Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.226.790
 
Bữa cơm gạo mới
Thanh Giang

Vào những đêm trăng, cha con tôi thường trải chiếu ra sân thượng, ngắm nhìn trời, kể chuyện đời… xưa. Nói về chuyện đời xưa nội, chuyện đời xưa ngọai là tôi mua cho con tôi cũng nhiều, nhưng nó chỉ thích nhất chuyện đời xưa “ bụng “ của tôi. Thành ra phải tốn thời gian với con. Nhưng đó cũng là điều thú vị. Chẳng những mình đáp ứng sở thích của con mà còn có dịp ôn lại chuyện của tổ tiên ông bà lưu truyền “ tài sản “  cho con cháu. Cứ như vậy thành nhu cầu sinh họat mà thằng con tôi đòi hỏi từ lên  ba cho tới dài dài lên năm, lên bảy, lên mười… Khổ nỗi, người kể chuyện đâu phải là kho vô tận, thành thử lắm lúc phải kể xen chuyện đời… thường của chính mình. Trong số các câu chuyện ấy, bây giờ ngẫm nghĩ cũng có thể liệt vào chuyện đời xưa kể cho con cháu nghe được lắm?

 

Ngày xưa…

 

Anh bộ đội nọ tên là Sơn, từ giả mẹ già đi kháng chiến  vô tới miệt Cà Mau, Rạch Giá. Một miền đất có địa danh nổi tiếng là rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn; sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, nên giao lưu chủ yếu bằng đường thủy. Anh Sơn thường đi công tác, phương tiện hành trình được cấp một chiếc xuồng ba lá, hai chèo; như tráng sĩ “ mhứt nhơn nhứt mã “… Lại phải tản mạn dông dài với thằng con tôi về xuồng và ghe: sao là xuồng ba lá hai chèo, sao là xuồng mà chèo; sao là một người  chèo tới hai cây ?… Độc  đáo vậy mới nói! Nhưng mà nói sa đà nó dài dòng !

 

Thôi thì đại khái nói gọn thế nầy! Xuồng ba lá thì ghép bằng ba lá be, đáy một, be: hai; lườn hình vuông dài. Còn ghe: lườn hình cong, muốn lớn, muốn nhỏ tùy ý ghép ván be nhiều hoặc ít. Điều lý thú muốn nói ở đây là cái điệu chèo. Một người mà chèo hai cây ; chèo không đúng điệu nó quây mòng mòng. ( Nói đại vậy mà bỗng thành ca dao ! )  Phải nói chèo xuồng kiểu nầy là một quá trình “ cách mạng tốc độ “ của dân gian đó chớ bộ ! Bởi vừa chèo vừa lái luôn, lái cũng phát dương tốc độ. Mà tư thế của người chèo, cái dáng cái điệu chèo nó mạnh mẽ mà uyển chuyển, nó nhún nhẩy tạo lực mà rất khoan thai; nhứt là con gái chèo thì càng bắt ưa nhìn. Này nhé: hai chân đứng trên sạp lái, tay phải chèo bên trái, tay trái chèo bên phải, hai tay vung tới thật đều trông như  chớp cánh bay, ấy là xuồng phóng tới cũng như bay. Khi hai tay thu về, người hơi ngã lui, ngực ưỡn ra và chân nhún lấy lực để rồi lại vung tay “chớp cánh “…Và cứ thế, cứ thế !  Thảo nào cadao có câu:

 

 Chẳng giậm thì thuyền không đi

Giậm ra ván nát, thuyền thì long đanh

Đôi ta lên thác xuống gành

Em ra đứng mũi, để anh chịu sào “

 

Trở lại nói về chuyện chiếc xuồng ba lá của anh Sơn nhé. Trên xuồng có sạp nằm, có cái “cà rèm “ khi dựng lên thành hai mái che mưa che nắng; có cái “ cà ràng “ dùng để nhóm lửa nấu cơm, có cái cần câu để khi nghỉ tay đậu xuồng dưới  bóng bần , chỉ cần xẻo miếng da gót chân  là câu được cá, thế là có bữa cơm dã chiến…

 

Kể đến đây thằng con tôi bỗng reo lên thích thú. Tôi nói: “ Thích chẳng qua nó có chút gì thi vị của lữ khách thời chiến chinh; chớ sao bằng thời hòa bình đi công vụ bằng xe du lịch, máy bay, muốn ăn uống lúc nào cũng sẵn tiệm quán bên đường, hoặc có người phục vụ tận nơi “.

