Ban đầu là tiếng sầm sầm như nhà thờ có gió lộng. Tiếng gió vần vũ mỗi lúc một lớn khiến Tuyết thức giấc. Tiếng gió sồng sộc thổi tốc các viên ngói bay thốc tháo ở phố Tây làm rung các tấm tôn của phố Chả Cá vang lên như tiếng kêu của thú rừng. Tiếng gạch đá lăn bị gió quất lên vách nhà thờ từng chập nghe rõ mồn một. Tuyết bật dậy bước ra khỏi chồng bản thảo cha cố xếp ngay ngắn bên cạnh tiểu thuyết Ðời Mưa Gió. Tối qua cả hai ngủ muộn. Tuyết đã xưng tội với giáo sĩ suốt đêm đến gần sáng. Trong suốt cuộc đời của một nhân vật tiểu thuyết Tuyết chưa bao giờ sống một buổi tối kỳ lạ như thế. Quá khứ của nàng cứ lần lượt trôi qua trong đôi mắt xanh thăm thẳm của giáo sĩ. Kể cả những ngày mới gần đây sống bên cạnh cha cố, tất cả cử chỉ của một người đàn ông vô cùng thông thái, lịch duyệt và cưng chiều nàng hết mực cũng diễn ra chậm chạp. Ðến suy nghĩ của chính nàng, Tuyết cũng trông thấy lại. Tuyết không sao hiểu nỗi đức cha có thể sống với chứng bệnh buồn bã thối chín ruột gan, thường trực chảy nước vàng ở dương vật. Ngay hôm đầu tiên Tuyết đã quyết định nấu nước cho giáo sĩ tắm. Trong lúc ông ngâm trầm hương trong chiếc lu cổ, Tuyết đem hết tất cả những tấm áo chùng bẩn thỉu đi giặt giũ. Tuyết đã rất ngạc nhiên khi không có ai trong hiệu giặt ủi cao cấp đô thị trông thấy nàng, mặc dù Tuyết đã lên tiếng gọi nhiều lần, cuối cùng, Tuyết đành bỏ chung giỏ đồ giặt của khách và hôm sau lẳng lặng đến lấy. Mỗi tối Tuyết dọn ăn trong phòng riêng của cha cố. Tuyết hay hầm chuột sốt vang với mận Tây Bắc, ngâm với lá nguyệt quế, có khi băm nhỏ chục vắt tươi với hành sống tưới mật trộn sữa làm gỏi, những món cha cố rất thích. Chính lúc trông thấy lại cảnh chính tự tay nàng lột da cóc, Tuyết mới sực nhớ đã quên lạng lấy mật vất bỏ, nhưng rất may giáo sĩ đã chết, nên khi ăn trúng mật cóc ông không chết nữa. Những ngày sống trong nhà thờ, vào ra trên khoảng sân lát đá xanh, trông thấy chiếc bóng của chính nàng nhập vào với bóng Ðức Mẹ, Tuyết không ngớt suy nghĩ. Tự trong thâm tâm Tuyết biết De Rhodes lầm lẫn nàng với người đàn bà thành Goa, lỗi do Khái Hưng và Nhất Linh đã không miêu tả nàng rõ rệt, khiến De Rhodes đã chuyển hoán trong vô thức của một bóng ma, nét đẹp riêng của người đàn bà ông si mê thời trẻ lên nhận vật nữ chính của Ðời Mưa Gió. Trong thâm tâm Tuyết cũng chịu ơn sâu sa giáo sĩ đã cho nàng thêm một kiếp sống, một kiếp đời, trong một ngôn ngữ khác. Giáo sĩ đã dạy nàng biết thêm tiếng La Tinh và Bồ Ðào Nha, cho phép nàng trông thấy những người đàn ông da trắng. Tuyết đã quyết định thôi ăn ở với Chương và ở lại nhà thờ một thời gian phụng dưỡng cha cố, cùng phụ với ông hầu việc Chúa, ít nhất cho đến khi De Rhodes hết chứng bệnh thối ruột gan.
