Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.208.008
 
Myanmar sẽ ra sao sau khi Aung San Suu Kyi được trả tự do.phần 1-2
Hiếu Tân

Hannah Beech, TIME 29 Nov 2010, Hiếu Tân dịch.

Ngày 13 tháng 11, khi Aung San Suu Kyi ló ra khỏi tòa biệt thự tàn tạ nơi bà bị giam hãm phần lớn thời gian trong hai thập kỷ qua, một người trong số hàng ngàn người đầy nhiệt tình tụ tập đã đánh dấu thời khắc tự do của bà bằng cách tặng bà một bó hoa thơm. Mỉm cười, người được giải Nobel Hòa bình đã nhận lòng biết ơn qua bó hoa thơm ngát, và lấy một bông hoa cài lên mái tóc. Ở cái xứ sở bi thảm ngát hương hoa nhiệt đới này, đấy là một cử chỉ giản dị nhất. “Chúng ta đã quá lâu không gặp nhau. Tôi có rất nhiều điều muốn nói với các bạn.” Suu Kyi nói với những người ủng hộ bà, với giọng nói làm nhẹ bớt đi cái ấn tượng về bẩy năm quản thúc tại gia mà bà đã chịu đựng trong tay chế độ quân phiệt Burma. “Chúng ta có nhiều việc phải làm”

Chỉ một ngày sau, Suu Kyi đã lao thẳng vào cuộc tranh luận chính trị. Trong một bài diễn văn tại trụ sở đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD), chính đảng hiện nay bị cấm của bà, Suu Kyi kêu gọi thế giới và nhân dân của bà tiếp tục đấu tranh cho cải cách chính trị. Trước đó một tuần, Burma đã tổ chức tổng tuyển cử toàn quốc đầu tiên sau hai thập niên, một trò mà NLD tẩy chay, và đầy tai tiếng vì thắng lợi đáng ngờ của đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển (USDP) thân phe cầm quyền. “Thông điệp của tôi không phải là riêng cho Phương Tây, và không phải cho các đảng tham gia vào cuộc tuyển cử,” bà nói hôm 14 tháng 11, khi hàng ngàn người hâm mộ chịu cái nắng gay gắt giữa trưa để nghe bà nói. “Thông điệp này gửi đến tất cả những ai quan tâm đến việc tìm kiếm dân chủ cho Burma. Cho tất cả chúng ta, có những lúc chúng ta cần giúp đỡ, và đây là lúc mà Burma chúng ta cần được giúp đỡ.”

Trong một thế giới đấu tranh để tìm ra những người anh hùng, Suu Kyi hiện lên như một trong số ít những biểu tượng kiên định của lòng can đảm về tinh thần. Sự kiên định ấy có phần do hành xử của một trong những chế độ đàn áp hà khắc nhất của thời đại, một chế độ trong suốt 21 năm đã cố sức bịt miệng đối thủ có sức thuyết phục nhất - mà cũng phong nhã nhất - của nó. Người ta phải thừa nhận rằng, Suu Kyi là người đàn bà đẹp, mảnh mai, ở tuổi 65 mà vẫn còn cài hoa nhài trên mái tóc. Nhưng vượt ra ngoài những nét thanh nhã ấy, là sức chịu đựng ngoan cường của Suu Kyi - như những thân tre đu đưa, oằn xuống trong gió bão nhưng chưa bao giờ gãy - điều này đã làm nức lòng hàng triệu người, và cho đến ngày 13 tháng 11, đã khiến bà trở thành người tù chính trị nổi tiếng nhất thế giới. (Tuy nhiên ở nước này hiện vẫn còn hơn 2100 người khác đang héo mòn trong các nhà tù vì đã cất lên tiếng nói với chính phủ). Nhân dịp bà được trả tự do, tổng thống Obama đã gọi Suu Kyi là “một anh hùng của tôi” và ông nói thêm “dù Aung San Suu Kyi đang bị giam cầm tại nhà bà hay trong tù ngục của đất nước bà, vẫn có một sự thật không thay đổi, là bà và phong trào đối kháng chính trị mà bà đại diện, đã bị bịt miệng một cách hệ thống, bị tống giam, và hoàn toàn thiếu cơ hội để tham gia vào các quá trình chính trị có khả năng làm thay đổi Burma.”

