Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.540
 
Sự Tồn Tại Của Nền Văn Chương Mỹ Latinh
Phạm Quang Trung

Nou led, Nou la

(Chúng tôi xấu xí, nhưng chúng tôi có mặt - Tục ngữ Haitti)

 

Mở đầu Diễn từ Nobel Văn chương năm 1967 với nhan đề Tiểu thuyết Mỹ Latinh - chứng tích của một thời đại, nhà văn người Guatemala M. Asturias lên tiếng bày tỏ: “Tôi muốn đây là một hội thảo chứ không phải một dịp để thuyết trình, tức là một cuộc đối thoại giữa những mối nghi ngờ và những điều khẳng định quanh chủ đề chúng ta quan tâm” (1).

 

Ông nói tới “mối nghi ngờ” và quyết định góp tiếng nói “khẳng định” nhiều điều bao quát và hệ trọng chung quanh những “chủ đề” liên quan tới những vấn đề cốt tử không chỉ của tiểu thuyết mà của cả nền văn chương lục địa. Một trong những chủ đề gắn với những vấn đề thiết yếu nhất, oái oăm thay, lại quan hệ tới câu hỏi về sự tồn tại của chính nền văn chương được gọi là Mỹ Latinh mà M. Asturias luôn được xem là một trong những đại diện chói sáng nhất. Còn nhớ, các nhà văn Nhật Bản biết đến các tác phẩm văn chương châu Mỹ Latinh trước tiên qua con đường tiếng Pháp. Văn chương miền đất mới này đã được dịch và đăng dồn dập trên các tạp chí ở Nhật trong thập niên 1960 sau khi M. Asturias đoạt Giải thưởng Nobel vốn được xem là mang ý nghĩa toàn nhân loại. Để rồi khoảng từ năm 1977 trở đi ở đất nước mặt trời mọc bắt đầu xuất hiện những bộ tùng thư về văn chương Mỹ Latinh trên thị trường (1).

 

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đồng thời là nhà tiểu luận danh tiếng đoạt Giải thưởng Nobel Văn chương khác người Mexico là O. Paz thậm chí còn có hẳn một bài viết quan trọng mà đầu đề dưới hình thức của một câu hỏi: Có một nền văn học Mỹ Latinh? Ngay ở phần mở đầu, ông đã trực tiếp nêu vấn đề: “Tồn tại hay không tồn tại một nền văn học Mỹ Latinh?”. Bởi, theo ông, “cho đến tận cuối thế kỷ trước, người ta vẫn nói rằng các nền văn học dân tộc chúng ta đều là một nhánh của cái cây văn học Tây Ban Nha” (2, tr.136). Rồi, ông tự đặt cho mình nhiệm vụ lý giải cái điều tưởng là phi lý mà hoàn toàn có cơ sở ấy. Do đây là văn chương, nghĩa là nghệ thuật ngôn từ, nên ông nhận ra nguyên do trước nhất nằm ở chính ngôn ngữ. Ông viết: “Không có gì sáng tỏ hơn nếu người ta quan tâm đến ngôn ngữ” (2, tr.136). Quả vậy! Ông xác nhận tiếp: “Tất cả mọi người Mỹ Latinh chúng ta viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Trên căn bản, ngôn ngữ của chúng ta không khác với ngôn ngữ vùng Aragon, vùng Castilla… (Các khu vực địa lý trong nước Tây Ban Nha - PQT). Hơn thế, “như đã biết, tính thống nhất ngôn ngữ ở châu Mỹ còn lớn hơn ở cả Tây Ban Nha. Chúng ta sinh ra ở buổi bình minh của thời hiện đại và tiếng Tây Ban Nha lúc đến vùng đất chúng ta đã đạt đến tính phổ cập quốc tế, và đã ở tuổi trưởng thành” (2, tr.137). Tưởng không còn gì hùng hồn hơn thế!

 

Khách quan và bình tâm mà xem xét, ngôn ngữ trong lĩnh vực đặc thù này luôn giữ một vai trò nhất định và dễ thấy. Thật có lý khi nhà phê bình Venezuela  P. Trigo cho rằng: “Khát vọng hướng tới hiện thực được chuyển thành khát vọng hướng tới ngôn ngữ” (3, tr.103). Trong hồi ký của mình, P. Neruda từng nồng nhiệt đề cao vai trò của ngôn ngữ đối với một nhà thơ như ông: “Tất cả những gì mà bạn muốn, đồng ý thôi, nhưng chữ là những thứ, chúng hát, chúng leo lên rồi lại rơi xuống... Tôi khuất phục trước chúng... Những chữ cái thân thiết... Chúng chói sáng lên như đá màu, nhảy như cá bạc, là luồng sáng, là kim loại, là sương... Tôi săn vài chữ một... Chúng đẹp đến nỗi tôi muốn đưa tất cả vào một bài thơ: lúc thâu tóm chúng, chúng tập hợp, tôi nắm chặt lấy chúng, chưng lọc chúng, cắt gọt chúng, đến bữa ăn rồi còn nấn ná. Thế rồi tôi nhào trộn chúng, lắc chúng lên, nghiền nhỏ chúng, tôi uống chúng, nuốt chúng, lưu lại dư vị ngon lành của chúng, giải thoát chúng... Tôi đã thừa hưởng thứ ngôn ngữ tuyệt diệu như thế nào!”. Logic ấy tất đưa P. Neruda đến việc ngợi ca tiếng Tây Ban Nha như một công cụ vô cùng quý giá đối với ông và toàn thể các nhà văn, nhà thơ của châu lục ông – tất nhiên đó là cảm nhận hai chiều, không hề giản đơn: “Chúng ta đã thừa hưởng thứ ngôn ngữ tốt như thế nào từ đô hộ Tây Ban Nha khủng khiếp... Chúng ta là những người đánh mất... Chúng ta là những người chiến thắng. Chúng lấy vàng đi và để lại vàng cho chúng ta... Chúng đã lấy đi của chúng ta tất cả và để lại cho chúng ta tất cả. Chúng đã để lại cho chúng ta chữ, chữ” (Văn nghệ, số16/2000). Là một trong những nhà thơ sử dụng tiếng Tây Ban Nha thành công, được thừa nhận rộng rãi ở hầu như tất cả mọi nơi trên thế giới, P. Neruda có toàn quyền để nói như vậy!

 

Riêng ở một quốc gia đặc thù như Haiti, theo nhà thơ René Despestre thì có một ngôn ngữ chung của quốc gia là tiếng Pháp và một ngôn ngữ bản xứ gọi là Creon. Đây là một loại tiếng Rômăng, bắt nguồn từ tiếng Pháp thế kỷ XVIII, nhưng dần dần hình thành một cách riêng biệt theo những đặc điểm của dân tộc. Có thể xem đó không phải là thổ ngữ hay một thứ tiếng Pháp nói sai mà là một ngôn ngữ mới. Hiện nay, đặc điểm của văn chương Haiti là viết vừa bằng tiếng Pháp vừa bằng tiếng Creon mà theo một nhà nghiên cứu thì là “thứ tiếng Rômăng cuối cùng xuất hiện trên thế giới”. Như vậy, thật không phải là một chuyện kỳ dị khi các nhà văn ở đây gắn bó không phải với nền văn hóa Pháp mà là với tiếng Pháp. Nó đã trở thành vật sở hữu của cả cộng đồng. Họ đã sống ba thế kỷ nô lệ. Trong suốt thời gian đó, họ đã đấu tranh, đã giành tiếng nói đó của kẻ thù. Họ không thể nghĩ tới việc nói tiếng Pháp cho thật đúng, vì điều đó quả không phải dễ, nhưng đó là một ngôn ngữ dân tộc của họ cũng như tiếng Creon. Có thể xem tiếng Pháp là một ngôn ngữ dân tộc cũng như tiếng Creon vậy (4, từ tr.76 đến tr.78).

