Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.339
 
Thơ Hai Bên Nói Về Cuộc Tranh Thủ Tây Nguyên
Trần Văn Nam

I. Thơ Cao Hoành Nhân phía Việt Nam Cộng Hòa viết về trận Ashau – Thời Việt Nam Cộng Hòa, thơ cảm hứng về mặt trận Tây Nguyên không hiếm hoi, nhưng đa số đều mang chất biên tái: nhớ nhà, nhớ vợ con, hoặc một chút buồn cô đơn khi trấn thủ chốn biên thùy, hoặc đôi khi một chút ngao ngán chiến tranh. Thi nhân không phải như những nhà chiến lược để biết Tây Nguyên là bàn đạp tiến xuống đồng bằng, là xương sống vòng cung tỏa về duyên hải. Mãi về sau, khi có lệnh bỏ Buôn Mê Thuột làm sụp đổ giây chuyền cả miền Nam năm 1975, mãi về sau nữa khoảng năm 2009 khi có lời cảnh báo coi chừng trọng điểm chiến lược của vùng khai thác quặng Bauxite ở tỉnh Đắc Nông, và mãi về sau khoảng năm 2010 khi các nước hạ lưu Mekong họp bàn về dòng sông bị nghẽn mạch (nhà  văn Ngô Thế Vinh và nhiều nhà trí thức Việt Nam cũng đã hô hoán từ lâu)… lúc này đây các nhà thơ hẳn đã biết Tây Nguyên “lợi hại” như thế nào. Người thì có ý kiến Việt Nam sẽ phối hợp với Kampuchia xây dựng một hồ chứa nước khổng lồ ở Kontum để đưa nước vào Mekong, cả hai cùng có lợi trong tích lũy nguồn nước không bao giờ cạn cho nông nghiệp và do đó hai nước sống chung hòa bình vĩnh viễn (vì con sông dài Xê-Xan của Kampuchia đổ nước vào Mekong vốn đã hợp lưu với sông Poko của Việt Nam tại Kontum, vùng rừng núi này rất nhiều mưa). Hiện đã tồn tại ở đó đập  thủy điện Yali, nhưng chưa có sự hợp tác của Kampuchia và sự giúp sức của các cơ quan tài trợ Liên Hiệp Quốc để biến hồ chưá nước thành vô cùng vĩ đại; và nhờ vậy đập thủy điện Yali có tầm cỡ hiện nay lại càng thêm lớn lao. Tây Nguyên với bao nhiêu lời báo động do vụ khai thác mỏ Bauxite: nên coi chừng hiểm họa đất đai toàn vùng Nam Trung Bộ và Miền Đông Nam Phần bị nhiễm độc bởi bùn đỏ thải ra từ khai thác Bauxite; nên coi chừng sự tiềm tàng một quả bom bùn đỏ không đê điều nào ngăn cản nổi và sẽ làm tràn ngập sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (độ dốc từ trên cao đổ xuống thập phần nguy hiểm hơn tai nạn bùn đỏ Bauxite mới xảy ra ở đồng bằng nước Hungary); nên coi chừng vùng dành riêng khai thác thành khu quân sự bất khả xâm phạm của nước ngoài; và nên coi chừng biết đâu vùng đó đang có quặng mỏ quý hiếm chưa được tiết lộ bí mật.

 

