Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.231.475
 
Hớt tóc ngày tất niên
Huỳnh Như Phương

23 tháng chạp, đưa ông Táo về trời, học sinh bắt đầu được nhà trường cho nghỉ Tết hai tuần lễ. Mẹ tôi cho tiền, bảo ngày mai đi hớt tóc để chuẩn bị ăn Tết. Bà ngoại tôi dặn thêm, con nói ông thợ hớt cao lên để qua hết tháng giêng mới đi hớt lại.

 

Sở dĩ bà dặn như thế vì bà vẫn thường nói răng với tóc là gốc con người, tóc tai là của cha mẹ cho mình, ngày rằm, mùng một và tháng giêng không nên cắt bỏ đi, bỏ là mang tội!

 

Những ngày gần Tết, đám bạn trong xóm tôi đứa nào cũng lo đi hớt tóc để khoe cái đầu mới. Có những đứa vừa làm biếng vừa hà tiện, không ra tiệm mà chờ người hớt tóc dạo qua xóm, giá tiền rẻ hơn. Mỗi lần như vậy, cả bọn xúm lại, chờ được đến phiên thì người thợ hớt qua loa cho nhanh, thành ra cái đầu đứa nào cũng ngắn ngủn, lam nham như trái dừa lột vỏ trông rất tức cười.

 

Cả thị trấn này chỉ có hai tiệm hớt tóc, một của người thanh niên giải ngũ cụt chân ở ngã tư đường gần bến xe thồ, một của ông già ở gần ngõ chợ. Anh thanh niên vui tính, nói chuyện rôm rả, nhưng không hay bằng anh thợ hớt tóc đường Bà Triệu trong một truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, mà chỉ là những chuyện tào lao cho vừa với trình độ các em nhỏ như tôi. Nhìn anh vừa hớt tóc vừa kẹp nạng chống đi xoay quanh ghế đệm của khách, một cái ống quần dài cột lủng lẳng, thấy bất tiện và không yên lòng. Anh lại có tật hay nhổ nước miếng xuống nền nhà, thiệt khó coi. Tôi chỉ hớt tóc chỗ anh vài lần, những lúc tiệm ông già đóng cửa.

 

Trái với anh thanh niên, ông già ít lời, chỉ nói những gì cần thiết, còn thì dành để nghe khách ba hoa chích choè, thỉnh thoảng điểm xuyết vài câu bình phẩm với nụ cười hồn hậu. Ông ở vùng biển, người quắc thước, cao ráo, tản cư đến thị trấn này, xin một góc hè mở tiệm làm kế mưu sinh.

       

Cuối năm tiệm hớt tóc đông khách, mấy người chờ đến lượt đều ở độ tuổi trung niên, tôi ngồi ghé vào đầu chiếc băng ghế, hai tay chống gối nghe hóng chuyện người lớn. Chuyện bông lúa ngoài đồng không ngậm sữa. Chuyện vợ lớn vợ nhỏ ông quận đánh ghen. Chuyện Tết năm nay được mấy ngày hưu chiến. Chuyện vòng vo nào rồi cũng dẫn đến câu hỏi bao giờ thanh bình trở lại, kèm theo những tiếng thở dài.

 

Khi tôi được ngồi lên cái ghế đệm, ngoài kia buổi chợ cũng gần vãn. Tôi nhìn vào tấm gương soi cũ kỹ đã mờ nước thủy, thấy lướt qua những gánh hàng, những dáng điệu, những khuôn mặt người lo toan vất vả, vẻ nhẫn nại pha lẫn với niềm hạnh phúc khi sắm sửa đón chào năm mới.

Đứa bé vô tư là tôi sung sướng khi được người thợ chăm sóc mái tóc của mình, cũng giống mình chăm sóc cây hoa vạn thọ ở nhà để làm đẹp ngày Tết. Giờ phút này tôi như được thả hồn theo tiếng kéo, tiếng tông-đơ nhịp nhàng của người thợ, mơ màng thấy ngày Tết đang về với những trò chơi cùng bạn bè trong xóm. Những nỗi lo âu, phiền não của người lớn chỉ như cơn gió thoảng qua tai:

 

Cắt cho ta, hãy cắt cho ta

Sợi bạc, sợi vàng, sợi tiền, sợi gạo

Sợi nhục, sợi lo, sợi đau, sợi chán

Sợi phản trắc đui mù, sợi đam mê cuồng vọng

Sợi chảy xuống má cha

Sợi vắt ngang trán mẹ…

 

Sau này lớn lên, đọc bài thơ Cắt tóc ăn Tết đó của Nguyên Sa, tôi lại nhớ cái tiệm hớt tóc nghèo ở thị trấn quê nhà mà sau những năm đi xa, tôi trở về không còn thấy dấu tích. Không rõ ông thợ đã hồi cư khi hoà bình lập lại hay đã qua đời vì già yếu.

Ở Sài Gòn gần 40 năm, tôi cũng chỉ quen hớt tóc ở cái tiệm bình dân của một người đồng hương. Dù tiệm anh dời chỗ mấy lần, đứa con anh nay nối nghiệp cha, tôi vẫn là khách hàng trung thành của họ. Nhẩm tính, không nhớ đời mình bao nhiêu lần hớt tóc, thời gian đủ để tĩnh tâm nhìn kỹ mình trong gương và nghĩ lan man những chuyện bao đồng. Mỗi lần hớt tóc vào dịp tất niên cũng là lúc mình “xét duyệt” lại hình ảnh mình, “nghe những tàn phai” để rồi lại tự an ủi rằng “đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa”.

 

Có lúc, nghe bạn bè rủ rê, cuối năm cũng muốn thử hớt tóc máy lạnh cao cấp một lần cho biết; nhưng nghĩ chất của mình vẫn là chất bình dân, tuổi mình bây giờ đâu còn phải là tuổi của đổi thay và khám phá nữa. Nhà thơ Vũ Trọng Quang viết: Mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người mới…Còn tôi, mỗi lần hớt tóc, tôi chỉ muốn trở về chính tôi. Trở về với đứa bé ngồi trong tiệm hớt tóc bên ngõ chợ một ngày tất niên./.

 

Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số Xuân Tân Mão 2011. Bản gửi từ tác giả.

 

 

Huỳnh Như Phương
Số lần đọc: 1718
Ngày đăng: 19.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những ngày ở Vĩnh Điện - Trần Trung Đạo
Nắng vàng trong rừng khô - Trương Vũ
Trên Mạng Người Ta Có Cô Đơn…? - Nguyễn Thị Hậu
Nụ Tháng Chạp - Trần Quang Phong
Thư từ Miền Nam, - Đặng Kim Côn
Một Thời Chưa Xa - Nguyễn Thị Hậu
thôi nôi - Du Tử Lê
Chiều Cuối Năm... - Lê Lộc
Khi đã là quá khứ - Võ Thụy Như Phương
Cao Nguyên - Nguyễn Thị Hậu