Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.232.363
 
Ngự Sử Văn Đàn Phan Khôi
Đỗ Ngọc Thạch

Phan Khôi (1) là người mở đầu cho phong trào Thơ mới với bài thơ Tình già. Phan Khôi là một nhà báo tài năng, một người tích cực vận dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán mạnh mẽ thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Phan Khôi cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp... Phan Khôi còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với học giới từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã chịu tai họa trong vụ “Nhân văn-Giai phẩm” với bài báo nổi tiếng “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” rồi chết trong lặng lẽ vào năm 1959.

 

Trong giới văn nghệ, ai cũng phải thừa nhận Phan Khôi là một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa lớn, nhưng vì cái án Nhân văn - Giai phẩm cho nên sau khi ông chết, tên tuổi ông gần như bị quên lãng... Mãi đến ngày 5-10-2007, nhân 120 năm ngày sinh của ông, mới có một buổi tọa đàm tưởng niệm nhà văn- nhà báo Phan Khôi (1887-1959), do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay và gia đình đồng tổ chức tại Hà Nội. Rồi đến ngày 9-7-2010, NXB Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tổ chức cuộc tọa đàm về Phan Khôi. Cuộc tọa đàm đã góp phần dựng lại chân dung Phan Khôi - một trí thức, một nhà báo lớn của báo chí Việt Nam 50 năm đầu thế kỷ 20.  Những người tham gia buổi tọa đàm đều thống nhất với nhận định: Phan Khôi xứng đáng được coi là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam. Ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực như trong các công trình đăng tải trên báo chí. Ông cũng là người có tinh thần phổ biến khoa học cho đại bộ phận dân chúng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, các ý kiến tại buổi tọa đàm đều cho rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho tới nay, vị trí và vai trò của Phan Khôi trong lịch sử Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng mức.

 

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, người đã có công sưu tập tác phẩm của Phan Khôi thành tài liệu Hồ sơ Phan Khôi (2) đã nhận định: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lí thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học”. Vì vậy, trong bài viết “Đọc lại Phan Khôi” này, chúng tôi chỉ xin tập trung sự chú ý vào những bài báo của Phan Khôi có liên quan đến văn hóa, văn học - điều làm nên nhà Lý luận, phê bình văn học Phan Khôi - người đi tiên phong trong lãnh vực này trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20.

*

Những năm 20, 30 của thế kỷ 20 là giai đoạn giao thời mà Hoài Thanh gọi là “Cuộc biến thiên vĩ đại”: giai đoạn xảy ra cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây, nói chính xác thì đó là giai đoạn “xâm lăng văn hóa” của phương Tây đối với phương Đông. Văn hóa phương Đông đứng trước thách thức: bị phương Tây “thôn tính” hay tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của văn hóa phương Tây để “làm mới mình” đặng hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Hoặc nói như Dương Quảng Hàm: “Dân tộc ta vốn là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh, trải mấy thế kỷ nội thuộc nước Tàu mà không hề bị đồng hóa, lại biết nhờ cái văn hóa của người Tàu để tổ chức thành một xã hội có trật tự, gây dựng nên một nền Văn học tuy không được phong phú, rực rỡ nhưng cũng có chỗ khả quan, có phần đặc sắc, thì chắc rằng sau này dân tộc ta cũng sẽ biết tìm thấy trong nền văn học nước Pháp những điều sở trường để bổ sung những chỗ thiếu thốn của mình, thứ nhất là biết mượn các phương pháp khoa học của Tây phương mà nghiên cứu lại các vấn đề có liên lạc đến nền văn hóa của nước mình, đến cuộc sinh hoạt của dân tộc mình, thâu thái lấy cái tinh hoa của nền văn minh nước Pháp mà làm cho các tinh thần của dân tộc được mạnh lên để gây dựng lấy một nền văn học vừa hợp với hoàn cảnh hiện thời, vừa giữ được cốt cách cổ truyền. Đó là nhiệm vụ chung của các bạn độc giả và văn gia nước ta ngày nay vậy”(*).

 

Phan Khôi là một trong những người đi tiên phong trong “Cuộc biến thiên vĩ đại” đó của lịch sử văn hóa nói chung và lịch sử văn học nói riêng. Vấn đề cấp thiết đặt ra lúc đó đối với cả nền văn hóa nói chung và văn học nói riêng là muốn tồn tại thì phải “Duy tân”, mà bây giờ chúng ta gọi là “Đổi mới”. Và Phan Khôi đã nhận thức rất chính xác, ông nói: “Muốn duy tân cải cách thì phải bắt đầu  từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước” và ông đã “thực hành” bằng  hàng trăm bài nghị luận, bút chiến với một phong cách mạnh mẽ, đầy ấn tượng trong giai đoạn giao thời, đã tạo tiền đề tư tưởng cần thiết cho các cuộc cách tân hiện đại hóa của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Vì thế, có thể nói Phan Khôi là một trong những người khai sơn phá thạch ra loại hình phê bình văn học ở nước ta, một hoạt động không thể thiếu vắng trong một nền văn học mới, đầy biến động của thời kỳ hiện đại.

 

Đi đằng sau cuộc xâm lăng chính trị, lãnh thổ của Thực dân Pháp là cuộc xâm lăng về văn hóa, hay như người ta thường nói, đó là cuộc đụng độ về tư tưởng và văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Phan Khôi đã có ngay bài viết về vấn đề thời sự nóng bỏng này: Tư tưởng của Tây phương và Đông phương. Trong bài viết, Phan Khôi đã nêu ra ba điểm khác nhau cơ bản của phương Đông và phương Tây với sự phân tích rõ ràng, dễ hiểu đối với công chúng đông đảo : 1/ Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học ; 2/Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc ; 3/ Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận . Tuy nhiên, khi kêu gọi phải tiếp thu văn minh phương Tây thì Phan Khôi lại rất cực đoan: « Xem ba điều trên đây thì thấy ra hai cái tư tưởng Đông và Tây nó phản đối nhau như phương nam với phương bắc, như mặt trăng với mặt trời. Nay ta nếu muốn theo cách sanh hoạt mới của Tây phương, mà ta lại còn giữ cả tư tưởng cũ của Đông phương thì quyết không có thể được. âu là phải dứt bỏ tư tưởng cũ của ta mà theo tư tưởng của Tây phương, thì mới hiệp với cách sanh hoạt mới của ta ». Quả là lúc đó Phan Khôi chưa thể lý giải một cách biện chứng mối quan hệ giữa « truyền thống và cách tân » như hiện nay. Chính vì thế mà Phan Khôi đã phản đối quyết liệt chủ trương “tân cựu điều hòa” của Phạm Quỳnh (3) bằng bài viết “Bác cái thuyết tân cựu điều hòa » mà ngay mở đầu đã phản bác rõ ràng: ‘‘Mấy năm gần đây, ở nước ta có một số ít người bàn luận đến cái vấn đề tư tưởng cũ và tư tưởng mới, thì hầu hết đều chủ trương cái thuyết điều hòa, nghĩa là đem tư tưởng cũ và tư tưởng mới mà trộn lộn cùng nhau. Cái thuyết ấy mới nghe qua dường như có lẽ lắm, dễ nghe lắm, mà nghiền ngẫm cho kỹ, gạn hỏi cho cùng, thì gần gần thành ra vô nghĩa, không có thể đem mà thiệt hành ra được’’.Và kết thúc bài báo lại nhấn mạnh sự phản bác : ‘‘Cái thuyết điều hòa ở ta đây cũng có một phần bởi lời đồn huyễn "văn minh phá sản" đó mà ra. Những người chủ trương thuyết ấy sợ rằng nếu ta theo hệt như văn minh Âu châu thì cũng có ngày sẽ mang lấy đại hoạ như họ. Sợ như vậy thật là sợ hoảng, đúng như lời tục ngữ ta thường nói: "Chưa giàu đã lo ăn cướp"! Ta muốn ngóc đầu lên một chút đây mà còn e chưa nổi, lại còn có tài nào sức nào đủ gây ra cái đại họa ấy nữa kia?  Theo các lẽ đã giải minh ra trên đây thì cái thuyết điều hòa không thể thiệt hiện ra được. Mà không những thế, về mặt lý luận, nó cũng không thành lập được nữa’’.

 

Trong bài báo Thi văn với thời đại, khi bàn về mối quan hệ giữa văn chương với cuộc sống, Phan Khôi đã nhấn mạnh đến hai yếu tố cơ bản của nghệ thuật văn chương là phải có hai cái đặc sắc : cái đặc sắc thứ nhất là vẻ đẹp (tính thẩm mỹ) của tác phẩm đặng lôi cuốn, thu hút người đọc và cái đặc sắc thứ hai là phải có dấu ấn của xã hội đương thời với tác giả (tính hiện thực lịch sử), - đó cũng chính là yêu cầu không thể thiếu đối với một tác phẩm văn chương hiện đại trong cuộc sống hiện nay: ‘‘Một bài thi, một bài văn, hay là một tập thi, một tập văn mà làm cho người ta quý trọng và lưu truyền được là nhờ có đặc sắc về hai đường: một là về đường mỹ thuật, hai là về đường lịch sử. Đặc sắc về mỹ thuật, nghĩa là thơ văn ấy hoặc tả cảnh hay, hoặc tả tình hay, đủ làm cho kẻ đọc đến mà sanh cảm, cũng như trong khi xem một bức vẽ hoặc xem một tấn tuồng mà giục nỗi vui buồn. Đặc sắc về lịch sử nghĩa là trong thi văn có lưu lại những cái dấu vết của xã hội đồng thời với tác giả; đời sau đọc đến có thể nhờ đó mà nhận ra cuộc đời hồi ấy hoặc ít hoặc nhiều, có thể đem thi văn ấy mà đối chứng với những điều nghi ngờ trong lịch sử. Từ xưa đến nay, những tay văn hào bất tử, thường là gồm cả hai mặt đó. Song le, về đường mỹ thuật thì hầu hết mọi người cầm bút viết văn ai ai cũng biết; đến như cái đặc sắc về đường lịch sử thì người ta thường không chú ý đến mà bỏ qua đi...Sự thuộc về lịch sử ấy tức trong bài nầy muốn nói rõ hơn một chút, gọi là thi văn quan hệ với thời đại’’.

