Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.213.613
 
Báo chí và phê bình văn học
Huỳnh Như Phương

Trong thế giới hiện đại, theo đà tiến bộ của khoa học và công nghệ, các phương tiện truyền thông như báo in, truyền thanh, truyền hình, internet… phát triển ngày càng mạnh mẽ. Sự phát triển này tác động đến văn học theo hai hướng. Một mặt, các phương tiện truyền thông làm hạn chế vai trò của văn học, thu hút công chúng của sách in và chia sẻ thị phần của xuất bản. Mặt khác, văn học có thể lợi dụng khả năng truyền bá sâu rộng của các phương tiện truyền thông, nương theo đó mà tiếp cận với công chúng.

 

Với công nghệ in ngày càng tân tiến, sự phổ biến văn học chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Một tác giả nhận được giải thưởng Nobel năm trước, năm sau đã có sách dịch ra tiếng Việt. So với những thập kỷ trước, hiện nay, nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng, sự phản hồi của công chúng đối với một hiện tượng văn học thường diễn ra nhanh chóng. Không hiếm thí dụ chứng minh cho hiệu ứng xã hội của văn học, qua tác động của các phương tiện truyền thông.

 

Ở nước ta, nhờ sự giới thiệu và quảng bá của các phương tiện truyền thông mà nhiều tác phẩm văn học trở thành những hiện tượng xuất bản với số lượng bản in vượt trội. Từ lâu, qua các chương trình văn học nghệ thuật như “Tiếng thơ”, “Bình thơ”, “Đọc truyện đêm khuya”…, đài phát thanh đã truyền tải những tác phẩm văn học đến với thính giả ở thành thị và nông thôn. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu thốn sách báo, nhờ đài phát thanh, người dân có thể được thông tin và thưởng thức những sáng tác văn học mới, được nghe chính các nhà văn, nhà phê bình phát biểu về văn học. Nếu làm tốt chức năng của mình, đài phát thanh có thể là nơi phát hiện và giới thiệu những tài năng văn học trẻ ở các địa phương, đồng thời tập hợp và phân tích dư luận của công chúng về những hiện tượng văn học có tính thời sự. Đài truyền hình là một công cụ có nhiều lợi thế trong việc truyền bá tri thức và tác động đến tâm lý cũng như thị hiếu thẩm mỹ của quần chúng. Trên màn ảnh nhỏ, những buổi toạ đàm văn học, những chương trình giới thiệu tác giả và tác phẩm có chọn lọc góp phần định hướng nhận thức về giá trị của văn học và nghệ thuật nơi công chúng.

 

Mối quan hệ giữa internet và văn học thể hiện rõ nhất qua hiện tượng “văn học mạng”. Văn học mạng mang tính đại chúng vì nó thu hút ngày càng đông đảo cả người đọc lẫn người sáng tác trong một không gian ảo của sự giao tiếp. Những năm cuối thế kỷ XX – đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự nở rộ của các trang web văn học, các blog cá nhân có đề cập đến văn học. Sự nhạy bén của internet đã cuốn văn học vào một nhịp độ mới của đời sống hiện đại. Với internet, văn học đến với công chúng, và công chúng phản hồi về văn học hầu như trực tiếp vì có thể giản lược được những khâu trung gian như biên tập, thẩm định… Điều này phát huy tính tích cực và chủ động của người sáng tạo lẫn người thưởng thức, nhưng cũng là cơ hội cho thói tuỳ tiện và sự vô trách nhiệm.

 

Sự phát triển đa dạng của các phương tiện truyền thông hiện đại cho thấy đời sống văn hoá luôn vận động chứ không đứng yên trong những hình dạng của quá khứ. Đó là một thách thức cho văn học. Văn học, một mặt, phải tìm cách thích nghi với đời sống hiện đại, khai thác thế mạnh của khoa học và kỹ thuật; mặt khác, phải giữ căn cốt của mình, để không biến mình thành một thứ phụ tùy của công nghệ.

