Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.224.432
 
Bạn nhỏ
Thanh Giang

Cái nỗi nhớ nhà thực ra là nhớ người thương. Nhưng người thương của Hiếu ở  nhà cũng chỉ còn có bà ngoại. Rồi nỗi nhớ bà ngoại lây lan nỗi nhớ bạn bè, mấy chú, mấy anh. Nhớ người lại nhớ cảnh. Nhớ miền quê sông nước, có con rạch cắt ngang cù lao Minh mà đầu bên nầy ăn ra sông Hàm Luông kêu là Vàm Tân Hương, còn đầu bên kia ăn ra sông Cổ Chiên, kêu là Vàm Đồn. Mỗi lần con nước lớn, triều cường từ hai con sông cái thi nhau chảy dồn vào con rạch nhỏ. Bên nào chảy mạnh thì đi xa. Nhưng không bên nào chịu bên nào; nơi hai dòng nước gặp nhau lồng lộn dữ dội thành thủy danh: Giáp nước.

Pháo 203 ly nòng dài lại nổ “uốt đùng!” vào giữa giấc. Hiếu giật nẩy mình, dù biết nó bắn cầm canh để giữ hồn cho sư đoàn “Anh cả đỏ” từ bên Mỹ mới qua, đang chốt ở đường 13. Chẳng là, để cứu nguy cho quân ngụy một bàn thua trông thấy, giặc Mỹ tràn vào miền Nam bốn, năm chục vạn quân, đông quá sá! Trong số nầy có sư đoàn số 1 đỏ, ra đời trước thế chiến lần thứ nhứt, từng khét tiếng tàn sát dân da đỏ ở bên châu Mỹ; trang bị tận răng, thiện chiến và sừng sỏ được tôn danh: “The Red Big One” tức Anh cả đỏ trong quân đội Mỹ. Bộ đội mình vừa mới rời cuốc cày, rời ghế nhà trường cầm súng, nghe danh thằng nầy thì chỉ có mình đồng da sắt mới không ớn sợ. Trên rất lo, nhưng cũng không  giấu giếm gì với lính, nói thẳng ra như vậy; cũng chưa có bài bản chiến thuật nào đánh Mỹ, ngoài phát động: Oán nặng thù sâu, gặp Mỹ đâu diệt đó! Còn có khẩu hiệu nghe ghê gớm nữa: Lấy máu Mỹ nhuộm lưỡi lê! Nghe chiến thắng Núi Thành diệt gọn một đại đội Mỹ bằng đâm lê, Hiếu khoái khẩu hiệu nầy, viết giấy, dán nón tai bèo. Rồi trận Đất Cuốc, trung đoàn Một diệt một tiểu đoàn Mỹ thuộc lữ dù193 đầu tiên ở miền Đông, làm Hiếu cũng như đơn vị bớt ớn, còn mong đụng Mỹ để thử gan mật. Rồi đánh được trận Bàu Bàng, diệt gọn một chiến đoàn đúng chóc của Anh-cả-đỏ, đơn vị “lên thần”. Thằng Nghĩa chạy lịnh, cũng diệt được một lính Mỹ và phá hủy khẩu pháo 105 ly. Đây là chiến thắng mở màn của sư đoàn 9 ta vừa thành lập. Ai nấy thở phào. Thành ngữ mới được lan truyền: “Dám đánh là biết đánh! ”(Sau mới biết là lời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

