ra bằng những chiếc bánh xe lăn hoài ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Mỗi chiếc xe cù là hai con trâu kéo. Những con trâu con nào con nấy nung núc thịt . Chúng nó được chăm sóc rất kỹ, vì nó là phương tiện duy nhất đưa gỗ ra ngoài. Thợ sơn tràng không ở nơi nào cố định. Khai thác hết khu này lại chuyển đi đến nơi khác. Rong ruổi trong rừng ngày này sang tháng khác. Họ tạo ra xã hội riêng của họ với những sinh hoạt thực đơn giản. Ăn , ngủ, lên rừng, cưa, chặt , về, ăn rồi lại ngủ. Chiến cuộc, thời sự họ chẳng có thời gian để mà màng tới.
Họ không phải đối mặt với chiến tranh nhưng lại phải đối mặt với những khắc nghiệt của rừng. Trước hết là cái nắng. Ai cũng nghĩ rằng trong rừng sẽ mát mẻ khi ngoài trời có cái nắng gắt gao. Nhưng không phải như vậy. Nắng xứ rừng đất Miên khác rất nhiều so nắng ở những miền rừng khác. Nằng hừng hực như có lửa. Gió bốc những luồng không khí khô và nóng táp xuống đất. Mặt đất khô đi rất nhanh. Lúc đó, không chỉ có không khí nóng mà bất cứ cái gì trong rừng cũng nóng lên. Lá cây héo queo. Thân cây nóng rực. Ngồi đâu cũng thấy nóng. Cái nóng kéo dài từ lúc mặt trời mới mọc, đến tận nửa khuya vẫn còn nóng. Những ngày ấy, những người thợ rừng thức rất khuya. Tập thể những con người sống tách biệt chẳng có việc gì làm vào những đêm nóng nực ấy. Họ nhậu, kể chuyện tiếu lâm và hát những bài hát không đầu không cuối. Đến lúc cơn buồn ngủ kéo sập mí mắt xuống họ mới lăn ra ngủ. Lúc ấy cũng là lúc những giọt sương rớt lộp bộp xuống mái lán, thấm ướt những ngọn cỏ và sũng ướt trên những ngọn cây. Những người thợ rừng co quắp nằm ngủ. Nhưng lưng họ, cái nóng từ đất bốc lên , hầm hập, khó chịu. Giấc ngủ của người thợ rừng vì thế mà cứ chập chờn. Sáng sau ai cũng phờ phạc. Bước chân vào nơi khai thác của họ uể oải. Một ngày vật lộn với những khối cây, mồ hôi tuôn ra như tắm. Bao nhiêu nước mang theo cũng không đủ. Nhiều khi phải dùng đến nước trong các bọng cây, nước trong các ống tre, nước trong những dây leo. Cuối ngày, người nào, người nấy khô kiệt và mệt mỏi.
Nắng là vậy, còn mưa. Những trận mưa theo mùa dai dẳng đổ sập xuống rừng bất cứ lúc nào. Cũng có lúc thì trời kéo vần kéo vũ, sấm chớp nhì nhằng cả giờ đồng hồ rồi mưa mới trút xuống. Nhưng cũng có lúc chẳng cần báo trước, bỗng nhiên trời tối thui lại và sau đó như có nước dổ xuống. Những hạt mưa giống như những viên đá quất xuống rừng. Cây cối ngả nghiêng, lá cây bị xé nát te tua. Trong rừng chỉ còn một thứ âm thanh rào rào . Thỉnh thoảng lại có một cơn gió. Rừng gầm lên, tưởng như sẽ có một cơn quằn quại , hất đổ tất cả những gì đậu trên đất. Nước trút thẳng xuống đất. Nước trườn theo những thân cây, đổ tràn xuống mặt đất. Mặt đất mùa nắng bị xắt khô lại thì lúc này nước ngấm xuống biến mặt đất thành một thứ bùn sình nhão nhoẹt. Con suối mùa nắng xinh xắn, dịu dàng và trong trẻo là thế, bây giờ bỗng trở nên hằn học vì nước đổ từ trong rừng xuống. Nó phải chứa tất cả những gì mà con nước tuồn xuống. Lá cây mục, những xác thú vật chết , bùn sình . Quá nhiều những thứ dơ bẩn trút xuống dòng suối. Con suối không còn giữ được mình nữa. Đến lúc này chính nó đã cuốn hết tất cả những gì gặp trên đường đổ ra sông. Không chỉ lá cây, không chỉ sình lầy, không chỉ xác súc vật mà chính nó moi móc những gì có thể moi móc được mà cuốn trôi đi. Móc đất hai bên bờ. Móc rễ những cây cối rồi lật đổ nó xuống và kéo tuột trôi theo con nước đang cuộn sôi gầm gào. Cơn giận của con suối chính là cơn giận của núi rừng. Không ai có thể cản trở được cơn giận dữ ấy. Chỉ có thời gian. Khi trở về mùa nắng, tự nhiên thôi con suối lại trở nên hiền hoà. Những tiếng róc rách, róc rách như một khúc hát du dương, khiến người ta có thể quên đi cơn giận của con suối trước đó.