 

Có thể nói, Phan Khôi là người duy lý cực đoan, coi “Luận lý học cai trị mọi sự ở đời”. Phải có thái độ hoàn toàn khách quan khi biện luận - đó là nguyên tắc sắt đá và nhất quán của Phan Khôi khi nghị luận, bút chiến. Nguyên tắc này được ông nói tới nhiều lần: “Người mình lại hay thiên trọng về cảm tình, tôi thấy nhiều việc đáng lấy lý mà nói, nhưng người ta cũng cứ tình mà thôi”; “Người Việt Nam ta thuở nay theo cái học cũ, mọi việc ít hay xét xử bằng lý trí (raison) mà cứ bằng tình cảm (sentiment)”;“Cái lối văn thuộc về tình cảm nó nuốt người ta mạnh lắm, có khi nó cướp mất cả phần lý trí”,v.v…Trong tranh luận, người ta thường dễ lẫn lộn tình cảm riêng đối với con người của kẻ tham gia tranh luận, với lý lẽ anh ta phát biểu. Điều ấy dễ làm mất tỉnh táo, mất tinh thần khách quan trong nhận thức chân lý. Trong bài “Con người và lời nói”, Phan Khôi cho rằng, trong xã hội ta “ai nấy ít trọng về lời nói mà chỉ chú trọng về con người”. Như vậy rất trở ngại cho những cuộc tranh luận học thuật. Vì thế, Phan Khôi nhất quán quan điểm “lạnh lùng khách quan”: “Chỉ nên lấy lời nói làm cái đối tượng (objet) cho sự biện luận chứ không nên lấy con người làm đối tượng”. Vậy trong nghị luận, bút chiến phải kiên quyết dứt bỏ tình cảm và đề cao lý trí. Đề cao lý trí tất phải coi trọng luận lý học. Phan Khôi nói tới điều đó thường xuyên, liên tục: “Trăm sự ở đời cũng phải cần đến luận lý học; luận lý học cai trị cả mọi sự ở đời”; “Phải lấy luận lý học làm nền. Phàm một người đã nắm bút làm văn thì ít nữa phải biết qua luận lý học”; “Muốn cho nước ta từ nay về sau có một nền học thuật vững vàng thì thế nào cũng phải lập cái nền ấy trên lý luận học”; “Muốn cho thông thì chúng ta viết văn cốt phải đúng theo văn pháp và luận lý học”, v.v…Để thực hành nguyên tắc “Luận lý học cai trị mọi sự ở đời”, Phan Khôi đã tự lãnh trách nhiệmNgự sử văn đàn”, viết hàng loạt bài đính chính những sai phạm trong nhận thức và sử dụng các thuật ngữ, các ngôn từ, cách dùng hình ảnh của nhiều nhà văn, nhà báo đương thời.

 

Nhận trách nhiệm ngự sử văn đàn, lẽ đương nhiên Phan Khôi  phải là tấm gương chuẩn mực. Và ông đã viết những bài nghị luận, phê bình của mình bằng  một văn phong giàu tính khoa học, tính duy lý cao, lập luận chặt chẽ, hành văn mạch lạc sáng sủa, chứng cứ rõ ràng. Trong bài Văn chương và văn chương của nhà báo, Phan Khôi xác định rõ ba chuẩn mực của văn chương là Tín, đạt, mỹ và ông cắt nghĩa rõ ràng: ‘Về văn chương, không cứ đặt để làm sao, không cứ theo lề lối nào, người làm văn cốt phải giữ ba điều, là: tín, đạt, mỹ. Tín, nghĩa là văn phải cho tin. Trong một bài văn, kể chuyện thì phải cho thật, nói lý thì phải cho đúng; ấy là tín đó. Đạt, nghĩa là văn cho thông. Cái ý mình nghĩ trong óc thế nào thì viết ra trên giấy cũng thế ấy, làm cho người xem văn mình hiểu đúng như ý mình, mà khỏi hiểu ra đường khác hay là không hiểu chi cả; ấy là thông đó. Mỹ, nghĩa là văn phải cho đẹp. Tínthông cũng đã gọi là đủ dùng trong sự viết văn rồi; song nếu muốn cảm người cho sâu, truyền đi cho xa thì phải cần đến cái đẹp. Lời cho nhã, ý cho mới, ấy là đẹp đó. Bất kỳ văn nước nào thời nào, dầu cho ở bên Tây, bên Tàu, hay là đời xưa, đời nay, cũng phải có đủ ba điều ấy thì mới gọi là văn được, mới gọi là văn hữu dụng được. Coi đó thì cái đẹp trong văn chương không phải là cái đáng khinh. Đáng khinh là văn không tín không thông chỉ có cái đẹp mà thôi; còn như đã tín đã thông mà lại còn thêm đẹp nữa, thì cái văn ấy ta rất nên quý chuộng’. Đối chiếu với những chuẩn của lý luận hiện đại  (tín: tính chân thực; đạt: tính đại chúng, mỹ: tính thẩm mỹ) thì những điều mà Phan Khôi trình bày hồi đó đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Nói về văn chương báo chí của nhà báo, Phan Khôi không chỉ chú ý đến những vấn đề lớn mà những vấn đề có vẻ tiểu tiết như cách dùng từ, đặt câu, dấu má... cũng không thể bỏ qua : « Về sự chúng ta viết báo bằng chữ quốc ngữ hiện thời đây, chúng tôi muốn cho hẵng "tín" và "thông" đi đã, chớ chưa vội nói đến cái "đẹp". Điều đó ý chúng tôi cũng hơi giống với quý báo, chỉ khác một chút là chúng tôi nói chưa vội, mà quý báo nói không cần ấy thôi. Chúng tôi nói chưa vội, là vì chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn phân vân, chưa nhứt định, chưa có sách mẹo cùng các sách khác thuộc về phép làm văn, thì bước thứ nhứt là phải do chúng ta lập cái nền quốc văn cho vững chãi đã, rồi mới nói đến cái hay cái đẹp được; nghĩa là trước hết chúng ta phải tập viết văn cho đúng mẹo, cho thông. Hễ đã đúng mẹo, đã thông, rồi mới nhơn đó mà lập thành sách mẹo tiếng Việt Nam và lại nhơn đó lần lần làm ra các sách dạy phép làm văn, luyện đến cái hay cái đẹp, mà thành ra một nền văn chương Việt Nam vậy. Thật thế, về sự viết văn, chúng tôi chưa hề khi nào nghĩ đến cái đẹp, mà chỉ cầu cho thông là đủ. Chúng tôi tưởng các nhà làm báo ta bây giờ, ai đã thông rồi mà bước lên đến cái đẹp là càng hay, còn ít ra cũng phải lấy mực thông làm hạn. Muốn cho thông, thì chúng ta viết văn cốt phải đúng theo văn pháp (tức là sách mẹo) và luận lý học. Tuy sách văn pháp và sách luận lý học của ta bây giờ chưa có, song chúng ta, những người làm báo đây, đều là do Hán học hoặc Tây học mà ra, thì khó gì mà chẳng lấy mẹo luật của văn nước người đem ghép vào văn nước mình? Vì về văn pháp, mỗi nước chỉ khác một ít, còn luận lý học thì đâu cũng giống nhau, hễ đã thông văn nước ngoài, thì cũng có thể suy ra làm thông văn nước mình được vậy...’’.

 

Và đây là « Dọn vườn » báo Đuốc Nhà Nam: ‘Cả một bài ấy phần nhiều câu không có chủ thể (sujet). Như, thình lình nổi lên nói rằng: "Nay đem hết tâm chí v.v...", và "Lúc nhỏ theo thầy v.v..." thì chúng tôi chỉ có lấy ý mà hiểu, chớ như cứ theo văn pháp thì chẳng biết ai là kẻ hành động trong những câu nầy. Quý báo đã hô lớn lên rằng văn chương phải cho rõ ràng, mà như vậy thì chẳng biết có rõ ràng không nhỉ? Cũng trong bài ấy, "Học rồi, hành sự", dứt ngay làm một câu. Chúng tôi chẳng khi nào tin rằng chỉ như vậy mà đứng làm một câu được, vì nó chỉ có mấy tiếng động từ (verbe) không mà thôi. Có một cách rất tiện cho những người nào thạo chữ Pháp mà muốn viết quốc ngữ là khi nào một câu quốc ngữ mà muốn biết nó có thể đứng được chăng, chỉ cứ nắm đó mà dịch ngay ra chữ Pháp thì biết. Mà nếu đem câu đó ra dịch từng tiếng một chữ Pháp, thì sợ e không đúng. Ấy là chỉ ra vài chỗ của quý báo không đúng với văn pháp. Cũng trong bài đó, mở ra nói rằng: "Thấy số báo nầy chắc ai cũng hỏi: Sao Dương Văn Giáo lại lãnh cầm Đuốc Nhà Nam?"

 

Chúng tôi chẳng hiểu nói như vậy là có ý nghĩa gì. Vả chăng, Dương Văn Giáo lãnh Đuốc Nhà Nam thì cũng như Diệp Văn Kỳ lãnh Đông Pháp thời báo, Dejean de la Bâtie lãnh Echo Annamite, v.v..., chớ có gì lạ đâu mà ai phải hỏi làm chi? Nếu tự mình chắc là ai cũng hỏi thì trước phải tỏ ra cái cớ tại làm sao; nếu không, thì chẳng ai hiểu ý mình làm sao cả. Trong bài xã thuyết số 10, lại có câu: "Mục đích bổn báo là soi dọi ngọn đuốc mới mẻ trong buổi bình minh", câu này cũng hỏng. Bình minh là lúc sáng thiệt mặt, đối với lê minh là lúc mờ mờ sáng. Thường người ta dùng đuốc trong lúc trời tối, chớ đã sáng trắng rồi, còn ai cần đuốc làm chi? Vậy thì sao lại nói rằng dọi ngọn đuốc trong lúc bình minh? Ấy là chỉ ra một vài chỗ của quý báo không đúng với luận lý học. Tự vị chữ ta đã có lâu rồi, bây giờ chúng ta cần nhứt phải viết đúng theo tự vị. Thế  mà quý báo coi ý không chăm về chỗ đó, cho nên quảng cáo thì viết ra quản cáo, phô bày thì viết ra phô bài, song quý chủ nhiệm đã có nói rằng: "Tôi vẫn biết ai ai cũng viết "khó khăn" mà tôi muốn viết "khó khăng"; đã tự ý muốn chi thì muốn, thì còn ai nói vào làm chi? Quý báo một nói ít chú trọng về văn chương, hai nói không chuộng ở lời văn mà chuộng ở tư tưởng; chúng tôi lại còn đem văn chương nói với quý báo, chi cho khỏi lấy làm rầy tai. Song chúng tôi tưởng, sự trung cáo  nầy cũng là một cái bổn phận chúng tôi’’.

