Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.909
 
Vùng Đồi
Phạm Văn Nhàn

Mỗi ngày, khi mặt trời vừa xuống sau cánh rừng bên kia những ngọn đồi thì gió lại bắt đầu thổi. Gió thổi từ đầu hôm cho tới sáng. Từng cơn gió rít mạnh ngang qua căn nhà lá nhỏ của anh nằm dưới chân đồi. Gió rít qua kẽ lá không làm cho anh giật mình thức giấc, mặc dù có những đêm gần như anh thức trắng trên chiếc võng đan bằng những sợi ny lông được tháo ra từ những bao cát, khi anh còn ở trong trại tù tỉnh, sau năm 1975. Với những đêm như thế, trong tiếng gió rít qua những khe hở của vách lá, anh nghe hình như có nhiều tiếng nói, tiếng cười của những đồng đội trong đơn vị của anh trên ngọn đồi này. Ngọn đồi, mà trước đó vào năm 1972 một đơn vị nhỏ của Mỹ đã rút đi, đơn vị của anh được điều tới để thay thế làm nút chặn ngăn con đường giao liên từ hướng núi Ông đổ về đồng bằng.

 

Khi còn đơn vị đồng minh đồn trú ở đây, cánh rừng phía Tây bên kia những ngọn đồi đã được khai quang. Rừng đã bị con người đẩy lùi ra xa khu vực phòng thủ. Đến khi đơn vị của anh đến trú đóng, thuốc khai quang hình như không còn hiệu lực, những hạt mầm bắt đầu nảy, và những cây non mọc trở lại, thưa thớt. Đám lính ít ỏi trong đơn vị đồn trú trên vùng đồi cũng chẳng ai để ý tới những cây rừng đó. Có nó cũng được mà không có nó cũng được. Ở đây, rừng dù xa, nhưng gió lúc nào cũng thổi về vào những lúc hoàng hôn xuống như ngày nào. Có người nói vùng đồi nằm ngay miệng gió. Những người lính cũng chẳng có thời giờ đâu để mà tin hay không tin là vùng đồi nằm ngay miệng gió. Có điều, khi hoàng hôn vừa đổ xuống, thì vùng đồi gió lại nổi lên. Rồi đêm nào cũng thế, những người lính đóng trên đồi cũng phải mang theo cấp số đạn cơ hữu của mình xuống đồi làm nhiệm vụ kích đêm.

 

Có những đêm anh không thể nào ngủ được. Anh nhớ đến buổi chiều trên ngọn đồi này cùng với những đồng đội của anh, mà hầu hết đã nằm ngủ im lìm sau một trận pháo của địch từ bên kia cánh rừng pháo tới. Trận pháo mà họ muốn dứt điểm vùng đồi từ lâu. Bây giờ họ mới đổ lửa xuống ngọn đồi với một đám lính ít ỏi. Trong trận pháo đó, anh ngất đi sau lần bị thương. Khi tỉnh dậy, trời đã khuya. Ánh sáng của vầng trăng thượng tuần yếu ớt, lờ mờ tỏa trên vùng đồi im ắng làm anh phát sợ. Anh nhìn lên bầu trời đầy sao, trong áng sáng lờ mờ của con trăng đầu tháng, đồng đội của anh đâu hết rồi? Sao không nghe tiếng động nào, từ bước chân người đi, đến tiếng động va chạm của vũ khí. Anh cố gắng bò ra khỏi miệng hố phòng thủ, và trong ánh sáng của con trăng đầu tháng, anh cất tiếng gọi đồng đội. Anh gọi tên từng người một: Chuẩn úy Ngọ, trung đội trưởng đâu rồi? Thằng Vinh, tiểu đội trưởng sắp sửa cho con cái xuống đồi khi trời chạng vạng tối, đâu rồi....