Trên nóc tăng ni-long, đêm hè mưa dầm rơi lộp độp. Rừng miền Đông rì rào như thao thức cùng lòng người nhung nhớ. Cái võng Hiếu nằm chợt rung lên nhún nhảy. Thì ra thằng Nghĩa cũng thức, nó đang cựa quậy. Ni-long của nó bị bom rách, nên hai đứa che chung, võng giăng hai từng một cọc. Phải nói chỉ riêng việc che tăng, làm cọc mồi, giăng võng  đối với tân binh từ miền Tây lên là cả một vấn đề. Nhưng rồi qua một mùa mưa ngủ ngoài trời là thuần thục, lại còn giăng võng hai từng nữa mới là điệu nghệ! Khổ nỗi, chỉ cần một đứa cựa quậy là cả hai võng cùng rung rinh, mưa đọng vòm rừng thừa dịp đổ xuống ào ào. Hiếu nghĩ  thương thằng Nghĩa, cố nằm êm. Nghĩa sốt sau một đêm cắt rừng tìm địch. Sốt mà vẫn theo ra trận. Đến ngày mai lại đòi ra trận nữa cho coi. Ngày mai… Đâu phải lần đầu ra trận. Cả tuần nay đi lùng rồi nằm phục, cứ mong cho bọn Mỹ nó tới! Đụng Mỹ, là hai bên sẽ nổ súng ác liệt, chết sống, hồi hộp! Ấy vậy mà mong mới kỳ đời! Khí thế đơn vị đang bừng lên với phương châm: Nắm thắt lưng Mỹ mà diệt! Nhưng Hiếu cho tới nay… nghĩ càng mắc cỡ với cái khẩu hiệu dán nón tai bèo. Khẩu hiệu “kêu” quá mà không có khỉ khô gì! Không gì dở ẹt bằng khẩu hiệu suông!…

Bởi trằn trọc vậy mà bắt nhớ nhà, nhớ bị lũ con trưởng ấp châm chọc: “Đồ không cha như nhà không nóc! ” Chà cái câu thiệt độc địa! Mỗi lần nghe làm Hiếu điếng người, chạy ra bờ rạch ngồi nhìn cái giáp nước đang cụng vào nhau lồng lộn, khóc một mình. Một đêm nọ, má Hiếu lẻn về thăm. Mừng chưa nguôi thì tên trưởng ấp mò qua tra hạch. Má đưa giấy tờ ra trình, nói pháp lý hiệp nghị Giơ-neo. Nhưng tên trưởng ấp mặt hầm hừ bắt bẻ:

– Kháng chiến cũ là thứ thiệt, còn giấy tờ giả. Biết điều đi, người ta lờ cho.

Hiểu “biết điều”, ngặt không có tiền. Má lấy tình làng xóm ra nói. Nhưng với kẻ chỉ biết tiền thì nói tình nghĩa có lọt tai đâu! Vậy là má Hiếu bị bắt. Ít lâu sau người ta mang tin về cho bà ngoại là má bị chúng nó chôn sống. Ngoại chết giấc. Còn Hiếu gào khóc thảm thiết, lại chạy ra ngồi nhìn xuống Giáp nước đang lồng lộn hổn chiến. Nỗi bị châm chọc: “Đồ không cha…” đang sầu khổ, càng đau xé lòng mất mẹ! Rồi nhân ngoại sai đem cơm cho chú Tám ở đám cóc kèn ven rạch, Hiếu thổ lộ nỗi lòng, rũ rĩ hỏi chú. Thương thằng nhỏ mồ côi mẹ, khao khát tình cha, chú Tám nói dối không đành… Biết sự thật, Hiếu nhảy dựng lên, thiếu điều la hét om sòm. Chú Tám phải ôm Hiếu vuốt ve:

– Chú tin cháu sẽ nối chí cha! Nhưng bồng bột, om sòm mất mạng!

Dù nghe lời chú Tám, nhưng Hiếu vẫn là thằng con nít, nó chạy bay về nhà, cằn nhằn bà ngoại nói gạt: ba đánh trận hy sinh, rồi khóc hu hu!

Biết Hiếu được chú Tám nói ba nó đi tập kết miền Bắc, bà ngoại cũng yên lòng, nhưng vẫn lo, thì thầm:

– Ở trong vòng của tụi nó. Má con đó, thấy không? Ngoại chỉ chờ con khôn lớn…

Được bà ngoại giác đác,  thằng cháu vừa lên tám nỉ non mơ ước:

– Phải là chim, mình bay ra Hà Nội thăm Bác Hồ, thăm ba…

Bà ngoại vui lây, tối lại, bà vào buồng, cài cửa, tháo cái gối đang nằm, lấy ra cái bọc ni-long, mở hằng năm, bảy lớp giấy nữa. Thì ra đó là “ tiền Cụ Hồ ”. Ngoại nói: từ những ngày kháng chiến, ngoại dấu tiền Cụ Hồ để tưởng nhớ Cụ Hồ… Hiếu kề tờ bạc vào đèn, nhìn hình Bác Hồ rất lâu. Hiếu cảm thấy Bác Hồ gần gũi như  ông nội mà mỗi lần về Linh Phụng thăm, được ông nội vò đầu khen: “ Hổ phụ sanh hổ tử…” Cái gối lâu nay ngoại vẫn nằm, bây giờ Hiếu lại giành nằm với ngoại.