 

Tuy nhiên, do Phan Khôi duy lý tới mức cực đoan và quá sùng bái lô-gích hình thức, ông đã tỏ ra thiên lệch, khiên cưỡng khi lý giải những hiện tượng phức tạp, nghĩa là vừa mâu thuẫn vừa thống nhất. Ông chỉ thấy mặt đối lập, tính dị biệt mà không thấy yếu tố có thể giao lưu, trao đổi giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và cách tân, giữa văn chương bình dân và văn chương bác học, giữa trực giác và duy lý, v.v… Đặc biệt, khi đối diện với sự tinh vi, phức tạp tới mức huyền ảo của thế giới cảm xúc của con người, mà đỉnh cao là Tình yêu thì “nhà duy lý” tỏ ra thúc thủ và giải thích rất máy móc hoặc “chào thua”!

 

Là một nhà “Luận lý học”, nhưng Phan Khôi có một tâm hồn tươi trẻ, sống động:  Thanh niên là vị thần của tôi thờ”- ông đã tuyên bố rõ ràng như vậy. Phan Khôi còn nói: “Tôi sẵn có cái tánh hay bông đùa, mà lâu nay lại khuynh hướng về cái lạc thiên chủ nghĩa (optimisme), thỉnh thoảng dù viết về điều trang nghiêm cũng “ trộm phép” mà “hí hước chút chơi”.  Chính vì thế, có nhiều bài viết của ông chỉ là kể chuyện vui. Có thể nói, tính hài hước kết hợp với một tư duy phê phán sắc sảo, đã tạo ra ở Phan Khôi một lối viết châm biếm giễu cợt như một nét đặc sắc của phong cách văn nghị luận, bút chiến Phan Khôi. Ông viết một loạt bài gọi là hài đàm (tiểu phẩm hài) với tiếng cười đả kích vừa hoạt bát hiện đại học được của phương Tây, vừa sâu sắc mang cái thâm thúy của một nhà nho. Với hàng trăm bài viết phê phán những thói xấu của con người, những nhược điểm của dân tộc, những bất công trong xã hội thực dân phong kiến, Phan Khôi đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của loại văn châm biếm, trào phúng trong nền văn học nước ta lúc đó. Trong bài viết  Cái địa vị khôi hài trên diễn đàn văn học, ông cho rằng, khôi hài là thể hiện cái tư tưởng tự do, cái khí phách độc lập, Ai có tài thông minh tuyệt thế thì mới nói được chuyện giễu có duyên hay là làm được bài văn bông lơn có duyên, kẻ nói chơi không biết, nói thiệt không hayngu đần.

 

Bác học mà bình dân, thông thái mà dân dã - đó là nhận xét khá thống nhất của các nhà nghiên cứu về Phan Khôi. Là một nhà Hán học uyên thâm, lại coi trọng việc tiếp cận văn hóa Pháp, ông tìm hiểu, bàn bạc cái gì cũng xét cho đến nơi, tìm chứng cứ ở sự thật nên đã tích lũy được một vốn tri thức rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực đủ cả cổ kim Đông Tây. Nói đến sự hình thành, hoàn thiện và phát triển của bộ môn phê bình văn học ở nước ta, Phan Khôi là một cây bút có đóng góp rất lớn. Có thể nói, ông là một trong số người viết phê bình văn học đầu tiên và xuất sắc ở nước ta, lại từng mang danh ngự sử trên văn đàn để dọn vườn, đãi sạn cho sách, báo đương thời, nên cái gì cũng phải đọc, phải có một cái đầu bác học, phải là một nhà thông thái ...Nhưng bác học mà rất đỗi bình dân, thông thái mà vẫn dân dã - đó mới là đặc điểm văn phong cũng như con người của Phan Khôi. Để định hình được phong cách đó, phải hiểu thấu sâu sắc điều mình nói và cộng với tinh thần dân chủ và óc bình dân. Ông thường dùng những ví dụ cụ thể lấy trong đời sống thường ngày để giải thích các thuật ngữ, các quy luật, làm cho các vấn đề trừu tượng trở nên cụ thể, sinh động có thể ‘sờ tận tay, day tận mặt’ dễ dàng. Nói cách khác, ông đã bình dân hóa các lý thuyết cao siêu, trừu tượng. Đồng thời, ông có những cách so sánh ví von kết hợp với cách dùng thành ngữ, tục ngữ linh hoạt rất quen thuộc với dân gian, lẩy Kiều, nhại Kiều rất đúng chỗ... do đó vừa làm  cho vấn đề ông đang trình bày trở nên sáng rõ, vừa có ý nghĩa châm biếm sắc sảo. Tất cả những ‘tiểu xảo’ của nghệ thuật viết văn phê bình, nghị luận đó, khi tập hợp thành ‘đạo quân chữ’ trong các bài viết của Phan Khôi thì nó đã trở thành một sức mạnh không thể lường trước của văn phê bình, nghị luận của Phan Khôi. Vì thế, việc tìm hiểu nghệ thuật viết văn phê bình, nghị luận của Phan Khôi vẫn còn là một bí ẩn!

*

Bài viết Phê bình lãnh đạo văn nghệ có lẽ là bài báo cuối cùng của “Ngự sử văn đàn” Phan Khôi. Lâu nay, người đọc chỉ biết lờ mờ rằng chính vì bài viết này mà Phan Khôi bị “đánh” cùng nhóm “Nhân văn-Giai phẩm”. Từ ngày có việc “phục hồi” lại sự nghiệp của Phan Khôi, người ta dường như vẫn còn né tránh bài viết này khi nói về Phan Khôi. Vì thế, tôi xin dẫn lại nguyên văn bài viết này đặng góp phần làm cho bức chân dung Phan Khôi thêm phần hoàn chỉnh và chân thực (2*). Tôi chỉ nêu một nhận xét nhỏ là: chính bài viết này đã thể hiện rõ nhất bản lĩnh của ngòi bút Phê bình Phan Khôi và nhân cách nhà văn của Phan Khôi - nó đưa Phan Khôi lên vị trí cao nhất trong Làng Văn Việt Nam, đặc biệt là khu vực Phê bình văn học. Phần mở đầu bài báo Phan Khôi viết: “có chi nói nấy, nói toàn những sự thực”; Và “Tôi muốn nói sự thực. Nhưng có người bảo rằng “có những cái sự thực không nên nói”. Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ nào kia, chứ ở dưới chế độ của chúng ta, đã lấy phê bình, tự phê bình làm võ khí, thì còn có cái sự thực nào là cái sự thực không nên nói? Tôi muốn phê bình. Nhưng có người lại bảo rằng “phê bình nội bộ thì được, không nên viết trên sách báo, bên địch chúng thấy chúng sẽ xuyên tạc ra”. Tôi cũng không tin. Cái thời kỳ “đóng cửa dạy nhau” đã qua rồi, ngày nay chính là ngày có mâu thuẫn gì giữa nội bộ cần phải giải quyết trước mặt quần chúng nhân dân, không nhờ ánh sáng của quần chúng nhân dân soi dẫn cho, thì không thể giải quyết nổi. Vả lại, đã nhận rằng ăn của nhân dân, làm việc cho nhân dân, nhân dân là chủ, có quyền kiểm tra mọi việc, thì sao lại cứ giấu im ỉm với nhau, không cho nhân dân biết?”.

Cái sự thật mà Phan Khôi muốn nói đó là : I. Về vấn đề tự do văn nghệ sĩ ; II. Về vụ Giai phẩm mùa Xuân ; và  III. Về vụ giải thưởng văn học 1954-1955. Nếu chưa đọc bài báo này của Phan Khôi, thì cũng tức là chưa biết gì, chưa hiểu gì về Phan Khôi - tôi nghĩ là như vậy.

 

*
Những nhận định về Phan Khôi có nhiều, song hai nhận xét về Phan Khôi dẫn dưới đây rất đáng cho hậu thế suy ngẫm khi muốn “phục dựng” lại chân dung hoàn chỉnh của Phan Khôi:


Giáo sư Đinh Xuân Lâm nguyên Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, khi đã 83 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những câu trong bài thơ “Tình già” của Phan Khôi, tác phẩm được cho là một trong những bài thơ mở đường Thơ mới, mà ông đã đọc gần 70 năm trước. Giáo sư còn nhắc đến cuốn tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra” (1939) của Phan Khôi để chứng minh rằng, Phan Khôi là một người toàn diện, không chỉ dịch văn, thơ, viết thơ, viết báo mà còn viết cả tiểu thuyết. Và GS Đinh Xuân Lâm kết luận: “Muốn dùng được Phan Khôi phải là người cực giỏi, cực tài. Chắc chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh”.


Còn Phan An Sa, con trai út của Phan Khôi thì nói về cha mình: Một trí thức trẻ mới ngoài 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù 2 lần, một lần 18 tháng, một lần 3 năm, chỉ vì theo chân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để hoạt động yêu nước. Một nhà báo suốt thời tráng niên của mình lăn lộn trên văn đàn chỉ nhằm một mục đích cho hai tiếng nhân dân. Một nhân sĩ bỏ lại tất cả ở phía sau để dấn thân cho cuộc kháng chiến 9 năm và cuối cùng, một học giả sức cùng lực kiệt vẫn gắng gượng đóng góp sức mình, mong có được một vườn hoa văn nghệ đầy hương sắc của dân tộc. Một người như vậy không bao giờ đi ngược lại quyền lợi của đồng bào mình./.

 

Sài gòn, tháng 12-2010

 

 (*) Xin xem  Đỗ Ngọc Thạch : NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO DƯƠNG QUẢNG HÀM -  MỘT NHÂN CÁCH SÁNG TRONG .