Nắng có thể làm những người thợ rừng gian khổ, nhưng còn gian khổ hơn khi gặp mưa. Khi cơn mưa dứt là phải vào khai thác.Không đi không đi không được. Người đốn gỗ cũng như người làm ruộng. Công sức bỏ ra quần quật, nhưng phần thu chỉ bằng một chút so với những người mang hạt lúa từ nơi này đi nơi khác buôn đi bán lại. Cây gỗ đốn xuống đổ biết mấy mồ hôi, nhưng cũng chỉ là lấy công làm lời. Mưa dứt là phải vào rừng. Đường vào rừng ướt chèm nhẹp. Không một ai khô ráo. Ướt từ đầu tóc xuống đến chân. Chân tay bết dính sình bùn. Cầm cái gì cũng trơn tuột. Mặc quần áo mà làm thì vướng víu khó chịu. Mà lột quần áo ra thì vắt cắn. Những con vắt như những những mũi tên, búng tanh tách khi nhận ra hơi máu của những con người. Quần phải bó túm ống. Tay áo cũng phải cột lại. Vậy mà khi rời khỏi nơi khai thác, người nào cũng vài ba vết vắt cắn, chưa cầm được máu. Có cả những con vắt đeo lủng lẳng chưa chịu nhả ra trong khi mình nó đã no mòng máu. Công việc ngày nắng vất vả thực nhưng không ăn nhằm gì với công việc ngày mưa. Người thợ rừng đánh vật với từng khúc cây. Tìm được một chỗ đứng chân cho vững thực khó. Nếu không lún sâu xuống đất thì chuội đi vì quá trơn. Cây cưa trong tay nhiều khi quay mòng mòng không muốn nghe theo lời người thợ. Những chiếc búa cứ muốn văng tuột đi . Ngày nắng chém nhát nào trúng nhát đó. Còn trời mưa, nhiều khi muốn chém một nhát phải nhớm nhứ mấy lần mới buông được một búa. Thế vẫn chưa cực bằng khi cù cây ra. Bình thường, chỉ cần ba người có thể néo được cây vào xe cù. Còn khi mưa, năm sáu người bu lại mà vẫn khó. Những cây đòn xeo khi quăng, khi quật, quăng quật cả những ngừơi đang điều khiển nó. Những chiếc chạc quấn được đầu này, đầu kia sút ra. Hì hục, nhiều khi chửi nhau toáng cả rừng mới cù được một cây. Xe cù đi , người phải đi theo . Nhiều khi trâu cũng bất lực trước con đường lầy lội. Lúc đó con người lại phải ra tay. Ngừơi đẩy , người bắt bánh và la hét . Những tiếng la hét có nhịp như hò chèo thuyền . Khi đưa được cây gỗ về bãi, mình mẩy ai cũng bê bết bùn. Bùn văng cả lên mặt, bùn chét lên mình. Lúc đó cả bọn chỉ có nước ngồi mà thở hồng hộc. Mặt ai nấy còn hơn bánh tráng nhúng nước. Mềm èo và dúm dó. Những lúc đó là lúc họ nguyền rủa chính cái nghề họ chọn. “ Cực quá trời ơi. Nghề con c. gì mà cực thế này chớ”…Họ la lên như vậy giữa rừng.
Nhưng còn có chuyện khác còn kinh khủng hơn chuyện nắng và mưa ở rừng. Đó là chuyện mà Tư cho đến hết cuộc đời mình , quên đi thôi thôi, nhớ lại vẫn cứ phải kinh hoàng.
Hôm đó vẫn là thằng Út và Tư ở nhà. Khi cả nhà đi hết , bỗng nhiên có một con mễn con chạy xộc đến. Nó chui tọt vào trong lán và rúc vào thật sâu trong gầm sàn. Hai con mắt nó nhìn ra ngoài lơ láo. Ngay cả khi Tư và thằng Út ngó vào, nó cũng không hề sợ hãi. Hai mắt nó vẻ như van nài điều gì. Thằng Út kêu:
- Mày lấy cái dây cho tao, mày.
- Chi vậy ? - Tư hỏi lại
- Bắt nó chớ chi.
Tư chạy ra ngoài. Lát sau quay lại, trên tay nó là một sơi dây mũi trâu. Nó đưa cho thằng Út . Thằng Út rúc vào gầm sàn. Con mễn lúc này mới hoảng hốt bung ra. Nó thúc vào bụng thằng Út một cái làm nó bật té ngửa văng ra ngoài. Còn con mễn thì dông tuốt. Thằng Út tức tối, phóng giò đuổi theo. Nhưng đôi chân thoăn thoắt của con mễn đã bỏ xa thằng Út và lẩn ngay vào rừng. Chắc con mễn chạy đụng phải ổ chó tróc nào nên tiếng những con chó tru lên nghe như những tiếng rên thảm thiết. Nhưng đâu có phải chỉ có tiếng chó ở đây, mà hình như tất cả các bầy chó tróc suốt một dải rừng già này cùng tru lên. Khi gần, khi xa , khi văng vẳng khi sát bên tai . Chúng như đang gọi nhau mà cũng như đang gắt gỏng báo cho bầy đàn khác rằng, hãy coi chừng đừng xâm lấn lãnh thổ của ta. Thằng Út và Tư bỗng kinh hoàng nghe rần rần những bước chân chạy thục mạng của những con chó tróc. Thoắt một cái , một bầy mấy chục con ào qua ngay trước mặt chúng. Bình thường nhìn thấy một con còn khó, nay nó chạy cả bầy trước mặt . Hai thằng đã từng nghe bầy cho tróc đánh gục cả con bò rừng , rồi chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, con bò chỉ còn lại một bộ xương. Những con chó lông xám, có hai cái tai nhọn hoắt dựng lên, cái mõm nhọn như mõm cáo và hai chân nhỏ như chân cheo ấy là lũ tạp ăn . Chúng không mấy khi đi riêng lẻ. Ở đâu là ở nguyên bầy. Bị tấn công là cả bầy xúm lại giải vây. Tất cả mọi con mồi đều là của chung. Lâu lâu chúng sát phạt nhau một trận. Đó là vào mùa dựng đực của những con cái. Cái giống chó cái bao giờ cũng ít hơn lũ chó đực. Nên mùa nào chúng cũng có một trận hỗn chiến. Sau trận hỗn chiến, ngay cả con chiến thắng cũng bấy bá thân xác. Nó phải nghỉ ngơi cho dịu cơn đau rồi mới bắt đầu nhâm nhi thắng lợi bằng cách lại gần con cái và i ỉ rên. Con cái làm như thương nó lắm, liếm láp những vết thương cho nó rồi vểnh đuôi lên, thưởng cho nó một cuộc ái ân trọn vẹn. Nhưng hôm nay nhất định không phải là cuộc sát phạt vì con cái. Cả bọn hướng về một phía chạy thục mạng. Con nào con nấy cong đuôi lên, hùng hục sải những bước dài về phía trước, bất kể trước mặt có gì. Bụi ga, hốc cây, bờ cỏ… chúng bương qua hết. Chúng vừa chạy vừa tru lên. Những tiếng rên man dại cuốn theo sải chân của chúng.
Thấy bầy chó tróc, Tư và thằng Út vội vã leo lên cây sộp trước lán. Chúng mà điên lên thì mạng hai thằng cũng không thoát được. Bầy chó chạy đã xa. Những tiếng tru đã hút vào sâu trong rừng. Hai thằng mới lò dò tụt xuống. Đầu óc non trẻ của hai đứa không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Khi bầy chó tróc chạy qua rồi, hai thằng vẫn còn chưa hoàn hồn. Thằng Út không còn nghĩ gì đến con mễn bị xổng khi hồi.
