Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.234.153
 
Chức Năng Tổng Hợp Trong Văn Bia Thoại Sơn
Tiền Văn Triệu

180 năm không phải là một khoảng thời gian dài đối với lịch sử một vùng đất nói chung và càng không phải là quá dài đối với một danh tướng có công nghiệp vô cùng to lớn như Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Sẽ là vô nghĩa nếu cùng với thời gian, công đức của cha ông ta bị mai một và không có sách sử ghi chép. May thay, cha ông ta thuở mang gươm đi mở đất, ngoài việc ghi chép lại trong chính sử quá trình ấy còn được khắc vào thời gian trường tồn - khắc vào bia đá. Đó là những gì còn lại với hôm nay – văn bia Thoại Sơn (Thoại Sơn bi) mà khi nhắc đến An Giang ai cũng phải ngước nhìn.

 

Xuất phát từ truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ  nguồn” của cha ông, văn bia Thoại Sơn còn lại được coi là một chứng tích - một hiện vật biết nói (vì có chữ viết được khắc trên bia đá) để cùng với thời gian, công đức của Nguyễn Văn Thoại được trường tồn với hậu thế của chúng ta hôm nay và cả mai sau.

 

Ở bài viết này, cho phép tôi được nhắc đến danh thần nhà Nguyễn Thoại Ngọc Hầu qua văn bia Thoại Sơn từ góc nhìn tổng hợp. Đây hẳn không là một điều lạ nhưng tôi cho rằng đây cũng là một việc làm nhớ ơn người đã khuất và cũng là một lần được nhắc lại công lao của Thoại Ngọc Hầu đối với đất An Giang cũng như vùng đất Nam Bộ.

 

Nói đến công lao của vị danh thần triều Nguyễn này chúng ta đều thống nhất ở ít nhất một điểm chung là người có công đầu trong việc trị thuỷ và mở mang giao thông thuỷ cho cả vùng Nam bộ nói chung thời bấy giờ chứ không riêng gì đối với An Giang. Nhưng ghi lại công lao ấy, đất An Giang lại có ưu thế của tạo hoá ban cho ngọn núi Sam hùng vĩ, sừng sừng để con sông mang dấu ấn vị trung đẳng thần họ Nguyễn mượn làm không gian văn hoá - khắc lên bia ghi lại một việc lớn là “đào kinh Vĩnh Tế”; với mục đích: “đưa thuỷ quân của ta từ Hậu Giang ra vịnh Xiêm La thật nhanh, để giữ Kiên Giang và chợ Hà Tiên, ngừa quân Xiêm đem binh đến thình lình” (Sơn Nam, trang 90) theo lệnh Nguyễn Vương là điều mà cả Nam bộ hôm nay không tỉnh nào có được.

 

Trong điều kiện cho phép, tôi xin trình bày những biểu hiện tiêu biểu xoay quanh vấn đề về “Tính tổng hợp trong văn bia Thoại Sơn”.

 

1. Khái quát về văn bia

 

Nhìn từ góc độ văn học, văn bia vốn là một thể loại văn học cổ (có thể với nhiều người, văn bia chưa phải là một thể loại văn học với đầy đủ chức năng của nó) nhưng người xưa cũng đã bàn tới và xếp văn bia vào thể loại ký. Bởi vì ký “gộp thu vào mình những tác phẩm văn xuôi (kể cả văn xuôi có tiết tấu – (mà điều này thì Thoại Sơn bia lại có ưu thế - người viết nhấn mạnh) nằm trong văn học chức năng hành chính, văn học chức năng lễ nghi cũng như văn học chức năng thẩm mĩ, nghĩa là ký gồm thâu tất cả những tư liệu văn tịch được viết bằng bút, bằng dao, bằng đục (văn bia khắc trên đá hẳn là phải đục – người viết nhấn mạnh) trên các chất liệu: giấy, lụa, da thú, thẻ tre, đồ gốm, kim loại, đá, xương thú, mai rùa” ([1]). Với cách hiểu này, văn bia Thoại Sơn là một tác phẩm văn học chính thống (chữ chính thống được hiểu theo hệ thống thể loại văn học) – ký ghi chép lại công lao Nguyễn Văn Thoại trên đá ở núi Sam (còn gọi là núi Sập) theo phương thức khắc hoặc là đục và được thể hiện bằng văn tự Hán. Có thể có nhiều cách hiểu khác nhưng ở đây, chúng tôi tạm coi văn bia thuộc thể ký và không bàn tới các cách hiểu khác.