(1) Phan Khôi (1887-1959): quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Phan Khôi là con của Phó bảng Phan Trần (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Phan Khôi học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi. Sau đó Phan Khôi gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của hai cụ.

 Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm ông tới Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông bí mật về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt và bị giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá. Ra tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất đồng với Phạm Quỳnh, ông rời Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân BáoHữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần ChungPhụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi lại trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm. Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết. Sau năm 1945, tức sau CM/8, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian. Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-1957, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội. Khi mất, ông được chôn cất tại nghĩa trang Mai Động (Hà Nội), sau đó, theo cơn biến động, các ngôi mộ buộc phải thuyên chuyển, bị san phẳng đi. Mộ ông Phan Khôi đã nằm trong những ngôi mộ vô thừa nhận không ai biết, đến nay ngay cả con cháu ông cũng không biết mộ ông nằm ở đâu. Phan Khôi là hội viên Hội nhà văn VN, từng làm giám khảo trong các giải văn học của hội nhà văn VN thời kỳ đầu.

 

Tình Già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở:
-“Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;
Ðể đến rồi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung?”
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đầt khách gặp nhau!
Ðôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.

 

(2) Hồ sơ Phan Khôi: do nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân sưu tầm và tuyển chọn : (http://www.viet-studies.info/phankhoi; http://lainguyenan.free.fr/pk). Những trích dẫn trong bài viết đều lấy từ nguồn này. Đó là các bài báo Phan Khôi viết trong các năm 1928, 1929, 1930, 1931, đăng trên các báo ở Sài Gòn: Phụ nữ tân văn, Trung lập, Đông Pháp thời báo và các báo ở Hà Nội: Đông Tây , Phổ thông . Bộ sách Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo, do Lại Nguyên Ân sưu tầm, đã được xuất bản những tập sau: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1928 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; NXB Đà Nẵng, 2003); Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929 (Lại Nguyên Ân st và biên soạn; in 2005); Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930 (Lại Nguyên Ân st và biên soạn; in 2006); Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1931 (Lại Nguyên Ân st và biên soạn; NXB Hội Nhà văn - Trung tâm Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Tây xuất bản - 2007); Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn (Lại Nguyên Ân st, biên soạn; NXB Hội Nhà văn - TT Ngôn ngữ & Văn hóa Đông Tây, 2007); Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1932: (Lại Nguyên Ân St, biên soạn; NXB Tri thức, H.2010).

(2*) Xin xem nguyên văn bài viết Phê bình lãnh đạo văn nghệ rút từ “Hồ sơ Phan Khôi”:

Ngày 14 tháng 7 trước đây, một anh bạn trẻ đến với tôi, ngỏ ý muốn tôi viết một bài cho tập Giai phẩm mùa Thu, tôi nhận lời, và viết cái bài nầy.

 

Tôi không phải không nhớ nhập tâm rằng cái Giai phẩm mùa Xuân đã gây ra một cảm giác nặng nề cho giới văn nghệ, nhưng mà tôi cứ viết. Là vì tôi nghĩ thấy mùa thu không thể giống được với mùa xuân. Thầy Mạnh Tử nói rằng “Bĩ nhất thời dã, thử nhất thời dã”. “Thời” là mùa thu, mùa nào tiết khí ấy, mà cũng mùa nào thức ấy.

 

Huống chi anh bạn trẻ có cho tôi biết rằng Giai phẩm mùa Thu sắp in ra là để góp một phần nhiệm vụ chuẩn bị và xây dựng cho Đại hội Văn nghệ Toàn quốc tháng 11 sẽ tới, tôi cũng muốn đóng góp chút ít cái nghĩa vụ ấy, thì đó là dịp tốt cho tôi viết.

Lại huống chi cái tôi viết đây là bằng văn xuôi, có chi nói nấy, nói toàn những sự thực, tôi không làm thơ, trong đó không có cái gì nhiêu khê, bí hiểm, như “cái bình vôi” của Lê Đạt, “con chó đói” của Trần Dần, “cái chổi quét rác rưởi” của Phùng Quán, nó như ruột voi, như phổi bò, suôn đuồn đuột mà xốp xồm xộp, ai đọc cũng thấy ngay tôi nói gì, khỏi phải hiểu ý nầy ra ý khác thì tôi tưởng tôi nên viết lắm.

Tôi muốn nói sự thực. Nhưng có người bảo rằng “có những cái sự thực không nên nói”. Tôi không tin. Đó là ở dưới chế độ nào kia, chứ ở dưới chế độ của chúng ta, đã lấy phê bình, tự phê bình làm võ khí, thì còn có cái sự thực nào là cái sự thực không nên nói?

 

Tôi muốn phê bình. Nhưng có người lại bảo rằng “phê bình nội bộ thì được, không nên viết trên sách báo, bên địch chúng thấy chúng sẽ xuyên tạc ra”. Tôi cũng không tin. Cái thời kỳ “đóng cửa dạy nhau” đã qua rồi, ngày nay chính là ngày có mâu thuẫn gì giữa nội bộ cần phải giải quyết trước mặt quần chúng nhân dân, không nhờ ánh sáng của quần chúng nhân dân soi dẫn cho, thì không thể giải quyết nổi. Vả lại, đã nhận rằng ăn của nhân dân, làm việc cho nhân dân, nhân dân là chủ, có quyền kiểm tra mọi việc, thì sao lại cứ giấu im ỉm với nhau, không cho nhân dân biết?

 

Còn như sợ “bên địch xuyên tạc” thì chỉ là cái cớ mượn để mà giấu im ỉm. Bên địch hà tất đợi đến có cái gì mới xuyên tạc? Chó sủa hà tất phải có bóng người đi qua. Đã là bên địch thì nó cứ dựng đứng chuyện lên, tôi thử kể ra đây một mẩu. Tháng tư năm ngoái, tôi đi vào khu V, nghe đồng bào thuật lại rằng trước đó độ một năm, lúc thủ tướng Phạm Vãn Ðồng đi dự hội nghị Giơ-ne-vơ, đài phát thanh Sài Gòn nói rằng “đó là tại Hoàng Minh Giám, bộ trưởng ngoại giao, đã bị thủ tiêu rồi nên Phạm Văn Đồng lên thay”. Thật, ông nào nói “bên địch xuyên tạc” cũng nên khen ông ấy là tử hơn bên địch lắm lắm vậy.

Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập lên đã 12 năm rồi, vững như trồng rồi, được cả nhân dân toàn quốc tín nhiệm rồi, tha hồ cho đứa nào vu cáo, đặt điều nói xấu, cũng không còn sợ thay, nữa là thứ đồ xuyên tạc.

 

Bây giờ chúng ta làm gì? Đành rằng chế độ của chúng ta là tốt, nhưng chúng ta đây là ai? Chúng ta đây là những người từng sống dưới chế độ phong kiến, thực dân, đế quốc hoặc nhiều hoặc ít, những tư tưởng xấu xa tiêm nhiễm của chế độ xấu xa ấy còn rớt lại trong đầu óc chúng ta hoặc ít hoặc nhiều. Do đó sinh ra những hiện tượng xấu xa mà chúng ta chỉ có bịt mắt lại mới không thấy. Bây giờ chúng ta phải bạo gan nhìn thẳng vào những cái hiện tượng đen tối ấy, vạch trắng nó ra, yêu cầu nhau sửa chữa. Sửa chữa đến tận gốc tư tưởng. Có như thế, chế độ của chúng ta mới tốt đẹp thêm, bền vững thêm, chúng ta mới xứng đáng là người mác-xít, là người cộng sản chủ nghĩa, là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng ta muốn “củng cố miền Bắc” à? Tôi tưởng đó là một việc trọng yếu trong chương trình phát triển văn hóa cũng như phát triển kinh tế để củng cố miền Bắc.

 

Bởi những lẽ đó, tôi viết bài nầy phê bình lãnh đạo văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam, cái cơ quan mà tôi sống trong đó tám chín năm nay từ khi nó mới bắt đầu thành lập ở Việt Bắc tới giờ, và phê bình rất thẳng thắn.

 

Hồi còn ở Việt Bắc, đường lối văn nghệ có vẻ giản đơn lắm. Tóm lại là theo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện thực xã hội để phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhất là phục vụ cho cuộc kháng chiến trước mắt. Những người công tác văn nghệ lúc bấy giớ có làm đúng và đầy đủ như thế không, chưa nói đến; một điều có thể nói chắc là ai nấy đều cố gắng đi theo đường lối ấy. Đối với lãnh đạo, họ có thắc mắc gě không? Hầu như không có thắc mắc gì cả. Nếu có thì cũng đã chín bỏ làm mười, vì trong thời gian đó, cái vĩ đại, cái gian khổ mà vinh quang của cuộc kháng chiến ngập trên người họ, họ đang để lòng mà nghĩ đến kháng chiến, không nghĩ đến chuyện khác.

 

Ở đây tôi không đi sâu hơn, không đi tìm cái cớ tại làm sao mà sau khi thắng lợi trở về thủ đô, lãnh đạo văn nghệ thành ra vấn đề, quần chúng văn nghệ thắc mắc đối với lãnh đạo; tôi chỉ đưa ra cái hiện tượng không tốt ấy sau khi trở về Hà Nội hai năm nay.

 

Thình lình tôi dùng cái danh từ “quần chúng văn nghệ” chắc có người thấy mà lấy làm chướng mắt. Nhưng không dùng thì không lấy gì đủ chỉ rõ một cái hiện tượng: cái hiện tượng đối lập, một bên là lãnh đạo văn nghệ, một bên là quần chúng văn nghệ. Trước kia, trong thời kháng chiến, lãnh đạo với thứ quần chúng ấy là một, mà bây giờ là hai. Thêm một điều đáng chú ý, là cái thứ quần chúng ấy, hiện nay, không chỉ là văn nghệ sĩ theo kháng chiến ở Việt Bắc, mà còn văn nghệ sĩ ở vùng mới giải phóng, mà còn văn nghệ sĩ ở vùng Nam bộ, ở khu V ra tập kết nữa, một thứ quần chúng khá đông đảo, hễ lãnh đạo không khéo thì nó dễ thành ra đối lập.

