Chừng hai tuần sau khi gia đình chúng tôi đến Hoa Kỳ và nhập cư ở thành phố này, Chung đến thăm. Trước anh một tuần thì có ông mục sư Tuế. Ông này mang cho một số thịt đông lạnh gói trong lớp giấy bọc màu vàng xỉn. Mẹ tôi đem bỏ hết vào tủ lạnh, và phải đến hơn một tuần sau chúng tôi mới khám phá ra mớ thực phẩm cao cấp này đã hết hạn cả năm về trước. Mẹ tôi mang vất thùng rác một cách tiếc nuối, nhất định bà còn chưa quên những rổ cá ươn thối cả khu phố giành giật nhau ở cửa hàng mậu dịch quốc doanh đầu con hẽm nhà chúng tôi ở Sài Gòn. “Mô Phật, đừng có nói hành người ta tội nghiệp. Người ta có lòng đem cho mình mà các con.” Tất nhiên là tôi không nói gì. Mấy chuyện đó đã có vợ tôi và mấy cô em gái lo liệu.
Chung đến không mang theo gói thịt cá đông lạnh nào hết. Nhưng anh có một thùng đồ nghề để trong chiếc pickup1 màu xám của mình. Chung đi một vòng căn apartment hai phòng đầy nghẹt người và trống hoang tất cả những thứ khác, săm soi từng lỗ cắm điện, mấy vòi nước trong nhà tắm, cái bếp ga, và cái tủ lạnh mới toanh cô em gái sang Mỹ đã lâu mua cho gia đình. Cả nhà xúm lại quan sát từng cử chỉ của Chung và luôn luôn có một ai đó sẵn sàng trả lời một cách mau mắn những câu hỏi của anh. Lần viếng thăm đầu tiên của Chung đủ làm cho mẹ tôi mê anh tít thò lò. “Ôi cái thằng sao mà tử tế!” Vợ tôi nhìn cô em chồng độc thân cười cười, “Người ta có vợ hai con rồi đó mẹ à.” Cô em phát cáu, “Cái đồ thằng cha đen thui đen thủi ai mà thèm!” Mẹ tôi chấm dứt cuộc thảo luận bằng một câu tục ngữ rất chi là bóng bẫy, “Đúng là bồ hóng chê lọ nghẹ!”
Chung và tôi làm thân với nhau rất nhanh. Ở tuần thứ ba của quãng đời tị nạn, tôi tìm được một việc làm khiêm tốn ở một tiệm ăn do người bản xứ làm chủ. Tôi sẽ tiếp tục có những công việc khiêm tốn như thế trong những năm về sau. Vào những ngày nghỉ, Chung gọi điện thoại mời tôi đến chơi, thường là vào buổi tối. Ở đó chúng tôi ngồi ở chiếc bàn ăn trong căn bếp uống bia và nói chuyện người chuyện mình. Vợ anh chẳng khi nào tham dự vào những buổi nói chuyện như vậy. Chị không biết tiếng Việt. Chị trả lời chồng với cái giọng mềm và hơi kéo dài của người miền Nam Hoa Kỳ. Đó là một người đàn bà Mỹ tầm thước, chị cao hơn Chung nửa cái đầu, và ít lời. Khuôn mặt tròn lốm đốm tàn nhang mang vẻ bình yên một cách buồn bã, hoặc buồn bã một cách bình yên, như thể hai điều này cần thiết phải đi chung với nhau. Về sau tôi biết được rằng Chung đã làm việc cực nhọc mấy năm ròng để chị có cơ hội hoàn tất chươngtrình y tá ở ngôi trường Đại Học nằm ở phía Tây của thành phố chúng tôi đang cư ngụ. Chung tiếp tục làm việc cực nhọc như thế sau khi người vợ Mỹ ra trường và tìm được việc làm. Chung làm thợ tiện, và xem ra anh hài lòng với công việc của mình. Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hề biết gì về đoạn mở đầu của cuộc hôn nhân giữa cô gái người Mỹ và anh cựu binh thiết giáp Việt Nam. Chung chưa bao giờ kể và tôi chưa bao giờ hỏi.
