Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.183
123.218.197
 
Thơ ý niệm - con đường tiệm cận thực tại vô thể
Miên Di

Xin được bắt đầu bài viết nhỏ này, bằng một câu chuyện ngô nghê:

 

Một hôm, các nhà phê bình văn học rủ nhau mượn cỗ máy thời gian của chú mèo máy Đô - rê -  mon để đi về quá khứ. Họ bàn bạc rồi  quyết định mang theo những bài thơ đã trở thành kinh điển của lịch sử văn học thế giới. Trong đó, rất nhiều tác phẩm của những tác giả đình đám của Việt Nam ta cũng được lựa chọn.

Điểm mốc thời gian để đến là thời nguyên thủy của loài người. Sau khi đến nơi, tổ tông của chúng ta được trân trọng mời thưởng thức những bài thơ kinh điển đó. Các nhà phê bình hồi hộp chờ đợi nhận xét của các bậc thủy tổ. Và câu trả lời nhận được là: “Tất cả chỉ là những loại thơ… tắc tị”.

 

Câu chuyện trên chỉ đọc cho vui, để tìm chút cảm thông cho những sáng tạo đang đi trước quán tính cảm thụ của cộng đồng. Vẫn biết, mọi “khẩu vị” cảm thụ cần được tôn trọng. Nhưng, nhất thiết thơ không thể từ bỏ sự sáng tạo để “nuông chiều” những lối mòn thủ cựu. Tiềm cảm của từng người, từng thế hệ, đều có quy định cảm thụ riêng, nó hình thành như một thói quen. Nhưng thói quen của một thế hệ không có nghĩa là vĩnh cửu. Chỉ ở thủa con người còn bị chôn chân trên mặt đất, mới cho rằng có nóc trời. Chúng ta có mặt đất truyền thống để kê cao, và còn có cao xanh bất tận để mà hoài bão.

 

Bài viết nhỏ này mong muốn giãi bày hơn là tranh luận. Học giả Nguyễn Duy Cần từng nói: “không có chân lý nào là chân lý tuyệt đối - không có sai lầm nào là sai lầm tuyệt đối”. Mỗi sự thật là một phiến diện của cuộc sống vốn đa giác này. Biên niên sử sẽ còn mãi tôn vinh Nguyễn Bính của quê mùa đồng áng, Nguyễn Duy với nỗi buồn thảo dân, và một trong những công lao của cụ Bùi Giáng không thể không tôn vinh, là đã “lượm” ra những tinh hoa trong cõi Phật học đem bỏ vào thơ, tạo nên một giọng thơ Hoa nghiêm, hướng người đọc thơ vô tình trở thành người học Phật.

 

Nhưng, cùng lúc cần công tâm ghi nhận một số sáng tác mới đang bị hàm oan - khi những sáng tạo đó có chủ trương lặn tìm vào phần sâu thẳm của ý thức; “cả gan” dám dùng ngôn ngữ với những hiệu ứng vô cùng của nó như “con đò qua sông” để đạt đến bến bờ vô thể. Trong bài viết nhỏ này xin được tạm gọi là Thơ ý niệm, mà đôi khi giá trị của nó đang bị cào bằng với bản án “tắc tị - hũ nút”, nếu nhìn nhận theo thói quen cảm thụ đã trở thành lề thói. Cuộc sống như một viên kim cương đa giác giá trị - không phiến diện bao giờ.

 

Tất nhiên, vẫn có những bài thơ “tắc tị” thật sự, khi người viết cẩu thả với chính mình và thiếu tôn trọng người đọc. Nhưng nếu cẩn thận, thì chắc chắn sẽ thuyết phục được những độc giả khó tính nhất ở một ngày không xa. Vì suy cho cùng, một tiếng thở dài cũng ắp đầy ngữ nghĩa, một “lời nói nhảm” cũng ẩn chứa trong nó trùng điệp những cảm xúc nội hàm.