 

Cũng có thể kể tới những suy nghĩ tương tự trong trường hợp khác của chính O. Paz. Trong Diễn văn đọc tại Lễ trao Giải Cervantes vào năm 1981, nhà văn người Mexico này trước sau khẳng định vai trò to lớn không thể chối cãi của ngôn ngữ trong việc tạo ra cái mà ông gọi là “xã hội các tác phẩm”. Ông cho rằng: “Giải Cervantes khiến cho chúng ta nhớ rằng ngôn ngữ mà chúng ta nói là một thực tế có tính quyết định không kém gì những tư tưởng mà chúng ta rao giảng hoặc cũng không kém gì những nghề nghiệp mà chúng ta thực hành. Nói đến ngôn ngữ là nói đến văn minh... Khi nói, ta không phải duy nhất nói với người ở cạnh ta mà còn nói với người đã chết và ngay cả với người chưa sinh ra... Chúng ta nói với thế giới có hồn và thế giới không hồn, với cái có thể nhìn thấy và cái không thể nhìn thấy. Chúng ta nói với chính chúng ta. Nó là sự cộng sinh. Việc sống trong một thế giới vốn là thế giới này cùng với những thế giới khác của nó, trong một thời gian vốn là thời gian này cùng với những thời gian khác của nó; đó là một nền văn minh” (2, tr.394). Tại Diễn đàn quan trọng này, O. Paz đã không hề e dè khi gọi tiếng Tây Ban Nha là “ngôn ngữ của chúng ta” và gọi nhà văn Cervantes là “nhà văn của chúng ta”. Đặc biệt, O. Paz bồi hồi nhớ lại kỷ niệm liên quan tới việc tiếp nhận bộ Dã sử quốc gia hai tập được viết theo hình thức tiểu thuyết của nhà văn hiện thực xuất sắc Tây Ban Nha Perez Galdos (1843-1920) lúc ông mới 16 tuổi đầu. Đọc xong tập thứ nhất, ông thấy “nó cũng đồng thời là chuyện của tôi và đất nước tôi”. Đọc xong tập thứ hai, ông cảm thấy nhân vật chính của truyện “liền trở thành người anh hùng của tôi, thành khuôn mẫu cho tôi” (2, tr.395).

 

Có thể dễ dàng tìm thấy những suy nghĩ tương đồng ở nhiều nhà văn khác của châu lục. Tuy nhiên, với các nhà văn Mỹ Latinh, tiếng Tây Ban Nha không chỉ toàn những thuận lợi. Có thử thách, hơn nữa, còn có ngáng trở. Một lần, khi được hỏi xem “đâu là cản trở lớn nhất mà một nhà văn Mỹ Latinh thường xuyên phải đối mặt khi viết văn”, G. Marquez đã không ngần ngại xác nhận “những khó khăn ấy đều là thuần chất văn học”, và giải thích: “Đó là khó khăn của phương tiện biểu đạt. Khó khăn thường xuyên của nhà văn Mỹ Latinh là từ, ngôn từ. Sự thật là tiếng Tây Ban Nha đang quên chúng ta hay đúng hơn là chúng ta không biết tiếng Tây Ban Nha – PQT nhấn mạnh. Người ta dễ dàng nói rằng tiếng Tây Ban Nha không phải là thứ ngôn ngữ cho tiểu thuyết. Nhưng tôi nghĩ khác. Tôi cho rằng tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ cho tiểu thuyết. Có điều là chúng ta phải tiếp tục khai thác ngôn từ, công cụ lao động của chúng ta”. Bằng kinh nghiệm của chính mình, nhà văn tiếp tục giãi bày: “Kể từ khi tôi quyết tâm trở thành nhà văn tôi đã gặp phải khó khăn này và tôi quyết làm hết sức mình để khai thác khả năng diễn đạt của tiếng Tây Ban Nha. Tôi nghe nói rằng: ‘Thật là tiếc mình không viết được bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, những ngôn ngữ cho ta rất nhiều khả năng biểu cảm. Tôi nghĩ rằng tiếng Tây Ban Nha cũng giống như mọi ngôn ngữ khác là rất tuyệt vời đối với tiểu thuyết”. Và ông giảng giải cụ thể hơn: “Điều xảy ra là ở chỗ chúng ta chưa thực sự hiểu tiếng Tây Ban Nha. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý khi được nói cũng chính là khi được viết. Ngược lại, ở châu Mỹ Latinh có một thứ tiếng Tây Ban Nha để nói và một thứ tiếng Tây Ban Nha để viết – PQT lưu ý. Vấn đề là ở chỗ… chúng ta chủ trương viết một thứ tiểu thuyết bằng tiếng Tây Ban Nha được nói khi mà trên thực tế người ta lại yêu cầu chúng ta viết tiểu thuyết bằng tiếng Tây Ban Nha được viết. Ngôn ngữ là vấn đề thường xuyên giày vò tôi khi ngồi viết tiểu thuyết...” (Văn nghệ Trẻ - Tết 1996).

 

Nhờ đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ, nhất là thứ ngôn ngữ được nói hàng ngày nơi thôn dã, chốn thị thành, nghĩa là thứ ngôn ngữ sống động tồn tại và nảy nở ở bất cứ đâu mà văn của G. Marquez trở nên dễ hiểu, dễ cảm và đầy sức quyến rũ lòng người. Đó có thể xem là một đóng góp lớn của ông về mặt ngôn ngữ, góp phần làm cho tiếng Tây Ban Nha phát triển hơn. Dẫu vậy, như nhiều người đã biết, ông vẫn thẳng thừng rút khỏi danh sách các nhà văn được đề nghị xét tặng Giải thưởng Cervantes do đích thân nhà vua Tây Ban Nha trao tặng. Theo chuyên gia văn chương Mỹ Latinh hàng đầu Nguyễn Trung Đức thì đó chỉ là sự phản ứng của ông đối với một số biên tập viên nhà xuất bản, và một vài nhà phê bình văn chương người Tây Ban Nha khi họ cứ máy móc theo đúng các quy chuẩn văn phạm của thứ tiếng Tây Ban Nha được viết, soi chiếu vào văn phẩm của ông mà nhận xét và phê bình, thậm chí còn sửa chữa uốn nắn các từ, các cách nói của người Mỹ Latinh theo đúng các chuẩn mực đã được Viện Hàn lâm Ngôn ngữ Tây Ban Nha quy định. Tiêu biểu cho lối biên tập này là trường hợp xuất bản cuốn Giờ xấu ở Madrid năm 1962. G. Marquez đã phản ứng quyết liệt bằng cách không công nhận văn bản tác phẩm trong lần xuất bản này. Mãi đến năm 1966, ở Mexico in đúng nguyên cảo thì mới được tác giả công nhận đó là lần xuất bản đầu tiên của tiểu thuyết Giờ xấu. Các lần tái bản sau đều dựa vào văn bản này để in ấn.

 

Không thỏa mãn với những gì tiếng Tây Ban Nha cổ điển mang lại vốn xuất phát từ những đòi hỏi nội tại của chính nghề nghiệp. Văn hào Pháp L. Aragon từng viết rằng: “Tôi cho tiểu thuyết là một ngôn ngữ, và trong mọi biểu hiện của ngôn ngữ đều có hai thành phần, tỷ lệ hẳn là không định được, cái thực sự là ngôn ngữ… kho báu chung của tập thể, và phần khác là cái cách mà một cá nhân sử dụng nó, lời nói của anh ta”. Từ đó, ông có lý khi chia các nhà văn thành hai hạng, “một hạng là những ông chủ của ngôn ngữ, nói một cách thông tục là những người đi xin lửa”, và “hạng thứ hai là những ông chủ của lời nói cá nhân tự mình đề nghị ngọn lửa riêng của mình” (5, tr.167). Có lẽ đây chính là một trong những động lực thôi thúc nhiều nhà văn Mỹ Latinh nhấn mạnh tới cuộc “cách mạng ngôn ngữ” trong văn chương, nhất là trong tiểu thuyết. Một trong những người được xem là tiêu biểu nhất cho xu hướng này là C. Fuentes. Nhà tiểu thuyết Mexico này luôn đi đầu trong phong trào cách tân văn chương Mỹ Latinh về phương diện ngôn ngữ. Ông cho rằng, đã là người trí thức chân chính của châu lục thì phải luôn mâu thuẫn gay gắt với đế quốc Mỹ và bọn thống trị bản xứ, cho nên họ “chỉ nhìn thấy một viễn cảnh là cách mạng”. Tuy nhiên, với một nhà văn, “cách mạng” đồng nghĩa với  “cách mạng về ngôn ngữ”, nhằm phá hủy ngôn ngữ cũ, sáng tạo ra ngôn ngữ mới. Ý kiến của ông được liên tục đăng tải trên nhiều số của Tạp chí Thế giới mới phát hành tại Paris từ năm 1966 đến 1969. Ngay từ số đầu vào tháng 7/1966, tạp chí này đã cho đăng những ý kiến trong cuộc trao đổi giữa Chủ bút E. Monegal với C. Fuentes chung quanh bản thảo cuốn tiểu thuyết Thay da của ông. Hầu như mọi ý kiến của nhà văn đều nhằm tuyên truyền cho lý thuyết “cách mạng ngôn ngữ” của mình. C. Fuentes nói rõ rằng, trong tiểu thuyết vừa nêu, người viết muốn dùng những “dòng ngôn từ” để tổng hợp thực tế hiện tại của châu Mỹ Latinh. Ví như, theo ông, sự pha trộn những tiếng ngoại lai phản ánh sự xâm nhập của nền văn hóa đại chúng rộng rãi ở châu lục; còn sự kết hợp những từ ngữ của báo chí, điện ảnh, biệt ngữ, cổ ngữ, phương ngôn… nhằm thể hiện sự xen kẽ giữa lịch sử với hiện tại (6, tr.133).