Thành phố tôi ở nằm lọt thỏm trong một thung lũng bằng phẳng kéo dài hàng trăm dặm. Từ thành phố, đi về hướng nào cũng gặp phải những cánh đồng ngút mắt, và xa hơn nữa là trùng trùng lớp lớp những núi và núi. Thỉnh thoảng Chung đưa tôi đến những cánh đồng vừa mới thu hoạch xong. Ở đó chúng tôi đi lom khom dọc những luống đất thẳng băng tìm mót tỏi, hoặc hành củ, hoặc khoai tây còn sót lại. Những chiếc bao nhựa lấy từ siêu thị Safeway hay Von’s sẽ nhanh chóng đầy lên với mớ nông phẩm và được buộc lại kỹ càng trước khi vất vào thùng chiếc pickup màu xám. Chúng tôi cười nói vui vẻ trên đường về, mặc kệ tay chân mặt mũi lấm lem bụi đất. Vào những dịp này, Chung thường nhắc lại những lần đi mót khoai mót đậu ngày còn nhỏ. Những mầm khoai lang màu đỏ tím không lớn hơn ngón tay út được phủi sơ đất cát và bỏ vào miệng nhai rau ráu. “Ngọt lịm, ông ơi!” Trong một số năm tháng sau đó, chúng tôi vẫn thường đi chung với nhau trong những chuyến “gặt hái” như vậy, có khi chỉ có hai người, có khi với một số bạn bè người Việt trong cùng thành phố. Vợ con của Chung không bao giờ hiện diện trong những chuyến đi như vậy. “Chúng nó bảo sao không ra siêu thị mua, vừa rẻ, vừa đỡ mất thì giờ.” Chung thường bảo vậy mỗi khi có ai đề cập đến việc này.
Một hôm Chung gọi điện thoại, giọng hào hứng. “Ông qua đây, tôi có cái này hay lắm.” Khi tôi đến nơi, chỉ có mỗi một mình Chung đang loay hoay ở nhà bếp. Chắc là vợ con anh đã đi chơi hay mua sắm gì đó rồi. Chung đang nướng mấy cái bánh tráng trên bếp điện. “Cái hay lắm” thơm nức mùi hành mùi sả đang bốc hơi nghi ngút trong chiếc đĩa sứ lớn đặt trên bàn ăn. Thì ra là nghêu xào. “Nghêu ở đâu mà nhỏ xíu vậy?” Tôi hỏi. “Không phải nghêu, hến đó.” Chung trả lời, giọng chắc nịch. Tôi không biết là quanh đây có hến. Những con hến nhỏ bằng móng tay cái, vỏ màu xanh rêu mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn mua về nấu canh mồng tơi. Đã lâu lắm rồi tôi không còn được ăn canh hến nấu với mồng tơi. Không có mồng tơi, và nhất là không có hến ở quanh đây. Tôi cúi nhìn mấy cái vỏ hến đen xỉn cỡ ngón tay cái của mình và đâm ra nghi ngờ. Đây là những con baby clam!2 “Anh tìm chúng ở đâu vậy?” “Ở một cái hồ trên núi. Hôm nào mình đi nhé.” Chung trả lời, vẫn với cái giọng chắc nịch.