 

2. Chức năng  tổng hợp trong văn bia Thoại Sơn

 

2.1 Chức năng hành chính

 

Văn bia Thoại Sơn (Thoại Sơn bi) như xác định trên kia là một thể loại văn học cổ. Chính vì thể, chức năng hành chính là một chức năng cơ bản mà văn bia dĩ nhiên phải có. Gọi là chức năng hành chính bởi trước hết, văn bia không nhằm đạt tới chức năng thẩm mỹ mà là chức năng “ký” - tức là ghi chép lại các sự kiện quan trọng có liên quan đến việc đào kinh Vĩnh Tế. Đó là:

 

Ghi lại ngày tháng năm Thoại Ngọc Hầu vâng mệnh Nguyễn vương giữ trấn Vĩnh Thanh. Đó là vào mùa thu năm Đinh Sửu (1817). Và sự kiện quan trọng hơn là vào “mùa xuân năm Mậu Dần (1818), vâng chỉ đốc suất đào kinh Đông Xuyên” ([2]). Kể từ đó, văn bia cũng kể lại quá trình đào kinh gặp nhiều khó khăn, gian khổ, “trải qua một tháng thì xong việc” để có được “một con sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi”([3]). Cùng với các dữ kiện có liên quan đến con sông mang nhiều huyền thoại, văn bia còn ghi lại quá trình, xuất thân của vị anh hùng họ Nguyễn xứ miền trung theo Nguyễn Ánh với những thăng trầm cùng với biến cố lịch sử của miền đất phương Nam: “Trộm nghĩ lão thần vốn người Quảng Nam, thuở nhỏ lánh mình vào Nam, được vào nhung vụ, theo hầu sang Vọng Các, may được ân tri ngộ, bôn tẩu trên miền thượng đạo, qua lại Xiêm, Lào, Cao Miên, được trấn giữ Lạng Sơn, Định Tường khi hai nơi này khuyết chức. Lại kính cẩn nhận vua ban ấn bảo hộ nước Phiên, rồi có lệnh giữ trấn Vĩnh Thanh, co tay mà tính trong khoảng trên vài mươi năm, gặp gỡ hai triều”([4]). Khai thác thêm văn bia ta có thể có thêm một số sự kiện khác như: vì sao núi Sam có tên gọi là Thoại Sơn hay kinh Đông Xuyên có tên là Vĩnh Tế? Thậm chí còn có một số dữ kiện mang tính chất hành chính khác như: ngày tháng năm dựng bia Thoại Sơn: “Niên hiệu Minh mạng thứ ba, nhằm Nhâm ngọ, sau tiết đông chí” ([5])

 

Như vậy, chức năng hành chính như đã nêu trên đây qua văn bia Thoại Sơn đã góp phần ghi lại những sử kiện trọng đại có liên quan đến công đức Nguyễn Văn Thoại, cũng như ghi lại lai lịch, quá trình hình thành kinh Vĩnh Tế cũng như tên gọi núi Sam, và hơn cả là ghi lại sự hiện diện của con người bằng những chứng tích biết nói trên văn bia có tên núi Thoại. Như đã nói ở đầu tham luận, tìm hiểu tính văn bia trong một chỉnh thể bên cạnh chức năng hành chính sẽ là chức năng nghi lễ của nó.

 

2.2. Chức năng  nghi lễ

 