Hôm đầu tiên Tuyết đã ngỡ ngàng trước ánh mắt si mê của giáo sĩ. Ánh mắt đắm đuối của những xác chết không được vuốt mắt, đã khiến nàng đỏ mặt, cùng lúc cảm động vì từ ngày Khái Hưng và Nhất Linh bỏ đi, chưa một người đàn ông nào yêu nàng nhiều như vậy. Trong thâm tâm Tuyết không yêu Chương, và tự trong thâm tâm Tuyết cũng biết Chương không yêu nàng, cả hai đã bắt buộc phải sống chung trong ngôi biệt thự số 84 đường Quan Thánh chỉ vì một lý do duy nhất, Nhất Linh đã bắt buộc họ ăn nằm với nhau. Tuyết đã thù Nhất Linh biết chừng nào, người đàn ông có cái tên Nguyễn Tường Tam mà nàng vẫn hãy còn yêu, còn kính phục và vẫn hãy còn hờn giận đến phút này. Ngay khi mở mắt, bước vào đời, Tuyết đã trông thấy gương mặt ấy, gương mặt đàn ông rắn rỏi, cương nghị và vô cùng trí thức của Nguyễn Tường Tam. Tuyết nhớ nàng đã đưa một bàn tay vuốt nhè nhẹ gò má xương của Nhất Linh, và hình như lúc đó Nhất Linh cũng đã cười nhẹ nhàng. Chính Nhất Linh đã dạy cho nàng cách đi đứng, ăn nói. Chính câu nói Vâng em là Tuyết người chịu ơn của anh, mà Tuyết đã thốt lên với giáo sĩ ngay hôm đầu tiên, do chính tay Nhất Linh viết ở dòng thứ 13 của trang 35 và bắt nàng học thuộc lòng để ứng xử trong mọi tình huống. Tuyết biết nàng đã yêu Nguyễn Tường Tam ngay từ những giòng chữ đầu tiên của Ðời Mưa Gió. Thứ tình yêu đầu đời của nữ sinh với thầy giáo, của một cô gái với phụ thân, của một cô em với anh trai, và của cả nhân vật nữ với tác giả. Thứ tình cảm tuyệt đẹp của mọi tình cảm gộp lại gọi là tình yêu. Thời toà soạn còn ở phố Cổ Ngư, Nhất Linh hay đến xem qua bản thảo chưa hoàn tất, Tuyết luôn ngã vào lòng Nguyễn Tường Tam hôn say đắm đôi môi thơm thuốc tẩu, Tuyết sẵn sàng dâng hiến cho Nhất Linh lúc đó, thậm chí những khi Nhất Linh ngồi trước bàn viết, Tuyết chỉ mặc chiếc áo pyjama duy nhất của anh vắt trên thành ghế, không cài cúc đứng tựa bên cạnh xem Nhất Linh miêu tả canh bạc đương diễn ra ở nhà bà Phủ Thanh. Có những đoạn đã khiến nàng cười ngất, cười đến ngã hẳn vào lòng anh Tam, những lúc đó cánh áo pyjama bung mở phô bày thân thể nàng, Tuyết đã chờ dợi biết bao lần anh Tam áp mặt vào ngực mình, hôn lên chiếc bụng phẳng, ôm hôn âu yếm thân thể do chính anh tạo ra, nhưng lần nào Nhất Linh cũng gỡ tay, đỡ nàng dậy, cài lại năm cúc áo và khuyên nàng đi nghỉ. Mấy ngày sau, anh Tam giới thiệu với Tuyết một người đàn ông khác. Ngay hôm gặp gỡ, Tuyết đã bị nụ cười trữ tình của Khái Hưng quyến rũ. Khác Nguyễn Tường Tam, Trần Khánh Dư lãng mạn hơn rất nhiều, chính Khái Hưng đã giắt Tuyết đi mua sắm váy đầm, nước hoa, ví cầm tay và cả đồ lót. Chính Khái Hưng đã dạy cho nàng cách vén chéo áo, cách trang điểm, vẽ mắt, tô môi và truyền dạy tất cả nghệ thuật phân tích tâm lý đàn ông. Ở Khái Hưng sức sống toát ra mời gọi, không câu nệ, cân nhắc và cứng nhắc như Nhất Linh, đặc biệt Khái Hưng cho phép nàng bỏ Chương đi chơi thỉnh thoảng ở đồng quê, không nhất thiết phải ngủ đêm lại ngôi biệt thự số 84 Quan Thánh. Thời kỳ ở Cao Bằng Tuyết vẫn chưa biết rõ mình yêu ai nhiều hơn giữa hai người đàn ông cùng tài hoa lỗi lạc này. Tuyết chỉ biết rõ nàng yêu cả hai, mối tình duy nhất, và Tuyết cũng biết nàng bị ruồng rẫy. Buổi chiều Khái Hưng đến phố Cổ Ngư viết thay cho Nhất Linh và thông báo cho nàng một tin quan trọng, Tuyết phải ăn nằm với Chương tối đó. Tuyết đã khóc hết nước mắt, đã ôm chầm lấy Trần Khánh Dư.
- Anh Dư hãy ngủ với em đi, em muốn người đàn ông đầu tiên là một trong hai anh!
- Tuyết, anh xin lỗi. Anh không thể làm khác, cốt truyện là của anh Tam, anh chỉ được mời viết chung những chương tả tình.
