Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.956
 
Mẹ tôi
Thanh Giang

Ngày còn thơ, hầu như ai cũng âm vang trong hồn những câu hát ru của mẹ. Rồi lớn lên, xa nhà, lời mẹ ru làm hành trang trên khắp nẽo đường tha hương:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau!…

Còn như câu: Mẹ già ở túp lều tranh… thì con trai đã xa rồi làm sao mà: Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con !

Tôi là con trai một. Ba chị gái tôi lần lược đi lấy chồng. Riêng chị Hai tôi, chồng làm binh vận lấy đồn rồi bị bắt, bị hành hình hy sinh; chị trở về nuôi mẹ già thay em trai đi kháng chiến. Càng đi xa, tháng ngày đằng đẵng, càng thương nhớ mẹ ngậm ngùi! Mẹ đã để lại tấm gương hiếu hạnh, hiền thục, trung trinh cảm hóa các con cùng lòng người. Chị Hai tôi thường hay nhắc. Má chưa hề tranh cãi với ai. Có lần đi chợ mua cá, người bạn hàng vu oan là má chưa trả tiền, mắng chửi. Má phân chứng với người kế bên xác nhận má đã trả tiền rồi. Về má nhờ người viết đơn đi thưa bồi thường danh dự. Làng xử má được. Thời con gái, mấy anh chị lớn có vợ, có chồng, má con út, đảm đương nuôi mẹ già. Đến có chồng (gả ở rể), má vẫn trọn đạo con thảo, vợ hiền …

Cha tôi là thầy đồ nho kiêm thầy thuốc Bắc, quê ở tỉnh Bình Định, tên Lê Khắc Tri; do tham gia phong trào Cần Vương, bị giặc Pháp truy lùng nên thay tên đổi họ, trôi nổi vào Trà Vinh rồi sang thị trấn Mỏ Cày - Bến Tre, dạy học. Đến đây, do người học trò yêu thầy, (tức cậu tôi là Nguyễn Văn Hộ) dẫn về giới thiệu gia đình làm mai gả em gái. Đó là mẹ tôi, tên Nguyễn Thị Rạng. Ngại lấy chồng xa, mẹ già không ai phụng dưỡng, mẹ tôi không ưng. Bà ngoại đốc vô: “Là thầy đồ nho, có đức độ, tau gả “bắt”rể, nó có đi, mầy đẻ tau nuôi cháu ngoại!”. Ông bà ở nhau sinh đặng hai người con gái. Cha tôi cũng vì chữ hiếu nên trở về quê thăm cha mẹ già, thuyết phục mẹ tôi về theo. Nhưng mẹ tôi thà cam nỗi đau sinh ly vợ chồng, giữ tròn hiếu mẹ. (Ứng lời ngoại, mấy chị tôi được bà dưỡng nuôi dạy dỗ. Tới già còn nhớ công ơn bà ngoại, gần đây, chị Hai tôi đã xây lại cho bà mả đẹp; mặc cho nhiều cháu ngoại khác giàu có mà chẳng đoái hoài). Cha tôi về quê lần ấy vài năm rồi trở vào. Nhưng khi mẹ tôi còn đang mang thai người con nữa thì cha tôi lại trở về quê. Lần nầy đằng đẵng hơn tám năm chưa trở vào. Suốt những năm dài bặt tin chồng biền biệt, từ tuổi còn xuân dưới ba mươi, rồi vượt qua ba mươi ngoài, lại khá đẹp gái, được tiếng hiếu hạnh nết na, mẹ tôi phải trăn trở lắm phen để chối từ bao người danh giá cầu hôn; dù vô vọng vẫn thủ tiết nuôi con chờ chồng.

Một hôm, có người cháu gọi bằng dì, tên Hùynh Văn Đời về thăm bà ngọai, mẹ tôi nhờ viết dùm lá thư cầu may gởi chồng. Từng quí mến Dượng Sáu là thầy thuốc Bắc vừa thâm nho, từng cùng xướng họa thơ Đường, anh Đời tập trung tình cảm “sáng tác” lá thư bằng bài thơ tựa đề:

THƠ THĂM DƯỢNG SÁU

Từ ngày cố quán dượng quy ninh  

Còn dấu trời Nam một chút tình

Lá rụng bơ vơ chờ cội cả             
Chim bay mù mịt biết đâu tìm

Dì ôm gối lẻ đêm ngày đợi

Bà dựa cửa song sớm tối nhìn

Bến cũ cây da đò kíp lại

Cho tròn câu thệ với câu minh

Được thơ, cha tôi trở vô ngay, xúc động kể với mẹ tôi: “Định về thăm gia đình rồi trở vô, không ngờ cha bắt lấy vợ, buộc vào chữ hiếu. Rồi cha bịnh phải ở lại chăm nom thang thuốc, kéo dài cho đến cha mãn phần. Khi tròn chữ hiếu thì thời gian xa nhau tính ra đã ngót mười năm, tình phu thê lỗi đạo biết chừng nào! Thôi trót dĩ lỡ, ở lại luôn, thầm mong má nó mỏi mòn mà đi lấy chồng. Không ngờ, nhận được bài thơ của Huỳnh Văn Đời mới hay má nó vẫn thủy chung kiên gan chờ đợi! Cho nên lần nầy trở vô - theo lời chị Hai tôi: cha ứa nước mắt nói như lời thề - Sống gởi nạc, thác gởi xương, anh ở luôn cùng mẹ con em!” Rồi cha tôi dựng kệ hốt thuốc Bắc tại nhà và dạy học trò. Từng mở cửa hiệu thuốc ở chợ Mỏ Cày, nên “Thầy Năm” khá nổi tiếng, thân chủ xa gần tìm đến. Nhưng chẳng bao lâu thì thâm vốn, phải dẹp kệ, bởi đa số bệnh nhân đều nghèo, thường hốt thuốc chịu. Mẹ tôi đi đòi thì cha tôi ngăn lại, bảo: “Người ta nghèo, lại đang đau ốm, bao giờ có người ta trả, không nên đòi, để đức cho con.” Gia cảnh suy sụp dần. Khi tôi chào đời hơn bảy tháng tuổi thì cha tôi thọ bệnh từ trần, hưởng dương 47 tuổi, mồ chôn đất chùa Hội An ven thị trấn Mỏ Cày. Lời dự cảm linh thay! Mẹ tôi năm ấy mới 36 tuổi, thủ tiết thờ chồng, nuôi con. Khi bà ngọai tôi mãn phần, mẹ nách bốn con về vườn, thuộc xã Tân Thành Bình - cùng trong huyện, ở đất đậu của người bà con. Một tay mẹ nuôi bốn con, một nghề làm bún - thành danh bà Sáu Bún - hằng ngày gánh lên Chợ Xép bán, cách 3 cây số đường vườn mưa trơn, cầu tre lắc lẻo. Có lần mẹ té cầu, may thóat chết, gánh cái gánh không lạnh run trở về; mẹ con ôm nhau trào nước mắt! Mẹ nuôi tôi lớn lên cho tới những năm cắp sách đến trường bằng gạo chợ nước sông và công lao khổ nhọc như vậy. Mỗi khuya mẹ dậy nấu cơm, giở vào cái giỏ tre bé xíu, cùng mươi con tép bạc đất rang cho tôi xách theo trường ăn trưa. Thương con, mẹ dành dụm cho thêm đồng nửa xu ăn sáng mà thầm mủi lòng: “Con người ta có tiền đóng, ăn cơm trường, cơm sốt canh nóng; con mình nghèo, ăn cơm nguội!” Nhớ những chiều mưa, những con nước rong ngập đường, mẹ chỏi gậy tre đón con đi học về. Ôi! Kể sao hết công đức mẹ cao dày. Ca dao hằng lưu truyền: Công cha như núi Thái Sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ”. Nhưng về mẹ: phải thêm, không những nghĩa nặng mà còn tình sâu. Thành ngữ: Mẫu tử tình thâm đời đời ca tụng. Mà dù mọi ngôn từ hoa mỹ bực nào cũng không diễn tả thấu triệt nổi thiêng liêng Tình mẹ! Ở đây chỉ là mẹ tôi, đâu được sánh với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng!…

*

Giặc Pháp tái chiếm tỉnh Bến Tre lần thứ nhất, nhà tản cư xuống Cầu Mống. Bấy giờ tôi đã thoát ly gia đình đi kháng chiến. Tái chiếm lần thứ hai qui mô toàn tỉnh…Cơ quan tôi vừa thoát vòng vây trong đêm, tôi xin phép lộn trở về thăm nhà trong vùng địch vừa chiếm đóng. Linh cảm xa mẹ lần nầy không biết đến bao giờ?! Vừa thấy tôi mẹ mừng run, sai cháu ngọai chạy ra đường dòm chừng lính. Mấy chị tôi nấu cháo gà. Nhưng khi dọn lên chỉ có mấy đứa cháu lâu ngày không được ăn ngon, húp xì xụp; còn người lớn đều chan ròng ròng nước mắt! Buổi sum họp phập phồng, chóng vánh, để rồi chia ly dài! Biết ai còn, ai mất? Mẹ tiễn tôi ra đường, ngó chừng lính rồi níu tay con, giọng nghẹn ngào mà lời dặn dò thật cứng cỏi: “Con đi ráng cẩn thận. Dù gì cũng đừng trở về! Đừng trở về nghe con!”

Con đi, đứt ruột! Mẹ nào nỡ xua đuổi. Nhưng thầm ý bảo đừng lấn bấn hiếu mẹ, trở về: một là chết, hai là giặc bắt. Lời dặn cứng cỏi đầm nước mắt của mẹ từ ấy hằng thôi thúc tôi vượt bao gian khổ ác liệt trên con đường đã chọn. Đó cũng là tình yêu lớn của mẹ.