 

Từ đó có thể thấy, trong quan hệ với văn chương Tây Ban Nha, cần nhận rõ điều mà O. Paz từng lớn tiếng khẳng định: “Nhưng một đằng là ngôn ngữ những người Mỹ Latinh nói và một đằng là văn học họ viết. Cái cành cây lớn nhanh quá đến mức nó rất to, to như một thân cây. Trên thực tế nó đã thành một cái cây khác – PQT nhấn mạnh. Một cây khác hẳn với những tán lá xanh đậm hơn và nhựa sống đắng hơn…” (2, tr.137). Tuy nhiên, một phương diện cơ bản khác cũng rất cần được giải quyết là liệu có một nền văn chương thống nhất cho cả một châu lục rộng tới 21 triệu km2, nơi sinh sống của chừng trên 200 triệu người, với ít nhất là 45 nước được hay không? Trong tiểu luận nói trên, O. Paz còn tỏ ý chê trách chủ nghĩa phân liệt vốn tồn tại trong đời sống tinh thần ở một số quốc gia Mỹ Latinh: “Nếu chúng ta mở một cuốn sách lịch sử của Equador hay của Argentina, chúng ta sẽ bắt gặp một chương dành cho nền văn học dân tộc. Vậy là chủ nghĩa quốc gia không những là một sự suy đồi đạo đức mà còn là một thứ mỹ học sai lầm” 2, tr.137). Theo ông, “không có gì phân biệt giữa văn học Argentina với văn học Uruguay; không có gì phân biệt giữa văn học Mexico với văn học Guatemela. Văn học rộng lớn hơn các ranh giới quốc gia”. Bởi vì, với O. Paz, và không chỉ với ông, “địa lý chính trị hiện nay ở Mỹ Latinh là giả tạo. Tính đa quốc gia ở châu Mỹ Latinh là kết quả của những hoàn cảnh và những tai họa xa lạ đối với thực tại sâu sắc của dân tộc chúng ta... Không có các trường phái và những phong cách dân tộc – PQT nhấn mạnh… Tiểu thuyết Argentina hay thơ ca Chile là những tên gọi địa danh” (2, tr.138). Chỉ cần nhớ lại một chi tiết lịch sử sau đây cũng có thể nhận ra sức thuyết phục của điều O. Paz vừa nhắc tới. Vào đầu thế kỷ XVII, đa số các nước Mỹ Latinh đều là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau khi chinh phục xong lục địa, Quốc vương Tây Ban Nha liền chia các khu vực chiếm đóng thành 4 phó vương quốc gồm Tân Tâybannha (Mexico và một phần Trung Mỹ), Tân Grênađa (Columbia, Panama, Venezuela và Equador), Peru (Peru và Chile ngày nay), và La Plata (ngày nay là Argentina, Uruguay, Paraguay và Bolivia). Đất đai thuộc địa của Bồ Đào Nha có Brazil hồi đó chiếm gần một nửa lãnh thổ Nam Mỹ (7, tr.544).

 

Tuy nhiên, cũng theo O. Paz, “thống nhất không phải là đồng nhất”. Ông viết: “Đúng là các vấn đề của Chile không phải là các vấn đề của Columbia, và đúng ra là một người Anhđiêng Bolivia ít có mối liên hệ mật thiết với một người da đen vùng biển Caribe…” (2, tr.138). Riêng Brazil, theo nhận xét của R. Despestre: “Từ miền bắc nóng bức đến miền nam rét lạnh, ta thấy một loạt những hình thái xã hội, những lề lối sinh hoạt dân tộc rất khác nhau” (8). Vậy là cần đồng thời nhấn mạnh tới tính đa dạng trong sự thống nhất nói trên. Nhà văn Columbia G. Marquez lưu ý: “Tôi không nghĩ rằng người ta có thể nói đến một nền văn hóa Mỹ Latinh thật sự đồng nhất – PQT lưu ý. Chẳng hạn, ở Trung Mỹ, ở vùng Caribe, ảnh hưởng rất đậm đà của châu Phi dẫn đến một nền văn hoá khác với các nước có đông dân Anhđiêng như Mexico hoặc Peru. Nhiều nước khác ở Mỹ Latinh cũng vậy. Ở Nam Mỹ, văn hoá Venezuela hay văn hóa Columbia gần gũi vùng Caribe hơn là với những cao nguyên Andes, mặc dù hai nước này đều có dân Anhđiêng. Ở Peru và Equador, có sự dị biệt giữa miền duyên hải với miền núi. Tình trạng ấy là chung cho cả lục địa” (Văn nghệ, số 35, 1999).

 

Đi sâu vào văn chương, chẳng hạn cần lưu tâm tới sự khác biệt giữa phần Mỹ Latinh – Tây Ban Nha với phần Mỹ Latinh – Bồ Đào Nha. Vào thời kỳ chinh phục, trong thế kỷ XVI, ở các nền văn chương tiếng Tây Ban Nha rất phát triển thể trường ca. Hàng loạt trường ca đã ra đời ở phần lục địa này. Mở đầu cũng là bản hay nhất là La Araucana (1555) của một thuyền trưởng trẻ đồng thời là triều thần phục vụ quân đội Tây Ban Nha A. Ercilla, từng tham gia chiến đấu chống lại người thổ dân Chile. Tác phẩm lúc đầu được viết trên những mảnh giấy rời và vỏ cây. Tiếp cận thành tựu về phương diện nghệ thuật với tác phẩm trên có thể kể tới trường ca Miền đất Arauco đã quy phục viết năm 1596 của P. Ona – nhà thơ nổi tiếng người Chile. Ngoài ra còn có một loạt trường ca nghiêng về ý nghĩa tư liệu khác như Những bản anh hùng ca về những người da đỏ tài năng nổi tiếng của J. Castellanos, La Argentina của M. Centerena, Cuộc chinh phục miền đất Mexico mới của G. Villagra... Trong khi đó, ở phần Mỹ Latinh nói tiếng Bồ Đào Nha là Brazil lại hầu như không thấy xuất hiện trường ca. Có thể lý giải bằng việc ở đây người Indian ít, không chống trả lại kẻ chinh phục mà thường rút vào rừng sâu, rời xa bọn xâm lược, rồi định cư rải rác ở những vùng rộng lớn dọc theo đồng bằng hẹp kéo dài. Do vậy, không thể có xung đột mang tính anh hùng ca mà chỉ có điều kiện nảy nở những vần thơ trữ tình biểu hiện tình yêu đối với đất nước Brazil. Hay như vào đầu thế kỷ XX, người ta thường nhắc tới cái gọi là văn chương Khu vực Brazil, bộc lộ rõ qua tiểu thuyết. Đó là Trường phái Đông Bắc, phát triển sau năm 1930, đã sản sinh ra hàng loạt các nhà văn xuôi tài năng như G. Freyre với Chủ và nô lệ - 1933, J. Rego với Pedra xinh đẹp – 1938, G. Ramos với Angustia – 1936, đặc biệt là J. Amado với một loạt tiểu thuyết nổi tiếng như Cacao (1933), Jubiaba (1935), Đất dữ (1942)... Bản sắc riêng như vậy là rõ rệt.

 

Tuy nhiên, không được vì thế mà đi tới xem nhẹ tính thống nhất bao trùm lên văn chương cả lục địa. Ví như chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX. Nhà thơ cách tân Chile V. Huidobro, được coi là một trong những nhà văn Mỹ - Tây Ban Nha nổi tiếng nhất đầu thế kỷ XX, người mở đầu trào lưu Sáng tạo, mong muốn xây dựng một thế giới thi ca tự trị. Trên thực tế thơ ông đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nhà thơ trẻ toàn khu vực. Ông đến Paris vào năm 1916, và nhanh chóng làm quen với P. Reverdy, Tổng biên tập tờ báo có nhiều ảnh hưởng lúc bấy giờ là Bắc Nam. Ở châu Âu ông còn có dịp  quen biết nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như P. Picasso. Họa sĩ tài danh này từng vẽ chân dung của V. Huidobro. Bắt chước nhà thơ Apollinaire do cùng làm việc với ông ở tạp chí, V. Huidobro bắt đầu làm thơ thư pháp, hay ông gọi là “thơ – họa”. Ông bẻ rời chữ Pháp ra rồi xếp lại theo một ý nghĩa nhất định nào đó. Ví như bài Cối xay gió, song song với ý nghĩa cối xay gió của từ là chữ được xếp lại theo hình dạng của chiếc cối xay gió. Vừa tồn tại trong thời gian, vừa tồn tại trong không gian, bài thơ này cùng hàng loạt những bài thơ khác như Tháp Eiffel, Lính thủy, Một ngôi sao lạc đường... thể hiện nỗi bức xúc bởi nhu cầu làm mới thời đại mình, tạo ra cái chưa từng xuất hiện trong văn chương ở châu lục. V. Huidobro từng viết: Hãy để cho thơ thành cái chìa khóa/ Mở được hàng nghìn cánh cửa/ Phát minh ra những thế giới mới/ Cái tính từ, khi không gợi lên sự sống hãy giết đi... Để làm được như thế thì theo ông, nhà thơ phải là một Chúa Trời con. Như bài thơ Altazor: Hay là cuộc du hành nhảy dù (1931). Bản thân nhan đề là sự kết nối hai từ khác nhau là alto (nghĩa là cao) và azor (nghĩa là chim ưng). Khúc hát cuối cùng của bài thơ phô bày sự tan rã của ngôn ngữ, biến thành một dòng chảy vô nghĩa của các âm bị vỡ vụn ra, nhằm thể hiện sự tan rã của chính cái tôi – chủ thể sáng tạo.

