Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.093
 
Vẻ đẹp
Lê Đình Trường

Cô gái ấy . . .

 

Ông không biết tên. Nhưng trong ông, lúc nào cũng vang lên một âm thanh trìu mến: Cô gái ấy . . . Hình ảnh một cô gái nhanh nhẹn, hoạt động trong xưởng cưa lúc nào cũng đeo đuổi ông. Ông biết chẳng bao giờ ông có thể quen được. Vì hàng ngay khi đi làm việc, ông chỉ đi ngang qua bên ngoài vòng rào của trại cưa đến trạm xe buýt. Còn cô gái thì đang làm việc ở bên trong. Thật ra, còn một hàng rào vô hình ngăn giữa ông và cô gái – Ông thuộc thế hệ khác và là người của một chế độ khác. Đó là do ông nghĩ như vậy. Nên ông nhìn cô gái như chiêm ngưỡng một vẻ đẹp, dù cách một khoảng cách không gian rất ngắn nhưng ông cảm thấy xa lắm.

 

Nhưng bây giờ, cô gái tới phòng làm việc của ông và đang ngồi trước mặt ông.

 

Ông hơi bối rối. Nhưng chỉ một thoáng, rồi ông lại mỉm cười. Nụ cười xua đi những nét mệt mỏi, trì trệ trên gương mặt bằng sáp của ông. Cô gái ngồi đối diện với ông. Gương mặt cô hơi quay nghiêng một bên, với mái tóc buông xõa khuất gần hết một nửa gương mặt. Cô gái nói:

 

- Thưa nha sĩ .. . .

 

Ông đặt cả hai tay lên bàn, hai bàn tay đan vào nhau. Ông đang chăm chú chờ nghe. Cô gái vừa nói, vừa lắc đầu, mái tóc cứ lan rộng ra. Rồi cô cúi đầu xuống, không thể tiếp tục thêm nữa.

 

Ông nói:

 

- Hình như . . .

 

- Dạ – Cô gái nói nhanh – Tôi cần nhờ nha sĩ giúp giùm .. .

 

Ông nghe rõ rồi. Giọng nói của cô thật hay, dễ cảm. Những âm thanh nhẹ nhàng thoát ra như bị chênh loãng đi. Cô gái cố gắng trình bày. Ông nhận được âm thanh cô gái đang phát ra bằng đôi tai nghề nghiệp. Ông thầm kết luận, cô bị mất một chiếc răng cửa.

 

- Cháu bị ngã – Vẫn giọng nói như bị chênh đi – Cháu làm việc ở trong một xưởng cưa. Trong khi di chuyển để lo công việc, cháu vô ý vấp nhầm một thân cây, suýt nữa là cháu té sấp vào máy đang cưa gỗ, trong khi lưỡi cưa chạy tới vùn vụt . . .

 

Bàn tay cô gái bối rối vén mái tóc muốn đổ tràn xuống. Bất chợt, ông chăm chú nhìn một vết sẹo trên cánh tay cô. Vết sẹo đã  cũ. Cô gái vội che bàn tay trên vết sẹo, hấp tấp:

 

- Không phải vết sẹo này đâu, thưa nha sĩ – Cô gái vẫn chưa đề cập đến vấn đề chính – Cái này do cháu bị thương trong khi vượt lộ vòng cung . . .

 

- Ở Cần Thơ? – Ông hỏi, vì chợt nghe đến một địa danh quen thuộc.

 

Ông vẫn thường đi qua đó. Ông nhớ những chuyến xe đò chạy ôm theo một đoạn đường vòng cung dài bảy tám cây số thuộc quốc lộ bốn. Hai bên đường là vườn cam, vườn quýt chín vàng. Cho đến sau này, ông mới được nghe kể lại những trận đụng độ dữ dội giữa hai bên, trên tuyến đường đẹp đẽ mát rượi đó.

 

Giọng cô gái buồn buồn:

 

- Còn một mảnh đạn ở trong, thỉnh thoảng nó vẫn cộm lên – Cô rùng vai một cách dễ thương – Cháu sợ mổ lắm.

 

Ông nói thật dịu dàng:

 

- Không sao đâu!

 

Cô gái lúng túng:

 

- Không phải vết sẹo này. Cháu muốn nói . . .

 

Ông mỉm cười:

 

- Tôi không nói về vết sẹo đó.