 Rồi những ngày đen tối qua đi. Tuổi Hiếu lên mười ba, nhổ giò lớn phổng. Đó là cái năm đáng nhớ trong đời. Hiếu gom trẻ chăn vịt, chăn trâu xúm mang vỏ dừa, miểng gáo lên đồng, đốt lửa dưới đìa lạn, để mấy chú mấy anh kéo ngay cổ phảng, rèn gươm giáo nổi dậy đồng khởi. Đêm đêm trống mõ vang trời, quân đi dậy đất. Hiếu chạy theo đoàn quân. Tưởng ai, té ra là mấy anh trai trong làng, vác súng bập dừa mà dám đi bao bót. Vậy mà bót Cầu Mống, bót Tân Hương cũng bị bức hàng. Cuộc đời: ác báo, ác lai, thằng trưởng ấp bị mấy ảnh cho đi “mò tôm”, lũ con nó “xuống gà!”. Thằng quận trưởng Mỏ Cày lên ruột, kêu trực thăng hốt dông qua Bến Tre…

Con bìm bịp kêu nước lớn nghe vui. Chỗ giáp nước bấy giờ là nơi Hiếu và các bạn chơi trận thủy chiến bằng những cây súng giả. Chú Tám động viên:

– Ráng ít tuổi nữa, mang súng thiệt đi đánh giặc, tìm ba…

Nỗi mong đến cháy lòng rồi cũng đến. Dù mới mười bốn tuổi, Hiếu nằng nằng đòi đi; đang khi tổ chức kêu cho ra miền Bắc học hành, được gặp ba tập kết. Hồi nào Hiếu mơ là chim bay ra Hà Nội…Nhưng bây giờ lại ham đi chủ lực Miền, để xứng là Hổ phụ sinh hổ tử! Chỉ thương ngoại ở nhà một mình. Ngoại lòng nào ngăn, ứa nước mắt dặn dò: “ Con còn nhỏ dại! Mà hễ đi là phải ráng cho bằng anh, bằng em… ”.

Đấy, bằng anh thì chưa bằng mà bằng em, bằng như thằng Nghĩa cũng chưa bằng! Vậy mà cũng viết khẩu hiệu dán nón: “Lấy máu Mỹ nhuộm lưỡi lê! ”. Hiếu chợt vùng dậy, nhảy xuống võng, lấy cái nón tai bèo, gỡ miếng khẩu hiệu ra xé nát. Thằng Nghĩa cũng không ngủ  được, thò đầu ra khỏi võng, càu nhàu:

– Làm gì lục đục hoài, không cho ai ngủ vậy ông nội?

Chưa kịp nói lại, bỗng nghe anh Bảy - đại đội trưởng gọi, Hiếu chạy lại  nhận lịnh:

– Xuống các “bê ” cho thức dậy nấu cơm ăn, cơm vắt. Ba giờ tập hợp hành quân ở bìa trảng xiêm.

– Rõ! - Hiếu đáp dõng dạc rồi toan chạy đi. Nhưng anh Bảy vụt níu lại, ôm nựng, muốn hôn nhưng rồi lấy ni-long choàng lên cho Hiếu và đưa cây đèn pin Mỹ cổ ngoéo, giọng đầm ấm:

– Bấm đèn pin xuống đất, coi chừng rắn chàm oạp.

Bóng Hiếu trùm nilong lù lù thoắt biến trong đêm rừng mưa rả rích.

               2

Nghĩa vẫn tỉnh như sáo, bật dậy :

– Vô trận mới hả anh Bảy? Cho em đi đánh với nghen!

– Còn sốt mà đánh gì?

– Hết rồi, để em ở lại đây em chết luôn !

Bảy đến bên, sờ lên trán Nghĩa nghe nóng ran bàn tay, giọng âu lo :

– Ráng dưỡng bịnh đi! Giặc Mỹ còn đông mà…

Vuốt ve Nghĩa mặt chù ụ chịu nằm xuống võng, Bảy trở về võng mình thì Hiếu đã trở về, đứng nghiêm đúng tư  thế:

– Báo cáo đại đội trưởng, em đi lịnh đã giáp các bê xong !