 

Thơ ý niệm không phải là một hình thức tuyệt đối mới, bởi “ý niệm” là cái đã có từ ngàn xưa, nó ngay lập tức được sinh ra sau ông anh cả Ý thức. Tiền nhân đã từng nói đến nó nơi “bóng trăng đáy nước”. Chỉ muốn bàn đến cái “cách khác” trong sáng tác, cảm thụ, và tiếp cận vấn đề… đã khơi mở được những mạch ngầm ý niệm:

“Thuyền cũ, máy cũ

Chỉ đại dương luôn luôn mới

Tôi không đi hết một chân trời nổi sóng” (1)

 

Khác với cách tiếp cận kiểu như Đỗ Trung Quân:“Quê hương là chùm khế ngọt”, khởi trình từ khái niệm trừu tượng “quê hương” đến cái cụ thể “chùm khế”. Tiên đề trừu tượng “quê hương” được xác định ngay từ đầu và được phát triển tiếp bằng cách hình tượng hóa, thông qua những hình ảnh cụ thể, trực quan - rất hay! Nhưng, đó không là phương cách duy nhất có thể mô tả và tiếp cận toàn cảnh đời sống - vẫn có những cách ngược lại: từ cái cụ thể đi tìm những cái chưa khái niệm được, như Nguyễn Hữu Hồng Minh truy đuổi “hoang từ”: “chủ trương nghệ thuật tìm kiếm nội thể, thế giới phản chiếu bên trong ”.

 

Vậy, Thơ ý niệm là bất cứ những bài thơ nào mà chủ thể của nó là cái-hướng-đến trong ý niệm, mọi yếu tố khác như sự biểu cảm của hình thức con chữ, ngôn ngữ, hình tượng, cách sử dụng ngôn ngữ, nội dung của từng câu v.v… đều chỉ là phó thể - như một “chìa khóa” để khơi thông nguồn mạch bị “mã hóa” trong cảm thức con người.

 

Thơ ý niệm không phải bị ràng buộc vào một trường phái thi pháp nào cả, nó sẵn sàng dung chứa rất nhiều cách thể hiện: có thể tả thực cặn kẽ hình tượng để mượn hình tượng đó dẫn đến chủ thể ý niệm; có thể “loang loáng” ấn tượng để chấp cánh suy niệm; có thể dùng ngôn ngữ biểu hiện nhằm nắm bắt cái-nhận-thức-được trước cái đang diễn ra; có thể dùng ngôn ngữ sắp đặt để kích hoạt sự liên tưởng trong mạch suy tư dẫn đến chủ thể ý niệm; và vẫn có thể bằng ngôn ngữ siêu thực để tiếp cận vấn đề v.v… Tóm lại, cái để nhận biết Thơ ý niệm là ở chỗ: cái cách nó tiếp cận vấn đề và chủ thể ý niệm mà nó hướng tới.

 

Yếu tính của Thơ ý niệm là sự thỏa thê bơi lội trong đại dương suy tưởng, nó vượt qua tư duy thường nghiệm và hướng đến kích hoạt phương tiện chứng ngộ siêu nghiệm - là con đường đi tìm những thực tại vô thể - vốn không thể khái niệm được bằng những cụm định nghĩa có sẵn.

 

Một cách không cố tình, Thơ ý niệm đã tồn tại trong lịch sử thơ ca từ lâu, và có khuynh hướng sẽ nở rộ trong thời kỳ mới - hiện kim, bởi yếu tính của nó phù hợp để mô tả cái gọi là Tâm tình đương đại - một dạng thức tinh thần có quan hệ biện chứng với thể xác đời sống. Từ ý nghĩa thiết thực đó, Thơ ý niệm cần thiết phải được khuyến khích phát triển, để thông qua nó, tỏ bày những diễn biến tâm lý đương đại đang hỗn mang, bỏng sốt, khắc khoải... hệ quả cuộc sống mới có tiết tấu nhanh. Dù rằng, do bản chất là luôn đi tìm cái vô thể nên không thể tránh khỏi việc phải mang cá tính khó hiểu. Nhưng thiết nghĩ, cần cảm thông và khích lệ cho những kẻ dám “giong buồm”:

“Vẫn có kẻ giong buồm

Ra khơi

Gió mênh mang xoáy chân trời

Thơ là gì? Thơ ơi? …” (2)

 

Cái vừa thăng hoa vừa nghiệt ngã của thơ là ở chỗ: bản chất của thơ không thể tách rời ngôn ngữ, mà cấu tạo ngôn ngữ vốn không thể mô tả đến tận cùng bản thể - đó là còn chưa nói đến cái rất trừu tượng là “linh hồn” của bản thể. Vì thế, nếu cứ chỉ dựa vào cái cái hay của của một phạm vi kinh điển cố cựu, cái đồng dạng nhất tề của công ước… Thì dĩ nhiên, không thể tỏ tường hết được những ngóc ngách riêng tư trong thế giới thi ca và nội cảm. Ngôn ngữ trong thơ chỉ như “bàn tay chỉ Trăng” của đức Phật - chúng sinh cần nương vào bàn tay ấy để biết hướng giác ngộ - nhưng bản thể không phải là… cái tay ấy, cho dù đó có là bàn tay của đức Phật đi chăng nữa! Chúng sinh cần đọc kinh Phật để giác ngộ, nhưng muốn giác ngộ, phải như lời Phật dạy: “không được chấp Kinh”. Phật không đọc chính tả cho con người viết kinh, thì ngược lại, trong hành trình quán niệm người học Phật không thể chấp ngữ mà đắc đạo. Thơ cũng thế: Thơ làm bằng ngôn ngữ, nhưng nhất thiết thơ là cái vượt qua ngôn ngữ.

 

Ngôn ngữ khởi sinh là những ký hiệu công ước nhằm trao đổi tư tưởng và gọi tên sự vật. Theo thói quen, ngôn ngữ thường được dùng triệt để ở phần “ngữ  nghĩa”. Nhưng thật ra, ngữ nghĩa chỉ là một phần của ngôn ngữ, nó thuộc về khả năng tư duy. Mà vạn vật - vạn sự trong vũ trụ này đâu  thể chứng nghiệm rốt ráo chỉ bằng duy lý - còn nhiều cách tiếp cận khác, “trực giác” chẳng hạn. Vì thế, ngôn ngữ ngoài “ngữ nghĩa” ra, còn có nhiều nét biểu cảm khác rất thú vị, một trong những nét biểu cảm ấy là hình dung từ, ở khía cạnh này ngôn ngữ kích hoạt cảm năng của người đọc - khơi gợi năng lực trực giác của ý thức.

 

Bản chất của “tư duy” vốn lấy ngôn ngữ làm công cụ; “tưởng tượng” được xây dựng bằng hình ảnh. Cùng lúc trong não trạng của con người có thể vừa “tư duy” vừa “tưởng tượng” về sự - vật. Chính sự biểu cảm của hình dung từ đã chấp cánh cho thơ. Bởi ngôn ngữ trong thơ không phải chịu trách nhiệm như một dạng văn bản pháp quy cần sự chặt chẽ về nội-dung-ngữ-nghĩa. Thơ có thể đọc để hiểu, nhưng cũng có thể đọc chỉ để “cảm thấy” một điều gì đó siêu nghiệm-siêu hình, chính cái “cảm thấy” đấy là cái đã giúp cho ý thức tiệm cận với cõi miền thực tại vô thể đang tồn tại rất mơ hồ trong đời sống con người.

 

