Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.145
123.226.945
 
Bài chòi ngày xuân Xưa và Nay - đi tìm lời giải mã
Phạm Phù sa

Bài Chòi, một thú chơi tao nhã, một loại hình văn hóa-văn nghệ dân gian độc đáo, có ca, có diễn (diễn xướng), là đặc sản tinh thần độc đáo của nhân dân các tỉnh miền trung trung bộ từ hàng trăm năm trước. Thời xưa, Bài Chòi chỉ được tổ chức vào những dịp xuân. Nhiều người nói rằng Bài Chòi thỉnh thoảng cũng có tổ chức vào những dịp lễ hội khác của làng ngoài những ngày Tết cổ truyền. Nhưng tôi cho rằng  Bài Chòi không thể tổ chức ngoài dịp vui xuân. Nếu có thì cũng rất hiếm, vào những trường hợp " thật sự đặc biệt " nào đó thôi, vì từ khi tôi đủ khôn để biết những việc xảy ra ở làng, tôi chưa bao giờ thấy tổ chức các hội Bài chòi như vậy bao giờ. Lý do theo nhận định chủ quan của tôi là vì tính đặc thù của mỗi Lễ -Hội. Bài Chòi như được sinh ra là để chơi Xuân do nhu cầu của thực tiễn cuộc sống người dân, ví như  hoa Mai, hoa Đào được sinh ra là để cho Tết mới nở vậy! Ký ức tôi vẫn in đậm bao nhiêu chuyện thuở thiếu thời. Tôi biết nhiều về việc ở làng là nhờ ở ba tôi

 

Ba tôi là một trong những vị cao niên trưởng thượng chuyên chăm lo việc xóm, việc làng. Bất cứ ở đâu có "bu lu trống chầu" ( tiếng chiêng trống cúng tế ) là ở đó phải có mặt ông. Ông là một thành viên trong "ban" ( ban nghi lễ của địa phương ). Khi có việc làng là ông ở liền tại hội tế mấy ngày đêm, ngủ lại, trực luôn tại các miếu đình đến khi mãn cuộc mới về.Từ khi mới lên 5, lên 7, do là con trai lớn, sau này còn phải thay mặt cha mẹ lo chuyện tộc họ, ông bà, chuyện phải không với bà con chòm xóm, chung lo việc xóm, việc làng nên bất cứ ngày trịnh trọng gì ba tôi  cũng  kèm tôi đi theo ông cho bằng được để biết các việc tế lễ, hội hè lớn trong năm. ( Dĩ nhiên là ông không bắt tôi phải theo suốt hội như ông vì còn phải lo chuyện học.)

 

Tế Xuân, Nguyên Tiêu thì người ta cúng Long Chu để tống tà, cầu an; Ngày hội Nguyên Tiêu thì cúng xô cộ, thí thực, đi chùa cầu kinh ...đầu năm nếu có tổ chức văn nghệ thì đặc biệt là Hát Bội. Các bậc tiền bối cho rằng đầu năm xem hát tuồng sẽ đem lại sự  mạnh khỏe, phấn chấn, may mắn, suôn sẻ , cho nên các đội tuồng  thường chọn những tuồng "chiến" có lớp cung kiếm đánh nhau, trống giục quân reo...không ai hát Bài Chòi trong dịp này.

 

Cúng Thần Nông, mừng lúa mới thì hát Hò khoan là hợp nhất, Cầu Ngư thì chủ yếu là Bả Trạo, cũng có hát Hò khoan. Vu Lan, Tế Thu và các lễ hội khác đều nặng về nghi thức tri ân Ông bà tổ tiên, báo hiếu...chẳng thể tổ chức vui chơi Bài Chòi. Cho nên đó là lý do chính yếu để Bài Chòi gắn liền với Ngày Tết dân tộc, Bài Chòi chỉ tổ chức vào dịp Tết nên mỗi độ Xuân về, người ta háo hức đợi chờ như ngóng đợi người yêu sau một năm dài xa cách mới lại gặp nhau, và do đó cũng say mê  hết mình với "cô Chín lều tranh" ( chín chòi lá ) kẻo ngày xuân qua đi lại phải mười hai tháng sau mới gặp lại. Mặt khác, do thời ấy không có nhiều hoạt động vui chơi văn nghệ giải trí nên không lạ gì khi Bài Chòi được xem như là "đặc sản", "hơi bị đắt show" trong những ngày xuân.

