Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.226.145
 
Đêm trăng non Gò Tháp
Thanh Giang

Con kinh Bốn mới (còn gọi là kinh Cas-bis) rộng chừng năm chục mét, đôi bờ là vườn cây, tạo thành con đường nước lấp loáng chạy thẳng băng vào chân mây. Ngồi trong chiếc tác-ráng hẹp lườn, thon dài như con cá nược, nổ máy ầm ĩ, phóng tới ào ào làm tôi cảm giác như đang đi lên trời. Bỗng Trọng Thủy - Thị đội phó Sa Đéc, ngồi trước tôi, đập vai Dũng - Huyện đội phó Tháp Mười, ngồi đằng mũi, kêu lên:

­ Kìa! Sáu Thành kìa! - Rồi anh la to, vẫy tay với người trên bờ - Đi đâu đó?

Sáu Thành trên bờ cũng la to, hỏi xuống như vậy.

Chiếc tac-ráng vẫn cứ phóng tới, rản khoảng cách xa dần. Trọng Thủy trả lời bằng cánh tay chĩa về phía trước, hướng vô Gò Tháp. Trong khi Sáu Thành thì dùng một ngón tay chỉ vào miệng mình đang hả ra và tay kia chỉ ngược ra hướng thị trấn Mỹ An.

Tôi đã được Trọng Thủy giới thiệu qua về Sáu Thành, bạn anh, là Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Đồng Tháp, đang phụ trách công trường Thanh niên Gò Tháp. Trọng Thủy hơi buồn nói:

­ Điệu nầy mình vô trỏng không gặp được Sáu Thành rồi!

Ngồi day mặt chếch về phía sau, tôi vẫn thấy Sáu Thành còn đứng nơi cây cầu xuống bến nước nhìn mãi theo. Đột nhiên Sáu Thành đưa tay ngoắt vội. Mặt Trọng Thủy hớn hở liền.

­ Vậy là ổng hiểu được ý đồ mình rồi! - Và anh ra hiệu cho quay tac-ráng lại rước.

Sáu Thành bước lên tac-ráng đi cùng chúng tôi. Tất cả đều vui mừng. Sáu Thành mặc sơ-mi dài tay màu xanh công nhân, quần săn-gai bạc trắng; tay xách đôi dép rọ màu trắng. Một loại dép Nhật có ưu việt bám đường trơn rất chặt mà trong chiến tranh chống Mỹ, cán bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp ưa dùng. Trên gương mặt rổ hoa mè sạm nắng của anh bấy giờ là nụ cười chào cởi mở, hiền lành.

Mặt trời còn khá cao nhưng không nắng mà rất sáng. Sáng phản chiếu hơi nước trên bầu trời mây thấp, phản chiếu mặt kinh trong xanh rộng và dài mút chân trời, sáng vì cái mênh mông của Đồng Tháp Mười. Để tranh thủ thời gian, chúng tôi không ghé trình Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Hòa mà rẽ vào kinh Xáng Mới, chạy thẳng lên kinh Ba vào Gò Tháp; dự kiến sẽ trở về ngay chiều nay và ăn cơm ở Huyện đội Tháp Mười.

Tôi ngồi ngang, hướng mặt về bên trái theo Sáu Thành. Anh khoảng 35, 36 tuổi, đôi mắt không mấy linh hoạt nhưng sâu thẳm, đang tha thiết nhìn vào một vùng đất lịch sử mà tổ chức đã giao anh phụ trách. Tôi bắt chuyện anh, chỉ tay về một vệt cây chồi thấp mà xa xa mới thấy một nóc nhà lẻ loi, hỏi:

­ Nhà dân ở dài theo con kinh gì đó?

­ Không phải kinh - Sáu Thành ân cần đáp - Đó là con lộ cũ từ lâu lắm mà hồi trào Diệm nó sửa lại, nối với con đường mới đắp cho xe hơi chạy từ thị trấn Mỹ An vào Gò Tháp. Khúc trong nầy dân người ta gọi là lộ Tổng đốc Binh. Tức Đốc binh Kiều. - Rồi anh đứng lên, tôi cũng đứng lên theo. Anh say sưa nói tiếp, vừa chỉ tay về một vùng tràm cao hẳn lên nền mây như một hòn núi xanh sẫm - Đó là tràm thiên nhiên còn sót lại trong khu di tich lịch sử nầy mà chúng tôi đã huy động lực lượng cả gần bảy ngàn thanh niên trong toàn tỉnh đắp bờ bao, bao cả Gò Tháp để giữ gìn. Bờ bao đó! Con kinh mình đang đi đây coi như một cạnh. Chúng tôi đã đắp ba cạnh, tính chung một trăm năm mươi mốt ngàn mét khối đất, dài mười bốn ngàn mét, bề mặt hai mét tư, cao một mét tám. Hình thành con kinh trong chạy cặp theo bờ bao rộng sáu mét, tac-ráng cỡ nầy chạy thừa sức. Hiện nay tràm cũ còn trên một trăm hec-ta, kế hoạch sau năm năm sẽ trồng hai ngàn héc-ta, hiện tôi đang lo cây giống...

Chiếc tác-ráng bị rong quấn cánh quạt, hơi lắc. Chúng tôi ngồi xuống. Sáu Thành tiếp:

­ Hồi đắp bờ bao vui lắm! Lúc đó là mùa khô. Hằng ngàn nam nữ thanh niên lao động như đi cắm trại trạc đồng. Cờ, băng rợp trời. Hát hò sôi nổi. Đài phát thanh Đồng Tháp đến, phát thanh tại chỗ. Đặc biệt có đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham dự, xắng nhát leng đầu tiên; đồng chí Bí thư Huyện ủy Tháp Mười cũng có mặt. Công trình trên giao chỉ tiêu trong hai tháng, nhưng lực lượng làm hăng lắm, chỉ trong mười lăm ngày xong! Làm cả ban đêm, mệt trải vải bạt lăn ra ngủ giữa đồng.

