Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.232.212
 
Đọc Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)
Trần Vấn Lệ

Tôi rất thích tập thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê).  Tập thơ này đươc nhà xuất bản Văn Nghệ trong nước xuất bản và phát hành đầu năm 2010.  Tập thơ dày 232 trang, khổ vuông vức 17cm x 17cm, bìa và giấy in bài thuộc loại có giá trị cao nhưng rất trang nhã chớ không se sua, chưng diện đỏm dáng. 

 

Tôi thích nó vì nó dễ thương như đứa bé mà tôi có thể nhìn ngắm được dẫu chỉ qua chữ in.

 

Tôi cũng thích nó vì nó gọn gàng, bắt mắt, bài nào cũng tạo cho tôi ít nhiều xúc động thật sự.

 

Nhưng có lẽ tôi thích nó bởi nó rất mới trong lối làm thơ dẫu nhiều bài trong tập này tác giả làm hồi thập niên 1960; nửa Thế Kỷ rồi, đâu phải ít!

 

Trước 30 tháng 4 năm 1975, người ta biết Đỗ Nghê là thi sĩ nhờ bài thơ “rất ngộ” (theo tôi là rất lạ, rất hay, rất có ý nghĩa) đăng trên bán nguyệt san Bách Khoa tại Sài Gòn.  Báo Bách Khoa là báo chọn lựa người đọc, nó có số độc giả riêng của nó, giống như báo Sáng Tạo, báo Hiện Đại, báo Thời Nay…, mỗi báo là một “loại” riêng, nhưng các “loại” báo này có loại độc giả chung là giới-trí-thức – có người đọc Bách Khoa (Hiện Đại, Sáng Tạo, Thời Nay…) vì muốn thỏa mãn về sự sáng tạo của người viết, vì muốn làm dáng cho mọi người thấy mình sành điệu văn chương!  Bài thơ tạo tên cho Đỗ Nghê nói về sự ra đời của một bé sơ sinh  (coi như chưa có tuổi).  Tựa đề của bài đó:  Thư Cho Bé Sơ Sinh.  Chữ Thư này, hiểu ngay là Những-Lời-Nói của một người lớn nói với đứa bé…chưa-biết-nghe.  Tôi không hiểu tại sao người dịch ra tiếng Anh, Phat’ Blog, lại dịch Thư thành Thơ (Poem), chắc vì thấy đó là Bài Thơ?  Nhưng dịch hay thì vẫn hay, bài thơ đã hay được nhân lên thêm một lần, càng thấy thú vị!  Tác giả làm bài thơ năm 1965, dịch giả dịch nó ra Anh Ngữ vào năm 2006.  Tôi không nghĩ dịch giả đã nghiền ngẫm nên mất thời gian quá nhiều mà tôi nghĩ ngược lại:  chỉ một thoáng thôi, vào năm 2006, dịch giả đọc được bài Thư Cho Bé Sơ Sinh…, bèn “chuyển ngữ”, hèn chi Thư mới thành ra Thơ!

 

Bài Thư Cho Bé Sơ Sinh trình bày và in trên ba (3) trang giấy mà coi như là nửa cuốn sách!  Rõ ràng, tôi nghĩ, tác giả đã chia hai nội dung tập thơ của mình:  một nửa nói về những gì mình muốn nói với đứa bé mới chào đời do chính tay mình “đỡ”  (đỡ đẻ), một nửa là số nhiều, rất nhiều những bài thơ khác, tùy hứng khác mà mình đã làm được, tâm đắc, nên để chung vào một tập.  Hai phần như vậy là nặng nhẹ không cân xứng.  Tuy nhiên một đời thơ của Giả Đảo chỉ có hai câu sao lại cứ có cái bề dày ngàn năm nhỉ?  Nhị cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ thùy!  Đỗ Nghê lấy bài thơ ba trang đặt bên cạnh hơn 100 bài so le (dài ngắn) thành một tập thơ “bề thế” có nên trách không?  Chắc là không!  Thơ, một câu, một chữ, vẫn có trọng lượng, dù “nhẹ hều”, nhưng không lẽ một cuốn sách chỉ nên dày có sáu (6) trang?  Đây, chẳng qua là cái đẹp của cuốn sách, là cái duyên của một bài thơ tác giả muốn ký thác cho đời mà in thêm những bài khác, nhiều thêm, vì tác giả có nhiều nỗi niềm!  Tôi chia cuốn sách ra hai phần rồi tôi nói tào lao, chớ tác giả không chủ tâm, chủ động.  Tôi nói cho vui…Tôi chỉ nói-cho-vui.