Buồi chiều đó hình như Khái Hưng đã xúc động rất nhiều. Tuyết còn nhớ anh Dư đã hôn môi nàng thật lâu, đã mân mê và hôn đầu ngực nàng thật lâu trước khi dứt khoát đứng lên, bắt nàng vận áo và kêu xe đưa đến số 84 Quan Thánh để ngủ với Chương.
Tuyết bần thần nhặt chiếc khăn san và mặc lại chiếc áo dài thâm tối qua cha cố đã vụng về làm đứt mất một cúc. Những hình ảnh của buổi tối xưng tội vẫn chưa ra khỏi tâm trí. Suốt tối giáo sĩ đã làm phép rửa tội cho nàng vào đạo. Những hôm trước đi chợ lồng thị xã, Tuyết đã nghe một số giáo dân nói giáo sĩ có biệt tài đọc hết quá khứ của những con chiên đến xưng tội, không ai có thể dấu giếm tội lỗi đã phạm. Nàng đã nghĩ xóm đạo nói quá, lúc trả tiền nhưng không ai lấy, đến nỗi nàng phải lấy trộm rau cải, Tuyết hãy còn nghe kể giáo sĩ đọc được cả quá khứ của người chết. Ðến tối, quỳ gối trong nhà kín xưng tội, trước tấm lưới chỉ vang hơi thở kiên nhẫn của giáo sĩ, Tuyết hãy còn phân vân không biết bắt đầu từ đâu cuộc đời của một nhân vật tiểu thuyết mà Nhất Linh đã bắt chung chạ với mọi đàn ông. Cho đến lúc tiếng thở cảm thông của De Rhodes trở nên gần sát, ngẩng lên, Tuyết bàng hoàng trước hình ảnh của quá khứ đang ào ạt trở về diễn ra rõ mồn một trong đôi mắt cha cố, đôi mắt chứa chan quá khứ của chính nàng và xanh biếc tất cả những đại dương giáo sĩ đã vượt qua trong suốt hành trình truyền giáo. Chính lúc đó Tuyết đã thảng thốt trông thấy lại cảnh nàng tát tai Nguyễn Tường Tam khi Nhất Linh đến cuối truyện bắt nàng ho lao và trở thành một con điếm.
- Anh đối xử với đàn bà một cách khốn nạn !
Tuyết mắng chửi. Nàng đã tát Nhất Linh tàn nhẫn mạnh đến nỗi đến bây giờ Tuyết hãy còn đau nhức các đốt xương mỗi khi trời trở gió. Tuyết còn muốn tát nữa, nhưng Nguyễn Tường Tam đã chụp lấy tay nàng khoá cứng và mắng bằng giọng đanh thép phũ phàng.
- Cô chỉ là luận đề của tôi, cô không có quyền gì hết để đòi hỏi. Tôi cho cô đi làm điếm là may, để cho cô có một nghề sinh sống, hay cô muốn đi theo Việt Minh? Từ nay trở đi cô đừng tìm tôi nữa, tôi đã xong luận đề của mình. Tôi không có bổn phận gì đối với cô. Thôi cô về đi.
Tuyết đã khóc tức tưởi, như nàng đã khóc hết nước mắt ngày Khái Hưng tản cư. Anh Dư không cho phép nàng đi theo và mãi mãi Tuyết không bao giờ còn gặp lại người đàn ông kỳ tài của tiểu thuyết An Nam này nữa.
Những ngày sau Tuyết làm tình với Hoàng Ðạo ở phố Cổ Ngư để trả thù Nhất Linh. Anh Tam bỏ nàng, rời Hà Nội sang Trung Hoa đi làm một cuộc cách mạng nào đó mà Tuyết không sao hiểu. Buổi tối khuya khoắt có những cánh đào dịp Tết đang rụng rơi, Tuyết bắt gặp Hoàng Ðạo đang đọc Ðời Mưa Gió. Trong lòng Tuyết hãy còn đầy rẫy những giận dữ thù hận Nhất Linh đã tệ bạc, xúc phạm và nhất quyết phải trả thù làm một điều gì hoen ố thanh danh của Nguyễn Tường Tam. Tuyết ngắm Hoàng Ðạo thể thao và khoẻ mạnh. Không đợi người thanh niên lên tiếng, Tuyết cởi bỏ y phục, chiếc áo dài Cát Tường Nhất Linh luôn bắt nàng mặc mỗi khi ra phố, chiếc quần lót kiểu Tây mỏng manh Khái Hưng mua tặng, Tuyết thích khoả thân trước sự kinh ngạc của đàn ông và biết rõ thân thể nàng toát ra cám dỗ dâm dục vì đã được tạo ra cho một luận đề đả phá dâm đãng. Tuyết đã chống hai tay xuống bàn viết của Nhất Linh, cho Hoàng Ðạo xâm nhập. Tuyết thích làm tình với