Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.278
 
Sự Thật Về Giải Thưởng Âm Nhạc Hoà Bình Thế Giới
Sâm Thương

Cùng viết với Trần Vân Mai, Phạm Văn Đỉnh *

 

Vì thỉnh thoảng đây đó cũng còn thấy có tác giả[1] nói tới “giải” WPMA như là một vinh dự to lớn đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nền âm nhạc Việt Nam, thậm chí như một một giải Nobel hoà bình về Âm nhạc[2] do một tổ chức quốc tế tên tuổi trao tặng nên chúng tôi thấy có bổn phận phải phổ biến những sự việc sau đây, cập nhật từ một bài (không đăng) đã viết hồi cuối tháng 3/2004 (“Giải Âm nhạc Hoà bình Thế giới là gì?” ) với những sự kiện được bổ sung sau khi dự buổi “trao giải” tại San-Francisco cuối tháng 9/2004, và sau khi đọc lại mấy trăm trang dữ liệu mà chúng tôi đã thu thập năm 2004 để đọ kiểm. Hy vọng đây là một việc làm hữu ích.

 

Đầu tháng 1/ 2004, người trong gia đình Trịnh Công Sơn từ Canada có chia tin mừng cho chúng tôi, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ nhận Giải thưởng Âm nhạc hoà bình thế giới (World Peace Music Award, hay WPMA), và giới thiệu trang mạng wpma.tv của tổ chức phát giải: quả là bất ngờ và quá lý thú! Rồi các báo Việt nam bắt đầu đua nhau đưa tin (5/1/2004), rồi họp báo ở New-York (3/2/2004), ở Hà nội (12/02/2004): ngày 26/06/2004, giải thưởng sẽ được trao tặng trong một buổi lễ âm nhạc khổng lồ kéo dài 5 tiếng đồng hồ tại Sân vận động Mỹ Đình cho khoảng 40000 khán giả và được truyền hình trực tiếp cho 2 tỷ người trên 210 nước qua các kênh độ nét cao (high definition).

 

Thật là vĩ đại, nhưng sau những phút hân hoan ban đầu chúng tôi không khỏi thắc mắc về giải thưởng này với tổ chức mang tên WPMA, nên đã cố gắng tìm hiểu, như có điều gì thôi thúc, có lẽ vì chúng tôi là bạn bè thân thiết của Sơn và là thành viên của Hội văn hoá Trịnh Công Sơn (Hội TCS). Tìm hiểu WPMA là gì, do ai chủ xướng. Và, quan trọng hơn, ý nghĩa của giải thưởng WPMA trong cộng đồng âm nhạc quốc tế? Thế rồi, càng đi sâu vào vấn đề, chúng tôi càng khám phá ra những bất ngờ, ngoài sự tiên liệu ban đầu.

 

*

Ngày 3.2.2004, WPMA tổ chức một cuộc họp báo để giới thiệu giải thưởng tại văn phòng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) mà, theo WPMA thông báo, nằm tại New York. Dù giải thưởng được phía tổ chức coi là rất quan trọng, nhưng các báo như New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, San Francisco Chronicle, Le Monde, Le Figaro… không có một dòng nhắc đến. Xem mấy tấm ảnh trên mạng wpma.tv, không nhìn ra dấu hiệu gì để nhận lộ được loại phòng họp hay địa chỉ, lại không thấy có công chúng báo chí, chỉ thấy có vài người (ban tổ chức và khách mời ?) ngồi ở bàn chủ toạ, đối diện với hình mẫu một chiếc máy bay quảng cáo hãng hàng không Nhật Bản (nhà bảo trợ?). Theo wpma.tv, buổi họp báo đã thông báo cho thế giới biết giải hoà bình 2004 lần này được trao cho sáu nhạc sĩ và nhóm nhạc sĩ: Bob Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez, nhóm Peter, Paul & Mary, Country Joe McDonald, và Trịnh Công Sơn

 

Ngày 12.2.2004, Ban Tổ chức Nghệ thuật-Biểu diễn và Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (WPMA) họp báo tại khách sạn Melia (Hà Nội) giới thiệu lễ trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới lần thứ 2 “với sự tham dự của đông đảo nhà báo trong và ngoài nước”: chính thức công bố chương trình trao giải thưởng sẽ tổ chức vào ngày 26.6.2004 tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội với sự chấp thuận của Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam.

 

WPMA CÓ HAY KHÔNG CÓ MỐI QUAN HỆ VỚI LIÊN HIỆP QUỐC, ĐẶC BIỆT LÀ VỚI UNESCO?

 

Sau những phút vui ban đầu, chúng tôi không khỏi không đặt ra những câu hỏi, giữa bạn bè, với các cơ quan có khả năng liên quan: giải này từ đâu rơi xuống?

 

Trang chủ của WPMA mang hai biểu tượng (logo): một của WPMA nằm bên trái, một của Liên Hiệp Quốc, nằm bên phải cùng với khẩu hiệu của LHQ “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ” (United Nations Millennium Development Goals). Đây là khẩu hiệu của UNDP (United Nations Development Program). Tổ chức WPMA thực sự có mối liên hệ gì với LHQ, hay UNESCO hoặc UNDP, những bộ phận chuyên đề của LHQ?