 

Ông nghe tiếng cô gái thốt cười hồn nhiên. Tiếng cười đẹp như âm thanh một chiếc ly thủy tinh mỏng tanh màu xanh, rơi vỡ trên nền gạch.

 

Ông đứng dậy trở lại chỗ làm việc. Cô gái cũng đứng lên. Đôi chân gọn gàng, mạnh khỏe của cô trở nên lấp vấp khi cô bước đến chiếc ghế đang bật sẵn dành cho người đến chữa răng. Cô sửa lại mái tóc. Trong khi cô cử động, chiếc áo ngắn tay hé mở một phần da thịt trắng ngần của phần trên cánh tay không tiếp xúc với nắng gió. Có một chút gì làm cho lòng ông bị tổn thương. Ông tiếc: Chỉ chừng vài năm nữa, nắng gió, bụi bặm, công việc nặng nhọc . . . sẽ làm cho cô gái già đi. Lúc ấy, cái dáng vẻ trẻ trung, tươi tắn của cô chẳng còn tồn tại trong ông nữa? Ông cầm dụng cụ khám răng trên tay, chuẩn bị làm việc. Ngay lúc ấy, ông cảm thấy rõ ràng, ý nghĩ vừa rồi của ông thật lầm lẫn khi ông nhìn bàn tay trắng xanh, lạnh lẽo, vô trùng của ông. Ông với tay bật đèn. Những tia sáng cực nhỏ của ánh điện vừa phựt lên, xuyên qua làm bàn tay ông đau buốt. Cô gái đang từ từ dựa hẳn lưng vào ghế. Phía trên, ánh sáng chói chang phả xuống tràn trề trên gương mặt băn khoăn, lo lắng của cô . . .

 

“Một tuần nữa cô trở lại”. Ông nhắc. Cô gái với tay lấy chiếc nón trên móc, rồi quay lại “Một tuần nữa hở bác?”. Ông gật đầu. Ông thấy đôi mắt to của cô gái lướt nhanh qua các vật dụng trong phòng với đôi mắt xa lạ, ngại ngùng. Cô kéo vành nón thấp xuống như muốn giấu đi tất cả sự xấu hổ đang ửng lên. Cô bước ra cửa, dáng hấp tấp. Trước khi cô khuất hẳn, ông kịp thấy mớ tóc mềm mại xỏa trên lưng cô từ từ đổ nghiêng về phía trước, còn vướng lòa xòa ít sợi trên đôi vai tròn đầy. Một tuần nữa. Trong phòng ông không có lịch. Đã  lâu rồi, ông không có thói quen chú ý đến ngày tháng. Thời gian vốn trừu tượng, mình cụ thể hóa làm chi cho thêm lo. Một thời gian hơi lâu: Chắc đã  ba ngày. Và lâu hơn nữa là một tuần, hoặc một tháng chẳng hạn. Tự dưng, từ giờ phút này ông mong thời gian đi thật nhanh. Ông mong cô gái sớm trở lại. Ông tự hứa sẽ để tất cả tâm hồn để tạo tác một chiếc răng thật đẹp thay vào chỗ khiếm khuyết. Và ông cứ mải mê tưởng tượng, hình dung . . .

 

Một xã hội được cách mạng. Một miền Nam hoàn toàn thay đổi. Biến cố trọng đại ấy không làm ông vui. Nó làm ngày tháng và công việc của ông nặng nhọc hơn. Chỗ ông làm, trong bệnh viện, vẫn căn phòng nha sĩ ấy, không thay đổi. Ông tiếp tục công việc của ông với mặc cảm, dẫu sao mình vẫn là người của chế độ cũ. Ông bước lên xe buýt để đến nơi làm việc. Ông ngồi vào ghế. Ông nấu chất sáp để lấy mẫu răng. Ông khử trùng tất cả dụng cụ nha khoa. Ông nói năng. Ông di chuyển đôi mắt. Ông thở những hơi thở. . . nói chung tất cả hàm chứa một cách thế chán nản, tuyệt vọng. Đôi khi, vô cớ ông rút nhanh một chiếc khăn mặt ướt chà xát khắp mặt, cho tỉnh táo trong giây lát. Nếu không thì ông phải ngã xuống giường liền, không kịp thay ra chiếc áo blu trắng đang mặc. Thật là một tình trạng mỏi mệt ma quái thường trực.