 

Quả thật là tôi vui.  Vui, vì có thơ hay để đọc; vui cũng nhờ có tập thơ “ngộ nghĩnh” đem ra bàn…cho vui!

 

Hồi nãy, tôi có nói trước 30 tháng 4 năm 1975, người ta biết Đỗ Nghê là Thi Sĩ; tôi nói chưa hết câu.  Phải nói thêm cho đầy đủ ý, tôi muốn nói:  Sau 30 tháng 4 năm 1975, người ta biết Đỗ Hồng Ngọc là Bác Sĩ.  Thi Sĩ Đỗ Nghê và Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc là Một Người, trước không lộ diện, sau lộ diện, giấu không được, mà giấu làm chi?  Hồi ký tên Đỗ Nghê thì Đỗ Hồng Ngọc chỉ làm thơ.  Khi lộ diện, thì Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết văn xuôi…cũng có làm thơ nữa.  Cái “air” của hai người là một.  Chạy trời không khỏi nắng.  Tôi biết có nhiều nguời đồng ý với tôi:  yêu cả hai người, Đỗ Nghê và Đỗ Hồng Ngọc.  Đừng phân biệt Thi Sĩ với Bác Sĩ, qua Thơ, qua công việc chuyên môn, cả hai người họ Đỗ thể hiện một nhân cách đáng kính trọng:  Một Triết Nhân (tôi nói Triết Nhân, không dám nói Triết Gia).  Khi đỡ đẻ, Đỗ Hồng Ngọc rất nhẹ nhàng, rất dịu dàng,…rất khả ái.  Khi hạ bút đề thơ, Đỗ Nghê nhớ mình là người-có-cha-mẹ vì Đỗ là họ của Cha, Nghê là họ của Mẹ.  Ở một góc của bìa sách, tác giả Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác giải thích về họ của Mẹ tác giả, họ Nghê không phải họ Lê.    Tôi, bạn và cái ông hộ lại nào đó chưa hề nghe ai nói về họ Nghê, lầm lẫn là phải.  Hồi tôi sống tập thể, bạn chung “láng” tôi là anh Trịnh Văn Mây, tôi hay hỏi anh ấy về Chúa Trịnh vì tôi nghĩ anh ấy là hậu duệ của Trịnh Kiểm mà sao ảnh lại là người Mèo ở thượng du Bắc Việt.  Anh Trịnh Văn Mây cười khì:  Tôi di cư vào Nam năm 1954, đi làm giấy tờ, tôi khai thật tên họ tôi là Chình Văn Mây, người ta mắng tôi: chỉ có họ Trịnh, không có họ Chình; do đó tôi thành người Mèo có họ của người Giao Chỉ!  Tôi ngẩn ngơ…Đúng là bé cái lầm!  Tôi nghĩ thêm:  tại sao Trình Minh Thế mà không Trịnh Minh Thế?  Lung tung thật!  Đỗ Hồng Ngọc nhà mình sinh quán La Gi, Bình Thuận (có thời phần đất này thuôc tỉnh Bình Tuy).  Bạn thấy chữ Gi không?  Viết là G và I, không viết D và I dù đọc như nhau, tại mấy ông Tây-An-Nam sợ đánh máy không dấu, chữ Di đọc ra Đi.  Cũng thế, Cần Đước với Cần Giuộc, ban đầu viết chữ D, vì bì thư đóng dấu chữ Việt không dấu cứ đưa lộn hoài, Tây-Ta mới “nhất trí”:  Cần Đước viết là Can Duoc, còn Cần Duộc viết là Can Giuoc!  Họ Nghê, họ của thân mẫu Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc là họ hiếm, lâu nay với cái kiểu “làm ăn tắc trách” của nhân viên hộ tịch chắc đã thành ra họ Lê hết trơn!  Hai chữ Đỗ Nghê, hiểu cặn kẽ, thấy thương làm sao!