Cũng lúc đó trên bãi khai thác. Khi một cây sao cỡ hai người ôm vừa được hạ xuống thì lão thợ rừng bỗng ngừng tay, dỏng tai lên nghe ngóng. Ở đây cũng nghe tiếng chó tróc hú. Một bầy ong ở đâu bỗng ào đến như một cơn lốc. Chúng đeo lên một cành cây, con nọ cắn đuôi con kia thành một chiếc nong lớn nhung nhúc, cựa quậy. Nhưng những con bám vào cành cây phía trên không chịu đựng được sức nặng của cả bầy, chúng lại túa bay đi . Cả bầy ong làm thành một đám mây đen kịt cả một khoảng trời . Sau bầy ong là đến một bầy chim. Chúng vừa bay loạn xạ, vừa cất nhưng tiếng kêu khắc khoải . Lão thợ rừng la lên:
- Nghỉ, về bay ơi
Cả bọn ngạc nhiên. Trời đang đẹp thế này sao lại nghỉ. Có người hỏi lão. Lão phát bẳn:
- Tao biểu nghỉ là nghỉ , hỏi chi nhiều.
Nói xong lão tháo cây cưa ra, vác lên vai , tong tả bỏ bãi khai thác ra về. Những người trong toán cũng vội vã dọn đồ về theo. Trong ai , cũng một câu hỏi : Sao vậy cà.
Lão về trong lúc Tư và thằng Út đang ngồi sát lại nhau. Trước mặt chúng là hai con trăn đang quấn vào nhau trong một trận đấu vào hồi quyết liệt. Hình như con nào cũng muốn dùng sức mạnh của mình vặn xoắn để giết chết kẻ thù. Hai cái đầu được giấu kín trong thân mình , chỉ thấy những khúc thịt vằn vện xoắn lấy nhau, không rời. Hai con làm thành một đống lu lù ngay trước mặt hai thằng nhỏ. Rồi bỗng vút một cái hai con trăn rời nhau và quăng mình treo vắt vẻo trên hai cành cây . Đầu trên cây còn cái đuôi thì uốn éo ngay sát mặt đất. Rồi từ hai cây này , hai con trăn quăng mình sang cây khác và biến mất giữa ngút ngàn xanh của rừng.
Hai thằng gần giống như hai con trăn. Chúng vòng tay ôm lấy nhau như để bảo vệ cho nhau. Thấy những người lớn đã về, chúng mừng hết lớn. Hai thằng tranh nhau kể chuyện bầy chó, chuyện con mễn và bây giờ là chuyện hai con trăn. Giọng chúng còn run, nghe cả tiếng những chiếc răng của chúng va vào nhau lập cập. Lão thợ rừng kêu hai thằng:
- Bay sang lán của anh em. Kêu tất cả tập trung lại đây nghe tao biểu.
Hai đứa nhớn nhác không dám nhúc nhích. Lão thợ rừng nổi đoá:
- Bay có đi không thì biểu?
Hai đứa thấy lão trợn mắt vội vàng dắt nhau chạy đi.
Lán bên , anh em đã về cả. Cho đến lúc này họ vẫn không biết vì sao lão thợ rừng lại bỏ dở cuộc khai thác hôm nay. Người cẳn nhẳn, cằn nhằn, người văng tục chửi thề. Nhưng văng tục chửi thề thế thôi, không ai dám. Cả bọn theo lão thợ rừng đã chục năm nay. Người lớn tuổi cũng đã ngoài bốn mươi, người trẻ đã ngoài ba chục. Trên bàn tay người nào cũng đã cộm lên một lớp trai. Vai ai cũng nổi u , nổi cục. Chưa ai dám qua mặt lão kia. Người thợ rừng hơn nhau không phải ở cái sức. Mà hơn nhau cả kinh nghiệm và trí khôn nữa. Lão thợ rừng có tất cả những cái đó. Sức thì lão như voi. Kinh nghiệm thì lão có thừa. Hơn năm mươi rồi, lão như ma xó trong rừng. Chỗ nào dốc, chỗ nào sình lầy , nơi nào có suối , có khe lão biết như có trong tay một tấm bản đồ. Lão có thể chỉ cho cánh thợ mở những con đường ngắn nhất để có thể chuyển được những khúc cây nặng tới cả tấn ra bãi gỗ gần nhất. Chui vào giữa rừng lão có thể chỉ đường ra mà không cần phải sờ mó những gốc cây như những người khác. Nhưng cái khéo của lão không phải chỉ ở đó. Lão có thể chỉ huy cánh thợ hạ những cây thực lớn nhưng nằm rất gọn gàng trên đường cù cây. Có lão, cánh thợ đỡ vất vả nhiều. Hơn thế, lão trong nghề lâu năm, có bao nhiêu lái gỗ lão quen hết , chẳng có lái nào bắt chẹt được lão.
Bảy người kết thành với gia đình lão thành một nhóm. Chỉ có lão là người từ Việt Nam qua làm sơn tràng. Còn lại tất cả đều là người theo gia đình lưu lạc sang xứ Miên này sinh sống. Cũng như bao nhiêu người Việt Nam khác thôi . Người thì cho rằng sang xứ Miên có thể dễ kiếm sống hơn. Người thì chạy trốn khỏi mảnh đất chiến tranh liên miên. Những người may mắn cũng nhiều, mà những người sang đất này thất cơ lỡ vận cũng không phải là hiếm. Rừng là thứ dễ đục khoét nhất nên mới hình thành những cánh thợ như cánh thợ này. Ai cũng đã có một gia đình. Gia đình họ sống ven con đường từ Tây Ninh sang Công- pông- chàm. Ở đấy họ có vợ, có con và có một chút gia sản là những mảnh nương chỉ có thể trồng trọt vào mùa mưa. Người già, người trẻ của gia đình tất cả nhờ và những ngày lặn lội của họ trong rừng xanh núi thẳm. Nên họ phải nghe lời lão thợ rừng để từ lão thợ rừng kiếm chút ít kinh nghiệm để còn tính chuyện nay mai tách đi làm riêng chỗ khác. Lão thợ rừng không dấu diếm chuyện gì. Có gì lão cũng nói hết. Ai hỏi cũng nói. Lão biết lão không thể chui rúc trong rừng suốt cuộc đời được. Mà rừng thì bao nhiêu hiểm nguy. Lão không muốn ai bị sơ xẩy trong lúc sống chui, sống nhủi trong rừng.
Họ tụ về lán của lão thợ rừng. Sao hôm nay lão có vẻ trịnh trọng thế. Chưa ai thấy lão mang đầy đủ quần áo trên người như hôm nay. Lão ngồi trên một khúc cây trước mặt mọi người. Bên cạnh lão là hai thằng con trai , đứa con gái và Tư Rỗ. Như thế biết ngay rằng lão đang muốn nói chuyện với những người thợ rừng. Lão không nói mà lão kể. Chuyện của lão giống y như một truyện cổ tích.