 

Mỗi ngày ông phải đi bộ một đoạn đường ngắn ngang qua một xưởng cưa đồ sộ, rộng thênh thang để đến trạm xe buýt. Thường khi, ông không bao giờ để ý đến sinh hoạt chung quanh. Vẫn những dòng xe chạy ngược xuôi; vẫn những con người chen nhau sống một cách tất bật. Nhưng thái độ của ông không hoàn toàn như vậy. Thỉnh thoảng ông đưa mắt nhìn ngắm cảnh sinh hoạt có vẻ hỗn độn ấy. Đó là những lúc ông gặp chuyện buồn phiền. Ông muốn được nguôi ngoai. Rồi ông tự nhủ, thật chẳng nên làm như thế nữa, vì đôi lần ông bắt gặp chính ông đang miên man phá ánh mắt buồn phiền vào đời sống chung quanh. Tất cả đều mệt mỏi, bước những bước nặng nề giống như con người ông.

 

Nhưng có cách nào tránh không hề nhìn vào đời sống?

 

Một hôm, khi đi ngang qua xưởng cưa ông chợt chú ý đến một cô gái trẻ. Cô mặc chiếc quần Jin bạc phếch và chiếc áo ngắn tay mày rượu chát. Hai cánh tay tròn trịa, chắc chắn. Cô đang đứng phía dưới chiếc xe có cần trục dài. Tiếng máy nổ mạnh mẽ hung hăng, chiếc cần trục vạm vỡ đang câu một thân gỗ khổng lồ khoảng ba người ôm từ ngoài vòng rào đưa vào trong trại. Cô gái ngẩng mặt lên nhìn thân gỗ dài hàng hai mươi thước, được siết chặt giữa những vòng dây xích to bằng cổ tay đang lơ lửng trong không trung như muốn che khuất cả bầu trời. Gió quấn bụi và khó chung quanh cô. Tiếng dây xích sắt rít, nghiến ken két. Chiếc cần trục từ từ xoay đưa thân gỗ theo hướng bàn tay tay cô gái vừa giơ lên. Hai bàn tay cô đưa phía trước, lòng bàn tay quay vào trong, đang cử động tới lui một cách nhịp nhàng để ra dấu điều khiển chiếc cần trục. Cô cố gắng chỉ hướng cho thân cây vào một vị trí chính xác. Phía trên cao, một người công nhân ngồi trong ca bin điều khiển cần trục, hết nhìn dấu hiệu của cô gái phía dưới rồi lại nhìn thân gỗ đong đưa. Đầu thân gỗ hơi nghiêng chúi xuống phía dưới. Giống như cảnh người phụ xế đứng phía trước ra dấu cho tài xế, khi xe qua một con đường hẹp, nhiều chướng ngại.

 

Dưới ánh nắng buổi sớm, gương mặt cô gái đang say trong một niềm vui khó tả. Cô tới lui, di động giữa những đống gỗ chất ngổn ngang trong trại. Thỉnh thoảng cô phóng tránh những vũng dầu loàng trên sân do một chiếc máy hư nào đó vô tình thải ra. Và lâu lâu, nghe cô bật lên tiếng kêu “Tới chút nữa”. Âm thanh trong trẻo bị mờ giữa tiếng máy dữ dằn của xe cần trục và tiếng những lưỡi cưa thép đang vùn vụt xiết trên những thân gỗ. Cứ thế, cô lui dần ra phía sau dẫn thân gỗ khổng lồ đang treo lơ lửng vào trong trại. Chung quanh cô là không khí nồng nàn của các loại gỗ đang bốc lên từ ức triệu mạt cưa tinh khôi đang thải ra.

 

