Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.215.533
 
Làng Những Người Độc Thân
Trần Minh Nguyệt

Đó là một  ngôi làng nghèo-như bao ngôi làng ở vùng ven thị xã- chỉ vài chục nóc nhà nhưng có cái tên nghe rất thanh bình và yên ả-làng An Phú. Làng có thế đất “ Hữu Thanh Long, Tả Bạch Hổ”, một bên là núi một bên là sông, nên phong cảnh ở đây rất hữu tình và nên thơ. Giống như mọi làng khác,  An Phú cũng có những ngôi nhà ngói đỏ,  chen chúc bên những mái tranh, mái tôn bạc màu-cũng gốc đa, giếng nước, cũng  văng vẳng tiếng chó sủa đêm đêm, và tiếng gà gáy mỗi sáng-  nhưng nó yên tĩnh lạ thường vì rất ít có tiếng đùa vui của trẻ nhỏ,  tiếng quát tháo rầy rà con của những người mẹ,- chỉ có những con người lặng lẽ, thấp thoáng ra vào; sự hiện hữu của họ ẩn hiện xa mờ, giống như thứ  ánh sáng  mong manh cuối ngày leo lét chỉ ánh lên một lúc rồi tắt lịm sau dãy núi xa .

 

Cu Bi chạy ào vào nhà, quần áo mặt mũi lấm lem bùn đất, nó reo to: “ Ba ơi, ba xem con bắt được hai con dế than to quá nè. Ba kiếm cho Bi cái hộp con nuôi chúng đi ba ! ”. Thắng nhìn cu Bi mỉm cười: “ Được rồi con trai, ba sẽ làm nhà cho chúng nhưng trước hết con phải đi tắm rửa thay quần áo đã. Con lấm lem hết rồi… ”. Cu Bi cười bẽn lẽn - giọng phân trần: “ Ba biết không? Con bắt hai con dế này khó lắm, đổ hai gàu nước chúng cũng không chịu lên khỏi hang, con phải lấy cuốc đào bắt đó !”. Nói xong cu Bi cầm  bộ áo quần sạch đang treo ở  góc nhà- chạy vào nhà tắm.  Thắng lặng lẽ nhìn theo con trai nhếch cười- buồn bã, lắc đầu…

 

Mới ngày nào đây mà đã sáu năm rồi- thời gian đúng là vó ngựa vô tình; đã sáu năm anh thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ, cu Bi thiếu tình thương yêu chìu chuộng của người mẹ. Mặc dù anh đã dành cho con nhiều thời gian gần gũi chăm sóc- nhưng vẫn không thể nào bù đắp được sự thiếu vắng của đôi bàn tay dịu dàng và tình thương yêu  của người mẹ. Nhìn ánh mắt buồn của con khi thấy những đứa trẻ trong xóm quay quần bên mẹ chúng, anh cảm thấy nao lòng và xót xa. Cha con anh sống lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ ở đầu làng  để đợi chờ người mẹ vô tâm, người vợ bạc tình  kia  sẽ có một ngày nào đó quay trở lại.

 

Thuở  còn đi học- Thắng to khỏe , nước da trắng hồng-nhất là anh học rất giỏi , luôn dẫn đầu lớp vào mỗi học kỳ.  Ba Thắng chết khi anh còn nằm trong bụng mẹ- bà tần tảo nuôi con, chỉ mong  mai sau Thắng có một cuộc sống, một tương lai tươi sáng hơn cuộc đời của ông bà. Nhưng vào một sáng chớm Đông  năm Thắng học lớp 11 , bà ra vườn cắt rau nuống chuẩn bị cho buổi chợ chiều, thì đột ngột bị tngã quỵ- Thắng vừa trông thấy, vội ẵm mẹ vào giường- nhờ người  chở lên bệnh viện huyện. Sau mấy hôm cấp cứu - thuốc thang chỉ giữ  được mạng sống, còn người bà thì đã bị liệt -phải nằm  một chỗ. Từ đó, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai nhỏ nhắn  thơ dại của Thắng. Bà con trong làng thương xót, tạo điều kiện  giúp đỡ cho Thắng có việc  làm kiếm tiền nuôi  nấng, thuốc thang cho mẹ .Dù tất bật kiếm sống hằng ngày- Thắng vẫn không nghỉ học, vì cứ mỗi lần anh xếp sách vở cất vào chiếc tủ gỗ nhỏ là mẹ anh lại khóc. Bà thều thào  : “ Mẹ xin con! Con đừng bỏ học, chỉ còn hơn một năm nữa con có được bằng cấp ba, con đã đi gần tới đích rồi, gắng mà bước tiếp, đừng dừng lại con à  !”. Ngày Thắng cầm được mảnh bằng phổ thông cũng là ngày mẹ anh ra đi mãi mãi. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, anh tưởng chừng như không gượng dậy nổi. Ông chú họ của anh làm việc ở Hảng Taxi Bình An xin cho anh  vào làm ở đó. Một năm sau ngày mẹ mất,Thắng trở thành tài xế taxi rong ruổi trên đường, cuộc sống cũng dần ổn định.

