Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.754
 
Thi sĩ thành Baalbek
Kahlil Gibran

Nguyễn Ước dịch và ghi chú

 

Sarkis Effandi, một bằng hữu thân thiết của Gibran, là người được giới trí thức xứ Li-băng đánh giá rất cao. Ông làm chủ nhiệm một nhà xuất bản và nhật báo tiếng A Rập Lisan-Ul-Hal. Vào năm 1912, Liên minh Cấp tiến A Rập (Arab League of Progress), một tổ chức được thành lập nhằm cổ vũ cho nền văn hóa và sự đồng nhất A Rập, quyết định vinh danh Khalil Effandi Mulran, một nhà thơ lớn người Li-băng.

            Là người đứng đầu ủy ban vinh danh, Sarkis Effandi gởi lời mời Kahlil Gibran sang Beirut tham dự buổi lễ tuy lúc này bạn mình đang ở tận New York.  Nhận lời mời nhưng không thể đi, Gibran gởi cho Sarkis một câu chuyện, dặn Sarkis nhân danh ông, đọc trước mặt người được vinh danh.

            Trong câu chuyện dành để tán tụng Halil Effandi Mulran này, Gibran bộc lộ niềm tin của mình vào sự chuyển nhập thể của linh hồn, và ngợi ca linh hồn vĩ đại đã đầu thai vào nhà thơ vĩ đại ấy.

 

 

Tại thành Baalbek*

năm 112 trước Công nguyên

 

            Phó vương* ngự trên ngai vàng, chung quanh ông những chùm đèn chiếu sáng lung linh cùng các lư trầm mạ vàng toả hương thơm ngát ngập tràn cung điện. Bên mặt và bên trái ông là các thượng tế và các thủ lĩnh. Đằng trước ông là các nô lệ và thị vệ xếp theo hàng ngũ và đứng rất thẳng, bất động như những tượng đồng trước dung nhan mặt trời.

            Khi ca công vừa dứt tiếng hát các điệu nhạc đầy âm vang, quan tể tướng cao niên bước ra, tới đứng trước mặt Phó vương và tâu bằng giọng hài hòa với sự tĩnh lặng của tuổi tác mình:

            - Tâu Vương gia vĩ đại và đầy lòng thương xót, hôm qua trong kinh thành vừa có một hiền giả đến từ Ấn Độ. Ông ấy là kẻ tin vào tính chất đa dạng của các tôn giáo và cũng là kẻ đề cập tới những điều lạ thường khó hiểu nổi. Ông ấy rao giảng một lý thuyết nói tới sự chuyển nhập thể của linh hồn và sự luân hồi của các thần khí, di chuyển từ thế hệ này sang thế hệ nọ trong lúc tìm kiếm hóa thân ngày càng toàn hảo hơn, cho tới khi trở thành một bậc như thần linh. Hiền giả ấy xin được yết kiến ngài để giải thích về học thuyết của mình.

            Mỉm miệng cười, Phó vương gật đầu và phán:

            - Từ Ấn Độ xuất hiện nhiều điều kỳ lạ và kỳ diệu. Truyền cho hiền giả ấy vào để ta có thể nghe được ngôn từ minh triết của vị ấy.

            Lời đó của Phó vương vừa thốt lên, lập tức một người đàn ông trọng tuổi, da ngăm đen, bước khoan thai và đầy phẩm cách vào, và đứng trước ngai vàng. Đôi mắt nâu lớn của hiền giả tự nó đã nói lên nhưng bí nhiệm thẳm sâu. Ông cúi mình rồi ngước mặt với ánh mắt long lanh, và bắt đầu phát biểu.

            Hiền giả trình giải làm thế nào các linh hồn đi từ thể xác này sang thể xác khác, được thăng tiến nhờ hành động thiện hảo của mỗi thể nhân trung gian do chúng chọn và được ảnh hưởng bởi trải nghiệm của chúng trong từng cuộc hiện sinh; đang khao khát hướng tới sự huy hoàng tráng lệ, nâng cao chúng và củng cố sự tăng trưởng của chúng bằng Yêu thương, cái khiến cho chúng vừa hạnh phúc vừa khốn khổ...

            Kế đó, nhà hiền triết nói rất dài về việc làm thế nào các linh hồn xê dịch từ chốn này sang chốn khác trong cuộc truy tầm sự toàn hảo, đền trong hiện tại những tội đã phạm trong quá khứ và gặt trong kiếp sống này những cái đã gieo trong kiếp sống kia.

            Nhận thấy trên dung nhan của Phó vương có dấu hiệu bứt rứt và mỏi mệt, quan tể tướng cao niên thì thầm với hiền giả:

            - Ngài nói lúc này như thế đủ rồi; xin để phần thuyết giảng còn lại cho cuộc họp mặt lần tới.