 

Nhiều lắm mà. Sao nghe im lìm qúa vậy. Chỉ có tiếng anh gọi trong đêm. Chẳng lẽ chết hết rồi sao? Hay có lẽ anh gọi nhỏ quá mà bạn bè chẳng có đứa nào nghe. Nhưng trong ánh trăng lờ mờ đó, hình như anh nghe có tiếng chân người và tiếng nói: Còn có người còn sống, tụi bây ơi. Anh nghe tiếng nói, tự nhiên anh nằm im. Có phải đơn vị của anh lên để giải cứu, hay là địch sau những lần pháo ồ ạt, chúng lại xung phong lên. Anh cố bò trở lại hố chiến đấu cũ, nhưng máu từ vết thương lại ra nhiều làm anh không thể bò thêm được nữa. Anh cố gọi to, nhưng rồi anh ngất đi. Tĩnh dậy từ một quân y viện dã chiến. Anh biết anh còn sống.

 

*                               

 

Chiến tranh chấm dứt. Sau khi ra khỏi tù anh trở về thăm lại làng cũ. Làng cách xa vùng đồi chẳng bao xa, mất khoảng nửa ngày đạp xe đạp. Về thăm lại làng cũ, anh quyết định lên sống trên vùng đồi mà trước đó khi còn chiến tranh, những người bạn của anh đã ngủ im dưới ánh sáng của con trăng thượng tuần. Khi mà những trái pháo đã đổ lửa xuống ngọn đồi để tiêu diệt đơn vị nhỏ bé của anh.

 

Vùng đồi như một mãnh lực thôi thúc anh hàng ngày phải lên trên đó. Nhiều lần anh nói với ông Miêng, bác anh, ý định lên đó sinh sống. Ông Miệng không cản. Nhưng hỏi:

- Mầy làm cách nào để sống trên vùng đồi đó?

- Làm rẫy và tôi sẽ phủ xanh ngọn đồi này.

- Không dễ đâu. Tao nghe đám đi ăn cây thường hay nghỉ dưới chân đồi nói trong tiếng gió rít mạnh qua vùng đồi ban đêm, hình như có tiếng cười của ma quỷ?

 

Anh muốn nói với ông Miêng tiếng cười mà những người đi ăn cây nói đó là tiếng cười của bạn bè anh. Những thằng bạn đã chết trong một buổi chiều, mà những người bên kia cánh rừng đã bắn pháo tới. Trong buổi chiều hôm đó anh cũng đã ngất đi mấy lần vị bị thương. Giấc ngủ của những đồng đội của anh cũng như vết thương trên cơ thể của anh vẫn còn hằn sâu trong tâm thức. Làm sao mà quên được. Mỗi lần trời trở gió, những vết thương cũ lại hành hạ anh, không sao chịu nổi. Những vết thương đó, và những cái chết của đồng đội anh đó, nào ai biết được.

 

Cuối cùng rồi ông Miêng cũng đánh xe trâu đưa anh lên vùng đồi. Đứng trên ngọn đồi nhìn về hướng rừng, những cây con mọc kín bưng, bắt kịp với cánh rừng trước mặt. Đỉnh đồi vẫn trơ trọi. Anh nhìn quanh ngọn đồi một vòng, nhớ lại từng gương mặt của mỗi đứa. Chỗ này là hầm chiến đấu của chuẩn úy Ngọ. Chỗ kia là hầm của thằng Hòa, thằng Ất và còn nhiều đứa nữa. Còn chỗ này ông Ngọ cho đặt khẩu đại liên đây mà. Nhưng hôm nay dấu vết chiến tranh đã bị thời gian xóa nhòa trên vùng đồi này. Dưới chân đồi, cây rừng mọc kín, và lại có nhiều con đường mòn do vết xe trâu của những người đi làm rừng tạo nên, ngang dọc. Anh nghĩ anh sẽ biến vùng đồi này trở thành một màu xanh. Không phải màu xanh của cây rừng, của cỏ dại. Có thể là một màu xanh của một rừng thông, để chiều chiều nghe tiếng thông reo trên đó. Nhưng cũng có thể một màu xanh của những cây ăn trái. Dầu gì thì vùng đồi sẽ phủ một màu xanh. Một màu xanh tuyệt vời cho những người bạn của anh trở về, và biết đâu một ngày nào đó, anh cũng nằm xuống nơi đây bên cạnh những đồng đội của anh đã nằm xuống ngày nào.

