Giới thiệu truyện ngắn Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối của Đặng Thơ Thơ dành cho VCV.
(*) Mới khám phá thấy một đoạn văn bản
Kinh thánh cổ xưa nhất.
“Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh”. Đặng Thơ Thơ - nhà văn tài hoa của Văn học Di dân Việt Nam - đã viết như vậy trong truyện ngắn “Đi tìm bản kinh thánh cuối” như một trải nghiệm cần thiết của nhân loại và dân tộc mình.
Nhân vật Marie Madeleine trong Kinh Thánh, là hiện thân của những quan niệm bất công mà con người áp đặt lên phụ nữ. Suốt chiều dài lịch sử người nữ vẫn bị xem nhẹ, về chính trị bị tước quyền, về xã hội bị chèn ép, về kinh tế thì cam chịu nghèo khổ, về văn hóa bị người nam áp đặt và trong tôn giáo thường làm vật hy sinh. Thời Trung Cổ, người nữ từng là vật dùng để tế thần như một cống vật, họ được xem là nguyên nhân của tội lỗi.
Tuy nhiên, nội dung truyện không chỉ dừng lại ở luận đề về văn chương nữ quyền, mà còn nêu lên một vấn đề quan trọng khác: đó là mối tương quan giữa Niềm tin và Tri thức. Tương quan giữa Giáo điều và Lương tri, giữa Tình yêu và Mê muội.
Chính mối tương quan giữa giáo điều và lương tri bên cạnh tình yêu sẽ quy định văn hóa sống của mỗi con người, bản chất của một thể chế xã hội, rơi vào tín ngưỡng hay vươn lên bằng lý trí... Các nền văn minh đều phải vượt qua thử thách này.
Trong truyện vừa “Đi tìm bản kinh thánh cuối”, nhân vật Tôi – một giáo sĩ chép kinh – thuộc phái Tín giáo, tượng trưng cho Tín điều. Nhân vật Mary Magdalene – giáo chủ Tri giáo - tượng trưng cho lương tri, nàng cũng là người đàn bà duy nhất trong truyện – tượng trưng cho tình yêu.
Dùng chất liệu từ Kinh Thánh, Đặng Thơ Thơ dẫn dắt người đọc vào một không gian hư cấu huyền ảo, không hiện thực huyền ảo mà thuần túy biến ảo mê hoặc theo những truyền thuyết trong Tân Ước.
Kết luận của tác giả ở cuối truyện: Hành trình đi tìm chân lý của mỗi dân tộc là phải đi ngược lại lịch sử của dân tộc đó cho đến ngọn nguồn, bằng cách tự xoay lưng đi ngược. Không chân lý nếu không xét lại và không thể trốn tránh nếu muốn tìm ra sự thật.
Một tác phẩm tầm cỡ phải chứa trong mình một nội dung sâu sắc, Văn chương Việt giới thiệu truyện ngắn xuất sắc này. [Ban Mai giới thiệu]
tôi
Tôi là thầy tu dòng Tín Giáo xuất thân từ chủng viện lâu đời nhất thế giới. Tôi là người chép kinh thánh, viết bằng tay, cuốn kinh dầy cộm đi từ Cựu ước đến Tân ước. Cửa sổ chỗ tôi ngồi viết nhìn xuống quảng trường thành phố nơi có những tượng thánh đang tắm nắng. Phòng tôi ngồi viết ngay sát tháp chuông nhà thờ, ngọn tháp cao vút như một thanh gươm xuyên thủng màn trời. Nhà thờ tôi ở là giáo đường trung cổ lâu đời nhất châu Âu. Cuốn kinh thánh tôi chép nguyên thủy là bản xưa GiaoDuong-Final nhất mà loài người còn nhớ.
Tôi sống nếp sống thời trung cổ vì tôi vẫn giữ thói quen lưu trữ văn bản bằng cách chép tay, trên loại giấy làm từ vỏ cây là thứ giấy bền nhất có thể chịu đựng được sự tàn hủy của thời gian. Tôi không thể đọc được thứ chữ in trên giấy. Tôi càng sợ thứ chữ dán trên mạng, vì tôi đọc mà mất khả năng hiểu ý nghĩa. Chúng di động, chúng trôi tuột, chúng không bám được vào trí nhớ, vì chúng không cố định như văn bản chép tay. Những gì chép tay là những gì vĩnh hằng. Chữ chép tay là mật mã riêng. Chính những mật mã này khiến việc chép kinh trở nên thú vị. Cầm một bản kinh thánh chép tay có cảm giác hoàn toàn khác với cầm một cuốn sách in trên giấy. Đó là cảm giác run rẩy, như tiếp cận một sự linh thiêng, và cuốn kinh chúng ta cầm cũng đang run rẩy như một con vật sống đang ngọ nguậy.
Trên căn gác cổ này có mấy nghìn cuốn kinh viết trên giấy cói. Tôi bị đày ngồi đây chép từ ngày này qua ngày khác. Những cuốn kinh không hiểu sau này có ai tìm đọc không, nhưng chép thì vẫn chép. Thỉnh thoảng Đức Giáo Chủ đích thân trèo 360 bậc thang hẹp lên thăm tôi. Ngài lướt mắt qua những bộ kinh xếp chồng chất từ sàn lên đỉnh trần, kiểm tra cuốn kinh nguyên thủy, đối chiếu với trang giấy tôi đương chép, khen tôi vài lời khích lệ. Rồi chúng tôi sẽ cùng quỳ gối đọc kinh Sám Hối, luôn luôn là kinh Sám Hối mà không phải bài kinh nào khác. Khi ngài đi xuống, cầu thang thường đã phủ đầy bóng tối. Ngài lần theo những vòng thang xoáy, dẫn xuống chánh đường nơi những thầy tư tế đang thắp đợt nến chót trong ngày, cả trăm ngọn nến lung lay như gió hiện hình trong nhà nguyện, như những thiên thần đang trở về dưới dạng linh hồn. Đó là trước giờ cơm chiều của chủng viện. Những lần thăm viếng như thế tôi có thêm rượu đỏ trong bữa tối, và tôi đi ngủ sớm hơn lệ thường, dù không hẳn là say.
