Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.078
123.233.723
 
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 2
Thụy Khuê

 

Dương Nghiễm Mậu

(ảnh chụp trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta - Hai mươi năm Văn học Miền Nam 1954-1973, Nxb Sóng xuất bản năm 1974)

 

Dương Nghiễm Mậu và con người hư vô

 

Truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu - thoát khỏi vòng chiến để mắc vòng tâm chiến - thường có một không khí đặc biệt, một độ căng bất thường. Những truyện ngắn hay của ông dàn trải trên nhiều tập: Cũng đành, Đêm, Đôi mắt trên trời, Sợi tóc tìm thấy, Kinh cầu nguyện, Ngã đạn,... Dương Nghiễm Mậu thành công rất sớm, ngay từ những năm 57-59, ở tuổi 21-23, đã viết những tác phẩm già dặn, có bề dày tư tưởng.

 

Cũng đành gồm sáu truyện ngắn, mỗi truyện đặt con người trước một tình thế. Những nhân vật thèm khát vươn lên, cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống nhưng càng tìm hiểu càng mù mịt. Niềm đau nhức của khoảng trống truyện ngắn đầu tiên trong tập Cũng đành đưa người đọc vào thế giới nội tâm Dương Nghiễm Mậu, một thế giới nhức buốt, đau xót, khi con người khám phá ra những ung mủ, thui chột, những triệu chứng bất thường trong cơ thể và tâm hồn mình. Nhân vật chính có một mụn nhỏ trên cổ từ bao giờ anh không hề nhận biết, cái bướu lớn lên theo người, cho đến khi người yêu của anh phát lộ ra sự "lớn" bất thường của nó, từ chối không đến với anh, anh mới ý thức được sự hiện diện của nó: "Tôi đứng soi mặt tình cờ vào tấm gương trang điểm của nàng, lúc đó tôi mới thấy, tôi mới biết, tôi mới hiểu cái bướu đang ngự trị trên cổ, cạnh mặt tôi đây. Tôi để tay lên đó để sờ thấy nó hiện hữu giữa đời sống. Điều mà khi tôi yêu nàng - khi mà tôi yêu tôi - tôi bỏ quên nó, tôi không quan tâm đến.

 

Nàng ngồi ôm mặt khóc. Tôi lấy tay giữ lấy cái bướu bỏ chạy ra khỏi phòng, xuống nhà tôi quên cả chào hỏi, dừng lại. Tôi chạy mau, tay giữ bướu tự mở cửa ra đường. Tôi hốt hoảng lo lắng khi có người, tôi sợ họ nhìn thấy. Tôi nghĩ rằng người ta đang hò hét quanh tôi đòi bỏ tay ra cho họ nhìn, bao nhiêu bước chân đuổi bắt rộn lên, rồi điệp điệp trùng trùng những khuôn mặt xa lạ, ghê gớm, quỷ quái hiện đến như chỉ thấy cái bướu tôi mang trên thân thể. Tôi dùng tất cả sức lực mình cố chạy cho nhanh, lẩn trốn vào bóng tối. Tôi muốn vươn tay phá lủng tất cả ánh sáng đang chiếu rọi xung quanh" (Niềm đau nhức của khoảng trống trong tập Cũng đành, Văn nghệ, 1963, trang13).

 

Vấn đề nòng cốt ở đây là sự hiện hữu. Nhưng không phải bất cứ hiện hữu nào. Hiện hữu như cỏ cây, như động vật không ý thức được mình, hay hiện hữu như một con người có ý thức. Dương trình bầy trường hợp thứ nhì, hiện hữu có ý thức có người khác. Kẻ khác. Chính kẻ khác đã xác định vị trí của ta, làm nên tiêu diệt ta. Cái mà Sartre gọi là L'enfer c'est les autres. Nếu không có "kẻ khác" ta chẳng cần nói, chẳng cần quần áo, chẳng cần một ngoại hình "dễ coi", bởi có ai nghe, ai nhìn? Vì kẻ khác mà phải có quần áo, tiếng nói. Kẻ khác "tạo ra" ngôn ngữ, trang phục, lớp lang, ngoại hình, giả tạo... Chính con mắt của kẻ khác đã vẽ nên ta, ngụy tạo ra ta, và đầu độc ta.

 

Con người hình thành từ kẻ khác và bị ngộ độc vì kẻ khác. Hắn sống với những ung nhọt nhưng không biết. Khi mụn độc phát thành bướu, trên cổ, trên mặt, làm thay đổi ngoại hình thì hắn bị kẻ khác vạch mặt chỉ tên như một quái thai, một sự quái gở, một kẻ không giống ai, không thể sống được trong thế giới của những người lành. Cái bướu đã giúp hắn nhận thức về thân phận mình: "nó không phải là một sự tình cờ bỗng nhiên hiện diện. Nó là một sự thực" (trang 29). Nhưng cái bướu hay sự thực là một hiện diện vô ích. Cái bướu cũng "vô ích" như sự thật: người ta không cần nó. Lúc nó nhỏ chẳng ai để ý, nhưng khi to dần, nhận diện được, thì chính anh, kẻ nhận diện ra sự thật (hay kẻ thấy mình có bướu), sẽ bị người khác khước từ, chối bỏ. Để được trở lại "môi trường lành mạnh", với người yêu, với loài người, anh phải cắt bướu đi, cho giống đồng loại. Nhưng khi đã cắt bỏ phần thui chột, thừa thãi, phần "sự thực" của mình, anh trở nên một cái gì không thực nữa và anh sẽ chết.

 

"Thân thể anh còn đây, cái bướu đã mất. Anh khước từ sự hiện diện vô ích của nó nên anh đã trở thành một sự không thực. Anh chẳng còn gì ngoài cái thân thể đang dần dần nhiễm độc, ung thối ra cho những sinh vật khác sinh sống. Anh là một sự không thực nằm đây - Sự quái gở bắt đầu bay hơi ẩm mốc. Nhưng từ đó anh biết rằng anh là gì. Anh hơn đám đông vây quanh, bởi anh ý thức được sự có anh, mọi người coi họ có mặt - nhưng là một sự có mặt hư ảo, không thấy mình." (Niềm đau nhức của khoảng trống, trong tập Cũng đành, Văn Nghệ 1963, trang 30)

 

Đó là bài học nhận thức đầu tiên của "anh" về thân xác, về sự hiện diện, sự có mình, có toàn quyền về thân mình. Phác họa chân dung một kẻ nhận thức được sự hiện hữu của chính mình như thế, Dương Nghiễm Mậu là một trong những tác giả tiên phong đem triết học hiện sinh vào tác phẩm, bởi đó chính là một cách nhận thức rất hiện sinh, rất Roquentin, rất Sartre. Trước Dương, trong văn học Việt Nam, chưa mấy ai viết về mình, về sự tồn tại, như thế. Khi nhận thức được như vậy, "anh biết anh là anh. Anh có toàn quyền về thân anh. Người ta từ khước anh - điều đó không cần thiết khi anh đối với anh đã là sự có mặt hằng cửu". Và khi nhận ra "niềm đau nhức của khoảng trống" anh thấy mình chỉ là "một hải đảo cô đơn ngàn đời" (trang 31). Tự cắt mụn đi anh bước dần về cõi chết, những chân rết của ung thư sẽ tự do tung nọc độc trên khắp cơ thể.