Tới Kinh Ba, ngoặt về bên trái là vào Gò Tháp, nhưng đường kinh vừa nhỏ hẹp và đầy rong, chúng tôi gởi tác-ráng cho nhà dân ở bờ kinh, lội bộ. Sáu Thành sau khi trao đổi với vài bác nông nông về cây tràm giống, lẹ làng tiến lên dẫn đầu. Biết ý đồ của chúng tôi: vào tham quan rồi về liền, anh không cầm hay muốn cầm không biết mà gợi ý thế này :

– Ở đây còn nhiều ông già xưa, kể chuyện  Gò Tháp hấp dẫn lắm. Phải chi anh còn ở lại, tối tôi dẫn ra nhà ông Bảy Trực. Đặc biệt ông này còn nổi tiếng là một cây hò Đồng Tháp.

Nghe vậy tôi chiếp trong bụng, khều vai bàn với Trọng Thủy và được anh đồng tình.

Đi bộ trên bờ kinh sầm uất những cây gáo và tràm, khỏang 500 mét chúng tôi vo quần lội qua một khúc bứt, là bước lên đất Gò Tháp. Đây là vùng đất cát. Đập vào mắt chúng tôi là những vồng khoai lang đang vươn những đọt non xanh tốt vô cùng. Sáu Thành nói :

– Khoai lang ở đây ngon nhất đất Tháp Mười. Của dân trồng đó. Còn nhiều đám nữa. Đặc biệt ở đây, hễ trời mưa là già trẻ ra đồng. Để lượm vàng. Người ta lượm được cả dây chuyền, khoen, có cả vàng còn nguyên lá. Cách ra xung quanh gò năm trăm thước, cũng còn gặp những của qúy. Trước đây bà con đào đìa bắt gặp những tượng phật bằng đá, xương cá sấu, sọ người, vỏ sò, trái dừa nước. Có một sọ người rất to và ống xương đùi dài. Đồng chí Khá, Phó tiến sĩ khảo cổ học lấy sách ra đọ, kết luận là: Bộ xương sọ này cách đây khỏang 1.500 năm, của nữ, độ 29 tuổi. Giống người này không phải Chàm, không phải Khơ-me, mà là giống người Anh-điêng, còn thấy ở In-đô-nê-xi-a. Cũng nhờ những phát hiện của dân mà mình đã khai quật một số nơi ở Gò Tháp này. Có thể nói đào đâu cũng gặp những di tích mà bí mật quốc gia chưa cho phép nói cũng như có nơi phải lấp lại, chờ có kế hoạch chung và phương tiện hiện đại để kết luận và bảo quản.

Tôi không dám hỏi phăng điều gì tới lĩnh vực khoa học này. Vả lại dù có tìm hiểu kỹ cũng làm sao trình bày bằng những nhà chuyên môn.

Lán trại của Công trường Thanh niên Gò Tháp chỉ mới có hai dãy nhà lá đối diện nhau. Ở giữa là những vồng lang, một vài cây đu đủ tơ. Phía trên giáp với con đường trục Tổng đốc Binh là sân bóng chuyền, anh em đang chơi mà mỗi bên chỉ có bốn cầu thủ. Khán giả xung quanh là vài ba chị em Công trường, cùng đông đảo những trẻ em và thanh niên dân sở tại. Chúng tôi bước ra bờ đìa rửa chân, khi đi ngang qua một đầu lán dùng làm nhà bếp, Trọng Thủy gặp một cô gái quen, sau câu chào hỏi, mừng rỡ, anh hỏi :

– Sao, lên đây có buồn không ?

Nét mặt cô gái rạng rỡ lên tươi cười, trong khi miệng thì đáp : “Buồn quá anh ơi !”.

Bên bờ đìa phía ngoài, một cô gái khác ăn mặc có vẻ thành thị, đang ngồi giặt quần áo trong thau, để sẳn bên cạnh một thùng nước đầy. Trọng Thủy hỏi mượn thùng nước rửa chân, hứa sẽ xách trả. Rồi anh vừa rửa chân, nói thêm:

– Mà cô ủng hộ mình một thùng nước cũng được thôi!

Cô gái vẫn  lo phần việc của mình, không nói không rằng.

Tôi tiếp lấy thùng, kéo nước dưới đìa. Nước màu vàng đục như màu áo trắng đóng phèn. Tôi hỏi cô:

– Nước có phèn không cô ?

– Không biết ! - Cô gái đáp mà chẳng buồn nhìn khách.

Nếm thử nước, tôi tự trả lời:

– À, chỉ hơi chát. Quê cô ở đâu ?

– Ở Sa Đéc.

– Lên đây bao lâu rồi ?

– Mới năm ngày.

– Có buồn không ?

– Buồn ! - Cô gái đáp khi nhìn khách chỉ bằng khóe mắt, và đôi môi múm mím, cố giữ lại nụ cười.

Tôi bỗng đọc được cái vẻ hơi tinh nghịch của tuổi trẻ, hỏi tới.

– Buồn, vậy có muốn về không ?

– Không!

– Buồn thì về, có sao ?

– Nhiệm vụ thanh niên.

– Tên cô là gì ?

Cô gái không e dè, đáp tên mình cũng chỉ có tiếng một. Tôi xách thùng nước trả và chào cô vào sau. Cô gái: Dạ!