Tôi khấn nguyện ở đây trọn đời vì lòng kính mộ ngôi giáo đường này, vì nó là nguồn gốc của tôi, như thể thân xác tôi bắt nguồn từ đá, từ chất đồng của chuông, từ tiếng cầu kinh và tiếng đàn phong cầm cộng hưởng. Tôi cũng quyết định ở đây trọn đời vì Giáo Chủ. Ngài là biểu tượng của niềm tin, của sự thật, của trần thế, của thiên đàng. Uy quyền ngài không phải chỉ trong thời này, mà còn kéo dài những thế kỷ tới. Nhiệm vụ chép kinh ngài giao phó cho tôi cũng là để kéo dài niềm tin đến tương lai. Trong cái thư viện cổ xưa này, cổ xưa bằng chiều dài lịch sử Đấng Cứu Thế, chúng tôi sẽ quyết định tương lai Tín Giáo, hưng thịnh hay suy vong, thống trị hay phế thải.
Những bản kinh cổ mà tôi lưu trữ một ngày kia sẽ tan thành bụi. Chúng cần người chuyển ngữ luôn luôn, nếu không sau này chúng sẽ chỉ là thứ ngôn ngữ chết và như vậy thì niềm tin cũng chết. Không ai am tường việc dịch thuật bằng tôi. Tôi dịch kinh từ tiếng cổ Hy-lạp sang nhiều thứ tiếng khác như Do-thái, La-tinh, Ai-cập, Sy-ri để gieo giống niềm tin vào nhiều ngôn ngữ. Rồi sau này, qua nhiều thế kỷ, chúng sẽ được hiện hình và tái sinh dưới nhiều thứ chữ, Sla-vic, Ả-rập, rồi tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nhật… tất cả những ngôn ngữ xa lạ của những đô hội phồn thịnh phía bên kia biển lớn.
lời thề trên đỉnh tháp gô-tích
Lời thề của tôi với Giáo Chủ dưới tháp chuông xảy ra vào lúc giữa trưa. Lời thề nguyện bảo vệ niềm tin của Tín Giáo bằng mọi giá. Vào thế kỷ đó, chúng tôi đứng trên đỉnh chót vót của ngôi giáo đường bằng đá trắng pha những mảng xám đen loang lổ – ngôi giáo đường mà mỗi lần chiêm ngưỡng đã khiến những nung nấu điên cuồng trong lòng người dịu xuống. Sau lời thề tôi biết mình đã gắn chặt số phận mình vào căn gác, vào đỉnh cao nhất của thế giới. Sống ở đây, tôi là kẻ gần nhất với trời, với Chúa, với mây, và với vĩnh hằng. Đứng đây nhìn xuống, tôi thấy mình cao cả hơn loài người bên dưới, vì sự tồn tại của tôi không hòa chung với họ. Tôi có thể thấy trái đất đông dần lên như bột nổi bánh mì, thấy các lãnh địa lân cận lan ra những vườn nho như mạch rượu, thấy những rừng ô-liu ép mình chảy ra suối dầu vàng óng, thấy những biên giới vương triều trong nháy mắt rùng mình hóa ra những di tích muối trắng chập chùng vào bất tận. Vào những hôm trời trong vắt pha lê tôi còn thấy cả những thành phố mới mọc và sẽ mọc phía bên kia biển lớn (gọi như vậy vì đây là mặt biển lớn nhất mà loài người khám phá được, cho đến khi chúng tôi tìm ra một cái biển khác lớn hơn).
Lời thề của tôi hẳn đã động đến trời, vì ngay sau tiếng Amen là một trận mưa chuông phủ xuống. Tiếng chuông ngân đã khuếch đại lời thề của tôi. Tiếng chuông trên đỉnh giáo đường cổ xưa u ám này, âm sắc của chúng kiêu hãnh và hối thúc, đập vào linh hồn tôi như một dấu chứng bất tử. Từ đó trở đi hồi chuông trưa trở thành thông lệ của thế gian. Chuông giữa trưa là dấu ấn của Tín Giáo chúng tôi khắc trên thời gian và gõ cửa không gian mải miết, trong một niềm tin không mòn mỏi.
giáo chủ – kinh thánh – và tri giáo
Chúa đã nói với Phêrô trước khi chết: “Hãy nạp gươm vào vỏ, vì hễ ai cầm gươm sẽ bị chết về gươm.”[1]
Đức Giáo Chủ cũng có một cây gươm, nhưng gươm của ngài vô hình. Ngài cầm nó trong tay nhưng không ai trông thấy. Người ta chỉ cảm thấy thanh gươm, như thể nó ở khắp mọi nơi. Tôi kính sợ Giáo Chủ không phải vì ngài có thanh gươm, mà vì thanh gươm ấy vô hình. Không ai biết được đường đi của nó.
Nếu phải mô tả Giáo Chủ, tôi sẽ vẽ một chiếc áo chùng trắng thêu chỉ vàng, vẽ mái tóc bạch kim óng ánh rủ xuống vầng trán khắc khoải, vẽ nét quả quyết trên khuôn mặt uy nghi. Nếu phải dùng lời diễn tả, Giáo Chủ là biểu tượng tối cao về quyền lực, thần uy hơn cả Chúa; vì mắt tôi không thấy Chúa nhưng tôi thấy ngài; vì tai tôi chỉ nghe giọng ngài thay vì giọng Chúa. Đường đi đến Chúa sẽ phải băng ngang ngài. Lời của Chúa sẽ được sàng lọc qua ngài. Kinh thánh là ý chí của ngài, tàng hình trong lời Chúa.