Thằng con tôi có vẻ tức tôi làm nó cụt hứng, lồm cồm ngồi dậy nhìn cha,nhưng nó không đủ lời để phản ứng. Tôi thấy tội nghiệp cái ánh mắt ngây thơ buồn buồn của nó, vuốt ve nó nằm trở xuống rồi kể tiếp:

 

- Mà nói chớ ít khi cha phải nấu cơm ăn một mình trên xuồng. Bởi vì đi đến đâu thì có nhà dân đã sẵn. Không sẵn những món ăn sang trọng như quán tiệm, nhà hàng, nhưng sẵn nghĩa tình  quân dân mặn nồng ấm cúng thì không có gì sang cả mà sánh bằng…

 

Đấy, nguồn cơn của câu chuyện “bữa cơm gạo mới”…

 

Ngày xưa…”lỡ đường ghé dân”. Bao giờ cũng là ý niệm đầy lòng tin của hầu hết dân kháng chiến chúng tôi. Không có được điều đó, đi kháng chiến không nổi đâu! Mà người dân ngày xưa coi những người kháng chiến như con, như cháu, như anh em ruột thịt không bằng. Nhiều tấm gương hy sinh mình, hy sinh con em mình để bảo vệ cán bộ cách mạng mà sử sách còn ghi không thiếu gì. Nên cái chuyện lỡ đường ghé dân, đóng quân trong nhà dân, được dân đùm bọc thương yêu là chuyên thương tình, bút mực nào ghi cho hết.

 

Có môt lần anh Sơn ghé nhà dân mà cái địa danh ở đó cũng rất là dân dã: Rạch Tràm Tróc, thuộc vùng Long Mỹ, Rạch Giá. Nhà không quen, nhưng trước lạ sau quen “cấp kỳ”. Đó là má Ba, một bà má như muôn ngàn bà má Miền Nam khác: trọng tuổi,  ăn trầu xỉa thuốc đến trắng bóng mấy cái răng cửa như cẩn hạt cườm, đôi mắt vừa đôn hậu vừa lành lạnh, chẳng vồn vã một chút nào, dù rằng thằng Năm mầy mới tới lần đầu, cũng như hằng trăm thằng Tư, thằng Tám… từng tới lui hòai vậy thôi. Ban đầu tôi nói “dèm” rằng chỉ mượn cái nồi nấu cơm ăn. Bà má bấy giờ đang ngồi sàng gạo bên cối lúa vừa xay xong, hơi khẽ nhếch môi đáp rằng: nhà đâu sắm nồi cho mượn. Còn con gái má đang giã gạo ở dưới nhà, vừa nhịp chày mổ cum  cum, nói vói lên rằng: nhà chỉ có nồi nấu mười người ăn, có mượn thì mượn, không có nồi con đâu. Chỉ cần những câu bóng gió như vậy, chỉ cần đôi mắt liếc xéo chọc quê của cô Út, thế là anh Sơn men xuống, cầm chày giã gạo chày đôi với cô Út, giã đến tháo mồ hôi hột, mà cô Út chẵng chịu thua. Nhà chỉ có hai mẹ con. Có hai anh trai lớn đều đi bộ đội, cô Út mặt còn non chọet, tóc kẹp nhỏng đuôi gà, đoán chưa tới mười bảy. Nhưng giã gạo thì anh Sơn phải chịu thua, mặc dù hồi này ảnh cũng là trai tơ mới hăm ngòai. Gạo còn xầy xầy, nghĩa làchưa thật trắng, cô Út đã đổ ra nia, lấy sàng ra sàng. Mùi cám bay thơm ngào ngạt. Hõi ra mới biết đó là gạo  lúa gié vàng: hột nhỏ cứng mà dài,nhà vừa mới gặt mùa xong, ăn bữa cơm gạo mới; chớ còn gạo cũ,bà má cho biết hãy còn đầy khạp, đầy bồ kia.                                                  

 

Nếu chỉ nói bữa cơm gạo mới thì chưa thành “bữa cơm kỉ niệm”. Ngay trong một bữa cơm, tôi nói với thằng con tôi, cũng phải phối hợp đồng bộ, hài hòa với thức ăn. Mà thức ăn cũng phải chế biến hài hòa…

 

Thế là má Ba đi bắt tôm. Tôm rọng trong cái rộng cột dây thả ngầm dưới      

 

mương vườn đó thôi. Đó là những con tôm càng xanh, gạch khối mà nhà vừa mới dở chà hôm qua. Đống chà chất dưới rạch Tràm Tróc ở trước nhà đó. Đống chà vuông vức bằng chiếc đệm thôi, lâu lâu lựa con nước ròng vào tuần trăng thế nào đó phải kinh nghiệm nông dân mới biết, chỉ cần bao đăng gíap vòng, quăng chà ra, chỉ việc lấy rổ xúc mà xúc tôm cá lên ăn. An không hết thì rộng để dành. “Khách kháng chiến” tới nhà ít khi ăn cực.