            Nghe vậy, hiền giả lùi khỏi tầm mắt của Phó vương và đến ngồi chung với các tư tế tế cùng các thủ lĩnh. Ông khép đôi mắt mình lại như thể thấm mệt khi nhìn những chốn sâu thẳm của Cuộc hiện sinh.

            Sau khoảnh khắc thinh lặng sâu lắng tựa trạng thái xuất thần của một ngôn sứ, Phó vương đưa mắt nhìn hết bên phải sang bên trái rồi thắc mắc:

            - Đâu rồi thi sĩ của chúng ta, đã nhiều ngày nay không thấy bóng dáng chàng? Điều gì xảy ra cho chàng vậy? Mọi khi, chàng vẫn luôn luôn tham dự các cuộc họp mặt của chúng ta.

            Một tư tế trả lời rằng:

            - Mới tuần lễ trước đây, thần còn thấy chàng ngồi dưới mái cổng đền thờ thần nữ Ishtar*, đôi mắt đờ đẩn và xót xa đăm đăm nhìn hoàng hôn diệu vợi như thể có một bài thơ của chàng đang thất lạc giữa mây trời.

            Và một thủ lĩnh thưa:

            - Hôm qua, thần trông thấy chàng đứng dưới bóng mát của cây dương liễu và cây tùng bách. Thần cất tiếng chào nhưng chàng chẳng để ý, tiếp tục đắm mình trong đại dương trầm tư mặc tưởng sâu thăm thẳm.

            Lúc ấy, Tổng quản Thái giám tâu:

            - Hôm nay, thần thấy chàng trong ngự uyển, vẻ mặt xanh xao phờ phạc với tiếng thở dài và đôi mắt đẫm lệ.

            Phó vương ra lệnh:

            - Hãy đi kiếm cho bằng được linh hồn bất hạnh ấy, vì sự thiếu vắng chàng làm chúng ta phiền muộn.

            Vâng lời phán bảo, các nô lệ và thị vệ rời nội điện, đi tìm thi sĩ, trong khi đó Phó vương cùng các tư tế và các thủ lĩnh cùng nhau ở lại trong triều đợi những kẻ tìm kiếm trở về. Linh hồn của họ như thể cảm thấy ở giữa mọi người đang có sự hiện diện vô hình của chàng thi sĩ ấy.

            Chưa được bao lâu, Tổng quản Thái giám quay lại và sấp mình dưới chân Phó vương, như con chim vừa trúng mũi tên của một cung thủ. Phó vương lập tức quát lên:

            - Đã xảy ra chuyện gì... Ngươi sắp tâu điều gì?

            Người nô lệ ấy ngước mặt trông lên và nói với giọng run lẩy bẩy:

            - Chúng thần vừa tìm thấy chàng thi sĩ ấy đã qua đời trong ngự uyển.

            Phó vương liền nhỏm dậy, và trong xót xa, vội vàng đi tới ngự uyển; dẫn đầu là những kẻ cầm đuốc và theo sau là các tư tế cùng thủ lĩnh. Mãi tận cuối vườn, bên hàng cây hạnh đào và cây lựu, ánh đuốc sáng vàng vọt soi cho họ thấy tận mắt một người tuổi trẻ vừa chết. Thi thể chàng nằm trên thảm cỏ xanh thẳm trông như một đóa hồng rủ cánh.

            Một cận thần của Phó vương lên tiếng:

            - Xin hãy nhìn cảnh chàng ôm chặt cây độc huyền cầm của mình như hai kẻ yêu nhau nguyện cùng chết bên nhau.

            Một cận thần khác nói:

            - Chàng vẫn như lúc còn sống, nhìn đăm đăm vào tâm điểm của không gian. Dường như chàng vẫn dõi theo các chuyển động vô hình của một thần linh vô tri kiến giữa các hành tinh.

            Một thượng tế tâu lên Phó vương rằng:

            - Ngày mai chúng ta sẽ mai táng chàng như một nhà thơ vĩ đại trong bóng râm của đền thờ thần nữ Ishtar. Xin để cho dân chúng kinh thành đi trong đám tang của chàng trong khi các thanh niên ngâm lên những bài thơ của chàng và các thiếu nữ tung hoa lên mộ phần chàng.

            Phó vương gật đầu, ánh mắt vẫn không rời khuôn mặt nhà thơ trẻ tuổi xanh xao dưới chiếc mạng nhợt nhạt của thần chết vừa đắp lên.