Có thể, ban đầu với chức năng hành chính, vua tôi nhà Nguyễn chỉ có ý định ghi lại việc đào kinh Vĩnh Tế vào ngày tháng năm nào để con cháu đời sau biết lịch sử của một con sông, ngọn núi, và nêu cao công đức của Thoại Ngọc Hầu cũng như của Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, có những điều vượt lên trên thời gian và ý định của cổ nhân, văn bia Thoại Sơn còn thực hiện chức năng nghi lễ. Chính điều này làm cho văn bia vừa mang tính lịch sử vừa mang tính văn học – tức là giá trị của nó phụ thuộc vào “đọc giả” - thế hệ con cháu mai sau nhìn nhận, khám phá, lí giải. Đồng thời, qua đây, ta cũng thấy được tầm vóc văn hoá của văn bia - điều này góp phần làm nên tính tổng hợp - một đặc trưng của văn hoá. Có thể nói, văn bia đã thực hiện chức năng nghi lễ một cách trang trọng và phổ biến. Trang trọng là vì khi nhắc đến công lao của Nguyễn Văn Thoại qua cúng tế, người ta buộc phải đọc văn bia như “một lời ca lịch sử” để tưởng nhớ công đức của vị thần họ Nguyễn được sắc phong của hai triều Nguyễn. Trang trọng trong cúng tế, trong lễ hội và cũng vì vậy nhanh chóng được phổ biến trong nhân dân vùng An Giang sau đó là cả vùng đất Nam bộ.

 

Như thế, với chức năng nghi lễ: Ngay trong khi cho khắc bia, vua tôi nhà Nguyễn đã chú ý đến việc lập miếu ngay chân núi sập để cúng tế: “thụ sơn thần miếu” - dựng một miễu thần nơi chân núi. Dựng miễu thần không ngoài mục đích cúng tế, hẳn là như vậy! Chính vì vậy, có thể nói chức năng nghi lễ là một chức năng độc đáo của văn bia Thoại sơn. Nó có giá trị như những lời văn thuần và đẹp- giống như thể Tụng ([6])  (xin xem thêm trong Văn Tâm Điêu Long về thể này) mà Lưu Hiệp đã từng đề cập trong Văn Tâm Điêu Long. Thuần có thể hiểu là ghi lại thuần phong mĩ tục - Ở đây chỉ việc ghi lại sự kiện đào kinh Vĩnh Tế, công lao của Nguyễn Văn Thoại và đặc biệt là việc giải thích rõ vì sao núi Sập hay núi Sam có tên gọi là Thoại Sơn – núi Thoại - tức núi tên Thoại: “Núi tức là thần - Thần tức là núi”.

 

Ngày nay, có thể thấy, chức năng nghi lễ ngày càng thể hiện rõ hơn do nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng. Người ta đến viếng núi Sam thì cũng thấp nhang trong miếu thờ Thoại Ngọc Hầu. Đọc văn bia để hiểu rõ lai lịch của núi thì cũng là dịp thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng. Vì đến với núi Sam không đơn giản chỉ là nhu cầu du lịch mà còn có nhu cầu tín ngưỡng, cúng tế cầu xin thần phù hộ cho sức khoẻ, gia đạo, làm ăn,… Do vậy, chính địa hình đặc trưng với ngọn núi cao vút in bóng xuống lòng sông Vĩnh Tế cùng với những câu chữ văn bia làm tăng thêm không khí thiêng liêng của sinh hoạt văn hoá núi Sam: một bức tranh có đủ các yếu tố: sơn, xuyên, vân, thuỷ vô cùng độc đáo. Điều này làm cho núi Sam từ lâu trở thành địa chỉ du lịch của vùng đất An Giang mà du khách hay tìm đến. 

 

Cùng đi với thời gian, văn bia Thoại Sơn còn mang trong nó giá trị tâm linh. Giá trị này, xuất phát từ tín ngưỡng thờ thần vốn là một biểu hiện của tín ngưỡng bản địa phổ biến ở Nam bộ. Vấn đề đặt ra ở đây là, tín ngưỡng thờ thần này có gì khác với việc thờ thành hoàng và thờ vị thần Nguyễn Trung Trực rất nổi tiếng ở vùng đất thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long? Ở đây chúng tôi không bàn sâu. Ai cũng biết, sinh thời Nguyễn Văn Thoại với công lao to lớn đã được phong thần. Việc dựng miếu thờ ngay tại chân núi đương nhiên khi mất đi sẽ được người dân bản địa thờ cúng như một vị thần địa phương. Chính vì điều này mà tính chất chức vụ phong kiến – vua phong càng về sau được dân gian hoá thành vị thần của dân phong - thần trong lòng dân. Hiện tượng này giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều về tín ngưỡng thần ở Nam bộ mà qua văn bia Thoại Sơn ta có thêm một hiện tượng độc đáo làm phong phú thêm văn hoá Nam bộ. Ở góc độ khác có thể xem văn bia như một bài vị trong các nghi thức thờ cúng thành hoàng, thờ cúng thần Nguyễn Trung Trực trong các lễ hội Kỳ Yên ở Nam Bộ.