Bỏ lại phía sau lưng những cánh đồng trồng cây ăn trái, xa lộ 178 sẽ ôm sát thượng nguồn sông Kern, the killer river,3 như người bản xứ vẫn gọi. Bắt đầu từ nơi đây, xa lộ 178 biến thành một đường đèo hiểm trở. Con đường hẹp lại, hai lối đi ngược chiều nhau chạy vòng vèo giữa một bên là vách núi dựng đứng và phía bên kia là bờ vực chênh vênh nhìn xuống giòng nước sôi sục của sông Kern ba trăm bộ phía dưới. Dọc hai bên đường, chừng vài dặm lại có một khoảng trống nhỏ đục sâu vào vách núi hoặc nằm chơi vơi bên gành đá để xe hỏng máy hoặc chạy chậm ghé vào nhường chỗ cho những xe phía sau. Những nơi này được gọi là turnout. Ở mãi trên đỉnh đèo, nơi con đường chấm dứt, là một chiếc hồ thực lớn. Hồ Isabella nguyên là một cái lũng thiên nhiên nằm giữa những hòn núi cao, nước từ những cơn mưa và từ những khối tuyết tan vào mùa Xuân đổ xuống đây trước khi hòa nhập vào thượng nguồn sông Kern và biến nó thành một giòng thác khổng lồ. Mặt phía Nam được chặn lại bởi một con đê bằng bê tông cốt sắt cao sừng sững như một dãy đồi bị phạt ngang. Ngoại trừ cửa đập, hai bên bờ dốc thoai thoải của con đê được phủ đầy bởi những tảng đá lớn từ đó mọc lên những bụi cây nhỏ cằn cỗi. Hồ rộng mênh mông, một con đường trải đá chạy vòng vèo ôm lấy bờ hồ. Vào cuối tuần, thiên hạ từ những thành phố xa gần kéo đến cắm trại, câu cá, trượt nước làm khu hồ náo nhiệt hẳn lên. Chính là ở hồ Isabella này Chung và tôi đã đến nhiều lần để bắt hến.
Nơi chúng tôi dừng lại khá vắng vẻ. Mang theo một chiếc cào sắt nhỏ và một bao cát, chúng tôi lội ra chỗ nước ngang thắt lưng, cào xới sục sạo dưới lớp bùn đen lẫn cát của đáy hồ tìm bắt những con nghêu nhỏ. Lũ nghêu sinh sôi nẩy nở khá nhiều nên công việc không mấy khó khăn. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, bốn bao cát mang theo đã đầy cứng những con nghêu nhỏ đen thui thủi. Chung vất chúng vào thùng xe, và chúng tôi ra về hân hoan. Xe xuống đèo, bờ vực phía tôi ngồi thỉnh thoảng biến mất trong tầm mắt ở những khúc quanh hiểm nghèo làm tôi thót ruột. Thực sâu phía dưới, dòng sông Kern quằn quại gào thét giữa hai bờ vực dốc đứng. Chung hoàn toàn không để ý đến vẻ bứt rứt của tôi. Thỉnh thoảng anh rời mắt khỏi con đường vòng vèo trước mặt, nhìn vào kính chiếu hậu. Tôi đoán Chung đang bận tâm đến những con baby clam mà anh nhất định gọi là “hến” trong những cái bao cát trong thùng chiếc pickup.
Chung thường kể đi kể lại không mệt mỏi những lần đi bắt hến ở sông Cái. Con sông đào bên tả ngạn cướp đi dòng thủy lưu, sông Cái ngày mỗi cạn dần, có nơi lòng sông trơ ra toàn cát. Những con hến nhỏ bằng móng tay có lớp vỏ màu xanh rêu sống ở những quãng vắng, nơi nước chỉ đến thắt lưng. Chung sinh ra ở miền Trung. Con nhà nghèo. Cha mất sớm, mẹ vất vả một đời. Những mầm rễ khoai lang màu đỏ tím bám đầy đất cát, những gié lúa hiếm hoi rơi rớt trên cánh đồng mới gặt, những con hến nhỏ màu xanh rêu ở quãng sông cạn theo đuổi Chung suốt những tháng năm tuổi nhỏ. “Có khi bắt được cả chem chép. Tôi luôn luôn cạy vỏ chúng ra để tìm ngọc trai!” Tôi phá lên cười, làm gì có ngọc trai trong chem chép, hoặc ngay cả trong những con sò huyết đắt tiền. “Hồi đó mình còn nhỏ, ngu lắm. Cứ nghĩ đến truyện Trọng Thủy Mỵ Châu.”