– Báo cáo đại đội trưởng mà em. Vậy em nghỉ !

Nói xong Bảy cười, còn Hiếu thì ngớ ra bẽn lẽn. Thương quá, Bảy đứng lên đưa Hiếu về võng. Khi bồng Hiếu để thả lên võng trên võng Nghĩa, Bảy bỗng hôn Hiếu một cái. Đôi má căng vừa ở ngoài mưa vào, lạnh ngắt. Đây là cái hôn mà Bảy tự kiềm chế, vì nó hơi kỳ với một đồng đội. Nhưng thực tình, hai chú nhỏ - liên lạc đại đội - đã làm tình cảm anh đi xa hơn tình đồng đội. Nhớ trận Bàu Bàng, Hiếu nhỏ con vậy mà đã cõng nổi anh bị thương ra trạm giải phẫu. Sức mạnh của thằng nhỏ thật diệu kỳ! Khi Hiếu được kết nạp Đoàn thì thằng Nghĩa coi bộ buồn, mấy ngày không thèm trửng giỡn nhau. Rồi khi Nghĩa chạy lệnh, diệt được lính Mỹ, phá được khẩu pháo 105 ly, Nghĩa được bằng khen rồi được Chi Đoàn xét đơn kết nạp, thì Hiếu tỏ ra nôn nao…

Pháo 203 ly nòng dài chốt Lai Khê chợt nổ lên như giựt tim người ta ra ngoài. Mưa rừng vẫn rả rích. Hơi lạnh thâm u ngấm lòng người lính xa nhà thêm cồn cào nỗi nhớ. Cuộc sống đánh giặc cực kỳ gian khổ, ác liệt hy sinh!… Chỉ huy trực tiếp, Bảy càng lo lắng sức khỏe đơn vị, một khi lịnh hô là sẵn sàng. Trong tình thương yêu đồng đội, gần hơn là tình thương hai chú nhỏ liên lạc Bảy nghe ấm áp, rung động tâm hồn mà thêm lo trách nhiệm.

 Hiếu vẫn bị pháo làm giật mình, cằn nhằn cưỡi nhưỡi:

– Mồ tổ cha bây làm ông nội giật mình!

Nghĩa bên dưới búng chân đầu võng rẹc rẹc, nói khích:

– Mấy chị du kích Dừa Đỏ quê tao, ai không giật mình pháo mới được ra trận.

A! cái thằng nó chọc gậy be sườn mình! Hiếu búng chân đầu võng, nói xuống:

– Ừ! Tôi biết ông ngon mà. Sắp  thành dũng sĩ diệt Mỹ rồi!…

– Mới diệt có một thằng. Phải năm thằng mới đạt tiêu chuẩn dũng sĩ .

– Diệt Mỹ là căm thù. - Hiếu chọc tức - Tao không phải vì mộng thành dũng sĩ.

A! Cái thằng xỏ xiên mình háo danh! Nghĩa đạp chân đầu võng mạnh hơn :

– Có mộng thành dũng sĩ thì sa-ao-o?…

– Thì có danh, trời mưa đâu có sao!

– Chỉ làm cho người ta háo danh thì trên đề ra tiêu chuẫn đễ làm gì ?

– Hỏng biết! - Hiếu cũng thấy mình đuối lý, nói liều. - Tao ức Mỹ!

– Bộ tao hổng ức? Nhưng tao diệt Mỹ, còn hơn viết khẩu hiệu dữ dằn mà chẳng có…

Không đợi Nghĩa nói dứt,  Hiếu la lên:

– Tao xé nát mẹ nó rồi!

Nằm nghe hai đứa cãi nhau bắt buồn cười, song ngẫm ra đứa nào cũng có lý, Bảy định không can, nhưng biết còn lâu mới tới giờ hành quân, anh nhắc hai đứa nên ngủ lấy sức để mà đánh giặc. Nghe lời đại đội trưởng, hai chú liên lạc nín khe được một lúc. Nhưng chẳng bao lâu Nghĩa lại ấm ức:

– Ba tao, tụi nó tố cộng, đánh đổ một vũng máu rồi đày Côn Đảo, nhốt chuồng cọp. Đâu như  ba mày được tập kết ra miền Bắc, sư-ướng!....