Chiều Gò Tháp mông quạnh, màn mây thấp hơi âm u. Tôi bước đi mà những âm thanh gióng một của cô gái như còn đuổi theo. Đối lập hẳn với ngôn từ nhát gừng, cái âm thanh trong trẻo ấy như một nốt ngân, cho người nghe có thể nhìn suốt một tâm hồn trong trẻo.

Sáu Thành sau khi cho anh chị em chuẩn bị cơm nước, vui vẻ dẫn  chúng tôi đi xem những khu di tích lịch sử của Gò Tháp. Từng là cán bộ Tỉnh đoàn Thanh niên trong những ngày kháng chiến chống Mỹ và bây giờ là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh niên Đồng Tháp, phụ trách công trường này, anh có phải nhà khảo cổ đâu, nhưng anh giảng giải cho chúng tôi từng khu vực cứ thuộc lòng vanh vách và khá rành rẽ:

– Hiện nay đã khai quật cũng chỉ mới bốn khu vực. Một là Miếu bà Chúa xứ, hai là chùa Minh Sư , ba là Mộ Hoàng Cô, bốn là xung quanh Gò cách xa năm trăm thước. Những vật đã khai quật được thì đã đem về trên bảo quản. Có cái đào lên đụng vấn đề là lấp lại liền. Đây, như khu cây cối um tùm này là Chùa Minh Sư …

Đến Linh Miếu Bà, một cái miếu nhỏ, xây tường gạch, quét vôi, lợp ngói đã rêu phong, chúng tôi đặc biệt chú ý cái hầm gạch được lợp lá bảo quản. Đó là một hầm gạch khá to mà bên dưới còn những lớp gạch khối, cỡ ba tấc dài, một tấc rưởi ngang, cao gần một tấc ; màu gạch vàng sậm và còn mịn, chắc. Ngoài phần được moi lên, phần còn lại vẫn tầng tầng, lớp lớp với những hình vuông góc, hoặc vuông dài như hình lòng công sự đường ngầm xây gạch. Chúng tôi đi xem trong miếu và phong cảnh bên ngòai, vừa nghe Sáu Thành kể câu chuyện truyền thuyết :

… Ngày xưa, từ lâu lắm, có một ông già đi đào chuột, gặp một vùng gạch kỳ lạ này, ông mới nghĩ ra nên lấy gạch này xây miếu thờ bà chúa xứ, cho quanh năm mạnh giỏi làm ăn. Ông bèn lấp lại y như cũ, về vận động bà con, nói rằng: Hồi đêm nằm chiêm bao, thấy bà về bảo xây miếu thờ. Dân hỏi : “Lấy gạch ở đâu ra cái xứ đồng khô cỏ cháy này mà xây?” Ông già nói: “Bà biểu rằng: Muốn xây chỗ nào cứ việc đào ngay đất chỗ đó là có gạch”. Và ông già dẫn bà con ra, đào lên quả nhiên có gạch hằng hà. Bà con càng tin bà linh thiêng. Có lẽ vậy nên đặt tên miếu là: Linh Miếu Bà.

Chúng tôi lại thong thả vừa đi vừa kể chuyện trên con lộ Tổng-đốc- binh sầm uất những bóng cây như me tây, tre cùng với vườn cây ăn trái ít ỏi và hai bên thưa thớt nhà dân. Sáu Thành cho biết: Toàn khu gò có 45 hộ, ở từ sau bảy lăm. Dân sống nghề trồng khoai làm rẫy trên đất gò và làm ruộng dưới đồng. Còn nghề đìa thì cá bây giờ ít lắm. Chắc là bị hủy diệt bởi chất độc hóa học Mỹ trong chiến tranh. Bom đìa của Mỹ từng dội ở khu vực này cũng khá.

Nhân câu chuyện, Dũng, huyện đội phó Tháp Mười góp thêm :

– Hồi chống Mỹ, Huyện đội Mỹ An (nay là Tháp Mười), từng có thời gian đóng ở đây. Ở khu vực quanh chân tháp mười từng. Còn đó là đền thờ Đốc binh Kiều, trước kia xây bằng gạch đã bị bom sập, nay cất lại bằng lá.

Khi đến nền tháp, giờ là một vùng um tùm cây cối, Sáu Thành nói :

– Đây là cái tháp mười từng hay là cái tháp canh thứ mười của một vương quốc nào xa xưa, hiện còn là một giả thuyết. Như bên An Giang, Ba Thê, Long An cũng có gò. Còn ở đây, sao hòa bình 1954, đại tá Nguyễn Văn Là của Diệm, đóng cỡ một trung đoàn quân đặc nhiệm, cho xây lại Tháp Mười từng, cao 36 thước để làm một pháo đài khống chế toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười. Tháng 7 năm 1956 Diệm xuống dự lễ khánh thành rồi ngủ ở từng thứ sáu. Tháng 12/59, sau trận Giồng-Thị Đam - Gò-Quản-Cung, lực lượng võ trang của tỉnh (hồi đó là tỉnh Kiến Phong), do tổ đặc công Ba Nghĩa đánh sập tháp bằng trái Bazô KI và bộc phá. Diệt một trung đội bảo an canh gác tháp. Tiến đến, đồng khởi, chúng rút chạy luôn cho tới năm 1971 vào đóng lại. Năm 1972 mình đánh lần nữa, chúng bỏ luôn cho tới ngày giải phóng.

Nền tháp hãy còn vết tích đạn bom. Đây là một khu sầm uất nhất của vùng gò. Gạch vụn, bê tông cốt thép cùng đá tảng nằm ngổn ngang dưới tàng cây trôm cổ thụ cỡ hằng thế kỷ. Còn có cây gừa, tre và đu đủ trồng ngay trên nền gạch đổ.

