Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.455
 
Hoa So Đũa
Trầm Hương

“ Một con, hai con, ba con… sao nhột vô chuồng sớm vậy? Còn con bê đâu? Hừm, đồ một lũ ăn hại”.

 

Bà Lụa đang cặm cụi khâu vá trên phản, nghe tiếng làu bàu của chồng vội buông manh áo bạc của cậu con trai bước ra phía hiên nhà. Chuồng bò được xây sơ sài gác những thanh gỗ và lợp lá cách buồng ngủ vợ chồng bà chỉ chục thước. Đêm đêm, bà nghe cả mùi phân bò ngai ngái thoảng vào mỗi buồn triền miên thức dậy trong lòng bà. Nó làm nên một vị đắng xót, hẩm hiu. Nó ngày càng quánh đặc và kết dính vào cuộc đời tù ngục, côi cút của bà nơi xứ sở xa lạ này… Lão Tánh vừa nhác trông thấy vợ đã gầm lên:

 

- Thằng Tuấn đâu? Sao nó nhốt bò sớm vậy? Lại còn để xổng mất con bê nữa! – lão Tánh rít giọng – Phen này tao giết , giết!

 

Bà Lụa bình thản đáp:

 

- Thằng Tuấn xin tôi đi theo đội đá bóng trên huyện rồi. Ngày một nó mới về. – bà chép miệng thở dài – Cơ khổ, quanh năm suốt tháng nó trần lưng chăn bò, cũng phải có lúc cho nó mở mày mở mặt với người ta chớ!

 

Cơn nóng giận của lão Tánh đã lên đến cực điểm.

 

Lão múa tít cây roi chăng bò quất tới tấp vào lưng bà Lụa:

 

- Quá lắm rồi, thật quá lắm rồi! Tự  tung tự  tác, nè…

 

Búi tóc bà Lụa xổ dài đến tận gối. Bà giằng lấy cây roi từ cánh tay chắc nịch của lão Tánh. Bà trừng mắt nhìn lão, gằn giọng:

 

- Tôi sẽ đi tìm con bê về cho ông. Ông nhớ nghe, con bê đó là cả gia  tài của ông đó hả?!

 

Tiện tay, lão Tánh xô bà Lụa. Người đàn bà chúi nhủi, lão rít giọng:

 

- Đi cho khuất mắt! Hừ, không tìm được con bê mấy người chết bầm với tôi!

 

Bà Lụa búi lại mái tóc. Bà đi lại sào quơ vội chiếc khăng quan lên cổ rồi lầm lũi bước. Phượng đang ngồi học bài trong buồng đã nhìn thấy tất cả. Cô thấy cảnh cha cô dằn hắt, hành hạ mẹ cô. Nhìn thấy vẻ yếu đuối và cam chịu của mẹ, nhìn những bước chân khệnh khạng của lão Tánh bước vào nhà ngồi trước mâm cơm đã tươm tất. Lão đang uống rượu. Máu nóng dồn lên mặt, Phượng vứt quyển bài tập trên bàn, chạy theo mẹ. Hai mẹ con bà Lụa đứng dưới giàn mướp. Nắng chiều làm héo hắt những bông mướp mà buổi sáng còn rực vàng. Những trái mướp teo tóp, lủng lẳng như những bàn tay bất lực níu bà ở lại. Phượng nhìn mẹ, nghẹn ngào:

 

- Mẹ, mẹ để con đi cho!

 

Bà Lụa nhìn con gái, dịu dàng:

 

- Con ở nhà lo mà học bài đi. Sắp thi rồi. Mẹ biết chỗ mà. Chắc nó lạc đâu ở mé rừng!

 

Phượng rân rấn nước mắt, nhìn bà Lụa, chia sẻ:

 

- Sao mẹ lại có thể chịu đựng ông ấy chớ? Càng lớn lên, con càng hiểu mẹ đã quá sức chịu đựng. Mẹ bỏ ông ấy đi. Mấy mẹ con mình rời bỏ xứ này, con có thể làm mướn, nuôi mẹ!

Bà Lụa cụp mắt, buồn bã nhưng giọng nói đầy nghiêm khắc:

 

- Mẹ quen rồi, cực nhục thế nào mẹ cũng chịu được. Mấy chục năm rồi còn gì. Nhưng con thì không có lý gì để chịu đựng như mẹ. Đời con phải thoát ra khỏi cái hỏm đất này. Hiểu mẹ nói không?