 

Ở dưới chế độ tư sản, sự đối lập là thường: nhân dân đối lập với chính phủ, công nhân đối lập với chủ xưởng, học sinh đối lập với nhà trường… Nhưng ở dưới chế độ của chúng ta, về mọi phương diện, yêu cầu phải đi đến không đối lập, hễ còn có đối lập, là cái hiện tượng không tốt, cái triệu chứng không tốt.

Sở dĩ có cái hiện tượng ấy là bởi trong lĩnh vực văn nghệ chúng ta hai năm nay có những điều sai lệch về lãnh đạo mà tôi sẽ cử đại khái ra như dưới đây. Đây là những việc nổi bật lên, tôi thấy rõ thì tôi nói; còn những việc khác, về mặt tổ chức, về mặt hành chính tôi không biết cho lắm thì tôi không nói.

 

I. Về vấn đề tự do văn nghệ sĩ

 

Sau khi về Hà Nội không lâu, giữa một cuộc tọa đàm ở trụ sở Hội Văn nghệ, một cán bộ cao cấp lấy tư cách cá nhân đề ra cái vấn đề “tự do của văn nghệ sĩ”. Cái vấn đề ấy được giải thích là: Có một số văn nghệ sĩ nào đó đòi tự do hay là có ý đòi tự do, mà tự do một cách bừa bãi, đến nỗi “ví như một kẻ kia đi trên đường phố, thấy có người ôm cái cặp da đẹp, giật ngang lấy đi, rồi nói rằng đó là tự do của mình vì mình thích cái cặp da.” Do đó, kết luận là: phải có lãnh đạo, văn nghệ sĩ phải ở dưới quyền lãnh đạo.

Tôi thấy vấn đề đặt như thế không đúng. Sự thực trước mắt chúng ta không hề có như thế.

Bao nhiêu văn nghệ sĩ từng theo kháng chiến, không luận ở Việt Bắc, ở Nam bộ, ở Khu V, đều đã ở trong Hội Văn nghệ, đều đã bằng lòng chịu lãnh đạo rồi, nếu họ không bằng lòng chịu lãnh đạo thì họ đã không ở trong Hội Văn nghệ. Còn những văn nghệ sĩ ở vùng mới giải phóng, họ còn ở lại đây tức là họ rắp tâm chịu lãnh đạo, nếu không thì họ đã đi vào Nam. Tóm lại, văn nghệ sĩ hiện nay có mặt ở miền Bắc không ai đòi tự do bừa bãi hết, không ai định “đánh giật cặp da” hết, tôi không biết vì sao lại đặt ra vấn đề ấy.

 

Quả thật như vậy, văn nghệ sĩ của chúng ta chẳng những đáng yêu mà lại đáng thương nữa. Họ biết trước kia họ đã đi sai đường, họ ngoan ngoãn chịu lãnh đạo. Mồ ma Tô Ngọc Vân, anh là một họa sĩ cụp vẽ mỹ nhân, năm 1948, anh còn vẽ bức tranh màu đề là “Hà Nội đứng lên”, trình bày một người thiếu phụ tuyệt đẹp đứng hiên ngang trong đống lửa, chung quanh là những cái bếp đổ vì bom đạn. Thế mà sau đó anh chừa hẳn cái vai cụp ấy. Ở Triển lãm Hội họa năm 1952, trong một bức tranh không có thể không có phụ nữ, thì anh vẽ một đám bà già và gái bé. Còn Thế Lữ, có lần tôi hỏi tại sao anh không làm thơ như trước kia. Anh trả lời rằng đợi đến bao giờ anh “chỉnh” lại được tâm hồn, cảm thông được với quần chúng cần lao, bấy giờ anh sẽ làm. Thứ văn nghệ sĩ như thế, mà nói họ đòi tự do, dù chưa phải là tự do bừa bãi, cũng đã oan họ lắm rồi, oan mà không có chỗ kêu.

 

Có lẽ bởi nhìn thấy ở một khía cạnh nào rồi nhận định hẳn như thế, nên từ đó lãnh đạo gắt hơn, kỳ tiêu diệt thứ tự do ấy của văn nghệ sĩ. Nhưng, sự thực, thứ tự do ấy vốn không có thể bị tiêu diệt, mà cái cá tính của văn nghệ sĩ, cái nghệ thuật tính của văn nghệ, nhân đó, tuy chưa bị tiêu diệt, chứ cũng đã bị thương.

 

Chưa nói đến cá tính và nghệ thuật tính. Ngay đến ý kiến, ngôn luận của quần chúng văn nghệ dù rất bình thường, không có gì hại, cũng bị kìm hãm. Tôi là một người đã chịu cái điều khó chịu ấy, tôi nói ra đây tưởng không có ai ác đến nỗi bảo tôi là dựng đứng hay xuyên tạc như bên địch.


Sau khi về Hà Nội mấy tuần lễ, có một cuộc họp mặt văn nghệ sĩ với mấy đồng chí văn nghệ Liên-xô. Một đồng chí nói rằng mình vì không đọc được tiếng Việt cho nên không biết văn học Việt như thế nào, chứ còn mấy ngành khác như nhạc, họa, kịch đều thấy có tiến bộ cả. Nhân đó, tôi phát biểu ý kiến, đại khái tôi nói văn học Việt vì những điều kiện nào đó hạn chế, nên hiện thời nó còn thấp kém lắm, chưa theo kịp sự tiến bộ của mấy ngành kia. Lại, trong một cuộc họp khác sau đó, nói về âm nhạc, có mấy người đề cao nhạc cổ Việt Nam. Tôi tuy dốt âm nhạc chứ cũng biết rằng nhạc cổ của ta không cao đến cái mức ấy, bèn lại phát biểu ý kiến. Tôi thuật lại chuyện nghe ở người khác rằng có một nghệ sĩ nước bạn phê bình điệu hát chèo, trong đó đệm nhiều những “a ý a”, “tình tính tang”, còn đeo tính chất nguyên thủy. Mấy hôm sau, tôi gặp ông Hoài Thanh ở chỗ thang gác từng thứ hai của trụ sở Hội Văn nghệ, ông bảo rằng mấy lần phát biểu ý kiến của tôi đều đáng phê bình, nhất là lần sau, sao lại bằng vào lời một nghệ sĩ nước ngoài mà phủ định nhạc cổ? Tôi chưa kịp nói gì thì ông đã đi xuống khỏi thang gác. Tôi vào phòng riêng, nằm nghĩ mà tức lắm, không tức gì với ông Hoài Thanh mà tức với lãnh đạo. Từ đó có mặt trong cuộc họp nào tôi cũng không phát biểu ý kiến. Có anh em hỏi tôi sao không phát biểu. Tôi trả lời rằng vì không có ý kiến gì khác. Nhưng, thực ra, có ý kiến gì khác tôi cũng không thèm phát biểu. Nên nói thêm rằng tôi mong ông Hoài Thanh đưa tôi ra phê bình lắm, nhưng may làm sao không thấy đưa tôi ra phê bình, vì cái sự phê bình được coi là võ khí ấy rất hiếm có trong cơ quan chúng tôi: hai năm nay chỉ có hai lần, một lần phê bình thơ Việt Bắc, một lần phê bình bài thơ của Trần Dần mà sau đây tôi sẽ nói đến.

Đó là lãnh đạo nghiệt ngã về nói; đây là về viết.

Tháng 10 năm ngoái, tôi được cắt cử nói chuyện trong cuộc kỷ niệm Lỗ Tấn. Trước khi nói, tôi phải viết ra trình qua lãnh đạo xem. Trong bài viết, có chỗ tôi nói Lỗ Tấn thông hiểu chủ nghĩa Mác lắm, nhưng trong văn chương của ông không hề dùng những danh từ mác-xít, mỗi khi đọc, làm tôi nghĩ đến con tằm: con tằm ăn dâu rồi nhả ra tơ, nếu nhả ra dâu thì không phải là con tằm. Ông Nguyễn Tuân hỏi tôi: “Nói như thế là định viser (ám chỉ) ai?” Đề nghị tôi nên chữa. Tôi lấy làm lạ, tôi sao lại có tâm địa xỏ lá đến nỗi mỗi khi nói phải có ám chỉ ai mới được; tuy vậy, tôi cứ hứa sẽ chữa. Một chỗ khác, nói về lối phiên dịch, Lỗ Tấn chủ trương trực dịch. Ông Hoài Thanh bảo tôi phải chữa, lấy lẽ rằng phiên dịch có nhiều lối, nếu lấy Lỗ Tấn làm khuôn mẫu thì Hồ Chủ tịch dịch Tỉnh ủy bí mật, không trực dịch, chẳng là không đúng hay sao? Tôi biết rõ rằng cái câu nói đó chỉ là thuật lại cái chủ trương của Lỗ Tấn, chẳng hề lấy làm khuôn mẫu, cũng chẳng hề đả động gì đến việc dịch của Hồ Chủ tịch hết, những tôi không cãi, cũng cứ hứa sẽ chữa, mà thật, tôi đã chữa ngay trong bản thảo trước mặt ông Hoài Thanh. Tôi tuy nhũn như con giun đối với lãnh đạo thể ấy, nhưng khi nói trước công chúng, tôi cứ nói theo nguyên văn của tôi, không chữa một chữ nào, vẫn không gặp sự phản ứng nào trong đám thính giả.

 

Đó là cái thói kỵ húy trong văn chương của thời phong kiến còn rớt lại. Thuở Thiệu Trị, ở trường thi hương Thừa Thiên, Đặng Huy Trứ vào trường thi, trong văn có câu “vi gia miêu chi hại”, nghĩa là làm hại giống mạ tốt, nhưng “gia miêu” là tên làng các vua triều Nguyễn [1] , quan trường sợ bóng sợ gió, sợ như thế có thể hiểu ra là làm hại làng của vua, bèn đánh rớt bay. Lại thuở Tự Đức, cũng trường thi Thừa Thiên, Lương Gia Hựu cũng vào trường thi, trong văn có câu “vi thiên tử chi ấp”, chữ “ấp” đó nghĩa là kinh đô, thế mà quan trường sợ có thể hiểu nôm na rằng thiên tử ôm ấp cô gái nào, cũng đánh rớt bay. Thử so sánh mà xem, có phải mấy ông lãnh đạo của tôi cũng sợ bóng sợ gió, cũng kỵ húy như mấy ông quan trường ấy không? Người ta làm cho tôi cảm thấy qua việc ấy rằng nước Việt Nam ngày xưa, triều đại là triều đại Thiệu Trị, Tự Đức, cái nguồn văn chương là Tứ thư, Ngũ kinh, còn nước Việt Nam ngày nay, cũng là triều đại gì đó, chỉ khác cái nguồn văn chương là mác-xít, chứ cái thói kỵ húy của quan trường thì không khác.