 

 (Hình!)

 

Thoạt mới nghe đến giải thưởng mang tên rất quốc tế và lại thấy logo LHQ trên trang chủ của WPMA, người đọc liên tưởng rằng WPMA trực thuộc vào UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), là tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá của LHQ. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy có những điểm trái nghịch nổi bật sau đây.

 

 Điều cần nói đến trước tiên là địa điểm: văn phòng UNESCO đặt tại Paris chứ không phải ở  New York, nên buổi họp báo của WPMA ngày 3.2.2004 nói trên, dựa trên 2, 3 tấm hình đăng trên wpma.tv, chúng tôi không nhận dạng được đã tổ chức ở văn phòng nào của trụ sở LHQ hay ở một khách sạn nào, nhưng chắc chắn không thể liên quan đến UNESCO. Hơn nữa, từ năm 1949 UNESCO đã thành lập một Hội đồng Âm nhạc Quốc tế đặc biệt duyệt xét và trao giải thưởng quốc tế về âm nhạc mang tên IMC-UNESCO (International Music Council -UNESCO) (1). Đáng chú ý là người Việt Nam đầu tiên nhận giải IMC-UNESCO là giáo sư Trần Văn Khê vào năm 1981 (2). Như vậy, UNESCO không có lý do gì thành lập thêm một giải thưởng âm nhạc thế giới khác nữa.  

 

Để làm sáng tỏ mối quan hệ này, vào ngày 12.1.2004 và ngày 3.2.2004, chúng tôi đã hai lần viết thư cho văn phòng Culturelink Network, là cơ quan ngôn luận của UNESCO, và IMC-UNESCO, là cơ quan âm nhạc của UNESCO tại Paris, với nội dung WPMA có trực thuộc vào UNESCO hay không. Và được trả lời như sau:

Culturelink Network không có quan hệ với tổ chức WPMA nói trên. Nhưng tôi đề nghị bà liên hệ trực tiếp với họ để hỏi. Bằng cách này bà sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Thân chào, Aleksandra Uzelac” (3).

 “Để trả lời câu hỏi của  bà: tôi xin thông báo rằng Hội đồng Âm nhạc Quốc tế không có liên quan đến WPMA. Kính chào, Silja Fischer” (4).

Như thế cả UNESCO và cụ thể IMC- UNESCO đều xác nhận rằng WPMA không dính líu gì đến họ.

 

Ngoài ra, có một chi tiết khác chúng tôi xin đưa dẫn ra sau đây, cũng để xác định LHQ không liên hệ gì với WPMA.Vào đầu tháng 5/2003, Đêm giỗ muộn do Hội-TCS tổ chức tại Paris, trong số người tới dự có ông Phạm Sanh Châu, đại sứ Việt Nam cạnh UNESCO. Ông Châu có nhã ý bàn với chúng tôi nên làm hồ sơ Trịnh Công Sơn để đề nghị với Giải thưởng âm nhạc của UNESCO và ông sẽ ủng hộ hết mình. Nhưng sau đó, trong khi Hội TCS đang nghiên cứu thể lệ, điều kiện v.v. để tiến hành thành lập hồ sơ, chúng tôi gặp lại ông Châu vào tháng sáu cùng năm ở Toulouse và được ông Châu cho biết sau khi xem xét lại, ông đã thấy một trong những điều kiện là nhạc sĩ được đề nghị phải là người còn sống. Trong khi đó thì giải thưởng WPMA lại không đòi hỏi tiêu chuẩn này. Phần khác, các trang mạng của Liên Hiệp Quốc hoàn toàn không thấy nói gì về WPMA.

 

Còn cơ quan UNDP, một bộ phận khác của Liên Hiệp Quốc, mang mục tiêu là xóa đói giảm nghèo trên thế giới một phần qua chương trình vi tín dụng, rõ ràng không liên quan gì đến âm nhạc hay nghệ thuật, và như vậy không thể cho ra đời một WPMA.

 

Như vậy, WPMA không trực thuộc vào LHQ, UNESCO, IMC-UNESCO hay UNDP. Tuy nhiên, WPMA vẫn cố tình sử dụng biểu tượng của Liên Hiệp Quốc, không chỉ trên trang mạng của họ, mà ngay cả trong danh thiếp của ông Matt Taylor và một vài thành viên của WPMA, mà chúng tôi được tận mắt nhìn thấy trong ngày giỗ lần thứ ba của Trịnh Công Sơn tối 1.4.2004, để cố tình gây hiểu lầm. Chỉ một điểm này thôi đã cho thấy WPMA làm việc thiếu phần đạo lý (business ethics), đưa đến câu hỏi kế tiếp là tổ chức này là ai và có đủ uy tín hay không để tự nhận trao giải thưởng cho các nghệ sĩ ưu tú trên thế giới?

 

Sau khi được các cơ quan trực thuộc LHQ xác nhận không có mối liên hệ nào giữa họ và WPMA, và do không tìm đâu ra nguồn thông tin độc lập nào về giải âm nhạc này nên chúng tôi không khỏi đặt ra nghi vấn, và có lưu ý bạn bè thân hữu biết, vì thế có thể đã gây sự hiểu lầm nào đó lúc ban đầu. Nhưng sau đó, báo chí tại Việt Nam  đã có cố gắng tìm hiểu thêm rõ hơn.