 

Dù theo quê vợ về sống ở Hội an, nhưng cứ vào dịp xuân về là Ba tôi thường dắt tôi về quê nội ( Điện bàn ) trước đó vài ngày để cùng bác tôi lo chuyện ông bà, gói bánh Tét, làm bánh Tổ và tham gia làm chòi chơi Bài Chòi với làng xóm, rồi khi trở về thì lại có thêm những món  "quà" quê thứ thiệt về thành phố.  Và, trong 7 ngày xuân thể nào cũng tranh thủ về để chơi dăm bảy hội Bài Chòi. Dường như ông không thể nguôi nỗi nhớ hương vị Tết quê

 

Bài Chòi ngày xưa cũng có ăn- thua, có chung thưởng bằng tiền như các trò chơi cờ bạc khác, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính làm cho Bài Chòi có sức thu hút mạnh, làm cho người ta đam mê vì sự ăn - thua, bởi yếu tố cờ bạc ở đây không lớn, mức thưởng trúng giải cũng khiêm tốn, làm sao sánh được với "Bầu- Cua", "Tài- Xỉu", "Xăm hường"....  Yếu tố bao trùm  là ở cái tài của ông Hiệu và nội dung các con bài qua những câu Thai Chòi, giọng điệu lời hô mê hoặc lòng người.

 

Muốn vậy Ông Hiệu phải là người có năng lực, có năng khiếu, thông minh, giỏi ứng biến, năng nổ, có kiến thức phổ thông tương đối rộng (dù học không cao) để có thể làm cho các hội Bài Chòi luôn sôi động, hấp dẫn, bất ngờ, làm cho người chơi luôn bị hút về phía ông ta, chăm chú lắng nghe, theo dõi một cách thích thú, tập trung cao độ.

 

Phải tập trung là vì ngày đó Hiệu Bài Chòi chỉ hô thai bằng miệng, không có các phương tiện kỹ thuật âm thanh hỗ trợ mà lại ở chốn đông người nên không ai bảo ai , tất cả đều im lặng lắng nghe. Cũng vì để người chơi được nghe cho rõ nên người ta bố trí các chòi con theo vòng tròn đồng tâm, chòi Cái (chòi trung tâm ) ở chính giữa, gần với các chòi con ). Họ phải lắng nghe cho rõ con bài gì sẽ xuất hiện, có đúng với con bài trên tay mình không. Mặt khác, lời hô hát, phong cách diễn của ông Hiệu là cả một nghệ thuật khiến họ không thể rời mắt. Chăm chú dõi theo để rồi được hồn nhiên cười vui như đứa trẻ, thích thú vỗ đùi đen đét, gật gù tán thưởng hay đắm chìm, đầy tâm sự  trong cốt chuyện bi ai lấy tích từ các vở tuồng thơ như "Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn..." Chỉ một mình ông ta hóa thân vào các nhân vật, buộc người chơi phải thích thú dõi theo, hồi hộp, phỏng đoán để rồi òa vỡ , phấn khích, hạnh phúc dâng tràn  khi tên con bài được xướng lên. Hiệu Bài Chòi đã dẫn dắt họ đi qua nhiều cung bậc cảm xúc của từng con bài. Cái tài, cái giỏi của Hiệu là ở đó.( Chính yếu tố này là động lực, nguyên nhân chính để thôi thúc Bài Chòi sau này phát triển lên thành bộ môn ca kịch sân khấu )

Cái tài của Hiệu đã đành. Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là "Thai Chòi", thiếu nó sẽ không thể có Bài Chòi.

 

Những câu Thai Chòi xứ Quảng và miền Trung trung bộ rất phong phú .Tiếc rằng qua một thời gian khá dài đất nước đắm chìm trong chiến tranh khắc nghiệt, hầu hết các Hội Bài Chòi tại nhiều nơi đã không thể tồn tại, mai một đi. Phần lớn các nghệ nhân giỏi đã không còn, những câu thai chòi đầy sức quyến rũ một thời cũng thất thoát, không được lưu truyền đầy đủ .