những người đàn ông không thấy mặt, cho phép nàng mường tượng đến gương mặt của anh Tam, anh Dư. Hoàng Ðạo sau ân ái, gấp sách bỏ đi lặng lẽ, Tuyết lau những vết sữa trên đùi bằng chiếc khăn tay của Thạch Lam, người em trai khác của Nguyễn Tường Tam. Một lần Tuyết đã bắt gặp Thạch Lam trên chiếc giường của Nhất Linh. Thạch Lam đọc say mê những phác thảo của anh Tam. Thạch Lam mang nét trong trắng, hồn nhiên vô tư của những nụ cúc còn e ấp. Tuyết theo dõi kín đáo người thanh niên trẻ tài hoa, mà nàng biết, chỉ cần nhìn thoáng qua, chưa hề biết đến thân xác phụ nữ. Trên chiếc giường trải drap trắng tinh của anh Tam, Thạch Lam đọc miên man Ðời Mưa Gió. Lúc đó Tuyết đã bắt đầu có kinh nghiệm, mỗi khi người đọc say mê tiểu thuyết, cảm nhân vật, nàng có thể hoá thân trở thành người thật. Tuyết đã hiện ra dưới chân giường Nhất Linh mà Thạch Lam không trông thấy. Gương mặt anh mang nét xanh xao của những người ốm nặng. Tuyết có nghe anh Tam than Nguyễn Tường Lân ho lao, nhưng chứng kiến tận mắt đôi môi khô khốc, tròng mắt võ vàng của tuổi trẻ khiến nàng não lòng. Thạch Lam đọc chăm chú đoạn nàng ăn nằm với Chương. Tuyết bỉ ổi anh giáo Chương nhưng cùng lúc cảm nhận ở Thạch Lam một đòi hỏi thân xác mà nàng biết, chưa hề toại nguyện. Tuyết đặt tay lên ống chân của Thạch Lam, ống chân thẳng, ốm, mà nàng biết đã đi khắp cùng ba mươi sáu phố phường. Tuyết vuốt ve Thạch Lam cho đến khi thân thể anh trở nên mạnh mẽ, gân guốc tuồng như Thạch Lam chưa bao giờ đau yếu. Lúc uống chất lỏng ấm trào ra từ thân thể người thanh niên, Tuyết có đôi chút mặc cảm phạm tội, nhưng Nhất Linh đã muốn nàng làm một con điếm thì trước nhất anh Tam phải chấp nhận nàng là một con điếm của gia đình anh. Vị sữa của Thạch Lam khác với Hoàng Ðạo, trong trẻo, thơm hương bún chả Hàng Mành, xôi gấc Cấm Chỉ, và ốc nóng Hàng Gai, tất cả hoà quyện tuồng mùi vị thức ăn. Thạch Lam mất đi, Tuyết chẳng bao giờ còn được nếm vị bún thanh cảnh của Hà Nội nữa.
Tiếng gió ầm ào trổi lên mạnh mẽ, rõ ràng có một vật nặng trĩu đang rơi xuống nóc nhà thờ với sức hút nghiệt ngã của trọng lực. Gió mỗi lúc một thổi thốc, gào rú, kéo đập những tấm phên rền rĩ như nhà thờ có đám. Tuyết quyết định lên gác chuông để trông cho rõ những gì đang xẩy ra trong pháo đài. Một ánh lửa đỏ loé qua ô cửa tò vò khiến nàng hốt hoảng. Tia chớp hực lửa nháng lên gương mặt đấng Chirst đang đau đớn vùng vẫy trên thập tự giá, nỗi đớn đau kinh dị của thân xác bị đóng đinh. Nỗi đau của Jésus Christ khiến Tuyết hãi hùng hụt chân. Các nấc thang gỗ cổ xưa vang những tiếng rên như giam hãm những linh hồn khẩn khoảng van nài trên mỗi bậc thang càng làm nàng sợ hãi. Cha cố đã kể nhà thờ Cao Bằng xây bằng những viên gạch đã có từ lâu lắm, từ những thành luỹ của Mạc Ðăng Dung, mỗi thỏi gạch đều chứa mang âm hồn An Nam tắm máu chiến tranh và máu người. Tuyết cố gắng đi thật nhanh lên nóc chuông nhưng những bậc thang trơn trợt nhấp nhô rung chuyển tựa có những bàn tay vô hình cứ nắm chắc lấy cổ chân nàng. Tuyết bắt đầu trông rõ những cuồng lửa từ những đỉnh núi phía tây sông Hiểm đang bay đến nhà thờ. Tuyết linh tính chuyện gì đó sắp xẩy đến, chắc chắn sắp xẩy đến một chuyện gì như đã xẩy đến cho nàng cách đây vài tuần khi trung úy De Lattre bước chân vào nhà thờ.