&
Thời gian soạn bộ kinh thánh là thời gian căng thẳng trong quan hệ giữa Giáo Chủ và tôi, vì cách chúng tôi quan niệm kinh thánh thật khác nhau. Khởi ngay từ định nghĩa “kinh thánh” chúng tôi đã không nghĩ giống nhau rồi. Giáo Chủ bảo kinh thánh là lời Chúa, vì Chúa đã phán như thế. Những vị thánh ghi lại những gì Chúa nói, những gì Chúa làm. Tôi nói với ngài, các vị thánh cũng có thể ghi lại những điều họ tưởng là họ nghe, họ nghĩ là họ thấy. Cũng có thể những điều họ ghi chép là có thật, nhưng còn rất nhiều sự thật khác mà họ không thấy hoặc không nghe. Ngay tên gọi kinh thánh đã là một điều khó hiểu, vì nó không chỉ là một cuốn kinh, nó còn mang chất “thánh”, và từ “thánh” là điều khiến tôi suy nghĩ. Tại sao “thánh”? Chỉ vì chúng được viết ra bởi những vị thánh? Ai là thánh? Các thánh Phaolô, thánh Luca, thánh Gioan khi ngồi viết kinh vẫn chưa phải là thánh. Họ chỉ là thánh sau này, khi họ đã chết, khi xác họ đã rã thối trong hầm đá sâu trăm thước dưới chân tôi. Họ chỉ là thánh sau này, khi Giáo Chủ phong thánh cho họ. Hành trình để một xác chết thành thánh có khi dài hơn thời gian sống của một con người.
Thời ấy có rất nhiều kinh sách của Tri giáo[2], giáo phái đối nghịch với Tín Giáo chúng tôi, lưu trữ trong thư viện do tôi quản thủ. Giáo phái này do Mary Mađơlen thành lập, tuy cũng bắt nguồn từ khải thị của Giêsu, nhưng lại rẽ ra một hướng khác hẳn. Họ đi một con đường khác dẫn đến cứu rỗi, họ dùng linh giác và lương tri của họ, họ không dùng lòng tin của chúng tôi… Điều này khiến Giáo chủ không vui. Giáo chủ nói bên Tri Giáo đặt nặng kiến thức và coi nhẹ niềm tin. Ngài lên án họ là ngạo mạn khi quan niệm con người có thể tự thông công với Chúa không cần thông qua giáo hội.
“Niềm tin là điều kiện cần và đủ cho sự cứu rỗi. Giêsu nói, ai tin ta sẽ đến được cùng Cha. Tri Giáo đã đi lầm đường và đã xúc phạm niềm tin của chúng ta.”
Tôi thưa với ngài:
“Thưa Giáo Chủ, nếu chúng ta thật sự có niềm tin thì không ai xúc phạm được chúng ta, vì niềm tin ở bên trên mọi xúc phạm và thương tổn.”
Lời nói của tôi khiến ngài hài lòng, nhưng tôi lại hồ nghi chính mình, vì niềm tin của tôi đang thay đổi, ngoài ý muốn của tôi. Việc đọc những cuốn kinh khiến tôi phải nhìn khác đi, nghĩ khác đi, trở nên một cái tôi khác, một thầy tu khác. Chúng thật sự là những cuốn kinh khai ngộ, hiểu theo nghĩa đó. Hay chúng là những cuốn sách tà đạo, cũng hiểu theo nghĩa đó.
Những gì tôi đọc là cánh cửa mở ra một con đường mới trong tôi. Một con đường mòn đã phủ bụi thời gian, một con đường bị treo bảng cấm vào, một con đường mà có người nói là ngõ cụt, có người nói dẫn đến thiên đàng. Giáo chủ nói đó là con đường lầm lạc. Ngài phải nói vậy, vì Phê-rô đã trở thành dòng chính và đẩy Mary đứng bên lề[3]. Thánh kinh cũng có những dòng chảy ngầm. Nó là câu chuyện do những người đàn ông kể lại.
cái đầu của Mary Mađơlen
Mary Mađơlen là người đàn bà có mình mà không đầu, hoặc có đầu mà không mình, và người đời sau chỉ biết một trong hai thứ. Thoạt tiên tôi chỉ biết cái đầu Mary. Cái đầu này chứa những khải thị huyền nhiệm và cả bản đồ chỉ dẫn đường đi của linh hồn. Cái đầu này thông minh xuất chúng và người ta bảo nó đã thu hết mọi lời Giêsu nói. Vì sợ nó gây thêm tổn thương cho niềm tin của chúng tôi, Giáo Chủ đã dùng thanh gươm vô hình lia ngang cổ, chặt phăng cái đầu đi. Từ đó truyền thuyết Mary người đàn bà không đầu đã biến Tri giáo thành một giáo phái huyền bí và ma quái.
Nhưng thanh gươm của Giáo Chủ chỉ có thể cắt lìa mà không thể hủy hoại, cũng không thể khiến những thứ bị cắt lìa biến mất vào hư vô. Những thứ này vẫn tồn tại, nhưng trong một thể khác, trôi chảy lung linh hơn và dịch chuyển quỷ mị hơn. Nguyên tắc chung của những bí mật là tính hữu hạn của chúng: theo một lời nguyền của dòng Tri Giáo, thời gian lâu nhất để giữ một bí mật không thể quá hai ngàn năm. Sau thời hạn đó những bí mật bị chôn dấu sẽ trồi lên và làm thế giới ngỡ ngàng. Cái đầu của Mary chẳng hạn, nó vẫn lơ lửng giữa những cuộn kinh dài như tờ sớ. Khi mở cuộn sớ sẽ thấy cái đầu nàng hiện ra, kỳ lạ như một điềm báo về nghệ thuật Phục Hưng sau này: mái tóc từng lọn loăn quăn màu hạt dẻ phủ quanh cần cổ dài, làn da trắng ngà như sữa cừu, tia nhìn thống thiết và ngời sáng, một pha trộn giữa hy vọng và vô vọng. Và giọng nói của nàng, đau đớn rỉ rả cất lên từ trang sách, là giọng nói nghèn nghẹn của một cổ họng đang chảy máu không thể nào cầm.
Còn thân hình không đầu của nàng vẫn sống cuộc sống của người dân trong thành Jerusalem. Thân hình này sẽ ra vào kinh thánh của chúng tôi 13 lần cả thảy. Hành trình của thân xác thì cả thế gian đều biết, nó như một câu chuyện điển hình của một người đàn bà tin Chúa: bắt đầu từ việc bị quỷ ám, lấy nước mắt rửa chân Chúa và lấy tóc lau chân Chúa, chứng kiến Chúa bị hành hình đến khi thấy Chúa sống lại. Rồi thôi. Nàng sẽ mất tích ngay sau đó, sẽ bước ra khỏi kinh thánh và đóng sách lại như chúng ta sập một cánh cửa sau lưng.
