Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.213.616
 
Muỗi đói
Lê Đình Trường

Tôi đứng trước cổng trường mẫu giáo của Vĩnh từ buổi trưa nắng chói chang cho tới khi nắng nhạt. Lác đác có vài người đến đón con. Lập tức tôi cũng có bộ mặt của một người cha đang đón con.

 

Vĩnh bước ra khỏi cổng trường. Tôi bắt dính theo từng bước chân của Vĩnh. Vĩnh van vỉ : “Anh  hãy buông tha em”. Tôi tàn nhẫn : “Khi nào em biến thành hư vô, thì anh cũng lang thang trong cõi đó. Bước chân Vĩnh cóng lại : “Để làm gì ? Không có nghĩa gì hết”. Tôi :”Để tìm một hạnh phúc”. Vĩnh:  “Mỗi chúng ta đều đã có số phận riêng”. Tôi nói tự đáy lòng : “Anh không có hạnh phúc”. Vĩnh xúc động, cúi mặt. Tôi tiếp : “Em không dám sống một lần cho đáng sống hay sao?”. Vĩnh : “Không  có gì tốt đẹp. Em biết. Anh  cũng phải biết thế”. Tôi cười. Tiếng cười rung động những tia nắng nhạt : “Cám ơn !”

 

Và tôi bỏ đi.

 

*

Tôi trở về nhà. Ngôi nhà hãy còn hực nóng vì cả ngay trời nắng. Con tôi đang sốt nhẹ. Nó gầy và xah. Dù trời mưa hay trời nắng, khi tôi bước khỏi nhà, bao giờ nó cũng nhắc tôi với giọng thật trong trẻo, dễ thương : “Ba nhớ về nhà sớm. Nón của ba nè !…” Mỗi lần thế, tôi chùng xuống, muốn từ bỏ mọi hệ lụy của đời sống, để cả ngày chỉ nô đùa với con.

 

Tôi đến võng nằm. Nó đến ngồi bên tôi : “Ba có mua kẹo cho con không ba ?” Tôi đáp : “Ba bận quá, ba quên”. Nó hơi buồn. Nhưng nó quên ngay : “Ba kể chuyện cho con nghe đi”. Tôi gạt cơn ác mộng ban trưa, kể cho nó nghe chuyện công chúa Bạch Tuyết lạc trong rừng gặp bảy chú lùn. Tôi đã kể hàng trăm lần câu chuyện này, nhưng con tôi vẫn nghe say sưa. Thỉnh thoảng nó nhắc tôi những chỗ tôi kể sót. Tôi nhìn con tôi, rưng rưng. Gương mặt xanh quá. Cánh tay gầy quá. Tôi ôm nó vào lòng, tay tôi đặt lên ngực nó. Trái tim bé xíu của nó đập nhanh vô kể. Tôi nói : “Con đừng bệnh nữa nghe con”. Nó ngoan ngoãn : “Dạ !” Nó mới ba tuổi, nhưng nó biết những cơn bệnh của nó làm tôi phiền não. Sự đồng ý của nó như một lời hứa hẹn mang lại cho tôi hạnh phúc. Nó cầm một mẩu đèn cầy nhỏ : “Con có đèn cầy nè ! Ba mua cho con chiếc lồng đèn con bướm, con đi chơi Trung thu nghen ba”.

 

Liên đang làm việc gì đó, sau nhà. Tôi chẳng để ý. Nhưng trước mặt con tôi phải nhắc đến mẹ nó. Tôi hỏi : “Mẹ đâu ?” Nó đáp : “Mẹ nấu cơm. Ở nhà con thấy mẹ khóc”. Tôi vuốt tóc con: “Sao mẹ khóc ?” Nó nhìn tôi : “Mẹ nói, mẹ buồn ba”. Tôi nói lớn cho Liên nghe : “Còn ba thì không buồn mẹ ?” Con tôi nhìn tôi ngơ ngác.