Tuyết đã nhận ra ngay viên sĩ quan sắp chết. Chỉ có những người đàn ông sắp chết mới không còn một chút ham muốn tình dục nào trong ánh mắt. Chỉ có những người đàn ông sắp mệnh chung mới mang vẻ sầu thảm buồn rủ rượi và dương vật suy dinh dưỡng mềm lả như vậy. Sau lúc hốt hoảng, Tuyết đã giải bầy cho Bernard De Lattre hiểu lá số tử vi An Nam còn phải đi kèm với tướng mạo, đức năng, chỉ tay và đức năng có thể thắng số. Các thầy An Nam không thể coi tướng Tây dựa trên chuẩn Á Ðông, đo nhân trung Tây Phương bằng thước đo Trung Hoa. Tuyết chỉ không thể giải thích được những quẻ xăm kỳ lạ mang cùng một chú giải, nhưng nàng thấy rõ đã giải thoát viên sĩ quan khỏi nỗi sợ hãi chết chóc. Thật sự Tuyết cũng không biết mình trúng hay sai và Bernard sẽ chết hay không, nàng chỉ biết cần phải giúp đỡ người thanh niên da trắng thoát khỏi cơn tuyệt vọng khốn quẫn. Buổi trưa đó, bằng kinh nghiệm của Ðời Mưa Gió, Tuyết giúp Bernard de Lattre tìm lại khả năng giao hợp mà nàng biết, với những người đàn ông trẻ đi tìm tình yêu thân xác lần đầu tiên, xóm thổ không phải là chốn thích hợp.
Lúc làm tình với trung úy De Lattre, Tuyết cảm thấy thật sung sướng, đã lâu nàng chưa làm tình với ai từ khi lên thị trấn Cao Bằng sống trong giáo đường hoang vắng. Nhưng Tuyết sung sướng hơn hết vì đã có một người khác, ngoài cha cố trông thấy nàng. Tuyết linh cảm kiếp đời mà giáo sĩ đem đến cho nàng, sẽ phong phú bất ngờ hơn rất nhiều kiếp đời cũ. Tuyết cũng khám phá đàn ông da trắng làm tình khác hẳn những gì nàng đã biết. Trước đây, Tuyết không hề cảm giác gì rõ rệt mỗi khi luyến ái với Chương, do Nhất Linh và Khái Hưng không miêu tả kỹ. Làm tình với Bernard, Tuyết thấy rõ người thanh niên, dù chỉ mới lần đầu đã kiểm soát hơi thở của anh, đã chờ đợi chia sẻ thân xác của cả hai, tựa cả hai cùng chống một chiếc thang hai chân giữa khoảng không chơi vơi, cùng leo lên, cùng đợi nhau và cố nghiêng ngả kềm hãm bấu víu lẫn nhau để chiếc thang khỏi chao đảo ngã đổ, để cùng đi lên đến tận trời. Lần đầu tiên Tuyết nếm vị sữa đậm sệt như cặn rượu chát.
Vị sữa của Bernard khác hẵn vị sữa của cha cố. Một hôm mang thức ăn vào phòng giáo sĩ, Tuyết nhận ra áo chùng dù được giặt ủi thơm tho đã bắt đầu khắm. Từ hôm Tuyết bước chân ra khỏi Ðời Mưa Gió, đức cha đã vui hơn, chứng bệnh buồn chín thối ruột gan đã thuyên giảm, nhưng chưa dứt hẳn, nước vàng vẫn chảy ra ở dương vật. Những lần phụ Alexandre phiên dịch tiểu thuyết, Tuyết cảm ở giáo sĩ một ước muốn thầm kín mà ông không thể nói ra, không thể viết thành lời, không thể diễn tả cách nào khác ngoài dịch tăm tắp trên các trang giấy những điều văn chương diễn tả mạch lạc, những điều mà anh Dư đã nói với Tuyết rất nhiều lần. Chức năng của một nhân vật nữ ngoài hấp dẫn bạn đọc, còn phải thoả mãn ẩn ức sinh lý của tác giả. Những lúc đó, cha cố chỉ dám ngửng lên nhìn Tuyết lén lút, lâu lâu kêu Blời ơi, rồi lại ngã vật xuống đất ngất xỉu. Những lúc đó, Tuyết cố gắng đỡ đức cha lên giường, bôi dầu con hổ, đánh gió và xoa bóp cho ông, cho máu huyết chảy đều lại, mặc dầu chính nàng cũng tự hỏi không biết trong xác chết cha cố còn giọt máu nào không nữa. Những lúc Alexandre de Rhodes bất tỉnh, Tuyết khám phá điều kỳ lạ, bàn tay nàng xoa nắn đến đâu