Họ, một nhóm năm người, chưa già, không trẻ. Lớp người đang làm chủ đất nước. Có chính kiến, biết điều hay lẽ phải, biết cái xấu, cái tốt, biết nhường nhịn, ăn nói đúng lúc, đúng chỗ. Tóm lại là những người hiểu biết. Biết cả “ta” và biết cả “người”. Được sống hoặc làm bạn với những người như vậy hẳn là dễ chịu. Sự đời lại không như thế!
Họ là, hai ông nhà thơ rẽ ngang. Thơ không thể nuôi sống được bản thân chứ đừng nói là cả gia đình. Vẫn làm thơ ca ngợi cái đẹp. Vẫn làm việc. Một ở công sở nhà nước chính hiệu. Một là thầy giáo bán thất nghiệp của một trường thời kì mở của. Ngôi trường chỉ có thể chiêu những học sinh, đa phần là con nhà giàu, học hành lại chẳng ra đâu vào đâu. Bây giờ hết lớp học rồi, đại học không vào được, đi làm thì không chịu, vì biết làm cái gì? Đi học chẳng trường nào nhận. Đành phải vào cái trường của thời kì mở cửa mới được bung ra này, miễn là phải đóng học phí, học phí cũng khá cao. Chẳng sao, miễn là nó đừng lêu lổng. Bố mẹ chúng cứ phải ngậm ngùi mà nói như vậy(đã là học sinh kiểu như vậy thì thời nào mà không lêu têu). Đã trót đẻ ra chúng, phải nhẫn nhục chịu thôi. Hai ông khác thì già hơn một chút, tóc dài phủ kín tai, một là hoạ sĩ, một là nhà văn. Ông hoạ sĩ người đẫy đà, luôn đeo kính đen, trông cứ như công tử quá lứa mà vẫn chịu chơi, vẫn chứng tỏ ta đây “phong độ”. Nghe nói ông ta chuyên vẽ tranh thuộc trường phái chẳng ai hiểu, nói là trừu tượng cũng được, vì xem tranh trừu tượng cũng chẳng dễ hiểu gì. Nói không hiểu thì người ta bảo mình ngốc, mà bảo là hiểu thì thật ra mình có hiểu gì đâu. Ngộ nhỡ có ai bảo giải thích thì …cháy nhà ra mặt chuột à. Hiện thời ông không sống được bằng nghề bán tranh, vẽ tranh. Ông phải xoay sang nghề viết thư pháp. Vốn chữ nho mà ông lưu giữ thuộc dạng gia truyền, ông vẫn còn nhớ tí chút, với lại chỉ có mấy chữ người ta đua xin thôi. Ông cũng viết “thư pháp” chữ Việt. Những câu thơ răn dạy người đời để treo trong nhà. Chữ càng khó đọc càng tốt. Thế mới là cách tân thư pháp. Còn ông nhà văn thì có vẻ ít tiếng nhất. Cứ ngồi lặng lẽ quan sát, các bạn nói, ông chỉ mỉm cười hoặc không tỏ thái độ gì. Ông đang nhìn nhận, đánh giá cái “nhân tình thế thái”. Cái “nhân tình thế thái” là tổng hoà của sự phức tạp của cuộc đời. Tiểu thuyết ông viết, truyện ông viết, phóng sự, tuỳ bút ông viết, cả kịch bản phim ông viết, bản thảo chất đầy cả nhà mà chẳng nơi nào chịu in cho. Một ông nữa, dáng doanh nhân, đang thời kì phất, ăn nên làm ra. Bụng to chứa đầy bia. Nghe nói mỗi ngày phải đổ vào có đó đến năm mười vại. Hết chỗ này đến chỗ khác. Mà toàn là làm việc cả đấy. Làm việc như vậy mới kết quả. Ông ta vẫn oang oang nói như vậy với đám văn nghệ sĩ yêu quí của mình. Đi đâu, gặp ai cũng giới thiệu rất hoành tráng; “Đây là…đây là. Bốn ông bạn nghệ sĩ chẳng có tên trong bất cứ hội nào kia, đứng dậy, nghiêng mình, bắt tay các đối tượng hâm mộ rất “nghệ sĩ”. Vậy mà vui đáo để. Cả nhóm này vẫn chưa có ý định chia li, chừng nào , ông doanh nhân-mạnh thường quân- làm ăn vẫn liên tục phát triển. Doanh nhân cũng tập toạng làm thơ, thơ của doanh nhân nếu biên tập lại cũng được cái ý. Khi đọc lại bản thảo, không nhận ra đấy có phải là thơ mình viết nữa không. Thỉnh thoảng vẫn thấy thơ của ông được đăng trên báo. Mỗi lần như vậy, hội văn nghệ sĩ “ngũ nhân kì quái” này lại được dịp gặp nhau, được dịp nâng cốc chúc mừng.