Rằng ngày xưa, con người ta sống chung với muông thú. Hồi đó có những con chim to như con bò và có những con bò nhỏ như những con chó con. Ban đầu loài người và muông thú sống với nhau hòa thuận lắm. Không ai xâm phạm ai. Nhưng trời sinh ra muôn loài. Có loài ăn thịt, có loài ăn cỏ. Chỉ có loài người là biết ăn cả thịt và cỏ. Vì thế lâu lâu con người lại lén trời giết thịt một vài con thịt cho bữa ăn của mình. Muông thú giận lắm, mới kiện lên trời. Trời mới phán rằng, trong các loài vật thì loài người là giống gần với trời nhất, nên tất cả mọi loài vật sinh ra là để cho con người dùng. Thật bất công. Loài vật bèn tìm cách sống làm sao cho giống loài người. Chỉ thương cho mấy giống vật ăn cỏ. Nhưng lại thỏa mãn cho giống ăn thịt. Chúng cũng làm như loài người. Cáo thì ăn thịt gà. Sói thì ăn thịt thỏ, lúc đói ăn thịt cả nhau. Cọp ăn thịt bất cứ con gì ngang qua mũi nó. Sư tử khi cần cũng có thể giết cả hổ làm đồ ăn. Tất nhiên, con người cũng là thứ đồ ăn sang trọng cho lũ thú ăn thịt. Đến cả chó cũng có thể vật cổ con người xuống, cắn đứt cuống họng rồi nhai nghiến ngấu cả xương. Đến cả thịt thối cũng không còn. Loài người bị tấn công nhiều nhất. Vì loài người lúc đó chưa biết dùng đến những thứ vũ khí tự vệ. Mà răng thì không bén như răng hổ, không có vuốt như sư tử, và cánh tay thì không thể bằng đôi chân của những con thú mạnh mẽ, to lớn. Ngừơi mới kiện lên trời. Trời thương con cháu mình mới họp tất cả muông thú và loài người lại . Trời dạy cho con người làm cung nỏ, làm gươm giáo để phòng thân. Trời còn ban cho loài người được sống ở những cánh đồng mênh mông trù phú. Còn loài thú thì trời bắt phải sống ở trong rừng sâu, không được phép đến xứ sở loài người. Chuyện tưởng như thế là xong. Đâu dè, giống người là giống khôn ngoan. Về dưới đồng bằng rồi vẫn cứ thèm thịt muông thú. Những thứ như cung nỏ, gươm giáo mà trời dạy cách làm để tự vệ, thì loài người biến nó thành thứ vũ khí săn bắt muông thú. Loài người lại vào rừng. Họ đi cả đoàn và xem việc săn bắt muông thú là một trò chơi thú vị. Không biết cơ man là thú bị diệt làm mồi cho bữa ăn của con người. Loài thú giận quá, bèn lại kiện lên trời. Trời không những không bênh loài thú mà còn phán rằng: Ta đã nói , loài người được phép dùng tất cả những gì mà ta tạo ra dưới gầm trời này. Loài thú ngậm ngùi ra về. Chúng chạy trốn thực sâu vào trong rừng để tránh những cuộc săn bắn của loài người. Nhưng chúng càng chạy sâu thì loài người càng lấn tới. Họ phá rừng cho dễ tìm con mồi. Những nơi họ phá ra, họ biến thành đồng ruộng hết để con thú không thể về mà săn họ. Uất ức vô cùng, nhưng loài thú không có cách nào để đòi lại những vùng đất đã mất. Một hôm, ba chúa tế của rừng là hổ, sư tử và voi ngồi lại với nhau. Những loài thú khác chầu trực để chờ đợi phán quyết của ba vị chúa sơn lâm. Ba vị chúa tranh cãi rất lâu mà không tìm ra cách để chống lại loài người. Voi giận dữ rống lên. Hổ và sư tư cũng gầm lên. Loài thú ngỡ đó là hiệu lệnh tấn con người, thế là chúng lồng lên xông thẳng xuống những cánh đồng của loài người. Loài người khôn ngoan biết thế nào cũng đến lúc đó nên đã rào dậu kỹ càng, vũ khí sẵn sàng. Loài thú bất lực, không còn cách nào khác, chúng quay lại cãi lộn nhau. Cãi lộn đã đời , chúng xông vào nhau mà cắn xé. Thảm thương cho những con vật bé nhỏ thấp hèn. Chúng trở thành mục tiêu cho cuộc tàn sát. Cọp vật những con bò nhai ngấu nghiến. Sư tử chụp lấy những con mang cắn ngang cổ và moi ruột. Voi không ăn thịt thì dùng vòi cuốn những con vật quanh mình quật xuống đất rồi lấy chân chà nát cho hả cơn giận. Những con trăn thì há hoác miệng ra chụp lấy những con nai rồi cuộn tròn xiết chặt khiến con nai xương xóc vụn tan sau đó từ từ chui vào bụng con trăn. No say máu và thịt, chúng lại kéo nhau về rừng, chờ thời. Càng chờ thời con người càng khôn ngoan hơn. Mọi giận dữ của muông thú cuối cùng vẫn chỉ là trút lên đầu nhau. Lâu lâu lại có một cuộc giận dữ như thế. Người ta gọi những cơn giận của thú rừng là động rừng.
Kể xong câu chuyện đó, lão thợ rừng mới nói:
- Sắp động rừng đó. Từ hôm qua tao đã ngờ ngợ. Mũi tao thấy có những mùi tanh rất lạ quanh đâu đó. Nhưng tao chưa dám chắc, nhưng sáng nay thì rõ lắm rồi. Từ giờ đến chiều, bay phải làm một cái cũi lớn. Không được có một khe hở nào hết. Hễ động tất cả chui vào đó. Chèn cho kỹ, nếu không tất cả sẽ thành mồi cho chúng nó ăn thịt, nghe chưa.
Không một lời bàn cãi. Cả bọn vào cuộc. Trước cơn giận của núi rừng sắp diễn ra, trước cái sống và cái chết còn bàn gì nữa. Chốc lát sau, họ đã chất ngay giữa nơi đang ở một đống gỗ. Cây nào cũng bằng bắp vế. Những cuộn dây mây cũng sắp thành đống. Họ đào những cái lỗ thực sâu để chôn những cây cột cái . Những cây gỗ được kè lại và cột lại với nhau bằng những sợi mây dẻo quánh. Một cái cũi có thể nhốt bốn con trâu cồ và hơn chục mạng người chóng vánh hoàn thành. Đêm tối mới là lúc đáng sợ. Một ngọn lửa le lói là có thể thành mục tiêu cho những cuộc ném bom của máy bay Mỹ. Mà không có lửa thì chẳng thể xua được thú rừng. Họ phải cắt thêm những cành cây trung quân phủ lên trên, để có phải đốt lửa cũng không lọt ánh sáng ra ngoài.