Trở lại vấn đề văn nghệ thời chiến Miền Nam, ta không có ý phê bình gì các nhà thơ viết ra những câu thơ với nỗi buồn biên tái khi đồn trú ở Tây Nguyên, vì văn nghệ Miền Nam thời chiến không ràng buộc chặt chẽ với chính trị. Một chút buồn cô đơn như Vũ Hữu Định với phố núi chỉ đi quanh quất dăm phút là hết, hết phố nhưng không hết tình thân: “em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông… mai xa lắc trên đồn biên giới/Còn một chút gì để nhớ để thương”. Nhà thơ Kim Tuấn nhớ mẹ có lẽ hơn tất cả, mãi ngóng về Huế mong tới ngày nghỉ phép: “Bản-Hét thương đời anh lính trẻ/Quanh năm chờ phép về thăm nhà/Quanh năm trấn thủ đời gian khổ/ Hầm đất nhìn quanh ta với ta”. Nhà thơ Lâm Hảo Dũng tự coi mình như một lữ khách từ miền Lục Tỉnh đi đồn trú trên những dốc tử thần: “bởi bao nhiêu trận kinh hồn trước/ đều thấy mơ hồ ở Dakto/khi đi là tự xây mồ sẵn/nay suối buồn, kia mai đỉnh xa”. Còn thi sĩ Phan Ni Tấn cảm thương mình đang về với cheo leo trên quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) từ vùng duyên hải Ninh Hòa lên núi rừng Buôn Mê Thuột: “lên đèo Dục Mỹ ban trưa/ta về ở dưới gió mưa não nùng… lên Tây Nguyên trấn giữ thành/thương con vượn hú trên cành chon von”. Trên đây là các câu thơ sưu tầm từ bộ sách “Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến” của nhà xuất bản Thư Ấn Quán ấn hành năm 2006 và 2007. Trong bộ sách dầy hơn 1550 trang đó, duy nhất có bài thơ của Cao Hoành Nhân mang tính chiến đấu tranh thủ Tây Nguyên, gần giống như thơ của phe Xã Hội Chủ Nghĩa vốn gắn liền với chính trị. Chỉ biết vài chi tiết về Cao Hoành Nhân lúc còn rất trẻ khi người viết bài này cùng ông học lớp Đệ Nhị Ban Văn Chương niên khóa 1957-1958 hoặc 1958-1959 (không nhớ chính xác), và biết ít về ông cũng vì chỉ học có một năm cùng trường, trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang; trong khi lớp học năm ấy có hai người nổi tiếng là Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Thị Hoàng. Tên thật của ông, Bùi Cao Hoành, quê quán chắc ở Khánh Hòa-Nha Trang. Có lẽ ông là một sĩ quan trấn đóng ở Tây Nguyên, cái nhìn của ông chắc không từ nhãn quan chiến lược của cấp bậc tướng lãnh, nhưng cũng đã cho ta thấy tầm quan trọng phải tranh thủ Tây Nguyên. Mất Tây Nguyên, quân Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị chọc thủng phòng tuyến xuống duyên hải Miền Trung và đồng bằng miền Nam. Vì vậy mà các sư đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ từng bố trí hùng hậu tại đây, cố tranh thủ nó, như Cao Hoành Nhân đã viết trong bài thơ “Về Ashau”:

… Ashau! Ashau!

Vách dựng tầng xanh cây cao khói đỏ

Dã thú quen rừng bóng cả đêm thiêng

Tự nghìn thu sừng sững giải sơn biên

… Tự thung lũng Ashau sâu

Vượt Trị Thiên bát ngát

Dày xéo biên duyên

Tự đỉnh Trường Sơn cao

Đổ về Cửu Long nước ngọt

Lửa bốc ruộng vườn

Ashau! Ashau!

Một giải biên sơn

Bỗng biến thành một khu cường địch

… Quân ta vượt Trường Sơn

Án ngữ đường địch lui mặt Bắc

Đồng Minh đổ chụp vùng Nam

Phi pháo biên duyên chờ lửa bốc máy gầm

Và ẩn hiện xuyên sơn toán biên phòng Lôi Hổ.

(CAO HOÀNH NHÂN)

 