 

Lão Giăng trong truyện Người ngồi đội mũ là một tay Tây thực dân chủ đồn điền trước khét tiếng giết người như ngóe, nay sống vất vưởng như con chó già trong ngõ hẻm với đứa con gái hờ làm đĩ. Nếu dĩ vãng cá nhân của lão mang những nét "vàng son" bàng hoàng và khủng khiếp, thì dĩ vãng dân tộc của chàng thanh niên định đến giết lão để trả thù quá khứ nô lệ cũng không vẻ vang hơn. Việc moi móc dĩ vãng của lão Giăng và chàng trai chỉ đem lại những trả lời không lấy gì làm hồ hỡi cho cả đôi bên: chàng thanh niên nhận thấy cái di sản mà chàng muốn bảo tồn thực ra chỉ là một thứ di sản mọc lên "từ một thứ gốc rễ ở tận bên Tây nào, với những nhân vật tam quốc cùng với hàng trăm những kẻ thống trị da trắng đến chốn này" (trang 47). Mọi cá nhân đều chịu sự thao túng triền miên của thứ ung nhọt nằm vùng chạy cùng khắp cơ thể. Mọi nhận diện thực tại đều đưa đến những đau đớn xót xa. Mọi nhận diện bản thân đều đưa đến những nhục nhã, ê chề. Mọi nhận diện người khác đều đưa đến bất lực, xa lạ, không thể hiểu được nhau.

 

Bồn cát tuổi thơ phân chia lãnh giới trẻ con và người lớn trong cuộc đối thoại giữa một người thanh niên từng trải và một đứa bé trong bồn cát công viên. Cuộc chơi của đứa bé đầy hình ảnh: nó trồng chuối, xây nhà, chơi dế, chơi ve, chơi đi tàu về quê ngoại... Cơn mộng của người thanh niên đầy bóng tối, những tiếng la hét, những con sư tử nhẩy chồm... "Sống" là một khúc dồi thời gian dồn đầy kỷ niệm: mẹ tôi bị bắn chết, cha tôi bị cầm tù, anh em họ hàng thất tán mỗi người một nơi tìm không thấy mặt, chị tôi túng quẫn trong vòng bệnh hoạn, em tôi được gửi vào nhà tế bần, người yêu tôi đã bỏ đi... Đứa bé may mắn, nó chưa "sống", nên chưa bị nhúng chàm thời gian và kỷ niệm.

 

Tiếng động trên da thú chắp vá hai mảnh đời vỉa hè, hai kẻ sống vô gia cư chết vô thừa nhận. Những nhân vật trong tập truyện ngắn này có chung một điểm: họ cũng đành, cũng đành sống, cũng đành hiện hữu.

 

Truyện ngắn Cũng đành xây dựng như một toà nhà xoáy trôn ốc về vấn đề bản thể. Tôi là ai? Tôi là ai trong chiến tranh? Tôi có quyền gì? Tôi có căn cước không? Có quyền lựa chọn không? Có quyền hiện hữu không? Hay chỉ có độc một quyền chết. Cũng đành viết về một kẻ đi kháng chiến, bị sốt rét hành, phải trốn đơn vị chạy vào thành tìm ký-ninh uống. Hắn không thể về được nhà mình trên bãi Phúc Xá, mặc dù đứng trên đê, hắn nhìn thấy nó. Ngôi nhà biến thành chiếc lâu đài u uất, ma trơi, hắn càng tìm cách về gần, nó càng trôi xa, càng biệt tăm biệt tích. Trên đường vòng vo tìm kiếm, hắn chịu mọi đòn, hắn triền miên sốt. Nghe nói giun trị sốt rét, hắn nuốt bao nhiêu giun nhưng sốt vẫn hoàn sốt. Hắn trốn nhui, trốn nhủi, đói khát triền miên, ăn cắp, cướp dật, bị sốt hành như cái bướu ung thư. Nhờ người làm cũ hắn kiếm được việc. Có tiền hắn uống ký-ninh thả cửa. Ký-ninh làm hắn điếc. Bị đuổi. Hắn bới rác để sống... Một ngày, bị lính bắt. Bị tra hỏi. Hắn khai tên thật. Bọn lính không tin. Đánh đập. Lại tra hỏi. Hắn khai láo. Đánh đập. Lại tra hỏi. Đánh đập. Trước khi chết, hắn lập lại câu hỏi: Cha mẹ mày tên gì?

 

Cũng đành có không khí nghẹt thở, đầy tra tấn, nghi hoặc, tàn ác, rất giới tuyến, rất Kafka Việt. Việt Nam của hai cuộc chiến, từ sống đến chết, từ lý tưởng cứu nước đến vực thẳm sa đọa là những chuỗi dài ngộ nhận và phi lý. Rút cục, sống hay sống sót chỉ là hai chữ cũng đành mà bên trong là dòi bọ, rác rưởi, giun dế và trống rỗng. Con người xa lạ với cuộc sống, xa lạ với người khác, không hiểu tại sao thân phận lại run rủi đưa ta đến đây, đến "bên này" mà chẳng đến "bên kia". Bên ni, bên tê, bên nào cũng vạch sẵn những ranh hố đợi chờ, anh lạc đến là phải tự đào. Vùng vẫy cách nào cũng không thể thoát được.