 

Bà Lụa dùng chiếc khăn rằn lau nước mắt cho con gái rồi xăm xăm bước đi. Phượng nhìn theo dáng tất tả của mẹ bằng đôi mắt mở to, đượm buồn. Bóng và Lụa khuất dần trong hoàng hôn đỏ bầm của Tây Nguyên. Những dãy núi nhạt hòa phía xa xa. Gió, và gió chợt nổi lên xoáy lốc cuồng nộ. Những cây rừng ngã rạp. Dáng bà Lụa liêu xiêu ngược gió. Phượng cắn chặt môi. Cô lầm lũi bước theo mẹ…

 

Bà Lụa đi ngược theo chiều gió… Tà áo bị gió thổi bạt ra phía sau, ngực ưỡn về phía trước, bà bước đi giữa đồi hoa cúc vàng rực rỡ. Màu hoa cúc qùi vàng đến xốn xang, nhói buốt lòng bà. Đã hơn bốn mươi năm rồi ư?! Bà Lụa bấm đốt ngón tay, thần mặt ngẫm ngợi. Đêm ấy ở đồng bằng gió cũng cuộn lên, rú rít, thét gào như thế này… Kìa, những cuộn lửa, rừng cháy! Bà Lụa vội bước nhanh chân, luýnh quýnh. Những cuộn lửa khổng lồ thản vào hoàng hôn những tàn tro làm mù mịt một góc trời. Và khói… Mắt bà Lụa cay xè: “Ôi, Biết đâu con bê đã bị đám cháy rừng thiêu rụi?”

 

Bà Lụa vấp vào một rễ cây. Khuôn mặt khô héo của bà áp vào mặt đất đỏ quạch. Nước mắt bà trào ra. Bà cảm thấn nhớ nôn nao mùi bùn đất ngai ngái phù sa của đồng bằng. Những dòng nham thạch ngàn năm đã nguội lạnh nơi đây, như những vết thương lòng đã hoá thạch khiến bà Lụa đã trở  nên vô cảm. Không, giá mà cõi lòng bà đã hóa đá, bà đã không nghe nước mắt trào ra khi gương mặt chạm vào đất. Mấy mươi năm qua, bà đã cố quên và cam chịu đó thôi, cam chịu như chấp nhận một lời nguyền. “Ôi, sao người ấy không tát bà, xỉ vả, lăng nhục bà? Sao người ấy không đấm và mặt gã đàn ông kia đến bê bết máu, giằng bà ra khỏi sự yếu đuối khốn khổ? Sao người ấy không che chở và thương yêu bà như người ấy đã từng thương yêu? Không, người ấy không làm như thế. Người ấy đã xử sự “cao thượng”. Và cái giá của sự cao thượng của người đàn ông ấy đã khiến bà nhận lấy hình phạt hơn bốn mươi năm xa quê, hơn bốn mươi năm lưu lạc trên chính quê hương mình, phải thay đổi họ tên, phải quên đi quá khứ và suốt đời cam chịu…

 

Đồng bằng mùa gió chướng…

 