Thân hình Mary làm mọi việc đó mà chẳng cần có đầu. Vì cái đầu thật ra không cần thiết. Đầu và thân hình nàng là hai tự thể riêng biệt. Nàng mang thân xác phụ nữ nhưng cái đầu nàng khước từ giới tính.
Vì Giêsu không bị ràng buộc bởi cái nhìn giới tính. Vì giới tính chỉ thuộc về thân xác, nó là ảo ảnh và sẽ tan rữa khi chúng ta ngưng thở về với Chúa.
Nhưng đó là lời Chúa, tạ ơn Chúa.
Còn trong lời nguyền thì Mary sẽ bị cột chặt vào giới tính của nàng, suốt hai mươi thế kỷ về sau.
kinh của riêng tôi
Tôi cũng có một cuốn kinh của riêng tôi. Cuốn kinh phát xuất từ chính tôi, từ suy tưởng và chiêm nghiệm của tôi, một phần là chuyện của tôi với Giáo Chủ. Nếu mai này tôi chết đi, và tôi được phong thánh, thì cuốn kinh tôi viết sẽ được kể là kinh thánh.
Người đời sau cũng có thể đọc nó như nhật-ký, một thứ nhật-ký dòng tu, vì tôi để vào đó nhiều tâm sự: tôi kể những chuyện hàng ngày, như tôi đã viết kinh ra sao, đã dịch những kinh nào, những giấc mơ ban ngày và những gì xảy ra song song với lời kinh, và định mệnh kỳ lạ của những bộ kinh tôi chép.
Ở trang đầu tiên tôi đã viết như sau: “Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai cầm bút sẽ chết vì bút. Tôi viết kinh sẽ chết vì kinh.”
Từ đó việc viết kinh trở nên thú vị và mê hoặc hơn, vì những điều tôi viết ra, những dòng chữ hiện hình dưới ngòi bút của tôi sẽ là mê lộ ngòng ngoèo dẫn tôi về cái chết của mình. Tôi sẽ thành thánh nếu tôi chết khi đang viết kinh, một buổi chiều đầy sương nào đó, sau giờ đọc kinh Sám Hối, giữa những hồi chuông chiều riết róng, khi quảng trường bên dưới rực lên ánh đèn, khi loài người vẫn còn ngơ ngác giữa niềm tin nhà thờ và niềm tin Chúa; khi những cơn mưa đổ đều buồn bã lê thê trong lời nguyện, những ngọn nến cuối ngày thắp lên và Giáo Chủ leo xuống 360 bậc thang gỗ phủ đầy bóng tối.
thể xác hay tinh thần?
Luôn luôn là một câu hỏi, người đàn bà thông minh hay người đàn bà đẹp, tinh thần hay nhục thể, trí óc hay thân xác?
Đức Giáo Chủ nói, hãy chọn thân xác họ.
Tôi nghe lời Giáo Chủ, tôi chọn nhục thể, tôi yêu Mary Mađơlen. Tôi yêu nàng từ khi đức Giáo Chủ ra lệnh cho nàng đi làm điếm.
Đó là một buổi sáng mùa thu vào thế kỷ thứ sáu sau Thiên Chúa.[4]
Chúng tôi ngồi dưới ánh sáng lọc qua những vòm trần cao vút. Tiếng phong cầm và dàn nhạc thánh ca nâng tâm hồn chúng tôi bay cao hơn những mái nhà. Giáo Chủ đứng giữa điện thờ. Ngài uống nốt giọt rượu cuối đỏ bầm như máu đấng Cứu Thế. Ngài mở đầu bài giảng ngày Chúa Nhật bằng một thông điệp mới. Tiếng ngài vang khắp thánh đường:
“Vâng, các anh em, điều này đã rõ. Chính là Mary Ma-đơ-len. Người đàn bà này đã xõa tóc lẳng lơ, đã lấy dầu sáp thơm thoa mình, đã để xác thịt phạm điều cấm kỵ.”[5]
Giới tăng lữ lặng người nghe sứ điệp, nét mặt họ trầm thống và hơi thở họ phập phồng. Bên dưới lớp áo dòng những dương vật chợt cương cứng nhức nhối. Bài giảng ấy là một thử thách và một rủa xả, nó bắt chúng tôi sinh lòng thèm khát. Ngay giữa giáo đường chúng tôi chứng kiến một cảnh thoát y quái gở khi Mary thay áo đổi vai từ một tông đồ sang một gái giang hồ. Tối hôm đó nàng tìm đến giường chúng tôi, khỏa thân và tràn trề xác thịt. Chúng tôi đầu hàng và tận hưởng nhục cảm nàng đem đến. Những nhục cảm không phải trả bằng tiền. Những nhục cảm trả bằng một thứ gì khác hơn, pha trộn sự biết ơn thống hối và cả nỗi buồn đắm đuối. Mỗi người trả bằng cái giá mà họ có. Ai có linh hồn thì sẽ trả linh hồn. Ai có quyền lực thì trả bằng quyền lực.