 

Cuốn sách của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) tự ên tôi bịa ra chuyện chia hai phần, tác giả thì hiển nhiên không “trù tính”, tôi muốn có một bài “mao tôn cương” dài dài là trích ra hai phần ấy. Trời ơi, vậy thì làm lại công việc của nhà in ư?  Không!  Tôi sẽ chỉ làm cái gì mà tôi thích và tôi phải làm…Tôi đáng trách là đã dài dòng, quá dài dòng.  Lẽ ra thì tôi nên chứng tỏ mình thông thái một cách thật gọn gàng:  Nói sơ  lý do nào tôi gọi Đỗ Nghê / Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc là Triết Nhân ở những câu nào đó.  Úp mở mệt quá, đây xin mời bạn “coi nè”:

 

“Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn

Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu”

 

“Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc

Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ”

 

“Rồi một hôm nằm xuống

Sống Thiên Thu”

 

“Dòng sông xưa nước đục chảy muôn đời

Sao trong mắt chưa thấy niềm sám hối?”

 

.....

 

Trích ra từng đó câu thôi, tôi bủn rủn.  Tôi không trích nữa.  (hay sẽ trích thêm khi tôi thấy mình không mỏi tay). Tự dưng tôi ứa nước mắt.  Thơ ông làm tôi động lòng và động cả não!  Tôi biết thơ Đỗ Nghê hồi xưa lắm, khi tôi còn trẻ.  Nay tôi có cả tập thơ của Đỗ Nghê khi tôi đang già.  Lúc trẻ, lúc già, đất nước tôi…buồn mãi như dòng nước đục hay sao?  Tôi xa Tổ Quốc hai mươi mốt năm, chưa có buổi về.  Mai mốt tôi có chỗ để về thì nơi tôi về để…sống tới Thiên Thu lại là Đất Khách.  Bạn có thấy ai chụp ảnh một dòng sông đục ngầu chưa?  Đỗ Hồng Ngọc ấu thời gắn chặt với Phan Thiết, Bình Thuận, nơi có dòng sông Cà Ty, dòng sông này không trong nổi vì người ta thải nước dơ ra…cho nó đầy hoài.  Tôi đọc Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) bất chợt nhớ bài Cà Ty của Hoài Khanh (cũng dân Phan Thiết):  

 

Một dòng xanh mấy niềm sâu

Chợt nghe gió lạnh từ đâu thổi về

Giật mình sương rụng trên đê

Người đi rồi chẳng thấy về, chao ôi!

 

Dòng sông xanh…vì nó lồng bóng trời.  Dòng Cà Ty, tôi biết, chưa một ngày trong…

 

Tính Triết trong thơ của Đỗ Nghê “dậy” từ hai chữ Sơ Sinh và miên man trong hai chữ Thiên Thu.  Đời người không dài vài chục năm, hay trăm năm, mà dài lắm, ngàn năm lận!  Hai chữ Thiên Thu tượng hình rõ nét biết bao khi hai chữ Sơ Sinh chỉ là cái étiquette!  Đạo Phật đã có gần ba ngàn năm nay, đạo Chúa đã có hơn hai ngàn năm rồi, không giải quyết được gì vì con người trong đôi mắt không chịu ánh lên niềm sám hối!  Chúa tự nhận “Trăm đàng lỗi tại ta”.  Phật thở dài “Bốn mươi chin năm truyền đạo, ta không nói câu nào”.  Thế mới hiểu tại sao tập thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác coi như được chia hẳn hoi  hai phần mà độ dày mỏng của hai phần đó chênh vênh!