Đứng trên nền tháp hãy còn cao, tôi nhìn qua khỏang trống dưới những tàng cây, thấy cánh đồng xa xăm đến tận chân trời. Trời hoàng hôm mà không ánh lên một ráng hồng. Không gian âm u như dồn lại thời gian hằng ngàn năm về một vùng gò khoảng 10 mẫu nhỏ hẹp nơi đây mà từ lòng đất, những di chỉ vừa khai quật, nói lên cùng thời đại: đã năm tầng lịch sử đi qua. Đó là chỉ mới kể từ thời: người Phù-nam, người Thủy-chơn-lạp cho tới thời chống Pháp của Trương Định - Đốc binh Kiều rồi tới thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Đảng ta. Còn nói về khai quật nền văn hóa Óc-eo mà người Pháp đang ra sức tìm, thì ở nơi đây, cùng với bên An Giang đã phát hiện những di chỉ làm luận cứ thật đáng mừng. Mừng lắm! Sáu Thành còn cho biết : đồng chí chủ tịch tỉnh đã biểu lộ tình cảm, động viên anh chị em đang xây dựng công trường Gò Tháp nầy với niềm tin tự hào sâu xa: “Thật là hiếm có ở nơi đâu, một vùng đất nhỏ hẹp như thế này, được tập trung cả mấy tầng lịch sử đi qua … Chúng ta đang thực hiện một công trình không chỉ cho tỉnh nhà mà cho cả nước mình. Không chỉ sẽ là nơi tham quan du lịch cho khách bốn phương mà còn là vấn đề chính trị rất lớn cho đất nước mình !”. Có phải vì thế mà những cô gái trên kia trả lời : “Buồn” mà thái độ hành động vẫn vui như không. Có phải vì thế mà ngót  6.700 thanh niên nam nữ đã đắp bờ bao bảo vệ khu di tích lịch sử chu vi 14 cây số với 151.000 mét khối đất chỉ trong vòng 15 ngày. Đúng, chính vì thế mà Sáu Thành, một trong những người lên cắm chốt đầu tiên, khi trong tay chưa có kinh phí, vật tư, đã dốc tất cả tình cảm và trí tuệ, điều hành một công trình ban đầu thành công tốt đẹp. Kể từ 26 tháng 3, ngày kỷ niệm thành lập đoàn, ra quân, cho đến nay, Công trường Thanh niên Gò Tháp dần  nên vóc nên hình. Quy hoạch của công trường cho ta có thể hình dung: trên những thành quách, đền đài ngàn xưa từ lòng đất, mặt gò rồi sẽ mọc lên những lâu đài, đó là những khu di tích, viện bảo tàng, trường học, bệnh viện, khách sạn … Còn xung quanh gò là đầm sen trở lại như thời xưa, bên ngoài là lúa và tràm … Tới mùa nước nổi, Gò Tháp sẽ như hòn đảo hoa rực rỡ trăm sắc màu giữa biển xanh!

                  ó

Chúng tôi vừa về đến lán trại thì cơm cũng bắt đầu dọn ra. Hai ngọn đèn tọa đăng thắp lên, một ngọn không còn ống khói, cháy to như cây rọi. Sáu Thành đem ra chai rượu nếp và lặng lẽ rót đầy ly coi như là việc bình thường. Rượu chỉ có một ly nên không cụng mà chuyền tay nhau. Trọng Thủy đang và cơm, đặt chén xuống, tiếp ly rượu, nói:

­ Đói bụng lắm, vừa cắt vừa đập nghen!

Là ý nói vừa ăn cơm, vừa uống. Sáu Thành nhìn bạn cười lành:

­ Tùy hỷ! Miễn vẫn nồng như xưa.

Chai rượu lưng dần. Bữa cơm đơn sơ mà thành tiệc, dù chỉ có một dĩa khô mặn chiên, một tô thịt kho với trứng vịt và hai dĩa đọt lang luộc. Thế mà vui đậm đà. Bởi vì mùa này hiếm cá, thức ăn phải mua trữ từ chợ Mỹ Hòa, Mỹ An cách xa hàng chục cây số. Còn cơm thì hơi cứng. Hỏi ra mới biết đó là gạo Nàng Tri. Một giống lúa theo nước rất giỏi, nhưng cho năng suất rất thấp. Tôi bỗng vụt nhớ câu : “Trường đồ tri mã lực”. Phải chăng Nàng Tri chính là cho biết sức lúa vươn lên theo nước. Khi cảm nghe khoan khóai lòng, miếng cơm trong miệng tôi chừng như ngon hơn lên với cái chất cứng và chất bột của hạt gạo lúa Nàng Tri. Dĩ nhiên Nàng Tri làm sao thơm ngon bằng Nàng Thơm, Nàng Út. Nhưng chính thế càng bắt cảm thương hơn anh chị em ở đây cũng như bà con nông dân ở xứ nước ngập phèn chua này.

Chai rượu gần cạn và giữa chừng câu chuyện về lúa gạo say sưa, Sáu Thành đề nghị xin hát. Anh cũng biết chơi đàn phong cầm nên giọng hát rất chuẩn và trữ  tình:

“Chưa gắng như cây lúa nước

“Mỗi mùa vươn mấy thước cao

“Vai lúa, chưa mang bông nặng

“Chưa biết Tháp Mười bao sâu …

Giai điệu và chất thơ của bài hát chảy ngọt vào lòng, làm tôi bắt no ngang, lặng im nghe. Từng nghe bao nhiêu là ca khúc, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi bị chinh phục đến bồi hồi từng cơn như hôm nay. Đâu phải đây là chốn đồng không mông quạnh. Mà chính vì một bài hát có tâm hồn thực sự, có tình yêu thực sự nồng thắm với Tháp Mười.