 

Để đủ năng lực nhận trách nhiệm làm Hiệu Bài Chòi thì người Hiệu phải có vốn liếng hàng trăm lời thai chòi thuộc lòng hoặc ngẫu hứng tự ứng tác thêm ra để luôn luôn "làm mới" mình, tránh nhàm chán. Trong 30 con bài, mỗi con bài như thế, người Hiệu phải chuẩn bị nhiều phương án hô khác nhau.

 

Chúng ta hãy cùng theo chân các anh chị Hiệu thời nay đến một hội Bài Chòi ở Hội An-Quảng Nam, nơi làm phục sinh loại hình này để tìm hiểu về cái tài của người Hiệu và những câu thai chòi . Đây rồi, hãy lắng nghe tiếng trống nhạc vang lừng và nghe các anh chị Hiệu mở lời khai hội :

Nam (Anh Hiệu) :

 

Năm mới đến, năm cũ sắp qua

Chúc một năm đất nước chan hòa niềm vui

Quê hương khởi sắc rạng ngời

Vườn xuân hạnh phúc nơi nơi reo mừng

Con Rồng Việt Nam sẽ chắp cánh bay lên

Nơi nơi an lạc, thanh bình hoan ca

 

Nữ (Chị Hiệu) :

Trước thềm xuân mới đầu năm

Tôi xin kính chúc quý ông, quý bà

Từ Thanh niên, phụ nữ, cho chí người già

Cả những người khách quý phương xa mới về

Gia đình yên ấm đề huề

An khương cường thịnh, vẹn bề trước sau

An cư lạc nghiệp dài lâu

Phước như Đông Hải, thọ cầu Nam san

Niềm vui hạnh phúc dâng tràn

Công danh vinh hiển vẻ vang đời đời

Sau đây xin khai hội Bài Chòi

trống rung, cờ phất,Hiệu tôi xin mời !

 

Đầu năm, đi đâu, gặp ai cũng dành cho nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất là chuyện tất nhiên. Nhưng đến hội Bài Chòi vừa được mua vui, thử vận đầu năm, vừa được xem, được nghe chúc bằng những lời "có cánh", có giai điệu, trống, nhạc tưng bừng ai cũng hân hoan trong dạ. Họ phấn chấn chờ đợi những điều bất ngờ ngộ nghĩnh mà ý vị tiếp theo.

 

Giẹp lép như đầu cá chai

Ăn tham với vợ là trai Kim bồng (*)

Nhọn hoắc như đầu cá nhồng

Ăn tham với chồng là ...là gái Cẩm Phô (**)

Đó là họ đồn càng,  tôi chẳng thấy mô

Chớ ông chồng tôi ổng xơi hết mít,

 để lại toàn xơ, toàn xơ  với cùi !.

Con Xơ (Rế )

 

Đó là những lời hô chỉ một người Hiệu như hầu hết các nghệ nhân ngày xưa đã thể hiện. Sau này, để chia sẻ bớt mệt nhọc và cũng để có bạn diễn, tung hứng với nhau cho hấp dẫn hơn, Hiệu thường được bố trí một cặp Nam Nữ như đôi song ca kiêm "em xi":

Nữ :   Làm trai cho đáng nên trai

Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan

Còn ông thì mất nết, ông hư thân

Sáng ông say chiều ông xỉn, ông nợ nần tứ tung

 

Nam: Còn bà có khác gì tôi

Bà ngồi lê đôi mách ăn rồi bà chạy rông

Người ta thì tứ đức tam tòng

Còn bà thì miệng nhọn chửi chồng như bắp rang

Con Dọn (Nhọn)

 

Nữ:   Một -anh để em ra, hai -anh để em ra

Em bồng con về nhà , em đi buôn đi bán

Em trả nợ bánh tráng, em trả nợ bánh xèo

Còn dư em trả nợ thịt heo

Em không cam chịu cái cảnh nghèo anh cho

Thôi, chào chồng- em đi zề đây .