 

Một nhà văn Brazil ở phần Mỹ - Bồ Đào Nha cũng theo tinh thần canh tân tiền phong chủ nghĩa là O. Andrade. Ông trở về từ châu Âu vào năm 1912 sau một thời gian cư trú dài lâu ở đây. Khi về nước, ông nhiệt tình cổ xúy cho các phẩm chất của chủ nghĩa vị lai Italia. Ông được coi là “đứa con khủng khiếp” của chủ nghĩa hiện đại Brazil. Tiêu biểu cho sự nổi loạn này là Hồi ức đa cảm của João Miramar (1923) và Seraphim Grosse Pointe (1933). Trong tác phẩm đầu, như có người nhận xét, ông đã thách thức các định nghĩa đã được chấp nhận về tiểu thuyết, biến nó thành một hình thức xáo trộn cú pháp, câu văn, bẻ gãy trình tự cốt truyện thành các chương giống như văn điện báo. Kết quả là tạo ra một văn bản bị dư luận rộng rãi lên án là “rác rưởi dâm ô”, bị xem là một sự tấn công thẳng thừng, công khai vào những thứ vốn được nền văn hóa Brazil coi là thiêng liêng. Tác phẩm sau còn đi xa hơn trong cách thức mang xu hướng ly tâm của nó. Ông áp dụng kiểu văn nhại (parodi), cấu trúc tác phẩm theo phương thức siêu hư cấu, giống như kỹ thuật cắt dán (collage) của hội họa lập thể. Thêm nữa, tác phẩm này còn thể hiện khái niệm bricolage (xây dựng tác phẩm từ bất cứ chất liệu nào có trong tay) của Claude Lévi – Strauss và nghệ thuật carnavan của M. Barkhtin.

 

Như vậy, cần vừa thấy tính đa dạng rộng rãi lại vừa thấy sự đồng nhất sâu sắc của Mỹ Latinh. Đa dạng về hoàn cảnh tự nhiên, kinh tế, xã hội, …; đồng nhất về lịch sử hình thành và phát triển chung, dẫn đến sự đồng nhất về điều kiện kinh tế, xã hội, tiếng nói, và rồi về văn hóa, văn chương… René Despestre, trong chuyến sang thăm Việt Nam và nói chuyện tại Viện Văn học vào ngày 21/12/1960 đã khẳng định: “Trước hết nếu nhìn toàn bộ nền văn học châu Mỹ Latinh thì phải tránh coi châu lục này như một khối đồng nhất – PQT nhấn mạnh, vì đặc điểm ở đây là tính chất đa dạng, tính chất khác biệt của những nước trong khối này” (8, tr.50). Ông nhắc đi nhắc lại rằng: “Không nên quên rằng có tới hai mươi nước cộng hòa!” (8, tr.51). Có điều, ông đồng thời hướng tới thực tế khác: “Một đặc điểm của nền văn học Mỹ Latinh là có những nhân vật bước đầu là nhà thơ lớn nước họ, nhưng rồi sau trở thành nhà thơ chung của tổ quốc của Mỹ Latinh đang hình thành (4, tr.74). Tại sao vậy? Kết thúc bài nói chuyện, ông giải thích: “Ở phần đầu cuộc nói chuyện này tôi đã nói đến tính đa dạng, bây giờ tôi nhấn mạnh vào tính thống nhất. Châu Mỹ Latinh họp thành một khối thống nhất trên địa hạt văn học nghệ thuật... Chúng tôi là những kẻ kế thừa của một nền văn hóa chung. Và lại dù tiếp xúc với Tây Ban Nha, với Bồ Đào Nha hay với châu Phi... nhưng chỉ duy một sự kiện chúng tôi cùng là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, đã làm cho chúng tôi có sự đồng nhất về nhiệm vụ, về tư tưởng, và ngay cả về hình thức biểu hiện” (4, tr.81). Ở đây, ông vừa trình bày vừa lý giải mặt đồng nhất, chủ yếu trên phương diện chính trị - xã hội. Điểm ông chú tâm nhấn mạnh hơn cả trong việc tạo nên sự thống nhất về văn hóa, văn chương châu lục là ảnh hưởng của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra ở Cuba: “Cách mạng Cuba mở ra những viễn tưởng mới cho sự tiến triển của văn học nghệ thuật... Cuộc cách mạng Cuba cho phép đập tan sự o ép của chủ nghĩa đế quốc đối với nền văn hóa... Chính vì vậy mà nhiều nhà văn của châu Mỹ Latinh hiện sống ở Cuba. Và tất cả những người lưu vong cũng đều đến Cuba. Chúng tôi phải xây dựng nên một thành trì văn học ở Cuba, và từ đó rọi chiếu khắp châu Mỹ Latinh, đem lại cho văn học nghệ thuật một công chúng mới. Việc đó chắc sẽ làm cho văn học nghệ thuật toàn châu Mỹ Latinh sai hoa kết quả mạnh mẽ…” (4, tr.81).

 

Nếu nói riêng về sự đồng nhất trong thể tài tiểu thuyết, hai học giả Nga Kuchaytsưkova và L. Oxpovat cho rằng, để hiểu bằng cách nào mà trong tiểu thuyết loại này (đôi khi trong sáng tạo của nhà tiểu thuyết này hay khác) có thể hòa hợp được cảm quan cộng đồng về thế giới và cảm quan cô đơn, tư duy huyền thoại và tính trí tuệ cao, sự tuyệt vọng vô hạn và chủ nghĩa lạc quan lịch sử, trước tiên cần xác định mẫu số chung – PQT nhấn mạnh, trong các sự kiện của sự hình thành đa dạng của nó. Ý thức tư tưởng – nghệ thuật được hình thành ở Mỹ Latinh giữa thế kỷ XX được phản ánh một cách đầy đủ trong tiểu thuyết là mẫu số chung ấy. Nét đặc thù của ý thức đó được giải thích bằng nét riêng biệt hiếm có của số phận lịch sử của lục địa (3, tr.8). Do vậy, cũng có thể nói như O. Paz: “Sự tồn tại của một nền văn học Mỹ Latinh là một trong những thể nghiệm của tính thống nhất lịch sử của các dân tộc chúng ta” (2, tr.138). Một nhận định bao quát, sâu sắc và đúng đắn.

 

Tóm lại, như chuyên gia văn chương Mỹ Latinh R. Despestre nhận xét: “Phải luôn luôn nắm vững cả hai mặt đó: tương đồng và đa dạng” (8, tr.74). Do vậy, có thể nói khái niệm văn chương Mỹ Latinh dùng để chỉ nền văn chương thống nhất của cả châu lục. Vấn đề còn lại chỉ là tìm ra cơ sở tạo ra sự thống nhất ấy chủ yếu nằm ở đâu? Đã tồn tại một số quan niệm sơ lược, thiếu tính khoa học coi trọng đề tài hay tác giả, hoặc vừa tác giả vừa đề tài trong việc xác định bản chất văn chương Mỹ Latinh. Cần thấy ý thức hệ dân tộc mới mang tính quyết định. Nói như  José Marti (1853 - 1895): “Không thể có văn học Mỹ Latinh một khi Mỹ Latinh chưa được định hình” (9). Câu nói của nhà tư tưởng nổi tiếng này có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng, đưa tới nhận thức không thể khác là coi tính dân tộc chính là cơ sở của văn chương Mỹ Latinh. Học giả Hoa Kỳ C. Brotherston xem ra cũng ủng hộ ý kiến này, khi cho rằng đặc điểm tiêu biểu cơ bản của tiểu thuyết Mỹ Latinh là sự phản ánh đặc trưng dân tộc của châu lục (6, tr.102).