“Chưa ráng làm con én liệng

“Đo dọc, đo ngang bầu trời

“Không hay khi mùa xuân đến

“Chưa hay mênh mông Tháp Mười …

Khi Sáu Thành dừng tiếng hát, tôi không thể đừng bộc lộ cảm xúc và tán dương dù biết rằng thừa:

– Bao sâu còn là mấy tầng lịch sử trong lòng đất. Mênh mông còn là thời gian hằng ngàn năm. Con người không như cây lúa nước, không như con én thì làm sao còn xứng đáng sống giữa đất trời này! Bài hát tuyệt lắm, chắc là của anh sáng tác ?

Sáu Thành vẫn nụ cười lành, ít khi bật thành tiếng :

– Không phải của tôi đâu. Của anh Nghĩa Nam, nhạc sĩ học ở Nhạc viện Hà Nội. Hiện nay anh là thành viên của công trường nầy.

Hâm mộ tài năng, tôi xin  Sáu Thành sang trước lán bên gặp nhạc sĩ Nghĩa Nam.

Đêm mùng Mười, trăng non đã treo chênh chếch đỉnh đầu từ bao giờ. Trong màn mây thấp giữa mùa mưa, vầng trăng mờ, huyền ảo, chẳng làm ai quan tâm chú ý gì. Nghĩa Nam tuổi khoảng bốn mươi, người dong dỏng cao, nồng nhiệt tiếp chúng tôi, hăm hở bắc ra sân cái bàn con, cùng mấy cái ghế xếp có đai dựa cũng con con. Ánh trăng không đủ sáng, một bạn trẻ chạy vội qua bàn ăn lấy bớt một cây đèn, đặt lên cái ghế riêng. Khi ấy trên bàn đã bày ra một bình trà và gói thuốc lá Hương Tràm, mang nhãn hiệu hình cái tháp mười tầng, của tại đây sản xuất. Sáu Thành ăn cơm đã xong và đến cùng chúng tôi, ngồi quanh bàn trà. Sau câu chuyện thăm hỏi, tôi được biết anh Nghĩa Nam đã vào công tác ở Tỉnh đoàn Đồng Tháp hơn ba năm rồi và hiện đem cả gia đình lên đây sống tâp thể từ sau khi thành lập công trường. Anh có cô con gái đang theo học ở nhạc viện Trai-cốp-ski. Phần việc chính của anh là dạy nhạc cho các cháu con em cán bộ công trường và sắp tới sẽ dạy cả cho các em ở địa phương. Vì chương trình còn ra nhà ông Bảy Trực, tôi nói ngay, đề nghị anh và Sáu Thành hát cho nghe tiếp bài hát mà Sáu Thành vừa hát. Nghĩa Nam sốt sắng vào nhà mang đàn ghi-ta ra. Chợt nhìn thấy bé Quốc Dũng, con của Sáu Thành đứng bên ba nó, Nghĩa Nam giới thiệu:

­ Đây là chú học trò tí hon của tôi, mới bảy tuổi, đang học vi-ô-lông-xen. Đề nghị để cháu đàn một trích đoạn bài tâp của Mô-za, cho các anh nghe.

Chúng tôi thích thú tán thành. Bé Quốc Dũng dương đôi mắt sáng nhìn thầy với vẻ e dè, đằm thắm rất dễ thương. Được mắt thầy khuyến khích động viên, em vào nhà ôm đàn ra, đến ngồi vào chiếc ghế bắc bên cạnh thầy; gác cần đàn lên vai. Từ cây vi-ô-lông-xen muốn to hơn người em, đến toàn bộ gương mặt em xinh trai thùy mị và thông minh cũng đủ chinh phục tình cảm tôi rồi. Em rà những ngón tay nhỏ xíu lên cần đàn lựa cung bực, mắt tin cậy liếc nhìn thầy, lắng nghe tiếng ghi-ta thầy đệm khúc dạo đầu. Tiếng đàn em trỗi lên; thoạt đầu hơi “fô” vì chưa quen ngón và có phần bị muỗi cắn, nhưng sau được thầy sửa, tiếng đàn em chuẩn dần,  thanh thoát. Nhìn em ngồi đàn hình vóc nhỏ thó, vừa phải trân mình chịu cho muỗi cắn, tôi xúc động làm sao! Tiếng đàn em lại “fô”, buộc phải dừng lại đập muỗi và kêu lên nho nhỏ: “Muỗi cắn quá!”. Một bé gái nhỉnh hơn Dũng một chút bước ra dùng khăn quạt muỗi cho bạn. Dũng đàn một hơi trọn vẹn bài tập, hoà âm ngọt ngào tiếng ghi-ta thầy đệm. Dứt tiếng vỗ tay tán thưởng, Nghĩa Nam giới thiệu bé gái ra quạt muỗi ấy tên là Bé Thảo, tám tuổi, con gái của một cán bộ công trường; sẽ đàn tiếp bản Mùa Xuân của Mô-za. Quốc Dũng trao đàn và tiếp lấy khăn, quạt muỗi trả công. Tiếng đàn của Bé Thảo nghe suôn sẻ, thanh thoát hơn, tiếng vỗ tay càng rôm rả, ba của cháu ngồi đó tỏ vẻ hài lòng mà thầy Nghĩa Nam cũng hớn hở ra mặt. 