Làn gió thổi về đồng bằng cùng những ngày ngắn khiến giống lúa mùa quang cảm bắt đầu làm đòng, trổ bông. Ấy là lúc bà Lụa hái những bông so đũa đang nở trắng cánh đồng. Lựa những con tép bạc mềm mại, óng ả trong lòng bà tay hồng đỏ của cô gái đang xuân, Lụa nấu cho chồng nồi canh chua tháng chạp. Mùi rau thơm trộn lẫn mùi ớt xanh thơm hăng. Vị ngọt đắng của bông so đũa còn búp, mùi thơm gạo mới tạo thành một hương bị đậm đà luôn gợi cho những người xa quê nỗi nhớ. Hai vợ chồng trẻ ngồi bên mâm cơm, họ ăn uống ngon lành thể như trần gian này không có gì đáng ngon hơn. Người chồng cắn vị ớt xanh đăm đăm nhìn Lụa: “Anh muốn được cắn em quá, ngay lúc này!”. Má Lụa ửng đỏ: “Trời con chưa sụp tối. Anh còn phải đi đâu mà?”. “Nhưng đêm nay có trăng”. Lụa lấp lửng mời gọi. Đêm có trăng cũng giống như đêm tình ái của họ sẽ kéo dài gần như bất tận. Mười tám tuổi, đôi má Lụa mịn hồng, chiếc cổ cao, thon, mái tóc dày mượt đen nhánh, cặp hông nở, đôi chân dài dẻo dai, rắn chắc, Lụa đi qua đám trai gái trong làng với những lời xì xầm, bàn tán: “ Mình xà uốn khúc. Con nhỏ đó lại còn “hồng diện”, dâm hết chỗ nói. Thằng Tâm làm sao mà chịu được nổi nó. Chà, thằng đực Tánh còn may ra. Không hiểu sao nó để xổng con nhỏ này?”. “Đừng có nói bậy! Thằng Tâm và thằng Tánh là đôi bạn chí thân. Của ai phần nấy. Hơn nữa, vợ chồng là duyên số mà. Thật ra thì vợ chồng nó trông thật đẹp đôi!”. “ Nhưng có gì đó không ổn. Ở đời, tốt quá thì lốp mà!”. Lụa nóng mặt bước đi. Ôi, sao miệng lưỡi thế gian lại tàn ác như vậy. Họ ghen tỵ với sắc đẹp và hạnh phúc của cô. Mối tơ duyên của đôi vợ chồng trẻ đang nồng đượm, bén lửa. Hạnh phúc làm đôi chân Lụa như dài thêm ra, má cô thêm hồng. Nhan sắc Lụa nổi bật, rực rỡ giữa cái xã đồng bằng đầy ắp gió…

 

Giặc Pháp quay trở lại. Toàn dân bước vào cuộc kháng chiến lần thứ hai. Tâm và Tánh là đôi bạn thân hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền phong ngày nào, giờ chuyển sang công tác khác. Tâm gia nhập Vệ quốc đoàn. Tánh vào Quốc gia tự vệ cuộc. Hai người bạn thân đều có quyền tự hào về nhau. Tâm có tài bắn súng thiện nghệ. Mũi súng của anh đã nhắm thì không bao giờ chệch được. Tánh đã từng dẫn một đơn vị bao vây núi Sam tóm gọn tàn quân Nhật, thu về cho kháng chiến một số lớn vũ khí. Hai người bạn đều lập những chiến công khiến đồng bào nức lòng. Giờ đây, họ đang ngồi bên mâm cơm buổi chiều. Buổi tiệc hội ngộ ấy hoàn toàn bất ngờ. Thời buổi chiến tranh làm sao hẹn hò, đàn đúm như trước nữa, nên những giây phút ngồi bên nhau thật hiếm hoi. Lụa nấu cho họ nồi canh chua bông so đũa. Mùi gạo mới, hương vị rượu nếp than tự tay Lụa cất khiến hai chàng trai ngây ngất. Đã lâu lắm rồi, họ mới được nếm hương vị đặc biệt của làng quê, nơi họ sinh ra. Và nếu không có chiến tranh, quả thật cuộc sống của họ với những điều giản dị được tận hưởng kia đã là thiên đường. Bất giác Tâm lấy cây ghi-ta trên vách phủi đi lớp bụi dầy. Anh so lại dây đàn và Tánh cất giọng hát trầm ấm, mạnh mẽ. Bất giác những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má Lụa…

 

Giặc Pháp quay trở lại. Thanh niên trai tráng trong làng phần lớn bỏ vào chiến khu, lớp theo đuôi giặc. Cô cũng không thể chịu đựng được vẻ cầu an, bạc nhược của những kẻ trùm mền chờ thời. Gian nhà lá của cô xưa kia là tổ ấm giờ trở nên khô xác, đìu hiu. Đêm đêm, Lụa để hở cửa, mong một bóng hình quen thuộc lách vào nhà. Nhưng bóng người chồng biền biệt giữa lúc người vợ đương xuân đang đắm say, khao khát. Tiến kẹt cửa vì gió làm Lụa thức giấc. Lụa ngồi bật dậy, tim đập thình thình ngỡ Tâm trở về. Nhưng không, chỉ có tiếng gió quần ầm ầm trên mái lá. Gió thốc vào nỗi lòng cô đơn, trống trải của Lụa. Lụa ông chặt gối, nước mắt đầm đìa trên má. Thảng hoặc Tâm có trở về, anh vồ vập ngấu nghiến người vợ trẻ. Nàng đáp lại anh với tất cả nỗi thương nhớ, khát khao… Tâm tề chỉnh trong bộ quân phục, anh đang ngồi bên góc giường, gương mặt lạnh lùng đăm chiêu hút thuốc lá. Anh có quá nhiều nỗi bận tâm của một vị chỉ huy: khử Việt gian, thiếu súng đạn, lập công binh xưởng, đi đánh đồn để tước vũ khí giặc… Tâm lại chúi mũi vào đống giấy tờ rồi hôn vợ ra đi…