Vậy, xuất hiện một câu hỏi “thực tại vô thể là… cái gì?”, thực tại ấy có tồn tại không, nó nằm ở đâu, và có cần thiết như thế nào cho đời sống? -Xin không hiểu thực tại vô thể là “hư vô”, hư vô là sự “trống rỗng tuyệt đối”. Nó thậm chí còn không có cả cái gọi là “không-thời-gian” để mà nương vào, thì lấy gì cho nhân sinh nhờ cậy. Và xin không hiểu cái gọi là “thực tại vô thể” như một ảo tưởng “đập gương tìm bóng”. Nó, đơn giản là cái gọi là phần “tinh thần” có quan hệ biện chứng với phần thể-xác-đời-sống. Là những gì đang hiện hữu trong tâm tình con người  - đang tương quan chặt chẽ với đời sống như một chiều kích, vừa như hệ lụy… Theo đó, mọi thủ pháp nghệ thuật trong thơ, gợi động được những thứ tưởng như “không tồn tại” nhưng thực chất là “ẩn ức tâm sinh lý” bị quên lãng trong phần tiềm thức và những cái siêu hình đang phát triển ngẫu sinh ngẫu biến, mà sự khái niệm của con người chưa kịp định nghĩa - tất cả đều có thể xếp chung vào dòng Thơ Ý Niệm. Vì thế, Thơ ý niệm cũng xứng đáng được tôn vinh như những gì mà dòng thơ “chủ nghĩa mủi lòng” đã làm được, với những hình tượng trực quan, những nhịp luận tuyến tính, đã dễ dàng được đón nhận.

 

Thơ vốn không chịu ràng buộc vào ngữ pháp công ước - ngữ pháp của thơ thuộc về ngữ vựng tiềm thức. Mà tiềm thức không hẳn bắt đầu từ tuổi thơ, nó có thể từ uyên nguyên xa xăm. Vì thế mà cảm thức của mọi người vẫn mơ hồ gặp nhau, bất chấp vùng miền địa lý hay nguồn gốc màu da: rằng khi tuyệt vọng người ta hay ngước mắt nhìn trời để sắc xanh hy vọng in vào đáy mắt. Cũng từ ngữ vựng tiềm thức ấy mà trong hội họa, ngôn ngữ đường nét mới là thứ ngôn ngữ phổ quát không cần phiên dịch: con người ám ảnh những đường cong về những mĩ miều đẫm đề nhục cảm; rằng góc nhọn gợi hình dung đến sự hiểm ác, từ đó cổ tích mới xây dựng hình tượng phù thủy độc ác với cái cằm và mũi nhọn hoắt.v.v…

 

Từ những di tích uyên nguyên ấy mà Thơ Ý Niệm thường có khuynh hướng thoát ra khỏi những qui định công ước ngôn ngữ vốn không thể phổ quát. Nó đi qua những dang dở bởi sự chật hẹp của những định nghĩa và khái niệm để chạm vào được sự hoàn tác của tự nhiên. Cũng như con người trong đời sống hằng nhật, vốn không thể có được sự hoàn hảo trong đời thật nên mới cần khát vọng - ngôn ngữ sẽ phải mang trong nó sự bất lực của con người trong hành trình mạc khải thế giới nếu không được khởi động như một chiều kích, dẫn đến ý niệm - gợi suy đến tạo vật hoàn hảo trong tưởng tượng. Rồi từ đó, những “ý niệm hoàn hảo” đó lại quay lại để hoàn thiện đời sống.

 

Thơ – từ cổ đến kim không bao giờ chủ trương dùng… “công cụ biện chứng” để diễn đạt nội hàm. Tính cụ thể của công cụ ấy chỉ phát huy, chỉ cần thiết trong phạm trù hữu thể - trong những thực tại hiện hữu có thể sờ nắn định lượng được. Nhưng với những gì vô thể, khơi khơi như trời mây khói tỏa, những nỗi đau “không tìm thấy vết thương”, những nỗi buồn “không biết vì sao buồn”, hoặc một ví dụ dễ hình dung nhất là cơn đau đẻ của bà mẹ khi lâm bồn - đó là một giá trị vô thể hẳn hòi đấy! Ý nghĩa của nó ra sao thì mọi người đã biết, nhưng làm sao đưa "cơn đau đẻ" ấy vào một hệ giá trị được xây bằng ý chí chủ quan của một phương pháp tiếp cận sự vật có yếu tính cụ thể? Lúc này công cụ biện chứng... bất lực. Vì thế, nếu cảm thụ thơ mà với yêu cầu phải “biện chứng” bằng đơn vị ngữ nghĩa thì “tắc tị” là điều không quá khó hiểu!