niềm tin tuyệt đối
Cuộc sống tôi cứ thế trôi qua, lặng lẽ ngăn nắp bên ngoài và hỗn loạn nghi hoặc bên trong. Ban ngày tôi đọc và biên tập kinh, ban đêm linh hồn tôi lẻn xuống quảng trường gặp Mary. Thật khó khăn để tưởng tượng ra cách nàng đón khách thời trung cổ. Những căn phòng hẹp tối và trần thấp, áo xống và chăn gối nồng mùi đồ lót đàn bà, tiếng chuột rúc dưới gầm giường và những con bọ chét di chuyển qua lại giữa thân thể chúng tôi đang đổ mồ hôi vào nhau. Nhân dáng nàng cũng thay đổi tùy theo hứng tình của tôi. Nàng mảnh khảnh thanh tao như Donatello đã vẽ. Nàng đầy đặn vun tròn như người mẫu của Titian. Nàng hiện thân thành người đàn bà tội lỗi, cánh tay chắc nịch của nàng vít đầu tôi, ghì tôi vào bầu vú nàng căng mọng, căng đến nỗi chỉ cần bấu nhẹ thì sữa nhục cảm sẽ ứa ra tràn trề. Đường dẫn đến tuyệt cảm của tôi cũng dài như chiều cao nối căn gác này với quảng trường bên dưới. Nó như chiều không gian thứ tư, chiều của khoái lạc và sự chết. Hơn nửa thế kỷ trước một người nghệ sĩ điêu khắc đã leo ra ngoài tháp chuông để gắn bức tượng trang trí mặt tiền nhà thờ, không may anh ta tuột tay rơi xuống, thân thể tan nát và óc não văng tung tóe. Đáng lẽ chóp giáo đường sẽ còn cao hơn mấy trăm thước nữa, nhưng để tưởng niệm nhà điêu khắc, Đức Giáo Chủ quyết định giữ đúng chiều cao xây dang dở khi anh ta rơi xuống. Bây giờ dân thành phố mỗi lần băng ngang chỗ xác chết đều phải ngước lên, chiêm ngưỡng bức tượng chót vót trên không, và làm dấu thánh. Mỗi đêm khi tôi sắp rùng mình điếng ngất thì Giáo chủ lại hiện ra. Bóng ngài lừng lững trên đỉnh tháp. Ngài vung thanh gươm vô hình bổ dọc xuống, tách lìa tôi khỏi Mary. Chúng tôi văng ra hai mảnh, lúc đó hừng hực dương vật tôi vẫn còn nằm gọn trong lãnh địa âm hộ của nàng.
&
Cũng có khi tôi ngủ qua đêm với Mary ngoài vườn đá khoảng hai dặm về phía nam chủng viện. Đến hai thế kỷ sau khu vườn sẽ chỉ còn là một huyền thoại, nhưng vào thời tôi sống nó chứa đựng nỗi ám ảnh cháy bỏng nhất và nhục thể nhất của những kẻ tu hành khắc khổ – những người đàn ông sống không phải với một mà nhiều bản án chung thân, một trong những bản án là lời thề đến chết không được gần phụ nữ.
Vườn đá nằm khuất giữa những triền ô-liu bao quanh thung lũng. Những gái giang hồ lẩn khuất chờ khách sau những vách đá dựng đứng cao hơn đầu người, họ chọn nơi này hành nghiệp như một cách thách thức lại vụ án ném đá ngày xưa. Người ta đồn rằng những người đàn bà tội lỗi mỗi đêm vẫn hành hương đến đây để lấy bớt đi những viên đá cuội cho đến khi không còn đá để hành hình nữa.
Mary nằm xoải, ánh trăng chiếu qua tàng cây cằn cỗi rọi hình những chiếc lá nhọn hoắt lên thân thể nàng như những vết khâu. Tôi ngậm mút những trái ô-liu chín thẫm trên bầu vú nàng. Rồi chúng tôi làm tình trên tảng đá lộ thiên trơn nhẵn. Nơi đây tôi không gặp cơn ác mộng bị cắt phăng dương vật; nhưng sẽ luôn có một tai họa khác rình rập để trừng phạt tôi về tội tà dâm. Có điều khổ hình lại giáng xuống đầu Mary. Nàng bị trừng phạt vì tội lỗi của tôi. Tôi ôm riết Mary, tôi khao khát truyền sự sống vào nàng mà thân thể nàng cứ lạnh toát dần. Cần cổ nàng ứa máu. Nàng nấc không thành tiếng. Máu tuôn ọc từ vết cứa ngang cuống họng. Cơn khoái lạc của tôi tăng tốc theo sự mất máu của nàng cho đến khi đầu nàng lìa khỏi cổ và âm hộ nàng thắt lại lần cuối, không nhả tôi ra nữa.
Những hoang tưởng ma quái cứ thế ám ảnh tôi. Cũng có lần tôi tham gia vào vụ hãm hiếp tập thể với những người đàn ông khác trong thành phố. Họ là những nhân vật chức sắc, những người khoác áo chùng đen đạo mạo. Họ tổ chức cuộc hành lạc thành hai phần, xếp hàng chờ được ngủ với Mary, rồi sau đó lại luân phiên ném đá nàng để tăng thêm khoái cảm. Nàng nằm lả trên nền đá, băng huyết và cửa mình rách nát. Nhưng chẳng ai buồn quan tâm. Lời giảng ngày Chủ nhật đã trở nên kích thích cùng cực. Họ hành động say sưa theo tập quán, như thể họ đang mê đi và đang thực hành một nghi lễ sùng tín nhất.
&
Công việc của chúng tôi đã gần hoàn tất. Cuốn sách của loài người đang sắp thành hình. Mỗi tuần một lần Đức Giáo Chủ trèo lên đỉnh gác chuông, đưa thêm sách, dặn tôi chọn đoạn kinh này, bỏ cuốn kinh kia. Ngài vẫn kiểm tra những gì tôi viết. Tôi vẫn bị giằng xé giữa lời thề và lương thức của mình. Ngài không biết những gì tôi viết ra sẽ dẫn đến cái chết của tôi. Còn tôi thì đã chấp nhận viết cho đến chết dẫu đó là một số phận bi thảm không ai muốn.
Kinh thánh là một bài toán nhức đầu nát óc. Một bài toán có thể sai đáp số nhưng vẫn phải chấp nhận nó như đáp số duy nhất. Để soạn Kinh Thánh chúng tôi không chọn tính cộng mà làm tính trừ, trừ hết những gì khác biệt. Kinh Thánh không nên là một tập hợp của quá nhiều sự thật, như một phiên tòa là tập hợp của nhiều nhân chứng, như một bài toán là tập hợp của tất cả các phép tính. Kinh Thánh chỉ nên là 27 cuốn sách còn lại sau khi đã loại đi những kinh sách khác[6].