 

Lan là bạn cùng lớp của anh, tốt nghiệp xong cấp ba, cô thi đậu vào trường trung học sư phạm của tỉnh. Lan có nhan sắc mặn mà, nên cô có nhiều người săn đuổi đưa đón. Nhưng không hiểu sao Lan lại chọn làm nhân tình của một ông giám đốc giàu có, uy quyền đã có vợ con.  Vợ của ông giám đốc biết được- vào trường gặp chủ nhiệm khoa nhờ can thiệp để chấm dứt mối tình bất chính đó. Lan cảm thấy quá xấu hổ với thầy cô, bạn bè- cô bỏ học đi lang thang suốt buổi ngoài đường. Và như một duyên nợ -Thắng tình cờ gặp Lan vào cái ngày định mệnh đó. Thắng không nỡ để cho cô bạn học mà anh thầm yêu trộm nhớ ngày nào lại buồn khổ như vậy. Anh  đưa Lan về lại trường và giới thiệu anh là người chồng sắp cưới của cô, hai người đã có lễ ăn hỏi, chỉ đợi ra trường xong là cưới. Anh thành thật đến nỗi những người trong trường không ai còn tin vào lời buộc tội vô căn cứ của người đàn bà mặt hoa, da phấn kia nữa. Cuối năm ấy Lan tốt nghiệp, một đám cưới đơn giản diễn ra trước sự chứng kiến của họ hàng, bè bạn và một năm sau cu Bi chào đời trong niềm hạnh phúc của hai người.

 

Hạnh phúc và tình yêu giống như là chiếc lọ pha lê  mỏng manh vậy- nếu bất cẩn, hay sơ suất một chút là  sẽ vỡ vụn ra thành trăm mảnh. Năm cu Bi lên ba tuổi ,Thắng bị tai nạn khi lái taxi băng qua đường sắt. Chuyến tàu S1 chạy hướng Bắc Nam mang chiếc xe của Thắng xa một đoạn gần 50m.Anh không chết nhưng một chân bị nát vụn từ đầu gối trở xuống. Vậy là anh phải giã từ nghề lái taxi về chăm con, làm công việc nội trợ. Việc nuôi sống gia đình dựa cả vào Lan.. Mấy tháng đầu gia đình còn êm ấm, nhưng nửa năm sau anh trở thành gánh nặng của Lan. Cứ ra đi thì thôi,  chứ về tới nhà là cô ấy lại mặt nặng mày cau, la mắng cu Bi bằng giọng nói bóng gió xa xôi nhằm trút hết vào tai Thắng.. Anh không muốn sớm mất đi  cái gia đình yên ấm một thời  đã cho  anh rất hy vong và nhiều hạnh phúc nên  cố gắng nhẫn nhịn, Cố gắng đỡ đần cho vợ mọi chuyện mà anh có thể. Nhưng làm sao có thể làm tươi nguyên trở lại một tình yêu đã  dần khô héo, đã dần tắt lịm trong lòng Lan?