 

Anh đang nghĩ về ngôi nhà mà anh phải dựng. Phải rồi, phải dựng ngôi nhà ngay bên cạnh con đường nhỏ này đây. Con đường duy nhất để cho những người lính ngày nào đi lên, đi xuống. Hay những buổi chiều chạng vạng xuống đồi để kích đêm. Đêm nào cũng thế, những người lính lại âm thầm đi ăn đêm. Những tọa độ kích đêm được ông Ngọ đánh dấu cẩn thận trên tấm bản đồ hành quân để báo về cho thẩm quyền. Những đứa con đi ăn đêm, sáng hôm sau trở về vùng đồi trong cái ướt sũng của sương rừng, vói những hơi thuốc lá, và tiếng nói cười râm rang trên con đường mòn dẫn lên đồi. Ngày nào anh cũng đứng chờ những người bạn của anh, qua một đêm kích biết sống chết ra sao: “ Tụi mầy còn sống trở về, tao đang đợi tụi bây đây ”. Nhưng hôm nay không còn nữa, im ắng quá. Tiếng cười tiếng nói ngày nào đâu mất hết rồi, chỉ còn lại có mình anh với tiếng gió rít qua vùng đồi không thay đổi.

Ông Miêng, đứng bên cạnh anh, nói:

- Mầy vẫn không thay đổi ý định lên trên đây.

- Không.

- Định trồng cái gì trên vùng đồi này để sống?

- Đào. Đào lộn hột. Bác thấy sao?

- Bao giờ mới phủ xanh hết ngọn đồi, mậy?

- Một năm, hai năm không biết chừng. Tôi sẽ trồng, bác xem.

 

*

 

Mấy tháng đầu có vất vả. Những hạt giống được bỏ xuống không có kết quả. Ông Miêng nói với anh: Tao đã nói với mầy vùng đồi này chỉ có gió là nhiều. Dù gần rừng, nhưng mưa thì trốn biệt. Cứ đánh lỗ để đó, khi nào có mưa sẽ bỏ hạt.

 

Hơn một năm sau. Những cây đào bắt đầu lên cao. Vùng đồi cũng đã có sự sống. Từ nơi ngôi nhà lá nhỏ bé dưới chân đồi đã có tiếng gà gáy vào buổi sáng, tiếng chó sủa vào buổi chiều. Cũng như có bóng dáng anh ở trên vùng đồi để chăm sóc cho những cây đào cùng những đám rẫy quanh nhà. Những chiếc xe trâu của những người đi ăn gỗ cũng dừng lại bên cạnh nhà anh. Vùng đồi không còn hoang vu.

 

Từ những hột đào anh đi thu nhặt ở khắp mọi nơi. Cho đến những nơi nào có trồng đào là anh đi tới xem cách thức người ta trồng. Anh hỏi họ gía của mỗi cây giống, họ thách trên trời dưới biển, anh làm sao có tiền để mua, sau khi ở tù ra. Vả lại, ông Miêng có nói: Mầy cứ kiếm hột để khô, dễ hơn là trồng cây giống. Dù bây giờ đi tìm hột đào có khó, bởi vì nó là món hàng xuất khẩu cao. Tuy nhiên anh cũng tìm được những hạt giống từ các em nhỏ trong làng, mỗi khi anh thấy cần về làng, hay theo xe trâu của những người đi rừng trở về thị xã mua vài thứ cần thết cho cuộc sống hằng ngày.

 

Những đêm trăng sáng, anh thường hay ngồi im lặng trước sân nhà nhìn lên đỉnh đồi. Nơi đó những cây đào bắt đầu lên cao. Trong tiếng gió rít mạnh ngang qua vùng đồi, lúc nào anh cũng nghe như có tiếng gọi của đồng đội anh. Mỗi lần nghe như thế, anh lại lên đồi cùng với hai con chó như hai người bạn thân của anh, quấn quít. Có lần ông Miêng lên thăm anh và ở lại. Tiếng gió vẫn rít qua vùng đồi vào mỗi đêm, và anh lại lên đồi cho tới khuya mới trở về ngôi nhà lá, mặc cho ông Miêng có trong ngôi nhà đó. Khi anh trở về, ông hỏi:

- Mầy làm gì đi lên đó khuya dữ vậy?

- Lên thăm mấy đứa bạn.

- Có ma nào trên đó mà mầy đi thăm.

 - Họ thức trên đó vào ban đêm mà. Bác làm sao hiểu được.