Đến chiều công việc tạm xong. Bữa cơm chiều diễn ra trong một không khí phập phồng lo sợ. Cơm xong, lão thợ rừng kêu vợ con lại. Gương mặt căng thẳng của lão khiến cả lũ vợ con không dám hó hé một lời. Mụ vợ thường ngày chao chát nói không ngớt miệng, hôm nay cũng nín khe. Thằng Út nép vào lưng cha. Cô con gái nép vào lưng mẹ. Cả bọn chờ xem lão thợ rừng sẽ nói gì. Trong tay lão là một con rựa sắc như nước. Hình như ngay từ lúc này lão đã cầm trong tay thứ vũ khí có thể tự bảo vệ mình. Lão nói:
- Bay phải biết nếu tao không xích mích với thằng cảnh sát ở quê thì tao không lên rừng làm gì. Con mẹ chúng mày biết nghe lời tao thì tụi bay chẳng phải lòi ra ở chốn rừng xanh núi đỏ này. Bấy lâu nay, tao đã kiếm được khá tiền. Tao đã biểu dưới nhà xây được một căn nhà nhỏ. Tao không còn muốn ở rừng nữa. Ngán lắm rồi. Tao là tao nói hết thảy mọi đứa. Nhưng tao có lời riêng với thằng Tư . Nếu bay muốn thì theo tao về dưới, sống với tao. Bằng không tao gởi bay lại cho anh em.
Tư nghe mà buồn. Đã có lúc Tư chặc lưỡi: đã là phận con hoang thì ở hoang cho rồi. Nhưng nghĩ lại, nếu không có vợ chồng lão thợ rừng thì đâu có nó hôm nay. Lúc này nó không thể rời xa gia đình lão thợ rừng được. Lão thợ rừng vẫn tiếp:
- Chỉ có người giận người chớ đất đâu có giận ai. Chuyện tao với thằng cảnh sát để đó tao lo. Vì tụi bay tao chấp nó. Vả lại, nó cũng đã hết thời rồi. Già ngắc không học hành gì. Thượng sĩ già miết, nghỉ rồi. Mà nó nghỉ rồi có gì đáng sợ nó nữa đâu. Mà nếu cần tao cho nó một dao, tao ở tù. Bay có vốn liếng nuôi sống nhau được rồi. Nhưng tao biết, thù nên cởi chớ không nên buộc. Chắc nó cũng chẳng còn thù tao chuyện ngày đó nữa đâu.
Là lão nhắc đến chuyện ngày xưa ở Phú Khương lão có bén tiếng với một cô gái. Nhưng cô gái lại theo thằng cảnh sát. Lão điên lên xách dao kiếm thằng cảnh sát, chém một nhát rồi trốn biệt lên rừng. Ngày về cưới vợ, thằng cảnh sát cho người bao vây, tính bắt lão trả thù. Nhưng lão lại tìm nó trước. Nó vừa về đến nhà, đã thấy lão lù lù ngồi giữa nhà. Vợ con nó ngồi tím mặt trong một góc. Vừa thấy mặt nó, lão vung dao chém mạnh. Một góc bàn đá bay mất. Lão dơ dao chỉ mặt thằng cảnh sát:
- Tao về cưới vợ. Cưới xong tao đi liền. Mày đừng dở trò. Tao mà có làm sao, bọn thợ rừng bạn tao về cắt đầu này cho chó gặm, nghe chưa…
Thực hiện đúng lời nói ấy, cưới vợ xong, lão mang vợ lên rừng ở.
Hôn nay, lão nói bằng một giọng hiền lành chưa từng có. Từ xưa đến giờ, chưa bao giờ lão nói nhiều như hôm nay. Lão nói đến chuyện làm ăn dưới quê. Nhà cạnh bến sống Cẩm Giang. Buôn trên bờ , bán dưới bến chắc không đến nỗi chết đói đâu mà sợ. Giọng lão đều đều như nói vào khoảng không chớ chẳng nói với ai. Hai mắt vốn dĩ lồi ra thì hôm nay, nó được khép bớt lại . Khép bớt lại cũng phải thôi. Phần vì buồn, phần vì lão đã già rồi, mí mắt đã xệ xuống. Cả nhà nghe lão nói , mỗi người theo đuổi một tâm trạng khác nhau. Suốt cả một ngày, rồi suốt những giờ phút chuyển ngày sang đêm , ngoài những tiếng đốn gỗ , chặt cây , tiếng néo buộc ken két , tiếng nhắc nhau công việc, không có lấy một tiếng cười . Nỗi lo làm tắt cả tiếng cười.