da dẻ ông căng trở lại, từ vết nhăn ba trăm năm đến nếp thịt bủng nhão nhoẹt cứ ngón tay nàng chạm vào vụt thẳng ra, săn chắc, cứng cáp, cả vẻ mặt cha cố cũng trẻ ra cho đến khi ông trở thành một thanh niên cao lớn không còn khòm lưng nhưng mang vẻ đẹp quyến rũ của hiệp sĩ Thập Tự thời xa xưa. Cả mái tóc rủ bạc trắng xoá của giáo sĩ, chỉ cần Tuyết vuốt lên trở thành óng ánh sắc vàng tươi lấp lánh kỳ lạ. Nhưng tất cả trẻ trung đó suy giảm dần trong ngày, đến chiều tối trở nên già nua cũ kỹ và nhăn nheo của một ông lão đã chết lâu. Cứ thế mỗi tối, Tuyết xoa bóp tẩm quất cho cha cố trở lại cường tráng trong 24 tiếng, cho đến một đêm, Tuyết quyết định chữa dứt di căn của chứng bệnh thối ruột gan, như nàng đã chữa cho trung úy De Lattre. Tuyết mút dương vật cha cố, hút hết các chất lỏng vàng hôi thối rồi nhổ xuống chậu gốm, cho đến khi chậu gốm đầy ắp phải đem đổ ở gốc sữa. Mỗi tối Alexandre de Rhodes rên la vì thân thể ông căn phồng lên đến mức áo chùng rách bươm, và mỗi khi Tuyết mút quá mạnh, bụng giáo sĩ teo tọp hẳn lại tựa tất cả ruột gan đều trôi vào miệng nàng. Tuyết cũng xấu hổ, biết nàng làm chuyện dơ bẩn, thiếu kính trọng, thiếu đạo đức của một con chiên, nhưng Tuyết quyết tâm chữa cho bằng hết chứng cô buồn giáo sĩ. Nhất Linh đã bắt nàng làm một con điếm không nhân cách, nhưng Tuyết vẫn là một người đàn bà giàu tình thương, lòng trắc ẩn. Tuyết muốn trả ân nghĩa đã thọ ơn cha cố. Mỗi tối nàng miệt mài hút hết chất nước vàng cho đến một đêm chất lỏng trở nên trắng ấm thơm mùi lúa mạch nhuyễn bột như vị bánh thánh Alexandre de Rhodes vẫn cho nàng ngậm mỗi sáng chủ nhật rước lễ trong nhà nguyện. Kể từ sau đêm ấy, giáo sĩ hoàn toàn khỏi bệnh, ông trở nên khoẻ mạnh và trẻ măng như một vị linh mục vừa tốt nghiệp trường thần học.
Về sau khi thành thân trong âm thầm lén lút với cha cố, Tuyết vẫn không quên tiếng chuông kinh hoảng của buổi sáng đó. Buổi sáng có những gào la thống thiết trầm thống của gió và tiếng chuông co giật từng cơn tựa các quả chuông phát khùng đánh loạn lẫn nhau. Tiếng chuông nhức nhối tuông những bài kinh La ngữ hỗn độn. Tiếng chuông ma quái khiến người nghe ý thức rõ rệt cuộc đời mình trước và sau đó. Trước, Tuyết có một quá khứ tiểu thuyết An Nam, sau, nàng trở thành một nhân vật lấy Tây và không còn gì giống như trước nữa.
Tất cả xảy đến khi Tuyết bước chân lên bậc thang chót, những quầng lửa bay đến sát nhà thờ đến nỗi nóc chuông đỏ như được thắp sáng nến. Tuyết cất tiếng gọi Alex ? nhưng chỉ có tiếng gió bật tiếng kêu của chính nàng rơi vỡ vụn trên các nấc thang. Chính lúc đó Tuyết nghe thấy tiếng chuông gióng từng cơn, rũ từng hồi điên dại làm như các quả chuông vụt lên cơn động kinh va đánh vào nhau liên hồi. Tiếng chuông ray rứt, phạm tội, đầy kinh động, đặc biệt vang vọng sám hối của con người trước thuợng đế. Tuyết lấy hết can đảm bước qua ngạch đá. Quang cảnh diễn ra hãi hùng như quang cảnh ở địa ngục. Các quầng lửa gào xé chung quanh vòm mái, các tia lửa bắn xẹt vung vãi cháy rơi rớt gió thổi tốc lên từng làn tro thiêu đốt các tấm rèm nhung đang oằn xém. Lẫn trong khói than mù mịt bên dưới quả chuông chao đảo là thân thể trần truồng của Alexandre de Rhodes đang trì kéo sợi dây thừng.
- Blời ơi ! Tận thế rồi !