 - Coi chừng mầy bị bịnh đó. Tao đã nói với mầy đám thợ rừng thường nói vùng đồi này có ma.

Anh chẳng nói, trở lại nằm nơi chiếc võng. Hai con chó cũng nằm phục dưới chân anh. Ông Miêng tới bên cái bếp khươi cho ngọn lửa cao thêm để nấu ấm nước. ông nói:

- Mầy phải uống chút gừng cho ấm bụng kẻo bị sương rừng. Thường hay đi ban đêm như vậy không tốt đâu.

 Tiếng gió lại rít mạnh len qua kẽ vách. Anh ngồi dậy trên chiếc võng, hỏi:

- Đó. Bác có nghe gì không?

- Tao có nghe gì đâu, ngoài tiếng gió. Tao đã nói với mầy vùng này là vùng gió mà.

Hai con chó như muốn nhỏm dậy khi thấy anh ngồi lên, gừ gừ dưới chân anh. Ông Miêng lại khươi cao ngọn lửa. Ngôi nhà lá được sáng hẳn lên do những thanh củi. Ông nói:

- Tao nghĩ mầy nên lấy vợ.

- Vợ con làm chi bác.

- Có cũng đỡ hơn chứ. Đêm hôm tăm tối trên vùng đồi này.

 

Thế rồi tháng nào ông cũng đánh xe trâu lên ở lại với anh vài ba ngày. Lúc này vùng đồi đã có nhiều gia đình dưới xóm lên phá đất làm rẫy. Chẳng có ai tới đây lập nghiệp mà biết rằng nơi năm trước đã có một cuộc chiến xảy ra nơi đây. Những trái đạn pháo như đổ lửa xuống đỉnh đồi không rộng bao nhiêu, giết chết những đồng đội của anh. Hai năm. Hai năm anh lên sống ở đây, vùng đồi ít ra cũng đã phủ xanh để cho những người bạn của anh trở về trong mỗi đêm, để họ không còn nhìn thấy cảnh hãi hùng của những trái pháo đã đưa họ vào giấc ngủ miên trường.

Có lần ông Miêng trở lại vùng đồi thúc anh lấy vợ:

- Tao đã tìm cho mầy một con rồi. Con nhỏ này làm y tá ở xã. Nó tên Lài. Nếu mầy chịu, mai tao đưa mầy về làng xem mặt nó.

- Thôi bác ơi, tôi không đi đâu hết. Bỏ những người bạn trên đồi làm sao tôi đi được.

- Bạn bè nào. Mầy cứ nói nhảm như điên, như dại. Bộ mầy khùng rồi à.

 

*

 

Mấy hôm nay anh lên cơn sốt cao, lúc nào anh cũng mê. Trong cơn mê anh thấy những người bạn của anh đang ôm súng nằm phủ kín vùng đồi. Và anh, anh đi hết chỗ của người này đến chỗ của người khác. Nơi nào anh cũng hỏi từng người một : “ Mầy có mang thêm lựu đạn không. Nếu tụi nó có tấn công mà ném chứ . Rồi anh tới người lính khác: “ Có mang theo đù cấp sồ đạn không mầy. ” Anh tới bên vọng gát: “ Ráng thức nghe mậy. Ngủ gục là chết cả đám đó nghe . Trong cơn mê anh thấy hết tất cả. Anh gọi tên từng người. Không thấy có ai trả lời. Thế rồi anh nói to: “ Đó. Những cây đào tao trồng cho tụi mầy đó. Cành lá xum xuê đó, có cả trái đào nữa, về mà chạy nhảy rong chơi như thời còn thơ ấu ở quê nhà. Nơi nào cũng là quê cả tụi bây ơi. Về đi. Về đi. Về với ta . Anh la to làm hai con chó giật mình chồm dậy. Chủ bịnh, hình như chúng cũng muốn bịnh theo. Anh nằm liệt giường đã mấy ngày nay. Những người đi ăn gỗ trên rừng, dừng xe lại cạnh nhà, mới hay anh lên cơn sốt nặng. Họ về làng nói cho ông Miêng biết. Ông vội đánh xe trâu lên vùng đồi cùng với Lài.