Nam: Quớ trời trời, bộ ...bộ "núa" rứa là ...zề thiệt hả trời? Khoan, khoan, chờ anh xí đã, anh núa ni cho nghe nề

 -Em ơi đừng bỏ anh về

Tình chồng nghĩa vợ một lời thề sắt son

 

Nữ:   -Hứ, thề, thề là cá trê rúc ống !

 

Nam: -Không anh thề thiệt, không phải thề không mà còn hứa chính xác nữa đó

 

Nữ:   - Ời, núa rứa nghe được .Hứa làm răng?

 

Nam: Chừ đây anh hứa trước bà con

Anh sẽ chí thú làm ăn, làm ăn cho hết nghèo

Ớ bạn mình ơi là cái con nhì nghèo

(Con Nhì Nghèo) 

 

Anh Hiệu đôi lúc cũng "sáng tạo" thêm những bất ngờ khi cũng một câu thai này nhưng nhiều người có thể bị ngẩn ngơ, mừng hụt khi cầm trên tay quân cờ có con NGHÈO, cứ đinh ninh lời hô đó là con Nhì nghèo thì bỗng nghe :

 

Chừ đây anh hứa trước bà con

Anh sẽ chí thú làm ăn, làm ăn kiếm nhiều tiền

Ớ bạn mình ơi là cái con TÁM TIỀN                                           

( Theo qui ước, Con SÁU TIỀN còn gọi là tiền ít-hoặc ít tiền ; con TÁM TIỀN là tiền nhiều -nhiều tiền ) 

 

Những lời hô  vừa dí dỏm vừa giàu nội dung giáo dục mà không thiếu chất liệu văn học. Sau này, để thích ứng với các chủ đề phục vụ, các nhà biên soạn hoặc chính các nghệ nhân (anh chị Hiệu) đã làm giàu thêm kho tàng Thai Chòi với nhiều nội dung mới, các nghệ nhân còn phát triển lên một bước nữa đó là diễn kịch thật sự, không phải chỉ 2 người, 2 nhân vật tung hứng với nhau nữa, mà là 3, 4 người.

 

Nữ 1 :  - Tám tiền nó ra rồi/ bà con lắng nghe/ mà tôi hôi đây hô tiếp/  hô tiếp con bài ...      

 

Tất cả : - Con gì nó ra đây ?

 

Nữ 1 : - Con Mèo, con chó có lông

Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai

Tôi đố Anh Ba cùng với cô Hai

Có một giống Mèo

Cũng đủ 2 cái tay , 2 con mắt , hai lỗ tai

Nhưng mà nó chỉ có 2 cái giò

Ai biết thì nói thử coi

Bà con mô đoán trúng thì (con Bài)2  tôi trao

 

Nam :- Mèo chi lạ rứa hè Bà con? Ai biết không? mèo ni tôi chưa thấy, chắc    Mèo Tân Mẹo phải chơi?

 

Nữ 2: - Dễ ợt, tui biết, nghe đây nề.

Có một loại mèo mướp tai mắt mũi đủ đầy

Nhưng mà đặc biệt Mèo này có 2 chưn thôi

Mèo ni rất chuộng ông dượng tôi

Đó là Mèo Bạch TUYẾT, đứng ngồi,  đứng ngồi chẳng yên

 

Nam :- À, chừ tôi mới hiểu, đó là con Bạch Tuyết , Bạch Tuyết ra rồi.

 

Tất cả : - Bạch Tuyết ra rồi !

 

Đó là trường hợp 3 diễn viên mỗi người diễn một nhân vật rạch ròi, dưới đây các nghệ nhân đã tài tình nhập thoát vai, phân thân theo trường phái kịch hiện đại sân khâú ước lệ đáng nể : một người diễn 2 vai qua một trích đoạn ngắn "Thoại Khanh -Châu Tuấn ". Không phải chỉ vài làn điệu đơn giản mà ở đây có sử dụng thêm các làn điệu, giàu nhạc tính, kịch tính

 

Nữ : ( Vai Thoại Khanh )

( Hát Vọng Kim Lang )

Châu lang ơi, thiếp mãi đi tìm chàng

Nơi chân trời góc bể lang thang

Ước mong sao gặp chàng

cho thoả lòng mong ước bấy lâu (nhạc)

Nào ngờ sự tình phủ phàng cay đắng

Biết ai giờ đã có công nương

Hỡi ai đã quên ai rồi lời thề nhớ chăng người ơi

Nay ai đã quên ai rồi mà lời thề vẫn như còn đây! ( nhạc )

 

Nam:( Vai Châu Tuấn )

Thoại Khanh em hỡi có hay, anh đâu phải người bạc vong

Mà do triều đình bất công, khiến anh lưu đày Tề bang

 

Nữ :( Từ vai TK, chuyển vị trí, đổi giọng, chuyển sang vai Mẹ.)