 

Trở lại vấn đề “tự do của văn nghệ sĩ”.

 

Thực ra thì, như trên đã nói, văn nghệ sĩ không đòi tự do bừa bãi, họ chịu ở dưới quyền lãnh đạo, chỉ duy cái vấn đề họ đặt ra là lãnh đạo phải như thế nào. Nói như thế cũng chưa hết ý. Phải nói rằng văn nghệ sĩ cũng muốn được tự do, nhưng họ chỉ yêu cầu được tự do trong nghệ thuật.

Đành rằng văn nghệ phục vụ chính trị, cho nên chính trị phải lãnh đạo văn nghệ. Nhưng phải hỏi: chính trị nếu muốn đạt đến cái mục đích của nó, thì cứ dùng những khẩu hiệu, biểu ngữ, thông tri, chỉ thị, không được hay sao, mà phải cần dùng đến văn nghệ? Trả lời cho thành thật, e chính trị phải vỗ vai văn nghệ mà nói rằng: Sở dĩ tao tha thiết đến mầy là vì tao muốn lợi dụng cái nghệ thuật của mầy. Đã cởi mở với nhau như thế rồi, văn nghệ đồng ý. Nhưng phần nghệ thuật nầy là phần riêng của văn nghệ, chính trị không bao biện được, nó phải đòi tự do trong phần ấy. Như thế, tưởng chính trị cũng lấy lẽ gì mà không đồng ý. “Hai bên đều có lợi”, cái nguyên tắc ấy, ở ngày nay, nó thích dụng trong bất cứ một sự hợp tác nào.

Nhưng hai năm nay, lãnh đạo văn nghệ của chúng ta đã đi quá trớn mà không giữ đúng cái giao ước bất thành văn ấy. Lãnh đạo đã xâm phạm mỗi ngày một hơn vào quyền riêng nghệ thuật của văn nghệ sĩ.


Trong văn nghệ, không cứ về ngành nào, sáng tác hay “sản xuất”, đều hầu như bị Ban Thường vụ của Hội xỏ sẹo dắt đi, hay quá lắm là nhúng tay vào. “Phục vụ công nông binh” và “phục vụ kịp thời”, cái đó đã đành rồi; “quần chúng văn nghệ” bực mình vì còn phải chịu mệnh lệnh của lãnh đạo ngoài những cái đó.

Tức như trước đây trong việc chấm giải thưởng về nhạc. Có một bài nhạc, Ban chấm giải (gồm những nhạc sĩ chuyên môn) đặt vào hạng thấp, thì Ban Thường vụ bảo phải nhấc lên hạng cao, lấy lẽ rằng “lời” nó hay và đúng chính sách. Ban chấm giải bầy rằng tuy “lời” hay mà “nhạc” tầm thường nên để hạng thấp, nhưng không được, rốt lại cũng phải nhắc lên hạng cao. Một anh nhạc sĩ trong Ban chấm giải thuật chuyện ấy cho tôi nghe và phàn nàn rằng thế thì làm thơ làm văn cho hay và đúng chính sách cũng được, việc gì phải làm nhạc và phải giao cho nhạc sĩ chấm? Tôi cho phàn nàn như thế là có lý lắm, trừ ra khi nào Ban Thường vụ cũng là nhạc sĩ chuyên môn thì vấn đề còn phải thảo luận lại.

Để rồi đến ngày Đại hội, trong mỗi ngành sẽ có người đứng lên nói những sự thực như thế ra. Tôi ở ngành văn, tôi đã kể một chuyện về viết như trên kia cũng đủ thấy là khó chịu rồi. Cái sự bẻ bai bẻ họe của bà già đối với nàng dâu, hà tất phải kể ra hàng tràng, thiên hạ mới biết.

 

Ông Nguyễn Tuân và ông Hoài Thanh đều là nhà văn nổi tiếng, tôi không nói các ổng không có thẩm quyền về nghệ thuật viết văn. Nhưng các ổng có nghệ thuật của các ổng, còn tôi có nghệ thuật của tôi. Trong nghệ thuật ngụ cái cá tính của mỗi người một khác, do đó nghệ thuật tính của văn nghệ của mỗi tác giả một khác. Có thế thì mới có được cái quang cảnh “trăm hoa đua nở”. Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.

 

Mà nếu cứ thế nầy mãi, than ôi, cái ngày ấy cũng chẳng xa đâu!

Cái tác phong lãnh đạo ấy hiện đã truyền nhiễm khắp Hà Nội rồi. Một tòa soạn nào đó cũng có quyền chữa bài của tôi, vứt bài của tôi. Mà phải chi đáng chữa mà chữa, đáng vứt mà vứt cho cam. Mới đây, trước ngày 20 tháng 7, có một nhà báo - giấu làm gì? Nói ngay là nhà báo Tổ quốc - nhà báo Tổ quốc viết thư cậy tôi viết một bài. “Viết một bài về chuyện miền Nam”, như thế là đã “ra đề” cho tôi “làm bài” đó, tưởng cũng đủ lắm rồi. Trong thư, ông đại chủ bút còn “dàn bài” cho tôi nữa: những là “yêu cầu” thế này, “mục đích” thế nọ, và hạn từ một ngàn rưởi chữ đến hai ngàn chữ. Tôi lấy làm đau xót quá (có lẽ đó vì tôi tự ái, đáng kiểm thảo), bèn kiếm cách từ chối. Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu! Ở thời cụ, cụ đã kêu:

Ở đây nào phải trường thi

Ra đề, hạn vận một khi buộc ràng?

thế mà đến ngày nay, bảy tám mươi năm sau cụ, người ta còn ra đề, dàn bài, lại hạn chữ cho tôi nữa đó cụ ơi! Tôi còn làm ăn gì được nữa cụ ơi! Tôi còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!


II. Về vụ Giai phẩm mùa Xuân

 

Lãnh đạo như thế cho nên mới có tập Giai phẩm mùa Xuân. Nói cho tiêu tội, mấy người viết Giai phẩm mùa Xuân, họ vốn không hề cho tôi biết gì cả, nhưng khi tôi đọc thì tôi - có lẽ như tục ngữ nói: voi thuộc voi, ngựa thuộc ngựa, tôi biết ngay là vì họ bất bình với lãnh đạo

Sáng hôm mùng Một Tết âm lịch năm nay, ông Tố Hữu đến chơi trụ sở Hội Văn nghệ. Giữa anh em đông, ông hỏi ý kiến tôi về tập Giai phẩm mùa Xuân. Tôi nói trong đó chỉ có bài thơ của Trần Dần nói lôi thôi, có hơi không lợi; còn của Phùng Quán, của Lê Đạt, tôi thấy nói đúng đấy. “Chống công thức”, “quét rác rưởi tư tưởng” là việc chúng ta cần phải làm. Có điều cái gì là công thức, cái gì là tư tưởng rác rưởi, chẳng những nên bảo họ nói rõ ra, mà còn nên bảo họ viết lên báo cho rõ ra. Ông Tố Hữu nói một câu có đông anh em cùng nghe: “Giấy mực đâu mà phí để cho họ viết?”. Thế rồi làm thinh. Tôi làm thinh, nghĩa là tôi trải đời nhiều rồi, tôi tròn lắm rồi, tôi không dại dột đến nỗi đã thế rồi mà còn cứ nói nữa.


Mấy hôm sau, nghe nói tập sách mỏng ấy bị thu về, tôi cho rằng sự thu về ấy là thất sách. Sao lại phải làm to chuyện cái chuyện không đáng làm to? Sao lại gợi cho những kẻ hiếu kỳ lén lút tìm mua tập sách ấy 3000đ một tập mà đọc? Sao lại làm như là sợ nó? Ở Trung Quốc, Hồ Phong nói xấu lãnh đạo văn nghệ đến thế, mà “ba sắp tài liệu” của Hồ Phong vẫn được công bố ra, cả đến cái ý kiến thư của hắn cũng được công bố ra, chẳng ai hề sợ.

 

Thế rồi một ngày xuân mới, ánh mặt trời ấm áp, tối lại, có mấy hạt mưa phùn để giúp cho những cây rụng lá mùa đông nứt lộc ra, thì ở trụ sở Hội Văn nghệ khai hội từ 7 giờ tối đến 1 giờ sáng để phê bình bài thơ Trần Dần, mà ký thực là hỏi tội Trần Dần, một mầm non văn nghệ. Hỏi tội độc một Trần Dần thôi, là cái ngón chính trị tài tình lắm đấy, để cô lập Trần Dần và phân hóa lũ người trong Giai phẩm, cái ngón ấy đã thành công. Hết thảy có độ một trăm rưởi người, trong đó có vài chục người đứng lên nói, đại khái giống nhau và kết luận là Trần Dần có tội. Không phải không có những người thấy rằng Trần Dần dù có tội cũng không đến to như thế, nhưng mà họ đã làm thinh.

 

Tôi nhớ có một vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ “Người” viết hoa. Lấy lẽ rằng chữ “Người” viết hoa lâu nay chỉ để xưng Hồ Chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ “Người” không phải để xưng Hồ Chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như mình ở trong chiêm bao: chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê Mỗ tố cáo ông Nguyễn Mỗ trước ngai vàng, rằng trong phép viết, chỉ có chữ nào thuộc về hoàng thượng mới phải đài, thế mà tên Nguyễn Mỗ viết thư cho bạn, dám đài chữ không phải thuộc về hoàng thượng. Nhưng may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình ngồi trong phòng họp Hội Văn Nghệ.