 

 

WPMA LÀ GÌ ?

 

Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới hay World Peace Music Awards (WPMA), vừa là tên gọi của giải thưởng, vừa là tên gọi của tổ chức, và vừa là địa chỉ của website: “ một website bình thưởng như hằng triệu website trên internet “ (5). Trang mạng này do một nhóm tư nhân thành lập, gồm Matt Taylor, người Mỹ cư ngụ tại Nhật, một nhà sản xuất phim truyền hình và ca nhạc (nhà sản xuất chính của WPMA), Miles Copeland, một người hoạt động công nghệ âm nhạc và Jay Coleman (đồng sản xuất), Narada Michael Walden, đạo diễn âm nhạc, Dick Carruthers, đạo diễn video. Đây là những tên tuổi hầu như mới chỉ được nói đến lần đầu tiên, và qua wpma.tv.

 

Theo lời Matt Taylor - nhà sản xuất chương trình WPMA, và cũng là người đề xướng giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới - trong buổi họp ngày 12.2.2004 tại khách sạn Melia (Hà Nội) cho biết: “Giải thưởng WPMA bắt nguồn từ ý tưởng khi xảy ra cuộc khủng bố đẫm máu lớn thứ hai trên thế giới tại thủ đô Bali, Indonesia. Khi chứng kiến những đoàn người biểu tình xuống đường chống chiến tranh, chúng tôi tự hỏi tại sao không có nghệ sĩ nào được tôn vinh vì những cống hiến âm nhạc của họ cho hòa bình. Chính họ đã đem lại nguồn cảm hứng bất tận cho hằng triệu, triệu người trên hành tinh, và thế là những nghệ sĩ gạo cội của ngành sản xuất âm nhạc đã nghĩ ra ý tưởng thành lập Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới nhằm tôn vinh những người đã phấn đấu vì hòa bình” (6).

 

Nhưng ông Lê Chức, Cục phó Cục Nghệ thuật - Biểu diễn, một trong những người được giao trách nhiệm tham gia công tác tổ chức thực hiện đêm biểu diễn sắp tới tại sân vận động Mỹ Đình theo như dự kiến, đã nói rất rõ khi được hỏi mục đích của lần trao giải đầu tiên:“Mục đích của nó được cơ quan chức năng của ta thẩm định rất rõ ràng. Do vụ khủng bố ngày 12.10.2002 tại Bali, hình ảnh của Indonesia giảm sút nhiều đối với khách du lịch, doanh nhân và các nhà đầu tư  nước ngoài. Trong tình hình như vậy, chính phủ Indonesia đã giao cho Bộ Văn hóa và Du lịch tìm cách để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhằm đạt mục tiêu 4,5 tỉ USD cho năm 2003. Vì vậy, chính phủ nước này đã tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hội nghị quốc tế, các cuộc biểu diễn nghệ thuật và các tuyến du lịch có khuyến mãi tới Bali để lấy lại lòng tin của khách. Và Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới lần thứ nhất ở Bali cũng không ngoài mục đích đó” (7).

Qua trả lời phỏng vấn của ông Lê Chức, dường như mục đích của WPMA có tính cách kinh doanh du lịch chứ không giống như ông Matt Taylor đã cố gắng vẻ vời.

 

Đồng thời, bài phỏng vấn này cũng cho thấy tổ chức WPMA đã không trung thực khi chính ông Lê Chức cho biết: “Theo lời ông Matt Taylor, lần trao giải đầu tiên diễn ra vào tháng 6 năm ngoái (2003) ở Bali, bà Megawati Sukarnoputri, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia là người trực tiếp gửi thư mời và các nghệ sĩ đến tham dự lễ trao giải thưởng và có mặt trong buổi lễ đó. Chương trình đã được truyền hình trực tiếp đến 1,5 tỉ người trên khắp hành tinh và được phát sóng đến 210 quốc gia. Tham dự buổi biểu diễn còn có khoảng 30 nghìn khán giả đến từ nhiều quốc tịch khác nhau” (7). Và ngay sau đó, ông Lê Chức đã nói lại về những thông tin do ông Matt Taylor đưa ra: “Theo báo cáo của cơ quan chức năng, lần trao giải ở Bali cũng thành công nhưng chỉ ở mức độ địa phương, quy mô nhỏ, số lượng khách khiêm tốn, không có nhiều quan chức cao cấp của chính phủ và ngoại giao tham dự. Sự kiện đó ít được báo chí quan tâm. Chủ yếu chỉ để phục vụ khách du lịch và một số quan chức địa phương” (7).  

 

Chúng tôi cũng đã kiểm tra trên The Star OnLine-eCentral số ngày 18.6.2003 ( một tờ báo của Indonesia ), buổi trình diễn của WPMA năm 2003 tại Bali chỉ có 8,000 thính giả tham dự (8) chứ không phải 30,000 như WPMA đã thông tin trên mạng (9). Còn con số 1,5 tỉ người theo dõi truyền hình năm 2003 cũng như 2 tỉ người trong tháng 6, 2004 lại càng nên đặt nghi vấn hơn vì năm 2003 ít nhất có hai nước Mỹ và Pháp đều không nghe thấy gì về WPMA trên truyền hình hay báo chí.