Cái đất nước nghèo xác của chúng tôi có nhiều huyền thoại. Gần như ai cũng biết chuyện Trọng Thủy được cha, vua nước Triệu, gởi đến triều đình vua Thục để ăn cắp chiếc nỏ thần đã nhiều lần chặn đứng những đợt tấn công của ông ta trước đây. Ông hoàng Trọng Thủy thành hôn cùng công chúa Mỵ Châu và cả hai nhất định đã có hạnh phúc với nhau, ít nhất cho đến khi Trọng Thủy đánh tráo được chiếc nỏ thần và kiếm cớ về nước. “Nếu có chuyện gì xảy ra và em phải rời bỏ kinh thành, hãy để lại dấu tích cho anh tìm em.” Ôm chiếc gối nhồi lông chim vào lòng, Mỵ Châu trả lời, “Anh đi theo con đường lông ngỗng thì sẽ tìm thấy em.” Cuộc tấn công sau đó của quân nhà Triệu xảy đến bất ngờ như cơn lốc. Vứt chiếc nỏ vô dụng, vua Thục kéo con gái lên lưng ngựa phóng ra khỏi kinh thành Cổ Loa đang bốc cháy ngùn ngụt. Trong lúc hối hả, công chúa Mỵ Châu chỉ mang theo được có mỗi chiếc gối nhồi lông ngỗng trên đó mỗi đêm nàng vẫn tựa đầu và nghĩ về những ngày tháng hạnh phúc với chồng. Những chiếc lông ngỗng trắng mềm mại từ chiếc gối được tung ra dọc con đường đào vong. Vua Thục dừng ngựa ở chiếc hồ đổ vào biển. Hồ lớn quá, không thể vượt qua, và tiếng vó ngựa của lính nhà Triệu vọng đến từ phía sau. Nhà vua quay đầu lại chính vào lúc chiếc lông chim cuối cùng từ tay công chúa Mỵ Châu rơi xuống đất. Con đường lông ngỗng đã hoàn tất nhiệm vụ đưa đường cho kẻ thù tìm đến. Vua Thục tuốt gươm ra. Mỵ Châu ngã xuống cạnh bờ nước, máu từ cơ thể nàng chảy vào chiếc hồ lớn. Những con trai trong hồ sẽ ấp ủ những giọt máu của Mỵ Châu trong lớp ngọc trắng óng ánh tiết ra từ cơ thể của chúng. Đó là chuyện về sau, rất lâu sau khi Trọng Thủy tìm đến nơi. Mọi sự đã quá trễ. Người ta nói rằng ngọc trai ở chiếc hồ lớn sẽ lóng lánh hơn, đẹp đẽ hơn nếu được chùi rửa bởi nước lấy từ cái giếng ở thành Cổ Loa nơi Trọng Thủy đã nhảy xuống trầm mình. Có khi quyết định của ông hoàng-điệp-viên đến từ niềm ân hận không thể chịu đựng nổi hoặc từ nỗi nhớ thương người vợ quá cố hoặc từ cả hai. Những viên ngọc trai được mang qua bên Tàu, ở đó những ông hoàng bà chúa sẽ gắn chúng lên bộ xiêm y lộng lẫy của mình trước khi đến tham dự buổi dạ tiệc của triều đình. Không có viên ngọc trai nào dành cho đứa bé bắt hến ở con sông chảy qua ngôi làng nhỏ thuộc miền Trung nước Việt.
Tôi tiếp tục đi bắt hến và lượm nông sản cùng với Chung một thời gian. Đến một lúc nào đó, đời sống bỗng trở nên bận rộn. Có nhiều điều bức thiết hơn những con baby clam ở chiếc hồ nhân tạo trên núi. Công ăn việc làm, những nhu cầu và những vấn đề mới trong đời sống hôn nhân đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức để giải quyết. Khi tôi từ chối lời rủ rê đi lượm tỏi của Chung, anh không giấu được vẻ thất vọng. “Không có ai khác đi cùng anh sao?” Tôi hỏi. “Mấy người đó bảo sao không ra siêu thị mua, vừa rẻ, vừa đỡ tốn thì giờ hơn.” Những lần đi cùng Chung bắt hến ở hồ Isabella ngày càng thưa ra, và sau đó tôi ngưng hẳn. Những bất đồng ý kiến giữa vợ chồng chúng tôi xem ra không còn có thể hóa giải được nữa. Chúng tôi sau cùng quyết định sẽ tự mình thử giải quyết vấn đề theo cách riêng của mỗi người. Và chúng tôi chia tay, mang theo với mình nguyên vẹn những nan đề chưa có lời giải cộng thêm nỗi phiền muộn đến từ sự thất bại của chính mình. Về sau Chung thỉnh thoảng ghé thăm căn apartment nhỏ xíu của tôi, mang theo những nhánh tỏi còn bám đầy đất cát hoặc những con hến có lớp vỏ đen xỉn mà anh tìm bắt được trong những chuyến đi lẻ loi. Có vẻ như vợ con anh và những người bạn Việt Nam trong vùng chỉ thích dùng tỏi mua ở siêu thị. Ngay cả đĩa hến xào hành sả thơm phức và những cái bánh tráng dòn rụm sẽ trở nên nhạt nhẽo khi phải ngồi ăn một mình.