 

2.3. Chức năng thẩm mĩ - tính văn học

 

Với văn bia Thoại Sơn, tính văn học còn thể hiện ở những hình tượng được toát lên từ văn bia vì nói đến chức năng thẩm mĩ hay tính văn học chính là nói đến hình tượng được xây dựng qua tác phẩm Thoại Sơn bi”. Tìm hiểu tác phẩm này, chúng tôi bắt gặp hai hình tượng tiêu biểu là:

 

Hình tượng ngọn núi Sam: Xuất xứ rõ ràng với nguồn gốc từ rất lâu đời: “Kể từ trời đất mở mang thì núi nầy lâu đời đã có”([7]) với tên gọi dân gian cũng được nhắc đến rõ ràng: “Núi này xưa tục gọi là núi Sập”. Đặc biệt, văn bia thể hiện rõ hình ảnh của một ngọn núi kì vĩ qua so sánh, ví von vốn là những thủ pháp thường thấy trong tác phẩm văn chương: “cao ước hơn mười trượng, chu vi được hai ngàn bốn trăm bảy mươi tám tầm, sắc biếc dờn dờn, dựng cao sừng sững, sống động như rồng thần giỡn nước, phượng đẹp lượn trên sông, cảnh anh tú ấy, há không phải tay thợ tạo chung đúc mà nên sao?([8]).  Với tên gọi được sắc phong, hình tượng núi đã có những biểu hiện khác: “cây cỏ đều tươi, khói mây đổi sắc; đem so với non núi tầm thường thì nó có chỗ khác nhau xa!”([9]). Văn bia còn giải thích rõ vì sao núi này có tên là núi Thoại: “Lại vâng theo lời dụ của vua, lấy danh tước Thoại Ngọc của lão thần, vì đã coi sóc việc nầy, mà đặt tên là núi Thoại …”([10]).

 

Vua tôi nhà Nguyễn muốn thông qua ngọn núi Sam để người đời sau biết rõ nguồn gốc tên sông, tên núi và đặc biệt là công đức của Thoại Ngọc Hầu và trên nữa là của Nguyễn Ánh: “đức cần mẫn của vua kinh lý cõi bờ …”. Như vậy, qua hình tượng ngọn núi Sập ta còn biết thêm được lịch sử của một vùng đất. Đây chính là từ cái riêng của hình tượng mà thấy được cái khái quát, cái chung của cả một giai đoạn lịch sử cùng với những biến đổi của một vùng đất mà công lao to lớn đã được sử sách lưu lại chính là hình tượng Thoại Ngọc Hầu cũng uy nghiêm sừng sững như ngọn núi mang tên ông.

 

Hình tượng Thoại Ngọc Hầu - người dâng lệnh Nguyễn Vương đi mở cõi phương Nam, đi bảo hộ Cao Miên, trải qua hai triều Nguyễn. Qua văn bia núi non cùng con người linh kiệt của đất phương Nam được sống lại bằng những câu văn đọc lên nghe thanh và đẹp bởi có đối và vần điệu rõ ràng: “Trộm nghĩ lão thần vốn người Quảng Nam, thuở nhỏ lánh mình vào Nam, được vào nhung vụ, theo hầu sang Vọng Các, may được ân tri ngộ, bôn tẩu trên miền thượng đạo, qua lại Xiêm, Lào, Cao Miên, được trấn giữ Lạng Sơn, Định Tường khi hai nơi này khuyết chức...đào kinh Vĩnh Tế dẹp nạn quấy rối của Cao Miên([11]). Đoạn văn nêu bật được nguyên quán, quá trình hoạt động, bôn tẩu của hình tượng nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Thoại nghe rất hoành tráng và thể hiện rõ chí khí của người xưa trong việc đi khẩn hoang và đào kinh Vĩnh Tế giữ yên biên cương. Khai thác thêm văn bia, chúng ta có thể thấy thêm hình tượng Thoại Ngọc Hầu thể hiện cái tôi trung thần một cách tuyệt đối. Đó là một cái tôi cho thấy ở Nguyễn Văn Thoại một lý tưởng cống hiến hết mình cho sự nghiệp đào kinh Vĩnh Tế. Nguyễn Văn Thoại xưng thần với một thái độ cung kính của một bề tôi trung với những đức tính mà ta đã biết: cần mẫn, thẳng thắn trong văn bia có ít nhất bảy lần Thoại Ngọc Hầu xưng cái tôi “lão thần”. Nhưng điều này không quan trọng, điều chúng tôi đề cập ở đây là ý thức của hình tượng cái tôi ấy.

