Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.207.951
 
Thơ qua mắt nhìn của Phạm Thị Ngọc Liên và Phạm Cao Hoàng
Vũ Trà My

Những ngày cuối năm 2010, và cũng để chuẩn bị cho dịp kỹ niệm 5 năm YHVHV đến với bạn đọc sắp tới. Chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo với các văn nghệ sĩ đã từng cộng tác với trang Văn học của YHVHV. Vì lý do địa lý cách trở, những cuộc hội thảo nầy đã được thực hiện qua email giửa Vũ Trà My và những tác giả được mời...

 

Chủ đề trước tiên chúng tôi bàn về thể loại thơ ....Hôm nay 2 vị khách mời đầu tiên của chúng tôi là nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên và nhà thơ Phạm Cao Hoàng...

 

Vũ Trà My: Chị (Anh) đến với thơ từ lúc nào ? Đã có bài thơ nào của một ai đã từng làm Chị (Anh)yêu thích đến tận lúc này ?

 

Phạm Thị Ngọc Liên :Kể ra thì hơi dài dòng một chút. Tôi biết làm thơ rất sớm, lúc còn trong tuổi nhi đồng. Có thể nói, tôi “nhiễm máu thi ca” từ những câu hát ru của mẹ tôi và những bài học thuộc lòng thời tiểu học. Tuy nhiên, tôi chỉ nhận định mình làm thơ từ khi lên trung học, được cô giáo dạy văn khơi gợi và khuyến khích tôi phát triển năng khiếu của mình.

 

Tôi đọc rất nhiều tác giả, yêu thích rất nhiều câu thơ hay, nhưng chỉ trong lúc tôi đọc mà thôi. Sau đó, tôi không suy nghĩ hay dằn vặt mình về những câu thơ đó nữa. Có thể đây là một tính cách khá đặc biệt của tôi. Nếu có một việc gì liên quan đến nhà thơ đó (một buổi hội thảo chẳng hạn), tôi sẽ lập tức nhớ ra những câu thơ mình thích về tác giả này. Cũng có khi tôi chỉ nhớ là mình có thích thơ của người ấy những không nhớ chi tiết bài gì, câu gì. Ngay cả thơ tôi, tôi cũng ít thuộc.

 

Phạm Cao Hoàng: Thời học Trung Học Đệ Nhất Cấp ở trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa (1961 – 1965) tôi chơi thân với người bạn cùng lớp tên Phạm Thành Long. Nhà Long ở La Hai (cách Tuy Hòa khoảng 50 km), và tôi thường theo Long đi xe lửa về La Hai chơi. Sân ga, tiếng còi tàu, những toa tàu, tiếng máy xình xịch, tình bạn thuở học trò… tất cả gắn liền với tuổi thơ tôi. Trong thời gian này tôi đọc được bài thơ VU VƠ của Tế Hanh. Những ngày nghỉ học tôi hay tới/ Đón chuyến tàu đi đến những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa… Bài thơ gây ấn tượng mạnh nơi tôi đến nỗi, hồi ấy, cứ mỗi lần đọc bài thơ này là tôi rơm rớm nước mắt. Từ đó tôi bắt đầu yêu thi ca và nuôi mộng làm thi sĩ. Đến năm 1969 tôi chính thức có bài thơ đầu tiên của mình: bài ĐI GIỮA CHIẾN TRANH.(*) Đến bây giờ, đọc lại bài thơ VU VƠ của Tế Hanh tôi vẫn còn giữ nguyên cảm xúc.

 

Vũ Trà My:Theo Chị ( Anh ) khi làm thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả, anh có nghĩ cảm hứng đó cần trau chuốc hay chỉnh sửa như thế nào để cho mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu được, và có thể chia sẻ cảm xúc này không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của mình trong phút cảm hứng bất chợt đó và đứa con tinh thần ra đời?

 

Phạm Thị Ngọc Liên :Tôi không biết các nhà thơ khác sáng tác như thế nào. Bản thân tôi, những câu chữ buột ra khi cảm xúc trong tôi không thể kìm giữ được nữa và tôi phải viết ra bằng chính cảm xúc đó, nguyên vẹn với những gì nó có được. Thường sau những lúc như vậy, tôi không đọc lại bài thơ mình vừa làm, chỉ để đó như một “chứng tích của sự trút” và thở phào, đi làm việc khác. Hoặc, tôi sẽ giống như người kiệt lực vì những gì mình vừa viết và ngủ thiếp đi.