 

Tôi gửi đến bạn nhé, những bài tôi cho là “ấn tượng” nhất của Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê):

 

1, Bài này là bài “nền” của tập thơ của Đỗ Nghê.  Tác giả lấy nhan đề của bài thơ làm…nửa nhan đề cho cuốn sách của mình, Thư Cho Bé Sơ Sinh Và Những Bài Thơ Khác..Những Bài Thờ Khác thì nhiều, tôi sẽ trích vài bài.

 

Trước hết xin mời bạn đọc bài thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh.

 

THƯ CHO BÉ SƠ SINH

 

Khi em cất tiếng khóc chào đời

Anh đại diện đón chào em bằng nụ cười

Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc

Trong cùng một cảnh ngộ nghe em.

 

Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu

Nói là để ngừa đau mắt

Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thật

Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen.

 

Khi anh cắt rốn cho em

Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé

Vì từ nay em đã phải cô đơn

Em đã phải xa Địa Đàng Lòng Mẹ.

 

Em là gái là trai anh chẳng quan tâm

Nhưng khi em biết thẹn thùng

Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm

Khi tình yêu tìm đến.

 

Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em

Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy

Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi em lớn khôn

Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu.

 

Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh

Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa

Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang

Với những danh từ dao to búa lớn

Để bịp lừa để đổ máu đó em…

 

Thôi trân trọng chào em

Mời em nhập cuộc

Chúng mình cùng chung

Số phận

Con người…

 (Từ Dũ, 1965)

 

Bài thơ trên đây là bài “nền” cho tập thơ của Đỗ Nghê.  Tác giả ghi năm làm ra nó, năm 1965, tại Bệnh Viện Phụ Khoa Từ Dũ, lúc đó Đỗ Nghê là Đỗ Nghê chưa phải là Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc vì ông còn là Sinh Viên Y Khoa Thực Tập.  Nói thế để bạn “đoán” tuổi của tác giả.  Chưa tới ba mươi.  Nhưng Đỗ Nghê đã già dặn về thời gian học tập thêm già dặn về suy tư nhuốm màu triết lý.  Đứa bé sơ sinh, còn gọi là hài nhi, biết gì đâu!  Nó sẽ biết khi lớn khôn, sau này, mười bảy mười tám năm nữa hay vài chục thập niên sau.  Tác giả rất “hay” khi ví Lòng Mẹ” là “Cõi Địa Đàng”.  Hay ở chỗ đáng cho chúng ta ý thức tại sao mình “hiện hữu”, đáng cho ta suy nghĩ về “sinh hoạt” ở cõi đời trong va chạm thường xuyên giữa Con Người và Con Người.  Hay ở chỗ chúng ta thấy tác giả làm tròn nhiệm vụ của mình và rất “lịch sự”, ông đã Chào đứa bé!  Đứa bé là kết quả của Tình Yêu của cha mẹ nó, nó còn là một thành viên của xã hội.  Đứa bé được gắn ngay Nhãn Hiệu (etiquette) một-con-người.  Nhãn hiệu này dành cho riêng nó.  Nó sẽ thế nào trong tương lai, thì tương lai nó sẽ biết.  Nó sẽ kinh ngạc khi thấy đời sống xã hội không phải chỉ có một nhãn hiệu.  Triệu triệu, tỉ tỉ hài nhi đều có cái ràng buộc khi đã mất ngay sự ràng buộc với…Địa Đàng. Quan trọng là con người có ý thức khi là công dân, bớt đi nhãn hiệu trong xã hội mình quần tụ, bớt đi sự chia rẽ, ganh tị, hiềm khích.  Ôi ngày mai, ngày sau…

 

Địa Đàng đích thật là Lòng Mẹ.  Con người tìm chi Địa Đàng đâu cho xa?  Chỉ bốn chữ Địa Đàng Lòng Mẹ, tác giả nhắc nhỡ chúng ta cần thấy rõ nơi mình nương tựa, nơi mình sẽ báo đền. 