 

Tâm hồn tôi bỗng trống hoang. Tôi muốn đi biệt tích. Cả hai chúng tôi đang thù hằn, chán chê nhau. Nhưng cũng có những phút yêu nhau ghê gớm – cùng chia xẻ khổ ải, cùng khóc với nhau. Thường xuyên, hàng ngày chúng tôi không ăn cơm chung. Không buồn nhìn mặt nhau. Tuy thế, chúng tôi chưa bị khủng hoảng quá đỗi, nhờ vào đứa bé. Nó vui vẻ, dễ thương như thiên thần. Chỉ có vậy, thì không  đủ cho ước muốn của mỗi chúng tôi. Mỗi chúng tôi đã giây, từng phút nỗ lực, thao thức dò tìm hạnh phúc – kể cả đánh đập, chửi bới nhau bằng những lời lẽ bần tiện nhất, mong đập vỡ khối vô hình nào đó, may ra trong đó vọt lên hạnh phúc. Nhưng tuyệt không  bao giờ chúng tôi gặp nhau. Cả haichúng tôi, mỗi người là một khối cô đơn, đau khổ đến quằn quại. Thà như thế còn hơn. Những lời lẽ nhẹ nhàng, chăm sóc giả tạo không  thể sưởi ấm sự giá băng của chúng tôi. Tôi không hiểu nổi có một sự chung sống nào kỳ quặc thế chăng ?

 

*

 

Gia đình  Vĩnh là người Hoa định cư ở Việt Nam đã ba bốn đời. Đời sống Vĩnh bị phong kín trong tập tục cổ truyền. Tôi chưa hề cầm được tay Vĩnh. Với tôi, Vĩnh ngồi xa, khép nép. Những người bạn của tôi nói đùa rằng, những cô gái người Hoa trong các gia đình  lễ giáo khắt khe, khi tắm xong chỉ dùng khăn thấm những giọt nước trên người, họ tránh đụng chạm vào cơ thể của chính họ. Đôi khi, bằng một cử chỉ thô bạo. Tôi nắm tay Vĩnh. Vĩnh hoảng sợ đến tái nhợt : “Đừng… !” Vừa van nài, Vĩnh vừa dùng sức mạnh chống cự đến quyết liệt, dữ dằn. Lúc ấy, bao nhiêu sự hiền thục hàng ngày biến mất nhường chỗ cho sự quyết tử. Tôi : “Sao thế, Vĩnh ?” Vĩnh hoảng hốt : “Không nên, anh”. Một nỗi buồn tràn đến. Vĩnh lặng xuống : “Em biết do tập tục gia đình em, em đã mất anh”. Tôi thương Vĩnh quá. Tôi cảm thấy mình trở nên vạm vỡ. Tôi nói : “Anh sẽ tháo tung tất cả… “ Vĩnh lắc đầu : “Em cảm thấy hãnh diện. Trải qua bao nhiêu dâu biển, bao giờ cũng còn cộng đồng người di cư nào đó vẫn quây quần chung sống với nhau, thờ những vị thánh giống nhau, ở dưới những mái nhà giống nhau, cách chế biến thức ăn giống nhau… Tất nhiên, họ vẫn thích nghi với văn minh bên ngoài. Nhưng khi trở về cộng đồng của họ, họ mới thật  sự trở thành chính mình…” Tôi : “Thật ra, tình trạng chúng ta, em muốn như thế nào ?” Vĩnh cúi mặt, giọng nói buồn như tiếng than : “Muộn rồi. Anh đã có gia đình”. Tôi nghĩ, tình yêu bao giờ cũng có giới hạn của nó – chỉ trong chốc lát nào đó, không  có sự hằng cửu. Hằng cửu là do con người quá đăm say trong chốc lát đó và tưởng tượng ra. Nó dẫn con người vào mê lộ. Mê lộ của sự hằng cửu.