 

Đời sống văn học thể hiện rõ trên các phương tiện truyền thông qua hoạt động phê bình. Mảng phê bình này thường được gọi là phê bình báo chí hay phê bình thông tấn. Đây chủ yếu là hoạt động của những cây bút làm việc ở các cơ quan báo chí, xuất bản, phát thanh và truyền hình; đồng thời cũng có sự tham gia của những người sáng tác, những nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu và các trường đại học. Loại hình phê bình này có ưu điểm là nhạy bén, kịp thời trong việc biểu dương hay phê phán những hiện tượng văn học mới xuất hiện, đồng thời cũng sớm nắm bắt tâm lý và thị hiếu của độc giả. Phê bình báo chí có thể là công cụ tác động trực tiếp đến tư tưởng của công chúng đương thời. Yêu cầu đặt ra với phê bình báo chí là kết hợp ý nghĩa thời sự với những giá trị sâu sắc và lâu dài của văn học. Những nhà phê bình báo chí lịch lãm, sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, có thể phát huy khả năng am hiểu đời sống văn học của mình trong những công trình khái quát, mang tính quy luật và có sức thuyết phục.

 

Lịch sử phê bình văn học nước ta ghi nhận rằng những nhà phê bình nổi tiếng đều được rèn luyện qua việc thao dượt ngòi bút trên mặt báo. Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, Hải Triều, Trương Tửu, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế… trước khi có sách in, đều đã được công chúng biết đến như những người viết phê bình và người tham gia những cuộc tranh luận trên báo chí. Về căn bản, các thế hệ phê bình chuyên nghiệp sau Cách mạng Tháng Tám, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, đều được hình thành trong môi trường báo chí. Phê bình báo chí trở thành kênh chủ đạo chuyển tải dư luận về văn học, đồng thời trở thành nhân tố tác động đến dư luận xã hội.

 

Như vậy là hoạt động phê bình trên các phương tiện truyền thông đã mở rộng hiệu ứng xã hội của tác phẩm và tạo nên một “trường” đặc biệt của dư luận xã hội về tác phẩm. Thông qua đó, xã hội nói lên sự mong đợi của mình đối với sáng tác. Tiếp nhận ý kiến của những nhà phê bình trung thực, nhà văn có thể mở rộng nhãn quan nghệ sĩ, tự điều chỉnh hoạt động sáng tác và hoàn thiện tài nghệ của mình.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện các phương tiện truyền thông đại chúng phải cải tiến để thích nghi với thời đại thông tin, thì phê bình trên báo chí cũng có những thay đổi quan trọng. Riêng ở phạm vi thành phố Hồ Chí Minh, với sự quan sát còn hạn hẹp của mình, chúng tôi nhận thấy những nét thay đổi sau đây:

 

Một, dung lượng các bài phê bình trên báo chí có xu hướng ngắn gọn, dồn nén thông tin và ngôn ngữ cũng súc tích hơn. Các toà soạn báo hiện nay hầu như không sử dụng những bài phê bình dài, phân tích toàn diện một vấn đề hay một tác phẩm văn học nghệ thuật. Thay vào đó, họ cần những bài viết về một khía cạnh nổi bật của tác phẩm, dễ gây ấn tượng và đáp ứng được tâm lý của độc giả hiện thời. Những bài phê bình có tính chất hàn lâm với những thuật ngữ trừu tượng, khó hiểu không được các báo ưa chuộng. Văn phong tinh tế, nhuần nhị cũng không còn được hoan nghênh, trừ một vài tờ báo chuyên ngành.

 

Hai, giữ vai trò chủ đạo trong công tác phê bình trên các phương tiện truyền thông hiện nay chính là những nhà báo làm việc tại chỗ, trong số đó có một số cây bút sắc sảo và tinh tế. Họ có điều kiện và khả năng tiếp cận thị trường văn học cũng như chủ trương của tờ báo, ý đồ của ban biên tập và do vậy, có thể đáp ứng được tính thời sự của một bài phê bình. Sản phẩm của họ thường thiên về những bài điểm sách, thông tin văn học. Do sự phân công của một tờ báo có thể linh hoạt tùy theo yêu cầu công tác, nên không nhiều lắm những nhà báo viết phê bình theo đuổi lâu dài công việc này. Hệ quả là phê bình báo chí ít được chuyên nghiệp hoá.

 

Ba, báo chí của chúng ta hiện nay là tiếng nói của các cơ quan, đoàn thể, nên một bài giới thiệu, phê bình, đánh giá được in dễ gây cho bạn đọc ấn tượng đó là lời phát ngôn cho quan điểm của báo. Từ đó, rất hiếm khi xuất hiện trên cùng một tờ báo những cuộc thảo luận, tranh luận với ý kiến nhiều chiều. Để tránh va chạm với những đồng nghiệp ở báo khác và cũng do khuôn khổ trang báo, các tờ báo thường sớm khép lại những cuộc tranh luận này khi các luồng ý kiến chưa ngã ngũ. Thật ra đây cũng là điều dễ hiểu, vì sự đánh giá trong văn học nghệ thuật thường không thể ngày một ngày hai mà có kết luận sau cùng được.