 

Trong hình tượng Thoại Ngọc Hầu toát lên điểm sáng của ý thức mở mang bờ cõi, khai khẩn và là hiện thân của nhà kinh tế qua các việc làm cụ thể: đào sông thuận tiện cho việc giao thông, mua bán. Điều này được sử của triều Nguyễn ghi lại một cách rõ ràng: “… sông dài tới 105 dặm rưỡi, tiếp với sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, cộng 205 dặm rưỡi. Từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng([12]); một nhà quân sự có tầm nhìn chiến lược về địa thế của một vùng đất. Điều này được nhắc đến với vai trò trọng yếu khi đào kinh Vĩnh Tế là “việc biên phòng”: dùng thuỷ quân giữ trấn các cửa biển, sông lớn giáp với Xiêm và Cao Miên; một nhà văn hoá: ý thức dựng bia để bất hủ với muôn đời: “Cẩn ư sơn lộc, thụ sơn thần miếu, thuyên thạch vi bi, đại chí Thoại Sơn nhị tự, tính tự sơn danh lai lịch, thứ vĩnh thuỳ vu bất hủ vân – Kính dựng một miễu thần nơi chân núi, chạm đá làm bia, ghi to hai chữ Thoại Sơn, cùng kể rõ nguyên lai tên núi, ngõ hầu lưu lại đời đời không mất”([13]). Đó là ý thức phản ánh rất rõ tâm thức của bậc tiền nhân đi mở đất: muốn lưu giữ lại dấu vết và đó như là một công cụ hữu hiệu nhất để đánh dấu sự có mặt của mình trên vùng đất mới khai hoang. Đồng thời đó cũng là việc làm có tính giáo dục cao như một tấm gương sáng để con cháu hôm nay nói về quá khứ, nhớ công đức cha ông mà biết giữ gìn bờ cõi, giang sơn.

 

Hình tượng Thoại Ngọc Hầu còn thể hiện, phản ánh tâm thức núi – sông. Có thể rất tình cờ do duyên trời hội ngộ (chừng như đất trời có hẹn – Bia Vĩnh Tế Sơn), con sông Vĩnh Tế đi ngang qua ngọn núi Sập làm nên vị trí địa hình sau lưng là núi trước mặt là sông, tạo thành tư thế người dựa lưng vào núi cho an toàn mà vừa chống lại các cuộc nổi loạn bằng đường sông và cũng lợi dụng sông để giữ gìn bờ cõi, giao lưu với các vùng miền. Chính tâm thức núi sông này làm nên tầm vóc to lớn của Thoại Ngọc Hầu - vị trung đẳng thần triều Nguyễn. Chính Thoại Ngọc Hầu đã mang tâm thức này vào đất phương Nam trong chuyến “tỵ địa” trong thời niên thiếu của mình. Nói đến điều này có thể hình dung ra một việc, chính xuất thân từ mảnh đất miền trung – nơi có con sông Hàn và ngọn núi Sơn Trà (cao 693 m) mà chính giữa là làng An Hải (Quảng Nam) đã hình thành nên khí chất vừa thông minh, cần cù, chịu khó của vị anh hùng xứ Quảng và cũng là của An Giang hôm nay. Điều này cũng rất phù hợp với tâm thức của các bậc tiền nhân đất Việt, vừa dựa vào thiên nhiên để chế ngự thiên nhiên và cũng là để tận dụng, khai thác vào nhiều việc khác nhau như đã nói trên kia. Đây chính là điều độc đáo mà những người cùng thời với ông không làm được.