 

- Anh đi thật sao? Có ở lại  được thêm ngày nào…

 

- Không…

 

Tâm vội vã bước đi. Mọi việc với họ thật đơn giản. Những chuyện quốc gia đại sự, những chiến công, sức quyến rũ của những khẩu súng… thu hút toàn bộ tâm trí của những chàng trai thời loạn. Còn Lụa là đàn bà, Lụa cần đến cả những điều giản dị mà chồng cô không bao giờ nghĩ tới. Những chai rượu nếp than đã tím bầm nỗi mong đợi. Những bông hoa so đũa đã khô xác cuối tiết tháng chạp, thả những cánh bướm héo úa trên nền đất cằn cỗi. Gió quất ầm ầm trên mái nhà. Nước mắt tủi thân cứ thi nhau lăn dài trên  má Lụa…

 

Mùa xuân năm 1953.

 

Kháng chiến đã bước vào kỳ quyết liệt. Thế chiến thắng bùng lên mạnh mẽ. Người ta cũng bắt đầu nghĩ đến tương lai… Lụa tìm quên nỗi nhớ mong chồng trong những công việc đồng áng, bếp núc. Khi những hạt lúa vàng óng đã yên vị trong bồ, cũng là lúc làn gió chướng dịu dàng  hơn chuyển sang gió xuân, thổi sinh khí vào những cội mai cằn cỗi. Lụa bắt đầu xây lò, đổ bánh tráng ăn tết. Bột gạo bằng lúa mới đã được xay nhuyễn, mịn màng pha trộn với nước cốt dừa, mè, hành được chế tạo thành thứ bánh đặc sản của quê hương Lụa. Khắp nơi thi nhau đặt mua bánh tráng nước dừa từ bàn tay chế biến khéo léo của Lụa. Những chiếc bánh Lụa đổ tròn vành vạnh được gói thành chục cẩn thận bọc lá chuối… Đêm đông lạnh lẽo, Lụa đốt lên đống lửa, nướng bánh tráng… chờ những đoàn quân đi qua. Ngôi nhà Lụa trở thành trạm liên lạc, nghỉ chân của những chiến sĩ. Cô lặng lẽ lắng nghe những tin chiến sự, lòng tràn ngập niềm hy vọng rồi Tâm sẽ trở về… Những người khách ghé qua đường ăn bánh, uống trà rồi lại ra đi, bỏ lại mình Lụa trong căn nhà ngập gió…

 

Một bóng đen khẽ lách vào cửa bếp. Lụa đang tráng bánh dưới gian nhà khẽ ngẩng lên, tay chân run lẩy bẩy, cô đánh rơi gáo bột, vẩy những vệt trắng tung tóe ngoài thành nồi. Lụa lắp bắp:

 

- Kìa anh Tâm, anh về đó phải không?

 

Một giọng chắc khỏe đượm buồn vang lên:

 

- Lụa, Lụa bình tĩnh lại đi. Anh là Tánh đây mà!

 

Lụa khuỵu xuống chỗ ngồi cũ. Tánh đến bên cô. Anh ngồi xuống mấy hòn gạch vỡ được xếp lại thành đống. Những chiếc bánh Lụa tráng đêm nay sao mà lệch lạc,  méo mó. Lụa đột nhiên nổi giận vô cớ:

 

- Anh Tâm đâu?!

- Anh ấy bên bộ đội Vệ quốc. Tôi ở Quốc gia Tự vệ cuộc. Hai cánh hoạt động khác nhau, lâu rồi không gặp.

 

Lụa thở dài. Cô ngồi thừ bất động. Tánh kêu lên:

 

- Kìa, em tráng bánh đi chứ. Lửa già rồi!