Nhưng tôi không thể trừ loại niềm tin và lương giác của mình. Nếu chúng ta có những định nghĩa khác nhau về niềm tin, thì mẫu số chung của niềm tin là gì? Chẳng lẽ không thể có mẫu số chung mà chỉ có hiệu số của một bài toán trừ bất tận, niềm tin này trừ khử niềm tin kia? Niềm tin nào giá trị hơn niềm tin nào? Niềm tin thắng thế của kẻ mạnh chăng? Đây là điều dễ hiểu. Đức Giáo Chủ là người mạnh vì cái nhìn của ngài thấu suốt tương lai thêm nhiều ngàn năm nữa. Còn cái nhìn của tôi bị giới hạn trong căn gác này, giữa những cuốn kinh đầy bụi và những tiếng nói tắc nghẹn của quá khứ. Tiếng nói của những cái đầu bị chặt.
Cuốn kinh thánh chúng tôi đang soạn sẽ tồn tại như một niềm tin tuyệt đối.
&
Và là niềm tin sau cùng.
Tín Giáo sẽ thiêu đốt, sẽ tận diệt Tri giáo trong một chuyến hành hương về Jerusalem, đánh dấu một bình minh mới cho niềm tin của chúng tôi. Một tháng trước lễ Phục Sinh, Giáo Chủ ra lệnh chuyển hết kinh sách tà đạo về vườn Gethsemane để chất lên giàn hỏa. Ngài nói:
“Tro sách này sẽ rải đều những gốc cây trong vườn và bón cho cây tươi tốt. Những cây ô-liu và cây dẻ sẽ lớn mạnh, chúng sẽ thành cổ thụ ngàn năm và tỏa bóng mát đến những đời sau. Bóng của chúng sẽ vượt qua biển lớn. Hạt giống của chúng sẽ lan tràn. Và niềm tin sẽ thuộc về Tín Giáo của chúng ta.”
Đức Giáo Chủ khéo chọn. Vườn Gethsemane là nơi Giuđa bán Chúa ngày trước. Việc ngài chọn nơi này để đốt kinh khiến tôi nghi ngại. Tại sao không phải khu vườn sau chủng viện, hay quảng trường bên dưới, mà lại là Gethsemane? Từ đây đến Gethsemane là một hành trình diệu vợi. Mà Gethsemane là nơi từng chứng kiến sự phản bội tối thượng trong lịch sử loài người. Tại sao lại phải quay về đó?
Tối hôm đó tôi cầu nguyện Chúa rất lâu. Tôi khóc và xin Chúa phán với tôi, xin Chúa khuyên tôi phải làm gì, tôi phải chọn lựa điều nào, để cứu vãn sự hủy hoại sắp sửa xảy ra. Tôi khóc rất lâu, vì đã lâu rồi tôi không khóc, nước mắt tôi tích lũy nhiều năm ròng để chờ một dịp như thế này đổ xuống.
Rồi tôi nghe một tiếng nói ở trong đầu, một tiếng nói ở bên trong, từ một nơi rất sâu, có thể nằm sau lồng ngực, có thể sâu hơn thế, sâu hút hoắm như biển thẳm. Tiếng nói ấy bảo: “Này người kia, chỉ có ngươi mới cứu được ngươi. Hãy dùng lương thức và tri giác của ngươi. Hãy chôn những bí mật và quên chúng đi. Hãy phó mặc chúng cho bất trắc và quên lãng.”
&
Những ngày sau đó tôi thức trắng đêm để dịch kinh. Tôi dịch tất cả những cuốn kinh Tri giáo mà Giáo Chủ chắc chắn sẽ đốt đi. Đức Giáo Chủ giỏi tiếng La-tinh, tiếng Do Thái và tiếng Hy-lạp nhưng cũng may ngài không biết tiếng Ả-rập và tiếng Ai Cập cổ xưa mà vùng này ít người thông thạo[7].
Tôi chuyển linh hồn Mary sang một thân xác mới. Một thân xác có đủ đầu lẫn mình. Thân xác này sẽ nằm ẩn trong kinh, giữa những ký tự vòng vèo mà Giáo Chủ sẽ tưởng là sách dạy về bùa chú. Tôi vừa dịch kinh dưới ánh nến vừa nghĩ tới tháp Babel của Đức Chúa Trời, tới những mâu thuẫn gay gắt giữa màu da và chủng tộc. Tôi nghĩ đến sự diệu kỳ của ngôn ngữ. Những tiếng nói đa chủng tưởng như một trừng phạt, nhưng trở thành nơi lánh nạn của niềm tin. Chúa đã tạo ra Babel và tạo ra tôi, để làm điều Chúa muốn.
câu chuyện ngoài vườn Gethsemane
Ngoài vườn Gethsemane hai ngày trước lễ Phục Sinh. Nắng ngả màu xanh úa trên bãi cỏ. Khu vườn tỏa ra vẻ già nua dù đang mùa xuân và cây lá đang hồi tươi tốt nhất.
Những chồng sách bìa da giấy cói đã xếp gọn trên giàn hỏa. Tôi đi ngang qua chúng, như đi giữa những phế thải hôm nay và lửa thánh ngày mai.
Những hàng cây ô-liu chín mọng dẫn đường đến tảng đá lấp mộ Giêsu.
Một bên tôi là Đức Giáo Chủ và bên kia là bóng ma của Mary. Chúng tôi ba người mà chỉ có hai chiếc bóng. Bóng hai chúng tôi đôi lúc nhập vào nhau lúc giữa trưa, khó tách biệt như lời thề và bội phản. Nhưng sự phản bội không đến đột ngột như tôi sợ. Nó đến từ từ, mỗi ngày nó tiến lại gần hơn. Sự phản bội biết cách ngụy trang, nó đến như một chiếc hôn bí nhiệm yêu dấu nhất.