– Sướng à! Xây dựng bộ đội chánh quy hiện đại chớ sướng. - Hiếu nghe lỏm nói đại - Sướng vậy, sao ba ông hồi đó không để vợ con lại mà đi tập kết ?

Nghĩa bị chạm nỗi đau, im lặng, nước mắt lăn dài xuống võng. Ba thằng Hiếu còn có ngày về với bộ đội chánh quy hiện đại, ba mình bị nhốt chuồng cọp Côn Đảo, không biết còn sống hay đã chết rồi! Má ơi! Nghĩa rên thầm rồi bật khóc tức tưởi.

Nghe Nghĩa hít mũi rột rẹt, Hiếu đâm hoảng :

– Trời ơi! Nghĩa giận tôi sao ? Thôi tôi lỡ lời, đừng buồn ! dù sao Nghĩa cũng còn có má, hơn tôi, má tôi bị ác ôn Mỹ-Diệm chôn sống!…

Đến đây thì cả đôi bạn  cùng khóc ri rỉ...

Một trận gió rít qua. Mưa đọng lá rừng rơi rào rào rên nóc tăng. Từ trong đêm sâu, con chim lịnh kêu “boong boong” trong vắt, nghe như mũi dùi nhọn xuyên vào lòng. Không chỉ là chuyện cãi nhau giữa hai đưa nhỏ mà đó là bi kịch của dân tộc. Chẳng những Bảy không dám xen vào mà trong phút giây trang nghiêm của đời sống tâm hồn, anh cũng bị động lây bồi hồi xúc động.

Nghĩa quê Trà Vinh, Hiếu Bến Tre, hai đứa cách nhau con sông Cổ Chiên mênh mông; nào đã quen nhau mà hẹn hò. Nhưng cùng giống nhau: đòi đi bộ đội, lén bỏ đá trong quần cho nặng cân, rồi bị phát hiện để lại. Hồi nầy “ đi chủ lực Miền” đang có sức hấp dẫn lạ lùng đối với tuổi trẻ cả nam nữ đồng bằng sông Cửu Long. Hai chú nhỏ khóc lóc rùm trời, cuối cùng “mấy ảnh” phải xiêu lòng cho đi. Là lính miền Tây, lên rừng miền Đông, những ngày đầu căng tăng cũng không biết. Đang nấu cơm, trời mưa, bốn thằng đứng bốn góc, cầm ni long che cho đến cơm chín, ướt loi ngoi như chuột lột, lạnh run. Rồi nhớ nhà, nhớ mấy má. Đường hành quân từ rừng đến rừng; gặp những cây cổ thụ, cùng chạy lại cúi đầu khoanh tay thưa má Dầu, thưa má Sao!… Buồn cười, cười vang rừng rồi bật khóc rấm rức. Rồi sốt ác tính, rắn chàm oạp, B.52 rùng rợn, ra trận ác liệt hy sinh! Nhưng thảy đều hăm hở, không một ai trốn về. Cùng với năm Mỹ-Diệm tố cộng, má Hiếu bị chôn sống thì ba Nghĩa bị bắt. Chúng nó tra đánh ba Nghĩa đổ một vũng máu. Nghĩa chạy theo níu ba, bị chúng nó đá cho một giày đinh nằm chết giấc! Từ ấy nỗi nhớ thương ba đi liền theo ấn tượng một vũng máu! Vũng máu kêu gọi trả thù chớ nào phải ham đi chủ lực Miền để cầu danh dũng sĩ!… Chiến thắng Bàu Bàng diệt gọn một chiến đoàn của thằng Anh cả đo vừa qua, càng nâng cao sĩ khí chủ lực Miền! Chủ lực Miền hấp dẫn làvậy đó!…

Nghĩa rục đầu vô tấm đắp khóc thầm rồi mỏi mệt ngủ thiếp đi. Cơn sốt dài đưa Nghĩa vào mộng mê; thấy ba bồng Nghĩa dồi lên, vui cười: “ Con ba là anh bộ đội Giải phóng rồi!” Nghĩa vùng đứng xuống, đáp: “ Con đã diệt được Mỹ! Trả thù cho ba chớ không phải có mộng thành dũng sĩ mà thằng Hiếu dám nói con “có mộng” nghe tức dội lỗ tai!…Mà diệt Mỹ nhiều, thành Dũng sĩ cũng khoái chớ hả ba?” Ba làm thinh, Nghĩa giận dỗi gào khóc: “Vậy ba cũng như thằng Hiếu cho con là thằng háo danh!”…