Giặc chiếm lại giáp hết tỉnh, chạy đâu cũng giặc, mẹ cùng chị Hai tôi hồi cư,
cất lại căn nhà lá nhỏ trên nền cũ. Nhưng sau vì gần lộ xe, gần đồn bót, nhà lại có người đi kháng chiến, nên lại dời nhà ra cất thoi loi ngoài đồng, dù gần sông, tàu giặc thường ra vô Mỏ Cày, nhưng cũng đỡ bọn lính đồn dòm ngó. Ngóng mong con mỏi mòn không dằn nổi, mẹ theo người ta “đi đại” vô miền Tây, dù bất biết con mình nó ở nơi nào? Ngược xuôi vùng kinh Chắc Băng hằng nửa tháng trời, tưởng là vô vọng, may nhờ người cháu là Huỳnh Công Đức (con của tác giả bài Thơ Thăm Dượng Sáu), chèo ghe ngày đêm đưa mẹ đi tìm con. Bấy giờ tôi đang công tác ở Ban Kinh Tài tỉnh CầnThơ; đóng cơ quan ở Nước Đục - Long Mỹ. Mẹ con được gặp nhau hết sức bất ngờ. Càng mừng, càng thương Công Đức! Đúng là công đức thật xứng với tên người!

Mẹ con chia xa nhiều năm, sống với nhau ấm áp chỉ vài ngày, trong tiếng bom rền và có tin giặc càn. Mẹ không muốn rời con, nhưng rồi cũng phải trở về. Tôi chèo xuồng đưa mẹ ra trạm gác cửa khẩu Rạch Gòi, chờ khuya nhờ gởi xuồng ghe đồng bào đi chợ, để mẹ đón xe đi Cần Thơ, về Bến Tre. Đêm, trạm gác cho ngủ nhờ trong chiếc ghe nhỏ có mui, đậu dưới bến, mẹ con thì thầm chuyện trò suốt đêm không ngủ. Mẹ vui như khoe: “Má được bầu là Mẹ Chiến sĩ. Mấy lần cùng Hội Mẹ đi thăm các con Vệ quốc đoàn. Từ chỉ có một thằng con, má như có nhiều con. Nghĩ vậy mà dù nhớ con có buồn, có khổ cũng khuây.” Mẹ ngậm ngùi kể những ai trong xóm làng bị giặc Tây bắn giết, những ai trung kiên bất khuất như tấm gương Cò Trà. Ông là Tỉnh ủy viên, bị bắt, tên tỉnh trưởng “ Một On”(1) tới dụ hàng, ông cả gan đập bể cái bình, lấy miểng rạch bụng, móc ruột ra, thà chết chứ không chịu đầu hàng…

Đêm dài qua mà tưởng chừng ngắn ngủi quá! Trạm gác gọi xuồng ghe đi chợ, gởi mẹ về. Tôi dìu mẹ xuống xuồng. Mẹ mặc bà ba đen, trong đêm càng nhỏ choắt, khom lưng bước vào lòng xuồng. Mấy ngón tay gầy của mẹ run rẩy quíu chặt tay con, ngoái lại nhìn con da diết không muốn rời. Đôi mắt mẹ dương tròn, rực sáng, lóng lánh đầm đìa nước mắt chia ly, thoắt trôi theo dòng sông đêm xa nhanh!…

Ánh mắt mẹ thăm con lần đầu ấy theo tôi mãi cho đến những ngày tập kết ra miền Bắc! Vài năm đầu tôi còn gửi bưu thiếp, gửi ảnh về. Nhờ có anh  Bùi Chời hàng xóm, bằng đường dây đặc biệt nào đó anh viết thư chung, kể thằng A, thằng B, thằng Tư, thằng Năm… mỗi đứa vài ba dòng. Phần việc truyền đạt đến từng gia đình có con em đi tập kết miền Bắc mà lá thư kể tên là do nữ Bí thư chi bộ (bí danh Bác Chín Gái), đem đến từng nhà, đọc cho gia đình nghe xong rồi giữ lại làm “ tài liệu” quí, với trách nhiệm bảo đảm bí mật và động viên niềm tin. Riêng mẹ tôi nhận được ảnh con, mừng đến mức đưa lên môi hôn mà phải nhờ sắp nhỏ coi chừng lính! Ôi, hôn ảnh con mình mà phải gác lính, cũng đủ biết tình hình găng dường nào. Nỗi nhớ con nghe thư một lần chưa “đã”, mẹ lại lò dò đi tìm cô Bác Chín Gái để mượn lá thư về bắt chị Hai tôi đọc đi đọc lại cho nghe nhiều lần; rồi lại dấu lén lần dò đem đi trả. Sau rồi bặt luôn, bởi Mỹ - Diệm lật lọng, phá hoại hiệp định Genève. Nhưng hễ nghe Bác Chín Gái ở đâu là mẹ đi tìm gặp, kéo ra chỗ vắng hỏi thì thầm: “Có thơ thằng Năm không?”. Biết là không có, vẫn hỏi, làm cô Bí thư  Chi bộ cũng phải mủi lòng !…