Thật là một cô gái đẹp, ông thầm nghĩ. Khi vượt qua khỏi trại cưa, dù cố gắng tự chủ, nhưng ông vẫn ngoái lại nhìn, như thế ông muốn chuốc vào trong ông hình ảnh trẻ trung, hoạt động đó. Đồng thời, ông cũng nghĩ rằng, lúc còn trẻ sao ông chẳng có một nhịp sống say sưa, hồn nhiên. Ông bon chen. Ông vùi đầu vào sách vở để tìm một địa vị trong xã hội. Ông bỗng phát giác ra: Tuổi trẻ, càng ngày càng đẹp. Hay tuổi trẻ lúc nào cũng đẹp mà ông không chú ý đó thôi? Có lẽ đến một lúc nào đó người già, mới chợt nhìn ra hết tất cả nhựa sống đang trào, những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ. Để đôi khi, thầm ước sao trở lại được như vậy, hoặc đó là lý do vững chắc nhất để tin rằng mình đã  già rồi. Và tuổi trẻ sẽ trở nên điểm tựa để người già nương tựa vào mà hy vọng ở ngày mai. Đó là, nói về thế hệ trước chiến đấu, và hôm nay cô gái ấy tiếp tục chiến đấu. Còn ông, ông là người của một chế độ khác, và chẳng phải ông đã  thất bại rồi đó sao. Trước đây, ông đâu có chiến đấu cho cô gái ấy và cho ngày hôm nay. Ý nghĩ đó làm ông khó thở và thấy thắt ở tim. Ông đau khổ. Ông muốn đôi mắt khô khan của ông chảy được đôi giọt nước mắt, chắc ông sẽ được nhẹ nhõm. Nhưng đôi mắt ông vẫn xốn xang, đau buốt, khô khan. Tròng mắt bật lên những đường gân đỏ tươi. Ông già thật rồi. Ông là một người đang bị bỏ đi. Mình độ chừng bốn mươi lăm tuổi. Chắc vậy. Ông cũng không nhớ rõ tuổi của ông nữa. . .

 

Nhưng vẫn yêu mến cô gái ấy. Vì ông đã  từng trải qua một thời trẻ tuổi. Nhưng ông đã  làm hư, làm mất nó. Cô gái ấy, hôm nay, như một hình ảnh đáng lý ra cách đây hai mươi lăm năm ông phải sống tương tự như thế. Thật đáng tiếc, ông đã  sống một cách khác. Nên ông đâm ra đắm say cái vẻ đẹp khỏe khoắn, thanh cao đó. Mỗi ngày đi ngang qua xưởng cưa ông đều ngắm nhìn cô gái với ý nghĩ là mình đã  đánh mất những gì cao quý nhất của một đời người, nay được bù đắp lại. Ông nuôi dưỡng hình ảnh cô gái ấy trong ông. Ông ước cái vẻ đẹp ấy sẽ làm đầy được cái khoảng trốngghê sợ mà ông đã  cố tình đánh mất. Và có khi, cho đến một lúc nào đó – Ông hoài nghi – Hình ảnh đẹp đẽ ấy sẽ là cái cớ thúc đẩy, làm ông thay đổi quan niệm. Ông sẽ vui sống?

 

Ngày lại ngày . . .

 

. . . Giờ đây, như thường lệ, ông sắp đi ngang qua xưởng cưa. Hôm nay gỗ về có nhiều lắm không? – Ông hơi tự hỏi. Bước chân ông trở nên nhanh nhẹn hơn. Ngang qua xưởng cưa, ông mong được trông thấy cô gái.

 

Nhưng bên trong xưởng cưa, giữa đám bụi khói quần xoáy cùng với âm thanh những lưỡi cưa xiết trên những thềm gỗ, ông không còn nhìn thấy cô gái nữa!

 

Rồi những ngày kế tiếp, kế tiếp cũng vậy. Cô ấy đã  chuyển đi nơi khác công tác rồi chăng?

 

Hệt như tình trạng trước kia, ông lại bắt đầu kéo lê những bươc chân như bị phù thũng. Người ông như muốn đổ sấp xuống mặt đường. Còn vài bước nữa là tới trạm xe buýt. Một bước, hai bước . . . Ông ngoái nhìn xưởng cưa. Ống khói nhà máy nào đó đang tỏa lên những đợt khói hình nấm, loang ra mờ mịt không gian. Hết sức khó nhọc, ông tiếp tục bước thêm. Khi dừng lại nơi trạm chờ xe, ông đứng lại thở, tay bấu chặt cột trụ của trạm. Không phải ông mệt mà ông vừa có ý nghĩ buồn đến nao lòng. Vẫn ý nghĩ cũ kỹ trở về với ông. Ông là người của chế độ cũ. Ông chẳng còn được ngưỡng vọng là thế hệ đàn anh nữa. Tốt hơn nên để lòng mình nguội lạnh, thờ ơ đó là một cách hay nhất để ông có can đảm sống. Vậy thì sự vắng mặt của cô gái đâu có liên can gì đến ông? – Ông tìm cách ngụy biện để dối lòng.