Chính là nhờ vào bản tin buổi tối phát vào lúc mười một giờ đêm của một đài truyền hình địa phương mà tôi biết được cái tai nạn trên đèo 178. Chiếc pickup màu xám rơi xuống bờ vực lởm chởm đá và chìm nghỉm trong giòng nước xoáy của sông Kern, mang theo những bao cát chứa đầy những con nghêu nhỏ màu xám đen. “Mọi sự đã quá trễ khi người tài xế của chiếc xe tải hạng nặng nhìn thấy người đàn ông đang lúi húi phía sau chiếc xe của mình. Nạn nhân và chiếc pickup màu xám được gởi qua bờ vực, rơi xuống dòng sông Kern ba trăm bộ phía dưới, và tức khắc bị dòng nước hung hãn cuốn đi hàng dặm về phía hạ lưu. Tất cả những gì còn lại là một vệt dài những con nghêu nhỏ vỡ nát nhầy nhụa dưới bánh xe của chiếc xe tải hạng nặng.” Ống kính máy thu hình bây giờ chuyển xuống mặt đường nhựa, và tôi có thể thấy chiếc vỏ nát nhừ của những con nghêu nhỏ. Không có một lời nào về những chiếc bao cát đã rơi xuống lòng sông cùng lúc với chiếc pickup màu xám và người đàn ông xấu số. “Người ta sẽ không bao giờ biết được điều gì đã khiến người đàn ông dừng xe một cách bất cẩn ở đàng sau khúc quanh nguy hiểm bên cạnh bờ vực cheo leo ở thượng nguồn con sông Kern hung hãn.” Người phóng viên của đài truyền hình đã chấm dứt buổi tường thuật như vậy. Tôi có chỗ không đồng ý với nhận định này của ông ta. Tôi cho rằng mình có thể hiểu được phần nào những gì đã xảy ra. Tấm chắn phía sau chiếc pickup màu xám đã bung ra vì một lý do nào đó và những con nghêu nhỏ từ một trong những chiếc bao cát đã tuôn xuống dọc con đèo 178 quanh co lồi lõm. Tôi có thể hình dung ngay tức khắc Chung đang hấp tấp dừng xe bên cạnh bờ vực dốc đứng và lui cui đóng lại tấm chắn. Có khi anh còn mò mẫm trong cái chập choạng của hoàng hôn để thu lượm những con nghêu nhỏ rơi vãi trong lòng xe và có lẽ ngay cả trên mặt đường. Người phóng viên bản xứ sẽ không bao giờ hiểu được vì sao người ta có thể trở nên bất cẩn cùng cực chỉ vì những con nghêu nhỏ vô giá trị như thế. Dù sao thì ông ta cũng đã nhắc đến “con đường xác hến,” a trail of smashed baby clams.
Quê hương tôi không có huyền thoại nào về hến. Những viên ngọc trai màu trắng bóng ngời đến từ những hạt máu của nàng Mỵ Châu vẫn được các ông hoàng bà chúa mang lên người trong những dạ tiệc sang trọng không có chút liên quan nào đến loài hến hèn mọn, ở quê hương tôi hay trên đất Mỹ. Những con hến đen đủi trong mấy chiếc bao cát hoặc sẽ va vào vách đá lởm chởm của sông Kern và vỡ nát hoặc sẽ rơi tỏm vào giòng nước hung hãn và nhanh chóng bị cuốn về mạn dưới. Một hành trình gian khổ cho những con hến tội nghiệp. Một số sẽ kẹt lại dưới lớp đá ngầm, một số khác sẽ bị bắn tung khỏi mặt nước, nằm phơi mình trên đá sỏi làm mồi cho lũ chim và những con rái cá háu ăn. Những con nghêu nhỏ may mắn còn lại sẽ trôi mãi về miệt hạ lưu, ở đó dòng nước chậm lại và đổ vào một chiếc hồ khác ở vùng ngoại vi của thành phố.