 

Tôi nhìn chiếc cổ của Vĩnh – trắng hồng, cao cao, mềm mại, mỏng manh. Đã nhiều lần tôi muốn hôn vào chiếc cổ ấy, da thịt của một dân tộc khác. bây giờ, hai bàn tay tôi rung lên, toan thân tôi rung lên, môi tôi tê dại. Tôi muốn. Tôi muốn. Trong khi những khao khát ấy chớp lên xô đẩy tôi, Vĩnh đứng cách tôi một khoảng cách ngắn ngủi bất động và khép kín. Trạng thái ấy của Vĩnh khiến tôi bủn rủn.

 

*

 

Tôi đi vào khu xóm nhà Vĩnh – một dãy nhà ngói rêu phong nằm sau khu phố sang trọng. Tôi cảm thấy có một không khí khác thường, biệt lập và xa lạ. Tôi ước, bất ngờ, tôi bị một tai nạn nào đó với vết thương thật trầm trọng. Tôi sẽ bò như một con chó đến rên rỉ trước cửa nhà Vĩnh. Phong tục tập quán của cộng đồng người Hoa ấy liệu có ngăn được Vĩnh chạm vào vết thương để săn sóc tôi không?

 

Tôi đang yêu Vĩnh với trạng thái say máu ngà.

 

Tôi lang thang trên đường phố hằng đêm, hằng đêm. Tôi đi sâu vào những ngõ ngách. Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở thành phố này, có những con đường từ thuở ấu thơ đến giờ tôi chưa hề đi qua. Tôi lội qua những vũng bùn, bước lên những chiếc cầu khỉ cheo leo. Tôi dầm người dưới mưa. Tôi đi. Quần áo tôi ướt rồi khô. Cổ tôi khát cháy. Dạ dày quằn quại. Tôi dừng lại nghỉ bên bờ kinh bẩn thỉu, mặt nước đen sánh, bất động. Tôi đứng ngắm trăng trên dòng kinh ấy… Kinh nước đen, qua phản chiếu của ánh trăng, toát lên một thứ ánh sáng ghê sợ. Tôi gập người xuống, nước trong dạ dày tôi trào ra rơi xuống nước những âm thanh lõm bõm. Tôi chùi mồm bằng ống tay áo và cảm thấy người nhẹ hẫng. Gió làm khô mồ hôi trên người khiến tôi lạnh toát.

 

Tôi lại đi tiếp, bất định.

 

Tôi đi dưới gầm cầu của một chiếc cầu bê – tông đồ sộ. Ánh sáng của những bóng điện vàng ệch, bệnh hoạn. Trời đã khuya lắm rồi. Những cô gái điếm đứng chờ những người khách tình cờ, muộn màng. Những tên ma cô ngồi dụm lại chỗ sáng nhất, đánh bạc. Thỉnh thoảng có những tiếng cười phá lên hồn nhiên, suồng sã như xung động, thách thức những gì ngăn cản sự chuyển động của nó. Vài người ăn xin còn thức, nằm dưới đất, chìa tay về phía tôi. Tôi cúi xuống một người ăn xin  cho ông ta tất cả những gì còn lại tron túi. Tiền bạc, giấy tờ tùy thân, kể cả một mẩu đèn cầy ốm nhỏ mà con tôi đã bỏ trong túi tôi từ lúc nào. Tôi : “Nếu có thể, tôi cho ông cả đời sống của tôi”. Người ăn xin vừa lạy tôi vừa ngước nhìn đôi môi mấp máy của tôi. Tôi đứng thản nhiên nhìn sự lạy lục, khốn khổ của ông ta. Tôi quay gót. Vừa lúc ấy, tình cờ, tôi thấy Vĩnh. Vĩnh đang đi dưới gầm cầu này ? Ngạc nhiên. Yêu thương. Giận hờn. Tôi run lên. Bản năng của một con thú rình chờ con mồi của mình từ hàng triệu năm đang dấy lên trong tôi. Tôi đứng bất động. tôi chờ Vĩnh. Khi Vĩnh đến gần, tôi hỏi thật nhẹ nhàng : “Vĩnh, em đi đâu đấy?” Giật bắn người, Vĩnh nhìn và nhận ra tôi. Vĩnh lùi lại. Sau một hồi lâu trấn tĩnh, Vĩnh nói: “Em trai của em bị bệnh, cấp cứu. Nó đang nằm ở bệnh viện”.