 

Ông Miêng đến, anh cũng chẳng hay biết. Ngôi nhà lá mà anh chẳng bao giờ khóa cửa. Cánh cửa chỉ để khép lại để tránh ngọn gió đêm. Ông đến bên cạnh anh, đưa tay lên trán, nói với Lài:

- Nó nóng ghê quá cháu à.

- Để cháu cho ảnh uống thuốc hạ sốt. Không đến nổi chi đâu.

- Tao sợ.?

- Bác cứ nghĩ quẩn.

 Đêm đó ông Miêng không sao chợp mắt được. Thỉnh thoảng ông lại khươi ngọn lửa từ nơi cái bếp làm bằng ba viên gạch xây. Ngọn lửa bùng lên một đổi rồi cũng tắt. Chỉ còn lại ánh sáng của ngọn đèn dầu heo hắt treo trên cột nhà, mà có lẽ mấy ngày nay anh cũng không thắp sáng. Nhờ có viên thuốc hạ sốt của Lài, ông Miêng thấy trên da thịt của đứa cháu ông mát lại.

 

Sáng hôm sau, cơn sốt như biến mất sau mấy ngày làm anh nằm liệt trên giường. Anh đến bên cửa sổ nhìn lên vùng đồi chỉ cho Lài nhìn thấy một vườn đào đang lên tươi tốt. Anh nói:

- Cô Lài dám lên trên đó không?

- Em nghe bác nói trên đó có ma.

- Cô sợ?

- Không. Nếu có anh cùng đi.

- Chẳng có ma quỉ nào đâu. Bạn tôi đó.

Thế rồi anh trở lại ngồi trên chiếc võng kể lại câu chuyện cho ông Miêng và Lài nghe về một trận pháo cách đây vài năm, khi anh còn là một người lính đóng quân trên ngọn đồi này.

Ông Miêng trầm ngâm ngồi dựa lưng vào gốc cột, kéo dài hơi thuốc lá, hỏi:

- Sau trận pháo đó chẳng còn ai sống?

- Không. Chết hết. Chỉ còn mình tôi.

- Mầy đưa tao lên trên đó. Cháu Lài đi với bác chứ?

Hai con chó lẩn cẩn chạy theo chân anh lên đồi. Những cành đào vươn dài ra là là sát mặt đất. Mùa này đào đã ra hoa. Dấu vết chiến tranh nơi đây chẳng có người nào biết được, nếu không còn ai sống sót sau buổi chiều bị dập pháo đó. Anh đưa ông Miêng và Lài đi một vòng đồi, nơi mà ngày xưa đơn vị anh đóng quân. Anh chỉ cho hai người thấy nơi nào là hố phòng thủ của đồng đội anh. Những hố phòng thủ không đủ để che cơn mưa lửa điên cuồng của những người bên kia khu rừng đổ ập xuống trên một diện tích nhỏ hẹp. Thử hỏi còn có người lính nào chịu nổi. Trong trận pháo đó, anh bị thương nặng, bò ra khỏi miệng hố kêu gọi đồng đội xem có đứa nào còn sống không. Chẳng có ai lên tiếng. Anh chỉ cho ông Miêng và Lài:

- Hình như tôi bò ra chỗ này đây.

 

Rồi anh ngồi xuống. Ông Miêng và Lài cũng ngồi theo. Nơi đó, bây giờ là cây đào. Không phải một cây mà là một vườn đào đang tỏa một màu xanh bao trùm. Ông Miêng nhìn bao quát trên vùng đồi như tìm một vị trí, rồi nói:

- Mai, tao đánh xe trâu chở vật liệu lên đây. Cất cái miếu để thờ. 

 

 ( TQBT). Bản tác giả gửi.

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1810
Ngày đăng: 17.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ai đã bỏ muối vào máu tôi? - Trân Sa
Khỏa thân đêm - Nguyễn Thị Thanh Bình
Khóa xuân - Quý Thể
Đêm Núi Và Nhạc Buồn - Lê Văn Thiện
Hư Nhỉ - Đỗ Bàn
Gươm Đàn Nửa Gánh - Nguyễn Thanh Hiện
Bến Tình - Nguyễn Minh Phúc
Đất Khô. Người Khổ - Phạm Văn Nhàn
tiếng hát dưới trăng - Nguyên Minh
Linh hồn - Tú Oanh