Năm bà vợ của năm ông tuổi cũng sồn sồn cả. Cái trò văn nghệ văn nghéo của các đức lang quân chả thấy bà nào ưng ý. Các bà biết nhau cũng là do các ông hay tụ hội. Hứng chí, hay trúng quả gì đó là doanh nhân mở tiệc chiêu đãi mấy ông bạn văn nghệ sĩ của mình. Các bà vợ của các ông cũng được mời đi chơi luôn. Đoàn kết, thông cảm và vui vẻ là mục tiêu mà doanh nhân yêu cầu. Gặp nhau là vui rồi. Khẩu hiệu của doanh nhân khuyên các bạn là “Trong ấm ngoài êm, êm đềm để làm việc tốt”. Bên nồi lẩu sôi ùng ục, bốc hơi nghi ngút, nhà thơ còn đang làm việc tại công sở nhà nước chính hiệu, nhà thơ công chức: “Giàu vì bạn, hoạn nạn vì bồ *”, các ông nhớ cho, “chớ có đàn đúm đâu xa, gặp nhau mà có các bà vui ngay”, nâng cốc bia đã vơi một nửa, ông ta uống rất nhiều, thích hội hè, tụ tập- Quan chức nhà nước mà: “Chúc sức khoẻ tất cả”, không đợi các bạn, cạn ngay số còn lại trong cốc. Ông cầm bát lẩu rất nhiều rau. “Cũng lạ, rau lang, rau bí bây giờ là đặc sản. Sành điệu là vào quán phải gọi rau, thịt thà ăn nhiều lắm rồi”. Nhìn bát của ông bạn nhà thơ, doanh nhân nói. Đúng là doanh nhân nói cho cái tình trạng dư thừa dinh dưỡng hiện nay ở một số người. Chẳng hiểu lúc đó ông ta có liên hệ gì xa xa nữa không. Ông nhà văn mỉm cười, ra chiều đồng ý. Hoạ sĩ cũng cạn hết cốc bia. Rất phong độ, đôi mắt đeo kính đen nhìn vào chỗ nào không biết. Ông nhà thơ kiêm thầy giáo “mất dậy” thì đang thả hồn vào xa xăm, hay đang có tâm sự gì mà suốt từ đầu không nói chỉ nhấm nháp cốc bia với đĩa lạc rang. Ông đang có chuyện riêng thật: “Chả dấu các ông làm gì, tôi làm đơn xin vào hội đã mười năm nay không xong, ngày hôm qua còn ghé qua tay bạn có vai vế trong hội, hỏi thăm. Lại thất bại các ông ạ”. “Thì ông cần quái gì phải vào cái hội đó, một lũ ngốc, một lũ háo danh và một lũ thời có tài đã qua rồi, đang đến thời kì có tật. Ông không đồng ý à, tuỳ ông thôi. Biết một chưa đủ đâu, phải biết cho đủ quá bán. Thời kì này là thời kì dân chủ, chịu chưa?...” Doanh nhân, kiêm nhà thơ, kiêm mạnh thường quân nói với nhà thơ kiêm nhà giáo “mất dậy”. “Giọng doanh nhân đúng là có gang có thép. Lão ta việc quái gì cũng biết, cái quái gì cũng chen vào được… mà có lí, chẳng hiểu dạo này thơ thẩn đến đâu.” Ông nhà văn nghĩ trong đầu, rồi buột miệng hỏi cả doanh nhân và nhà thơ kiêm thầy giáo “mất dậy”: “ Sao, vào được Đảng mà lại không vào được hội à?” Chẳng là nhà thơ kiêm nhà giáo chúng ta vừa mới được kết nạp Đảng ở cái tuổi ngũ tuần. Tất cả đều rất mơ hồ, mơ hồ từ cách làm đơn, thẩm tra lí lịch, cho đến tìm hiểu nguyện vọng, lí tưởng phấn đấu, nhà thơ kiêm nhà giáo đều mơ hồ. Vậy mà vẫn kết nạp. Có lẽ có vấn đề về phong trào, hoặc vấn đề về chỉ tiêu. Không đạt số lượng kết nạp Đảng, có thể ảnh hưởng đến phong trào thi đua của đơn vị hay sự tiến thân của một cá nhân vị nào đó. Doanh nhân biết chuyện của nhà thơ kiêm nhà giáo mới nói xỏ như vậy. “ Đừng phiền não làm