Chúng tôi ngồi nghỉ chân trên tảng đá phẳng nằm khuất dưới những vòm cây góc vườn. Nơi đây Giêsu đã khóc và cầu nguyện trong cơn thống khổ. Chúng tôi gọi nó là tảng đá hấp hối. Ánh nắng trưa Gethsemane nhuộm màu xanh lợt của lá ô-liu, màu đen dịu của chùm trái chín, hòa thành một màu vàng ngọt óng của mật ong. Ánh sáng thiên thần đổ xuống mái tóc bạch kim của Giáo Chủ lấp lánh như tơ, rủ xuống vầng trán khắc khoải của Ngài. Bằng một giọng cực kỳ trìu mến, ngài âu yếm gọi tên tôi rồi khẽ bảo:
“Lại đây nào.”
Hơi thở ngài gấp rút.
Tôi đến gần, quỳ xuống, úp mặt vào vạt áo ngài. Một hồi lâu, úp mặt xuống nhưng tôi vẫn thấy màu nắng sáng lóa đàng sau, ánh nắng ràn rụa khắp thế gian và chảy khắp người tôi nóng ran. Tôi biết đây là lần cuối. Một cơn gió mát thoảng qua, rất nhẹ mà làm lay chuyển những cây cổ thụ ngàn năm. Những thân cây đã từng chứng kiến cảnh tượng rợn người, bây giờ chúng lên cơn giận dữ, nhấc khỏi mặt đất, đòi tự trốc gốc rễ mình. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa lớp áo chùng. Tôi chăm chỉ hơn và tận tình hơn bao giờ, tôi hiểu ý ngài, và phục vụ ngài với tất cả nỗi tận tụy của một tên nô lệ. Ngài cũng đang yếu đuối. Bàn tay ngài uể oải lùa nhẹ vào tóc tôi, mơn man da đầu tôi. Giây phút này chúng tôi sẽ nhớ mãi, dù không ghi vào sách, cũng không ghi vào đời. Nó chỉ tồn tại giữa hai chúng tôi. Nó là gạch nối. Nó như lời thề. Những cơn co giật của Giáo Chủ cũng dữ dội như những cây cổ thụ ngoài sân. Người tôi cũng nóng hực run rẩy. Tôi nhớ Mary, nhớ những lần chúng tôi vụng trộm, tôi khao khát nàng với nỗi khát ngang hàng sự chết. Giáo chủ lần tay vào áo tôi, ngài rà soát thân thể tôi, nhưng điều ngài tìm kiếm không còn thuộc về tôi nữa. Nó đã bị âm hộ Mary giam giữ. Bàn tay Giáo chủ đè nặng, uy quyền ngài bấu nghiến bả vai tôi. Tôi cứng người, cảm nhận lưỡi kiếm mỏng tang, hơi lạnh sắc mỏng tang, sự vô hình mỏng tang đang lướt dọc theo gáy. Ngài chỉ cần buông tay…
sự phản bội tuyệt đối
Buổi tối cuối cùng trên căn gác mà tôi đã hứa nguyện cột chặt cuộc đời, tôi xếp những cuốn kinh mới dịch sang tiếng Ai Cập vào tay nải. Tôi mang theo một bộ áo thường dân để thay dọc đường và số tiền nhỏ tôi có. Bên trong lớp áo chùng đen là tấm bản đồ dẫn ra sa mạc và Biển Đỏ.
Lộ trình của tôi vòng vèo, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải nước xanh nhức mắt. Tôi băng qua Biển Chết. Đến bờ biển phía tây bắc tôi cho kinh sách vào những bình đất nung cao cổ, chôn rải rác trong những hang động khô khan đầy hơi muối. Mười bốn thế kỷ sau một con dê nhỏ sẽ đi lạc vào đây và nhờ vậy người chăn dê sẽ tìm thấy chúng. Rồi tôi băng qua núi Sinai, đến Ai Cập. Ở đây tôi đào hố chung quanh ngôi làng Nag Hammad và giấu hết số kinh còn lại trong cát. Đến năm 1947 sẽ có người đào được tất cả những bí mật này. Những cuốn kinh lúc đó đã tả tơi, lật mạnh sẽ tan thành bụi. Những cuốn kinh sẽ qua tay nhiều lái buôn đồ cổ trước khi đến bên kia biển lớn. Ở đó sẽ có người đọc được thứ chữ này, họ sẽ nhận ra nét bút của tôi, nếu đó là ý Chúa.
&
Còn cuốn kinh của riêng tôi, tôi đã chôn nó trong khu vườn đá ở phía nam chủng viện. Sau này người ta sẽ gọi nó là cuốn Phúc âm Phản bội. Dầu sự phản bội không phải ý tôi. Nếu Chúa không cho phép thì sự phản bội không thể xảy ra. Con người sinh ra chỉ để làm điều nó phải làm. Chúa đã tạo Giuđa để làm điều Chúa muốn. Sau này, những cây dẻ ngoài vườn Gethsemane đã kể lại tôi nghe cuộc đối thoại rất cảm động giữa Giuđa và Chúa.
Chúa phán:
“Giuđa ngươi hãy bán ta đi, để giải thoát linh hồn ta khỏi thân xác này, để ta làm trọn điều ta phải
làm.”
Giuđa nói:
“Lạy Chúa, xin tha cho tôi, đừng bắt tôi phản Chúa, kẻo linh hồn tôi sẽ bị nguyền rủa đời đời.”
Chúa nói:
“Người nào giúp ta trở nên bất tử, người đó cũng sẽ bất tử cùng ta.”
Giuđa nói:
“Lạy Chúa, tôi hiểu rồi, Chúa muốn tôi hy sinh vì Chúa, để Chúa hy sinh vì người khác. Tôi xin nhận lãnh sứ mệnh này. Tôi nguyện làm cái bóng muôn đời của Chúa.”
Đó là lời cuối trước khi Giuđa đi bán Giêsu lấy 30 miếng bạc, rồi thắt cổ tự tử chết. Đó là một cái chết được sắp đặt trước. Toàn bộ thánh kinh Tân ước lấy cảm hứng từ cái chết này. Tín Giáo của tôi cũng chịu ơn sự phản bội này. Nếu không có Giuđa, Tín giáo chúng tôi biết tin vào điều gì đây?
Những cây dẻ và những cây ô-liu sẽ nói:
“Giá của một niềm tin tuyệt đối là sự phản bội tuyệt đối.”