Buổi hoànhạc đột xuất được tiếp tục thân thiết và sâu lắng giữa Gò Tháp, với trích đoạn trong hoạt cảnh sáng tác của Nghĩa Nam, chính tác giả song ca cùng Sáu Thành. Ngoài khúc bảy mà Sáu Thành hát trong bữa cơm, giờ tôi được nghe trọn và thêm khúc tám:

“Hãy tới đây

“Sen đợi mình ngòai đồng

“Cá đợi mình ngoài lung

“Những khúc hò ơ …

“Những câu truyền thuyết

“Hẹn mình dưới những đêm trăng …

Tôi lặng im nghe, thầm cảm ơn nghệ thuật, cảm ơn nhạc sĩ Nghĩa Nam đã làm tâm hồn tôi sảng khóai hơn lên mà càng thêm yêu mến Gò Tháp, thêm yêu mến cuộc đời. Nếu không vì phải ra nhà ông Bảy Trực để sáng mai về sớm theo chương trình làm việc, thì tôi ắt không chịu rời buổi nghe hát vô cùng lý thú này.

                            ó

Anh Nghĩa Nam cất đàn và đi cùng chúng tôi. Cả cháu Quốc Dũng cũng đi theo và hăm hở dẫn đầu ra bến tác-ráng.

Đêm Gò Tháp trăng mờ, càng thêm vẻ mông lung, hiu quạnh. Chiếc tác - ráng của công trường, máy mới nên nổ lên dòn dã và phóng tới như bay trên dòng kinh. Đôi bờ kinh 27 cây và nhà khá sầm uất. Tiếng sóng vỗ bờ từ con thuyền rẽ nước cùng với tiếng máy nổ, tạo nên sự hào hứng lạ thường; ánh trăng mờ ảo chừng thôi quạnh hiu, dồn cả không gian trên một dòng kinh  cho thêm phần ấm cúng.

Tôi ngồi sát bên Quốc Dũng, áp má mình vào má em, hỏi:

­ Lên đây ở với ba có buồn không?

­ Buồn!

­ Sao không về vơi má?

­ Nghỉ hè lên đây học nhạc.

­ Cháu học lớp mấy?

­ Hết lớp hai.

­ Má làm gì?

­ Má nấu cơm cho tập thể.

­ Cháu thứ mấy?

­ Thứ Út.

­ Còn mấy anh chị nữa?

­ Có chị Hai.

­ Chỉ có chị Hai thôi? Vậy là cháu thứ Ba chớ?

­ Thứ Út!

­ Chưa Út đâu, thứ Hai rồi tới cháu thứ Ba mới phải chớ?

­ Thứ Út!

Dũng đáp khăng khăng và giọng có vẻ hơi giận. Tôi kề má định hôn thì em quay mặt đi. Tôi vuốt ve lưng em và thú vị nghĩ đằng sau cách trả lời, thầm khen Sáu Thành khéo dạy con.

Chiếc tác-ráng vừa cặp bến thì Quốc Dũng reo lên:

­ A! Nhà nầy con có tới rồi, nhà ông nội!

Nhưng khi lên bờ, gặp ông nội thi Quốc Dũng hơi bẽn lẽn. Phải chăng ông Bảy Trực chỉ là ba nuôi Sáu Thành từ khi lên đây, hay cái nết của Dũng vốn đằm thắm đáng yêu.

Sáu Thành cùng ai nấy vào nhà trước, còn tôi và Nghĩa Nam bị thu hút bởi vuông sân rộng, sạch bong, trăng mờ mà cũng phản quang sáng trắng cả một vùng. Tôi trầm trồ:

­ Được cái sân nầy mà hòa nhạc thì thích lắm!

­ Tôi định hôm nào ra đây tổ chức một buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng - Nghĩa Nam đang nuôi hoài vọng làm đổi mới vùng Gò Tháp qua loại hình âm nhạc, hưởng ứng tôi và nói thêm - Gây men trước phong trào để tiến tới mở lớp dạy nhạc cho các em ở quanh đây.

Tôi tán thưởng, dự báo triển vọng sẽ thu hút du khách mọi miền; cùng anh bước vào nhà.

Cả nhà ông Bảy chộn rộn hẳn lên. Từ ngọn đèn ống khói trứng vịt được thay bằng ngọn tọa đăng. Mấy em gái cùng thím Bảy nằm trong mùng trên bộ ván bên phải cũng đã chui ra. Ở xứ muỗi và thắp đèn dầu, nên mới chập tối vô mùng cũng phải. Chú Bảy tiếp chúng tôi nơi bàn giữa đặt trước tủ thờ. Phút chốc đã thấy bình trà và dĩa kẹo đậu phộng đặt trên bàn. Được Sáu Thành giới thiệu, chú Bảy coi tôi thân tình ngay. Chú sẵn sàng kể chuyện Tháp Mười ngày xưa, nghe ông bà kể lại: Tháp Mười thời chú lớn lên từ bé cho tới Tháp Mười ngày nay. Nghe chú kể, trước mắt tôi Gò Tháp hiện ra xanh um những cây cổ thụ và những miếu đền uy nghi, giữa bốn bề là đầm sen đang mùa hoa nở, ửng hồng lên một góc trời. Nếu mà lấy hột sen thì hằng hai, ba trăm giạ. Rộng ra nữa là rừng tràm bạt ngàn. Rùa, rắn, trăn, cua đinh, cần đước … thì lền khênh. Cá nhiều đến đỗi sấu vào ăn rồi làm hang ở, và con sấu to đến mức “hì” lên nghe rợn người, nên ở đó nay còn thành danh là Đìa Sấu hì ! Và con kinh 27 này, còn gọi là kinh Ba Tháp, hồi đó còn hẹp, tới mùa làm cá mắm, đèn dầu cá thắp dài hai bên cả ngàn thước, tiếng dao thớt làm cá cùng tiếng hát hò nhộn nhịp thâu đêm … Rồi chú kể về dân gian “khảo cổ”, từ những di vật bắt gặp tình cờ mà ngày nay các nhà khảo cổ học đang gia công nghiên cứu và làm cơ sở để mà tiếp tục khai quật…

Nhưng những chuyện đó thì dài lắm. Cái nóng lòng của tôi là muốn được nghe chú hò Đồng Tháp. Tất nhiên là vui lòng, nhưng chú còn đang lựa bài, dọn giọng thì cô con gái chú nhanh nhẩu lên tiếng:

- Ba hò như hồi đó ba hò với má đó! Hò thua bắt xác !