 

Khi cu Bi  được 4 tuổi, Lan chính thức đòi li dị với anh. Cô định đem cu Bi về gởi nhà ngoại và đi lấy chồng khác. Lan nói-giọng khô cứng: “ Tôi không thể nào chôn cuộc đời ở cái xó núi này cùng anh mãi được, Anh hãy tự sống và bước tiếp cuộc đời một mình đi.Tôi phải có cuộc đời của riêng tôi! ”. Thắng lặng người-ngồi đờ đẩn nơi chiếc ghế salon cũ- không nói được  lời nào, Một lúc sau – anh ngước nhìn thoáng lên nét mặt lạnh băng của Lan- cố trấn tỉnh : “   không muốn sống ở đây -có đi thì đi một mình cô,  để  thằng  cu Bi lại cho tôi ! ”. Lan  quay lại nhìn xéo lên mặt anh- giọng  mỉa mai:  “ Anh đã nghĩ kỉ chưa ? Anh nuôi anh chưa nổi lấy gì mà nuôi nó đây? “ . Cô cười nhạt:  “ Tôi đưa nó về ngoại là  còn nghĩ tình anh đó thôi? Nếu anh muốn vậy thì tùy …”.  Sau ngày hôm ấy- Lan đã ra đi và chưa lần nào quay trở lại.

 

Hằng ngày-Thắng hành nghề sửa xe đạp nơi chái hiên tôn  tạm bợ ở đầu làng, cộng thêm thu nhập của rau và cây ăn quả từ mảnh vườn mẹ anh để lại-cha, con anh đủ sống lây lất qua ngày…

 

Cách nhà Thắng  năm nóc nhà ở phía bên kia đường là ngôi nhà nhỏ của cô Hạnh. Ngôi nhà  không rộng lắm nhưng rất xinh xắn- nó là sự tổng hòa giữa lối kiến trúc cũ và mới.  Ngôi nhà ở giữa  khu vườn rộng , quanh nhà trồng nhiều các loại hoa- từ loại đài các như Hồng, Lan, Hải đường đến  các loại hoa  tầm thường được bày bán ở chợ vào ngày rằm, mồng một như Cúc, Vạn thọ,  Huệ… Đặc biệt là trước sân nhà có hai cây sanh tươi xanh- được trồng trong  hai chậu  sành lớn, giống hình hai con rồng đang chấu đầu vào nhau. Những đêm có trăng , ánh sáng chiếu vào cây in hình trên mặt đất - gió rạt rào làm  cây khẻ rung chuyển- tạo nên những hình bóng lung linh, kì ảo …

 

Hạnh sống  lặng lẽ, ít giao tiếp với mọi người trong làng. Gặp ai cô cũng chỉ  cúi chào thôi, ít khi hóng chuyện cùng họ. Đi làm thì thôi chứ về tới nhà Hạnh như sống thu mình trong cái thế giới riêng ấy. Người trong làng có dịp qua lại-  thấy cô thường ngồi trên chiếc ghế xích đu bên hiên nhà, tay  ôm một con chó Nhật lông xù trắng muốt giống như con chó bông được bày bán ở siêu thị vậy. Hoặc có lúc, thấy cô  tẩn mẩn trong khu vườn để chăm sóc hoa, cây cảnh- nhìn cô đi lại lặng lẽ, chập chờn giữa các luống hoa giống như  bóng một nàng tiên lạc  bước xuống trần ….

 

Thời phổ thông Hạnh học giỏi và rất xinh. Năm lớp 11 cô giành được vương miện nữ sinh duyên dáng của trường. Hạnh tốt bụng, nhu mì,  nên thầy cô và bạn bè ai cũng quý mến  Những tưởng cuộc đời Hạnh sẽ tươi đẹp, êm ả như dòng sông vào thu  - nhưng chỉ vì một trò đùa vô tình  quái ác đã làm vỡ tan bao mộng đẹp , biến Hạnh từ một cô gái  tươi trẻ yêu đời trở thành một “ Tiểu Long Nữ “ trong Cổ Mộ.