 

 

*

 

Nói một mình (trong tập Đêm) dường như là chuyện một xác chết kể lại chuyện mình. Nói là dường như bởi vì đọc xong bạn không chắc một cái gì cả. Sự "không chắc" ấy mới chính là "cốt truyện": tất cả dựa trên những yếu tố mập mờ, không có gì rõ ràng xác quyết, cũng không có gì phủ định bởi người ta không biết cái được gọi là đời sống nó như thế nào, không rõ bất cứ sự gì đã "xẩy ra" trong cuộc đời, tất cả đều chắp vá đan cài, đoán già đoán non, mỗi người tưởng mình "nắm" một mảng, nhưng nếu chắp lại thì chúng không có gì ăn khớp với nhau. Cảm tưởng đầu tiên khi đọc một số truyện của Dương là rời rã, có khi bạn không hiểu gì cả, chả biết tác giả muốn "nói" gì, nhất là "nó" không dẫn đến đâu, đọc xong không rút ra được bài học nào, thậm chí nó "cứng" nó "nhạt", nó cứ "trơ trơ" ra đấy, ù lì như cuộc đời chúng ta đang sống, chẳng có "biến cố" gì đáng nói. Vô dụng. Nghệ thuật của Dương Nghiễm Mậu dựa trên yếu tố đó. Vô dụng. Tác giả đưa ra những vấn đáp không ngừng của nhân vật, về nguồn gốc, về bản chất đời sống. Ai tạo ra đời sống của ta? Chẳng có ai cả. Ta tự tạo ra nó như thế đấy. Trong truyện Nói một mình, nhân vật chính, xưng tôi, tên Thuấn, có người chị tên Liên. Hai chị em mồ côi. Mẹ chết sớm, cha lấy vợ khác. Cảnh dì ghẻ con chồng. Sau người cha cũng mất tích. Người ta tìm thấy xác người cha trôi sông Đáy. Người chị làm điếm nuôi em. Thuấn kinh tởm nghề của chị, xỉ nhục chị, có thể đã bạo hành chị, rồi bỏ đi. Nếu cố tình chắp vá lại cho "có truyện" thì đại để là như thế. Truyện mở màn trên xác chết vô danh, chắc là xác chết của Thuấn. Rồi sau đó là những lời kể lể về hành trình của một kẻ -chắc là Thuấn- từ lúc sinh đến lúc chết. Một thứ tâm sự của xác chết, bởi chết là yếu tố bao trùm lên tác phẩm như điều kiện cuối cùng của con người: Rồi ai cũng phải chết. Nhưng từ cái sinh đến cái chết là cái gì? Chặng đường ấy ra sao? Tại sao sinh và tại sao chết? Chết khốn khổ như một con chó hoang trong cô đơn vô vọng. Tình thương của người chị, người bạn, người yêu có thể cứu vãn được không? Có thể đưa ta ra khỏi cõi cô đơn sau cùng không? Người sắp chết cố gắng gào lên những tiếng kêu cứu cuối cùng, nhưng âm thanh không lọt ra khỏi cổ, mà nếu có lọt ra ngoài thì cũng không có ai ở đấy để nghe. "Đây là sa mạc? Giữa bể khơi? Hay là một khoảng trống không nào đó - một góc nhà xác cũng nên - ôi những hình ảnh... ai kia... ai kia... ai đấy... một người nào đấy lại đến với tôi trong lúc này?...". Dĩ nhiên là không có ai và người hấp hối đi vào cõi Đêm, một mình, nói một mình và chết một mình.

 

 

Sự tha hoá của con người

 

Tập Đôi mắt trên trời, do Giao Điểm in năm 1966, khoáy sâu thêm vào đêm tối, đưa ra những cảnh sống không còn là sống. Những kiếp được gọi là người ở đây còn tồi tệ hơn kiếp chuột, kiếp rệp... Sống hay tồn tại chỉ là sự đồng hoá giữa người và vật. Bộ ba Mậu truyện Lấy máu, Những chuột, Và rệp là những tác phẩm cực thực về bản chất xã hội loài người. Ngòi bút của Dương chiếu thẳng vào mỗi trường hợp cá nhân khảo sát như một mũi dùi độc sáng.

 

Trong truyện Lấy máu, Năm-Sàigòn "vớt" một đứa nhỏ đang bốc trộm thùng cơm thiu cho lợn ăn, về "nuôi" và dậy cho nó nghề bán thuốc cao Giang Đông chuyên trị bá chứng. Năm-Sàigòn rạch tay thằng bé cho máu chảy và rịt thuốc cao vào vết thương trước mắt mọi người để "chứng minh tính cách thần diệu" của cao Giang Đông. "Qua một tuần lễ như thế tay trái tôi đã gần nát ra rồi, có những vết tay mưng mủ và thối, nó rỉ nước vàng. Mỗi bữa bưng bát cơm không nổi tôi phải dùng cù dìa mà súc ăn như một kẻ tàn tật. Thấy không thể tiếp tục cắt máu ở bàn tay đó nên Năm-Sàigòn bắt đầu cắt ở bàn tay phải. Người ta vẫn xúm đông xúm đỏ lại coi, và mua thứ thuốc vứt đi đó" (Lấy máu, trong tập Đôi mắt trên trời, Giao Điểm 1966, trang 28). Nhớ đến cái chết của người mẹ, thằng nhỏ tự hỏi "Máu tôi rỏ ra vì miếng cơm. Nhưng còn những giọt máu của mẹ tôi do viên đạn bắn vào mạng mỡ đó - để đổi lấy cái gì?". Nhưng rồi hai thầy trò Năm-Sàigòn cũng không tiếp tục được cái nghề lừa bịp này lâu hơn, người ta khám phá ra sự bịp bợm, người ta nhìn thấy bàn tay trái của thằng nhỏ đầy vết cắt thịt mưng mủ thối tha, người ta thấy nó sắp chết vì hết máu, đến nỗi Năm-Sàigòn khía tay nó chỉ nhỉ ra vài giọt, người ta "chắc trong người nó chỉ còn vài cùi dìa máu mà thôi". Năm-Sàigòn mặc sức khoa môi, múa mép, không còn ai tin vào món thuốc thần của hắn nữa. Nói chán, hắn chìa thuốc ra cũng chẳng ai hỏi  lấy một câu. Hai thầy trò trở thành những con vật múa rối, bị bỏ quên, không ai thèm đoái hoài đến nữa. Đến bọn trẻ con cũng hết thú, chúng quay đi, trở về với những trò chơi bình thường. Lấy máu có một cách lạ lùng và kinh hoàng chiếu xuống sự tàn nhẫn và thờ ơ của con người, ít tác phẩm nào đạt được.

 

Những chuột xoáy vào trường hợp sống của Lão Chệt và lũ chuột. Chuột vừa là ân nhân vừa là lẽ sống của lão. Khi đói, lão chỉ cần thộp cổ một chú nướng lên thơm phức là rồi. Lão bẫy chuột bằng mùi cua nướng, đoạn nhốt chúng vào một chỗ, mỗi tuần thằng Lai, con lão từ Saigòn đánh xe về lấy chuột đem bán cho những cửa hàng síu mại, bánh bao.

 "Lão nhớ lại bữa chuột bao tử mấy hôm trước khi lão bắt được trọn ổ, tới mười bốn con chuột đỏ hỏn chưa mở mắt lão đã mang về tẩm bột rán, lão nghĩ ăn cái ấy thì bổ phải biết, cái gì bao tử chẳng bổ, đến dòi mà lão nghe nói cũng là một vị thuốc ghê gớm lắm. Lão cầm lấy đầu chú chuột bóp mạnh một cái, một tiếng kêu chít chít rồi tắt, giữa hai ngón tay, đầu chú chuột bẹp dí toé máu và óc, lão vứt bỏ vào góc nhà, lão đưa ngón tay lên miệng mút mút lấy một chút lầy nhầy của máu và óc ra chiều khoan khoái rồi lão vào trong bàn kiếm rượu đế tợp một hớp. Lão lấy thuốc vấn một điếu châm lửa hút.