Đến năm 1961, tôi vượt Trường Sơn về nhận công tác ở Bộ tư lệnh Quân giải phóng Miền. Hiểu lòng mẹ da diết nhớ mong, nhưng chưa có điều kiện về thăm, năm sau tôi nhờ người về rước mẹ. Tôi nào biết đâu những khó khăn tưởng chừng mẹ không đi được. Sức mẹ yếu đã đành, ngặt tiền nong cũng không. Bởi chặng đường từ nhà phải đi đò máy vượt sông Hàm Luông qua Bến Tre, rồi đi xe khách lên Sài Gòn, rồi  Sài Gòn - Gò Dầu, rồi Gò Dầu đi đò máy theo sông Vàm Cỏ Đông lên Băng Dung (Tà Băng). Đây là điểm mà từ chiến khu tôi phải đi bộ trên hai ngày đường. Nhưng phải nói: mẹ thăm mới là đoạn trường! Một lẽ thường tình: để thỏa nỗi nhớ mong, phải trả giá chặng đường cam go đến thế! Mãi về sau tôi mới biết, mẹ đi thăm con lần ấy là nhờ cô Bí thư Chi bộ bí mật vận động bà con cho tiền và nhờ cô cháu gái là Bé Hường đi theo hộ vệ bà. Thảo nào khi vừa gặp, mẹ bày tỏ ngay ước vọng: muốn có con dâu chính là cô Bí thư “Bác Chín Gái” đó. Mẹ tâng bốc cô hết lời, có một cụm từ nhấn đi nhấn lại mãi đến mức tôi bị ghẹo thành danh: “Nhứt xã đó con à!”. Nhưng chưa gặp, tôi chưa hứa gì với mẹ, làm mẹ có vẻ buồn. Nhớ tuổi mẹ ngoài bảy mươi, ước mơ có dâu, có cháu nội là ước mơ khắc khỏai để yên lòng nhắm mắt, nghĩ đến làm tôi lắm khi chột dạ!…

*

Đầu năm 1964, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn cùng tôi đi về chiến trường Bến Tre - quê hương đồng khởi. Quan tâm nỗi riêng của tôi, tổ chức gởi theo công văn cho Tỉnh ủy, nhờ giúp đỡ và ủy quyền Tấn cùng tác thành hôn nhân cho tôi. Về đến Bến Tre, tôi đưa Tấn về ngay nhà thăm mẹ trươc đã. Hồi nầy phong trào du kích chiến tranh lên mạnh, ấp được giải phóng. Xã Tân Thành Bình nổi danh hai anh hùng. Đường bộ có anh hùng Nguyễn Văn Tư, ông tổ binh ong vò vẽ. Đường thủy có anh hùng Lê Văn Phích, con cá kình Hàm Luông, từng đánh chìm hạm đội nhỏ của Mỹ trên sông. Phải nói là Tấn rất mê con người và vùng đất ở đây. Còn mẹ tôi thì rất yêu quí anh. Bởi anh từng xa mẹ già ở miền Bắc, kháng chiến hai mùa ở miền Nam. Nhà bấy giờ chị Hai tôi có nuôi thỏ, mẹ bảo chị làm thịt thỏ quay chão, bồi dưỡng chúng tôi trên rừng mới xuống. Dịp nầy, Tấn và tôi được gặp Nguyễn Văn Tư, tha hồ khai thác các nhân vật cho tiểu thuyết. Anh Tư vừa dự Hội nghị Chiến sĩ thi đua Quân khu mới về, được đề nghị tuyên dương Anh hùng, chờ ngày lên đường dự Đại hội Anh hùng toàn miền. Vì trách nhiệm cắt giao thông địch, anh lên lộ gài trái, tiếc thay, địch phục kích bắn anh hy sinh! Sau ít lâu, tại Đại hội Anh hùng toàn Miền, anh được tuyên dương: Anh hùng Liệt sĩ.

Vào một đêm, mẹ gọi tôi vào buồng, tháo chỉ may cái gối đang nằm, lấy ra cái gói bằng ni-long rồi mở tiếp nhiều lớp giấy nữa. Tôi chăm chú nhìn theo bàn tay mẹ run run những ngón gầy xương. Sau lớp giấy cuối cùng, nhìn kỹ ra là xấp tiền Cụ Hồ. Mẹ đưa vào gần đèn, mắt rưng rưng nhìn hình Cụ Hồ hồi lâu. Gió khẽ lay ánh đèn chập chờn trên gương mặt mẹ sạm màu nắng gió, trổ những đốm đồi mồi lưu dấu cả một quãng đời phong trần tần tảo. Đôi mắt mẹ hiền từ, nhân hậu tràn ra dòng nước mắt, lăn theo những đường nhăn sâu, chảy xuống làn môi đầy. Vẫn ánh nhìn xa xăm hình Cụ Hồ, mẹ chậm rải nói:

- Kể từ ngày con xa má ở Cầu Mống, má giữ số tiền Cụ Hồ nầy cho đến nay! Ngót mười bốn năm trường! Biết là đâu còn dùng nữa được. Ở chỗ nào cũng giặc chiếm. Hồi luật mười-năm-chín đồn bót nó làm găng lắm! Thành ra muốn giữ được phải cất kỹ như vầy đó. Hồi mang từ chỗ tản cư về cũng phập phồng gần chết! Về đây, đêm đêm má gối đầu nằm cũng phập phồng cầm canh…

Lặng nghe, lòng tôi dậy lên bồi hồi, hình dung mẹ những tháng năm dài canh cánh giữ bên mình: Hồn nước, Niềm tin, vừa là sự tù đày, chết chóc! Bất giác tôi buộc miệng hỏi:

- Sao má không đem chôn giấu ngoài vườn, rủi lộ còn chạy án?