Tôi nhìn thoáng qua cô gái vừa nói, bỗng chợt nhận ra cô rất đẹp. Khuôn mặt trái xoan trắng hồng lên dưới ánh đèn dầu, đặc biệt đôi môi đỏ như son đang tươi cười. Hình như cô cũng đang nóng ruột chờ đợi ba mình. Tôi hỏi :

- Em có biết hò không ?

Em không trả lời, chỉ cười cười. Và tôi quay về chú Bảy, lắng tai chờ đợi. Chú Bảy hỏi:

- Muốn nghe hò gì ?

 - Tùy chú. - Tôi nói - Nhưng nếu chú còn nhớ, hò cho nghe những câu hò xưa nhất mà chú biết hò đầu tiên.

- Ôi, hồi đó là những câu hò ghẹo gái. – Chú Bảy hơi nhếch mép làm cả nhà cùng cười rộ lên. – Vậy muốn nghe hò ghẹo gái héng?

Tưởng là chú Bảy sẽ cất giọng, nhưng rồi chú lại lục soạn những giấy tờ mà chú ghi chép. Thấy vậy thím Bảy vui vẻ góp lời, kể rằng :

- Hồi đó tôi còn con gái, đi gặp mấy ông nhậu rượu, hò thách với nhau là :

“Thấy anh hay chữ, hỏi thử  đôi lời

Hồi tạo thiên lập địa ông trời ai sanh?”

Uống rượu hòai, không ai đáp được, uống riết gần chết! Thấy tội nghiệp, tôi mới đáp:

“Anh An-nam, quốc ngữ, hỏi chữ bất bình

“Hồi tạo thiên lập địa hai đứa mình có chưa?”

Chừng đó mới chịu thôi hỏi ông trời ai sanh.

Chú Bảy lúc này cũng cười theo cả nhà, rồi chú mời mọi người ăn kẹo, uống nước. Chú năm nay khỏang bảy mươi, nhưng tóc còn đen mướt, da ngăm chắc, trông tráng kiện lắm. Chú biết hò hồi 18 tuổi. Còn lên ở xứ này hồi mới bốn tuổi, theo ông già vì có dính với phong trào cách mạng Thiên Địa hội, bị Tây lùng. Gia đình có ba anh con trai đi bộ đội. Anh Ba hy sinh hồi Mậu Thân, anh Tư là thương binh đang ở trại điều dưỡng của tỉnh Tiền Giang, anh Năm là Nguyễn Hồng Tăng, từng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 502 - Đồng Tháp, người thứ Sáu, ở ngã Sáu; thứ Bảy, em trai đang đi học. Còn thứ Tám tên là Nga, chính là cô gái lên tiếng hồi đầu : “Hò thua bắt xác !”. Rồi còn thứ Chín, thứ Mười , thứ Út , thừ Mười Hai . Cô Mười Hai đang học lớp 7 trường Mỹ Hòa. Một gương mặt trong sáng , ngây thơ, chỉ nằm trong mùng ló đầu ra, thỉnh thoảng cười lên khúc khích …

Hồi còn trẻ, chú Bảy là một cây hò nổi tiếng nhất Tháp Mười, chỉ có thua ông Sáu Chơi ở Mỹ An . Chú ca ngợi :

- Ông này xấu trai , mặt rỗ lại có đầu tóc. Vậy mà chỉ có hò mà chồng vợ nên đôi. Hò mà người ta theo mới tài chứ. Nói hò thua bắt xác cũng đúng thiệt vậy.

Rồi  khi đưa cho tôi miếng giấy đã nhầu cũ mà chú ghi câu hò, chú khoan thai cất giọng. Mắt ông già nhìn ra xa xăm như cùng đưa hơi theo giọng hò ngân mênh mông. Tuy giọng già, hơi rè, ngân có ngắn hơi, nhưng từng lời thoát ra nghe thiết tha, ấm một cách nồng nàn...

“Hò ơ … Chiều nay phân tay kẻ Nam, người Bắc, nhìn em anh rơi nước mắt, ruột thắt rã rời tâm can …

“Hò ơ …Nghe tiếng anh than  lòng em đau đớn, kẻ Hớn người Hồ lòng dạ xốn xang …

Đêm Tháp Mười lặng yên như chỉ còn có giọng hò đi vào lòng người. Hết hò về tình yêu lứa đôi mà chú Bảy gọi là hò ghẹo gái, đến hò nội dung cách mạng ca ngợi Hồ chủ tịch do chú Bảy sáng tác, và từng lên hò vào dịp những cuộc lễ thời kháng chiến chống Pháp mà các cơ quan của Quân - Dân - Chính - Đảng Nam bộ từng đóng ở vùng này. Đây là hai câu trong bài hò của chú sáng tác gần đây:

“ Hò ơ … Nay giang san thống nhất, nước nhà phong phú tài nguyên, nhớ công lao biết bao gian khổ nay cha hóa ra người thiên cổ, để cho đều đớn đều đau! Nhớ công lao cha dạy dỗ con lời vàng tiếng ngọc, bảo bọc con từ lúc bé thơ nay được trưởng thành. Nhờ ơn cha giành thắng lợi để lại mà nay con không được thấy cha, con ngạm ngùi…”. Câu hò nào cũng dài dằng dặc, và làn điệu thì êm ả, phóng khoáng, mênh mông, cốt là diễn đạt tâm hồn, chớ không câu nệ, gò bó theo khuôn khổ, niêm luật nào.