Lão thổi ngọn đèn, vào giường, lão xát mạnh và đập hai bàn chân phủi cát rồi lăn ra ngủ (...).

 

Lão cứ nghĩ đến những món ăn đã được những đầu bếp khéo léo chế biến chuột ra mà bán thì thật phục. Lão đã ăn rồi, ngon lắm, bằm nhỏ ra ai biết đấy là đâu. Thịt gì chả thế, có lẽ thịt người cũng tương tự như vậy thôi, có chăng là cách chế biến sào cho nó ra vị là được." (Những chuột, trong tập Đôi mắt trên trời, trang 38- 40).

 

Lão Chệt thiếp ngủ trong những giấc mơ... chuột. Lão mơ tới kỹ nghệ thịt chuột, thấy mình là kẻ tiên phong làm trại chuột, sản xuất sữa chuột, thịt chuột đóng hộp, lão làm giầu trên xương máu chuột, lão có xe hơi, nhà lầu, bao nhiêu gái đẹp, lão cưới được con nhỏ Xiêm xinh đẹp trong ngõ mà lão hằng tơ tưởng... Cuộc đời lão cứ bình lặng trôi với ba chuồng chuột lớn vừa có của ăn của để như thế, nếu thằng Lai không cuỗm tay trên con Xiêm của lão. Nếu hai đứa không cuốn gói lên Sàigòn bỏ lão, không về lấy chuột nữa. Từ ngày thằng Lai không về, Lão cũng không bước ra khỏi nhà, mà cái nhà của lão trừ thằng Lai, cũng không ai lai vãng. Lão hoàn toàn một mình với giang sơn chuột, lão ăn dần chuột để sống, không ai trong xóm để ý đến sự vắng mặt của lão, trừ một vị khách quý thình lình đến: "Một hôm lão thấy hình như lũ chuột đã có con đói lả và gầy còm đi nhiều, có con phá ghẻ lở rụng hết cả lông. Lão quyết định lựa những con gầy yếu thả ra nhà, lão lấy những quần áo cũ, giẻ rách chất từng đống rồi thả chuột vào đó, lũ chuột gầy ốm cứ quanh quẩn chẳng đi xa, nó bò từ chỗ này sang chỗ khác làm tổ ở góc nhà, có con đào hang, con cắp giẻ làm tổ, lão Chệt hiền từ bao dung đàn thú vật vô hại đối với lão.

 

Bỗng một hôm lão Chệt thấy tiếng chuột kêu rẫy chết, từng đàn chạy trốn, lão thấy một con chó xuất hiện. Con chó có mầu lông đen nhưng lù xù như chó hoang, gầy teo, nó đi khập khiễng như kẻ nghèo đói, một mảng mông lở loét đỏ lòm xem chừng khốn khổ lắm:

- Chào quý khách! Chào quý khách! (...).

 

Lão Chệt cầm một mảng thịt chuột nướng ở tay cho con chó ngửi ngửi, nó ngoạm một miếng nhai ngấu nghiến ra chiều khoái trá lắm, lão tiếp tục nhặt một ít bạn quý nướng vào lửa, con chó tiến đến gần, có lúc chưa kịp vứt ra nó đã vồ lấy, lão Chệt không lấy thế làm bực. Nghe chừng đã no bụng, chó ta khoanh tròn trên ổ rơm ngay bên lão Chệt ngủ.

 

Sự có mặt của con chó, lão Chệt thấy khoái hơn, nhưng ăn mãi thịt chuột lão bắt đầu thấy chán. Vả trong đám chuột đã bắt đầu có con sinh đẻ ra từng đàn chuột con. Lão nghĩ đến con chó. Tay phải lão Chệt có chỗ sưng lên và lở lói, con chó nhiều lần ngửi ngửi và liếm láp. Lão Chệt rùng người. Lão thấy lo sợ nghĩ đến chuyện một lúc nào đó con chó sẽ đè lão ra mà nhai, chỉ con chó là có thể thịt lão được, còn bầy chuột kia thì ăn thua gì. Chờ con chó ngủ, lão kiếm một cái chai để bên cạnh rồi cầm ở tay thu sức dáng một cái xuống đầu chó. Chó duỗi hai chân dãy dãy lè lưỡi và sùi bọt mép. Lão Chệt mệt nhọc lắm mới kiếm được con dao mổ bụng chó, lão chẳng còn hơi sức để làm thịt con chó, lão mổ bụng moi bộ gan nướng ăn. Lão thấy tiết chó nóng và đặc sánh, lão thấy cổ khát nên vốc xuống. Lão ưng ý về món ăn lạ kỳ. Lão vứt bỏ xác chó ra giữa nhà, lũ chuột kéo đến ngoạm.

 

Trong xóm người ta bỗng xôn xao về cái chết của hai cha con ông Hộ Nhâm, bệnh tình giống nhau và chết ngay, có người nghi ngờ nên kiếm bác sĩ về khám, người ta phát giác ra bệnh dịch." (sđd, trang 45-46).

 

Tác giả trình bầy chân dung một con người: lão Chệt và một xã hội người: hàng xóm láng giềng của lão bên cạnh chân dung một con Chó và một xã hội Chuột. Người và vật, tên cùng vần c, tương xứng nhau trong cuộc tồn sinh. Tất cả những dứ, ngửi, nhai, ngoạm... của lão Chệt không khác gì hành động của con chó, có điều lão thủ đoạn hơn con chó, lão mưu tính kỹ hơn con chó. "Những chuột" hiền lành hơn so với "những người" chung quanh lão Chệt, chúng ít kỳ thị hơn, bớt thờ ơ hơn, chúng tương trợ nhau hơn. Lão Chệt, đỉnh cao tha hóa của con người, khởi đi từ một nước Tàu ngàn năm văn vật và lịch sử, một trong những trung tâm văn hoá lâu đời nhất của nhân loại, lão di lạc sang "ta", đôi lúc lão tự hỏi không biết ông cha mình "ngu si đần độn như thế nào mà sang đây hàng mấy đời rồi chẳng làm nên cơm cháo gì", ngay cả lão có lúc đã làm chủ một cái tiệm chạp phô, chẳng may con vợ tài hoa son phấn của lão đem "đút lỗ cả cái sản nghiệp vào hơi khói". Lây nó, lão cũng nghiện ngập, sạt nghiệp tưởng chết, may mà lão cai được và về đây làm "nghề" bắt chuột bán. Nhưng sự "xuống dốc" của lão Chệt cũng chưa bằng sự xuống dốc của cái quần hợp con người chung quanh lão: họ đi từ "văn minh" xuống ăn lông ở lỗ mà không biết, không hay, họ gây ô nhiễm môi trường bằng sự tàn ác, bằng sự kỳ thị, thờ ơ, sống chết mặc bay, bằng bán buôn lừa dối. Lão Chệt là phản diện của bọn đồng loại xung quanh mà cuộc sống chỉ còn là sự "xé xác" lẫn nhau, xé xác "bạn hữu", xé xác "đồng hành" đem nướng cho đến ngày kiệt quệ, tận diệt. Cái dịch hạch chuột không nguy hiểm bằng cái dịch hạch người, dịch hạch ăn gan, uống máu (dù là chó hay quân thù cũng như nhau) nơi lão Chệt đã tràn lan khắp nơi, không thể nào cứu vãn nổi.