 

Tôi nắm tay Vĩnh thật chặt (hai cánh tay ấy đã từng dùng sức mạnh để chống trả lại những cử chỉ yêu thương của tôi). Mắt Vĩnh nhắm nghiền, gương mặt tỏ vẻ đau đớn. Môi Vĩnh mím lại như gìm chống lại những tiếng kêu cứu. Bản năng tự vệ về tư cách quá mạnh, khiến Vĩnh không dám làm ồn sợ những người chung quanh chú ý. Chợt có tiếng cười hô hố : “Dẫn vào chân cầu, sao đứng khơi khơi vậy?” Sau đó la tiếng huýt sáo và tiếng kêu có vẻ khích động. Những âm thanh đó đánh vào Vĩnh làm Vĩnh bất động và đờ ra như một xác chết. Thương Vĩnh quá, tôi muốn bật khóc. Như một sự tình cờ, tôi cúi hôn Vĩnh. Tôi còn kịp thấy một nửa gương mặt của Vĩnh bị cắt chéo bởi bóng tối của đà cầu tren cao và ngọn tóc dài trước trán tôi rủ xuống đâm vào vầng trán trong xanh của Vĩnh.

 

Tôi rời tay khỏi Vĩnh. Vĩnh xiêu đi, gương mặt trắng bệch. Vĩnh nhìn tôi : Kẻ vừa vung tay đập nát lễ giáo của gia đình  Vĩnh – nơi đã yêu thương, phong kín và giữ gìn cho Vĩnh. Vĩnh quay lưng biến đi bỏ lại một chiếc dép. Người ăn xin lúc nãy đã lạy tôi, nhỏm dậy, chống tay dưới đường, nhìn tôi. Tôi có cảm giác đôi mắt ông ta cứng như đá …

 

*

 

Hằng ngày trong lớp mẫu giáo ấy vẫn có một cô giáo trẻ, chung quanh cô là những em bé ngây thơ. Cô cầm chiếc trống lắc vẫy lên những âm thanh rối rít. Giọng cô mãi mãi dịu dàng : “Các con nghe cô hát đây…” Tuyệt nhiên không ai biết, tôi đã như con muỗi đói khát, rít lên những tiếng vo ve, mù quáng cắm chiếc vòi rỗng vào Vĩnh chỉ để vấy lên một vết đỏ…

 

Tôi úp mặt vào ngực con tôi và tôi khóc không  thành tiếng. Con ơi, ba không xứng đáng là của con nữa rồi. Ba đã từng yêu ba hơn yêu con.

 

1989 – 1992

Lê Đình Trường
Số lần đọc: 2689
Ngày đăng: 23.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa hồng tỉ muội - Trầm Hương
Hoa So Đũa - Trầm Hương
Quỉ khóc - Thanh Giang
Viết từ ấn tượng vỡ vụn - Lê Đình Trường
Ánh lửa Chông Nô - Anh Động
Bóng chiều hôm - Nguyễn Thanh
Bông vông đỏ - Nguyễn Thanh
Vểnh râu - Nguyễn Quang Sáng
Lá rụng - Kim Quyên
Hàng xóm - Kim Quyên
Cùng một tác giả
Điểm tựa trắng (truyện ngắn)
Muỗi đói (truyện ngắn)
Thập giá gỗ (truyện ngắn)
Vẻ đẹp (truyện ngắn)
Bia mộ (truyện ngắn)
Có mưa trên núi (truyện ngắn)
Khỏa thân màu xám (truyện ngắn)