Nghĩa choàng tỉnh, mồ hôi vả ra, kịp nhận mình mơ, vội quờ tay lên võng thằng Hiếu, trống lổng! Nghĩa tung tấm đắp ngồi dậy, bước xuống đất, vội vàng cuốn võng, nghẹn ngào than thở: “Thôi rồi! Thằng Hiếu và đơn vị đã hành quân bỏ mình ở lại đây rồi!”

Trời ngớt mưa. Trăng hai mươi mờ nhạt dưới vòm rừng. Bên bếp Hoàng Cầm ánh lửa bừng lên khuôn mặt của Hòa-cứu thương đại đội, đang lui cui nấu gì đó, nghe động, Hòa ngoảnh lại la lên:

– Làm gì đó ông nội?

– Theo đơn vị.

– Không được! Còn đang sốt!

– Ở đây cũng chết luôn!

Nghe giọng Nghĩa cương quyết, Hòa xuống nước nhỏ:

– Chờ tôi nấu nước pha sữa uống đã. Hôm qua sốt chưa có hột cơm nào.

Gà rừng chợt gáy lảnh lót. Đạn pháo 203 ly nổ gần chát chúa. Gà mới gáy một tiếng im re. Cánh rừng nhảy dựng. Bầu trời vừa trả lại yên tĩnh thì tiếng máy bay B.52 rền lên một âm điệu ù ù…rất mòn, gầm gừ to dần, riết róng đến chót dây thần kinh. Hòa lẹ làng đùa lửa sâu vào lò Hoàng Cầm, lấy nhánh cây che lại, hô Nghĩa xuống hầm. Nghĩa đáp:

– Nghe nó rền kiểu đó thì bom huốt mình thôi!

Nghĩa điềm nhiên cho tăng và võng vào bồng, vừa lúc B.52 cắt bom. Bom rải thảm rú uốt uốt… kéo dây nghiêng qua đỉnh đầu như luồng lốc xoáy rùng rợn. Bom nổ hằng chuỗi dài ầm đùng dữ dằn. Khu rừng chao rùng rình như  trên sóng.

Uống sữa xong, Nghĩa tháo mồ hôi lại đòi theo đơn vị. Hòa dỗ ngọt:

– Anh Bảy cắt tôi ở lại săn sóc Nghĩa. Đánh xong đơn vị trở về. Ai bỏ mình sao sợ!

– Ai thèm sợ cái đó! Tiếc là không được diệt thêm lính Mỹ cho đủ tiêu chuẩn.

– Nhưng mấy bữa rày đánh trận nhiều, cọp ba móng miền Đông thường nghe súng nổ, ăn quen mò đến chiến trường ăn xác chết! Đi lẻ, gặp cọp vồ tiêu mạng!

– Ghê héng! - Nghĩa lộ vẻ sợ nhưng nói cứng - Mỹ tôi còn bắn chết, cọp cũng không sợ! Đi! Anh không đi, tôi đi một mình!

Biết không thể can, vả lại Hòa cũng nôn nao như Nghĩa, thu dọn nhanh, mang bồng đi theo. Gặp đoạn đường rừng mới cắt, Nghĩa reo lên:

– Đúng đường đơn vị mình hành quân! Chạy mau lên anh Hòa ơi!

                   3

Chiếc “đầm già” rà sát gần như chạy trên mặt đường. Mắt Hiếu sáng rỡ, dỏng tai nghe đoàn xe tăng, xe M.113 rú ầm ào trên đoạn đường Căm Xe - Chơn Thành. Vậy là không bỏ công suốt đêm cắt rừng rồi cả ngày nằm phục ở đây chờ “Anh cả đỏ”!

– Nổ! Coi chừng nó chạy huốt, anh Bảy!