gì. Trăm giỏi ngàn hay không bằng mạnh tay đút lót! Ông có biết như vậy không? Huỵch toẹt ra là như vậy.” “Nếu vậy thì thô thiển quá” Ông nhà văn nghĩ, ai lại làm cái chuyện đó thiếu tế nhị thế. Nhà thơ công chức: “Nói các ông đừng cười, lại bảo tôi là sâu mọt, là tham nhũng. Đâu cũng vậy cả! Không quà, không nịnh, không bao/Hỏi rằng công việc khi nào mới xong *. Ông đừng cho ông là thanh cao, ông đừng cho ông là tài giỏi, có thơ hay. Đời nay có mấy ai đọc thơ. Thơ hay chỉ có ở người nào đã thành danh mà thôi. Ông thử có cái chức kha khá xem, người ta lại không trải thảm mời vào ấy a. Từ xa xưa kia, Ông thấy không, người ta chỉ khen khi người nào đó đã trở thành người thiên cổ. Mấy ai được khen khi còn sống. Loại bèo bọt như chúng ta phải thực tế. Vào hội chỉ là cái danh. Xem ra ông còn ham hố lắm. Hãy nhớ: Vừa đủ là danh giá/cái gì quá cũng chẳng hay. Tôi thấy ông vừa là nhà thơ, vừa là thầy giáo là đủ rồi”. Nhà thơ công chức cho nhà thơ thầy giáo một bài “đít-cua”. “Có lí!”. Ông nhà văn không mỉm cười nữa.
Lão hoạ sĩ chuyên vẽ tranh trừu tượng, bây giờ vì đói ăn, tranh trừu tượng khó hiểu quá nên khó bán, kiếm miếng hơi khó, quay sang nghề viết thư pháp. Những chữ “Tâm, chữ Đức của thánh hiền”được lão ban phát khắp nơi. Hội hè đình đám là có cái bàn viết của lão. Ngày hôm đó trông lão rất ông đồ và cổ xưa. Một ngày hoá thân thành “thâm nho đít nhót”như chính lời lão nói về lão: “Hội hè mà làm cái gì , ông bạn. Hội như tôi mới là hội. Hội nào cũng có mặt, miễn là cái hội đó có một chút hơi thở cổ xưa, có một chút văn hoá cao sang, người tìm đến xin chữ còn nhiều lắm. Nhất là tụi trẻ con ngây thơ, trong sáng. Chúng nó đã hiểu đâu hết chữ “Tâm, chữ Đức, chữ Phúc”. Ngay cả cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh” ta đây đâu cũng đã hiểu. Nếu đã hiểu hết những chữ đó thì con người đâu có còn màng cái danh. Cái danh hão huyền lắm ông bạn ạ. Mà nói cái lí đời như lão doanh nhân là đúng, nói cái thực tế như nhà thơ công chức cũng đúng. Cuộc đời đầy rẫy những cái xấu xa. Nhân tiện đây tôi kể cho các ông nghe cái chuyện nhập vào “hội chim” ở một vùng quê mà tôi đã có dịp chứng kiến. Chuyện là thế này:
Muốn được vào hội chim, là nói về các loại chim có tiếng hót hay ấy, thì đương nhiên là phải nuôi chim, nuôi chim phải có nghề. Mà cái nghề này nghe chừng rất công phu. Cái loại tai trâu như bọn ta, nghe con nào hót chả như con nào. Tiếng người thì ông có thể phân biệt được, chứ tiếng chim thì phân biệt thế nào. Mà cái hội đó có mấy người đâu. May ra cả làng, cả xã có một vài người chơi. Danh giá gì, quí hoá gì. Chẳng may vấp cái vụ H5N1 thì có mà tiêu huỷ, có mà đi đời. Nói là nói để cho thấy cái ý nghĩa của chuyện nuôi chim, vào hội chơi chim cũng chẳng quí báu gì với người thường như ta. Đại loại cũng như thơ của hai thi sĩ và doanh nhân đây, người ta cũng có cho nó là thanh cao đâu, chỉ có tự ta bốc ta lên thôi.