Alexandre kêu lên tuyệt vọng. Tiếng chuông xô đẩy inh ỏi tựa muốn đập vỡ nhà thờ, rạn nứt các vách đá. Tuyết trông thấy rõ Alexandre không còn kiểm soát nổi đôi tay của anh, lúc này đang treo níu vào dây chuông từng lúc nhấc bổng đong đưa rồi thả xuống kéo lê liên tục. Không khí nồng nặc mùi thiên tai, thứ mùi khét mà Tuyết ngửi ra ngay tức khắc ở làn hương đầu tiên. Tuyết lao đến ôm Alexandre cố kéo anh thoát khỏi cơn động kinh của quả chuông. Lúc ôm vòng lấy lưng, dù kinh hãi, Tuyết vẫn kịp nhận ra nàng đang ôm xương thịt tươi rói đã lấp đầy vong hồn giáo sĩ .
Ðó là buổi sáng mà tất cả mọi giáo dân sinh sống trong pháo đài đều bị đánh thức bởi tiếng chuông tận thế đổ dồn ầm ĩ từ nhà thờ chính toà Cao Bằng. Cũng là buối sáng mở màn Chiến dịch Đường Biên Giới. Nhưng ít ai lúc đó có khả năng mường tượng hậu quả của trận đánh, tất cả chỉ thức giấc trong kinh sợ của tiếng chuông gọi hồn. Ðó là buổi sáng tin Ðồng Khê thất thủ réo về thị trấn như một lời nguyền.
*
Thật ra tin căn cứ Ðồng Khê với hai đại đội tán binh Marốc, một đại đội thân binh An Nam, tăng cường đại đội Lê Dương của trung úy Bernard de Lattre bị tràn ngập đã bay về bộ chỉ huy pháo đài từ chiều hôm trước. Suốt đêm, các sĩ quan tham mưu của trung đoàn 3 Lê Dương sửng sốt chứng kiếng một cảnh tượng lạ lẫm. Các áng mây đen ở đâu cứ trôi đùn vào bộ chỉ huy, mỗi lúc một nhiều, theo cường độ của các bản tin hấp hối đánh đi từ Ðồng Khê. Ðến chiều tối trở thành cơn mưa bão gió gào, sấm chớp liên tục. Ðại tá Antoine Marie Pierre Charton, lãnh chúa Cao Bằng, tư lệnh trung đoàn ngồi chết lặng dưới cơn giông mỗi lúc một lớn. Sấm sét mây đen vần vũ với những tia chớp loé không ngừng trút nước từ trần bê tông kiên cố dầy năm thước của căn hầm chỉ huy chôn chìm sâu dưới lòng đất. Charton ngồi bất động dưới cơn mưa tầm tã trước phóng đồ hành quân. Gương mặt ông biến dạng móp méo thay đổi từng lúc trước các báo cáo tự động sang trang, lật mở từng phúc trình tối tăm mà không một ai đụng đến. Suốt đêm viên đại tá chứng kiến những hiện tượng quái dị. Vong các sĩ quan tử trận Ðồng Khê cứ lần lượt lê lết hiện về, trình diện cấp bậc, đưa bảng trận liệt khai báo quân số tử vong, mất tích, rồi đưa giấy khai tử chờ ký nhận tử tuất. Bàn làm việc của đại tá Charton bê bết máu, làm như tất cả thương vong ở Ðồng Khê đều đã xảy ra trên bản đồ tham mưu. Có lúc viên đại tá cũng bất ngờ trông thấy cố thống chế Ney, tư lệnh Khu Biên thùy Đông Bắc từ Lạng Sơn cũng hiện ra từng lúc, bất chợt hối thúc phản kích rồi đột ngột biến mất. Tự trong thâm tâm Charton không phục Ney, mặc dù viên thống chế đã tham dự các trận đánh lẫy lừng Iéna, Austerlitz bên cạnh hoàng đế Napoléon đệ nhất. Nhưng Ney không sao hiểu cách chuyển quân như sóng rừng của sư đoàn 308, không còn di chuyển đội hình ô vuông ban ngày, và Ney cũng không hiểu những quy ước chiến tranh do vong hồn Karl von Clausewitz đang tiếp tục giảng dạy tại các trường đại học quân sự Tây Phương đã không còn được Việt Minh tuân thủ. Charton tin chỉ một mình ông khám phá ra chiến thuật Việt Minh. Lối đánh Phật giáo, chết đi sống lại luân hồi liên tục, khiến với quân số không tăng viện, trung đoàn Thủ Ðô vẫn có thể xung phong biển người, hết lớp này đến lớp khác, mà các đại liên Bren, Browning, Hotchkiss bốn nòng không thể chận đứng. Bộ đội Việt Minh không thể tử vong.