( Hát Xuân nữ ) :

 - Thôi đừng nói nữa,

Giờ ông tân trạng là quan 

Mẹ con tôi là kẻ lang thang bần cùng

Giờ đây xin phép dời chân

Tha phương câu thực dấn thân bụi trần  

- Đi, Thoại Khanh! Đi con, hãy quên đi đồ bạc nghĩa, bội tình! ( bỏ đi )

 

Nam : ( quỳ xuống trước mặt Mẹ )

Mẹ, mẹ ơi xin hãy dừng chân

Con xin quỳ gối tỏ phân cho mẹ tường

( Con GỐI -Chín Gối )

 

Bài chòi thu hút người xem bằng những trò diễn và lời hô hát như thế đó. Ngoài ra nó còn có một lý do khác, đó là nhờ những lời thai hô có nội dung vui nhộn, thậm chí hoang nghịch để họ được cười vui cho thỏa, hả hê những ngày xuân. Những câu thai đó thường tập trung ở các con bài mang biểu tượng như Linga và Yoni của người Chăm, hoặc những con bài gợi nhớ, liên tưởng đến chuyện trai gái, yêu đương...

 

Nữ: Em lấy chồng từ thuở 15

Chồng chê em bé không nằm với em

 

Nam: Đến nay em 18, đôi mươi

Em có nằm dưới đất chồng cũng lôi lên giường

 

Nam: Lên giường anh nói anh thương

Một anh thương, hai anh thương, ba anh thương, bốn anh thương

 

Nữ: Anh thương chi hung rứa 4 cẳng giường hắn rung rinh

(Ới bạn mình ơi)2 là cái anh Tứ cẳng, Tứ cẳng đó là ông Hương, là ông Hương ra rồi. là ông Hương ra rồi

( Con HƯƠNG- Tứ cẳng)

Ta cũng thường nghe những câu thai bài chòi cổ sau :

 

Nam: Con cu nó ăn đậu, ăn mè,

Ăn chi của chị mà chị đè con cu ?

 

Nữ: Nuôi cu thì anh phải nhốt cu

Tại răng anh để nó mổ tù lu cái đám mè?

 

Nữ: Nếu tôi mà không bắt, không đè

Thì còn đâu đám đậu, đám mè của tôi.

 

Nam: Chị đừng gán tội cho cu tôi

Nó mà gãy cánh, chị đền tôi sáu tiền

( Con SÁU TIỀN - Tiền ít )

 

Nữ :-Hoa phi đào, phi Cúc- Sắc phi lục, phi hồng

Trơ như đá, vững như đồng

Ai xô không ngã, ngọn gió lồng không xao

Mỉa mai Cụm Liễu Động Đào

Ong qua ưng đậu, Bướm vào muốn bu

Bốn mùa Đông ,Hạ, Xuân, Thu

Khi búp, khi nở, khi xù khi tươi

Chúa xuân ngó thấy mỉm cười

Săc hay vương vấn mấy người tài danh

Đố là là chi anh nói cho nhanh

Nó làm cho điêu đứng mấy anh dê xồm

 

Nam : -Ớ em ơi, đố chi mà đố dễ òm òm

Anh hùng khó qua được Cửa ải Mỹ nhân

Có Dương thì phải có Âm

Đó là quy luật tự nhiên đó mà

Từ dân cho tới nhà Vua

Nó làm cho bịn rịn, có chừa ai đâu ?

Là nàng Bạch Tuyết đẹp đẽ biết bao

Ai có con Bạch Tuyết mau mau lên nhận quà !