Chiều ập xuống cũng như mọi khi. Ráng đỏ ở đâu đó làm cho rừng sáng thêm chút nữa rồi kéo sập màn đêm xuống. Đêm nay quả là lạ lùng. Suốt một ngày trời, sau những chuyện kỳ dị sáng nay, không thêm chuyện gì khác nữa. Nhưng khi đêm xuống, lại thấy những sự khác thường. Những con chim ăn đêm hình như không rời tổ. Tiếng những con mang, con mễn mọi đêm choang choác, đêm nay tịnh không thấy. Con nai cũng không giác như mọi đêm. Gió cũng không có. Lặng im như tờ. Mọi đêm. Giờ này cánh thợ rừng có khi còn lai rai bên bếp lửa và can rượu. Nhưng hôm nay, không ai thiết nghĩ đến rượu chè nữa. Họ đã rút về lán, nằm trằn trọc lắng nghe những biến động của rừng. Tịnh không. Sương buông xuống. Những giọt sương rớt lộp bộp xuống mái lán, tạo ra những âm thanh đều đều buồn tẻ. Thỉnh thoảng có tiếng những con trâu lắc đầu xua muỗi , sừng va cồm cộp vào những cây gỗ kết làm thành cũi ngoài kia. Từ chiều Tư đã dắt nó nhốt vào trong đó để lỡ có động rừng thì chỉ cần chạy con người thôi. Mọi người thì rúc vào lán, Tư chui vào chỗ của mình cạnh một gốc cây cổ thụ như mọi khi. Nghĩ đến bầy chó tróc, nghĩ đến con mễn, nghĩ đến hai con trăn, Tư cũng thấy sờ sợ. Nhưng nó không quen ngủ chung với mọi người từ hồi nào đến giờ, nên nó vẫn cứ ra chỗ của nó. Nó gác vào trong bọng cây mấy khúc gỗ, chẻ cây le ken lại thế là có chỗ ngủ qua đêm. Khó ngủ thực. Những ý nghĩ mông lung cứ néo trong đầu nó. Chuyện về rừng động đối với nó giống như chuyện hoang đường. Làm sao lại có thể cùng một lúc những con thú trong rừng điên lên như vậy được. Những ngày ở rừng, Tư cũng đã nhiều lần theo mấy ông thợ đi săn. Chỉ thấy thú rừng chạy trốn người ta, có thấy con nào rượt đuổi người ta đâu. Tinh ranh như con rắn, quẫn quá nó mới quay lại phóng bừa vào người ta, rồi sau đó cũng tìm đường trốn biệt nếu như không dính đòn của người. Nó chưa thấy hổ, chưa thấy sư tử bao giờ. Mang, mễn, nai … đôi khi cũng thấy, nhưng cũng chỉ thấy ở xa xa. Vậy mà khi không nó lại nổi điên lên tấn công nhau hay sao. Còn chuyện trong rừng thú này ăn thú kia là chuyện bình thường có gì đâu mà lạ. Mèo rừng đương nhiên phải bắt chuột rừng. Cú mèo không săn chuột thì săn cái gì. Nó thích cái chuyện lão thợ rừng kể, nhưng nó chẳng hiểu ông kể chuyện đó để làm gì. Cuối cùng chỉ làm cho mọi người hoảng hốt thôi.
Những người bên lán bên kia cũng trằn trọc không ngủ. Mỗi người hình dung ra một chuyện quái dị khác nhau. Họ tin rằng lão thợ rừng cũng chưa bao giờ thấy động rừng đâu. Nhưng không nghe lão không được. Ít nhất thì lão cũng là người ở rừng đã sạn chai cuộc đời. Lão nói cái gì có thì ắt sẽ có. Nhưng có như thế nào làm sao biết được. Gần sáng, tất cả mới lịm đi trong giấc ngủ.
Giấc ngủ đang nồng, thì mọi người bị dựng dậy bởi những tràng súng vang lên. Tiếng súng nổ như tiếng sét đánh ngang tai. Tất cả bật dậy. Những tiếng nói lạ tai vang lên. Duôn! Duôn! Duôn!… Tất cả cánh thợ rừng bật dậy. Họ vọt ra khỏi lán. Tưởng báo động động rừng. Họ nhao tới cái cũi mới làm xong chiều qua. Nhưng , những tiếng súng vang lên. Một người chúi ngã và quằn quại trong vũng máu. Đó là ông thợ thua tuổi lão thợ rừng nhưng lơn tuổi hơn tất cả được lão thợ rừng tin tưởng nhất. Cùng lúc đó, Tư nghe tiếng lão thợ rừng hét váng lên, tiếng lão như tiếng sấm gầm:
- Chạy đi , Miên cáp duồn .
Tư Rỗ cũng muốn vọt ra, chạy trốn. Nhưng, nó quay phắt lại, chui tọt vào trong bụng cây cổ thụ. Trong ấy có một cái bọng. Mối đã đục ruỗng thân cây và tạo ra cái bọng đó. Nó chui vào đấy và tỳ hai khuỷu tay , đạp mạnh hai chân leo lên giữa thân cây . Ở đó , có một chỗ có thể gác hai chân lên, bám hai tay và tựa mông vào và trụ vững được. Ở đó cũng có một cái seọ cây đã mục, rớt mất từ hồi nào, tạo ra một cái lỗ có thể quan sát được bên ngoài.
Vẫn những tiếng súng vang lên. Qua cái lỗ tròn ấy, Tư thấy lố nhố một bầy người . Áo đen , quần đen và khăn xà nút quấn cổ. Chiếc nón tai bèo cũng đen treo sau lưng. Chúng chạy lăng xăng. Súng trong tay chúng lâu lâu lại làm cái rẹt . Những viên đạn đuổi theo những người đang chạy trốn . Cũng những viên đạn ấy, níu chân tất cả những người thợ rừng. Họ không dám bước thêm một bước nào nữa. Lũ người áo đen thúc mũi súng vào lưng từng người đẩy họ ra giữa bãi trống. Một bọn khác đang chui vào lán của lão thợ rừng. Thằng Út bị đạp một cái văng ra ngoài , chúi mũi xuống đất . Tiếp sau là con chị ba. Hai thằng xốc nách hai bên, kè cô ra. Rồi đến thằng anh hai. Anh ta vừa bị đạp , vừa bị những báng súng thúc vào người. Gần như anh ta phải lăn ra theo những cú đạp của bọn áo đen kia. Mụ vợ lão thợ rừng vẫn là kẻ hung hăng. Chắc mụ biết không thể sống được nữa, nên dù bị đánh đập liên tục, mụ cũng tru tréo lên:
- Tụi bay không phải là người. Tụi bay còn ác hơn xúc vật. Đ. má. Tao làm ma, tao cũng lên vật cổ chúng mày. Chó, heo đẻ ra đẻ ra tụi bay. Quân khốn nạn.