 

Lụa úp khuôn mặt ràn rụa nước mắt lên hai lòng bàn tay. Cô gào lên:

 

- Để làm gì? Tám năm qua em đã ăn tết trong cô đơn, giá lạnh. Ôi, giá mà anh Tâm để lại cho em một đứa con…

 

Chợt Lụa ngẩng lên, những tia quyết liệt, phẫn nộ từ đôi mắt mở to của cô thẳng vào mặt Tánh:

 

- Khi nào, khi nào chiến tranh kết thúc, anh nói đi!

 

Tánh cuối đầu trốn những tia nhìn của Lụa, thở dài:

 

- Làm sao mà tôi biết được. Nhiệm vụ của người lính là tuân lệnh chỉ huy ra trận. Chúng tôi không bao giờ hỏi ngày về…

 

Họ ngồi bên nhau im lặng. Giữa họ là nồi nước đang réo sùng sục. Chợt Tánh thốt lên:

 

- Lụa. Em có biết là … tôi cũng rất yêu em!

 

- Hả?!

 

Lụa ngỡ ngàng nhìn Tánh. Cô nhận ra một thân thể đàn ông cường tráng với chòm ngực nở nang, vạm vỡ. Bất chợt, một ý nghĩ so sánh vụt lướt qua trong óc Lụa. Ý nghĩ ấy làm má cô đỏ bừng dưới ngọn lửa. Ánh mắt cô vừa xua đuổi vừa thiết tha, mời gọi. Lửa trong bêp lò đả tắt nhưng lửa ngùn ngụt cháy trong lòng đôi trai gái đầy khỏe mạnh, khát khao. Tánh vụt đứng lên và thật bất ngờ vồ lấy Lụa bằng đôi cánh tay mạnh mẽ. Lụa mềm lả đi trong vòng tay của người đàn ông. Đầu óc cô mê muội, chỉ có tiếng nói từ sâu thẳm trỗi dậy. Và lửa, lửa đang đốt cháy họ thành tro bụi…

 

Cửa liếp khẽ động đậy. Một bóng người nhẹ nhàng lách vào mái lá. Người đàn ông và người đàn bà đã nằm im vật ra bên đống lửa, trần trụi, rã rời. Người đàn ông chợt lặng người một lúc, cắn chặt môi đến bật máu. Anh run run giọng:

 

- Các người đó sao?!

 

Không đợi cho cặp trai gái say tình kia kịp hoảng hốt, phản ứng, anh khinh miệt bỏ lên gian nhà trên. Khi Tánh và Lụa đã tề chỉnh trong bộ y phục thường ngày, đứng cúi gầm mặt bên Tâm như hai kẻ tội đồ, Tâm cười cay đắngL

 

- Tánh, thì ra mày đó sao?

 

Anh khoát tay:

 

- Hai người ngồi xuống đi.

 

Như bị thôi miên, họ như những cái máy ngồi xuống những chiếc ghế đẩu bị sứt sẹo, mọt ăn lỗ chỗ. Không nhìn Lụa, Tâm rút khẩu Rouleau đặt trên chiếc bàn gỗ mộc. Một âm thanh khô lạnh vang lên. Cả người Lụa gai ốc nổi đầy.  Cô rùng mình sợ hãi và hổ thẹn. Cô ước mình có thể chui xuống đất. Trỏ vào Lụa, nhìn Tánh, Tâm hỏi:

 

- Tánh, người đàn bà này là gì của tao?

 

Tánh trố mắt nhìn Tâm, môi anh run run. Tâm gằn giọng:

 

- Mày không biết à? Tao nhớ dạo nào cô ta đã cho chúng mình uống rượu nếp than, ăn canh chua bông so đũa. Hôm ấy tao ngồi đàn, mày thì hát, còn Lụa lắng nghe. Lẽ nào mày không nhận ra cô ta là ai?

 

Những âm tiết cuối cùng của Tâm rời khỏi lồng ngực anh đầy đe doa và mang đầy sức mạnh khiến Tánh run lập cập, lắp bắp:

 

- Lụa.. Lụa là vợ của mày!

 

Nụ cười khinh bạc lướt qua môi Tâm:

 

- Còn tao là gì của mày?

 

- Mày… mày là bạn của tao!

 

- Ha, ha, ha!