Tôi chỉ đọc lại chúng vài ngày sau đó với tâm trạng tỉnh táo đủ đế phát hiện chúng cần thay đổi một vài chữ để ý tứ sắc nét hơn hay đã hoàn chỉnh, có thể gửi cho người yêu thơ cùng đọc.
Theo tôi, cảm xúc của con người thường giống nhau nhưng cảm thụ của từng người lại khác nhau trong cùng một sự việc. Vì thế, tôi không đòi hỏi người đọc phải hiểu và cảm thụ thơ tôi đến tận cùng như ý tôi viết. Miễn là họ có chung cảm xúc để đọc và thấy những câu chữ đó giống như do chính họ muốn viết ra là đủ lắm rồi.

 

Phạm Cao Hoàng:Thật ra tôi chưa bao giờ có ý định viết một bài thơ về một đề tài nào cả, mà thơ đến bất chợt từ cảm xúc, rồi giữ lấy cảm xúc đó để phát triển. Tất nhiên, bao giờ cũng phải đọc lại, sửa chữa thêm trước khi gửi đăng báo. Hồi đó tôi và nhiều bạn văn khác gửi bài cho các báo không nằm trong ý định muốn công bố tác phẩm của mình, mà đơn giản chỉ vì thích đăng báo. Gửi bài đi, chờ báo ra xem có bài mình không, nếu có thì tự đọc, tự feel good. Cùng bài thơ đó nhưng đọc trên một tờ báo vẫn thấy thích hơn là khi đọc trên bản thảo. Dần dần, có những chia xẻ của người đọc là điều đến tự nhiên. Vậy thôi.

 

Vũ Trà My: Chị (Anh) nghĩ bây giờ nếu có một bài thơ mới .anh sẽ chia sẻ đứa con tinh thần của mình theo tạng thơ bấy lâu nay, hay nên sửa đổi lại chút ít hoặc thay đổi hẳn theo trào lưu bây giờ ?  Như thơ cách tân dùng chử mới lạ ,thơ theo hậu hiện đại, thơ trình diễn , thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục…etc....?

 

Phạm Thị Ngọc Liên :Tôi là người làm thơ theo cảm xúc, không phải bằng lý trí hay kỹ thuật nên có lẽ sẽ vẫn trung thành với phong cách đã làm nên tên tuổi mình. Tôi e rằng độc giả của tôi sẽ quay lưng khi tôi làm thơ theo một kiểu khác vì đó không phải là tôi nữa. Tuy nhiên, giữ phong cách không phải là giữ mình cũ kỹ, tôi vẫn luôn làm mới mình theo kiểu độc giả có thể chấp nhận được.
 
Phạm Cao Hoàng: Tôi theo dõi khá thường xuyên những nỗ lực cách tân thơ của nhiều người viết trong và ngoài nước trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, các trào lưu này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tôi. Đối với tôi, trước sao sau vậy. Tôi cho rằng hình thức nào cũng được (Chẳng hạn như thơ có vần hay không vần…), miễn là chuyển tải được cảm xúc của mình. Khi đọc những bài thơ thuộc vào loại kiệt tác của thi ca Việt Nam, chúng ta cảm nhận bài thơ đó hay là vì nhiều yếu tố khác, chứ không phải vì hình thức của bài thơ. Có những cảm xúc phù hợp với thơ vần hơn là thơ không vần, và ngược lại. Chưa kể là năng khiếu bẩm sinh của từng tác giả có khác nhau: có người chuyên viết thơ có vần điệu, nhưng có người thì không. Cao Thoại Châu có những câu thơ xuất thần, đọc xong tôi còn bị ám ảnh nhiều ngày nhiều tháng, đều là thơ vần:

 

Hãy nghe Cao Thoại Châu dùng thơ vần diễn đạt nỗi buồn:
Tôi về sầu trắng hai tay
Đi như quân tướng trong ngày bại vong
(Cao Thoại Châu, bài thơ TÔI VỀ SẦU TRẮNG HAI TAY, 2010)

 

Một nỗi buồn khác:
Trăm cơn sầu đang đổi cơn say
Tôi đốt quán, em đừng buồn tôi nhé
Mở giùm tôi chai nào cay đắng nữa
Ly vỡ rồi cứ đổ xuống thân tôi
(Cao Thoại Châu, bài thơ QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V., 1996)

 

Sự ngang tàng:
Ta chỉ bực mình mỗi lúc qua sông
Sợ sóng cuốn đi thì trái đất thành tuyệt tự
(Cao Thoại Châu, bài thơ VÔ ĐỊNH HÀNH, 2009)

 

Trong khi đó, NH. TAY NGÀN sở trường loại thơ không vần với những bài thơ thuộc loại thần sầu.    Có một bài thơ của NH. TAY NGÀN mà một người bạn của tôi nói rằng mỗi khi đọc bài thơ này bạn ấy thấy thơ chạy trong người rần rần:   NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG. Trong thi ca Việt Nam, đây là một trong những bài thơ không vần dài nhất (255 câu) và hay nhất. Nếu NH. TAY NGÀN dùng hình thúc thơ vần thì đã không thể có bài thơ này.