 

Những người yêu cầu cao về chất lượng của phê bình văn học và nghệ thuật không thể bằng lòng với tình hình như vậy. Nhưng trong điều kiện hiện nay cũng khó mà đòi hỏi nhiều hơn ở phê bình báo chí. Chẳng hạn, những cộng tác viên viết phê bình thường muốn bài viết của mình được đăng nguyên vẹn, với đầy đủ lý lẽ, luận điểm; nhưng người phụ trách tờ báo còn phải tính đến thói quen và quỹ thời gian của bạn đọc đang ngập chìm trong một biển thông tin. Đó là chưa kể áp lực từ những mối quan hệ với những người sáng tác, vốn cũng là những cộng tác viên của báo, nhiều khi còn thân thiết hơn là những nhà phê bình.

 

Chúng tôi xin mạn phép nêu lên một vài kiến nghị về phê bình văn học trên các phương tiện truyền thông đại chúng của TP. Hồ Chí Minh như sau:

 

- Đài Tiếng nói nhân dân và Đài truyền hình thành phố nên mở thêm những chương trình chủ đề về văn học nghệ thuật, trình bày những vấn đề thời sự, giới thiệu những hiện tượng mới trong sáng tác. Có thể học tập chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” của Đài truyền hình Việt Nam. Thời gian qua, chương trình “Tạp chí Văn nghệ” của HTV đã trở thành một thương hiệu có sức thu hút, nhưng thời lượng dành cho văn học quá ít so với các loại hình nghệ thuật khác. Những chương trình như vậy cần được sự ủng hộ và tài trợ của các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách…

 

- Những tờ nhật báo xuất bản ở thành phố đều có trang “văn hoá – nghệ thuật”, trang “thế giới sách”, trang “văn nghệ cuối tuần”. Đất cho phê bình không quá thiếu; nhưng nếu để ý sẽ thấy các báo, trong từng thời điểm, thường dồn sự quan tâm cho một hiện tượng “ăn khách” nào đó theo kiểu hiệu ứng dây chuyền. Những người làm văn nghệ âm thầm lâu năm, ít có quan hệ rộng rãi, thường nằm ngoài sự chú ý của các báo. Đặc biệt, những người hoạt động văn nghệ trẻ vẫn còn chịu sự lạnh nhạt của các báo, nhất là khi họ không có những chuyên viên PR đỡ đầu. Việc này chỉ có thể được cải thiện nhờ vào sự quan tâm và sự thay đổi cách nhìn của ban biên tập và những người phụ trách văn hoá văn nghệ ở các báo.

 

- Thời chiến tranh, ở Sài Gòn, dân số chỉ bằng nửa dân số hiện nay, nhưng có lúc có đến gần chục tờ tạp chí chuyên ngành văn học hay có liên quan đến văn học có thể chuyển tải các bài phê bình… Hiện nay, mỗi ngày nhìn trên các sạp báo, có thể bắt gặp rất nhiều ấn phẩm định kỳ được trình bày và ấn loát sang trọng, nhưng trong số đó thật hiếm những tạp chí văn nghệ đúng nghĩa. Tờ tạp chí văn học duy nhất ở TP. Hồ Chí Minh là tạp chí Văn đã ngưng xuất bản năm năm rồi mà chưa biết bao giờ mới tục bản. Thật sự là không thể hình dung một thành phố có truyền thống và giàu tiềm năng về văn hoá như TP. Hồ Chí Minh mà chỉ bằng lòng với năm ba tờ tạp chí phổ biến kiến thức phổ thông. Chỉ trong khuôn khổ tạp chí thì những bài phê bình có tính khoa học, trình bày và giải quyết tương đối toàn diện một vấn đề mới có cơ may được xuất hiện.

- Trong khi chờ đợi tạp chí Văn được tục bản, những người có trách nhiệm ở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Hội nhà văn, Tổng công ty phát hành sách có thể nghĩ đến đề án thành lập một tờ Tin sách ra hàng tháng. Công chúng, nhất là công chúng trẻ, cần được thông tin kịp thời và chính xác về những sản phẩm văn hoá vừa được phát hành. Chưa nói đến những bình luận, đánh giá sâu sắc, chỉ riêng việc thông tin đầy đủ và khách quan cũng góp phần vào việc định hướng dư luận, giúp cho bạn đọc chọn được những món ăn tinh thần bổ ích. Chúng tôi vẫn nhớ là cách đây khoảng 15 năm, một tờ Thế giới sách đã ra đời và không tồn tại được lâu. Liệu bây giờ Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh có thể ra một phụ san hàng tháng như vậy hay không?