 

Một chiếc xe buýt trờ tới, dừng lại ngay trạm.

 

Ông với tay nắm lấy thanh sắt lấy đà bước lên xe. Ông cảm thấy mất hết sức lực, yếu đuối như một ông già. Một anh bộ đội đang ngồi trên ghế, nhìn thấy ông vội đứng dậy nhường chỗ cho ông. Anh nhìn ông với ánh mắt thân thiện, quen biết. Có lẽ, ông đã chữa răng cho anh bộ đội đó. Ông cũng không nhớ rõ. Hình như ông chẳng còn nhớ ai hết. Ghê chưa! Ông buông mình xuống ghế. Vừa lúc, tiếng cánh cửa hơi của xe bật đóng lại, xe rời trạm.

 

Ông dựa đầu vào ghế. Phải rồi. Ông chẳng còn nhớ ai hết. Vì từ lâu, ông không còn chút động tâm, khi phải chữa răng. Tự ông đã đánh mất cái ý nghĩa đẹp của nghề nghiệp. Từ lúc nào nhỉ? Có lẽ, một vài năm sau khi ra trường thì ông đã  có thành kiến với nghề của mình. Nhiều người đến ông, không phải để chữa răng, mà để hủy hoại những chiếc răng đang lành lặn thay vào những chiếc răng chết. Dù đó là răng bằng vàng đi chăng nữa, đâu có ngon lành bằng răng thật. Và để có một đời sống sung túc, chân ông hơi nghếch lên cái nút điện, tiếng máy phát ra re re, khô khốc. Trong thoáng chốc, một hay hai chiếc răng lành mạnh bị cưa ngang hay bị giũa mỏng đi một cách tàn bạo. Hoặc một trường hợp khác – Lấy tủy răng. Giữa hai đầu ngón tay ông là một chiếc kim nhỏ xíu, hình xoắn có gai. Ông thận trọng luồn ngập chiếc kim qua lỗ chiếc răng bị đau. Vừa xoay chiếc kim ông vừa nghe ngóng. Ông từ từ rút chiếc kim ra. Những sợi tủy màu hồng hồng xoắn trong chiếc kim. Dưới ánh sáng lạnh lẽo, ông lướt nhìn gương mặt tái xanh, lo sợ của bệnh nhân, bằng đôi mắt không cảm giác . . . Rồi ông cúi xuống xoay ngược chiếc kim, những sợi tủy hồng hồng mềm nhão, ươn ướt, bung ra bám trên ngón tay trỏ của ông . . . Còn sự đau đớn và sợ hãi của người đến chữa răng? Mặc. Ông cần xong việc của ông, sau cùng, ông thích thú chờ nghe một câu nói hết sức lễ phép, e dè “Thưa nha sĩ bao nhiêu tiền?”.

 