 
Rồi đến ông Hoài Thanh viết một bài trên báo Văn nghệ, bằng giấy trắng mực đen, ghép Trần Dần vào tội phản động, đứng về phía địch chống lại nhân dân ta [2]

 

Thật cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá. Hồ Phong bên Trung Quốc, còn phải điều tra bao nhiêu năm, công bố “ba sắp tài liệu”, mới vạch mặt hắn là phản cách mạng, là tay sai của Tưởng Giới Thạch được. Tôi lại còn thấy một cái tài liệu, nói Hồ Phong từng bị bắt quả tang có một thanh gươm, ở cái nạm có bốn chữ “Tưởng Trung Chánh tặng”, ở cái lưỡi có ba chữ “đảng nhân hồn”. Như thế thì phản động là đáng lắm, có đâu chỉ một bài thơ mà đã là phản động?

 

Tuy vậy, Trần Dần còn có phúc hơn cậu cử Nguyễn Thuyên con trai cụ lớn Tiền quân Nguyễn Văn Thành nhiều lắm. Trần Dần với bài thơ hàng hơn năm trăm câu mà chỉ mang tiếng là phản động thôi, không như cậu cử Thuyên, bài thơ chỉ có 56 chữ, ý tứ vu vơ, mà bị chết chém, và còn liên lụy đến anh em, bè bạn, liên lụy đến ông cụ bố phải uống thuộc độc mà chết. Trong chỗ đó, tôi thấy thời đại dân cộng ḥa dân chủ rộng răi đối với văn nghệ hơn thời đại chuyên chế triều Gia Long rất nhiều.

 

Cuối cùng, ông Nguyễn Đình Thi, thư ký tòa soạn báo Văn nghệ viết liên tiếp ba bài đại cà sa phê bình tập Giai phẩm mùa Xuân. Sau khi ba số báo in ra xong, ông Thi đưa cả cho tôi xem và hỏi ý kiến tôi đối với ba bài ấy.

 

Đọc xong sau một hôm, hai chúng tôi nói chuyện với nhau. Tôi bảo ông Thi rằng ông đặt sai vấn đề. Vấn đề Giai phẩm là vấn đề lãnh đạo, chứ không phải vấn đề quần chúng. Tôi phân tích rõ ràng cho ông thấy rằng tại lãnh đạo văn nghệ có thế nào cho nên quần chúng văn nghệ mới bất bình mà phát biểu ra như thế. Ví dầu trong sự phát triển của họ có lầm lỗi cũng còn là cái ngọn, mà cái gốc, phải tìm đến ở chỗ do lãnh đạo gây ra. Thế mà cả ba bài của ông Thi không có một chữ nào đụng đến lãnh đạo hết, chỉ đổ lỗi cho mấy người viết trong Giai phẩm, thế là không công bình, thế là quá đáng. Khi viết đây, tôi ngồi dưới ngọn đèn điện 20 nến, tôi nói có mặt đèn làm chứng, ông Thi nhận cho lời tôi nói là đúng, hứa sẽ viết phê bình lãnh đạo, nhưng mãi tới nay chưa thấy viết.

Đọc trong bài thứ nhất của ông Nguyễn Đình Thi, đến chỗ ông nói mấy người trong Giai phẩm là “cả vú lấp miệng em”, làm tôi nhớ lại một vài chuyện cũ mà tủm tỉm cười một mình. Năm 1920, tôi làm thư ký kiêm kế toán cho công ty Bạch Thái ở Hải phòng, tôi thấy ông Bạch Thái Bưởi bóc lột công nhân làm tàu của ông rõ ràng, thế mà một hôm ông chỉ vào mặt các anh làm tàu mà nói rằng: “Chính chúng mầy bóc lột tao”; năm 1930 hay 1931 gì đó, tôi viết báo ở Sài Gòn, biết thực dân Pháp khủng bố cộng sản dã man hết sức, thế mà trên báo Tây, chúng gọi Xô viết Nghệ An là “khủng bố đỏ” (terreur rouge). Nghề thế, hễ mình muốn người khác đừng nói đến cái tật xấu của mình, thì mình đem ngay cái tật xấu ấy đổ trên đầu người khác để đấm họng họ cho câm đi. Chính ông Nguyễn Đình Thi “cả vú lấp miệng em” cho nên ông bảo trước rằng bọn Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt là “cả vú lấp miệng em”. Thực ra thì bọn nầy có “vú” đâu mà “cả”, vả lại họ cũng không có ai là “em” họ hết.

 

Một tối họp buộc tội, không có một lời nào cãi lẽ; bốn bài báo buộc tội, không có một chữ nào trả lời: quả nhiên “miệng” đã bị “vú lấp” rồi. Đó là cái cơ hội cho một việc gì xảy ra.


III. Về vụ giải thưởng văn học 1954-1955

 

Sau khi giải thưởng nầy tuyên bố, ở đâu thì không biết, chứ ở Hà Nội, dư luận bàn tán xôn xao, nhiều người không phục, cho rằng có mấy tác phẩm trong đó không xứng đáng được giải. Nói như thế, có thể bị coi là nói vu vơ, không có bằng chứng. Nhưng muốn có bằng chứng cũng không thể có được, vì cả nước chỉ có một tờ báo Văn nghệ có thể đăng những bài phê bình văn nghệ, mà là của Hội Văn nghệ, thứ dư luận ấy có muốn phát biểu cũng không phát biểu vào đâu. Tuy vậy, bằng chứng cũng không phải toàn không có. Dạo trước, tờ Trăm hoa có ba bài của ba người công kích tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu, nhưng khốn nỗi, nó ra đến bài thứ ba thì nó chết. Dù vậy, tôi thấy dư luận ấy là quả có, chẳng tin, ai thử làm một cuộc trưng cầu ý kiến mà xem.

 

Chính tôi là một người ở trong Ban Chung khảo chấm giải, tôi đã biểu tình với thứ dư luận ấy trước khi nó xôn xao, nghĩa là trước khi tuyên bố kết quả giải thưởng.

 

Ban Chung khảo có mười người, tôi là một. Tôi quên lửng, không biết do ai công cử hay chỉ định, khi nhận được giấy triệu tập thì cứ di dự vào, làm việc, lãnh tiền thù lao, nhưng khi việc xong thì tôi đâm ra trách mình một cách bâng quơ: phải chi mình đừng dự vào đó thì hay.

 

Tác phẩm của mỗi ngành trong văn học, như thơ, tiểu thuyết, kịch bản… sau khi chuyền cho nhau đọc rồi, về mỗi ngành có một buổi họp toàn ban để bình định thứ bậc. Trong khi bình định, hễ đồng ý với nhau thì thôi, bằng có mâu thuẫn thì biểu quyết bằng lối giơ tay, “thiểu số phục tùng đa số”.

Hôm bình định về thơ, tôi phản đối tập Ngôi sao đứng giải nhì, tôi nói: có vớt vát lắm thì cũng chỉ nên để nó đứng giải ba. Tôi cử ra những câu bí hiểm không thể hiểu nghĩa được, thì ông Huy Cận (một trong Ban chung khảo) bảo rằng đó là tại tôi “muốn” không hiểu thì không hiểu. Quái, tôi “muốn” làm sao được? Theo lẽ, ông Huy Cận nếu binh vực cho Ngôi sao thì phải cắt nghĩa rạch ròi những câu ấy ra, chứ sao lại bảo rằng tôi “muốn” không hiểu? Nhưng cả ban làm thinh, tự hồ ai cũng hiểu những câu ấy, không ai tỏ đồng ý với sự chỉ trích của tôi. Tôi còn cử ra những câu tầm thường quá, không xứng đáng là thơ, và nói rằng thơ Xuân Diệu ngày nay trở kém thơ Xuân Diệu ngày trước. Một ông trong ban (quên là ai) cãi rằng nếu thế thì bao lâu nay Ðảng giáo dục Xuân Diệu không có hiệu quả gì sao? May mà một ông khác (quên là ai) lập tức đưa tay ngăn cản lại, nói đó không phải là cái luận cứ vững, đừng đưa ra. Nhưng đồng thời tôi trót đã vọt miệng thốt ra câu này: Đảng giáo dục Xuân Diệu làm cách mạng, chứ có giáo dục Xuân Diệu làm thơ đâu, thật như đức Khổng tử đã dạy rằng: “Ngựa tứ chẳng kịp cưỡi”. Cũng vì tôi nên có sự mâu thuẫn, phải biểu quyết, thì tôi đứng về thiểu số, mà nhớ hình như thiểu số tuyệt đối.

Hôm khác bình định về tiểu thuyết. Tôi phản đối Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng đứng giải nhì. Tôi cử ra sáu bảy chỗ, kết luận rằng cái tiểu thuyết này nhiều chỗ không giống với sự thực, trái với chủ nghĩa hiện thực bước thứ nhất, nếu nó được giải cao thì khi ngoại quốc dịch nó ra, nhất là khi bên địch đọc nó, bất lợi cho văn học của chúng ta. Cả ban không ai bác lại lời tôi, tuyệt nhiên không có một người nào bác lại tôi, nhưng thế nào không biết, cuối cùng cũng phải biểu quyết, và tôi vẫn đứng về thiểu số, và lại là thiểu số tuyệt đối.

Đến khi việc đã xong rồi, Ban Chung Khảo không còn có buổi họp nào nữa rồi, tôi mới tiếp được hai tác phẩm về ký sự, đều đứng giải ba, có thông tri bảo đọc và cho ý kiến. Tôi thấy cái Nam bộ mến yêu của Hoài Thanh chỉ là bài viết chạy như bài đăng trên báo, không có gì là giá trị văn học, còn cái Lên công trường của Hồng Hà viết có công phu hơn. Tôi nhớ ra mình đã từng hạ hai tác phẩm của hai ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng xuống mà không được, bây giờ không còn có đủ sức bướng để mà hạ của ông Hoài Thanh xuống nữa, bèn viết một mẩu giấy đề nghị đưa Lên công trường lên giải nhì. Nhưng mẩu giấy ấy về sau chìm đi đâu mất, không ai nhắc đến.