II. Nguyễn Xuân Thâm phía Xã Hội Chủ Nghĩa, thơ về đồng khởi Tây Nguyên- Với văn nghệ Xã Hội Chủ Nghĩa, chính trị phải gắn liền với văn chương: một trong những đường lối chính trị là luôn luôn mang “tính chiến đấu” trong nghệ thuật thời chiến tranh Việt Nam. Cho nên không bao giờ có trong thơ văn Xã Hội Chủ Nghĩa nỗi buồn quan tái hoặc nhung nhớ khi ở chốn biên thùy rừng núi. Thơ sáng tác của các thi nhân trong đoàn quân xâm nhập thì không hiếm; như Phạm Tiến Duật viết về điều phải tạm gác tình riêng (yêu nhau trên đường trường chinh) của người lính lái xe trong cơn mưa tầm tã: “Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây” ; như Thanh Thảo tin tưởng lớp lớp đoàn quân để lại những dấu chân qua trảng cỏ trên đường đi chiến trường xa xăm: “Chiếc bòng con đựng những gì/Mà đi cuối đất mà đi cùng trời… Ai đi gần, ai đi xa/ Những gì gởi lại chỉ là dấu chân”; như Hữu Thỉnh viết về đêm giáp ranh trên đò qua sông hành quân xâm nhập, mang tính lạc quan của con trăng lưỡi liềm đã ở bên kia bờ: “Ếch nhái nghiến răng sao mà sốt ruột/ Chớp nhì nhằng lô-cốt méo bên sông...Bìm bịp chùm đôi kêu dính vào nhau/Tiếng nước vỗ tan rồi chụp lại… Chúng tôi đi còn tần ngần ngó lại/ Chỉ thấy vầng trăng cuối tháng mới quăng lên”. Những trích dẫn trên đều là thơ mang tính quân sự của bí mật xâm nhập từ ngoài Bắc vào, chưa lồng vào tính chính trị nói về chiến tranh nhân dân nổi dậy tại Tây Nguyên, giống như tính chất “đồng khởi” ở Miền Nam mà tác giả bài thơ sau đây có ý so sánh. Tác giả là nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm. Ông đã từng dạy ở Đại học Bách Khoa Hà Nội và dạy ngoại ngữ ở nước Angola Phi Châu (qua tài liệu biên khảo của ông Vũ Duy Thông, nhà xuất bản Giáo Dục, ấn hành trong nước năm 2000). Theo một bài báo trên mạng “vanchuongviet.org”, bài của tác giả Vân Long, đăng ngày 12 tháng 7 năm 2010, Nguyễn Xuân Thâm chính là nhà thơ Dao-Ca có thơ đăng trên tuần báo Đời Mới ở Sài Gòn (tờ báo có mặt khoảng 1951 đến 1955) (1). Vân Long cũng là nhà thơ cùng thời và cùng có thơ đăng trên báo Đời Mới như Dao-Ca. Qua trích dẫn thơ Dao-Ca trong bài báo đó thì ta lại biết Dao-Ca cũng chính là Đỗ Hữu với các bài thơ rừng núi lãng mạn một thời trong báo Đời Mới, như bài thơ “Sầu Ai Lao”; hoặc bài “Đoàn Quân Qua Làng”; hoặc bài “Nắng Ngút Đường Dài” với các câu: “Nắng ngút đường dài hoa gạo bay/ Rừng sâu mấy bữa lạc sau ngày/ Đường xa nắng lửa chiều hun hút/ Quán đứng lưng đèo, núi tiếp mây”;  Vậy Nguyễn Xuân Thâm, Dao-Ca, Đỗ Hữu, chỉ là một người. Riêng bài thơ “Trống và Lửa” của Nguyễn Xuân Thâm thì dĩ nhiên không còn tính lãng mạn từng hiện diện trong thơ Đỗ Hữu (2), bây giờ mang đậm chất chính trị qua viễn tượng cuộc nổi dậy của các dân tộc Tây Nguyên chống lại chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả liên tưởng đến cuộc đồng khởi ở Bến Tre thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thơ mang tính tranh thủ Tây Nguyên, từ đó làm bàn đạp tiến xuống Sài Gòn như trình tự năm 1975 đã diễn ra. Tranh thủ xong Buôn Mê Thuột, các đạo quân tập trung tại Chiến Khu Đ ở Bình Long-Tây Ninh, từ đó tiến về Sài Gòn theo quốc lộ 13 tới Ngã Tư Hàng Xanh, rồi bằng hai ngã chạy thẳng vào trung tâm Sài Gòn là đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) và đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Tính chính trị ở chỗ tô đậm nét vai trò chủ chốt là cuộc nổi dậy của nhân dân (bao gồm các dân tộc Tây Nguyên) chống trả Việt Nam Cộng Hòa. Mà thật ra, như ta đã chứng kiến, lực lượng xung kích là các sư đoàn chính quy có xe tăng đại bác tối tân từ Miền Bắc vào. Bài thơ “Trống và Lửa” mang tính chính trị của tác giả Nguyễn Xuân Thâm đề cao vai trò của “nhân dân nổi dậy” ở Tây Nguyên”, tuy giáo mác cung tên nhưng có vai trò “làm bàn đạp” khởi đầu cho trận chiến “nội công ngoại kích”:

 

… Trời Tây Nguyên, chiều đại ngàn rực rỡ

Cuồn cuộn sông Ba hiện lên trong ánh lửa

Bóng lũ làng dáo mác dựng bên nhau

Đàn voi đi bành tía bành nâu.