&
Ai sẽ tin lời những cái cây này, ngoài tôi ra?
Tôi muốn đi tìm Giuđa để hỏi cái giá thật của sự phản bội, là 30 miếng bạc hay sự bất tử đời đời. Nhưng sau khi chôn xong cuốn kinh cuối thì tôi đổi ý. Việc chôn kinh khiến tôi gần mất trí. Tôi tưởng mình đã nhúng tay vào một vụ chôn cất tập thể, tôi tưởng mình đã chôn đến người thân yêu cuối cùng. Tôi tưởng tôi đã chôn chính tôi. Thần kinh tôi bị suy sụp gần như mất hết ý chí sống. Tôi không biết đi đâu, sống cách sống nào, tin vào điều gì… Một ý tưởng nào đó đang đầu độc tôi.
Thoạt đầu tôi ngồi trên vũng cát sa mạc giữa trưa, cổ họng khô rát dưới mặt trời sáng rỡ, mắt bắt đầu thấy những ảo giác đẹp đẽ. Chung quanh tôi cát vàng đang biến thành thời gian, chảy ùa đến chỗ tôi ngồi. Những con đường trên thế gian tan vào trong cát. Trái đất là một bãi mênh mông không lối đi. Tôi chẳng cần đi đâu. Tự tôi đã là khởi đầu và là kết thúc. Trong khi đó muốn tạo ra một lối đi tôi phải gượng dậy, phải lê lết, phải rạch một đường mòn bằng thân xác kiệt quệ. Tôi không còn sức để đi nữa. Tôi quay đầu nhìn lại và thấy mình đứng ở điểm khởi đầu nhìn tới – chúng tôi đối diện nhau qua chiều dọc con đường.
Cũng có khi tôi đi tất cả mọi nơi cùng lúc và sống mọi cách sống cùng lúc trong cái đầu hỗn loạn của tôi. Nhiều người cũng làm như vậy và thế giới trở nên chằng chịt những con đường cho đến khi những con đường tràn vào nhau và biến trái đất thành nhẵn thín như không có đường (như khi chúng ta dùng bút chì tô đậm một hình tròn). Tôi đi lang thang trên các nẻo đường, chờ đón thanh gươm vô hình của Giáo chủ đang bay đi tìm tôi. Thanh gươm ấy ở khắp nơi. Nó có mắt. Nó đã làm thế gian này điên đảo. Nhưng khi nó tìm thấy tôi, nó sẽ dừng lại, nó sẽ ghim vào đầu tôi và ở đó mãi mãi. Tôi sẽ sống để mà chờ nó.
Cũng có khi tất cả những con đường cổ xưa lại hiện ra, nhưng đó là những con đường chết. Không ai có thể đi tới mà chỉ có thể bước lui. Hình thức di chuyển duy nhất là xoay lưng đi ngược. Thử thách này đòi hỏi lòng tin tuyệt đối. Tôi cũng muốn thử sức nên đã quay lưng lần hồi về lại thế giới cũ. Tôi đi nghịch chiều không gian trong lúc đó thời gian vẫn đang tiếp diễn về phía trước (tôi biết điều này vì tôi vẫn đang già đi), và mọi hiện hữu ở giữa bị kéo dãn đến độ đứt lìa. Khi tôi trở lại chủng viện thì mọi thứ đã gần biến mất. Những cuốn kinh trên căn gác cổ đang trở về hư vô. Chỉ còn lại một bản kinh thánh cuối rách nát nằm chờ lửa liếm trên sàn gỗ. Để cứu vãn nó khỏi chu trình tàn hủy tôi phải học thuộc lòng hết cuốn kinh, tôi phải đọc lui từng chữ một, đọc từ cuối lên đầu, đọc từ sau về trước. Hành trình đọc hết thánh kinh để tìm ra chân lý là sáu ngàn năm đi ngược[8].
Cuối cùng tôi cũng vượt qua được thử thách này.
4/21/08
chú thích:
1. Phúc âm của thánh Mathew.
2. Gnostic – bắt nguồn từ chữ Gnosis – tiếng Hy Lạp nghĩa là kiến thức. Tri Giáo như con đường giác ngộ, quan niệm rằng con người bằng lương thức và tri giác sẽ tái hợp và hòa nhập cùng Thượng Đế, như Giêsu đã đạt được.
3 Trong sách Phúc âm của Mary Magdalene (Tri Giáo), Phê-rô đã nói với Giêsu: Hãy nói Mary đi khỏi chúng tôi, vì đàn bà không xứng đáng được sự sống.” Mary nói với Chúa: “Phê-rô làm tôi sợ. Phê-rô hăm dọa tôi và thù ghét giới chúng tôi.” (Phúc Âm Đối Thoại Pistis Sophia)
4. Việc xảy ra vào năm 591, Giáo Hoàng Gregory Vĩ Đại tuyên bố điều này trong nhà thờ Basilica San Clemente ở La Mã.
5. Lời của Giáo Hoàng Gregory trong bài giảng. Mãi đến năm 1969 Vatican mới lần đầu lên tiếng cải chính, xác nhận Mary Madaglene không phải người đàn bà tội lỗi trong sách Luke (Luca). Năm 1988 Giáo Hoàng John Paul II tuyên phong Mary Madaglene là “tông đồ của các tông đồ” trong văn bản chính thức của Giáo Hội.
Nhưng Mary vẫn tiếp tục bị xử dụng như một biểu tượng về tội lỗi và tình dục, như gái điếm trong nhạc kịch Jesus Christ Superstar; hay gần đây cuốn The Da Vinci Code của Dan Brow đã tiểu thuyết hóa Mary chỉ với khía cạnh giới tính và dục tính.
6. Tổng cộng các sách Phúc Âm trong Tân Ước là 27 cuốn.
7. Những văn bản tìm thấy sau này viết bằng tiếng Cóp-tích, là tiếng Ai-cập viết bằng mẫu tự Hy-lạp.
8. Lần theo manh mối của thánh kinh thì trái đất và Adam đã xuất hiện khoảng 6,330 đến 6,576 năm, vào thời điểm 4,416 năm trước Công nguyên.