 

Theo Ban tổ chức WPMA, các nghệ sĩ sẽ được trao giải lần thứ hai gồm có Trịnh Công Sơn và năm (nhóm) nhạc sĩ Mỹ: Bob Dylan, Harry Belafonte, Joan Baez, nhóm Peter, Paul & Mary, và Country Joe McDonald. Buổi trình diễn được ấn định vào ngày 26.6.2004 tại Hà Nội.

 

Điều ngạc nhiên là trong năm (nhóm) nhạc sĩ Mỹ được tôn vinh lần này, trong thời điểm đó, không có trang mạng nào của họ đưa tin về WPMA, ngoại trừ  Joe McDonald (10). Nên chú ý rằng Joe McDonald là một cựu chiến binh tham gia phong trào chống chiến tranh Mỹ, yêu quí Việt Nam nên có thể thiên vị ủng hộ tất cả những sinh hoạt liên hệ đến Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ trở lại đề tài trang mạng của Joe McDonald trong đoạn cuối bài. Nhưng trong thông tin mới nhất (4.4.2004) đã không nói Joe Mc Donald đi Hà Nội để nhận giải thưởng, và cũng không nói đi Việt Nam nữa. Còn các nghệ sĩ tên tuổi khác thì hoàn toàn không nhắc đến WPMA, trong khi Bob Dylan có đưa tin tháng hai năm 2004 được Grammy Awards (Giải thưởng Âm nhạc Pop lớn nhất nước Mỹ) tôn vinh và tháng 6.2004 cũng sẽ trình diễn một nơi khác. Đồng thời, trang mạng Joan Baez đưa tin vào ngày 9.2.2004, Joan Baez sang London trao Giải thưởng Thành tựu suốt đời (Lifetime Achievement Award) cho Steve Earle trong dịp Giải thưởng Dân gian năm thứ 4 của đài phát thanh BBC 2 (Fourth Annual BBC Radio 2 Folk Awards). Và mới đây, trên trang mạng cũng có thông tin là ngày 26.6.2004 , Joan Baez sẽ trình diễn ở một xứ nào đó, không phải Việt Nam. Trong trang mạng của WPMA cũng nói là Sarah Brighton (ca sĩ Anh quốc nổi tiếng) sẽ đến trình diễn tại Hà Nội ngày 26.6.2004. Nhưng vào trang mạng của Sarah Brighton thì thấy cùng ngày đó, 26.6.2004, Sarah Brighton sẽ trình diễn ở một nơi khác. Như vậy đủ hiểu WPMA không hề là một giải thưởng có uy tín quốc tế.

 

 WPMA và Quy chẾ  501c3

 

 Vào trang Quỹ Học bổng (Scholarship Fund) của WPMA thì biết WPMA là một tổ chức được hưởng quy chế 501c3 theo luật thuế vụ Mỹ (11).

 

Điều đập vào mắt là một tổ chức hưởng quy chế 501c3 nhất định không dính líu gì đến Liên Hiệp Quốc vì Liên Hiệp Quốc không bao giờ cần quy chế này để hoạt động hoặc có mặt trên đất Mỹ. Lại một lần nữa xác dịnh tính chất làm việc thiếu đạo lý của WPMA khi vây mượn danh nghĩa của LHQ.

 

Nói rõ hơn, quy chế 501c3 là một quy chế dành cho tư nhân mang quốc tịch Mỹ để thành lập tổ chức không vụ lợi (non-profit), phi chính phủ (non- governmental), tức là không thuộc hành chính nhà nước, được trừ thuế, tức là những người đóng góp cho tổ chức 501c3 được hưởng quy chế không đóng thuế trên phần đóng góp. Nhưng khi xin quy chế 501c3 thì phải có một mục tiêu không vụ lợi (nhân đạo), nên WPMA lập ra quỹ học bổng cho nạn nhân của khủng bố. Và đọc kỹ thì thấy đến bấy giờ, đã năm thứ hai, WPMA vẫn chưa thông báo đã tặng bao nhiêu học bổng, nhất là sau khi đã trình diễn tại Bali là một xứ nghèo và nơi đã xảy ra cuộc khủng bố ngày 12.10. 2002. Hơn nữa, ngay tại Mỹ đã có các trẻ em nạn nhân của khủng bố do vụ 9/11 tại New York gây ra.Thế nhưng WPMA không hề thông tin trên mạng cũng như trên báo chí là đã phát học bổng cho nạn nhân 9/11.

 

Nhưng cũng chính vì quy chế 501c3 nên WPMA bị hạn chế, vì quy chế 501c3 giới hạn tổ chức không được làm thương mãi (thương mãi tất nhiên là có vụ lợi - trái với tiêu chuẩn của 501c3 đề ra). Do đó, WPMA không bán vé trực tiếp được, phải nói là miễn phí (free) hoặc gợi ý đóng góp (suggested donations). Nhưng miễn phí với điều kiện là vào trang mạng mua mặt hàng của WPMA, thí dụ áo thun 19.95 USD, dây chuyền 45 USD (12), và phải ghi “tất cả lợi nhuận đều đưa vào việc nhân đạo” ("All proceeds go to charity") là cho học bổng. Nhưng lợi nhuận có được phát thành học bổng của WPMA hay không thì WPMA còn phải chứng minh điều đó.