 

Khi má Ba trở vào thì cô Út sàng gạo đã xong. Ở nhà dân “chuyên môn” tất nhiên nghệ thuật gây cảm tình cũng có trình…độ ! Nên khi má Ba bảo cô Út đi hái bông so đũa, để phần má nấu cơm thì cũng không ngần ngại bảo thằng Năm mầy có giỏi leo trèo hãy đi phụ với con Út. Được lời như mở cờ trong bụng, anh Sơn lẻo đẻo bước theo cô Út, đi ra đồng. Vừa ra tới mí vườn thì bầu trời vụt mở ra mênh mông bát ngát. Người ta nói ruộng đất cò bay thẳng cánh có lẽ xuất xứ từ vùng đất miền Tây nầy. Cánh đồng tiếp với chân trời lúa đang chín vàng rực rỡ giữa nắng trưa. Mặt trời chênh chếch đỉnh đầu, nắng chói chang nhưng mà rất ấm. Ấm chớ không nóng. Bởi vì gió chướng non đã về, thổi rao rao mát lừng, khoan khóai nở phổi. Đó là mùa gió nồm nam mới đổi mà dân gian gọi là mùa gió chướng. Chướng non là vào khỏang tháng 10 ta; chướng già biết là Tết đến nơi. Cho hay thiên nhiên họat động rất là đồng bộ đấy nhé ! Hễ khi chướng đã về thì lúa mùa bắt đầu chín; đồ hàng bông như : cải xanh, dưa leo,  đậu bún, đặc biệt là dưa hấu mới ra hoa kết quả. Năm nào chương muộn thì đồ hàng bông thất, dưa hấu không kịp Tết, năm ấy buồn, người ta đâm trách chướng muộn ! Mải sa đà chuyện bao đồng mà quên kể một lòai hoa cô Út và anh Sơn đi hái về ăn.  Đó là hoa…”bông so dũa”. Thứ hoa nầy không ai đem chưng bao giờ, chỉ để ăn. Mà cũng không  nhiều người biết ăn nó đâu. Bông so đũa chỉ trổ vào mùa gió chướng, ứng với khi trên đồng lúa chín vàng mơ, dưới sông là mùa tôm càng gạch khối. Tức mùa tôm ôm trứng, theo thủy triều lên, tràn vào các mương vườn, hồ ao hiểm yếu để hằng triệu ấu trùng sinh trưởng tôm con. Kể sơ sơ vậy cũng đủ thấy sự hài hòa của thiên nhiên ưu đãi cho con người mà ông bà thường gọi là “Thiên thời”. Nhưng còn phải kết hợp đồng bộ nữa là “Địa lợi” và “Nhân hòa”. Có lẽ nên để những câu hát ru em nói lên điều nầy hay hơn:

 

Ơn  trời cho lúa chín vàng

Cho anh đi gặt, cho nàng đem cơm…        


hoặc:


Còn trời còn nước còn mây

Còn ao rau muốn còn đầy chum tương                                                                      

 

Nhưng làm ngược lại sự hài hòa đồng bộ nói trên thì đương nhiên phải trả giá.

Dân gian  cũng có câu hát rằng :             

 

Đất xấu trồng cây ngẳng nghiu

Những người thô tục nói điều phàm phu

 

hoặc :

 

Hòn đất mà biết nói năng

 

Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn !

 

Ờ thôi, để nói chuyện cô Út hái bông so đũa . Đó là lọai bông có thân cây cao chừng  6, 7 mét, người ta thường trồng quanh những chòi ruộng, hoặc theo ven đồng , bờ đi, vừa lấy bóng mát, vừa dùng cây làm cột nhà, làm củi hoặc nuôi nấm mèo.

 


 

 - Tại sao nó có tên gọi là so đũa ?