Ngày hội chim mở. Một bãi trống, cỏ xanh mát, trên bãi có những cây tròn tán rộng, phía xa kia là sông, mờ tít kia là núi. Chim các làng xã lân cận vùng đó kéo về, đa số là các cu. Tuổi già có cái đặc trưng: Nhàn tản mà lại rất công phu. Bọn trẻ vì hiếu kì mà đến. Hấp dẫn tụi trẻ bây giờ phải là xập xình, chít chát. Vậy mà có một cậu thanh niên cũng mang chim đến hội. Như bao lồng chim khác, lồng chim của cậu cũng được bọc vải kín, vừa để che nắng, vừa để cho chim đỡ phải thấy cái cảnh nhộn nhạo mà hót trước rồi mất tiếng. Cậu ta đi dự hội chim như bao người nhưng lại dự với ‘’tinh thần cọ sát là chính’’, ai cũng hiểu như vậy. Nhưng kết quả thật bất ngờ, chim của cậu ta giành giải nhất. Ban chấm giải làm việc vô tư và nghiêm túc (Ban giám khảo nào mà chẳng vô tư và nghiêm túc) và tuyên bố sau một cuộc hội ý rất lâu. Vậy là chim cậu ta đạt loại giỏi về hót, được đặc cách kết nạp vào hội cho dù vẫn còn ý này ý khác. Đó là điều bình thường trong mọi cuộc thi. Cũng như là khi thi thơ, thơ của hai thi sĩ và ngài doanh nhân ta đây cũng giành giải ấy. Thơ thì nó không trừu tượng bằng tiếng hót của chim. Cũng như tranh trừu tượng của tôi, mấy ai hiểu được. Tôi chưa được giải chắc cũng vì thế. Có điều, sau cuộc thi chim hót, nghe đâu, để phát triển nhân tố trẻ trong hội, người ta tranh cãi hơi lâu là bởi có ý tưởng đề xuất để cho chim cậu thanh niên kia được giải nhất. Tiếng chim hót thì phân biệt hay dở thế quái nào được! Đấy là người trần mắt thịt tôi nghĩ như thế. Thi sĩ kiêm giáo viên “ mất dậy” của chúng ta chưa vào được hội vì trong thơ không có cái đột phá trẻ trung, thơ của thi sĩ nhà ta cổ điển quá, sáo mòn quá. Dạng thơ như vậy bốc được cả vốc. Cần phải sáng tạo và đổi mới! Vào hội của ta bây giờ, nói thế nào nhỉ, cần cả tài, cần cả trí, cần cả tiền. Nhưng cũng đừng quá u mê vì nó, vì nó thì thành kẻ háo danh, vượt qua được nó thì là kẻ… người đời lại cho là vô tích sự. Nghĩa là bất tài ấy mà. Tôi cũng như các ông ở đây có ai muốn mình bị liệt vào loại đó không?
Lão hoạ sĩ kiêm nhà thư pháp nói một hơi, xỏ xiên cũng có, sự thật cũng có, nhưng mà tại sao lão lại nói về cái hội chim hót nhỉ. Ông nhà văn ngẫm nghĩ.