            - "Chúng ta đã lơ là linh hồn thuần khiết này khi chàng còn sống, còn làm vũ trụ chan hòa với hoa trái trí tuệ chàng sáng chói và còn trải khắp không gian mùi hương của linh hồn chàng thơm ngát. Nếu lúc này không vinh danh chàng, chúng ta sẽ chịu sự trách móc thóa mạ của các thần nam và thần nữ các đồng cỏ và các thung lũng.

            "Hãy an táng chàng ngay nơi chàng trút hơi thở sau cùng và hãy đặt cây huyền cầm ở mãi giữa đôi cánh tay chàng. Nếu muốn vinh danh chàng, nếu muốn bày tỏ lòng xót thương cùng ngưỡng mộ chàng, các khanh hãy kể cho con cái mình biết chuyện Phó vương đã không chăm sóc chàng, và đó là nguyên cớ khiến chàng chết trong quạnh hiu khốn khổ."

            Kế đó, vương gia hỏi:

            - Đâu rồi hiền giả đến từ Ấn Độ?

            Và hiền giả bước ra, lên tiếng rằng:

            - Tôi đây, thưa Phó vương cao cả.

            Và Phó vương đưa lời hỏi rằng:

            - Hỡi nhà hiền triết, hãy nói cho chúng tôi biết các thần linh có bao giờ làm cho tôi được qui hồi thế giới này và mang chàng thi sĩ đã từ trần này về lại cuộc đời? Thần khí của tôi có sẽ luân hồi vào thân xác con trai của một quân vương vĩ đại, và linh hồn của nhà thơ này có thể chuyển kiếp vào thể xác của một bậc thiên tài khác? Lề luật thiêng liêng có sẽ làm cho chàng đứng trước tôn nhan của Vĩnh cửu để chàng có thể viết ra những bài thơ của Sự sống? Chàng có thể sẽ được phục hồi để ta có cơ hội vinh danh chàng và tỏ bày lòng thương mến ngưỡng mộ chàng bằng cách tuôn như mưa lên chàng những tặng phẩm quí báu cùng những phần thưởng trân trọng, để con tim chàng sinh động và linh hồn chàng dậy niềm hứng khởi?

            Và hiền giả đáp lời Phó vương rằng:

            - Linh hồn ta khao khát điều gì thì thần khí ta sẽ đạt được điều đó. Hỡi Vương gia vĩ đại, xin hãy nhớ rằng Lề luật thiêng liêng, cái phục hồi vẻ đẹp siêu phàm của Mùa xuân khi Mùa đông qua đi, sẽ đặt ngài trở lại ngôi vị một hoàng tử và chàng trở lại địa vị một thi sĩ thiên tài.

            Niềm hy vọng của Phó vương được sống lại và trên mặt ông xuất hiện những dấu hiệu hân hoan. Ông vừa cất chân đi về phía cung điện vừa suy tưởng và chiêm nghiệm những lời của hiền giả ấy Linh hồn ta khao khát điều gì thì thần khí ta sẽ đạt được điều đó.

 

Tại Cairo, Ai Cập

Năm 1912 sau Công nguyên

 

            Trăng rằm hiện lên và trải y trang bằng bạc của nàng lên khắp kinh thành, Hoàng tử xứ ấy đang đứng nơi bao lơn cung điện, đăm đăm nhìn bầu trời trong vắt và suy nghĩ sâu lắng về các thời đại đã theo nhau đi qua bên bờ sông Nile. Dường như chàng đang ôn lại các đám rước của những dân tộc từng diễu hành với Thời gian, từ Kim tự tháp tới hoàng cung Abedine.

            Khi các ý nghĩ của Hoàng tử mở rộng chu vi của nó và dàn trải theo cảnh giới mộng tưởng, ông nhìn sang một bằng hữu tâm giao đang ngồi kế bên và nói:

            - Đêm nay, linh hồn tôi khát; bạn hãy ngâm cho tôi nghe một bài thơ.

            Và người bạn thân thiết cúi đầu lĩnh ý, bắt đầu ngâm một bài thơ thời tiền Islam*. Nhưng y mới ngâm được mấy khổ thơ, Hoàng tử liền ngăn lại và nói:

            - Hãy cho ta nghe một bài thơ đương đại, một bài thơ mới đây.

            Và người bạn tâm giao lại lĩnh ý cúi đầu, bắt đầu ngâm những câu thơ do một thi sĩ Hadramount* sáng tác. Hoàng tử thêm lần nữa ngăn lại và nói:

            - Mới hơn nữa, một bài thơ gần đây hơn nữa.

            Người ngâm thơ đưa tay sờ vào trán mình như đang cố sức gợi lên từ ký ức một bài thơ được các nhà thơ đương đại sáng tác. Thế rồi đôi mắt y lấp lánh, vẻ mặt rực sáng và y bắt đầu ngâm những câu thơ tuyệt vời với một cung điệu êm dịu, chứa chan âm hưởng.