 

Lại tản mạn về câu hỏi đâm ngang của thằng con tôi nữa ! Độc đáo là lọai bông nầy nó sinh trái dài từng chùm như những chiếc đũa so nhau …

 

Cô Út thoắt một cái là đã ở trên cây, hái bông thả xuống. Bông nó kết từng  chùm  trắng tinh, lao xao trong chòm lá xanh non, đung đưa theo gió chướng thổi lừng, trông vui mắt như bầy chim bạch yến nhảy nhót trên cành. Bấy giờ cô Út mới vừa hái bông vừa lăng líu chuyện trò, hỏi rằng: anh Sơn ở tỉnh nào? Đi kháng chiến bỏ chị Sơn ở nhà không nhớ sao ?…

 

Anh Sơn vốn dân miệt vườn Bên Tre, trèo me, trèo sắn như khỉ, liền trèo lên cây so đũa bên cạnh, vừa phụ hái bông  vừa trả lời cô Út, rằng chị Sơn còn gởi ở nhờ mấy bà má…

 

- Bà má nào vậy ? - Cô Út nhí nhảnh hỏi. - Sao mà có bà má nào tốt bụng nuôi dùm con người ta vậy ?

 

- Ờ…- Anh Sơn làm bộ ậm ờ một lúc - Ờ…là bà má Ba ở Tràm Tróc đó mà!

 

Cô Út hứ cắm cóc rồi tụt xuống , gom bông so đũa lại lặt. Anh Sơn tụt xuống theo, có phần lo cô Út giận. Nhưng cô Út bỗng cười, nói lí nhí:

 

-Vậy anh Sơn có đi công tác đâu, cũng đừng qurên trở về thăm má Ba Tràm Tróc à nghen !…

 

Đến đây thì tâm hồn tuổi trẻ đồng điệu kể lại dài dòng…

 

Bông so đũa lặt bỏ phần bao xanh ở đầu cuốn, bỏ khúc nhụy vàng ở đầu bông, đem về luộc,( hoặc nấu canh chua lươn thì tuyệt diệu), giản tiện hơn là hấp cơm, như cô Út làm đây giũ được nguyên hưoơng vị. Rồi mâm cơm dọn lên, bông so đũa chấm với nước tôm kho, ăn cùng com gạo mới. Chỉ có vậy thôi cũng đã là bữa cơm ngon thâm trầm. Tôm kho nước, gạch khối được đánh nhuyễn và cho vào nồi kho khi tôm đã chín. Chừng múc ra tô, gạch tôm đóng váng lên mặt  một lớp màu vàng lốm đốm tựa như bơ; thọat trông cũng đủ hấp dẫn, không đói cũng bắt thèm ăn. Bông so đũa luộc, chấm nước tôm kho, ăn với cơ m gạo mới lúa gíe vàng vừa dẻo,  vừa thơm, hòa hợp với thịt tôm màu hồng nhạt, ngọt đậm đà thì qủa là miếng cơm thâm thúy, trôi vào thực quản đến  đâu là râm ran đến đó. Bao tử dần dần trương lên mà bụng không biết no. Bữa cơm chỉ có vậy, giản dị, thanh đạm, đồng quê, mà dậm đà,  đi vào  kỉ niệm bởi chính là đạt đến đỉnh điểm của sự hài hòa, không chỉ riêng món ăn mà còn hài hòa ở khung cảnh tình cảm…

 

Từ ngày xưa đó… Bữa cơm kỉ niệm cứ nồng nàn hương gạo mới mãi trong tôi. Đặc biệt là hình tượng má Ba Tràm Tróc cho đến bao giờ vẫn không phai mờ trong kí ức. Lẽ đương nhiên còn có cô Út tóc kẹp nhỏng đuôi gà, hiếu khách đến hồn nhiên  cũng khó mà quên cho được!…  

Thanh Giang
Số lần đọc: 2978
Ngày đăng: 17.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bửu Chỉ, người chiến sĩ, chiến sĩ quả cảm - Võ Quê
Thời tiết Huế - Võ Quê
Nhớ đất - Nguyễn Ngọc Tư
Một mái nhà - Nguyễn Ngọc Tư
Mùa xoài - Lâm Triều An
Dòng sông quê mẹ - Trần Minh Trường
Cá rô lội ngược - Võ Ðắc Danh
Mùa trái mắm - Võ Ðắc Danh
Nhớ đồng - Võ Ðắc Danh