 

ĐI TÌM CÂU TRẢ LỜI

 

 Sự thật, “WPMA chỉ là một tổ chức tư nhân sản xuất show biểu diễn bình thường, không liên hệ gì đến Liên Hiệp Quốc hay các bộ phận chuyên đề của Liên Hiệp Quốc. Các thành viên sáng lập và trách nhiệm trong WPMA chỉ là những tên tuổi mới được nghe nói đến trên một số báo chí và dư  luận ở Việt Nam” (13). Ở Mỹ, hầu như WPMA không được biết tới, thậm chí đến độ bốn trong năm nhạc sĩ hay nhóm nhạc sĩ lừng danh nước Mỹ được WPMA tôn vinh năm 2004 cũng không một dòng nhắc nhở đến giải thưởng này trong các trang mạng của chính họ. Như thế WPMA có đủ uy tín về chuyên môn cũng như về đạo lý để đứng ra trao giải thưởng âm nhạc cho các nghệ sĩ tên tuổi thế giới mà họ đã công bố hay không? Câu hỏi này có lẽ đã không cần nhiều thời gian để được trả lời, chỉ việc nhìn vào cách thức làm việc bất nhất của họ, và cụ thể là lễ trao Giải thưởng mà họ tổ chức.

 

 Trước đây, ai cũng tưởng WPMA sẽ tiến hành lễ trao giải như đã dự định thì “Ngày 12.6.2004.  Ban tổ chức biểu diễn (Bộ VH-TT) nhận được bức thư của Tổ chức Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới (WPMA) với nội dung: đề nghị hoãn chương trình biểu diễn tại lễ trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới vào ngày 22.6. tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Người viết bức thư này là ông Matt Taylor” (14). Có lẽ bất ngờ trước sự thay đổi đột ngột của WPMA, nên “Đến ngày 17.6.2004 tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ Văn Hóa – Thông Tin đã làm việc với đại diện Tổ chức Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (WPMA). Hai bên đồng ý sơ bộ tổ chức lễ trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới lần thứ 2 với quy mô nhỏ hơn, có thể là tại Nhà hát lớn Hà Nội. WPMA đề nghị thời điểm diễn ra hoạt động này là ngày 24.6.2004.

 

Trước đó, chiều ngày 16.6.đại diện WPMA và đối tác tổ chức chương trình phía Viêt Nam- Ban Tổ chức biểu diễn (Cục Nghệ thuật Biểu diễn – Bộ VH-TT ) đã có cuộc họp về việc WPMA đơn phương hoãn tổ chức chương trình Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới. Lý do hoãn, theo giải trình cùa WPMA, là sự cố “đứt truyền dây cáp truyền internet quốc tế, dẫn đến việc thông tin liên lạc của WPMA với các đối tác, và các nghệ sĩ bị gián đoạn, gây ra nhiều khó khăn nên không kịp chuẩn bị cho những công việc tiếp theo, sau khi cáp truyền Internet được nối lại”. Ông Matt Taylor – đại diện WPMA – ghi nhận những đóng góp, hỗ trợ tích cực có hiệu quả, thể hiện thái độ thiện chí của Chính phủ Việt Nam, Bộ VH-TT, các cơ quan liên quan tại Việt Nam cho chương trình giải thưởng (14).” Và cuối cùng hai bên đã thống nhất nội dung Thông cáo báo chí như sau: “Hai bên đã tích cực chuẩn bị tổ chức lễ trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới, tuy nhiên vào những ngày chót đã phát sinh những khó khăn mà WPMA không khắc phục được. Do đó hai bên đã thỏa thuận hoãn và thời gian và địa điểm thích hợp sẽ dược thỏa thuận cụ thể sau” (14). Nói như thế, có khác gì hủy bỏ tổ chức chương trình nói trên.

 

Bất ngờ, cuối tháng 7.2004, một thông báo trên trang mạng của Tổ chức WPMA loan báo Chương trình trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới sẽ tổ chức lễ trao giải, nhưng không phải ở Việt Nam mà tại San Francisco, Hoa Kỳ vào ngày 25.9.2004. Phải chăng đây là một nỗ lực nhằm cứu vãn uy tín của họ? Nhưng có điều lạ là suốt một tuần trước đó, chúng tôi đã cố tìm đọc trên tờ San Francisco Chronicle (nhật báo lớn của địa phương San Francisco ở vùng Bay Area) xem có thông tin gì về WPMA không. San Francisco Chronicle thường dành 2 đến 3 trang đăng tải chương trình các tiết mục văn hóa nghệ thuật âm nhạc biểu diễn hàng ngày và nhất là cuối tuần, không những tại San Francisco mà các vùng lân cận - Bay Area nói chung. Đọc hết 6 ngày, mỗi nhật báo mười mấy trang mà vẫn không thấy tin gì về WPMA, ngay cả báo ngày thứ bảy 25.9.2004 hôm đó.