Gương mặt Charton tím tái. Các sĩ quan ban 3 có cảm giác mây đen đang bốc từ đầu ông, cả những lằn chớp sấm sét cũng nháng lên từ nỗi giận dữ phẫn uất bên trong mình ông. Chỉ cơn mưa lạnh lẽo trút nước chảy ra từ nỗi sợ hãi vãi đái mà viên đại tá cố giấu, nhưng không sao kềm hãm. Ðồng Khê là cánh cửa cuối cùng trước Cao Bằng. Chiếm Ðồng Khê, Việt Minh chặt nốt cánh tay nối Lạng Sơn biến pháo đài thành tên khổng lồ trần trụi chỉ còn trơ chiếc đầu nhô lên khỏi mặt đất đợi chém. Chưa bao giờ Charton cảm thấy ngày tận thế gần gũi, kề cận. Phòng Nhì buổi chiều báo cáo, có tin Jésus Christ sống lại ở Ðồng Ðăng, điều đó có nghĩa ngày phán xét cuối cùng sắp xảy đến. Viên đại tá chết cứng dưới cơn mưa bão, ông cố nhớ xem mình có phạm tội lỗi gì với các sắc tộc thiểu số Mường, Mán, Nùng, Thổ, nhưng ông không sao cử động nhúc nhích tay chân hay ban một mệnh lệnh nào, cho đến lúc nước mưa dâng từ từ ngập đến gối, quá thắt lưng, rồi dâng kín trần hầm đến mức các sĩ quan tham mưu phải thở bằng ống hút rồi dùng bình dưỡng khí dành riêng cho biệt kích thủy. Chỉ đến tảng sáng, khi thiếu tá Forget tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn III/ 3ème REI bất ngờ xuống hầm chỉ huy xin lệnh, mở cửa khiến nước thoát ra ngoài giải cứu tất cả, cùng lúc đem theo những ráng hồng rạng rỡ đầu tiên của ngày, đại tá Charton mới bừng tỉnh. Ðã từ lâu, theo thói quen trong chiến tranh Ðông Dương, đêm thuộc về Satan, ngày thuộc về thượng đế, và thượng đế đứng về phiá quân đoàn viễn chinh.
Antoine Marie Pierre Charton lấy lại tinh thần, ông quyết định phản kích tái chiếm Ðồng Khê bằng tiểu đoàn Trận Vong của cố thiếu tá Henry Rivière, sĩ quan thâm niên kinh nghiệm trận mạc và nổi tiếng can trường. Chính lúc đó, khi bước chân ra khỏi hầm, vắt bộ quân phục còn ướt mưa và khắm nước tiểu, đại tá Charton đã bàng hoàng nghe thấy tiếng chuông lanh lảnh buốt sắc đổ thốc tháo từ nhà thờ Cao Bằng. Tiếng chuông lạnh lẻo gọi hồn của địa ngục mà Charton biết dành riêng cho linh hồn ông. Lúc đó xảy ra một hiện tượng kỳ quái. Linh hồn đại tá Charton quá sợ hãi đã xuất ra khỏi xác chạy trốn tìm chỗ trú ẩn dưới hầm trú pháo. Các sĩ quan tham mưu đã phải rượt theo bắt lại và vất vả nhấn linh hồn viên đại tá trở vào trong thân xác của chính ông. Phải mất nhiều phút đại tá Charton mới hoàn hồn và lấy lại phong thái chỉ huy. Buổi sáng đó, nhật ký hành quân trung đoàn ghi rõ, tin thất thủ Ðồng Khê bay về pháo đài khiến bộ chỉ huy trung đoàn hoàn toàn tê liệt, nghẹt thở. Cũng buổi sáng đó, Vương Thừa Vũ, tư lệnh sư đoàn 308 đã điện lên tổng bộ Việt Minh tin chiến thắng: Ðại Ðoàn Quân Tiên Phong giáng những đòn sấm sét vào Ðồng Khê khiến sĩ quan Pháp mất hồn.
Đó là sáng 30 tháng 5, ba ngày sau trận Ðồng Khê khai diễn. Cũng là buổi sáng tin đấng Christ xuất hiện ở Ðồng Ðăng được kiểm chứng.
Défunts 02/ 11/ 2002
Lễ Người Chết Công Giáo
Xem tiếp phần 3
(*) Dany Carrel trong vai diễn phụ nữ An Nam của phim L’Annamite.
(*) Ðại tá Antoine Marie Pierre Charton, quyền tư lệnh trung đoàn 3 Lê Dương, kiêm tư lệnh đặc khu biên thùy Cao Bằng - Đông Khê - Thất Khê, bị bắt trên đường mòn Quảng Liệt, gần hang Cốc Xá trong Chiến dịch Đường Biên Giới, tháng 10 – 1950.