Hôm đó -sau tiết thể dục môn chạy bền, Hạnh bị ép tim không thở nổi, ói mửa liên tục- mặt cô biến sắc- tái méc , xanh xao. Không may cho Hạnh là trạm y tế của trường đã đóng cửa vì cô y tá  đang đi tập huấn ở Huyện. Nam-bạn cùng lớp, chở Hạnh xuống bệnh viện Thống Nhất cách trường khoảng 4 km. Hạnh nằm lại  bệnh viện vì còn rất mệt, chưa gượng dậy nổi. Nam về lại lớp tiếp tục học. Với bản tính hài hước, thích bông đùa,  hay làm trò cười cho mọi người -nên khi các bạn cùng lớp hỏi về tình trạng sức khỏe của Hạnh, Nam làm ra vẻ mặt quan trọng và chu miệng-  nói khẻ : “ Nó bị bệnh nặng rồi, bệnh này khó nói lắm ”. Lớp học nhao lên : “ Bệnh gì mầy nói đi? Có gì đâu phải giấu chứ? ”. Nam không trả lời thẳng câu hỏi mà nói vòng vo : “Hồi nãy tụi bay không thấy Hạnh ói mửa liên tục à? Triệu chứng vậy mà không biết bệnh gì sao? Lớp chúng ta chắc phải góp tiền mua DieLac  Mama thăm nó rồi ”. Cả lớp hiểu ra -cười rần rần. Lúc đó có vài học sinh  ở lớp khác đi ngang qua phòng học của họ nghe lỏm được.

 

Sáng hôm sau tin Hạnh có bầu đã được đồn từ lớp này sang lớp khác và chỉ một tuần sau toàn trường từ giáo viên đến học sinh ai cũng biết tin cả. Hạnh  về lại trưởng -chỉ còn biết khóc. Cô cố giải thích và nhờ giáo viên can thiệp, nhưng  khi tin đồn đã lan ra thì giống như một cơn lốc xoáy không thể nào ngăn lại được nữa. Quá xấu hổ, và thất vọng- Hạnh uống một vỉ thuốc ngủ để mong sớm chấm dứt cuộc sống phiền lụy, tủi nhục. Cha, mẹ  Hạnh phát hiện kịp thời  và đã cứu sống cô. Sau lần chết hụt đó -nhờ sự thương yêu an ủi, vổ về của cha, mẹ.- nhờ sự động viên của thầy cô, và bạn bè trong lớp- Hạnh  đã đi học trở lại nhưng cô bỗng trở thành một cái bóng câm lặng trước mọi người…

 

Tốt nghiệp đại học tài chánh-kể toán, Hạnh xin làm kế toán cho công ty gỗ miền trung. Với vẻ mặt thánh thiện, đôi mắt buồn xa xăm như đắm chìm trong cõi riêng - Hạnh trở thành điểm ngắm của bao chàng trai độc thân ở công ty. Hạnh yêu Sang, một quản đốc phân xưởng -trẻ và có tài.  Cuộc tình của họ sắp đi đến hôn nhân, thì tin Hạnh đã từng có bầu thời phổ thông không biết ai  đã mách lại với Sang với nhiều chi tiết thêm thắt quái gỡ khác đã khiến Sang không kìm được cơn tức giận. Anh chạy tìm gặp Hạnh- đã hằn học mắng nhiếc cô đã lừa dối anh -và tình yêu giữa họ  cũng tan vỡ nhanh chóng như bóng nước…

 

Tiếng xe máy nổ đều đều vọng lại từ đầu làng,  tiếng Cu Bi reo to: “ Cháu chào chú Tân! Chú vào xem con dế của cháu đây này! ”.Tân chạy xe chậm lại và mỉm cười nói với cu Bi :” Chú có việc bận rồi, mai chủ nhật, chú sang xem nhé ?”. Nói xong Tân cho xe  vụt chạy vào sâu trong làng. Thắng đang ngồi ở hiên nhà-nhìn theo Tân với ánh mắt đầy thương cảm.

 

Có những chuyện mà khi kể ra , người nghe cảm thấy nó giống như một  câu chuyện bịa đặt để góp vui trong lúc “ Trà dư, tửu hậu” mà thôi. Vậy mà nó lại một sự thật- đã gắn liền với cuộc đời của Tân như một duyên nợ, một định mệnh khắc nghiệt nhất.