Trong lúc mụ chửi thì tụi kia hố hố cười, chúng có hiểu mụ nói gì đâu. Một thằng giật cánh tay mụ toan trói lại. Nó đâu có biết sức mạnh của mụ. Mụ văng mình một cái, thằng kia bắn vọt ra xa. Tiện thể, mụ tung một cú đạp vào thằng trước mặt. Thằng này tránh không kịp, rú lên một tiếng rồi nằm dãy đành đạch tưởng chết. Mụ túm ngay được một khúc cây. Đòn thứ ba của mụ trúng ngay mạng sườn một thằng. Thằng này cũng gục xuống. Một thằng dương súng lên. Nhưng có một thằng khác gạt khẩu súng sang một bên. Hắn đến trước mặt mụ đàn bà. Mụ đang trong cơn điên phang xuống hắn một gậy. Nhưng thằng này có nghề. Đầu gậy chưa kịp trúng hắn thì hắn đã đánh bật cây gậy ra khỏi tay mụ. Rồi bằng một động tác gọn gàng, hắn gồng lên quật cả đống thịt đồ sộ của mụ xuống đất. Cả bọn xúm lại đè mụ xuống trói quặt hai tay mụ ra phía sau. Bọn chúng có đến hơn hai chục thằng. Trong lúc mấy thằng loay hoay với mụ vợ lão thợ rừng thì những tên kia đã trói hết tất cả những người thợ rừng lại. Những tiếng súng đã im. Bây giờ chỉ còn những tiếng cười man dại của đám người áo đen kia. Chúng chưa vội sử những người đã bị trói. Chúng bày ra mặt đất những gì chúng mang theo. Rượu. Chỉ có rượu . Tư Rỗ nhìn thấy hết. Bụng nó đang run lên. Hai hàm răng nó đang đánh vào nhau lập cập. Hai chân nó ngoặc vào khe hở trong bọng cây mỗi lúc một tê dại và đau nhói. Nhưng nó không dám kêu, không dám khóc. Không dám làm gì hết. Chỉ sợ một tiếng động phát ra là ngay lập tức số phận nó cũng không khác gì những người dưới kia. Chúng lấy ngay những chiếc chén của những người thợ và đổ rượu ra uống. Một thằng bỗng đứng dậy. Tay nó cầm một con dao. Nó đến từng người. Việc của nó là lần lượt thọc dao vào những người bị trói. Nhưng nó không giết một ai mà chỉ làm cái việc rọc rách tất cả quần áo của họ và túm những mảnh vải rách ném ra một góc. Tội cho cô chị thứ ba. Cô rúm người lại, hai mắt dại đi khi thấy mình loã lồ trước một bầy đàn ông. Còn mụ vợ lão thợ rừng thì trợn mắt lên . Mụ không thể chửi được nữa vì miệng đã bị nhét chặt bằng một miếng dẻ cắt ngay từ quần áo mụ. Phía xa hơn một chút, người thợ rừng bị bắn chết vẫn nằm xõng xoài, không ai ngó ngàng tới. Không thấy lão thợ rừng đâu. Không lẽ sau khi hét thất thanh, lão đã nhanh chân chạy thoát. Hay lão đã bi bắn chết trong lán. Tư Rỗ băn khoăn và cầu mong lão thoát khỏi những bàn tay hung hãn kia.
Bọn chúng hình như đã say men rượu rồi. Đã có mấy thằng cởi bỏ quần áo. Bây giờ thì có một đám cứ trần truồng đi lại trước mặt hai người đàn bà bị trói. Cái thằng được coi là chỉ huy, thằng đã quật ngã mụ vợ lão thợ rừng, cũng đã lột hết quần áo cứ thế nồng nỗng đứng trước mặt cô chị ba. Nó hất hàm ra hiệu. Hai ba thằng xúm lại dằn ngửa cô chị xuống để thằng chỉ huy khơi mào trò chơi xác thịt. Chúng bầy đủ trò đê tiện. Khi thằng chỉ huy đang đè xuống cô chị thì mấy thằng khác kéo thẳng hai chân cô ta ra , giữ chặt không cho cô có thể cựa quậy được. Những thằng đứng xung quanh, hình như cơn dục vọng đã lên cao, không chịu nổi nữa, xúm lại bên mụ vợ lão thợ rừng. Cũng vài thằng đè chặt chân tay mụ. Một thằng nhẩy lên người mụ. Bỗng nhiên có tiếng thét vang trời :
- A…a…a...!
Lão thợ rừng bỗng từ đâu đó trong rừng vọt ra. Trong tay lão là con dao bén ngọt . Cả bọn đang cơn hăng máu không kịp trở tay. Lão chém xuống thằng đang phủ lên người vợ lão. Đầu thằng này bị chẻ làm hai như trái dừa bị bổ. Lão nhảy dựng lên, vung dao chém xuống thằng chỉ huy. Nhưng dao không trúng đích. Thằng đứng kế bên lãnh trọn lưỡi dao vào vai. Một cánh tay nó rũ xuống. Lão phạt ngang một dao nữa. Thêm một thằng dính đòn. Lưỡi phát ngang lưng nó khiến nó rống lên đau đớn. Nhưng tất cả chỉ có thế. Gần một chục thằng xáp lại . Thằng xô, thằng đẩy lão té xấp xuống. Chân tay lão không còn cục cựa được nữa. Thằng chỉ huy gầm lên. Nó vớ ngay được con dao của lão thợ rừng vung lên. Một nhát dao chém ngang mặt lão. Nó chém nhát thứ hai, thứ ba, rồi túi bụi . Lão thợ rừng trong chốc lát chỉ còn là cái xác nát bấy bá.
Cả bọn thấy máu bắt đầu say. Chúng chạy quanh tìm những thứ có thể thay cho khẩu súng. Thằng cây gậy, thằng lưỡi búa. Thằng cây rựa. Có thằng còn xách cả cây đòn xeo. Chúng bắt đầu một cuộc tàn sát man rợ. Chúng coi những người bị trói kia như những cục thịt. Cứ thế chúng bổ xuống. Ban đầu có có những tiếng la, tiếng hét của những người đang bị hành hạ. Nhưng rồi chẳng còn lấy một tiếng rên la. Không thể hiểu được tại sao lũ ấy mà là con người được. Người bị chúng đập nát ống chân rồi mới đập vào đầu. Người bị chặt đứt cả hai tay. Người bị chúng chém ngang cổ. Cuối cùng chỉ còn lại hai người đàn bà. Chúng chưa thỏa mãn xác thịt. Thế là giữa đám xác người ngổn ngang, chúng uống rượu tiếp và thay nhau hành lạc trên thân xác của hai người đàn bà. Khi đã chán chê, chúng lấy dao mổ phanh bụng hai người đàn bà ra , rồi bỏ tất cả đó, rút quân.
Tư Rỗ đã xỉu đi ngay từ lúc thằng chỉ huy chém nhát dao đầu tiên vào lão thợ rừng. Hai chân ngoắc vào khe hở trong bọng cây khiến nó không rớt xuống được. Nó chỉ tỉnh lại khi bỗng nghe tiếng bầy chó tróc nhí nhách sủa. Nó ghé mắt qua cái lổ sẹo của cây. Một cảnh tượng còn khủng khiếp hơn đang diễn ra trước mặt Tư Rỗ. Bầy chó tróc đang tận hưởng một bữa thịt người no say. Một bầy nhung nhúc những con chó. Mùi máu tươi có lẽ đã thu hút chúng. Chúng đang xé từng miếng thịt người . Chúng đang ngốn ngấu những gì đã dứt ra được từ thân xác những người thợ rừng. Nhiều thịt như vậy mà chúng vẫn cứ cắn nhau tranh dành từng khúc thịt , từng miếng xương. Một bầy dòi bọ khổng lồ mang dáng hình những con chó đang bu lại bên những cái xác. Đã thấy những khúc xương trắng. Thấy những khúc tay, khúc chân vương vãi xung quanh. Trên những cây xung quanh nhung nhúc một bầy qụa. Chúng đang chờ bầy chó no nê thì xà xuống tiếp tục bữa tiệc thịt người. Có mấy con háu ăn bu xuống đất dành ăn với bầy chó. Bầy chó không bao giờ chịu nhịn, chúng sủa lách nhách và xua đuổi những con quạ đi.