 

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Tuyết Khanh thì chủ nhân của Giải Nobel Văn chương năm 2010 mới đây là V. Llosa từng bác bvà khinh thchnghĩa bn địa (indigenismo) vốn là mt đề tài rt nhy cm Peru và toàn châu MLa tinh nói chung. Vi li lnng n, ông đánh đồng chnghĩa bn địa vi chnghĩa dân tc cc đoan thm chí kthchng tc, trong khi ct lõi ca chnghĩa này là nhn thc nhng đặc trưng văn hoá ca các dân tc thdân châu MLa tinh và bo vcác quyn li kinh tế ca nhng người đã chu nhiu bt công trong lch svà vn là thành phn yếu kém nht trong xã hi. Cũng vì smit thnày mà ông không ngng đả kích, vi li lnhiu khi hcp, Tng thng Evo Morales ca Bolivia, được coi như người thdân đầu tiên là nguyên thquc gia. Điều này có nguyên do xác định của nó. Năm 1990, V. Llosa ra ứng cử Tổng thống Peru nhưng thất bại đau đớn. Ông rt cay cú, liền bỏ sang Tây Ban Nha, sát li gn với “mu quc” hơn na. Ông quyết định ly quc tch Tây Ban Nha, rồi được bu vào Vin Hàn lâm năm 1994. Từ đó, V. Llosa luôn tỏ ra sùng bái Tây Ban Nha xem nền văn hóa của đất nước này ưu vit hơn hẳn so vi bất cứ nền văn hoá bn địa nào ở châu MLa tinh. Đi xa hơn na, ông còn tham gia trường phái dân tc chnghĩa cc đoan nht ca Tây Ban Nha, chng đối đến cùng khái nim đa sinh ngtrong mt nước, bài bác tt cnhng tiếng địa phương như vasco, catalán hoc galiciano, và coi castellano, tiếng ca vùng Castilla, cái nôi lch sca Tây Ban Nha, là ngôn ngchun duy nht ca cnước vì theo ông đó là nn văn hoá duy nht có giá trị (14). Trường hợp V. Llosa chỉ nên xem là cá biệt. Và cũng mới xuất hiện sau này, gắn liền với hoàn cảnh rất riêng của ông mà thôi.

 

Vậy là cần xem tính dân tộc là hạt nhân kết nối văn chương của cả lục địa. Mặc dầu vậy, vẫn nên giải quyết thấu đáo vai trò của nhân tố tiếng nói trong việc đảm bảo tính dân tộc của văn chương. Theo ước tính của các nhà ngôn ngữ học thì hiện trên thế giới có khoảng 6.000 ngôn ngữ đang được sử dụng, nhưng trong vòng 100 năm sau, con số đó có thể chỉ còn chưa đến một nửa. Rõ ràng rất cần cảnh báo điều sau: “ngôn ngữ đang hiểm nguy”. Và các nhà ngôn ngữ học liền đặt ra câu hỏi: Phải chăng thế giới đang đánh mất những bằng chứng quý báu nhất về óc sáng tạo của con người?- PQT lưu ý. Vì sao? Hai nhà ngôn ngữ học Dalby và Whorter đã chỉ ra rằng, ngay cả những thứ tiếng “mạnh” (như tiếng Anh với chừng 1,8 tỷ người sử dụng) một khi những sắc thái văn hóa hay tính cách đã mất đi thì chúng cũng chỉ còn là những ký hiệu trống rỗng, vô hồn, không hơn không kém. Ví như, nếu không có thổ dân Indian thì người ta cũng không bao giờ hiểu “bury the hatchet” (nghĩa đen là chôn rìu, nghĩa bóng là giảng hòa) như ngày nay. Hoặc, trong tiếng Yupik ở Alaska từ thế giới bao hàm cả thời tiết, tỉnh thức cảm giác nữa. Tương tự, trong tiếng Anh chỉ nói một cách giản đơn là “Anh ta đang đẵn cây”, nhưng người Tuyuca ở vùng rừng rậm nhiệt đới Amazon (Nam Mỹ) sẽ phải thay các hậu tố trong từ để làm rõ là họ được bảo như vậy, hay họ nhìn thấy, nghe được, đoán chừng như vậy (Theo Văn nghệ dân tộc – Hội Nhà văn, số 12/2002).

 

Tuy vậy, tình hình chưa hẳn đã mất hết hy vọng. Theo ý kiến của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo thì: “Về vấn đề quan hệ giữa dân tộc và văn hóa, chân lý dường như nằm ở một vùng nào đó giữa hai thái cực: một bên là tương đối luận của Whorf, chủ trương rằng ngôn ngữ là một cái lăng kính mà qua đó người bản ngữ tri giác thế giới, và do đó quy định cách tư duy của họ về hiện thực, thành thử có thể nói rằng mỗi ngôn ngữ cầm tù cái dân tộc sử dụng nó trong một thế giới riêng; và một bên là phổ quát luận của Chomsky, chủ trương rằng mấy nghìn thứ tiếng được các cộng đồng ngôn ngữ sử dụng trên thế giới chẳng qua là những dị bản địa phương của một hệ thống ngôn ngữ duy nhất thể hiện qua những nguyên lý phổ quát chi phối cách khái niệm hóa thế giới của chúng ta” ((Tiếng Việt văn Việt người Việt - Nxb Trẻ, 2003, tr.306). Còn nếu đi sát hơn vào thế giới văn chương thì có thể xem ý kiến của R. Despestre ẩn chứa không ít hạt nhân chân lý: “Cố nhiên, yếu tố ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng trong sự cấu tạo nên một nền văn hóa dân tộc, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Cái cơ bản quyết định tính chất của một nền văn hóa dân tộc là những điều kiện kinh tế, điều kiện phát triển xã hội, những điều kiện riêng biệt của từng địa phương” (8, tr.50)... Theo A. Gravina, nhà văn Uruguay thì Ector P. Agôxti đã viết trong cuốn Dân tộc và văn hóa của mình một nhận định quan trọng như sau: “Sản xuất thứ văn học cắm rễ vào thực tại dân tộc, đối với chúng ta có nghĩa là hướng tới sự phổ quát hóa theo con đường duy nhất đúng đắn và có thể có”. Ông còn lưu ý: “Nhưng bên trong nền văn học có thể có (và đang tồn tại) này lại có những tác phẩm mà các tác giả thỏa mãn với những dấu hiệu dân tộc thuần túy bề ngoài, lại có cả những tác phẩm mà người sáng tác có xu hướng muốn đi sâu vào thực chất của vấn đề” (5, tr.302).

 

Vậy “xu hướng muốn đi sâu vào thực chất của vấn đề” ấy ra sao? Trở lại với bài tiểu luận nổi tiếng của O. Paz. Ông đã luận giải rất sâu sắc về điểm này: “Tính chất đặc biệt độc đáo của nó nằm ở ngay cái thực tại chống lại cái thực tại được dựng lên vốn là không tưởng” (2, tr.139). Không tưởng ở chỗ nào? O. Paz viết tiếp: “Chỉ cần nhớ rằng châu Âu là kết quả lịch sử của châu Âu một cách không tự giác trong lúc chúng ta là sự sáng tạo được dự tính trước của họ...  Ở châu Âu, thực tại đẻ ra tên gọi. Trái lại châu Mỹ bắt đầu là một ý tưởng. Thắng lợi của chủ nghĩa duy danh: tên gọi tạo ra thực tại… Đất của sự chọn lựa của tương lai: trước khi là châu Mỹ đã biết rõ mình là như thế nào rồi” (2, tr.139). Nói một cách khác: “Trong hơn ba thế kỷ, từ ‘châu Mỹ’ chỉ rõ một con người vốn không được định danh bằng cái việc anh ta đã làm mà bằng cái việc anh ta sẽ làm – PQT nhấn mạnh” (2, tr.140). Một trong những cái lịch sử Mỹ Latinh sẽ làm ấy là tính lai  trên về mọi phương diện, từ dòng giống đến văn hóa, văn chương.

 

Xin nêu một dẫn dụ: nước Columbia. Ngày nay ở đây có ba nhóm chủng tộc sinh sống là người Indian bản xứ, người gốc Phi và người Tây Ban Nha… Theo thống kê năm 1989, trong tổng số 31 triệu 200.000 người của nước Columbia thì 58% là người lai giữa Indian và  Tây Ban Nha (gọi là mestizo), 20% người da trắng, 14% người da trắng lai da đen, 7% người da đen và người da đen lai da trắng, 1% người Indian bản xứ. Những bộ tộc Indian bản xứ còn sống sót sau 300 năm thống trị của thực dân Tây Ban Nha đã bị xua đuổi tới những vùng xa xôi, khó canh tác. Từ chỗ là chủ nhân ông của vùng đất trù phú rộng lớn, họ trở thành nhóm thiểu số (1% dân số), phải  sống cô độc thành từng nhóm rải rác, cô lập trong những vùng ít người thâm nhập vào được. Bộ lạc thổ dân Quimbaya sống ở sườn phía tây của dãy núi Cordillera Central.  Các bộ lạc khác như  Chibcha (chiếm 1/3  dân  số thời kỳ tiền Columbia), bộ lạc Carib, bộ lạc Yagua, bộ lạc Motilón, bộ lạc Chimila, bộ lạc Sanha sống rải rác ở miền đông đất nước hay ở bán đảo Guajira (Mạng vanchuongviet.org).