 

Tân là Bác sĩ khoa thần kinh ở bệnh viện tỉnh. Anh yêu say đắm Thanh- một nhân viên ngân hàng trẻ đẹp, nhưng Thanh lại không để ý đến anh mà yêu đang một đồng nghiệp ở cùng cơ quan. Nhiều lần Thanh đã nói cùng anh – hãy buông tha cô- đừng làm phiền cô nữa.   Đừng phá hỏng  tình yêu  của cô. Lúc đó Tân  đã yêu cô mê muội- không còn sáng suốt để quyết định nữa. Biết Thanh không yêu mình, hàng ngày anh vẫn đến nhà đợi cô đi làm về. Dần dà anh chiếm được cảm tình của ba, mẹ cô.Thấy anh  là Bác sĩ, điển trai và lại rất yêu con gái mình- họ đã quyết định chọn anh làm rể . Ban đầu Thanh đã khóc lóc- rồi phản đối, van xin- nhưng cũng không làm lay chuyển lòng cha mẹ.  Sau đó , Thanh chọn sự yên lặng -như một chấp nhận. Còn Tân- anh nghĩ đơn giản,  rồi cuộc sống vợ chồng sẽ làm Thanh yêu anh thôi.

 

Đám cưới của Tân to nhất làng. Thanh vẫn lặng lẽ bên anh đi chào họ hàng, bạn bè đồng nghiệp với nụ  cười  trên môi. Nhưng đến khi vị khách cuối cùng rời khỏi nhà- còn lại những người thân trong gia đình thôi, Thanh mới lên tiếng mời họ ngồi vào bàn cho cô thưa chuyện. Cô nhìn thẳng- lướt chậm lên từng gương mặt đang ngồi lo lắng chờ đợi trong bàn và ôn tồn-điềm tĩnh nói :  “ Cháu đã có thai ba tháng với người mà cháu yêu, cháu đã cố thuyết phục anh Tân rời bỏ cháu,  nhưng anh ấy đã không làm vậy. Người yêu cháu buồn đã bỏ vào miền Nam -cắt đứt mọi liên lạc với mẹ con cháu. Anh Tân đã làm cho cháu mất chồng,con mất cha. Cháu không thể tha thứ cho anh ấy được nên mới có đám cưới hôm nay. Đây là đơn li dị cháu đã chuẩn bị sẳn …”. Một chiếc taxi được cô dặn trước đang chờ sẵn bên kia đường- Thanh trở vào buồng xách va li quần áo ra khỏi nhà trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tân đứng  bất động như một pho tượng- anh không thể thốt lên  được lời nào. Và cũng ngay trong đêm hôm đó - Tân  đã rời khỏi nhà cha, mẹ  để đến sống trong nhà  người chú ruột  ở làng này.   Thời gian sau- anh mua  ngôi nhà bên cạnh của một người đàn bà góa bán lại-để theo con trai  lên Ban mê Thuộc …

 

Trời dần tối, bà Tám khòm gánh những bó rau còn lại không bán hết  đi ngang qua nhà Thắng. Bà Tám  được bao nhiêu tuổi rồi không ai biết, nhưng chỉ thấy chiếc lưng bà đã còng nên gọi    “ Bà Tám khòm” thôi! . Nhà bà ở gần cuối làng - trước nhà là con kênh nước chảy hai dòng- người ta bảo phong thủy như vậy là tối kị. Không biết là có đúng thật thế không? Nhưng bà Tám gần như là người nghèo nhất làng An Phú này. Bà vẫn ở trong ngôi nhà tranh, vách đất-  vẫn thắp đèn dầu tù mù dù làng có điện đã lâu.