( Con Tuyết -Bạch Huê)

 

Theo những tài liệu sưu tầm được của các nhà folklore miền trung trung bộ  như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhạc sỹ Trương Đình Quang , NS Trần Hồng,  Đặng Phú Hà và các nghệ nhân, các chuyên viên, các nhà hoạt động văn hóa còn lưu giữ lại, đã in thành sách thì những con bài nói trên là "đất dụng võ", để các nghệ nhân “múa quyền”. Họ xem chuyện ấy rất bình thường, thậm chí còn là điều thú vị cho cả người kể lẫn người nghe như kể một câu chuyện tiếu lâm. Tất cả đều có lý do, một sự sắp đặt cố ý, nếu không, ông bà ta định danh nó trong bộ bài để làm gì? Xin nêu một lời hô nguyên bản xưa:

 

Tiếc công mẹ đẻ, cha nuôi

Có con không giữ , để họ lùi thâu đêm

Đàn ông lại có cái nêm

Đàn bà sanh nhụy, lại thêm mẻ đàn

Đàn bà sáng rực ao sen

Đàn ông giữ của , nọc chèn hai bên

( Con Đượng-Nọc thược )

 

Bài Chòi ngày xuân và Bài Chòi Hội An xưa nay nhiều tác giả đã đề cập, nghiên cứu và khai thác, nhưng vấn đề sẽ chẳng bao giờ cũ khi chính bản thân trò chơi này cũng luôn vận động và phát triển, sáng tạo không ngừng, vẫn luôn kỳ bí như những nét họa trên mỗi con bài. Đã thành quy luật, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, một khi Bài Chòi đã có một chỗ đứng bền chặt trong văn nghệ dân gian, một khi xã hội còn có người yêu thích, say mê  Bài Chòi thì sẽ còn nhiều những câu Thai Chòi mới ra đời.Và, sẽ còn nhiều hơn nữa những anh chị Hiệu, những Lương Đáng, Ngọc Huệ, Thu Hương, Văn Quý, Ngọc Hoa, Phương Thủy, Đinh nhanh, Thu Ly...tương lai .

 

Nếu cha ông ta ngày xưa mỗi năm chỉ có một mùa xuân với vỏn vẹn 7 ngày ( 1 tuần ) để được thưởng thức trò chơi Bài Chòi thì giờ đây, đêm đêm tiếng nhạc lời ca, những câu thai chòi lại vọng vang, mang đến cho du khách và công chúng 52 mùa xuân với 365 ngày xuân giữa Phố mà các tụ điểm Bài Chòi vẫn luôn nêm kín người đi trẩy hội, muốn tìm lại cái thú chơi tao nhã ngày xưa.

 

Tôi gọi Bài Chòi Hội An là Một nét hoa văn giữa lòng Phố cổ. Một Di sản trong lòng Di sản văn hóa thế giới Hội An./.

 

 (*) Kim Bồng: Một làng nghề mộc chạm trổ nỏi tiếng ơ bên  kia sông ( Hội An )

(**) Cẩm Phô : ( tên gọi của Làng Câme Nam xưa ). Nay là  tên một phường  trong thành phố Hội An

Tham khảo các tài liệu sưu tầm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhạc sỹ Trương Đình Quang , Đặng Phú Hà.

Phạm Phù sa
Số lần đọc: 2419
Ngày đăng: 22.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tục Ngữ Khánh Hoà - Lê Khánh Mai
Tìm Hiểu Thang Âm Ngũ Cung Trong Âm Nhạc Huế - Nguyễn Phú Yên
Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ - Tiền Văn Triệu
Hệ Thống Phân Loại Nhạc Cụ Trung Quốc - Vương Trung Hiếu
Ma Quỷ Trong Văn Học Việt Nam - Trần Minh Thương
Cách Nói Của Người Miền Tây Nam Bộ Qua Ca Dao - Trần Minh Thương
Cây Bần Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Hình Tượng Con Rùa Trong Văn Hoá Dân Gian Nam Bộ - Trần Minh Thương
Cây Cầu Trong Đời Sống Người Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Lễ Hội Dinh Cô Long Hải, Bà Rịa-Vũng Tàu - Đinh Văn Hạnh