Obama đúng khi ông nhấn mạnh rằng việc thả Suu Kyi không hề làm thay đổi nền tảng quyền lực của đất nước bà. Không giống như những người bạn đồng hành được tôn vinh của bà trong tâm trí của toàn thế giới - Nelson Mandela, Vaclav Havel, Corazon Aquino - Suu Kyi chưa giải phóng được Burma khỏi gọng kìm thép của nền độc tài chuyên chế. Trong nhiều năm bà là gương mặt bị tù đày của phong trào dân chủ Burma, quyền lực của các tướng lĩnh chỉ có tăng lên. Bây giờ là lúc bà được tự do, thế giới vui mừng. Nhưng viễn cảnh cho một thay đổi chính trị ở Burma vẫn còn thảm đạm. “Tôi sợ rằng sẽ không có chính quyền của nhân dân ở Burma, mà chỉ có những đám tang của nhân dân,” một tác giả Burma, ông Kyaw Win, khi nhắc đến các phong trào dân chủ trước đây - một phong trào vào năm 1988, và phong trào khác năm 2007 - cả hai đều kết thúc với việc những người chống đối phải hạ vũ khí.

Còn nữa, nếu ai có đủ can đảm để gửi tiếng nói của mình tới một trong những dân tộc bị áp bức nhất thế giới, thì đó chính là người phụ nữ đã nói đùa rằng bà được những người nước ngoài hâm mộ biết đến như là “một bà có cái tên khó gọi.” (Trong băng ghi âm, tên ấy được đọc là Aon San Su Chi.) Vấn đề bây giờ là bà có thể biến những nguyên tắc cao quý mà bà đã phát ngôn thật hùng hồn thành hiện thực hay không. Ở bất cứ nước nào, việc chuyển từ một biểu tượng dân chủ thành một nhà hoạt động chính trị sắt đá luôn là khó khăn, ta hãy xem chẳng hạn, cái di sản hỗn độn của Lech Walesa, một con sư tử khi chống đối chế độ cũ nhưng sang chế độ mới là một tổng thống làm người ta thất vọng. Những bù nhìn thì phải rơi xuống đất, thương lượng không chỉ với những người mà họ chống lại, mà thường là với cả những người chiến đấu trong khi các lãnh tụ của họ vắng mặt. Và Suu Kyi phải hoàn thành công cuộc tiến hóa này ở một nơi mà các tướng lĩnh đang thống trị, nơi mà bà đã hai lần được thả và hai lần bị bắt lại vì lập trường chính trị không khoan nhượng của bà. “Nhân dân đặt quá nhiều hy vọng ở bà,” Aung Zaw, một nhà hoạt động trong phong trào sinh viên trước đây, hiện nay đang điều hành một cơ quan truyền thông lưu vong từ nước láng giềng Thái Lan nói. “Nhưng không có vẻ gì chúng tôi sẽ có dân chủ trong nay mai. Chúng là những tên quân phiệt dã man, và nếu tất cả chỉ trông chờ ở bà là không thỏa đáng.”

Quản thúc tại gia

Là con gái của vị tướng anh hùng Aung San - bị ám sát khi bà mới vừa 2 tuổi - Suu Kyi sống phần lớn những năm đầu đời ở nước ngoài. Nhưng bà trở về Burma năm 1988 để chăm sóc mẹ của bà đau ốm, và cuối tháng Tám năm ấy, bà có mặt trước nửa triệu người phản kháng ủng hộ dân chủ mà bà cùng chung triết lý bất bạo động của Phật giáo.

 

2

Một tháng sau, quân đội giết hại hàng trăm người biểu tình. Suu Kyi giúp vào việc thành lập đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ, sau cuộc đổ máu ấy, và vào năm 1990, uy tín đạo đức của bà vang dội đến mức đảng của bà thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử toàn quốc. Nhưng các tướng lĩnh quân đội, cầm quyền ở Burma từ sau cuộc đảo chính năm 1962 và đặt lại tên nước là Myanmar, đã phớt lờ các kết quả bầu cử. Người phụ nữ lẽ ra đã là Thủ tướng của Burma bị giam hãm, phí mất 15 năm trong tổng số 21 năm qua dưới sự quản thúc tại gia. Năm 1999 bà phải khước từ cơ hội sang thăm chồng bà, một công dân Anh đang hấp hối, vì sợ rằng bọn tướng lĩnh sau đó sẽ không cho phép bà trở lại quê nhà. Lần quản thúc tại gia gần đây nhất xảy ra ở Rangoon, thành phố lớn nhất Myanmar, sau khi một đám đông côn đồ được quân đội hậu thuẫn tấn công những người ủng hộ bà ở thành phố Depayin, giết hại hàng chục người. Mặc dầu bản án đó hết hiệu lực từ năm ngoái, nhưng nó lại bị kéo dài thêm sau khi có một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Mỹ nói rằng ông ta có sứ mệnh được Chúa giao, bơi đến ngôi nhà của bà ven bờ hồ, vi phạm các điều kiện quản chế.