 

2, Đỗ Nghê, bây giờ đã già.  Nếu tôi không tính lầm thì năm ông trên năm mươi tuổi ông đến Canada thăm một Nhà Giữ Lão (Nursing Home).  Chuyến thăm này không có dự trù mà có lẽ vì tranh thủ trên đường công tác quốc ngoại.  Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc làm một bài thơ kéo dài nhiều câu, câu dài nhất 4 chữ, câu ngắn (hầu hết cả bài) 2 chữ.  Chữ đây là Tứ.  Ý của tác giả là “minh họa” một bức tranh Người, một bức tranh Đời, không nhằm mục đích răn đe ai mà…chắc muốn “tự giáo hóa” mình tránh càng sớm càng tốt lòng Tham, Sân Si. Tác giả chọn Tứ lồng cái Ý mình vào, tôi gọi đây là Bài Thơ Có Ý Tứ.  Nhiều người làm thơ, có nhiều bài nhưng…chỉ là Bài Thơ, không phải Bài Thơ Có Ý Tứ.  Làm được bài thơ có ý tứ, khó lắm, khổ lắm!

 

Mời bạn thưởng thức (tôi chép cho gọn và tôi sử dụng dấu chấm, phết):

 

TRONG MỘT NHÀ GIỮ LÃO Ở MONT RÉAL

 

Họ ngồi đó, bên nhau.  Đàn ông, đàn bà.  Không nhìn. Không nói.

 

Họ ngồi đó.  Gục đầu, nín lặng.  Ngửa cổ.  Giật nhẹ tay chân.

 

Có người, trên chiếc xe lăn, chạy vòng vòng.  Có người, trên chiếc xe lăn,  bất động.

 

Họ ngồi đó.  Hói đầu.  Bạc trắng.  Móm sọm.  Nhăn nheo.

 

Mới hôm qua thôi.  Nào Vương.  Nào Tướng.  Nào Tài Tử.  Nào Giai Nhân.  Ngựa xe.  Võng lọng.

 

Mới hôm qua thôi.  Nào lọc lừa.  Nào thủ đoạn.  Khoác lác.  Huênh hoang.

 

Mới hôm qua thôi.  Nào galant.  Nào quý phái.  Nói nói.  Cười cười.  Ghen tuông.  Hờn giận.

 

Họ ngồi đó.  Không nói năng.  Không nghe ngóng.  Gục đầu.  Ngửa cổ.  Móm sọm.  Nhăn nheo.

 

Ngoài kia.  Tuyết bay.  Trắng xóa.

 

Ngoài kia.  Dòng sông.  Mênh mông.  Mênh mông…

(Mont Réal, 1993)

 

Bài thơ trên đây vừa là bức tranh vừa là hồi chuông cảnh tỉnh.  Bé ơi, bé lớn lên vào đời, bé cũng vậy sao?  Đừng như vậy được không?  Đừng bỏ mẹ cha mình vào nhà dưỡng lão.  Ngay cả mình khi già cũng không nên vào đó.  Buồn lắm.  Buồn quá.  Vì thấy bốn cảnh Sinh, Lão, Bệnh, Tử mà Thái Tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung vàng điện ngọc tìm cách giải thoát cho con người.  Ông đã “hoàn thành” nhiệm vụ rồi chưa?  Hơn hai mươi lăm Thế Kỷ, nước chảy, mây trôi; nhưng không nhiều thì cũng đã cảnh tỉnh con người – nhiều người dứt bỏ mê muội, dứt bỏ tham sân si.  Nói nhiều mà nhắc tên thì ai nào?  Mạnh Thường Quân (người giàu nhất bên Tàu ngày xưa)?  Carter (cựu Tổng Thống Mỹ), Unu (Thủ Tướng Miến Điện một thời), Lý Thừa Vãn (Tổng Thống Đại Hàn môt thời)…Nhiều hay ít quá?  Có từ hai người trở lên là nhiều…Ta đợi nhiều hơn thì ta lấy bài thơ trên in ra nhiều bản và đem phân phát, hi vọng nó thành Kinh Pháp Cú, Kinh Bát Nhã…