Mẹ trừng đôi mắt đã ráo hoảnh:

- Đừng có hỏi dại! Chôn vàng, chôn của, chớ ai đi chôn…Với lại, giữ hình Cụ trong nhà cho ấm lòng; để lúc nào cũng nhớ mình là dân Cụ Hồ; lúc nào nhớ con thì tiện lấy tiền Cụ Hồ ra má nhìn…Nhìn hình Cụ Hồ vậy mà cũng khuây cái nỗi nhớ con mới lạ! Rồi thì lòng yên tĩnh, má ra bàn thờ Ông Thiên đốt nhang, vọng về phương Bắc, nơi Cụ Hồ ngoài đó, có con ngoài đó…

Những tờ giấy bạc in hình Bác Hồ gầy ốm màu nâu trên giấy trắng nhuốm bụi thời gian ố vàng trăn trở trên tay mẹ như vật có linh hồn, khiến lòng mẹ chạnh bao nỗi niềm, lại nghẹn ngào:

- Nay con đã trở về rồi, quí rồi! Thôi, con chứng giám cho tấm lòng của má, để cho má xin phép Cụ Hồ cho hỏa thiêu số tiền nầy. Bởi còn ở trong vùng tụi nó, biết may đâu, rủi đâu, má cứ phập phồng hoài!…

Dĩ nhiên tôi càng thương mẹ chớ còn biết nói gì hơn. Rồi mẹ ra trước bàn thờ tổ tiên, thắp nhang xin phép Cụ Hồ, đốt từng tờ giấy bạc, cho vào cái chuông con mà thường đêm thắp nhang mẹ gõ lên ba tiếng. Ngọn lửa chập chờn ánh lên gương mặt phúc hậu của mẹ vẻ thành kính mà u trầm, mãn nguyện mà nuối tiếc…Ngọn lửa tàn, mẹ bóp tro tơi ra, cho vào khắp các lư hương, để rồi đêm đêm mẹ lại thắp nhang vọng tưởng, nguyện cầu…

Còn cô Bí thư Chi bộ năm nầy là cán bộ Ban Đấu tranh chính trị tỉnh, đang công tác bên Giồng Trôm, được “lịnh” triệu về gặp tôi tại xã nhà. (Nguyên do, tôi có làm bài thơ Cô em gái nói về cô Bí thư Chi bộ nào đó mà đông đảo cán bộ ở tỉnh đều thuộc rồi đề quyết và cáp đôi với tôi…). Cùng là người hàng xóm, biết nhau sơ sơ hồi còn bé, chưa một lần chào hỏi, rồi xa luôn. Giờ gặp lại, nhìn mặt lạ hoắc, chỉ có lòng thì…Chuyện tình cảm, diễn biến nội tâm dài dòng… Ban đầu dùng dằng tưởng không thành thì mẹ khóc. Tự thân hình tượng mẹ chinh phục như hạt nhân thu hút lứa đôi đi vào quỹ đạo. Vả lại trong hoàn cảnh chiến tranh nên cuộc đính ước hôn nhân được ký tắt mau lẹ. Sau đó anh Tấn  sử dụng tờ công văn đi gặp Tỉnh ủy, rồi  đám cưới diễn ra tại ấp nhà, theo nghi thức đời sống mới, cũng do anh Tấn làm chủ lễ, chủ hôn luôn. Lực lượng dân quân, du kích xã được huy động canh gác đường bộ, đường sông và bố trí chông mìn mặt đồn bốt, đảm bảo an toàn cho bà Bí thư  “Bác Chín Gái” về xã cưới chồng. Bà con hàng xóm tham dự hoan hỉ. Có bà cười chúm chím xướng câu ca dao khẳng định: “Đập ai thì nấy be bờ/ Duyên ai nấy nhận đừng rờ lắm tay! ” Cảm động thay, mẹ mừng tưởng có thể bay lên mây xanh! Mẹ cười hết cả gương mặt, trẻ lại. Vầng trán rộng thanh thản, đôi mắt hồn hậu lóng lánh niềm tự hào: tui có con dâunhứt xã”! Và nụ cười luôn nở trên đôi môi đầy rạng rỡ cho thấy hàm răng trên còn nguyên, ăn trầu đen mun, xĩa thuốc trắng bóng như cẩn  xà cừ một hàng răng cửa.

Sau tuần trăng mật dã chiến, tôi để nàng dâu hiền lại cho mẹ, trở về rừng. Mẹ ôm hôn tôi thắm thiết không muốn rời. Nước mắt sanh ly lại ướt đầm trên mặt hai mẹ con. Lại những ngày xa nhung nhớ. Tình mẹ như sữa nguồn, sinh thành hồn thơ tôi:

Giữa vòng kềm kẹp thủy chung

Trông sao Bắc Đẩu,  mẹ mong Cụ vào

Niềm tin tiền Cụ gối đầu

Sáng đi “ trực diện”, tối vào dân quân…

*

Ít lâu, đến ngày tháng, nàng dâu hiền (có bí danh mới: “Quyết Thắng!” nghe như hô khẩu hiệu), sinh cho mẹ đứa cháu nội. Mẹ đổ cả ngày đường đến căn cứ của tỉnh thăm dâu. Gần đến nơi, mới nghe nói đẻ con trai, mẹ mừng chân đi “bó chổi”, chân nọ xọ chân kia; phải đứng vịn gốc dừa hồi lâu mới đi tiếp được. Bồng cháu nội đỏ hỏn, mẹ hôn quýnh khắp người, hôn đến cả chim của nó; nói nựng ngọng nghịu: “Mẹ óc! Giống thằng “tra”nó y hịch khuôn bánh qui!”. Cụm từ ngọng nghịu của mẹ làm xung quanh truyền miệng vui lây và thấu đến lòng cha nó trên rừng xanh qua lá thư nhà. Con đỏ mới hơn hai tháng, mẹ trẻ đau đứt ruột gởi về cho mẹ già và chị Hai tôi nuôi, để tiếp tục công tác.

Ước mơ cháu nội đạt sở nguyện, hạnh phúc chưa kịp ngấm thì nỗi buồn len sâu: Cha trên rừng. Mẹ góc biển. Con đủ cha mẹ mà như mồ côi! Mẹ sáu tháng còn tức sữa, liều vượt qua đồn bót, đêm lén về cho con bú. Con lạ hơi xô ra. Dòng sữa mẹ chảy tràn trên ngực cùng nước mắt lăn trên mặt. Người mẹ trẻ lại lao dưới tầm bom đạn, mỗi bước một đau xé lòng ! Mẹ gìa ôm cháu nội, cho bú sữa hộp khóc theo !…

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Đồn bốt đóng lại dày đặt hơn. Lính đi càn, vào nhà thấy hai bà già nuôi con còn bú, hạch hỏi:   

- Cha mẹ nó theo Việt Cộng, bỏ con lại cho hai bà già nuôi đây phải không?

Nói trúng quá sao khỏi giật mình. Nhưng lẽ sống còn dạy cho, chị Hai tôi ứng khẩu khôn ngoan, cứng cỏi. Chúng hừ hè rồi bỏ đi. Trong cảnh nghèo, có miếng ngon nào bà cũng nhịn miệng nhường cháu đến chị Hai tôi rất nóng ruột cho mẹ. Bà con xóm làng thương tình, góp từng hộp sữa nuôi lớn lần hồi. Đắc lực còn có Tĩnh (con trai một của chị Hai) đi làm nuôi em. Hồi tôi về, định rước cháu Tĩnh đi, nhưng chị tôi bảo: “Cho nó theo em, chị co tay!” Tiếc thương thay! Tới tuổi quân dịch, Tĩnh trốn lính trần thân không khỏi, bị bắt, bị đẩy đi càn, vướng lựu đạn chết! Cuộc đời hai bà già nuôi cháu chồng chất thêm nỗi đau trăm chiều! Năm tháng trôi qua trên cuộc đời mẹ già và chị Hai tôi không một phút giây bình yên!...

Bờ tre bão tố! Con đi
Khói hương mẹ thắp - bờ mi lệ thầm…

Mãi đến năm 1971, tôi về chiến trường Mỹ Tho, trọng điểm chống phá bình định. Được địa phương giúp đỡ, tôi rước mẹ thăm ở vùng Bình Trưng - Châu Thành Nam. Lần nầy mẹ dẫn theo thằng cháu nội đã lên bảy tuổi, cho cha con gặp mặt lần đầu để mẹ nhìn cho hả hê: cái bánh qui trùng phùng y như  khuôn đúc. Người đi rước để hai bà cháu ở nhà dân ngoài đồng, nhưng các đồng chí ở huyện không dám cho tôi ra, vì đêm thường có biệt kích. Chi bằng đưa bà cháu vô cứ, có bố phòng hầm chông, lựu đạn gài, yên tâm hơn; ở sát đồn nên pháo cũng chẳng dám bắn. Vậy là cuộc gặp mặt gia đình ấm cúng, được diễn ra trong vòng bố phòng an toàn, có cả hầm nổi khá chắc chắn. Nhưng có ai lường được bất ngờ! Địch vừa bị tập kích chi khu Vĩnh Kim, đánh điểm trả đũa, mật lịnh cho lính đồn xuống hầm để pháo bắn. Một trận pháo kéo dài hằng giờ. Mẹ cùng con tôi chịu đựng những đợt pháo kinh hoàng, bụi đất trên nóc hầm đổ xuống tóc tai, như ở mặt trận. Tội nghiệp thằng Bé Thanh ôm cứng cha, luôn miệng kêu:”Con sợ quá!Cha ơi!”. Còn mẹ thì niệm phật liên hồi. Vừa dứt pháo, súng bộ binh đã nổ rôm rốp. Biệt kích long dưới rạch, đi ngầm êm rơ, không đụng cây chông, trái lựu đạn nào. Hầm bên có người chết và bị thương. Tôi vừa cõng mẹ, vừa bồng con, chạy xà đùa theo mọi người. Cũng may, nhờ Tám Hoàng (cán bộ cùng đi) rước bồng con tôi, gởi cho bà má, chạy ra nhà dân ngòai đồng. Súng nổ nà sau lưng, tôi cõng mẹ chạy lạc vào một cụm vườn rậm. Lúc đặt mẹ ngồi nghỉ mệt, mẹ sảng, không nhận ra tôi, hỏi lạc giọng:

- Con “qua” đâu rồi em? Cháu “qua” đâu rồi em? Làm ơn cho “qua” gặp con …

- Con đây! - Tôi phải hai, ba lần vỗ yên mẹ - Thằng Năm của má đây nè! Còn thằng Bé Thanh nhờ người bồng thoát rồi!