 

Tóm lại, văn bia thể hiện hình ảnh, tài trí đức độ, tầm nhìn và công đức của Nguyễn Văn Thoại.

 

Bên cạnh đó, nhìn một cách tổng hợp, văn bia còn thể hiện tính cổ điển của loại hình văn học Trung đại Việt Nam: Văn bia khi đề cập đến Thoại Ngọc Hầu cũng đã dùng những điển cố như một dấu hiệu rõ nét nhất của văn học Trung đại. Khi nói về mình trong việc đào kinh, Thoại Ngọc Hầu tự cho mình ở tầm thấp khi so sánh với bậc tiền nhân với hai hình ảnh: “ông Khấu, ông Vũ”. Ông Khấu tức là ông Khấu Chuẩn đời Tống, đậu tiến sĩ triều Thái Tông …ông được uỷ thác việc điều khiển quân đội, luật lệ rất nghiêm; còn ông Vũ “tức Hạ Vũ, nối nghiệp cha trị được nạn lụt và sau được nhường ngôi vua”([14]). Có thể nói mượn điển cố, điển tích của Trung Quốc là điều phổ biến trong văn học Việt Nam. Văn bia Thoại Sơn cũng không nằm ngoài quy luật chung này. Điều đó cho thấy, Thoại Sơn bi có giá trị chuẩn mực vốn là đích đến của văn học trung đại Việt Nam. Nói chức năng thẩm mỹ hay tính văn học là dựa trên những cơ sở này.

 

Kính thưa Hội thảo, một lần nữa qua văn bia Thoại Sơn chúng ta có dịp tìm hiểu sâu hơn công đức của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại. Do điều kiện thời gian có hạn và việc tìm hiểu về Thoại Ngọc Hầu còn nhiều hạn chế, kính mong Hội thảo bỏ qua những nội dung sai sót trong tham luận. Cuối cùng kính chúc sức khoả quý đại biểu, chúc Hội thảo đạt nhiều kết quả tốt đẹp./.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (tập hai), Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, trang 12.

2. Nguyễn Văn Hầu (1999), Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nhà xuất bản trẻ, T.p Hồ Chí Minh, trang 382-383.

3. Như tài liệu số 2, trang 383.

4. Như tài liệu số 2, trang 384.

5. Như tài liệu số 2, trang 385.

6. Phan Ngọc (dịch) 1998, Văn tâm điêu long (Lưu Hiệp), tái bản, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, trang 45, thiên thứ IX.

7. Như tài liệu số 2, trang 382.

8. Như tài liệu số 2, trang 383.

9. Như tài liệu số 2, trang 382.

10. Như tài liệu số 2, trang 383.

11. Như tài liệu số 2, trang 384.

12. Phạm Trọng Điềm (dịch), Đào Duy Anh (hiệu đính),  Viện Sử học,  Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, Nhà xuất bản Thuận Hoá, tập năm, trang 178, quyển XXX.

13. Như tài liệu số 2, trang 382-383.

14. Như tài liệu số 2, sđd trang 384.

15. Trần Trọng Kim (2005), Việt Nam sử lược, Nhà xuất bản tổng hợp Tp Hồ Chí Minh.

16. Sơn Nam (1997), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (biên khảo), Nhà xuất bản Trẻ, Tp Hồ Chí Minh.

17. Phan Khoang, Việt sử xứ đàng trong, Nhà xuất bản văn học, Hà Nội.


 

 

Tiền Văn Triệu
Số lần đọc: 1699
Ngày đăng: 17.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ ý niệm - con đường tiệm cận thực tại vô thể - Miên Di
Thi Ca Và Sáng Tác. 1 - Khổng Ðức
Nỗi Buồn Cuộc Chiến, Dấn Thân, Và Cảm Thức Hư Không Của Thảo Trường - Trần Văn Nam
Về Những Ca Khúc Phản Chiến Của TCS - Bửu Chỉ
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng - Trinh Công Sơn
Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề - Đặng Tiến
Ngự Sử Văn Đàn Phan Khôi - Đỗ Ngọc Thạch
Tinh thần thơ hiện đại - Khổng Ðức
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Dương Nghiễm Mậu, con người nội soi trong bạo lực chiến tranh và thân phận nhược tiểu ― 1 - Thụy Khuê