Chúng ta thường có thói quen nhận thức phổ thông về sự vật hay xã hội ở phần hữu thể, mà đôi khi “quên” giá trị vô cùng của vô thể: “điều đáng kể nhất trong một chiếc bình, chính là cái trống rỗng của nó'' (3), Vô Thể chính là ''phần trống rỗng'' đó, nó là một giá trị cần được truy nhận. Trong thế giới rộng lớn của thơ - Thơ ý niệm là một công cụ hữu hiệu để tiếp cận với cái “phần trống rỗng” rất đáng quí của cái “bình cuộc sống”. Khía cạnh này có thể chứng minh giá trị rất căn bản của Thơ ý niệm đối với cuộc sống thực tế của xã hội và từng con người.

 

Trên dòng sống, thơ có cùng bản chất vận động với vạn sự vật - nó là một dự thể hiện sinh. Jean-Paul Sartre từng phủ nhận “nhân chất có sẵn”(4), trước khi có sự hiện sinh của con người, sản phẩm của tạo hóa dừng lại ở hữu thể tạm sẵn và chính ta sáng tạo ra chính mình trọn vẹn trong ngẫu sinh. Thượng đế đã làm xong công việc của Ngài - đây là thời khắc Thượng đế lâm chung. Và là lúc con người với dự phóng của mình đã ngự vào ngai vàng Thượng đế. Chính mình hoàn tác nên chính mình thông qua hành động sáng tạo - mạc khải hữu thể có sẵn mà tạo hóa đã ban cho. Những sáng tạo trong cách tiếp cận thế giới mới, có thể không được dễ dàng chấp nhận bởi một thói quen nhận thức của hệ giá trị cũ. Vì thế, cần thiết phải trao cho Khoa học phê bình một nhiệm vụ phải dám mạnh dạn “đập phá” đi những lề thói thủ cựu trong thói quen nhận thức cũ, làm sao kéo đại chúng độc giả và phương pháp sáng tạo mới lại gần nhau, nâng cao mặt bằng cảm thụ của cộng đồng theo kịp với những biểu hiện mới của cuộc sống, mà Thơ ý niệm đã có công phản ảnh.


Trong hành trình phát triển, tất cả các thành tựu, kể cả khoa học lẫn nghệ thuật, qua mỗi thế hệ là một lần sinh ra, một lần mở rộng thế giới. Mỗi một dòng thơ đều có công mô tả một bề mặt của cuộc sống vốn đa giác, sinh động. Phê bình thơ, dĩ nhiên cần kiến văn của người viết sử, nhưng cái thơ cần ở Khoa học phê bình không phải là những số liệu lịch sử khô khan, mà là sự hàm chứa cả quá khứ, hiện tại và vị lai. Sau khi đã “ôn cố”, cần thiết phải mang tâm thế “cách cựu”, đối diện nàng thơ như đối diện tương lai đang hình thành hiện tại. Chẳng lẽ, cứ thấy một “loài thơ” khác mình là phải tuyệt diệt? Thế thì có khác gì… Hít-le văn học. Nếu ta chê bai những gì đáng lớn lên, đang sắp sinh ra. Thì cũng giống như tổ tông chúng ta lắc đầu chê thơ mà chúng ta đã cho là… kinh điển.

 

Chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những băn khoăn, thậm chí cãi vã về một nội dung nôm na là: Có cần thiết không khi cứ lợp ngói nhà mình bằng tôn thừa nhà người khác? Những mái tôn “hậu hiện đại, tân hình thức” lượm về từ những môi trường văn hóa khác ấy, liệu có vừa với kết cấu rui mè của tâm hồn người Việt, vốn đã quen nếp rạ mái tranh? Cá nhân người viết vốn không cổ súy việc “tận dụng” phương pháp sáng tạo nhà người để “gò ra” những cái khuôn tuyên ngôn thơ này, trường phái thơ nọ để nhốt chính mình, cái cần thiết là ở sự giao thoa. Bằng phong trào Thơ mới - nàng thơ vừa kịp thoát ra khỏi Đường miếu, vừa mới lẻn được ra khỏi những lời giáo huấn bằng trắc của các “cụ  niêm luật” khó tính đăm đăm. Chưa kịp tung tẩy gì được nhiều, chẳng cớ gì lại vội vàng nhốt “nàng” vào những định chế tuyên ngôn, chập trùng khái niệm để làm gì. Khái niệm dù gì cũng chỉ mãi là khái niệm, là cái tên người ta đặt ra để gọi một cái gì đấy. Tất nhiên, một cái tên thì chẳng bao giờ về đến tận cùng bản chất sự - vật. Sự “tận cùng” thuộc về tự nhiên, của vũ trụ, của cuộc sống… Nó đang hồn nhiên đợi chúng ta tìm thấy - tự nhiên như cuộc đời ngẫu biến ngoài kia.

 

Không chỉ riêng trong thế giới thơ vốn giàu ước lệ, mà ngay cả trong những ngành khoa học khô khan: Vật lý lượng tử, dù đã khẳng định được “nhiệt độ âm tuyệt đối”; dù đã biết tường tận đến “hạt cơ bản”. Nhưng, những nhà khoa học đích thực vẫn luôn có thái độ cẩn trọng và nghiêm túc trước sự vô tận của thiên nhiên, câu chuyện dưới đây thay một ví dụ để nói lên rằng cái biết của con người luôn là một khả hữu bé nhỏ trước vũ trụ: “Có nhà vật lý lượng tử hàng đầu cùng với học trò của mình trông thấy một cụ già đang vái lạy một… cục đá. Các học trò hỏi thầy: - Thưa thầy, hành vi đó có tác dụng gì không? Nhà vật lý đáp: - Câu trả lời khoa học nhất cho câu hỏi này là… tôi không biết!” (5). Quay lại khoa học phê bình hiện nay: Đôi khi chúng ta vẫn thấy những sự phán xét rất… không khoa học, khi luôn lấy cái có sẵn trong cái hữu hạn đã biết mà đem ra phán xét, định hướng, khuôn khổ những gì chưa biết! Sự khác biệt sinh ra không phải để… cãi nhau với những lề thói cũ. Mà để hòa quyện cùng nhau - cùng góp thân với nhau để mô tả thế giới tường tận hơn. Mong rằng, những nhà thơ đương đại của chúng ta, trong hành trình sáng tạo sẽ không phải mang nỗi buồn Freud, phải… bịt mặt khi đi mua bánh mì (6)

 

Bài dự kiến tiếp theo: Phân tích các thủ pháp trong dòng Thơ ý niệm.

 

Chú thích:

 

1-2: Trích trong bài “CHUYỆN CỔ TÍCH ÔNG LÃO ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ VÀNG HIỆN ĐẠI - THƠ NGUYỄN HỮU HỒNG MINH”.

3-4: Tài liệu tham khảo: Từ chủ nghĩa Hiện sinh đến thuyết Cấu trúc - Trần Thiện Đạo - Nhà Xuất bản Tri thức.

5: Chữ của Phạm An Hòa.

6: Lúc thuyết Phân Tâm Học mới ra đời, thì cả nó lẫn tác giả của nó đều không được ủng hộ. Người ta không bán bánh mì cho Sigmund Freud nên ông phải che mặt nếu muốn mua được bánh mì - theo Bách khoa toàn thư mở.

Miên Di
Số lần đọc: 2168
Ngày đăng: 16.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi Buồn Cuộc Chiến, Dấn Thân, Và Cảm Thức Hư Không Của Thảo Trường - Trần Văn Nam
Về Những Ca Khúc Phản Chiến Của TCS - Bửu Chỉ
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng - Trinh Công Sơn
Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề - Đặng Tiến
Ngự Sử Văn Đàn Phan Khôi - Đỗ Ngọc Thạch
Tinh thần thơ hiện đại - Khổng Ðức
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 1 - Thụy Khuê
Giáo Dục Việt Nam: Những Vấn Đề Căn Bản - Trương Vũ
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 2 - Thụy Khuê