Xe vừa dùng lại ở trạm nào đó. Ông biết như vậy, vì sát bên ông bỗng có một tiếng hát vừa cất lên. Anh hỡi anh ở lại Charlie. Anh hỡi anh là loài chim quý . . . Đó là tiếng hát quen thuộc của một gã thương – binh – ngụy. Trên chiếc xe buýt này ông vẫn nghe. Anh, mình anh ở lại Charlie. Lời hát tôn vinh một đồng ngũ của gã đã chết. Còn hát làm gì cho thêm thảm hại. Chẳng phải những người như gã thương – binh – ngụy, những người – người – người – như ông đã  chết rồi ư? Ngay trong giọng hát có cái gì tả tơi, rên xiết – Ông nghĩ bụng. Anh hỡi anh ở lại Charlie. Gã vươn cao cổ hớp không khí. Gã bị cụt một chân. Một tay gã tỳ chặt trên nạng gỗ hơi choãi về phía trước. Tay kia cầm cái nón rằn ri ngả màu, nhàu nhược chìa ra trước để xin những đồng tiền lẻ. Mắt gã giả lãng, không nhìn anh bộ đội. Có lẽ, gã muốn tránh xa thêm, nhưng không thể, vì trong xe đông người. Xe lại đang chạy qua một đoạn đường chật chội. Tất cả hành khách đứng trên xe đều bị lắc lư. Chỉ một lát sau theo nhịp thắng dồn gấp của xe, chiếc nón trên tay gã vô tình hướng về phía anh bộ đội. Hoạt cảnh ấy diễn ra gần như sát mặt ông. Ông đưa mắt nhìn anh bộ đội. Ông muốn bắt gặp quả tang một ánh mắt xa lạ, hoặc một cử chỉ tỏ vẻ ác cảm, căm ghét của anh bộ đội. Nhưng không, giống một vài người trên xe, anh bộ đội cũng bỏ tiền vào chiếc nón ấy. Xin một lần thôi, một lần thôi vẫy tay tạ từ anh đi. Hình như, giọng hát bỗng ngập ngừng. Có phải ông quá tưởng tượng? Hay thật ra, chính ông đang xúc động. Ô kìa! Anh bộ đội đang nhích gần gã thương – binh – ngụy. Bàn tay anh nắm chặt cánh tay của gã, lắc lắc một cách thân tình. Và ông nghe thấy “Anh nên học lấy một nghề làm ăn. Anh còn khỏe mạnh. Làm vậy, khổ lắm!”. Tiếng nói của anh bộ đội vừa đủ cho gá nghe. Nhưng lọt vào tai ông, vì ông chỉ cách hai người trong gang tấc. Gã thương – binh – ngụy hát hết bài hát rồi im. Thay vì, sau đó sẽ có một bài hát khác như thường lệ. Gã xếp tiền bỏ vào túi, vò chiếc nón trong tay. Đôi mắt của gã lặng lẽ chong xuống đường như đang chăm chú nhìn xe chạy. Lâu sau, ông nghe tiếng gã than thở thật nhỏ với anh bộ đội “Tôi chán đời quá anh à!”. Rồi gã nhích chiếc nạng gỗ ra phía sau, như muốn tìm đường lẩn trốn. Cả người gã cứ lao đao mãi theo nhịp lắc của xe.

 

Một cảm giác bàng hoàng choán lấy cả người ông. Tại sao có sự rộng lượng chân thành như thế được. Anh bộ đội không để ý gì đến lời bài hát ấy sao? Tình cảm của anh bộ đội rất thật thà. Trong khi, cách đây không bao lâu họ là hai kẻ thù, sẵn sàng tiêu diệt nhau. Bỗng dưng ông nhìn thấy nguyên do sự dằn vặt trong ông. Đó là sự  dằn vặt trong ông. Đó là sự dằn vặt khôn nguôi, không có cách nào giải quyết được thỏa đáng. Càng ngày nó càng ngấm vào người ông hóa ra một tâm trạng bất mãn thường trực. Vì ông chẳng bao giờ nhìn thẳng vào sự việc, mà ông chỉ nhìn vào cái bóng đen của nó. Những bóng đen ấy đè ông với sức nặng ghê gớm, khiến ông vô phương vùng vẫy. Bây giờ thì lạ chưa! Chỉ một thoáng rùng mình là ông thoát ra khỏi. Thật là một cử chỉ đẹp – Ông nghĩ về anh bộ đội. Lòng ông bỗng bình yên không một gợn thành kiến.

 

Dưới đường, những tiếng động cơ của đủ loại xe đang reo lên rộn rã. Ông hơi nhỏm người về phía trước, dãy phố ở bên phải ông đột nhiên trở nên lạ hẳn. Chưa hết ngạc nhiên thì chiếc xe buýt cả ông chạy vụt qua khu vực bệnh viện có những tầng lầu cao vút – Đó là nơi ông làm việc.

 

Thôi rồi. Ông quên không xuống trạm phía trước. Không sao – Ông nghĩ một cách vui vẻ. Chốc nữa mình sẽ đi ngược lên. Quãng đường đâu có bao xa.

 

Chính hôm đó, trong niềm vui vừa được khơi mở. Cô gái ấy đã  đến phòng chữa răng của ông với chiếc răng cửa bị gãy, hư hoàn toàn.

 

“Một tuần nữa cô trở lại”. Ông nhớ hoài âm thanh đầm ấm, rung động của chính ông. Từ hôm đó đến nay đã  được một tuần rồi. Suốt thời gian chờ đợi (Tại sao ông phải chờ đợi?), ông luôn luôn bước vào phòng với nụ cười. Ông nhẹ nhàng thay vào chiếc áo blu trắng. Ông ngồi vào ghế. Mọi cử chỉ của ông đều bình tĩnh, thanh thản. Hình ảnh anh bộ đội ông đã  gặp trên xe buýt và cô gái ở trong xưởng cưa đang đầy kín trong ông.