 

Tâm ngửa mặt cười lớn. Chuỗi cười giòn tan, khinh mạn của Tâm vang lên lồng lộng giữa đêm khuya. Sau đó là khoảnh khắc im lặng đến rợn người. Lụa nghe tiếng vạc sành thê lương nỉ non trong bóng tối. Cô mong đất dưới chân mình nứt ra để cô có thể trốn khỏi sự bẽ bàng và tủi nhục: “ Tâm ơi, hãy tha thứ cho em! Em không hiểu  sao mình lại hành động như vậy. Anh trở về, sẽ chẳng bao giờ có điều ấy xảy ra nữa, hãy xem đó như là một cơn ác mộng. Hãy tha thứ cho em. Tánh ơi, tôi đã giết anh rồi. Lẽ ra tôi phải cứng rắn hơn. Tội là ở tôi, ở tôi. Sao điều ấy lại xảy ra, sao lại có thể diễn ra?!”. Cô muốn quì sụp dưới chân hai người đàn ông để được van xin tha thứ. Nhưng gương mặt lạnh tanh của Tâm khiến cô trở nên câm lặng và sự hèn yếu, bất lực của Tánh chợt làm cô thất vọng, xót xa…

 

- Thì ra mày yêu Lụa hơn tao yêu cô ấy! _ Tâm cay đắng, giọng ráo hoảnh. Được lắm, vậy thì các người hãy đi đi! Khoan, trước khi đi, trước khẩu súng này, các người hãy thề, thề đi!

 

- Không! Lụa thét lên kinh hoàng. Mọi vật đều đã sụp đổ trước mặt cô. Túp lều tranh như vỡ ra, rả thành từng mảnh, từng mảnh... Tánh lạc giọng:

 

- Mày bắt tao phải thề như thế nào, hả?

 

- Thề là mày không được bỏ Lụa trong bất cứ hoàn cảnh nào, nghe rõ chưa? Tâm chộp lấy khẩu súng, kéo qui-lát nghe lách cách. Mày hứa không? Chỉ một điều giản dị như vậy mà mày không dám hứa à?

 

- Hứa, tao hứa, tao xin thề!

 

Giọng Tâm như từ một cõi xa xăm vọng đến, không chút cảm xúc, vang lên rõ ràng nhưng hết sức vô hồn:

 

- Các người đã thề thì nhớ lấy! Nếu không, chính khẩu súng này sẽ kết  liễu các người!

 

Những âm vang sau cùng của lời nguyền đe dọa huyền bí, cả Lụa và Tánh đều rùng mình nổi gai ốc. Tâm cho khẩu súng vào thắt lưng như cũ, không nói thêm lời nào, biến trong đêm tối…

Tâm đi rồi. Lụa và Tánh cũng dắt díu nhau ra đi…

 

Họ cúi gầm mặt mà đi, đi mãi. May là họ rời làng trong đêm tối, chỉ những vì sao cô đơn là thấy họ, tỏa bóng nhạt nhòa xuống trần gian. Những bước chân tủi hổ và lưu đày đưa họ đến với núi rừng Tây Nguyên. Họ định cư giữa hõm đất dưới thung lũng. Họ sinh những đứa con. Những cơ bắp cuồn cuộn của người đàn ông và sức dẻo dai, phi thường ấy giờ đây là nỗi khiếp đảm của bà Lụa, khi những năm tháng thanh xuân trôi đi, niềm đam mê ái ân đã tàn. Bà Lụa cứ bị nỗi nhớ đồng bằng thiêu đốt. Nỗi nhớ ấy làm thành một chứng bệnh bất kham trong tâm hồn bà. Bà đã sống bao mùa xuân cằn cỗi không có gió chướng về mang theo những ngày ngắn cho cây lúa ra hoa, không có hoa so đũa, không có hương vị canh chua tép bạc đất… Đằng đẵng bao năm trời, bà cố gắng bước đi trong sự bình ổn như lời nguyền đã định đoạt nhưng chính bà đang hết sức chông chênh. Nỗi ân hận cứ vò xé trái tim bà. Bà lại bị vò xé trong vòng tay của người chồng mà bà phải gắn bó suốt đời như một lời nguyền độc địa…

 

Chiều ay, con bê ở đâu?!