Đại đội trưởng Bảy quay lại trừng mắt với Hiếu. Vừa  lúc cối 82 ly của tiểu đoàn  nổ  

lịnh. Bộ đội hò reo tràn lên đường, nổ súng quyết liệt. Trọng liên cả đoàn xe bắn vải hai bên đường. Rừng gầm gào. Cành lá rơi lả tả. Những cột khói đạn lớn dựng lên trong lửa chớp nhoáng đỏ lòe. Đoàn xe hằng trăm chiếc của sư đoàn Anh cả đo bị chia cắt đội hình, lọt vào thế trận: chặn đầu, khóa đuôi…Nghe lính Mỹ rên la như bò rống, Hiếu càng rạo rực! Lâu nay xin theo xung kích, anh Bảy không cho, ý ảnh muốn bảo vệ, nói nhiệm vụ nào cũng quan trọng. Giờ ngứa ngáy tay chưn quá trời!

– Co-ó!… - Nhạy cảm phận sự, Hiếp đáp to, nhận lịnh trong tiếng súng rền trời:

– Xuống Bê Ba, cho trung đội vu hồi quyết chiến điểm khu vực cây cầy!

Hiếu hét “Ro-õ!…”, vọt lên đường, bỗng lọt thỏm vào bãi bom B.52, cây cối ngã giao đu chằng chịt. Những cành cây gãy đâm rách thịt chảy máu, Hiếu quên đau, nhăn mặt khóc vì xà quần tại chỗ như gà mắc tóc! Lùng tung trong bãi bom, không truyền lịnh kịp, lỡ thời cơ mất! Hiếu dợm xông thẳng lên mặt đường, chạy cặp xuống B.3, nhưng súng đạn nổ ỳ xèo bắt nổi da gà! Ngần ngại một lúc, nghĩ nếu không truyền được lịnh cho B.3, không hoàn thành nhiệm vụ thì có nước đem câu sấu mới khỏi ê mặt với thằng Nghĩa. Hiếu thót lên dàn cây ngã ngang dọc, chạy xông xổng chuyền cây nầy qua cây kia băng một hơi lên tới đường. “Á Mỹ!” Hiếu giật mình sững lại, kịp trông thấy một lính Mỹ to dềnh đang nấp sau chiếc M.113 đứt xích. Trời nhá nhem, song cũng đủ sáng cho Hiếu nhận mặt kẻ thù. Hai mũi súng cùng chĩa vào nhau. Trước tên lính Mỹ sầm sầm mở to hai lỗ mắt đục thất thần là thằng bé con với cặp mắt đen trợn trừng trừng như chính nòng súng đang khạc lửa vào hắn. Tên lính Mỹ ngã ra chết có lẽ tưởng rằng viên đạn từ tia mắt ấy bắn ra. Hiếu không hay mình siết cò khẩu các-bin lúc nào. Dường như trong tiềm thức đã sẵn nư trả trả thù cùng ấn tượng các bạn học sinh trường Linh Phụng bị cháy còng queo trong bom napan. Giờ đây hả hê, Hiếu reo ầm:

  Mấy anh ơi! Em bắn được hai lính Mỹ! Chết queo rồi!…

Xung kích tràn lên. Hiếu giờ như mọc cánh, thót lên xe, bắn vào trong thùng. Kịp nhớ nhiệm vụ, Hiếu nhảy phịch xuống: “Chết cha! Đi lịnh!”. Hiếu kêu lên rồi ba chân bốn cẳng chạy cặp theo đường bất chấp súng nổ ran, đạn lửa bay đỏ lừ…

Trung đội ba nhận được lịnh vu hồi, lao qua đường, nổ súng vào cụm xe địch quanh khu vực cây cầy. Đang hăng xà máu, Hiếu lao theo xung kích...

                   *

Tiếng súng trận có sức thu hút lạ kỳ làm tan cơn sốt của thằng Nghĩa; bởi ở đó có thằng Hiếu đang gặp cơ hội diệt Mỹ. Chiếc dép cao su sút quay, Nghĩa lột xách tay, chạy chân không. Chiếc máy bay phản lực xoẹt qua ngang đầu, rú như sấm sét. Súng trận đã ngưng. Máy bay thả bom dây xuống khu rừng nổ ùng oàng hằng tràng dài. Pháo lớn từ các căn cứ Mỹ bắn lung tung chận đường rút của quân ta. Pháo sáng bay chơi vơi. Bóng rừng nhảy múa chập chờn. Bỗng tiếng chân rậm rịch trên đường và tiếng cười nói ríu ran:

– Trận nầy, đại đội trưởng và chánh trị viên mình đều thành dũng sĩ diệt cơ giới!