Suu Kyi trong hơn hai mươi năm chưa ra khỏi Burma, nhưng đất nước nơi mà bà đươc trả tự do đã khác lắm so với nơi mà bà nhìn thấy nó lần cuối cùng vào năm 2003. Đúng là nó vẫn là một trong những nước nghèo nhất trái đất, với gần một phần ba dân số sống dưới mức nghèo khổ, vì những chính sách kinh tế hủ lậu ngu xuẩn của chế độ. (Có một ví dụ cực kỳ như thế này, một lãnh đạo quân đội đã có lần muốn đặt tên đồng bạc bằng những con số là bội số của 9, vì ông ta cho rằng đó là con số may mắn). Nhưng Burma ngày nay không còn là một nơi tù đọng về địa chính trị. Với một dân số gần 50 triệu, và nằm chen giữa hai nước khổng lồ mới nổi của Châu Á, Trung Hoa và Ấn Độ, nó đang có giá trị chiến lược sống còn khi các nước ngoài tranh giành nhau nguồn tài nguyên giàu có của nó, bao gồm dầu mỏ, khoáng sản và khí tự nhiên. Bắt đầu trong năm 1990, đáp lại sự thống trị bạo tàn của chế độ này, nhiều chính phủ Phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên Burma. Những hạn chế về tài chính được xiết chặt sau cuộc tàn sát đẫm máu năm 2007. Nhưng trong mấy năm qua, đầu tư từ các nước châu Á đặc biệt là Trung Quốc đã tràn vào, rót tiền vào túi giới cầm quyền chóp bu, làm yếu đi tác dụng của lệnh cấm vận kinh tế mà Suu Kyi ủng hộ.

Quang cảnh chính trị cũng đã thay đổi. Mặc dầu Suu Kyi vẫn được mến mộ, chứng cớ là đám đông quần chúng vây bọc quanh bà khi bà được thả, nhưng phe đối lập chính trị đã có thời kết thành một khối xung quanh bà nay đã tan vỡ. Trong những cuộc vận động tuyển cử 7 tháng 11 vừa qua, theo yêu cầu của bà, đảng Liên minh Dân tộc vì Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử rõ ràng là gian lận phiếu cho phe tướng lĩnh, viện vào một điều khoản trong hiến pháp quy định những người kết hôn với người nước ngoài không được nắm giữ những cương vị cao cấp. Nhưng một nhóm bè phái ly khai trong đảng , gọi là lực lượng Dân chủ Dân tộc (NDF) xuất hiện để chất vấn lập trường không khoan nhượng của Suu Kyi, và đã tham gia tranh cử với hàng chục đảng đối lập khác, đa phần biểu hiện cho tình trạng chắp vá về sắc tộc ở Burma. Do tình trạng gian lận quá đáng trong bầu cử, phe đối lập giành được số ghế trong nghị viện it hơn số mà lẽ ra họ phải có. Chẳng hạn, đảng NDF chỉ giành được 16 trên 163 ghế trong khi đảng USDP của giới độc tài quân sự chiếm trên 80% số phiếu bầu. Nhưng ngay cả với một tỉ lệ rất nhỏ trong nghị viện, thì lực lượng dân chủ đối lập hợp pháp đang tồn tại hiện nay cũng khác với Suu Kyi và đảng NLD của bà. “Tất nhiên chúng tôi rất vui mừng nghe tin [Suu Kyi] được trả tự do,” Khin Maung Swe, một lãnh đạo của đảng NDF nói. “Nhưng xin đừng nghĩ rằng bà nên chiếm một cương vị chính trị chính thức nào đó trong đảng NLD. Bà nên là một dạng chính khách, một biểu tượng dân chủ cho Myanmar, người tập hợp tất cả các phe phái lại với nhau cho công cuộc hòa giải dân tộc.”

Ngay cả nếu Suu Kyi không giữ một vai trò chính trị chính thức nào, thì những kỳ vọng đặt trên đôi vai mảnh mai của bà vẫn thật là đồ sộ. Là một tù nhân lương tâm nổi tiếng là một chuyện, vận động qua bãi mìn chính trị , nơi mà kẻ thù là nanh vuốt của những tướng lĩnh ác ôn đã tôi rèn qua chiến trận lại là một chuyện khác. Để sống còn, Suu Kyi phải cân bằng được nghệ thuật hòa hoãn trong chính trị với việc kiên định dấn thân cho dân chủ là cái đã làm cho bà trở thành một nguồn cảm hứng lớn lao đến thế. Dẫu sao, bà cũng không được phản kháng lại chế độ độc tài quân sự một cách thái quá, chế độ này đã cho thấy nó có thể chế tạo ra những cái cớ nhỏ nhoi nhất để nhốt bà lại. “Bà có những lý tưởng dân chủ của bà, và nhân dân Burma yêu bà vì lý tưởng đó.” Aung Zaw, một người từng hoạt động dân chủ nói. “Nhưng lần này, bà phải chấp nhận một cách thực tế ách thống trị độc tài quân sự và nghĩ ra cách để cùng tồn tại, bởi vì giới quân sự không sẵn sàng rút lui vào trại lính.”