 

Trong truyện Và Rệp, Ông Tư có mỗi một lo lắng độc nhất là làm sao trừ tiễu được bọn rệp đồn trú lậu trong kẽ ván sàn nhà ông, hở ra là chúng đánh du kích khắp nơi. "Kẻ thù" này nằm ngay trong tay áo, nằm trên đầu trên cổ, mà ông Tư không thể diệt nổi, dù ông đã dùng những hình thức xử tử cực kỳ dã man:

 

"Ông Tư lấy cái đanh ghim xuống giữa lưng chú rệp, nó dãy dãy chân như những cái bơi chèo, ông nhấc nó lên khỏi mặt tờ giấy, một chút máu dây ra đỏ tươi, cái bụng phồng béo của rệp đã xẹp đi, ông soi con rệp lên ngọn đèn quan sát một cách thích thú -chú mày, chú mày chết với ông, ai cứ bảo cứ trêu vào ông mãi, đó, mày ngó thấy chưa, cả một giọt máu, máu tao chớ máu ai vào đấy nữa. Sướng chưa con ơi...

Ông Tư đưa con rệp chạm vào thông phong đèn, con vật động mạnh, rồi ông lại bỏ ra, một mùi hôi nồng nặc thật khó chịu làm ông Tư nhẩy mũi ba cái liền, con rệp ở đầu kim bị rung mạnh đã rớt đâu mất, lúc dụi mắt xong, ông Tư không thấy, ông bực bội soi đèn tìm lại sau ông thấy nó dính ở ngay bàn tay. Lần này ông dùng cây kim chọc rồi hơ ngang vào ngọn đèn, bụng rệp bị nổ và kêu xèo xèo bốc ra mùi cháy khét.

 

Ông Tư tiếp tục bò xuống sàn, với một cái tăm nhỏ khều xuống khe ván, ông lùng kiếm những chú rệp đang ẩn ở đó, mỗi lần khều được ông lại gạt cho rệp bám vào cái tăm hơ vào ngọn đèn cho rệp rơi vào đó" (trích Và rệp, sđd, trang 57-58).

 

Phong cách trừ khử rệp của ông Tư không thua phong cách ăn gan uống máu chó của lão Chệt là mấy. Nhưng vấn đề của ông Tư "phức tạp" hơn, bởi kẻ thù của ông Tư, không chịu đầu hàng, vì hai lẽ: đánh sát lá cà từng con một như ông Tư vẫn làm thì không có cách nào cho chúng tuyệt chủng. Ông Tư thân cô thế cô trong trận giặc rệp này vì chẳng ai bận tâm đến chuyện nhỏ nhít như chuyện rệp. Ông Thức, một vị hàng xóm có học đang thảo luận với Bác Hai về những việc hệ trọng như tư bản, vô sản, mác-xít, Nga Mỹ đang thi nhau đưa người lên mặt trăng... ông Tư xớ rớ lại chêm vào câu hởi vớ vẩn "Này thế mặt trăng có rệp không nhỉ?", khiến cho con người học thức đó phải lẩm bẩm khinh bỉ: Ám ảnh rệp một thứ ám ảnh của dân vô học.

 

Rồi ông Tư vô học cũng được các vị bác học mách cho thứ thuốc tiên trừ rệp: DDT. Mua về rắc thì chúng chết tiệt hết, như thể ta nện bom nguyên tử. "Trong thuốc bột trắng ông Tư đã thấy xác mấy chú rệp nằm im. Quân thù đã ngã trên chiến trường không một tiếng kêu" (trang 67), nhưng DDT cũng chỉ được vài hôm, bọn rệp có cách hầm trú thần tình, khi thấy tình trạng tạm yên trở lại, chúng lại mò ra đánh du kích. Không thể trừ được rệp, ông Tư nổi khùng dùng biện pháp mạnh đốt nhà cho lũ rệp chết hết. Ám ảnh "rệp" của ông Tư cũng bi đát như ám ảnh "kẻ thù", một ung nhọt nằm vùng đột kích sự sống, dai hoi không thể "giải quyết" được: sống là gây vi trùng, là gây kẻ thù, "ở đâu có người ở đó có rệp". Càng sách động căm thù, kẻ thù càng bành trướng... sự sống càng trở nên cam go khốc liệt. Bộ ba Mậu truyện Lấy máu, Những chuột, Và rệp cùng chĩa mũi dùi vào sự độc ác của con người, dưới những góc cạnh khác nhau. Dương không cho nhân loại một ngõ thoát, cũng không tìm cách hoàn thiện con người bằng những giải pháp, mà chỉ bầy ra những ví dụ sống, như Năm-Sàigòn, như lão Chệt, như ông Tư... và cũng là những ví dụ chết: con người không có lối thoát trong cái ác nghiệt tăm tối của mình.

 

 

Dứt điểm của Mậu truyện

 

Truyện ngắn Đôi mắt trên trời như một điệp khúc của truyện Nói một mình về cái chết. Điệp khúc bắt đầu từ cái chết của chiếc lá cuối cùng trên cành, có lẽ nó bị sâu ăn, rụng xuống đất. Con sâu cuối cùng của cây bàng. Nhưng rồi số phận con sâu cũng như chiếc lá, sẽ sống được bao lâu nữa? Con sâu rồi sẽ như chiếc lá cũng bị văng xuống đất vì một con chim hay ngọn gió vô tình, nó có bị dập không hay sẽ bị một đàn kiến làm thịt? Tại sao nó chết?