 

Hôm nay, ông tin chắc rằng vài phút nữa cô gái sẽ tới. Niềm tin xác thực, không mơ hồ chút nào.

 

Ông cầm chiếc răng lên quan sát. Còn đôi chỗ chưa hoàn chỉnh – Ông tỉnh táo nhận định. Ông nhích chân đạp nút điện, đưa chiếc kim đầu trần xoay tít cực nhanh, lướt thật mỏng lên chiếc răng. Một tiếng rè rè mơ hồ phát ra. Ông vội nhấc tay lên, rời chân khỏi nút điện: Ông mở hai ngón tay cho chiếc răng chìm trong chén nước. Trên cao, chiếc quạt trần, phả gió, làm mặt nước rung rung. Ánh sáng bóng điện sau lưng ông, giữa ban ngày bị loãng mất, chỉ còn phảng phất một ánh vàng mờ ảo rung rinh trong chén nước, chiếc răng phía dưới chập chờn như một viên ngọc. Ông thật hài lòng với ý nghĩ, ông đang tái tạo thật linh động cái vẻ đẹp vốn dĩ đã có. Một lần nữa, ông lại cầm chiếc răng lên, lần này ông giữ nó trong lòng bàn tay. Một cảm giác êm đềm khiến ông khép mắt lại. Vừa có ai cắm nhẹ vào tay ông? Và mơ hồ ông nghe tiếng bước chân rụt rè bên ngoài hành lang. Ông mở to mắt. Một cô gái khẽ bước vào phòng làm việc của ông. Ông thốt lên:

 

- À! Cô đã  tới.

 

Bác hẹn . . . – Môi cô gái chợt mím lại.

 

Ông gật đầu, tay chỉ về phía chiếc ghế dành cho người đến chữa răng. Cô gái bước lên bậc, ngồi vào ghế với gương mặt ngơ ngác. Rồi cả người cô từ từ ngả ra phía sau, đôi mắt hơi khép lại tránh ánh điện sảngực. Vầng trán cô bắt đầu lấm tấm mồ hôi. Ngực phập phồng theo nhịp thở.

 

- Bắt đầu nhé ! – Vừa nói, ông vừa điều chỉnh lại ánh sáng.

 

Tay ông khẽ đặt cạnh môi cô gái. Hai cánh môi tươi tắn từ từ mở ra. Tay kia ông càm một chiếc răng tuyệt đẹp. Ông bắt đầu công việc . . . Đầu cô gái như gắn chặt vào chỗ tựa của ghế. Mái tóc buông rơi, trở nên óng ả vì ánh sáng len ẩn vào phía trong. Chợt một luồng sóng gợn nhẹ trên cổ cô gái. Cái cổ nhỏ nhắn hơi gồng lên, vươn ra. hơi thở gấp rút phải ấm từng đợt vào mô bàn tay ông. Hai bàn tay cô càng lúc càng siết chặt chiếc khăn tay hơn nữa… “Xong rồi” – Ông kêu lên. Cô gái choàng tỉnh.

 

- Cô súc miệng – Ông nói.

 

Cô gái cầm ly nước lọc lên. Một bên khóe môi cô ửng đỏ, vì ông đã  tựa ngón tay vào, trong khi lắp răng.

 

Ông hỏi:

 

- Sao? Cô cảm thấy thế nào?

 

- Dạ thưa, lạ lắm!

 

- Vì chưa quen – Ông cầm lấy chiếc gương – Cô có thể xem lại. Cô gái nghiêng đầu né chiếc gương, ngượng ngùng.

 

- Dạ thôi.

 

Ông trả chiếc gương về chỗ cũ và ông thoáng thấy trong gương bóng áo tím ấm áp của cô.

 

Cô gái lại nói:

 

- Thưa lạ quá.

 

Vết ửng hồng trên khóe môi cô gái đang bắt đầu mờ nhạt.

 

Ông nhấn mạnh:

 

- Có lạ lắm không?

 

Cô gái lùa tóc sang một bên, mở to mắt nhìn ông. Ý nói, cô không cần lập lại cái cảm giác ấy nữa, thì chính ông cũng hiểu, cũng thông cảm quá rồi. Ông gật gù. Ông hiểu. Nhưng ông muốn kiểm tra lại cho chắc chắn hơn.