 

Trong tờ chương trình tải xuống từ trang mạng của WPMA, đặc biệt phía dưới có chạy dòng chữ nhỏ: “Các nghệ sĩ biểu diễn có thể hủy bỏ và không xuất hiện mà không báo trước” (“The performing artists may cancel without preliminary announcement” ). Thông thường, một chương trình ca nhạc nếu được tổ chức nghiêm túc hẳn phải bảo đảm với khán giả sự xuất hiện của các nghệ sĩ được mời tham dự trong chương trình. Hơn nữa, đây là một chương trình trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới trọng đại như chính WPMA công bố, thì không thể có sự ngẫu hứng và tùy tiện như thế được.

 

Cái được gọi là chương trình trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (WPMA) đã được tổ chức ngoài trời, nơi Quãng trường Civic Center Plaza, ngay trước Tòa thị sảnh San Francisco vào ngày 25.9.2004. Chương trình trên mạng ghi là 5:30 pm đến 10:00 pm, nhưng mãi đến 6:45 pm mới bắt đầu. Mặc dù, hàng ghế xếp có đến khoảng 1.500 ghế, nhưng thực tế chỉ có khoảng 150 đến 200 khán giả đến dự và ngồi rải rác. Phải  đợi đến khi nhiếp ảnh của Ban tổ chức yêu cầu, khán giả mới chịu gom lại để chụp ảnh.

 

 Có thể nói đây là một chương trình tổ chức cẩu thả, không được dàn dựng bài bản, nói chi đến đến yếu tố sáng tạo, không xứng đáng là một cuộc tuyên dương với những tên tuổi và ý nghĩa của nó như đã được công bố. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi không muốn tường thuật kỹ, vì điều đó làm chúng tôi đau đớn, thật sự đau đớn trước những ý đồ đen tối gạt gẫm mà chúng tôi đã phát hiện từ đầu. Điều đáng nói là trong suốt chương trình, hoàn toàn không trình diễn một bản nhạc nào của Bob Dylan, Joan Baez, Harry Belafonte hay của Trịnh Công Sơn, mà chỉ toàn nhạc pop-rock chủ yếu là do người DJ pha trộn các đĩa nhạc và giới thiệu. Còn nghệ sĩ trình diễn, ngoài Joe McDonald và Peter Yarrow, phần lớn không có tên tuổi. Có lẽ đã thấy trước được điều đó, nên những nghệ sĩ như Bob Dylan, Joan Baez, Harry Bellafonte…đã không có mặt và không một lời đá động. Điều đáng ghi nhận là sau buổi trình diễn, trở vào trang mạng của Joe McDonald, cũng như của Peter Yarrow, thì chúng ta sẽ không tìm thấy một dòng nào nhắc nhở đến giải thưởng WPMA nữa (15 &16). Và sau đó không biết WPMA đã biến mất lúc nào mà ngày nay, những ngày tháng 12/2010, không tìm thấy dấu vết ở đâu nữa.

 

*

 

Trịnh Công Sơn là một thiên tài âm nhạc, có người cho là Nguyễn Du của thế kỹ 20, là một người bạn mà đại đa số ai có dịp tiếp xúc cũng đều thiết tha vô kể, nên không cần ai, bè bạn, gia đình hay tổ chức nào chạy dùm theo những huy chương phù phiếm. Giải Thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (WPMA) đã lộ rõ chân dung: không có một đồng xu giá trị. Nhưng cho đến giờ phút này, hơn 5 năm sau, có những câu hỏi mà chúng tôi không có giải đáp. Vì sao WPMA có thể lừa phỉnh các đối tác của mình một cách dễ dàng và vô tội vạ như thế? ./.

 

(31/03/2004, 12/12/2010)



[1] Như trong lời tựa của GS Nguyễn Đình Chú cho quyển sách « Vết chân dã tràng » của Ban Mai đang được nxb Văn Mới (Gardena, CA) tái bản (2010)

 

[2] Miles Copeland, người đồng sản xuất chương trình WPMA: “Có thể coi WPMA như một kiểu giải Nobel Hoà bình cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc » (Vietnam net, 13/02/2004, 12 :27)

 

 

(1)     IMC-UNESCO: http://www.unesco.org/imc/welcframe.html

(2)     Trần văn Khê và IMC-UNESCO:

 http://www.unesco.org/imc/projframe.html

(3)     Thư điện tử Hội-TCS gửi cho Culturelink Network:

From: Natalie

To: clink@irmo.hr

 Sent: Monday, January 12.2004 3:33 AM

 Subjet: World Peace Music Award

 Dear Sir/Madam

 I came across a website named:

World Peace Music Award (www.wpma.tv ) that claims to give

Music Awards to international artists.

I notice that this organization uses

the United Nations logo on its home page website (upper right corner).

Would this organization be associated with

the United Nations Cultural Programs namely UNESCO ?

Thank you very much for taking this issue into consideration.

Sincerely,

Natalie

 

 From: Aleksandra Uzelac

 Sent: Wednesday, January 14, 2004 3:36 AM

 Subject: RE: World Peacce Music Award

 Dear Natalie,

Culturelink Network is not related to the mentioned project

(WPMA), but I suggest that you contact them directly and ask them.

That way you will get the most accurate answer.