Rất cám ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

 

Câu Hỏi riêng cho hai tác giả

 

Với nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên (1)

 


Phạm Thị Ngọc Liên sinh quán tại: Hà Nội.Hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn Việt Nam 

Các tác phẩm đã xuất bản :
Những vầng trăng chỉ mọc một mình (1989)
Biển đã mất (1990)
Em muốn dang tay giữa trời mà hét (1992)
Thức đến sáng và mơ (2004)
Người đàn bà bí ẩn (2008)

 

Vũ Trà My: Tại một buổi trò chuyện vừa qua , chị có phản ứng khá quyết liệt về thơ sex, văn chương sex mang danh đương đại, hậu hiện đại. Có ý kiến cho rằng vì không nghĩ, viết giống họ nên chị… phản ứng?   

 

Phạm Thị Ngọc Liên: Ồ, tôi chỉ không đồng ý với nhà thơ Inrasara khi anh ấy khen “văn chương” kiểu “lột tả trần trụi mọi sự vật” của vài người là văn chương đích thực. Theo tôi, đó không phải là văn chương. Mỗi cá nhân sáng tác có quyền tìm tòi, thể nghiệm cách viết mới cho mình. Viết về tính dục là một cách và trên thế giới người ta đã áp dụng lâu rồi, cũ rồi, từ văn học cổ điển đến văn học hiện đại đều đầy dẫy ra đó. Tính dục là một bản năng, một nhu cầu bình thường của con người. Thậm chí, có thể xem đó là một hành động đẹp và thiêng liêng vì nó giúp để chuyển tải, chia sẻ tình yêu, lưu truyền giống nòi. Viết về nó, ca tụng nó là đúng. Nhưng viết như thế nào, sử dụng câu chữ ra sao để người đọc đừng cảm thấy hành động tính dục trở thành bản năng của súc vật, khiến họ phải lợm giọng, buồn nôn.  

 

Tôi nghĩ đơn giản thế này: Khi trẻ con buột miệng chửi thề (mà không hiểu gì cả, chỉ do bắt chước) là mình đã mắng, đã đánh, đã trừng phạt nó rồi. Mình là người lớn, lại làm nghề chuyển tải văn hóa mà lại sử dụng ngôn ngữ quá trần trụi thì chẳng khác nào đi ngược lại văn hóa giáo dục của chính mình. Đó là ý kiến của riêng tôi.  Không phải là tôi không viết về tính dục. Trong tất cả các tác phẩm của tôi, ít nhiều cũng có đề cập đến vấn đề này. Cho đến nay, tôi vẫn tự hào là mình viết về đề tài này rất đẹp. Thế nhưng, cách đây 20 năm, bài thơ có chút xíu ý tứ về tính dục của tôi là “Mãn nguyện” đã bị đập tơi bời là mang ý nghĩ dâm dục. Mà nó chỉ ẩn dụ như thế này thôi:

“Chàng như con sói hùng hổ bước vào đời ta
Cắn, xé, nhai, nuốt Ta hạnh phúc được chàng ăn thịt
Dù sau đó chàng đập đuôi bỏ đi
Ta đã hòa lẫn trong chàng Vĩnh cửu trên cái chết”…

Nếu so với nhiều bài thơ của vài nhà thơ trẻ hiện nay thì nó chẳng là cái gì cả. Xã hội hiện nay được nhìn nhận thóang hơn nhiều.

 

Vũ Trà My : Dù là một nhà báo kỳ cựu và là một nhà thơ với nhiều bài thơ thật hay và đã thành thương hiệu trên thi đàn. Giờ lại thấy chị lại đa mang thêm nghiệp viết văn và sau nầy qua sự chia sẻ riêng tư với My,  vẫn thấy thơ của chị thấp thoáng đâu đó qua tranh vẽ (Dù chị chưa công bố rộng rãi). Phải chăng chị muốn rẽ trái ?    

 

Phạm Thị Ngọc Liên: Tôi chưa bao giờ rẽ trái cả mà vẫn “đi hàng ba, hàng bốn” vẫn sáng tác đều đặn đó thôi. (viết báo, viết văn, làm thơ, lâu lâu cảm hứng thì vẽ ), Tuy nhiên, do nhu cầu của các báo, sau này tôi gửi truyện ngắn nhiều hơn. Riêng với thơ, tôi ít gửi. Tôi muốn có một khỏang lặng cho mình trước khi trình làng một tập thơ mới, một phong cách viết mới. Điều này, tôi đã làm rồi. Từ tập thơ thứ ba “Em muốn giăng tay giữa trời mà hét” đến “Thức đến sáng và mơ” có khỏang cách 12 năm đấy. Nếu với tập thơ “Em muốn…”, tôi bị bạn bè trong giới phê bình là “lắm lời” thì với tập “Thức đến sáng…”, tôi đã được khen là kiệm chữ. Với tập thơ kế tiếp (tôi không biết sẽ in năm nào) tôi muốn mình hòan tòan khác cả hai hình ảnh trên
Còn vẽ tranh: Chỉ là một sở thích và chuyện thử nghiệm mới mẻ của tôi mà thôi 