Những lúc chú Bảy ngừng nghỉ hơi thì thím Bảy xen vào. Dường như cái điệu tâm hồn nó vốn hay lầy lan. Thím kể :

- Hồi còn con gái (lại vẫn hồi còn con gái), tôi đi ghe cùng với ba chị em. Cũng tại vì hò mà không làm sao chèo ghe được. (?) Tại vì ghe họ tấp vô ghe mình, có chỗ đâu mà đưa mái chèo! Vậy là tôi cột dây ghe mình vô cột chèo ghe họ; ghe họ tới, ghe mình cũng tới!

Tiếng mấy cô con gái cười khúc khích.

- Đâu thím hò cho nghe thử. - Tôi khẩn khoản .

- Hò truyện, dài lắm . - Và thím chỉ đọc nội dung .

Tôi ngồi nghe mà bắt hình dung: đêm trăng thanh trên dòng kinh , một chùm thuyền ghe kết bè nhau lướt trôi, trong khi giọng hò êm ả của người con gái Tháp Mười, như là một con thuyền đang chuyên chở những tâm hồn, lướt bay trên không trung mênh mông …

Đêm chừng đã khuya mà câu hò chưa muốn dứt. Còn cô Nga ngồi bên cạnh mẹ đây, gương mặt vẫn đang tươi cười như là tâm hồn cũng bồn chồn xao xuyến. Quả nhiên khi tôi gợi,  cô sẵn sàng lên tiếng. Nhưng cô chỉ đọc lên câu hò, như không quen phải cất giọng lên trong nhà. Tuy nhiên giọng cô như là đang hát :

“Anh đi mần về bước ngang cửa ngạch,

“Thấy hai chai rượu bạch sáng ngời

“Anh hỏi em: rượu này cha mẹ uống hay rượu giáp lời của em? …

Sáu Thành đang nằm ở bộ ván bên kia, vụt ngồi dậy, nghe xong , anh lý thú hỏi:

- Rồi bên gái đáp sao ?

Cô gái ngập ngừng. Chợt có tiếng ai lặp lại chính lời cô lúc ban đầu :

- Hò thua bắt xác!

Và tiếng cười hưởng ứng nổi lên râm ran.

                         ó

Chúng tôi trở về công trường Gò Tháp thì trăng gần tàn . Một vài anh em phải mang ba-lô đi ngủ lan, nhường giường cho chúng tôi. Cảm động làm sao! Lán chật, nhưng lòng mến khách thì như  Đồng Tháp Mười!

Tôi nằm ở giường ngoài, nhìn qua vách gài bằng những song tre hình vuông là thấy trăng. Dù không cố tình, tôi cũng bị trăng làm cho xao xuyến. Ánh trăng giờ bớt mờ hơn, song gió thì lặng im, mây lặng im, cây tràm đơn côi đứng trước sân cũng lặng im, cho nên trăng thật làbuồn! Như con trâu về chuồng nằm nhơi cỏ, những cảm xúc dồn dập lòng tôi trong ngày bây giờ mới ngấm. Nỗi thao thức làm tôi đến bồn chồn. Đêm Gò Tháp đi vào chiều sâu, lặng trang. Thỉnh thoảng mới chợt nghe tiếng nhái bầu “nhóc nhen” xa xa. Tôi lắng nghe tiếng đập của trái tim mình mà tưởng chừng như từ lòng đất: tiếng vọng của người thiên cổ lãng đãng xa gần. Tôi nhớ về thành phố Hồ Chí Minh. Lại tưởng tượng đến một thành phố bí ẩn trong lòng đất đang sôi động, ngay dưới nơi tôi đang nằm. Một cảm xúc lạ lùng khiến tôi trở dậy, bước ra hiên, nằm trên võng, lặng lẽ nhìn trăng. Vầng trăng có một nửa bây giờ đang treo trên ngọn cây Trôm cổ thụ đằng nền tháp. Ngọn Trôm già hằng mấy trăm tuổi đang lặng im buồn, nhớ bạn Sộp chăng? Chẳng là chú Bảy vừa kể: ngày chú lớn lên là đã thấy hai cây cổ thụ này, gốc đã to gần hai người ôm. Nhưng cây Sộp đã bị bom Mỹ dội trốc gốc, chết rồi! Cây Trôm còn sống sót qua bao nhiêu thời chiến tranh đi qua tại mảnh đất gò nhỏ hẹp này, có bao giờ nguôi nhớ bạn!

Vầng trăng chìm dần xuống ngọn cây Trôm. Cả một vừng ánh sáng duy nhất của bầu trời, lòng cây Trôm như muốn ôm giữ mãi. Con người, những thế hệ rồi sẽ đến đây để đón nhận những tia sáng của quá khứ, cho cây cũng bớt phần quạnh hiu mà tăng thêm tuổi thọ.

Đặc biệt ngưng đọng lòng tôi không biết đến bao giờ , giai điệu bài hát và giọng ca trữ tình của Sáu Thành và nhạc sĩ Nghĩa Nam:

“Chưa gắng như cây lúa nước

“Mỗi mùa vươn mấy thước cao

“Vai lúa chưa mang bông nặng

“Chưa biết Tháp Mười bao sâu …

Ngoài hiên, trăng lặn lâu rồi mà bầu trời Gò Tháp tựa như đang hừng sáng .

Gò Tháp - Thành phố Hồ Chí Minh, 19 - 7 - 1984

Thanh Giang
Số lần đọc: 2711
Ngày đăng: 19.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa
Mùa tát đìa - Phan Trung Nghĩa
Bến đợi - Bùi Nhất Chi
Xứ lụa một thời - Nguyên Tùng