 

Cần thấy, xu hướng bảo tồn sắc thái văn hóa bản địa của các dân tộc Mỹ Latinh là rất mạnh. Xin nêu một dẫn dụ. Hoa Kỳ xâm lược vương quốc Mexico vào giữa thế kỷ XIX, lấn chiếm cả một vùng bao la nay bao gồm các tiểu bang Texas, New Mexico, Arizona. Tuy nhiên, cư dân vùng này ngày nay vẫn dùng tiếng Tây ban nha và cố gắng khôi phục truyền thống văn hóa Mexico mang bản sắc lai tạp với các tộc người Anhđiêng. Phong trào phục hưng văn hóa này nảy sinh ra một chuyên ngành gọi là Chicano Studies với một số khái niệm chìa khóa như biên thổ, biên quá để nhấn mạnh về tính chất lưỡng quốc - song ngữ của dân Mỹ gốc Mễ, vừa xung đột nội tâm vừa kích thích óc sáng tạo. Văn hóa Chicano hiện là mũi nhọn trong lý thuyết văn hóa học bên cạnh học thuật da đen Mỹ, gây ảnh hưởng không nhỏ trong các cộng đồng latino ở Hoa Kỳ (Theo Chân Phương – Thơ Hoa Kỳ và tân hình thức).

 

Có thể nói, những đường biên giới phân chia các nước châu Mỹ Latinh không làm mất đi bản sắc chung làm nền tảng cho mọi mặt của đời sống, nhất là đời sống văn hóa, văn chương ở vùng đất này. Đó là sự cùng tồn tại của các nền văn hóa khác nhau ở Mỹ Latinh dẫn đến một sự tổng hợp vừa phong phú vừa độc đáo, làm nên bản sắc lai của châu lục, “tạo nên bản sắc đặc thù, độc đáo của châu Mỹ Latinh so với các nền văn hóa khác trên thế giới” theo ý kiến của G. Marquez. Nhà văn Columbia này nhiều lần nhấn mạnh: “Trong thời gian đi thăm châu Phi, tôi đã nhận thấy nhiều nét giống nhau giữa một số biểu hiện nghệ thuật dân gian của châu Phi và của nhiều nước vùng Caribe… Như tôi đã nói, văn hoá Mỹ Latinh là tổng hợp của nhiều nền văn hóa trộn lẫn với nhau và được lan truyền trên toàn lục địa – PQT nhấn mạnh. Văn hóa phương Tây, ảnh hưởng của châu Phi và một số yếu tố của phương Đông đã bổ sung cho các nền văn hóa bản địa tiền Columbus” (Văn nghệ, số 35, 1999). Còn nhà nghiên cứu đồng thời là nhà thơ người Cuba R. Retamar thì viết: “Dĩ nhiên là những bậc thầy văn chương Tây Ban Nha này là của chúng ta. Nhưng cũng chính từ lý do ấy, văn hóa châu Phi cũng là truyền thống văn hóa của chúng ta. Ngay cả những người Anhđiêng từng bị diệt chủng rồi cũng thuộc về văn hóa của chúng ta” (11, tr.179).

 

Nói khác đi, chiều sâu của vấn đề ý thức dân tộc Mỹ Latinh chính là bản tính lai. Nếu như các dân tộc ở các châu lục khác, khi người Âu đến xâm chiếm thì tình hình diễn ra như sau: các dân tộc bản xứ hoặc gần như bị tiêu diệt (Bắc Mỹ, và Ôxtrâylia) hoặc họ bị nô dịch (châu Á, châu Phi) thì tại châu Mỹ Latinh tình hình có khác. Ở đây, cuộc đấu tranh và sự hiệp sức trong cuộc đấu trang chống bọn xâm lăng đã đưa đến sự xuất hiện của một hiện tượng đặc thù chưa từng có. Nói như A. Carpentier: “Lịch sử của chúng tôi ngay từ khởi đầu đã hoàn toàn khác, bởi mảnh đất châu Mỹ đã thành nơi gặp gỡ ấn tượng nhất của những dân tộc khác nhau từng để lại nhiều dấu ấn trong cuốn biên niên sử của nhân loại: đó là sự gặp gỡ của người Indian, người da đen, người châu Âu... Và đã từ rất lâu họ xóa bỏ ngăn cách, hòa trộn vào nhau. Chúng tôi đã tồn tại một cách độc đáo như vậy sớm hơn nhiều so với ý niệm về tính độc đáo xuất hiện trong đầu chúng tôi” (9, tr.8). Nói khác đi, dân tộc và văn hóa của các tộc người mới, cả hai đã sắp đặt tình trạng đặc biệt của họ trên thế giới. Nhà triết học hiện đại Mexico L. Xea nhấn mạnh: “Chúng tôi được sắp xếp giữa phương Tây và phương Đông, giữa các dân tộc đi xâm lược và các dân tộc bị xâm lược. Trong một chừng mực nào đó, với chúng tôi, nguồn gốc là yếu tố đầu tiên còn hiện trạng là yếu tố thứ hai” (3, tr.9). Cũng cần lưu ý là việc nhận chân ra bản sắc dân tộc như thế là kết quả của một quá trình dài lâu, không loại trừ ngay cả ở những nhà văn lớn tiêu biểu cho cả lục địa như G. Marquez. Ông từng thú nhận: “Kinh nghiệm nhà văn của tôi và các tiếp xúc thường xuyên của tôi với các xã hội và các môi trường chính trị khác nhau đã giúp tôi hiểu thêm một số khía cạnh của văn hóa Mỹ Latinh, nhưng chỉ mấy năm nay, tôi mới ý thức về sự lai phối đó” (Văn nghệ, số 35-1999). Đúng là họ “đã tồn tại một cách độc đáo như vậy sớm hơn nhiều so với ý niệm về tính độc đáo xuất hiện trong đầu” họ như nhận xét trên của nhà văn A. Carpentier.

Cần nhấn mạnh tới tính tương đồng dân tộc đặc trưng này. Trong cuốn sách Sự sáng tạo của châu Mỹ Latinh, nhà văn lão thành người Venezuela Uslar Pietri, sinh năm 1906, một trong những nhà văn hàng đầu của nền tiểu thuyết viết bằng tiếng Tây Ban Nha ở nửa sau thế kỷ XX, đã tập trung phân tích làm nổi bật sự hòa trộn huyết thống, lối sống, văn hóa của ba chủng tộc da trắng, da đỏ và da đen. Theo ông, suốt từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, có hơn một triệu người Tây Ban Nha rời bỏ quê hương bản quán theo bước chân của đại đô đốc C. Columbus đến châu Mỹ để tìm châu báu và vận mệnh mới. Họ mang tới đây tiếng Tây Ban Nha, văn hóa và văn chương nghệ thuật tiên tiến của Tây Ban Nha, trong đó nổi bật là cây đàn ghita cùng các làn điệu dân ca và nghệ thuật đấu bò. Trong khi đó tại đây đã có từ 20 đến 25 triệu người thổ dân Anhđiêng như người Azteca, Maya, Inca… sinh sống. Họ đã tạo nên một nền văn minh rực rỡ với những cung điện, thành trì, kim tự tháp… đặc sắc. Sau đó, có khoảng 9 triệu người da đen Phi châu thuộc nhiều bộ tộc và nhiều ngôn ngữ khác nhau được mang đến châu Mỹ như những người nô lệ làm việc trong các đồn điền và bến cảng. Dĩ nhiên, họ mang theo lối sống, văn hóa dân gian của mình, gồm vũ khúc, ca khúc, các dụng cụ âm nhạc nhất là bộ gõ độc đáo của châu lục đen. Kết quả của lịch sử nói trên đã tạo ra người mulato (lai da trắng và da đen) và người chulo (lai da trắng với da đỏ). Vì lẽ đó, nhà văn Uslar Pietri đã cho rằng, cuộc chinh phục châu Mỹ là một sự sáng tạo ra châu Mỹ lai, một hành động văn hóa lớn có tính tự nguyện. Theo cách suy nghĩ này, ông đã lên án một vị chỉ huy quân đội Tây Ban Nha chinh phục vương quốc Mada (ngày nay là Mexico) đã đi ngược lại truyền thống mang tính quy luật, như sau: “Tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá một nhà chinh phục là người ấy có trân trọng văn hóa bản địa hay không. Khi phá huỷ hoàn toàn các hình ảnh nghi lễ của người Mada, Hernen Cortes đã vi phạm thô bạo nguyên tắc trên” (11).