 

Cô gái lại dựa lưng vào ghế, trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Bộ ngực đầy đặn, bình yên. Hai bàn tay cô lần này không bối rối. Cô tin rằng, lần này không nguy hiểm khó khăn như lần trước. Cô chờ đợi.

 

Ông đặt trên tay chiếc răng vừa lắp vào. Ông chăm chú quan sát. Ông nghe ngóng, thăm dò bằng tất cẩ cảm giác và kỹ thuật của nghề nghiệp. Lâu sau, ông bật lên:

 

- Tốt. Hoàn hảo lắm!

 

Nhưng câu nói thoát ra chỉ được nửa vời. Vừa lúc đó, vô tình cánh tay ông chạm vào bộ ngực đầy, mềm mại của cô. Ông muốn kêu lên một tiếng liền sau đó: xin lỗi. Nhưng ông đứng lặng. Chốc sau ông đi lần về phía cửa sổ . . . thuận tay, ông đẩy cánh cửa. Bên ngoài là khu vườn của bệnh viện. Ông nghe xôn xao tiếng đùa của những tàn mận, tàn ổi. Tiếng gió đưa tàu chuối nặng nề, lật phật. Tiếng lá mía chạm vào nhau nham nhám, khô khô. Mơ hồ, tiếng rơi lộp bộp của những bông ổi trắng ngần như trong một giấc mơ buồn buồn. Ông lơ lửng trong khu vườn không gian ngát xanh . . . Khu vườn cứ nghiêng mãi theo chiều gió. Cho đến khi ông thấy mình như hụt chân muốn rơi ra ngoài khoảng không. Ông sực tỉnh. Hỏng. Mình hỏng mất. Ông chờ phản ứng của cô gái. Vắng lặng quá. Cô gái đã  về rồi? Một nỗi tuyệt vọng ghê gớm ào đến trong ông. Đây là lần cố gắng đầu tiên của ông. Rồi ông sẽ tiếp tục cố gắng mãi như thế đối với bất cứ ai. Nhưng lần này . . . Ông thở dài. Ông yêu mến cái dáng vẻ nhanh nhẹn luồn lỏi giữa những thân gỗ sần sùi, trần trụi. Ông yêu mến gương mặt đăm chiêu ngước nhìn cái cần cẩu đồ sộ. Ông nhớ hoài tiếng kêu: “Tới chút nữa!” . . . Ông định sau khi xong việc, ông sẽ nói với cô về anh bộ đội ông đã  gặp; về một cô gái đang công tác trong xưởng cưa với một vết sẹo trên cánh tay còn mảnh đạn bên trong. Ông sẽ nói về thái độ làm việc của ông trong những ngày sắp tới. Nhưng hết rồi. Chỉ một chút vô ý nhỏ, nên ông chẳng bao giờ nói gì được nữa . . . Có tiếng nước chảy. Hình như ông quên không khóa vòi nước. Mặc. Ông buồn bã, bủn rủn. Người ông như muốn đổ xuống. Một điếu thuốc. Ông kêu lớn trong trí. Phải chi có một điếu thuốc. Tiếng nước chảy nhỏ dần, nhỏ dần. Ông chậm chạp quay lại, định trở lại chỗ làm việc của ông. Bỗng nhiên trên bàn trước mặt ông xuất hiện một ly nước trong vắt, có ba chiếc bông dâm bụt Đà Lạt tỏa ra, bừng nở một cách nồng nhiệt.

 

Ông đưa mắt tìm nguyên cớ. Cô gái còn đó. Cô đang đứng khép nép ở góc phòng, miệng nhoẻn cười hiền hậu. Hàm răng trắng bóng đều như những hạt bắp toàn vẹn, thuần nhất một chất ngọc hiếm quý.

 

Ở đâu cô có những đóa hoa đó vậy!?

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2627
Ngày đăng: 16.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Nhầm lẫn - Hoàng Thu Dung
Bông - Kim Quyên
Đám cưới vùng sâu - Kim Quyên
Người bạn lính - Nguyễn Quang Sáng
Đạo Tưởng - Nguyễn Quang Sáng
Gà sanh đôi - Nguyễn Quang Sáng
Chuyện làng Kinh - Phạm Lưu Vũ
Chính danh - Phạm Lưu Vũ
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)