– Đúng là đơn vị mình chiến thắng trở về, anh Hòa ơi! - Nghĩa reo lên rồi chặn hỏi tốp bộ đội đi đầu - Anh Bảy đâu, các đồng chí ơi?

– Đi sau kìa! Ủa? Ông Hòa với thằng Nghĩa đi đâu láng cháng đây?

         – Anh Bảy! - Nghĩa nhận ra đại đội trưởng vừa đi tới, hỏi dồn - Thằng Hiếu đâu?

– Rồi! Thằng Nghĩa cãi lịnh tôi rồi! - Bảy dừng lại sờ trán Nghĩa rồi nhìn sang Hòa phàn nàn - Chạy ra đây làm gì, không có công sự, bom pháo lấy họng sao? Đi về!

– Nhưng mà thằng Hiếu đâu? - Nghĩa nắm cánh tay đại đội trưởng dặt dặt - Thằng Hiếu có sao không?!

– Hiếu diệt được ba lính Mỹ…

Thấy anh Bảy ngập ngừng, Nghĩa nhăn nhó gương mặt ốm chao dao:

– Mà thằng Hiếu đâu?

– Nó… bị thương! Anh em cáng đi sau.

– Trời đất! - Thằng Nghĩa lặng đi.

– Nó đi lịnh, - Bảy tiếp - diệt dược lính Mỹ rồi hăng máu theo Bê Ba, nhảy lên chiếm xe, dập tắt khẩu đại liên, khinh suất đến nỗi bị thương. Cái thằng gan liều cóc tía!

Vừa lúc Hiếu chống gậy khập khiểng đi tới, cười toé hàm răng lấp lánh pháo sáng:

– Em nhận khuyết điểm rồi, anh Bảy ơi! Ủa? Thằng Nghĩa sốt mà đi đâu đây mậy?

– Mầy bị thương sao đó? - Nghĩa đến ôm bạn, giọng nhếu nháo.

– Tao bị phần mềm còn đi nổi mà mấy ảnh đòi khiêng.

Đôi bạn dìu nhau đi, vừa thủ thỉ. Hiếu kể: “ Chánh trị viên Hà đi gom lựu đạn để bên chân cho đại đội trưởng ném một hơi bốn năm chục trái. Riêng khu vực đại đội mình khóa đuôi, diệt chừng ba chục xe tăng và M.113! Nhiều lính Mỹ chết còng queo đen thui; hết thời Anh cả đỏ! Đã thiệt!”. Nghĩa chặt lưỡi: “Tao sốt không được đi đánh, uổng quá!…”

Bảy đi sau hai liên lạc đại đội mình, lòng bồi hồi xúc động lẫn tự hào. Hồi về miền Tây nhận tân binh dẫn lên, anh thầm lo: “Lính công tử Bạc Liêu” sợ chưa đánh đấm gì đã bể. Nhưng giờ đây anh lo ngược lại: “Hăng máu quá đâm liều, dễ chết!”. Tình cảm trách nhiệm anh bỗng hướng về những người cha đang ở xa. Một người bị tù đày Côn Đảo; một người xây dựng quân đội ở miền Bắc, nay mai sẽ trở về miền Nam góp phần giải phóng quê hương. Trong nỗi nhớ thương con, các anh chắc luôn thầm lo: con mình không tránh khỏi bị bắt cầm súng Mỹ bắn lại bà con! Giá như các anh được mắt thấy những đứa con của mình đánh Mỹ hôm nay, chắc hẳn sẽ vui mừng biết bao! 

------------------------------

Rừng miền Đông 1967

Viết lại, TP. Hồ chí Minh 2004

Thanh Giang
Số lần đọc: 2526
Ngày đăng: 17.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vẻ đẹp - Lê Đình Trường
Mộng xuất ngoại - Hoàng Thu Dung
Như có như không - Trần Thị Thùy Trang
Nhầm lẫn - Hoàng Thu Dung
Bông - Kim Quyên
Đám cưới vùng sâu - Kim Quyên
Người bạn lính - Nguyễn Quang Sáng
Đạo Tưởng - Nguyễn Quang Sáng
Gà sanh đôi - Nguyễn Quang Sáng
Chuyện làng Kinh - Phạm Lưu Vũ