Cho đến lúc này, Suu Kyi đã giữ một giọng điệu tương đối ôn hòa. Tại trụ sở đảng NLD, bà nói về khả năng xem xét lại việc bà ủng hộ cấm vận của Phương Tây, là cái cô lập và gây hại cho cả những người Burma bình thường cũng như giới lãnh đạo. Chỉ có Suu Kyi mới có thẩm quyền đạo đức để thuyết phục lãnh đạo các nước ngoài dỡ bỏ hạn chế tài chính đối với Burma, nhưng việc thương mại hoạt động trở lại sẽ có lợi về kinh tế cho giới tướng lĩnh. Và bà cũng đã thận trọng không chỉ trích cá nhân giới cầm quyền chóp bu, và kêu gọi đối thoại chính trị với tướng Than Shwe, lãnh đạo của nhóm tướng lĩnh cầm quyền. “Khác với chúng tôi, chúng tôi căm hận bọn thống trị độc tài quân sự.” Win Tin, một thành viên cao tuổi của đảng NLD đã bị ngồi tù 19 năm nói. “Nhưng bà ấy tốt với họ vì cha của bà ấy là người sáng lập ra quân đội Burma. Bà ấy cũng có thể nói chuyện trực tiếp với các tướng lĩnh mà không bị chụp mũ là kẻ phản bội dân tộc Burma.”

Nhưng nếu giới tướng lĩnh không thèm đáp lại lời mời gọi đối thoại của Suu Kyi, thì bà còn biết làm gì khác hơn là để những lời lẽ của mình cho gió cuốn đi? Với những cuộc bầu cử đã được tiến hành và đầu tư châu Á tuồn vào, chế độ độc tài quân sự hiện giờ đang ở thế vững mạnh nhất trong nhiều năm. Sự tự tin của giới tướng lĩnh giải thích tại sao họ quyết định thả Suu Kyi. “Mọi người sợ rằng bà mời gọi đàm phán hòa giải dân tộc với giới tướng lĩnh, mà họ không đáp lại” một nhà ngoại giao Phương Tây ở Rangoon nói. “Lúc đó bà sẽ nản lòng, sẽ quyết liệt hơn và sẽ bị bắt lại vì đã vượt những lằn ranh vô hình.”

(Còn tiếp)

Hiếu Tân
Số lần đọc: 2676
Ngày đăng: 25.11.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cùng một tác giả
Chuyện xứ Mitoman (truyện ngắn)
Vi đan (truyện ngắn)
Bàn tay phải (truyện ngắn)
Luận về nô tài (tiểu luận)
Putois (truyện ngắn)
Phá (truyện ngắn)
Khi Bắc Triều Tiên Đổ (nhìn ra thế giới)
Nô tài thi sĩ (tạp văn)
Putin nói trên truyền hình (nhìn ra thế giới)
WikiLeaks, theo kiểu Belarus (nhìn ra thế giới)
Ngăn cản WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Tại sao lại xóa từ-n ...? (nhìn ra thế giới)
20 tác giả dưới 40 tuổi (nhìn ra thế giới)
“Công lý” Nga (nhìn ra thế giới)
Say sưa với Tự do. (nhìn ra thế giới)
Cách mạng bằng Internet (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks (nhìn ra thế giới)
Bật mí WikiLeaks- tiếp (nhìn ra thế giới)
Học Để Yêu Cách Mạng (nhìn ra thế giới)
Shakespeare, chán ! (nhìn ra thế giới)
Rủi ro hạt nhân (nhìn ra thế giới)
Những tư tưởng lỗi thời. (nhìn ra thế giới)
Nước Nga sợ gì ở châu Á? (nhìn ra thế giới)
Tại sao nước Mỹ bị ghét (nhìn ra thế giới)
Nhà nước đỏ (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 1 (nhìn ra thế giới)
Trung hoa là kẻ xâm lược? 2 (nhìn ra thế giới)
The Internet và Iran (nhìn ra thế giới)
Mười năm mất mát (nhìn ra thế giới)
Gặp ông Mao mới (nhìn ra thế giới)
Kiếp sau của Tây Tạng (nhìn ra thế giới)
Nhân dân đấu với Putin (nhìn ra thế giới)
Tương lai của Lịch sử (nhìn ra thế giới)
Bụt nghe cổ tích (truyện ngắn)
BẮN MỘT CON VOI (truyện ngắn)
Gót chân Asin của Putin (nhìn ra thế giới)
The Duniazát (truyện ngắn)
Người xin lỗi (truyện ngắn)
Diễn văn Habana (nhìn ra thế giới)