Vũ Trà My : Xin cảm ơn sự chia sẻ của chị .Chúc chị lúc nào cũng trẻ đẹp mãi và luôn luôn mới mẻ trong văn phong để còn làm tròn xoe ánh mắt kinh ngạc thán phục của nhiều người ( Trong đó có My )

 
(1)tác giả có sử dụng lại một số ý kiến đã từng trả lời phỏng vấn trên báo Lao Động

 

Với nhà thơ Phạm Cao Hoàng

 

 

PHẠM CAO HOÀNG QUA NÉT VẼ CỦA HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG(THÁNG 11.2010)

Phạm Cao Hoàng sinh quán tại Phú Thứ,  Tuy Hòa,  Phú Yên. Khởi viết từ năm 1969 và cộng tác với các tạp chí văn học ở Sài Gòn: VĂN, BÁCH KHOA, VẤN ĐỀ, KHỞI HÀNH, THỜI TẬP,  Ý THỨC,TUỔI NGỌC…Định cư ở Hoa Kỳ từ năm 1999, và cộng tác với các tạp chí TÂN VĂN (California),  THƯ QUÁN BẢN THẢO (New Jersey), DA MÀU (California), YAHOOVANHOAVIET (California). Hiện sống và làm việc tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản:


ĐỜI NHƯ MỘT KHÚC NHẠC BUỒN (Tập thơ, NXB Đồng Dao, Sài Gòn, 1972)
TẠ ƠN NHỮNG GIỌT SƯƠNG (Tập thơ, NXB Đồng Dao, Sài Gòn, 1974)
MÂY KHÓI QUÊ NHÀ (Tuyển tập thơ,  nhà xuất bản THƯ ẤN QUÁN, Hoa Kỳ,  2010).

 

Vũ Trà My: Nếu để giới thiệu ngắn gọn đúng nhất về tạng thơ của anh ..anh sẽ giới thiệu với độc giả bài thơ nào của mình?


Phạm Cao Hoàng: Mời các bạn đọc bài  NHỚ CÚC HOA (Viết năm 1974).(**)

 

Vũ Trà My: Sau 1975 anh còn sáng tác không? Và gần đây anh có in tập thơ nào không?

Phạm Cao Hoàng: Từ 1975 đến nay tôi viết chưa tới 10 bài thơ. Tháng 5/2010 nhà xuất bản THƯ ẤN QUÁN của anh Trần Hoài Thư có giúp in một tuyển tập thơ của tôi: MÂY KHÓI QUÊ NHÀ. Phần lớn các bài trong tuyển tập thơ này đều viết trước 1975, số còn lại viết sau 1975. Các bạn yêu thơ muốn có tập thơ này xin liên lạc với nhà xuất bản ở địa chỉ:
tranhoaithu@verizon.net
(*) (**) hai bài thơ nầy YHVHV đã từng giới thiệu

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&pid=5&cid=28&id=50115

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=34&id=59865

 

Vũ Trà My
Số lần đọc: 2413
Ngày đăng: 24.12.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mùa Xuân, Đọc Thơ Xuân Của Hoàng Đế Trần Nhân Tông - Phan Thành Khương
Một số tài liệu báo chí Việt Nam viết về L. Tolstoi, những năm 1920-30 - Lại Nguyên Ân
Chúng tôi vừa được tin Tiểu Kiều sinh ngày 15. 8. 1953 tại Thừa Thiên Huế, là hiền thê của Nhà thơ Võ Quê đã từ trần. - Nhiều Tác Giả
Thư mời của Tạp chí Vietnam Heritage - Nhiều Tác Giả
Tin Buồn - Nhiều Tác Giả
Tin buồn - Nhiều Tác Giả
Thông Báo Thực hiện chuyên đề Tạp chí VĂN - Nhiều Tác Giả
Thông Báo Thực hiện chuyên đề Tạp chí VĂN - Nhiều Tác Giả
Vào ngày 13 tháng 10 này, Văn Chương Việt tưởng niệm Nhà thơ Quang Dũng - Nhiều Tác Giả
Tạo ra một cái mẫu khả thi – thân phận của công việc nghiên cứu khoa học - Phạm Toàn
Cùng một tác giả
Bầu cho ai ? (tạp văn)
Tên vận vào người (truyện ngắn)