- Vậy hả? Con là thằng Năm của má!… Ôi! Nam mô A Di Đà Phật.

Tôi tiếp tục cõng mẹ tìm chỗ “chém vè”. Súng nổ hướng căn hầm vừa ở rất gần. Sực nhớ thắt lưng mình có súng, tôi đặt mẹ ngồi lên gốc dừa, dặn: nếu gặp lính, nói tôi là chủ vườn vào thăm, nghe súng sợ quá ngồi đây. Dặn xong, tôi vạch luồng trườn ra xa mẹ, khỏa kín dấu vết, rút súng lên đạn, phòng đụng lính sẽ tử thủ mà không liên lụy đến mẹ. Mãi gần tối, nghe êm thật lâu, tôi đưa mẹ lần lần về. Bỗng gặp mọi người đi kiếm, ai nấy kêu trời! Hú hồn cho mẹ con tôi, không những thoát lính mà mừng rất may là không vướng lựu  đạn gài, hoặc sụp hầm chông. Còn bọn lính, đánh trúng điểm, lấy được nhiều súng ngắn, tài liệu, mừng quýnh, cắt đường thẳng ra đồng, kêu trực thăng bốc lên. Chiều tối, tôi đưa mẹ ra nhà dân ngoài đồng. Bà cháu, cha con ôm nhau mừng chảy nước mắt! Rồi trong đêm ấy chia tay luôn. Cuộc gặp như một lần ra trận! Vậy đó, cái giá cực kỳ đắt cho một lần gặp mặt. Mạng sống trong làn tơ kẻ tóc! Còn ghi dấu ấn kinh hoàng cho hai bà cháu những năm dài thậm chí gần như  cả đời!…

*

 Hiệp định Paris vừa ký kết, trong khi tôi đang theo Trung đoàn Đồng Tháp hoạt động vùng Cai Lậy - Mỹ Tho. Không khí hòa bình, đôi bên ngừng bắn tại chỗ. Một vài người đã rước gia đình. Tôi chỉ lo mẹ già yếu thôi, chớ có “hiệp định” hòa bình rồi, ngại gì. Mẹ con tôi lại mừng gặp mặt trong nhà bà má Ba, ấp Cái Sơn giải phóng. Mẹ vẫn không nguôi nhắc nhở nàng dâu thảo. Bởi từ khi đồn bót đóng lại, cô mất thế hợp pháp trở về nhà. Cho nên muốn cho mẹ con nó gặp, mẹ chồng phải lụm cụm bồng cháu nội đi thăm dâu. Hết thăm con, rồi thăm dâu, lại còn thăm các con Giải phóng như thăm các con Vệ quốc đoàn hồi chín năm. Chia ly dài, vừa nghe hòa bình ai nấy càng khát khao đoàn tụ. Thấy ở yên, tôi nhờ người đi rước vợ. Cô Quyết Thắng không dám về nhà, chớ đi đường công khai, qua mặt lính thì cũng dễ không. Gặp nàng dâu cùng có mặt con trai, mẹ mừng y như ngày chúng tôi mới cưới. Có vợ lên, đảm đang thay phần má Ba chủ nhà lo bữa cho mẹ con tôi. Cô mua được cá trê vàng của mấy em tát vũng. Tôi đi hái rau bù ngót quanh vườn. Bữa cơm được dọn lên  cái mâm thau, chỉ có dĩa cá trê kho và tô canh rau bù ngót bay hơi thơm ngọt ngào. Nắng chiều yên ả thanh bình dọi xiên mái hiên. Mẹ ngồi ăn, lúc lúc chống đũa ngắm nhìn dâu con. Giục mẹ ăn, mẹ cười tủm tỉm. Năm ấy mẹ bảy mươi chín tuổi, hàm răng trên còn nguyên, hàng răng cửa vẫn sáng ánh chuỗi xa cừ! Có lẽ mẹ đang tận hưởng niềm vui về một bữa cơm đơn sơ mà ngon lành bởi cái hương vị đoàn tụ thật hiếm hoi, cho dù ở một nơi xa lạ không phải nhà mình. Đây là bữa cơm đầu  tiên có mẹ giữa vợ chồng tôi, kể từ sau ngày cưới, gần mười năm trời.

Nhưng vị ngọt của tô canh bù ngót chưa kịp tan đầu lưỡi thì địch càn, lấn chiếm vùng mới giải phóng, bất chấp hiệp định Paris ký chưa khô mực. Bữa cơm đoàn tụ nghẹn giữa chừng! Để mẹ dựa thế hợp pháp với má Ba và nhờ đưa về dùm, tôi cùng vợ băng lộ Ba Dừa, lội sang sông Trà Tân, vừa lên bờ, nhìn trở qua thì lính cũng vừa tới!