 

3, Đỗ Nghê còn xứng đáng được gắn cho “nhãn hiệu”  Thi Sĩ Tình Yêu.  Hai bài thơ tôi vừa chép chứng tỏ Tình Yêu Con Nít của ông và Tình Yêu Người Già của ông.  Nói về Tình Yêu Nước, nhìn thơ Đỗ Nghê cũng tuyệt vời!  Ông rất mực yêu quê nhà.  Ông không bỏ bệnh nhân mà “di tản”.  Ông đeo chữ Thập Đỏ gắn bó đời mình với Quê Hương, đất dẫu không lành nhưng lòng ông lành.. Thơ ông cũng rất hiền lành!

 

Mời bạn đọc bài QUÊ NHÀ

 

Mùa Xuân mừng tuổi thơm tho áo

Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa

Anh thương nhớ quá làm sao nói?

Gọi tên em vang động gốc cây già!

 

Hái đóa hoa màu biển biếc

Chợt thương khung trời xa

Núi mờ trong mây trắng

Em mờ trong dáng hoa.

 

Gió Bắc mùa thơm ngát

Bâng khuâng một mái nhà

Biển xanh lùa sóng bạc

Cát vàng hoàng hôn xưa…

 

Tiếc em về chốn cũ

Tình vương đến bao giờ?

Tiếc đời phơ tóc bạc

Thương mãi núi mây xa.

 

Nụ mai vàng trước ngõ

Góc phố bờ quạnh hiu

Con đường xưa đứng đợi

Ta làm chi đời ta?

 

Thương em còn thương mãi

Nắng vàng thơm quê nhà!

 

4, Đọc hết tập thơ Thư Cho Bé Sơ Sinh & Những Bài Thơ Khác, có một (trong số rất nhiều) bài thơ ngắn, tôi thích bài thơ này:

 

GIÓ BẤC

 

Đi giữa Sài Gòn

Phố nhà cao ngất

Hoa nở rực vàng

Mà không thấy Tết!

 

Một sáng về quê

Chợt nghe gió Bấc

Ơ hay Xuân về

Vỡ òa ngực biếc!

 

*

 

Thơ Đỗ Hồng Ngoc / Đỗ Nghê không rườm rà, không làm duyên làm dáng, không lập dị.  Thơ ông là Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào.  Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực nghe ấm…Gió Bấc đang thổi ở quê nhà, ngày Xuân đang đến không riêng ai…

 

Xin cảm ơn Đỗ Hồng Ngọc / Đỗ Nghê!

 

Đọc thơ Đỗ Hồng Ngọc…vui vì nghe trái tim mình đập./.

Trần Vấn Lệ
Số lần đọc: 3118
Ngày đăng: 13.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nắng Qua Lăng Kính - Võ Thị Như Mai
Thế Giới Nghệ Thuật Đoàn Hữu Nam Trong Tiểu Thuyết Thổ Phỉ. - Sương Nguyệt Minh
Trần Hoài Thư: Cuộc Đời và Thơ Văn như chất keo dính chặt qua Ô Cửa - Phạm Văn Nhàn
Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác - Thụy Khuê
Những Con Chữ Hân Hoan, Búng Mình Trên Mặt Sông Chữ, Nghĩa Lữ Quỳnh - Du Tử Lê
Nghìn năm nghe gió nói lời cây - Lâm Xuân Vi
Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa - Phạm Văn
Tiếng kêu trầm thống trong Những cơn mưa mùa đông (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Bài Hát Ngày Về Thơ Trần Huiền ÂnCuộc Hành Trình Thầm Lặng Trở Về Chơn Tâm - Mang Viên Long
Thế Giới Và Những Lát Cắt Siêu Thực - Hoàng Thụy Anh
Cùng một tác giả
Mây Thu (thơ)
Những Giọt Mưa Khô (truyện ngắn)
Je Pense (thơ)
Nắng (thơ)
Nhớ (thơ)
Mùa Thu (thơ)