 

Cô Tâm - con gái duy nhất của Bà Tám, năm nay áng chừng   50 tuổi. Mái tóc đã điểm hoa râm nhưng khuôn mặt  cô vẫn còn lưu lại nét đẹp của thời con gái-  sống mũi thẳng, mái tóc suông dài, dáng người thanh mảnh. Chuyện tình của cô được người trong làng kể lại như một giai thoại, một chuyện tình buồn. Tâm đẹp và hiền thục nhưng vì bà Tám quá nghèo, nhiều chàng trai yêu cô có ý định tiến đến hôn nhân, nhưng rồi phút cuối lại chùn bước rẽ sang đường khác vì họ biết rằng bà Tám sẽ như một món nợ mà chính họ phải gánh.. Tâm  rất thương mẹ- sợ bà buồn , nên đành chịu một mình bước tiếp cuộc đời với bao nỗi đắng cay chua xót.

 

Năm Tâm 40 tuổi,một anh thợ đóng gạch nghèo ở làng bên- vợ chết sớm, có một đứa con trai  bảy tuổi, đã cảm thông với hoàn cảnh của cô và bà Tám- muốn đón mẹ con bà về ở chung nhà cho có bạn và con anh có mẹ. Sắp đến ngày cưới, một người cô họ  xa có việc vào làng, ghé thăm. Bà Tám mừng cho duyên của con nên khoe với người cô. Nghe xong chuyện- người cô  bỉm môi-bàn ra  : “ Lấy anh đóng gạch nghèo mà lại có con, Tâm và chị sẽ khổ chết! ”. Người cô còn nói thêm : “ Em có thằng em con ông chú là Việt kiều đang về nước kiếm vợ, hay để em làm mai con Tâm nhà mình cho nó được không? ”. Bà Tám thở dài -lắc đầu  :“ Cháu Tâm đã 40 tuổi, tôi lại đau yếu luôn -Việt kiều nào nó thèm hả cô ?”. Người cô đon đả : “ Không sao! Nó tính về nước làm ăn,  cháu Tâm vẫn ở nhà với chị cơ mà …”.  Bà Tám ngẫm nghĩ- một lúc sau , bà do dự : “ Để tôi hỏi lại cháu xem sao đã ?  Tôi trả lời cô sau …”. Tâm không muốn nhìn thấy mẹ cô phải khổ,  nhất là Tâm muốn cuối đời bà được an nhàn, hạnh phúc. Tâm nghĩ thầm :  “ không có tình yêu thì lấy ai mà chẳng được.? “

 

Đám cưới của Tâm và Cường-người Việt kiều nọ,  tổ chức rểnh rang đến mấy hôm. Chú rể lớn hơn cô dâu 15 tuổi -nhưng trông rất trẻ, lịch lãm và sang trọng lắm. Tâm thấy rất vui và hãnh diện bên chồng. Sau đám cưới, vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật ở Đà lạt.  Đó là những ngày hạnh phúc nhất trong đời Tâm. Tháng sau- Cường bảo phải về nước để giải quyết một số công việc trong chuyện kinh doanh. Chàng “ họ Sở “ này đã  ra đi và  không quay trở lại nữa. Đã hơn 10 năm rồi, nhưng Tâm vẫn còn chờ đợi mõi mòn trong căn nhà vắng lạnh ngày  để mong được bảo lảnh ra đi đoàn tụ cùng chồng…

 

Tiếng ngâm thơ Lục Vân Tiên của ông Năm say vang lên  phá vỡ cái không khí  tĩnh lặng của khu làng về đêm. Đêm nào cũng vậy- bất kể mùa đông hay hè, trời nắng hay mưa -ông Năm cũng say khướt, lửng thửng đi xiêu vẹo về hướng cuối làng. Có khi say quá, ông khóc cười một mình rồi  kể lễ chuyện đời mà chỉ có ai quen biết mới hiểu được những gì ông nói lảm nhảm mà thôi.