Sincerely,

 Aleksandra Uzelac

IMO/ Culturelink Network

Vukotinoviceva 2, 1000 Zagred, Croatia

Phone: +385 1/48 26 522; Fax : +385 1/48 28 361

Email: sandra@irmo.hr

Email for Culturelink: clink@irmo.hr

Website: www.culturelink.org

 

(4) Thư điện tử Hội-TCS gửi cho IMC-UNESCO:

From: Mai Tran

Sent: Tuesday, February 3, 2004 00:28

To: imc@unesco.org

Subject: WPMA

        Dear Sir/ Madam,

 I would like to inquire whether your organization is aware of the

World Peace Music Awards (WPMA). Its website is: www.wpma.tv.

WPMA claims to give music awards to international artists, and its

Home page features the United Nations logo accompanied

by the slogan: United

 Nations, Millennium Development Goals (upper right corner).

 I would like to know whether your agency (namely

IMC-UNESCO Music

Prize) sponsors or supports WPMA, or is WPMA a program

of IMC-UNESCO?

Thank you very much for taking this into consideration,

Regards,

Mai Tran

 

 From: Conseil International

Sent:02/03/2004 03:41 AM

Subjest: Re:WPMA

            Dear Mai Tran,

Further to your request, I inform you that the International

Music Counsil is not involved in WPMA.

With kind regards,

Silja Fischer

International Music Council

Conseil International de la musique

Maison de l’ UNESCO 

1 rue Miollis

75732 Paris Cedex 15 France Te. +33 1 45 68 48 50

Fax: +33 1 45 06 87 98

Email: imc@unesco .org

Website: www.unesco.org/imc

 

(5) Trần Nhật Vy, Giải thưởng Âm nhạc vì hòa bình thế giới:

Chỉ là một sô diễn bình thường, Tuổi Trẻ, Thứ sáu 5.3.2004.

(6) Thu Hồng, Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới lần thứ 2:

Hơn 1,5 tỉ người sẽ được theo dõi lễ trao giải,

Thanh Niên số 44( 2974) ,Thứ sáu 13.2.2004.

(7) Tú Anh, Sự thật về Giải thưởng Âm nhạc vì hòa bình thế giới sắp được tổ chức tại Việt Nam , An Ninh Thế giới, Bộ mới số 137 (371), ngày 4 (?).3.2004.

(8) Jason Cheah, Playing for Peace, The  Star On Line-eCentral,

June 18, 2003.

http://www.starecentral.com/news/story.asp?file=/2003/6/18/newent/jcpeace&sec=newent

“…As for the Peace Music Awards itself, in essence every performer that night was a Peace Award winner, each receiving their award at the end of each set, with Gloria Gaynor and INXS receiving a special peace award each. That proved a good idea, since every one of the acts came with its own message of peace, be it subtle or direct, to a troubled world. At the end of the day, as far as the audience of some 8,000 or more was concerned, it was a good night, and 8,000 attendees is no mean feat when you consider the distances one had to travel to get to the island itself, let alone the venue.”…

 

(9)     Trang mạng của

WPMA: http://www.wpma.tv/team/matt/index.html

http://www.wpma.tv/press/wpma/0615pr/01.html

(10) Trang mạng của các nghệ  sĩ được WPMA tôn vinh năm 2004:

http://www.bobdylan.com
http://baez.woz.org
http://www.belafonte-asiteofsites.com
http://www.peterpaulandmary.com
http://www.countryjoe.com

 

(11) WPMA và quy chế 501c3:

 http://www.wpma.tv/scholarship/index.html

(12) Trang mạng của WPMA: http://www.wpma.tv/shop/

(13) Thu Hồng, WPMA đề nghị hoãn lễ trao Giải thưởng

âm nhạc hòa bình thế giới, Thanh Niên Số 167 ( 3097)

Thứ ba 15.6.2004.

(14) Thu Hồng, Có thể tổ chức lễ trao giải vào tháng 9.2004,

Thanh Niên, Số 170 (3100) Thứ sáu ngày 18.6.2004.

(15) Trang mạng của Joe McDonald:

 http://www.countryjoe.com/#flashes

(16) Trang mạng của Peter Yarrow:

 http://www.operationrespect.org/pybio.htm

 

DIỄN TIẾN SỰ KIỆN QUA BÁO CHÍ VN : GIAI ĐOẠN 1

 

Ngày 5.1.2004, trong nước bắt đầu có bài đưa tin về sự kiện WPMA,

t/d:

 

(a)     Vietnamnet (10:29):Trịnh Công Sơn được trao giải

“Vì hoà bình”;

(b)    VnExpress (15:32): Giải “World Peace Music” tôn vinh

nhạc sĩ Trịnh Công Sơn;

(c)     Tuổi trẻ online (16:07): NS Trịnh Công Sơn được

trao giải thưởng “Cuộc đời vì hoà bình”.