 

- Những năm 1980, ở địa chỉ cơ quan Hội nhà văn và Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật hiện nay đã từng tổ chức những cuộc thảo luận về tác phẩm mới. Hai cuốn tiểu thuyết có tiếng vang đã nhận được nhiều ý kiến nhận xét khá phong phú lúc đó là Những khoảng cách còn lại của Nguyễn Mạnh Tuấn và Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải. Ngoài ra còn có những buổi trao đổi về các vấn đề thời sự trong sáng tác và lý luận văn nghệ. Về sau này những sinh hoạt như vậy ở thành phố trở nên thưa thớt và cũng ít thu hút người tham dự, có lẽ một phần vì công chúng đang có những mối bận tâm khác. Gần đây xuất hiện loại hình sinh hoạt “cà-phê sách”, nhưng nội dung chủ yếu là giới thiệu, quảng bá sách mới theo chương trình của các nhà xuất bản, nên không có nhiều thời gian để đào sâu giá trị của tác phẩm, từ những góc nhìn khác nhau. Thiết nghĩ, với những tác phẩm tiêu biểu được chọn lọc, nếu việc tổ chức thảo luận được chuẩn bị chu đáo, thì sẽ có nhiều ý kiến bổ ích được thu thập và có thể công bố ngay trên các báo hay website của Hội nhà văn thành phố. Điều này chắc sẽ kích thích bầu không khí sáng tác và phê bình ở thành phố.

 

Phê bình trên các phương tiện truyền thông, như vậy, bao gồm nhiều hình thức đa dạng mà trong điều kiện hiện nay chúng ta có thể sử dụng linh hoạt để làm phong phú đời sống văn học nghệ thuật ở thành phố.

 

 

Như trên đã nói, cùng với sự ra đời của báo chí, phê bình văn học đã hình thành như một khoa học, muộn hơn nhiều so với sự hình thành của các thể loại văn học. Trong một thời gian không dài, phê bình phải vừa tìm kiếm những phương thức để khẳng định tính khách quan và sức thuyết phục của mình, vừa phải đính chính cho những ngộ nhận và chống đỡ với những cám dỗ của sự tầm thường hoá. Phê bình cũng đã từng hứng chịu những sự chê trách nặng nề khi nó trở thành công cụ của tính vụ lợi, sự đố kỵ, óc bè phái và sự đả kích cá nhân. Người ta đã nói đến sự khủng hoảng của phê bình và đặt vấn đề rằng liệu có thể có phê bình đích thực hay không.

 

Tuy nhiên, ngay khi phê bình bị nghi vấn và đặt ra những đòi hỏi cao thì đó cũng chính là lúc người ta không thể lãnh đạm với nó. Những người dè bỉu phê bình vô hình trung cũng là những nhà phê bình theo nghĩa rộng và trong khi không chấp nhận một loại phê bình này, họ gián tiếp mong mỏi một loại phê bình khác. Chưa cần nói đến sự vinh danh phê bình vì nó góp phần vào việc đổi mới tư duy văn học; bao lâu con người còn muốn lên tiếng bình phẩm về những món ăn tinh thần mà mình thưởng thức, bấy lâu phê bình còn có lý do để tồn tại. Nếu phê bình không làm tròn trách nhiệm của nó, thì đó không phải là lỗi của riêng nó mà là lỗi chung của cả nền văn học./.

 

Huỳnh Như Phương
Số lần đọc: 3269
Ngày đăng: 10.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thi Ca Và Sáng Tác. 3 - Khổng Ðức
Văn Xuôi Mới Mỹ Latinh. 1 - Phạm Quang Trung
Văn Xuôi Mới Mỹ Latinh. 2 - Phạm Quang Trung
Các Thời Kỳ Văn Học Miền Nam 1963-1975 - Trần Văn Nam
Thi Ca Và Sáng Tác. 2 - Khổng Ðức
Thái Vũ Và Tiểu Thuyết Lịch Sử. 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Thái Vũ Và Tiểu Thuyết Lịch Sử. 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Ngôn sứ- 1 - Kahlil Gibran
Ngôn sứ- 2 - Kahlil Gibran
Có Một Dòng Thơ Bị Lãng Quên - Trần Văn Nam