 

Thuở xưa-Năm Hùng có dáng người rắn chắc, đôi mắt xếch- khuôn mặt chữ điền, trông rất cương nghị. Vì nhà nghèo- lại đông anh, em- Hùng là con cả nên anh nghỉ học sớm để theo cha học nghề thợ vôi, phụ giúp gia đình. Khi đã lành nghề- trở thành một người thợ cả, anh theo   bạn đi làm ở những công trình xa nhà. Có khi vô tận Biên hòa, lên tuốt Daklak.  Trong những tháng năm ấy-Hùng yêu Thư, cô thợ hồ xinh xắn làm cùng công trình với anh. Cha, mẹ Thư mất sớm, cô ở với người chú ruột . Khi thấy không thể sống thiếu nhau được nữa, Hùng dẫn Thư về giới thiệu cùng gia đình. Ba, mẹ anh  nhìn Thư một cách xoi mói- sau đó chỉ hỏi một vài câu xã giao  rồi ngồi im-lạnh lùng xem Ti Vi.  Một lúc thật lâu- mẹ anh quay sang Thư làm bộ ngọt ngào-bà nói: “ Cháu ở lại ăn bữa cơm với gia đình nhé?  Sẳn dịp bác giới thiệu Mai, vợ tương lai  của thằng Hùng cho hai đứa làm quen !”. Quá bất ngờ, Thư cảm thấy choáng váng- cô không còn nhìn thấy rõ  ai nữa cả.  Thư gắng ngồi yên lặng một lúc, rồi vội vả chào ba, mẹ Hùng và vụt chạy ra khỏi nhà. Hùng quay nhìn chòng chọc lên nét mặt  hờ hửng của mẹ- rồi  cũng vội vã đuổi theo Thư.

 

Những ngày sau đó mặc dù Hùng van xin, thuyết phục ba, mẹ như thế nào đi nữa, ông bà cũng không chấp nhận Thư- một cô gái lạc loài.  Buộc anh phải cưới Mai- con gái của một người bạn thân của gia đình.

 

Tin Thư và Hùng tự tử lan ra cả huyện-  mặc dầu  các bác sĩ đã hết sức cố gắng nhưng chỉ cứu sống được Hùng- còn Thư đã bỏ lại tuổi trẻ,  bỏ lại người cô yêu thương nhất -đã vĩnh viễn ra đi …

Sau cái chết của người yêu, lòng Hùng trống rổng- vắng lạnh .Anh thẩn thờ. Im lặng.  Không nói không cười- ngơ ngơ ngẩn ngẩn.  Và anh tìm đến ma men để quên đi nỗi buồn, để chôn dần cuộc sống trơ trụi…

 

Tiếng lè nhè của ông Năm say im bặt-Thắng với tay lên đầu giường lấy cặp nạn, anh mở cửa nhìn ra ngoài. Dưới ánh trăng lờ mờ, anh thấy ông Năm đang nằm dài trên sạp gỗ mục nát dưới gốc đa, nơi mà hằng ngày anh bày biện đồ nghề để sửa xe đạp.  Thắng  quay vào nhà- lấy tấm chăn cũ ra – khập khiểng bước từng bước ra đường. Thắng cúi xuống đắp tấm chăn lên người ông Năm.  Anh lẩm bẩm : “ Uống gì mà say dữ vậy nè, muổi cắn chết thôi anh Năm ơi! ”

 

Thắng đang ngủ ngon thì bị đánh thức bởi tiếng gọi của cu Bi : “ Ba dậy nghe dế gáy nè, dậy đi ba ơi! Đừng ngủ nữa mà! ” Anh uể oải trở mình, chống tay ngồi dậy. Bên ngoài khung cửa sổ-  những tia nắng đầu ngày đã chiếu vàng rực rõ- bắt đầu một ngày mới. Thắng thầm nghĩ : “ chắc hẳn hôm nay trời sẽ chuyễn vào xuân….”

 

Quanh làng- vẫn một cõi yên tĩnh lặng lẽ như bao buổi sáng đã đi qua trong đời họ…/.

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 1775
Ngày đăng: 17.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chí Phèo đi dự Pestival - Hoàng Xuân Hoạ
bắt hến ở hồ isabella - Phùng Nguyễn
Truyện Hai Pho Tượng - Thảo Trường
Thần quyền - Dương Đức Khánh
Chàng Ngốc - Lâm Bích Thủy
Mong Manh Cúc Quỳ - Minh Nguyễn
Ngôi Nhà Mùa Hè - Mang Viên Long
“Bộ Tam” - Khuất Đẩu
Bi kịch chưa đặt tên - Huỳnh Văn Úc
Thác Với Tình - Kinh Dương Vương
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)