Từ buổi ấy, hình ảnh mẹ đứng lặng nhìn theo dâu con,  đôi mắt sợ hãi âu lo, vừa nuối tiếc cuộc hội ngộ bứt ngang tức tưởi, lởn vởn hoài trong tôi. Thật khổ, lần nào thăm con cũng cực kỳ gian nguy!

*

Sài Gòn giải phóng được vài ngày, tôi kiếm được chiếc xe Jep, về ngay Bến Tre, định thăm mẹ rồi đi một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nhớ mẹ tuổi cũng đã tám mươi mốt rồi! Năm ngóai, nghe tin  mẹ cũng do đi thăm ai đó bên Bến Tre, bị xe Honda đụng gãy chân, băng bột, nằm một chỗ, không biết hiện nay mệnh hệ thế nào? Tôi ghé chợ Bến Tre mua quà cho mẹ, chẳng phải thứ gì sang cả, tôi mua nửa chục xoài cát, chín hườm. Nhớ mẹ rất thích xoài mà ít khi ăn trọn một trái, ăn nửa trái, còn lại mẹ bảo để dành ăn với cơm! Lại nhớ chị Hai tôi kể: có lần cắt nửa trái bầu vô nấu canh, còn nửa trái để lại trên dây, dành ngày mai, thì mẹ rầy:“Thà cắt nguyên trái xuống rồi ăn bao nhiêu ăn. Ăn chừa trên cây vậy coi như xẻo từng miếng thịt người ta, đau nó tội nghiệp!” Ôi, lòng mẹ nhân từ đến  cả với loài cây cỏ!

Đường vườn về nhà lắm cầu khỉ bắc qua những con rạch lá, bập lá chĩa lên lởm chởm. Tôi thầm nhớ mẹ “tật” hay đi thăm người mà bất kể mình già yếu lụm cụm nên  có lần té cầu, sái tay, may không xóc bập lá! Chị Hai tôi cằn nhằn mãi mà rồi mẹ cũng vẫn…tật cho đến khi bị băng bột nằm một chỗ!…

Ngôi nhà vẫn chỗ cũ hồi năm tôi đưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn về, nhưng xung quanh sầm uất hơn, ra vẻ là một cụm vườn. Gần đến, tôi bỗng nghe tiếng mõ tụng kinh ngân nga, giục chân bước gấp. Vừa thấy mặt tôi, chị Hai tôi khóc òa. Tôi đứng sững, tê tái, nghẹn ngào! Trấn tỉnh lại, chị Hai tôi kể:

- Má nằm một chỗ gần hai năm! Đi thăm cháu ngọai bên Bến Tre. Chân cẳng già yếu can hổng được!…Bữa nay rước sư làm tuần một trăm ngày cho má…

Tôi đau xót lặng lẽ xếp xoài lên bàn thờ, những mong mẹ được ăn cho đã, ngờ đâu bây giờ là cúng! Ôi! Ngờ đâu…bữa cơm canh rau bù ngót, đoàn tụ mẹ chồng, nàng dâu cùng con trai ở Cái Sơn năm ấy là bữa cơm vĩnh biệt! Mẹ ơi! Chỉ còn một trăm ngày nữa thôi là mẹ con sum hợp, vậy mà con về chẳng kịp!…

Như cái máy, tôi theo sự điều khiển của chị, quì trước bàn thờ mẹ cho chị bịt khăn tang, chiếc khăn tang để dành cho tôi đúng một trăm ngày, đã nhuốm màu hương khói. Nước mắt tôi bấy giờ mới tuôn trào, giọt xuống nền xưa, nơi mẹ từng đặt bàn chân gầy thắp nhang lên bàn thờ nguyện cầu theo bước con đi! Nay con đã về tận nơi còn vương hơi ấm bàn chân mẹ thì mẹ đã nằm sâu trong lòng đất lạnh vĩnh hằng!…

Nỗi thổn thức trong tôi mỗi lúc càng trào dâng, chừng nghe đâu đây ngân nga thâm trầm lời ru của mẹ:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều        

Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau!…

 

Mùa Thu 1994

Chỉnh lý kỷ niệm giỗ mẹ lần thứ 26

20 tháng Chạp Kỷ Mão                      

---------------------------------------------------                                       

(1) - Một On: Dân gian gọi tên Tây lai Jean Léon Leroy,

tỉnh trưởng Bến Tre thời Pháp bị bộ đội ta bắn gãy một chân.

Thanh Giang
Số lần đọc: 2738
Ngày đăng: 19.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông Huệ đỏ - Thanh Giang
Một thời để nhớ - Ngọc Thủy
Vườn chim Bạc Liêu - Phan Trung Nghĩa
Huế, đi giữa mùa hoa - Võ Quê
Về Đồng ăn tôm sú - Phan Trung Nghĩa
Miền sóng vỗ không nguôi - Hồ Tĩnh Tâm
Khách Thương Hồ - Phan Trung Nghĩa
Mùa tát đìa - Phan Trung Nghĩa
Bến đợi - Bùi Nhất Chi
Xứ lụa một thời - Nguyên Tùng