 

Nhân vật chính, vẫn không tên, cũng là một kẻ sắp chết, hắn đang nằm trên giường bệnh viện, nhìn ra ngoài, hắn đoái hoài đến số phận chiếc lá và con sâu bởi hắn cũng thế, hắn cũng đang hấp hối. Trong khi "chờ đợi", để "giết" thì giờ, hắn truy lùng cái chết như lùng một hung thủ. Gọi là chờ chết vậy thôi chứ thật ra hắn biết hắn đã chết từ lâu, ngay từ hồi nhỏ, hôm người chú vớt bố hắn lên từ con sông Cái: chân tay bị trói dật vào một miếng gỗ với cái đinh đóng vào đầu, miệng ngậm đầy rác. Hắn đã sống mà như chết trong bao lâu rồi, hắn không nhớ nữa. Hôm nay, đến lượt hắn, hắn cũng sẽ chết nhưng chết "lành" hơn, "dịu" hơn bởi hắn chết bệnh. Những giây phút cuối, êm đềm ở bệnh viện, tuy được bác sĩ và y tá chăm sóc tận tình, nhưng đầu óc hắn vẫn bị quấy rầy triền miên: cái thây của bố hắn với chiếc đinh mười phân và sợi thừng trâu và rác. Từng chi tiết cứ tức tưởi sống lại, chúng kèn cựa nhau chật ních trong óc hắn:

 

"Hai cổ tay bắt chéo chừng như đã cứng vẫn nằm nguyên, chú kéo cánh tay trái ra, lật xác trở lại và kéo nốt cánh phải để lên bụng. Cánh tay như một que củi, chú cố vuốt và uốn cho cánh tay nằm trên bụng và ở trên nhau. Bây giờ tôi nhìn rõ hơn hai đường hằn bầm tím trên cổ tay đã đen, lõm vào trong thịt và làm mất cả một làn da. Một người bị treo trên cành cây đu đi đu lại với những chiếc roi quất ngang và thân hình oằn lên, hai chân dãy đạp vào không khí, chiếc đầu ngoẹo đi ngoẹo lại và tiếng la thét trở thành rên rỉ rồi rũ ra như một con sâu. (...)

 

"Chú kiếm chiếc gối mây cũ để lên đầu xác chết, vuốt mớ tóc ngược về phía sau một cách phẳng phiu, chú xoay trần lấy áo lau khuôn mặt nhợt nhạt, chú lau cả xuống cổ. Khuôn mặt tái xanh đôi mắt trợn ngược như một pho tượng đá. Chú đưa tay vuốt mắt lại khi chú buông tay ra thì máu tím ở trong mắt ứa ra giàn giụa, đôi mắt vẫn chưa chịu nhắm, chú vuốt lại và giữ tay lại đó một lúc, chừng như chút máu ứa ra đã đọng lại gắn đôi mi mắt lại với nhau và khuôn mặt trở thành hiền từ. Làn máu chảy xuống đọng thành hai hàng dài bên sống mũi như hai con giun đất đã bị kiến đốt chết không còn oằn oại.

Bà nội mang từ buồng bên ra một tờ giấy bản, chiếc đũa mộc, bà đổ vào tay cho chú Tâm mấy đồng tiền trinh. Chú Tâm đưa tay cạy hàm răng ra, nước trắng ứa tràn xuống cổ, chú nghiêng đầu cho nước chảy xuống mặt ghế, nước trắng ra hết, sau cùng là một vốc bùn đen với rãi nhớt, chú Tâm còn moi ra cả một mớ cỏ rác. Chú lau miệng rồi bỏ mấy đồng trinh vào đó, hai hàm răng cứng chú banh ra và ngáng chiếc đũa mộc vào. Chú quay bảo: "Cháu nhìn mặt bố đi." (...)

 

Tôi đứng lại gần và đưa tay vào làn da lạnh, dưới hai lỗ tai một chút tôi sờ thấy rõ mũ một chiếc đinh mười phân còn trồi ra đó. Bố tôi không kêu thành tiếng, ngậm miệng với mớ cỏ rác trong họng, nhắm mắt với búng máu ứa, tay chắp với sợi thừng buộc trâu không cựa và chết với chiếc đinh mười phân đóng sâu vào đầu" (Đôi mắt trên trời, Giao Điểm 1966, trang 149-151-152). Những hình ảnh ấy đã đóng đinh lút mũ trong đầu hắn, không có cách gì nhổ ra được. Chẳng biết hắn sắp chết vì bệnh phổi hay hắn chết vì những vết đinh làm mủ trong đầu, bởi hắn vẫn đinh ninh "tôi cũng sẽ bị đóng một cây đinh vào đầu, nước lan trên mặt sập, mắt ứa máu, một mũi tên đen bay đến cắm vào ngực tôi rất sâu không sao rút ra được" (trang 157).

 

Hắn biết rõ rằng "Mỗi thế giới cách nhau một bờ sông đen", nếu bố hắn qua được dòng sông đen ấy thì có lẽ đã thoát được cả đinh lẫn thừng và rác. Cuối cùng, hắn nhìn thấy rõ nhất chiếc quan tài... ông thầy cúng ê a ba hồn chín vía... ở đâu thì về mà nhập hồn quan... Rồi hắn nhìn cả thấy phiên hắn: "Tôi trở mình nằm sấp xuống nền cỏ, mùi đất nhẹ nhàng và mùi cỏ tươi, tôi nhai trong miệng một cỏ tươi vị đắng nhẹ, hơi đất ẩm vây quanh, trong giây phút đầu tôi rỗng không" (sđd, trang 159). Ám ảnh cái đinh, dây thừng và rác đã theo hắn đến hơi thở cuối cùng và có lẽ "nó" vẫn sống với hắn ở bên kia thế giới, nếu có một thế giới bên kia.

 

Ngoài "nó" ra, sự rỗng không từ khước một ai: Người chết cũng cảm thấy mình rỗng. Cảm tưởng trống rỗng, hư vô, thấu suốt thân thể, đã có từ Ngạc, nhân vật đầu tiên của Mậu truyện trong Tuổi nước độc; rồi cảm tưởng này lại xuất hiện ở Lễ trong Đêm tóc rối và Quảng trong Con sâu: Sống cũng rỗng mà chết cũng rỗng, tất cả đều là những khối hư vô, trống rỗng, xa lạ với mình, với người, cô đơn từ lúc sinh đến lúc chết.

 

Truyện ngắn Sợi tóc tìm thấy đưa ra một nghiệm sinh khác: mỗi giây phút đang sống có thể là sự trùng hợp của nhiều khoảnh khắc đã sống cũng như mỗi tên gọi có thể ẩn nhiều nhân vật khác nhau. Ví dụ Phương có thể vừa là tên một người bạn trai, một người bạn gái và một đứa cháu gái lên tám, cả ba đều có chỗ đứng bất thường trong tim Thuấn, hay chính tình yêu khác thường này đã khiến Thuấn nhìn người này mà tưởng đến người kia: một sự nhầm lẫn, trùng hợp nên thơ, bí mật, khó hiểu, tạo ra khoảng không gian phi thời gian, phi nhân vật.