 

DIỄN TIẾN SỰ KIỆN QUA BÁO CHÍ VN : GIAI ĐOẠN 2

 

Sau hơn 20 bài báo hầu như lấy lại toàn văn thông tin của tổ chức wpma, nhiều khi còn thổi phòng hay thêu dệt thêm sự kiện, từ đầu tháng 3.2004 mới bắt đầu xuất hiện những bài viết thẩm định rõ ràng hơn nguồn gốc và uy tín của giải thưởng WPMA, tuy đa số báo vẫn còn “lạc quan”, từ khoảng 1,5 tỷ khán giả dự trù, dần dần lên 2 tỷ rồi hơn 2 tỷ (Nhân Dân, 12/05/2004, 17:39):

 

(a)     Trần Nhật Vy tìm hiểu về WPMA: Về Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới: Chỉ là một sô diễn bình thường, Tuổi Trẻ, 05/03/2004;

(b)     Vu Ngã trả lời một Việt Kiều tại Mỹ: Một Giải thưởng âm nhạc và chương trình biểu diễn ca  nhạc, Sài Gòn Giải Phóng, 09/03/2004 (;

(c)     Tú Anh phỏng vấn Ông Lê Chức, Cục phó Cục Nghệ thuật- Biểu diễn: Sự thật về Giải thưởng Âm nhạc vì hoà bình thế giới sắp được tổ chức tại Việt Nam, An ninh Thế Giới, tuần số 371, 13 (?).3.2004;

 

DIỄN TIẾN SỰ KIỆN QUA BÁO CHÍ VN : GIAI ĐOẠN 3

 

 Mười ngày trước ngày N, ông Lê Quốc Vinh, đại diện của WPMA cho biết lễ trao giải phải dời lại ít ngày

vì các nghệ sĩ nhiều nước vẫn chưa nhận được vé máy bay (!) (Hànội mới điện tử, 12/06/2004, 19:04),

sau đó tin hoãn giải được xác nhận, và “hoãn vô thời hạn”:

(a)     Thu Hồng: WPMA đề nghị hoãn lễ trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới, Thanh Niên, 15/06/2004 (01:34);

(b)     Bích Hạnh: Hoãn vô thời hạn Lễ trao Giải âm nhạc vì hoà bình?, Hànộimới, 17/02/2004, 11:57

(c)     Thu Hồng: Có thể tổ chức lễ trao giải vào tháng 9.2004 , Thanh Niên, 18/06/2004 (05:09);

(d)     Ông Đỗ Quang Quý (trưởng BTC biểu diễn, Bộ VHTT): “Chưa có ai cho phép WPMA tổ chức lại chương trình này”, tintucvietnam, 14/07/2004 (08:41)

 


 

Trên các tài liệu của WPMA phổ biển đều có gắn huy hiệu (logo) của Liên Hiệp Quốc, cố tình để người ta liên tưởng giữa LHQ & WMPA có sự quan hệ mật thiết.

 

 

Buổi diễn trao Giải thưởng âm nhạc hoà bình thế giới tại San-Francisco chiều ngày 25/09/2004: không nghe được bài hát nào của Trịnh Công Sơn, số khán giả chỉ khoảng 150-200, dù hoàn toàn miễn phí, kể cả những người đến rồi đi.

 

____________________________________________________________________________

*Sâm Thương: nhà văn, nhà biên kịch, Việt Nam

Trần Vân Mai: Thạc sĩ Vi sinh vật học, Mỹ

Phạm Văn Đỉnh: Tiến sĩ Khoa học, chủ tịch Hội vh TCS, Pháp

** Trang mạng của Hội văn hóa Trịnh Công Sơn: http://www.tcs-home.org/

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Như trong lời tựa của GS Nguyễn Đình Chú cho quyển sách « Vết chân dã tràng » của Ban Mai đang được nxb Văn Mới (Gardena, CA) tái bản (2010)

 

[2] Miles Copeland, người đồng sản xuất chương trình WPMA: “Có thể coi WPMA như một kiểu giải Nobel Hoà bình cho những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc » (Vietnam net, 13/02/2004, 12 :27)

 

Sâm Thương
Số lần đọc: 2656
Ngày đăng: 21.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chức Năng Tổng Hợp Trong Văn Bia Thoại Sơn - Tiền Văn Triệu
Thơ ý niệm - con đường tiệm cận thực tại vô thể - Miên Di
Thi Ca Và Sáng Tác. 1 - Khổng Ðức
Nỗi Buồn Cuộc Chiến, Dấn Thân, Và Cảm Thức Hư Không Của Thảo Trường - Trần Văn Nam
Về Những Ca Khúc Phản Chiến Của TCS - Bửu Chỉ
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng - Trinh Công Sơn
Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề - Đặng Tiến
Ngự Sử Văn Đàn Phan Khôi - Đỗ Ngọc Thạch
Tinh thần thơ hiện đại - Khổng Ðức
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Đêm địa ngục (truyện ngắn)
Hòn vọng phu (truyện ngắn)
Chuyến tàu nửa đêm (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Sơn Ca 1 (kịch)
Sơn Ca 2 (kịch)
Sơn Ca 3 (kịch)
Cõi người (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Hoa anh đào mùa đông (truyện ngắn)
Bức tranh dang dở (truyện ngắn)
Sau cơn bão lũ (truyện ngắn)
Khi hoa anh đào nở (truyện ngắn)
Kiếm lửa (điện ảnh)
Cô dâu xứ Tuyết (truyện ngắn)
Hai người mẹ (truyện ngắn)