Tư tưởng mình đã chết, tưởng mình đã xuống đến chín tầng địa ngục, thấy bầy quỷ mặt đen, mặt trắng, đầu trâu mặt ngựa đang hành xác con người. Bất lực, Tư ghé miệng vào cái lỗ hét lên :
- A….
Tiếng a lảnh lói vang đi rất xa, và nó thấy bầy chó tróc tạm ngưng chuyện xâu xé, ngóc cổ lên, dỏng hai cái tai nhọn hoắt nghe ngóng. Bầy quạ nghe tiếng hét cũng hoảng loạn bay ào lên, nhưng rồi không thấy gì là nguy hiểm lại xà xuống bu đen trên những ngọn cây. Tư hét thêm một tiếng nữa. Tiếng hét này mạnh hơn tiếng hét trước, dài hơn và quyết liệt hơn. Tư nhìn xuống hy vọng lũ chó chạy đi. Nhưng không, bọn chúng không dễ gì bỏ những miếng mồi ngon trước mặt. Trong khi đó, cả chục con khác hướng theo tiếng mà hồng hộc chạy tới. Chết rồi, bọn người Miên kia có thể không nhận ra chỗ ẩn nấp của Tư chớ bầy chó này, nó đánh hơi giỏi lắm , coi chừng…
Quả nhiên, chẳng khó khăn gì , chúng đã nhận ra cái bọng cây có người. Chúng vây lấy cái cây cổ thụ và lóc chóc sủa. Thêm một lần nữa Tư kinh hoàng. Đã có những con chó đánh hơi thấy nơi Tư đang ẩn nấp. Chúng ào tới bới móc tìm đường chui vào bọng cây. Hết . Hết thật rồi. Tư lại hét lên. Thà rằng bị người đập chết còn hơn chết trong nanh sắc của bầy chó này.
- Đoàng, đoàng.
Hai phát súng nổ. Không lẽ bọn chúng quay lại? Không phải, tiếng súng này là tiếng súng của những người thợ săn. Tiếng súng nổ rất to, không đanh và không chết chóc như tiếng súng của đám người Miên kia. Bầy chó dưới gốc cây đã bỏ chạy. Tư lại nhìn ra. Hai người thợ săn đã từng đến lán của lão thợ rừng nhậu chơi vài lần. Ba người còn lại, Tư nhận ra trong đó có một người cầm đầu cánh thợ rừng ở cách họ đây chừng non nửa ngày đường. Tư tụt xuống. Nó chỉ còn sức bước vài bước ra khỏi gốc cây. Trời đất quay cuồng và nó té xấp mặt xuống đất lịm đi. Nó không biết đã lịm đi bao lâu. Khi tỉnh lại , thấy những người kia vẫn đang ngồi cạnh nó.
Ông thợ rừng lại bên nó hỏi :
- Con tỉnh hẳn chưa.
Tư lẳng lặng gật đầu.
- Con tỉnh hẳn đi . Rồi ra nhận xác mọi người, để chú còn chôn họ.
Tư ngồi dậy , thất thểu bước theo những người kia. Tanh tưởi và hôi thối. Tư nôn thốc nôn tháo. Gần một ngày trời không có gì vào bụng, lấy gì mà nôn. Từ miệng nó trào ra một thứ nước xanh lét. Những người kia dựng nó dậy và dìu nó ra cạnh mấy cái xác. Có còn cái nào nguyên vẹn đâu. Người và chó đã biến họ thành những đống thịt xương bấy nhầy. Họ hỏi Tư tên từng người. Nào nó có biết tên ai đâu. Lão thợ rừng thì nó gọi bằng ba. Mụ vợ thì lão gọi bằng má. Thằng anh lớn nó gọi là anh Hai. Cô chị là chị Ba. Còn kia là thằng Tư , cũng gọi theo thứ. Những người thợ kia cũng vậy. Có một ông được gọi là Hai . Một người khác trẻ hơn cũng được gọi là anh Hai. Một anh gọi là Ba. Hai anh gọi là Bảy một người là thứ út nên gọi là Út. Tất cả gọi nhau bằng thứ như vậy, chẳng thấy ai kêu bằng chính tên mình. Tư nói với mọi người như vậy.
Lỗ huyệt đào ngay trong cái cũi mà cánh thợ đã làm bữa qua để phòng động rừng. Những con trâu đã bị bọn kia dẫn đi. Ông thợ rừng kêu mấy anh em đưa những xác người xuống đấy. Ông nói với Tư:
- Bây giờ con nhớ cho kỹ nghe. Con nhìn về hướng mặt trời lặn. Chú sẽ chôn mọi người lần lượt như thế này. Từ trái qua phải là ba con, má con , anh Hai con , chị Ba con và thằng Tư . Tiếp theo là xếp theo thứ. Ông Hai , cậu Hai , hai cậu Bảy , và cuối cùng là cậu Út. Con nhớ, nay mai có về dưới , kiếm người nhà họ lên đây mà hốt cốt mang về.
Tư hiểu rằng họ chôn những xác người vào cái cũi kia là để tránh lũ chó rừng thêm một lần nữa bới xác họ lên mà xâu xé. Những người thợ của lão thợ rừng đâu có ngờ rằng họ làm cái cũi này chỉ để bảo vệ được cái xác họ thôi.
*
Đám tang Tư “người rừng” diễn ra chóng vánh. Một nấm đất mọc lên giữa rừng xanh mênh mông. Thế là xong một kiếp người. Nấm đất chôn vùi vào dĩ vãng tất cả những chuyện của Tư . Sẽ chẳng ai bàn gì đến chuyện của lão nữa. Rừng vốn tồn tại. Mọc thêm một cây hay chết đi một cây thì rừng vẫn cứ còn.
Ngay sau đó, đồn biên phòng Tân Hoà phải tổ chức một tổ chốt ngay tại cái lán của Tư ”người rừng” ở. Bấy lâu nay Tư người rừng ở đây, có một góc rừng yên tĩnh./.
Tây Ninh tháng 11-2003