… Chim phí bay về đậu đỉnh nhà rông

Chén rượu cần mặt trời vào uống đỏ như mật ong.

… Đây rừng chông đứng lẫn dáng chiều

Đây bẫy đá nằm khuất trên vách đá

Trống giục lửa, lửa vào buôn, người Ê- Đê cầm ná

Lửa vào làng, người Gia Rai vót chông

… Trống dội từ trong trường ca Xinh Nhã, Đam San

Trống lửa ầm ầm về trong phong trào đồng khởi miền Nam.

 

(NGUYỄN XUÂN THÂM)

 

Walnut, California, tháng 8 năm 2010

 

(1) Bài thơ “Lao Bảo” của Dao Ca đăng trên tuần báo Đời Mới (báo ấn hành tại Sài Gòn từ năm 1951 đến 1955), xin đọc trong “Huyền Ảo Do Tương Phản” (vanchuongviet.org đăng lên mạng ngày 5 tháng 7 năm 2010).

(2) Hai bài thơ của Đỗ Hữu (cũng trên báo Đời Mới thời gian ấy):

 

CHIỀU VIỆT BẮC

 

Nắng xuống phương nào người thấy không

Mà đây chiều tím rụng song song

Vàng tuôn mấy lối ngày thu muộn

Ai liệm hoàng hôn kín mắt trong.

 

Khói thuốc lên mờ xanh bóng ai

Phuơng xa chiều xuống ngút sông dài

Đường kia có phải sầu xưa đọng

Trở bước, hoa lau trắng ngập đồi.

 

Con đường đất đỏ mờ sau bản

Thung lũng vàng lơ, nắng trở chiều

Núi biếc chập chùng vây ải lạnh

Dặm về lá đổ, phấn tàn xiêu.

 

Rừng núi âm u chiều Việt Bắc

Chầy ngày lạc bước, ai ngồi than

Buồn xưa chiều đọng ngàn lau lách

Chòi cũ nằm nghe gió dặm trường.

 

SẦU AI-LAO

 

Đã lâu trăng cứ vàng hiu hắt

Mây cứ sầu tuôn, núi võ vàng

Lá vẫn pha chàm trên sắc áo

Mưa nguồn, thác đổ, đá mù sương.

 

Giữa ngày lạc lõng trên rừng rậm

Với nắng bâng khuâng mấy thuở nào

Với núi xanh lơ, chòi tím nhạt

Mây trời bàng bạc sầu Ai-Lao.

 

Lưng đèo quán gió mờ hun hút

Thôn bản nằm trơ dưới nắng chiều

Tai vẫn nghe đều dòng thác đổ

Người ơi! Thương nhớ biết bao nhiêu.

 

Ở đây hơi đá chiều vây khắp

Khép chặt mình tôi giữa núi rừng

Buồn quá, ngày đi, đêm trở lại

Hoàng hôn hoa bản, phấn rưng rưng.

 

Người có theo tôi lên dốc nắng

Nhìn xem hoa rải sắc trên đường

Chiều nay nổi gió buồn ghê lắm

Lá đổ sau chân một lối vàng….

 

(ĐỖ HỮU)

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 3070
Ngày đăng: 21.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chức Năng Tổng Hợp Trong Văn Bia Thoại Sơn - Tiền Văn Triệu
Thơ ý niệm - con đường tiệm cận thực tại vô thể - Miên Di
Thi Ca Và Sáng Tác. 1 - Khổng Ðức
Nỗi Buồn Cuộc Chiến, Dấn Thân, Và Cảm Thức Hư Không Của Thảo Trường - Trần Văn Nam
Về Những Ca Khúc Phản Chiến Của TCS - Bửu Chỉ
Bửu Chỉ, tự bản chất là một con người phản kháng - Trinh Công Sơn
Tranh Bửu Chỉ và Ván cờ Huề - Đặng Tiến
Ngự Sử Văn Đàn Phan Khôi - Đỗ Ngọc Thạch
Tinh thần thơ hiện đại - Khổng Ðức
Lục Bát Pha Lẫn Mỹ Cảm Và Phàm Tục Trong Thơ Nguyên Sa - Trần Văn Nam
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)