- Cái dở nhất, theo tôi, các hội của chúng ta vẫn còn những thành phần cơ hội, để lọt vào đó những thành phần cơ hội. Trách nhiệm của cái “tội” này là lãnh đạo, là người cầm cân nảy mực. Để lọt những phần tử như vậy vào, tất nhiên là có nhiều ý kiến ì xèo, làm giảm uy tín của hội. Mà ở nước ta làm gì có chuyện lãnh đạo nhận khuyết điểm. Nếu có chuyện đó, lại cần có mấy ông “Lê Lai cứu chúa”. Trên văn đàn gần đây, tôi có nghe một tiếng nói biện hộ, người xin vào hội không phải vì danh, hoặc háo danh, tôi thấy ý kiến đó có vẻ mầu hồng quá, các hội viên là những con người tuyệt vời quá, lí tưởng quá. Hình như người ta quên mất một sự thật: khát vọng về quyền lực, danh vọng luôn luôn đeo đuổi con người, đeo đuổi con người xuống tận mồ bởi đó là động lực để con người phấn đấu. Trong số những con người đó có cả người tốt và người xấu. Tôi cho rằng phát biểu đó cũng là một sự cơ hội, muốn lấy lòng, vỗ về hoặc một động cơ không trong sáng. Nhưng suy cho cùng, theo tôi, tự hình thành được tính cách riêng của ta, không hệ luỵ là hay nhất. Nhưng cũng là gian khổ nhất. Mà con người vốn chẳng mấy ai ham hố dấn thân vào con đường khổ ải. Các ông thử tìm dẫn chứng cho tôi đi…
Ông nhà văn lại ưu tư bên cốc bia và đĩa lạc rang.
- Thì ông nghe con chim nó hót, ông có biết nó ca ngợi vẻ đẹp vĩnh hằng của tình yêu hay đó là sự chanh chua đáo để của một bà nhà quê mất gà đang sắn váy quai cồng ? Ông hoạ sĩ kiêm thư pháp hướng về phía ông nhà văn.
- Các ông đừng có phức tạp hoá vấn đề nữa. Doanh nhân gọi thêm một tuần bia. Tất cả những điều các ông nói đều có trong mỗi một chúng ta. Phải tự biết mình chứ!
- “Muốn đỗ đạt ngoi lên cao/không ô dù phải có phao bên mình *”, “có chí làm quan”/muốn được bình an/ “lựa theo chiều gió *”. Thời nào chẳng vậy! Nhà thơ công chức từ nãy ngồi yên uống bia, kịp bổ xung vào câu chuyện đã đến hồi kết. Công chức có khác, nói rồi chả ai muốn cãi… Toàn là cái nó sờ sờ đó mà.
- Vẫn cái giọng điệu cũ của mấy ông công chức thôi. Doanh nhân có vẻ không ưa cái lí sự của nhà thơ công chức. Đành rằng đời nó là thế, nhưng ông cảm thấy cuộc trao đổi có vẻ có tầm sâu của nó, vào bản chất của nó. Nó không qua loa, phơn phớt như cách nói của nhà thơ công chức. Doanh nhân cho rằng, mọi cỗ máy đều phải được bôi trơn thường xuyên. Để đi đến mục đích đều phải có những cuộc vận động. Nhà thơ công chức mới chỉ nói một chiều. Nhà thơ kiêm thầy giáo thì sức ỳ hơi lớn. Vậy thì không kết quả là đúng. Có điều, tiếng chim hót hay trong một khu vườn không dễ phân biệt. Lão hoạ sĩ kiêm nhà thư pháp có phải đang xây dựng “cái “Tâm, cái Đức” đó. Lão bán hay lão cho cũng đều góp cái phần xây cái nền “tâm đức” cho chắc hơn. Tuy rằng, doanh nhân nghĩ, công việc của lão hoạ sĩ cũng chỉ lấy kiếm ăn là chính, như các cụ đồ ngày xưa của ta, nhưng, lại nhưng, cái “Tâm” không trong sáng bằng người xưa. Lời bình những chữ thánh hiền đó xin dành cho các nhà nho, nhà giáo.
Tiếng chuông điện của doanh nhân. Lão thông báo cho nhóm văn nghệ sĩ bạn bè lại có thơ đăng báo. Cứ kiểu này, chắc lão sẽ vào hội trước chúng ta. Cả bốn ông còn lại đều ngầm nghĩ trong bụng như vậy./.
24/5/07
* Rút từ “ Viết tiếp tiền nhân” của Trang Nam Anh