            Trong mê mẫn và dường như cảm thấy có sự chuyển động của những bàn tay ẩn mật đang vẫy gọi mình từ cung điện của mình tới một miền đất xa xôi, Hoàng tử sôi nổi hỏi:

            - Kẻ nào viết nên những vần thơ đó?

            Và người ngâm thơ trả lời:

            - Thi sĩ thành Baalbek.

            Thi sĩ thành Baalbek là một danh xưng rất xa xăm, nó làm hiện lên trong ký ức của Hoàng tử những hình ảnh của một thuở đã ở trong cõi quên lãng. Nó làm thức dậy trong sâu thẳm của lòng chàng những bóng ma hoài niệm, và nó vẽ ra trước đôi mắt chàng những đường nét mù sương, lập thành bức tranh một người tuổi trẻ khi chết đôi tay còn ôm chặt cây huyền cầm, đứng chung quanh là các tư tế, các thủ lĩnh và các thượng thư.

            Như những giấc mộng bị ánh tinh sương xua tan, thị kiến ấy chẳng mấy chốc rời khỏi đôi mắt của Hoàng tử. Chàng đứng lên, cất bước đi tới cung điện, vòng tay trước ngực và lặp lại lời của Đức Mohammad, "Ngươi đã chết và Ngài mang ngươi trở lại cuộc đời, và Ngài sẽ trả ngươi về với sự chết và hồi phục ngươi. Rồi sau đó, ngươi sẽ trở về với Ngài."

            Kế đó, Hoàng tử nhìn người bạn tâm giao và nói:

            - Chúng ta may mắn có được Thi sĩ thành Baalbek trong xứ sở mình, và chúng ta xem mình có nghĩa vụ tuyệt đối vinh danh và kết giao bằng hữu với chàng.

            Sau vài khoảnh khắc thinh lặng và tôn kính, tương xứng với lời vừa phát biểu, Hoàng tử nói thêm bằng giọng trầm lắng:

            - Thi sĩ là loài chim với phong thái lạ thường. Từ cảnh giới cao vời vợi, chàng giáng ha,ï lưu lại giữa chúng ta và hát ca; nếu chúng ta không vinh danh chàng, chàng sẽ xoãi cánh bay trở về cõi ở của mình.

 

            Đêm qua đi, bầu trời dủ hết y trang nạm bằng những ngôi sao và mang vào mình y phục dệt bằng sợi nắng mai khoẻ khoắn. Và linh hồn của Hoàng tử đong đưa giữa những kỳ diệu lạ thường của Cuộc hiện sinh và những bí nhiệm ẩn mật của Sự sống.

 

Ghi chú:

*Baalbek. Nay là một thị trấn trong thung lũng Beaka của Li-băng. Thời Đế quốc La Mã, nó có tên là Heliopolis, một trong những linh địa rộng lớn nhất nhiều kỳ quan nhất của đế quốc ấy.

*Phó vương. Emir. Người cai trị một tỉnh thời cổ đại hay một vùng đất thuộc một đế quốc rộng lớn, thay mặt cho Đại đế ở kinh đô. Phó vương thường là một hoàng tử, hoàng thân hay viên thượng quan được hoàng đế ở trung ương bổ nhiệm.

*Ishtar. Nữ thần của người Assyria và Babylonia cổ đại, về phồn thực, tình yêu và tính dục.

*Tiền Islam. Từ thế kỷ thứ 6 về trước, trước khi Hồi giáo xuất hiện.

*Hadramount. Vùng đất lịch sử ở Bán đảo A Rập, dọc theo Vịnh Aden tại biển A Rập, trải rộng tới phương đông từ Yemen tới biên giới của vùng Dhofar thuộc Oman./.

Nguồn: Kahlil Gibran toàn tập. Nguyễn Ước dịch và soạn, sắp xuất bản.

 

Kahlil Gibran
Số lần đọc: 1726
Ngày đăng: 19.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Buổi Chiều Đang Hết - Đặng Kim Côn
Đi Tìm Bản Kinh Thánh Cuối - Đặng Thơ Thơ
Làng Những Người Độc Thân - Trần Minh Nguyệt
Mẹ Và Em - Trần Yên Hòa
Mộng - Lê Văn Thiện
Chí Phèo đi dự Pestival - Hoàng Xuân Hoạ
bắt hến ở hồ isabella - Phùng Nguyễn
Truyện Hai Pho Tượng - Thảo Trường
Thần quyền - Dương Đức Khánh
Chàng Ngốc - Lâm Bích Thủy