 

Như vậy, đã dần dà hình thành tính dân tộc lai trên cơ sở kết hợp ý thức hệ của giai cấp thống trị bóc lột da trắng với ý thức hệ của các tầng lớp nô lệ da đen và cả người Indian. Từ đó, nói như văn hào M. Asturias thì: “Quá trình lai tạp đã tiến xa trong nền văn học của chúng tôi…” (Diễn từ Nobel). Đây không phải là sự gò ép đến mức trói buộc, mặc dầu trên thực tế, các nhà văn ở lục địa này hầu như luôn có ý thức biểu hiện nó. G. Marquez thừa nhận rằng: “Khi viết các tiểu thuyết của mình, tôi không thực sự ý thức về sự tồn tại của những khía cạnh đa văn hóa đó, chúng tác động đến tôi một cách tự nhiên – PQT lưu ý. Chỉ sau khi viết xong, tôi mới nhận ra rằng, ngoài ý muốn của mình, những cuốn sách của tôi đều mang những yếu tố lai cứ dần dà len vào quá trình làm việc” (Văn nghệ, số 35/1999). Ý thức dân tộc Mỹ Latinh còn thể hiện cả ở những nhà văn da trắng trưởng thành ở thuộc địa, thường được gọi là người Creole. Một dẫn chứng: Gondaga (1744 – 1810) - nhà thơ, nhà hoạt động xã hội Brazil. Ông sinh ở Bồ Đào Nha, lớn lên ở thành phố Baya (Brazil), nơi cha ông giữ một chức vụ trong tòa án thuộc địa. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật ở Bồ Đào Nha, ông làm việc nhiều năm ở chính quốc. Trở về Brazil năm 1782, ông tham gia phong trào đấu tranh lật đổ ách thống trị Bồ Đào Nha, xây dựng nhà nước cộng hòa Brazil. Rồi ông bị phát giác, bị bắt cùng những người tham gia hội kín (1789), cuối cùng bị kết án tử hình. Sau ông được ân giảm đày đi Môdămbích và mất ở đấy. Theo nhà văn, nhà giáo lão thành Uslar Pietri thì từ lai luôn mang nghĩa xấu và rất khó phát âm. Ông cho rằng, người Tây Ban Nha mang nỗi ám ảnh lớn là phải “thanh lọc máu” theo nghĩa tôn giáo từng kéo dài suốt thời trung cổ nhằm bảo vệ những đạo hữu Kitô không bị lây nhiễm tư tưởng tà giáo đến từ các tôn giáo khác. Nhưng ngược hẳn lại, sau cuộc chinh phục châu Mỹ, hoàn cảnh ở đây đã mở ra một cuộc hòa trộn máu dai dẳng và mạnh mẽ giữa người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với người Indian và người da đen gốc Phi (12).

 

Nghĩa là: lịch sử - xã hội dài lâu mang nhiều nét đặc thù của châu lục đã hình thành nên tính dân tộc, từ đó dần tạo ra sự thống nhất về văn chương, văn hóa Mỹ Latinh. Hoàn toàn tương đồng với ý kiến của một nhà văn Mexico C. Fuentes khi giải đáp câu hỏi cội nguồn sự bùng nổ tiểu thuyết Mỹ Latinh ở đâu?” đã trả lời: “Ở lịch sử xa xưa của châu Mỹ Latinh” (6, tr.230). Còn R. Retamar trước sau gì cũng đều quan niệm: “Chính bản thân hiện thực của châu lục về mặt nhân chủng học, địa lý, xã hội là thước đo duy nhất tạo nên vẻ đặc thù của văn xuôi Mỹ Latinh” (6, tr.102). A. Portuondo thì cho rằng: “Tiểu thuyết Tây Ban Nha – Mỹ bao giờ cũng được nuôi dưỡng chủ yếu bằng thực tại xã hội của chúng ta”. Do vậy, theo ông, cần hiểu “đặc điểm có tính quyết định của tiểu thuyết Tây Ban Nha – Mỹ là khuynh hướng phê phán của nó, là sự quan tâm của nó đối với những vấn đề xã hội” (6, tr.102).

 

Từ đó, không lấy lấy làm lạ nếu các nhà văn luôn nhân danh cả lục địa để phát ngôn. A. Gravina, một nhà văn Uruguay luôn “nghĩ rằng sự chú ý đến các vấn đề chính trị và xã hội ở văn học Argentina và các nền văn học Mỹ Latinh khác là đáp ứng yêu cầu của thời đại chúng ta...” (5, tr.301). Và, “ở Argentina cũng như Uruguay và các nước Mỹ Latinh khác, cấu trúc kinh tế xã hội vốn thù địch với sự phát triển văn hóa” (5, tr.306). Hay nhà văn Uruguay E. Galeano từng tuyên bố một cách chua chát rằng: “Sự phân công lao động trên phạm vi toàn cầu được thực hiện ở chỗ một số nước được chuyên môn hóa trên sự kiếm được, còn một số nước khác thì được chuyên môn hóa trên sự mất mát. Đất nước của chúng tôi – một phần của hành tinh được gọi là Mỹ Latinh đã làm quen với sự chuyên môn hóa trên sự mất mát sớm hơn tất cả, ngay từ khi người châu Âu trong thời Khai sáng đã vượt đại dương và nhét vào họng chúng tôi những cái răng của chính họ” (3, tr.8).

 

Tuy nhiên, đừng từ đó mà đi tới tuyệt đối hóa vai trò của hiện thực đời sống đối với những thành tựu nổi bật của văn chương Mỹ Latinh, bởi vì văn chương bao giờ cũng phát triển theo những quy luật riêng mang nhiều nét đặc thù. Ví như, thật không phải nếu có nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào vai trò đặc biệt của những sự kiện xã hội – lịch sử  xảy ra vào những năm 1960 mà theo sự xác định của một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản quốc tế - R. Arixmenđi, thì ở châu lục này đã nảy sinh ra “tình huống cách mạng điển hình (3, tr.5). Con đường của tiểu thuyết Mỹ Latinh đi vào nhân loại cố nhiên còn xa mới trùng hợp với sự thu hút của toàn thế giới trước những rung chuyển về chính trị - xã hội diễn ra ở lục địa này. “Văn chương hiện đại Mỹ Latinh – nhà thơ, nhà phê bình Cuba R. Retamar viết – là nền văn chương của nên cách mạng mới khởi đầu, cuộc cách mạng này hiện thời mới giành chiến thắng ở một nước, nhưng gốc rễ và viễn cảnh của nó được lan tỏa cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”. Từ đó, ông hoàn toàn có lý khi cảnh báo rằng: không thể giải thích thành tựu của văn chương Mỹ Latinh một cách giản đơn và máy móc chỉ bằng kết quả những thành tựu của cuộc đấu tranh giải phóng. Thực ra ở đây sự tương tác phức tạp hơn nhiều. Cơ sở của văn chương là sự vận động lịch sử ở bề sâu được bộc lộ ở những mức độ khác nhau trong tất cả mọi lĩnh vực của sinh hoạt dân tộc và toàn lục địa. Sự phát triển nhanh chóng của cách mạng trong những năm gần đây không chỉ kéo theo những bước chuyển quyết định trong văn hóa hiện thời của hành tinh, mà còn châm ngòi cho sự bùng nổ thật sự của các tiềm năng nghệ thuật. Tiến trình này tìm được sự biểu hiện rõ rệt nhất trong sự thịnh đạt của tiểu thuyết mà qua đó Mỹ Latinh lần đầu tiên mới ý thức được đầy đủ về mình để qua mình mà ý thức được đầy đủ về tất cả phần còn lại của thế giới (3, tr.5).

 

Về vần đề này, cần đặc biệt lưu ý tới ý kiến có chiều sơ giản của F. Perus. Bà là người Pháp nhập quốc tịch Mexico. Trong tuyển tập luận văn xuất bản ở Cuba, bà đã bày tỏ khuynh hướng nghiên cứu marxism có phần thô thiển của mình. Xuất phát từ luận điểm cho rằng trong lĩnh vực phê bình hiện đại đang diễn ra cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật, bà đã bút chiến với các trào lưu nghiên cứu duy tâm mà theo ý bà tập hợp chung quanh hai quan điểm chính: một là tuyệt đối hóa vai trò của cá tính trong sáng tạo, phạm sai lầm trong việc tách chủ thể ra khỏi khách thể và tách ý thức cá nhân ra khỏi ý thức xã hội; và hai là dựa trên việc tuyệt đối hóa phong cách, hình thức, ngôn ngữ của tác phẩm văn chương. Quan điểm đó chi phối tác giả nhìn nhận vấn đề đặc trưng của tiểu thuyết Mỹ Latinh hiện đại. Cao trào của văn chương mới Mỹ Latinh trước hết được bà giải thích bằng những nhân tố chính trị - xã hội, nhất là cuộc cách mạng Cuba. Bà viết: “Sự nở rộ của văn xuôi Mỹ Latinh và nhất là sự thành công của nó ở châu Âu đã gắn bó mật thiết với cách mạng Cuba, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi cơ bản vai trò của Mỹ Latinh trên vũ đài quốc tế. Nó cũng được tạo ra bởi sự đoàn kết của các lực lượng dân chủ và chống đế quốc vốn càng ngày càng nhận thức rõ ràng số phận của họ trực tiếp gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước đang phát triển”. F. Perus tích cực bảo vệ “chủ nghĩa hiện thực xã hội” (tức “chủ nghĩa hiện thực phê phán”) chống lại những lời buộc tội nó là “cổ hủ”, “lỗi thời” và “ngây thơ”. Bà cho rằng nó không những không chết mà còn xác định nội dung cơ bản cho tiểu thuyết mới Mỹ Latinh. Quan điểm như vậy hẳn nhiên quyết định tới cách tiếp cận của bà với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Bà không phủ nhận nó, nhưng chỉ xem chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là sự lý giải những quá trình xã hội - lịch sử của hiện thực dưới hình thức huyền thoại, bởi vậy nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là cần phải thâm nhập vào nội dung lịch sử cụ thể qua lớp vỏ huyền thoại của nó. Bà viết: “Quá trình lịch sử văn hóa và sự lạc hậu về mắt kinh tế - xã hội, bất kể chúng có được huyền thoại hóa hay không, vẫn là cái trục nội dung của tất cả các quan niệm về cái ‘hiện thực kỳ diệu của châu Mỹ’ được thể hiện trong các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng”. Cũng theo F. Perus, các xã hội của châu Mỹ Latinh hiện đang ở trong trạng thái quá độ “từ giai đoạn thống trị ban đầu của chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn cao hơn của chủ nghĩa tư bản phát triển”. Sự gia tăng những mâu thuẫn vốn là đặc điểm của giai đoạn quá độ đó, theo bà, sẽ cho phép các nhà nghiên cứu giải thích sự xuất hiện và sự củng cố địa vị của “chủ nghĩa hiện thực phê phán” (6, từ tr.121 đến tr.124).