 

Hoàng hôn ở Tây Nguyên đã chuyển sang màu tím ngắt, buồn đến nao lòng. Những ngọn núi ẩn hiện trong làm sương, những bóng cây sẫm màu như những triết gia cúi đầu mặc tưởng. Lửa cháy một góc trời. Những tàn tro hồng rực, bay tung. Bà Lụa nghe rụng rời chân tay. “Lửa cháy đằng kia, chỗ con bê hay lại trốn ăn cỏ”. Bà Lụa quýnh quáng bước đi khi nhận ra ngọn lửa cháy rừng càng lúc càng lan rộng. Sao không ai cứu rừng cả? Sao không ai cứu con bê của bà cả? Bà Lụa cất tiếng gọi thống thiết:

 

- Ùm… bò…ò.

 

Không có tiếng đáp lại, chỉ có tiếng vọng thê lương, đẫm nước mắt của bà trong hoàng hôn mù mịt sương giăng. Mắt bà Lụa cay xè. Chợt bà Lụa nghe có tiếng mìn lao xao phá đá. Tiếng mìn giống như tiếng sấm tháng ba ở đồng bằng nhưng âm hưởng của nó khô lạnh, không rền vang như tiếng sấm. Tiếng sấm làm người ta yên tâm hơn. Còn tiếng mìn nổ này sao mà nghe bất an, sao mà cuồng bạo. Bà Lụa nghe có tiếng người lao xao đi lại bèn ẩn mình trong một lùm cây. Bà đã nghe tiếng trò chuyện của họ:

 

- Chà, mai mốt thôn mình đã thông đường xuống chợ. Đường ôtô chạy thẳng tới đây luôn, khỏi phải vượt bộ bằng đôi chân nữa!

 

- Mở đường à? Ái chà, ai làm nổi chuyện đó?

 

- Bộ đội công binh. Trường Sơn mà họ còn xẻ dọc được, huống chi quả núi này. Mai mốt mấy ông ấy còn mở thêm nông trường nữa. Biết đâu, biết đâu đó… bọn mình phải dời nhà cửa đi.

 

- Trời đất ơi!

 

- Đừng lo. Mình sẽ được đền bù.

 

- Còn mồ mả ông bà?

- Ái chà, cái đó thì … hạ hồi phân giải.

 

- Nhưng việc lớn như vậy phải có người chỉ huy giỏi mới làm được chớ?

 

- Tất nhiên rồi. Bà có bao giờ nghe nói tới đại tá Tâm chưa? Tên tuổi ông ta nổi tiếng cả hai thời kỳ kháng Pháp và Mỹ. Giờ ông nổi tiếng đi khai phá. Nghe nói ông ấy người đồng bằng, được phong anh hùng tới hai lần, giỏi thật!

 

“Đồng bằng”. Hai tiếng bình lặng, thân thương ấy gợi nhớ đến những hạt phù sa mịn màng, những ruộng mạ xanh non chợt làm lòng bà Lụa dậy sóng. Ôi sao số phận vẫn còn đeo đuổi, bám riết bà. Lời nguyền của kẻ “cao thượng” sao mà tàn nhẫn, độc địa. Bà có đáng phải nhận lấy hình phạt ghê gớm đến vậy không? Bà Lụa đã từng ngửa mặt lên trời đêm nói với những vì sao mờ nhạt, xa xôi như thế. Những vì sao không trả lời bà bởi những vì sao cũng có những số phận của nó. Những vì sao sáng rực và xấu số… Bà Lụa nghe lạnh buốt sống lưng, mặt đất dưới chân bà như nứt vỡ. Bà chông chênh và ngã dụi vào một lùm cúc quì. “Mẹ, mẹ ơi”. Từ xa Phượng bước đến. Cô đỡ người mẹ đang giá lạnh trong vòng tay mạnh mẽ, tròn căng mười bảy tuổi của cô gái đương  xuân.

Trầm Hương
Số lần đọc: 2770
Ngày đăng: 22.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường
Ánh lửa Chông Nô - Anh Động
Bóng chiều hôm - Nguyễn Thanh
Bông vông đỏ - Nguyễn Thanh
Vểnh râu - Nguyễn Quang Sáng
Lá rụng - Kim Quyên
Hàng xóm - Kim Quyên
Chị Nhẩm - Hàn Vĩnh Nguyên
Con chim chìa voi, chiếc lồng bỏ trống và thằng ăn hại - Hàn Vĩnh Nguyên