 

Sau có một buổi họp giữa những người chấm giải với những người được giải. Đáng lẽ, một buổi họp như thế, thế nào Ban chấm giải cũng phải gợi cho những người được giải có thắc mắc gì thì nói ra. Bởi vì bây giờ không phải như thời phong kiến chấm trường thi, quan trường ăn tiền lấy đỗ bậy bạ rồi ai rớt nấy chịu. Nhưng mà không thấy đả động gì đến việc ấy. Gần rốt buổi họp tôi mới đề nghị xin cho nói thắc mắc. Thế rồi có mấy người nói thắc mắc của họ [3] . Cuối cùng tôi cũng đưa ra thắc mắc của tôi về cái sự hai lần bị đứng về thiểu số như đã nói trên. Tôi nói quả quyết rằng mặc dầu tôi đứng về thiểu số, chứ cái sự định đoạt ấy của đa số, tôi cho là không đúng, tôi nhất định không phục. Trong những người được giải, có một người đứng lên phát biểu ý kiến, lấy làm lạ rằng sao trong Ban Chung khảo không nhất trí với nhau, xong việc rồi lại còn có người đưa ra thắc mắc? Tan buổi họp, tôi nghĩ mà cũng lấy làm lạ rằng sao cái ông lấy làm lạ đó lại không ở trong Ban Chung khảo?

 

Đến hôm phát giải thưởng ở Câu lạc bộ Đoàn kết, ban tổ chức đề nghị tôi làm một người trao giải. Tôi từ chối. Tôi sợ rằng trong khi trao giải hoặc rủi mà tôi gặp phải trao ba cái giải mà mình phản đối thì khổ cho mình. Khi tuyên bố ba cái giải mà tôi phản đối ấy tôi nhất định không vỗ tay. Tôi nhất định tỏ thái độ phản đối đến cùng.

 

Hôm thượng tuần tháng 6, tôi nằm trong Bệnh viện C, thấy mấy anh bộ đội đọc tập thơ Người chiến sĩ của Hồ Khải Ðại mà chê rằng dở quá, tôi bèn mượn xem thì thấy quả thật là dở quá. Thế mà nó được giải ba văn học. Tập thơ nầy, tôi ở trong Ban Chung khảo chưa hề thấy mặt nó, sau cùng chỉ nhận được thông tri nói nó nguyên ở giải khuyến khích, nay tương lên giải ba. Ai tương lên? Thế có lạ không?

Ban Chung khảo theo đề nghị của ông Xuân Diệu, sau khi tuyên bố giải thưởng, phải làm nhiều cách tuyên truyền cổ động rầm rộ cho các tác phẩm được giải, và đã cắt cử người nào viết bài phê bình cho tác phẩm nào. Lâu mà không thấy mấy người viết. Tình cờ tôi hỏi một ông, ông trả lời: “Khó viết quá”. Câu trả lời ðúng hết sức: lấy nó trúng giải thì dễ, chứ viết để tuyên truyền cổ động cho nó thì phải khó.

Cho đến hết tháng bảy mà chỉ có hai bài phê bình trên báo Văn nghệ. Một bài ông Hoàng Xuân Nhị (một trong Ban Chung khảo) phê bình Truyện anh Lục, độc giả không lấy làm mãn nguyện, có người đã nói, đọc nó chỉ thấy cái vẻ mô phạm hiền lành của một vị giáo sư đại học mà thôi. Một bài ông Hoài Thanh viết để binh vực cho Ngôi sao mà binh vực một cách gắng gượng quá, nhất là yếu, không hề chống cãi lại những chỗ đả kích trong ba bài của báo Trăm hoa. Tôi rất không phục ông Hoài Thanh ở điểm này: ông viết bài ấy sau ba bài của Trăm hoa mà ông không hề nhắc tới Trăm hoa lấy một tiếng, ông cố dìm nó xuống cũng như Phạm Quỳnh đã dìm báo Hữu Thanh của Ngô Đức Kế. Nếu không dìm thì là ông khinh, cũng như Phạm Quỳnh đã khinh báo Hữu Thanh của Ngô Đức Kế.

 

Về vụ này, có một điều, người ngoài không phải là tôi, không biết đến, thì không lấy làm quái. Ấy là điều, ba ông Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoài Thanh đều có tác phẩm dự thi mà đều ở trong Ban Chung khảo. Nếu chỉ ở trong Ban Chung khảo mà thôi, còn khá; thử điều tra lại hồ sơ, thì ba ông còn ở trong Ban Sơ khảo nữa. Sao lại có thể như thế? Trường thi phong kiến thuở xưa, tuy có ám muội gì bên trong, chứ bên ngoài họ vẫn giữ sạch tiếng: Một người nào có con em đi thi, thì người ấy vẫn có được cắt cử cũng phải “hồi tị”, không được đi chấm trường. Bây giờ cả đến chính mình đi thi mà cũng không “hồi tị”: một lẽ là ở thời đại Hồ Chí Minh, con người đã đổi mới, đã “liêm chính” cả rồi; một lẽ trắng trợn vì thấy mọi cái “miệng” đã bị “vú lấp”.

 

Người ta cứ sợ “bên địch xuyên tạc”. Sao trong việc nầy không sợ? Nó cần gì phải xuyên tạc? Đọc mấy tác phẩm được giải thưởng nầy, tha hồ cho nó đánh giá văn học miền Bắc.

 

Gọi là phê bình, chỉ có thế; tôi chỉ trình bày mấy hiện tượng không tốt trong giới văn nghệ. Còn sửa chữa, mong ở Đại hội sắp tới, nếu toàn thể xét thấy lời tôi nói có đúng phần nào thì xin tùy đó mà sửa chữa.

Riêng tôi thì tôi chỉ muốn Hội chúng ta, trong việc lãnh đạo, thực hành cái nguyên tắc dân chủ tập trung, mà phải từ dưới lên trên rồi mới từ trên xuống dưới, nghĩa là theo ý kiến nguyện vọng của quần chúng văn nghệ để lãnh đạo văn nghệ. Đừng như hai năm nay, lấy ý kiến của ba năm ba người trong Ban Thường vụ, hoặc của một người nọ hay một người kia để lãnh đạo, mà cái ý kiến ấy số đông văn nghệ sĩ không tán thành.

 

Được như thế thì sẽ không còn có cái hiện tượng hai bên đối lập nữa. Đó là một điểm trọng yếu trong chương trình phát triển văn hóa để củng cố miền Bắc.

 

(Viết xong ngày 30-7-1956 tại Hà Nội). Trích trong Giai phẩm mùa thu, tháng 8 năm 1956.

 

Chú thích cho bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ:

 

[1]Các vua triều Nguyễn gốc ở làng Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
[2]Báo Văn nghệ số 110 ra ngày 17-3-1956.

[3]Nhớ như có người đã thắc mắc về tập thơ Ngôi sao, nhưng tôi không chắc lắm, việc này có thể xét lại biên bản của Hội Văn nghệ về buổi họp ấy - Ngày 20-8-1956, thình lình có cuộc họp Ban Chấm giải, tôi phát hiện thêm ra một sự gian lận: Bao nhiêu lời phản đối của tôi về tập Ngôi sao đều bị bỏ hết, không ghi vào biên bản. Việc nầy, liền ngày đó, tôi có viết thư cho ông Tổng thư ký Đảng Lao Động biết. (Phan Khôi chua thêm ngày 21-6 trước khi tập sách lên khuôn).

(3) Phạm Quỳnh (1892 - 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân. Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

 

(hết)

Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 3009
Ngày đăng: 13.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tinh thần thơ hiện đại - Khổng Ðức
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 1 - Thụy Khuê
Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản - Trương Vũ
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 2 - Thụy Khuê
Đọc “Tiểu Luận” Của Nguyễn Huy Thiệp - Đỗ Ngọc Thạch
Khi Thơ Ca Cất Tiếng Chào Đời - Chân Phương
Thơ Việt Nam Đang Chờ Phiên Đổi Gác - Hoàng Hưng
Liên hệ giữa phát triển kinh tế và xây dựng dân chủ trong trường hợp Việt Nam - Trương Vũ
Robbe-Grillet hay sự khủng bố văn chương - Trần Vũ
Cùng một tác giả
Nữ võ sĩ huyền đai (truyện ngắn)
Anh hùng thọ nạn (truyện ngắn)
Người chép sử (truyện ngắn)
Tướng sát phu (truyện ngắn)
Chị em sinh ba (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn-1 (truyện ngắn)
Truyện ngắn ngắn -2 (truyện ngắn)
Chuyện một nhà báo (truyện ngắn)
Núi lở (truyện ngắn)
Hai lần bác sĩ (truyện ngắn)
Báo hiếu (truyện ngắn)
Nhà tiên tri (truyện ngắn)
Bạn học lớp hai (truyện ngắn)
Tương tác trên net (tiểu luận)
Bạn học lớp năm (truyện ngắn)
Bà Nội (truyện ngắn)
Cô giáo mầm non (truyện ngắn)
Ma lai (truyện ngắn)
Cánh đồng mùa đông (truyện ngắn)
Em ở Tây hồ (truyện ngắn)
Sự tích chim đa đa (truyện ngắn)
Kén vợ kén chồng (truyện ngắn)
Nghêu, Sò, Ốc, Hến (truyện ngắn)
Đấu trường 100 (truyện ngắn)
Làng nói trạng (truyện ngắn)
Lý Toét (truyện ngắn)
Đám Cưới Vàng (truyện ngắn)
Táo quân truyện (truyện ngắn)
Mùng ba tết thầy (truyện ngắn)
Chuyện ngày tết (truyện ngắn)
Y tá xã (truyện ngắn)
Băng nhân (truyện ngắn)
Ô Quan Chưởng (truyện ngắn)
Bạn học đại học (truyện ngắn)
Kiếm sống (truyện ngắn)
Ô Chợ Dừa (truyện ngắn)
Ký ức làm báo (truyện ngắn)
Trộm long tráo phụng (truyện ngắn)
Ba chìm bảy nổi (truyện ngắn)
Bác Sĩ Thú Y (truyện ngắn)
Lệnh Phải Thi Đỗ (truyện ngắn)
Giai Điệu Mùa Hè (truyện ngắn)
Lấy Vợ Xấu (truyện ngắn)
Địa sứ (truyện ngắn)
Cô Dâu Gặp Nạn (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
Ô Đống Mác (truyện ngắn)
Quận He (truyện ngắn)
Tam Thập Lục Kế (truyện ngắn)
Cắm sừng (truyện ngắn)
Nguyễn Vỹ (chân dung)
Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)
Dòng Sông Ám Ảnh (truyện ngắn)
Ba Lần Thoát Hiểm (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 2 (truyện ngắn)
Kiếm Sống 2 (truyện ngắn)
Ký Ức Làm Báo - 3 (truyện ngắn)