 

Vậy là, cần nhấn mạnh tới tính thống nhất trên cơ sở ý thức dân tộc lai của văn chương Mỹ Latinh. Chính nhờ sự thống nhất này mà các nhà văn được Giải Nobel đều được xem là những minh chứng hùng hồn cho thành công chung của cả châu lục. Lời tuyên dương của đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển coi G. Mistral, người sở hữu Giải Nobel văn chương 1945 là “nữ hoàng tâm linh của châu Mỹ Latinh”. Để đáp lại, trong Diễn từ Nobel, nữ thi sỹ nói: “Nhờ hồng phúc may mắn mà lúc này tôi được đại diện cho tiếng nói trực tiếp của các nhà thơ Chile và tiếng nói gián tiếp của thứ ngôn ngữ cao quý Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha” (13, tr.246 & 247). Còn Lời tuyên dương chủ nhân Giải Nobel văn chương 1971 – P. Neruda do Viện sỹ Viện hàn lâm Thụy Điển K. Gierow đọc lại nhấn mạnh: Trong tác phẩm của ông, lục địa đã thức tỉnh...” (13, tr.489). Rồi: “Với nguồn sinh lực tràn đầy của một lục địa đã được thức tỉnh, giống như một trong những con sông của nó, sẽ cố hết sức lực của mình và sẽ huy hoàng tiến đến cửa sông rồi đổ vào biển cả” (13, tr.490). Kết thúc Lời tuyên dương cũng vẫn một cảm hứng tương tự: “Có một lần chúng tôi nhận ra nơi khu mỏ lộ thiên, công nhân đã khắc tạc một hình nhân, trên đó viết ‘Hoan nghênh ông Neruda’. Đó chính là một sự trân trọng xứng đáng với người phát ngôn cho những con người bị áp bức. Và nhân vật này mang tầm thế giới, chứ không phải chỉ riêng ở đây, trên thành phố với những tháp chuông phong rêu cổ kính. Cho phép tôi được lặp lại lần nữa với sự kính trọng “Hoan nghênh ông Neruda”...” (13, tr.490). Thật không có lời ngợi ca nào lại nồng nhiệt mà xác đáng hơn thế!

 

Cuối cùng có lẽ cần chỉ ra sự khác biệt nhất định giữa văn chương Mỹ Latinh với văn chương Bắc Mỹ. Trong bài tiểu luận Có một nền văn học Mỹ Latinh? nổi tiếng của mình, O. Paz cũng đã lưu ý nhắc nhở: “Kể từ sự ra đời của mình, châu Mỹ Săcxông là một không tưởng đang vận hành, châu Mỹ Tây Ban Nha và châu Mỹ Bồ Đào Nha là những công trình vĩnh cửu… Và tại đây chấm dứt sự giống nhau giữa chúng ta với người Săcxông… Cái gọi là chủ nghĩa hiện thực Mỹ - Anh là chủ nghĩa thực dụng…” (2, tr.140). Nhà  văn Argentina G. Martinez, sinh năm 1962, tác giả của nhiều tiểu thuyết có tiếng vang như Vụ án Oxford, Sách vụ án…, từng được các nhà phê bình Tây Ban Nha bình chọn là một trong 10 tác phẩm tiêu biểu của năm 2008, trước câu hỏi “sự khác nhau giữa hai trường phái văn chương ly kỳ Argentina và Mỹ?...”, đã trả lời: “Tôi muốn nói rằng, các nhà văn Mỹ cẩn trọng hơn trong khám phá hiện thực, và họ khá thoải mái trong giới hạn thể loại. Họ luôn có khuynh hướng nghiên cứu kỹ các tình tiết, và họ luôn chính xác khi miêu tả với những kỹ thuật phá án và biệt ngữ chuyên ngành. Còn các nhà văn Argentina lại hay gạt bỏ sự ảnh hưởng của hiện thực để tìm đến những phiên bản ướt lệ. Kết quả là: hư cấu mãnh liệt hơn, lung linh hơn, kể cả khi không thể có tư liệu đầy đủ. Cũng còn chuyện này: các nhà văn Argentina cảm thấy chưa thỏa mãn nếu chưa phá vỡ được hình thức thể loại trong sáng tạo. Hình như họ mơ mộng, nên cũng mông lung hơn” (Văn nghệ, số 16/2009). Đây là ý kiến của một nhà văn thuộc một nước, lại chỉ giới hạn trong một thể loại, nhưng từ đó cũng có thể suy ra sự khác biệt dễ thấy về văn chương giữa hai bộ phận chính làm nên Tân lục địa có tên là châu Mỹ./.

 

Đà Lạt, 14,9/2010

 

TÀI LIỆU CHÚ THÍCH

1. Mạng VietNamNet.

2. Paz. O – Thơ văn và tiểu luận, Nxb Đà Nẵng, 1998.

3. Kuchaytsưkova V. & Oxpovat  L. – Tiểu thuyết mới Mỹ Latinh – những năm 1950 – 1970, Nxb. Nhà văn xôviêt, (Tiếng Nga),  M., 1983.

4. Despestre  R. – Văn học châu Mỹ Latinh, Nghiên cứu Văn học, số 10/1961.

5. Nhiều tác giả - Số phận của tiểu thuyết, Nxb. Tác phẩm mới, H., 1983.

6. Nhiều tác giả - Văn học Mỹ Latin,  Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số chuyên đề năm 1999.

7. Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại (Tái bản lần thứ 8), Nxb Giáo dục, H., 2004.

8. Despestre  R. – Văn học châu Mỹ Latinh, Nghiên cứu Văn học, số 9/1961.

9. Đoàn Đình Ca – Sơ lược sự hình thành và phát triển của nền văn học châu Mỹ Latinh, Tạp chí Văn học, số 4/1967.

10.   Nhiều tác giả - Mười nhà thơ lớn của thế kỷ, Nxb Văn học, H., 1973.

11.   Nguyễn Trung Đức – Sự sáng tạo của châu Mỹ Latinh, Theo El Pais (Internacional), số 173.

12.   Neruda  P. Thơ Pablô Néruda (Đào Xuân Quý dịch)Nxb. Văn học, H., 1961.

13.   Tủ sách Nobel – Các nhà thơ Giải Nobel ­– Nxb Lao động, và Trung tâm Văn học Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H., 2007.

14.   Đỗ Tuyết Khanh - Mario Vargas Llosa, tông đồ của cá nhân và chủ nghĩa tự do - Web Viet-studies.info

Phạm Quang Trung
Số lần đọc: 3764
Ngày đăng: 21.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con Đường Đi Tới Nhân Loại Của Văn Chương Mỹ Latinh - Phạm Quang Trung
Văn học miền Nam - Thụy Khuê
Thi Ca Và Sáng Tác. 4 - Khổng Ðức
Thi Pháp Học – Lịch Sử Và Vấn Đề - Đỗ Ngọc Thạch
Báo chí và phê bình văn học - Huỳnh Như Phương
Thi Ca Và Sáng Tác. 3 - Khổng Ðức
Văn Xuôi Mới Mỹ Latinh. 1 - Phạm Quang Trung
Văn Xuôi Mới Mỹ Latinh. 2 - Phạm Quang Trung
Các Thời Kỳ Văn Học Miền Nam 1963-1975 - Trần Văn Nam
Thi Ca Và Sáng Tác. 2 - Khổng Ðức