Chung quanh hồ là những cây thông, cây bồ đề, cây khuynh diệp tỏa bóng mát lên dãy bàn ghế bằng hợp kim nhôm sơn màu xám nhạt. Vào những ngày cuối tuần, người ta kéo đến và bày thức ăn lên những chiếc bàn dài, tụm lại ăn uống nói cười vui vẻ, mắt thỉnh thoảng nhìn xuống hồ trông chừng đám trẻ nhỏ đang bơi lội, đùa giỡn ở thềm nước cạn. Tôi cũng sẽ đến đó, ngồi một mình ở chiếc ghế đá cạnh bờ hồ, nhấm nháp miếng khoai tây chiên mỏng dính, mắt không rời những đứa con gái nhỏ xinh đẹp trong bộ đồ tắm sặc sỡ đang rượt đuổi những con ngỗng ngờ nghệch trên bờ cát. Rượt đuổi chán, chúng sẽ chạy ùa xuống hồ, đắm mình trong làn nước mát. Thỉnh thoảng chúng chúi xuống sâu trong nước, mò mẫm tìm kiếm. Có khi là một viên sỏi chẳng ra hình dạng gì hết, có khi chỉ là một cọng rong xanh thẩm. Cuối cùng rồi chúng cũng tìm được vật tôi muốn chúng tìm thấy. Cả bọn sẽ chạy ùa lên bao vây lấy tôi, miệng liến thoắng giành nhau nói. “Ba có biết tụi con đã tìm thấy cái gì không?” Tất nhiên là tôi biết chứ, daddy knows best!4 “Một con cá vàng,” tôi trả lời. Cả bọn phá ra cười, “Không có cá vàng trong hồ này, cá vàng chỉ ở trong những cái chậu bằng kiếng ở nhà hàng Tàu mà thôi, ba không biết hay sao?” Một đứa trong bọn sẽ nhắc nhở tôi như vậy. Và đứa kia sẽ xòe bàn tay nhỏ xíu của nó ra một cách thận trọng. “A baby clam!” Chúng đồng loạt hét lên. Tôi sẽ cầm lấy con nghêu nhỏ trong tay ngắm nghía một lúc rồi cải chính. “Không phải, đây là con hến.” Những cặp môi nhỏ hồng hào sẽ mở ra, cong lên, uốn éo, và từ đó phát ra những tiếng “hến” tròn trịa, trong vắt như tiếng sáo. Rồi chúng lại phá lên cười.
Kéo chúng vào lòng, tôi sẽ xoay mình về hướng Đông Nam, nơi có rặng núi cao màu xanh nằm phơi mình dưới nắng chiều. Và xuống giọng thật thấp như thể đang nói về một điều gì vô cùng bí mật, tôi sẽ kể chúng nghe cuộc hành trình của con hến nhỏ trong lòng bàn tay mình, bắt đầu không phải từ đỉnh núi cao ngất trên kia, nơi có chiếc hồ nhân tạo mang tên Isabella, không phải từ cái bờ vực dốc đứng nhìn xuống dòng sông Kern hung bạo ở ba trăm bộ phía dưới, mà từ một ngôi làng nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi dòng sông chảy qua sẽ cạn dần theo ngày tháng./.
tháng tư 2000
1. Một loại xe vận tải nhẹ có thùng trống phía sau để chứa hàng, rất thông dụng ở Hoa Kỳ
2. Một loại nghêu nhỏ, tìm thấy ở vùng nước mặn lẫn nước ngọt, tương tự hến ở Việt Nam
3. Sông Kern chảy qua lãnh thổ Kern County, ở thung lũng San Joaquin, miền Trung tiểu bang California, Hoa Kỳ. Còn được biết đến như là “giòng sông giết người” vì đã có nhiều người chết đuối ở đây.
4. Cha thì cái gì cũng biết!