Trong Sợi tóc tìm thấy, khái niệm thời gian hoàn toàn bị xóa bỏ: chủ nhật này đi ăn phở với Phương ư? Có thể là chủ nhật trước. Mà Phương nào? Cả ba Phương đều sống động, đều đã ngồi, đã nói cười với Thuấn. Không gian cũng chồng chéo: cái ghế của cha Thuấn đặt ở chỗ kia, trong căn nhà mới này, nhưng có lúc hình như nó vẫn còn nằm ở căn nhà cũ khi cha anh chưa mất, bởi tiếng nói của ông cụ vẫn tiếp tục vang trong đầu anh. Khái niệm nhân vật cũng xoá: Phương có đó hay chỉ là ẩn thể của tất cả những gì thầm kín nhất đang chuyển động trong lòng Thuấn?

 

Triệt tiêu thời gian, không gian lẫn nhân vật, để không còn khoảng cách nào giữa hôm qua và hôm nay, giữa chỗ này và chỗ khác, giữa người này và người khác. Cái tên luôn luôn bất kỳ và vô nghĩa, nó không chở được "nội dung" con người. Dường như Mậu muốn thể hiện ở đây sự phi lý của các khái niệm: không gian, thời gian, nhân vật, vẫn lại "dường như" vì đây chỉ là một "giả thiết" đọc Mậu truyện, chắc chắn còn có nhiều cách đọc khác với những giả thiết khác. Và đó chính là một trong nét đặc thù của cách viết (mượn tạm chữ của Bùi Giáng) phơi mở, mở phơi này.

 

Kinh cầu nguyện (1967) tập hợp nhiều truyện ngắn hay về những nỗi đau trong mỗi trường hợp sống. Mỗi truyện là một vùng hoang tưởng khởi đi từ những nguồn khác nhau. Có thể từ sự chia cắt giữa hai mẹ con, khi người mẹ sắp đi lấy chồng, người con trai hụt hẫng tưởng mình bước vào cõi chết (truyện Mẹ và con).

 

Bên sườn núi đá phảng phất hồn lão ngư ông và biển cả, viết về hai kẻ thuyền chài trên hải đảo, một già một trẻ, một người đã từng mải mê cuộc sống thủy thủ giang hồ, bỏ bê gia đình, một người đang đổi đời mình cho biển lấy về mẻ cá nuôi vợ con. Họ gặp nhau trong cô đơn trong nghiệt ngã của cuộc sống, trong những nghi vấn chưa thành lời về sự tồn sinh. Một kẻ đã gần đến cuối đường, một kẻ chưa đi hết nửa, những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ họ đã bị gió bão quấn đi và những trả lời đành chìm sâu đáy nước.

 

Truyện ngắn Kinh cầu nguyện viết năm 60, bây giờ đọc vẫn còn nguyên chất huyền bí, tương tự như Sang sông một truyện hay của Nguyễn Huy Thiệp viết những năm gần đây: Tuyệt đối mơ hồ về thiện ác, bối cảnh được trình bầy như một thứ Từ Thức Kafka: khách, một kẻ đã chán thị thành, "ngao du" lên miền sơn cước, trọ trong một biệt thự mà chủ, dường như cũng đang "giũ bụi giang hồ" tìm vui trong kinh Phật. Sự gặp gỡ giữa hai (thế) giới chủ khách xẩy ra trong bầu không khí vừa lạnh lùng, bí mật, lại vừa an nhiên, tịnh độ như một khúc kinh cầu: kẻ nam mô nhưng chả biết trong bụng chứa gì? Mà rút cục rồi kinh là gì? Cầu là gì? Nguyện là gì? Sự nhật tụng có đi vào "bộ nhớ" của con người không? Hay tất cả chỉ là ảo tưởng, kể cả chuyện "nhớ"? Bạn có thể đọc nhiều lần truyện ngắn này, mỗi lần bạn sẽ tìm ra một ý nghĩa khác nhau và đó là cái duyên hạnh ngộ không ngừng mà một vài Mậu truyện dành riêng cho bạn.

 

Buồn vàng (viết năm 1959) có âm hưởng nhức nhối đau thương như bài thơ Đen của Thanh Tâm Tuyền, khởi đi từ tiếng kèn xoáy buốt, âm thanh kim khí, man rợ "vọng động trườn từng đợt như một viên sỏi ném xuống mặt nước yên tĩnh bắt đầu loãng xa những đợt sóng trùng điệp". Không khí mê hoặc toát ra từ tiếng kèn. Tiếng kèn ma quái, từ phòng trà nào đó, do người da đen nào đó, thổi khúc nhạc Jazz nào đó, đã làm sống lại trong vô thức của một kẻ nghe nào đó, kẻ xưng tôi, kể... Tiếng kèn thoạt tiên đuổi hắn xê ra, bắt hắn chạy thoát khỏi vùng tiếng động, rồi dần dần nó loãng đi, nhường chỗ cho trí tưởng tượng tung hoành (có thể là như thế, mà cũng có thể là không như thế). Sang màn hai, là sân khấu, là những tiếng cất lên, những lời vô duyên, vô nghĩa, không ăn nhập gì với nhau, có vẻ muốn quảng cáo cho một thiên đàng nào đó người ta không cần ăn uống, sinh đẻ, gì cũng sẵn, tất tần tật: đại tiện không phải lo hố xí, chết không cần lỗ chôn, đã có đà điểu cắp xác bay đi... tóm lại là một kiếp tiên, sướng nhưng vô duyên lãng xẹt, không phải kiếp người, hắn đang nghe, lắng nghe, hắn nghe thấy tiếng bánh xe quay đều, hắn bỗng "ngộ" khỏi thiên đường, à thì ra vậy, là bài bản, là máy quay sẵn, ghi sẵn; hắn bèn ôm chầm lấy "vật" gần nhất vây quanh hắn lúc bấy giờ, là... bóng tối. Sang màn ba, cái bóng tối mà hắn ôm riết ấy hoá ra là "một lần da sần sùi không hơi nóng, không thoi thóp thở, một thứ gì sượng sần, nhớp nháp, tim tôi đập mạnh, mồ hôi đổ nóng, má tôi chạm vào một lần đất sỏi khô. Một điệu kèn ré lên buốt nhức..."

Hắn đã tìm thấy "thiên đường" thật.

 

Tiếng kèn thấu vào lục phủ ngũ tạng hắn, như một nhịp điệu man rợ, như ngọn lửa nhiệt đới oằn oại, dấy lên những đam mê, dục lạc, những thèm khát đớn đau của thân phận nhược tiểu. Hắn đã tìm thấy tri âm, hắn "nhắm mắt và giữ chặt bóng tối". Buồn vàng được viết như một bản Jazz hoà màu những tối tăm cực thực tạo nên những biến khúc lạ kỳ trong âm thanh màu sắc "Người nhạc sĩ uốn cong thân hình, oằn oại như một con trăn ngũ sắc vừa nuốt vào bụng một loài vật đang vặn mình tiêu hoá. Hắn cúi gập, vươn cao và những âm thanh oằn oại, tức tưởi, nghẹn ngào, uất ức, đắng và buốt trườn lên". Mậu đã tấu lên hợp âm  vàng-đen trong da thịt, trong tiếng kèn của người nghệ sĩ đen như bóng tối với những nhịp yêu thương, những cơn ác mộng tù đầy, hiếp tróc, nô lệ. Tiếng kèn thức tỉnh nỗi buồn vàng của những thế giới nhược tiểu, trầy trụa, không căn cước, không cả màu da.

                        .

Ví dụ (trong Ngã đạn) viết năm 1964, đưa ra một thử nghiệm táo bạo khác về truyện ngắn: truyện viết bằng những fragment, những mảnh vỡ tứ tán, không ăn nhập gì với nhau, trừ một ý nghĩa sâu sa nào đó mà tác giả giấu kỹ như một thách thức với độc giả. Chương một quay trong lò lợn sáng tinh mơ, với những "con heo trắng như bột nhoa nhếch máu tươi đã bị chặt mất đầu", với những "tay em" (hoạn lợn) chặt đầu heo nhanh như cắt, trên đời chả sợ gì ai chỉ lo chết xuống âm phủ bị ma lợn quấy. Sáng hôm ấy, trong đám xác lợn chất lên các xe hàng đem vào thành phố có lẫn một cái xác, cũng cụt chân tay cụt đầu nhưng không phải xác heo mà là xác người.

 

Chương hai và các chương nối tiếp quay hẳn sang những "bình diện" khác, về tình yêu, về sự ghen tuông, về những cái chết khác, những "tai nạn" khác, thừa nhận hay vô thừa nhận, tựu trung là không ai biết nguyên do, sự thật ra sao. Tất cả dường như chỉ là những mảng đời mà mỗi đoạn, mỗi chặng, mỗi cảnh, chỉ là một "ví dụ" như một hư cấu thoáng qua trong óc tác giả hay trong bản chất ngẫu nhiên, phi lý của cuộc sống. Mỗi "ví dụ" là một hồi, một thoại, một cách dàn cảnh của người sáng tác, một cách hư cấu. Cùng một câu chuyện yêu đương và đổ vỡ nhưng nhân vật nữ kể khác hẳn nhân vật nam. Dường như tác giả muốn gửi đến người đọc tính chất bất kỳ của cuộc đời: như thế này mà cũng có thể như thế khác, không có gì nhất định, tất cả có thể như cái búng tay xoay như chong chóng, cuộc đời chẳng qua chỉ là những ví dụ. Như cái tên của bạn, có thể là X, Y, có thể là chữ Q, chữ P, chữ T hay chữ H, để rồi cuối cùng mọi sự cũng đều đến đích như heo vào lò, nhưng có lẽ con người khá hơn con heo một chút, con người có thể có một địa chỉ cuối cùng, đọc được: nơi đây an nghỉ giấc ngàn thu X, Y, Z...

 

*

 

Cho tới nay, trong văn học Việt, chưa có nhà văn nào khai triển con người hư vô, một cách triệt để như Dương Nghiễm Mậu.

 

Ở truyện dài, Dương Nghiễm Mậu khai mở những bối cảnh xã hội, phơi bày nội dung chiến tranh qua những thân phận nhược tiểu mà hận thù đã tàn phá cả cơ thể lẫn tâm hồn. Bạo lực gia đình dẫn đến bạo lực chiến tranh, cả hai cùng hợp tấu, đồng lõa nhào nặn nên những con người rỗng, không phản ứng, con người lệch trục, tê liệt trước yêu đương hạnh phúc. Chất  hư vô trong Mậu truyện vừa có ý nghĩa triết học, là khoảng trống nhận thức được trong những suy tư siêu hình của con người, vừa là một thực tế nhìn thấy trên chiến trường khốc liệt Việt Nam. Trong truyện ngắn, Dương soi sáng hai khía cạnh hư vô ấy bằng mọi hình thức sáng tạo mà ông có thể mường tượng được: ông tra khảo cái sống, quật mồ cái chết, để những tử thi được dịp nói về mình. Những nhân vật trong Mậu truyện thường lắm mồm, họ nói liên hồi, nhưng lời không thành tiếng, họ nói một mình, tiếng họ vọng từ hư vô và thảy vào hư vô. Những người yêu hay có tên Quyên, nhiều nhân vật chập trùng trong một tên, như Phương, tạo ra một thế giới có thể đồng tính, có thể lưỡng tính, đôi khi dẫn đến ảo giác loạn luân... nhưng tất cả chỉ là những "ví dụ", những trường hợp sáng tác.

 

Chập tính bất kỳ của sáng tác với tính ngẫu nhiên của đời sống để khai toả cái chết như một sự thật mà nhà văn vừa muốn điều tra vừa muốn xác nhận như mục đích cuối cùng của con người, một cứu cánh phi lý, không thể hiểu được. Trong những nhà văn Việt Nam thuộc thế hệ 60-70, Dương Nghiễm Mậu đứng riêng một cõi, cô đơn, dường như không bạn đồng hành và đã tạo được thế giới văn chương Dương Nghiễm Mậu, đầy khúc mắc, trăn trở mà người đọc nhiều thập niên sau sẽ còn phải nhiều lần nghiêng xuống Mậu truyện để tìm biết những gì đã xẩy ra trong lòng thế hệ này. Thế hệ tan nát như trái phá, bị dày xéo bởi nô lệ và nhược tiểu và cũng để nhận diện những khám phá, những tìm tòi của Dương Nghiễm Mậu về cấu trúc truyện ngắn và tiểu thuyết cũng như cái nhìn vô vọng của ông về một cõi người không lối thoát bị bủa vây bởi hận thù và tàn ác, âm thầm cùng đi vào cõi chết với nhau trong rã rời, tan tác, không hiểu nhau và không hiểu cả chính mình./.

 

Paris tháng 1- 6/2004, Xem lại 5/11/2010. Bản gửi từ tác giả.

Thụy Khuê
Số lần đọc: 2005
Ngày đăng: 07.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc “Tiểu Luận” Của Nguyễn Huy Thiệp - Đỗ Ngọc Thạch
Khi Thơ Ca Cất Tiếng Chào Đời - Chân Phương
Thơ Việt Nam Đang Chờ Phiên Đổi Gác - Hoàng Hưng
Liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ trong trường hợp Việt Nam - Trương Vũ
Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương - Trần Vũ
Thơ Mới Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Lời Của Thi Sĩ Tiết Lộ Điều Bí Ẩn - Trần Văn Nam
Vấn đề linh cảm hay cảm hứng trong sáng tác … - Khổng Ðức
Đổi Mới Quyết Liệt Nguyễn Minh Châu - Đỗ Ngọc Thạch
Cần tự do thanh nghị - Ngô Nhân Dụng