Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.104
123.230.003
 
Hòa Âm âm âm âm...của Nguyễn Lương Vỵ
Phạm Văn Nhàn

Thật thích thú khi nhận được tập thơ: Hòa Âm âm âm âm …của anh gởi tặng. Một món quà rất quý được in từ Thư Ấn Quán.

 

Cái nhà in bỏ túi này, hình thành cũng từ anh em yêu chữ nghĩa ngày nào còn gian khổ trong cuộc chiến khốc liệt ở quê nhà năm xưa. Ngồi lại, suy nghĩ, làm cách nào để có một tạp chí để góp mặt trong dòng văn học "nối dài" sau năm 1975. Hình thành nên một tạp chí không khó. Cái khó là in ấn. Có những tạp chí  văn học ra được vài số rồi cũng đóng cửa, cũng vì... tiền .

 

Cái khó nó ló cái khôn. Cộng với sự cố gắng tìm tòi, học hỏi của anh Trần Hoài Thư, cho nên Thư Ấn Quán mới hình thành. Từ đó, cái tên đã đi vào lòng bạn bè. Và, cũng từ đó những đầu sách đã được in ra. Trong số những đầu sách đã được in ra, trong tháng 8 năm 2007 tôi nhận được tập thơ "Hòa Âm âm âm âm" của Nguyễn Lương Vỵ gởi tặng.

 

Tập thơ dầy khoảng 300 trang, in trên giấy tốt. Trong phần mục lục, ta thấy tập thơ chia  làm ba phần. Phần 1: Hòa âm âm âm âm...( gồm 63 bài, trong đó có hai lá thư của nhà thơ Nguyrễn Tôn Nhan gởi Nguyễn Lương Vỵ và Nguyễn Lương Vỵ gởi cho Nguyễn Tôn Nhan ). Phần 2: Phụ lục (âm vang sắc màu - tuyển thơ gồm những bài thơ từ năm1969-1991( 37 bài). Phầm ba: Dành riêng cho Nguyễn Quế Phương ( gồm bốn bài viết bằng tiếng Anh).  Bìa do Vương Trùng Dương trình bày. Layout Trần Hoài Thư. Nơi trang sau thấy ghi ấn phí  20 dollars.

 

Với sự trình bày bìa của Vương Trùng Dương đã gây cho người đọc một ấn tượng dễ chịu khi nhận tập thơ. Màu xám nhạt. Chữ đen đi từ màu đậm rồi nhạt dần nhạt dần những chữ âm âm âm ... của tựa sach. Sự nhạt dần đó như âm vang của tiếng sóng vỗ vào ghềnh đá nào đó ở quê anh-có thể- hay một tiếng vang nào đó mà ta thường bắt gặp ở quê nhà dội lại trong thinh không nhỏ dần nhỏ dần rồi mất hẳn bằng ba chấm...

 

"Hòa Âm âm âm âm" của Nguyễn Lương Vỵ là một tập thơ không phải chỉ để đọc “ thưởng ngoạn” không thôi, mà còn đọc để "chiêm nghiệm" từng con chữ, từng câu thơ trong mỗi câu, mỗi bài thơ của anh. Từ những con chữ trong mỗi bài thơ của anh như dẫn dắt người đọc đi từ cõi "uyên nguyên" trở về, rồi từ đó thơ anh đọng lại như những giọt sương trên cánh lá ban mai mà ta bắt gặp. Mà đơn giản như  anh đã viết: thơ tôi mần, ( chữ mần không phải là chữ làm- tôi đọc thấy thích) thủy chung như nhất( trang 212). Cái thủy chung như nhất đấy để tìm hiểu thêm tôi đọc ngay lá thư của anh viết gởi cho Nguyễn Tôn Nhan, một người bạn rất thân với anh còn ở quê nhà, như xoáy vào tôi một niềm cảm thông, một nổi rung động không phải là vì quen anh, cũng không phải là vì một người được anh tặng thơ mà viết... mà là một người đã có cái duyên đọc thơ anh từ lâu...Từ khi mà, như tôi đã viết, một cõi "uyên nguyên" nào đó tinh khiết lắm, chưa vẫn đục trong tình thân với những người bạn năm xưa. Khi mà: về đây phố cũ thì thầm/ lang thang bóng nhỏ hoài âm không lời. Cái bóng nhỏ đó trong thơ của anh đủ để đánh thức lòng tôi những hình ảnh của bạn bè một thời " sống và làm việc ở đó". Cái bóng nhỏ âm thầm và lạc lõng của chúng tôi trong một thành phố có quá nhiều lính "đồng minh", quán bar và hơi rượu.

 

Mà, khoảng đời lưu lạc " rày đây mai đó của tôi" trong cuộc chiến, tôi đã gặp anh, gặp Đặng Tấn Tới, gặp Phạm Chu Sa, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung...Còn cái anh chàng Trần Hoài Thư thì chắc là khỏi phải nói. Hầu như ngày tháng nào cũng lang thang, nếu có dịp gặp nhau để lang thang, để trải lòng mình trong đêm vắng buồn cho thân phận của lớp trẻ chúng tôi khi ấy. Khi mà: xương máu bâng quơ lạnh chỗ nằm. Khi mà: có một hôm máu chảy thật mềm/ Giật mình nghe máu chảy xa thêm/ Thời nay gót ngựa không vang nữa/Sao có hồn ai nghiêng xuống đêm. Hồn ai đó, có phải tâm trạng của chúng tôi lúc ấy, hay tâm trang của những con người âm thầm trong những khu xóm mới dựng lên từ những nơi tạm gọi là yên ổn để tranh cuộc chiến? Phân hóa. Rã rời. Chán chường... đó là tâm trạng chung của chúng tôi. Thế mà với Nguyễn Lương Vỵ, anh đã cố tìm cho mình một khoảng không gian, dù nhỏ bé trong đêm, để lòng anh sâu lắng:

 

"đêm không trăng, không ai

phai hết bài thơ cũ

bọt nước gió quên cài

đêm xanh um một nụ

 

Cái ý trong câu thơ sao mà nghe hay quá. Xanh mướt: "đêm xanh um một nụ". Tuyệt! Chỉ có: "đêm xanh um một nụ" con người mới vượt thoát ra được bao nỗi buồn cho thân phận mình. "Bọt nước gió quên cài/ Đêm xanh um một nụ" phải rồi, câu thơ của anh làm tôi nhớ một nơi nào đó dưới chân núi Gành Ráng. Biển. Bọt nước. Bóng đêm. Với không gian ấy, chúng tôi mới quên đi: xương máu bâng quơ lạnh chỗ nằm ; vì ngày mai, cái tương lai gần ấy chúng tôi cũng chẳng biết mình sẽ ra sao? Mà lạ, anh diễn đạt cái ý trong hai câu thơ thật tuyệt vời: "bọt nước gió quên cài/ đêm xanh um một nụ"

Cho nên:

 

"nguyệt xưa, xanh quá hồn đàn

gọi hồn biển thức, chìm tan bến bờ"

hay:

"mái hiên gió tạt chỗ ngồi

quán khuya se lạnh những lời tro than"

 

Những con chữ mang theo nỗi buồn ấy đâu phải mới nẩy chồi, nẩy ý trong thơ của Nguyễn Lương Vỵ ngày hôm nay. Mà nó nẩy cái ý thơ này lâu lắm. Ngày mà anh còn rất trẻ cách đây mấy mươi năm. Ngày mà anh mang cái niêu đất nhỏ đựng cái thai non 3-4 tháng của em anh, lẽo đẽo đi theo  ông Nội trên cánh đồng vắng ra nghĩa địa. Ngày mà anh rời bỏ cái làng quê nhỏ bé để ra đi tự mưu sinh bằng đủ nghề năm anh 13 tuổi. Ngày mà đứa con gái dầu của anh giống như 40 năm trước, anh manh cai hủ cốt để đưa xuống biển San Diego. Ngày mà anh đến Mỹ ở cái tuổi 50, đuối lơ kiệt sức ấy. Thơ anh đã đi theo anh trong suốt chặng đường mà có lẽ, chỉ có thơ mới làm lòng anh vơi bớt "nổi-đau-thân-phận-và-quê-hương".

 

Cho nên, tôi vẫn nói đối với anh, thơ đã đến từ một cõi "uyên nguyên" lâu lắm, đọng lại trong vách núi nơi quê anh, miền quê nghèo nơi xứ Quảng mấy mươi năm, vạch vách núi ra, ta đọc những dòng thơ thấm đẫm tình quê :

 

"lung linh hồn quê cũ

mây trắng phủ khắp trời

nhớ trăng khô hết máu

muôn trùng dặm núi ơi"

 

Đối với anh, quê hương dù nơi nó có khổ, có nghèo...thì mảnh đất quê ấy vẫn như giọt sương mai trên cánh lá, trong suốt, không vẫn đục, bợn nhơ; mà lúc đó tôi cứ ngỡ anh lớn lên từ Quảng Ngãi. Nào hôm nay mới biết ở Quán Rường, Tam Kỳ, Quảng Nam. Vùng đất "địa linh nhân kiệt" đã sản sinh ra không biết bao nhiêu người "mần" thơ nỗi tiếng trước 1975.

 

*

 

Tôi nghĩ, hồn quê trong con ngời anh mãnh liệt lắm. Khi đọc lá thư anh gởi cho người bạn thân- nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan- tôi mới biết thêm phần nào  về tiểu sử của anh:

 

"Tôi mố côi cha từ lúc 13 tuổi, phải tự mưu sinh để tiếp tục việc học bằng đủ nghề sát đáy xã hội. Bụi đời, bạt mạng, cô độc ngút ngàn. Những khoảng mốc thời gian, cô độc ngút  ngàn. Những khoảng mốc thời gian từ lúc trên 20 tưổi-30 tuổi- 40 tuổi, tôi phải đi hàng hảng, ngậm bồ hòn giá áo túi cơm"...

 

Có lẽ từ đó, thơ anh sâu lắng trong từng con chữ. Bài thơ đầu, anh viết về người cha:

...

"Bụi bay có một thằng con nít

Đầu chít khăn tang ngó sửng sờ

Đời vốn mồ côi từ lịch kiếp

Con nít mồ côi cũng thế thôi!!!"

 

Đọc mấy câu thơ của anh sao nghe buồn quá đỗi. Khi anh dùng "đời vốn mồ côi từ lịch kiếp". Câu: mồ- côi- từ- lịch- kiếp mà anh dùng thật hay. Không phải chỉ cho anh, tác giả bài thơ ấy...mà còn cho tôi, cho nhiều người khác nữa khi cha me đã trở về với cát bụi. Cái thân tứ đại này, biết rằng rồi cũng sẽ tan, nhưng...thử hỏi, với một cậu bé 13 tuổi đã cảm nhận được cái mất mát lớn lao ấy từ muôn kiếp nào rồi.

 

Vâng, còn có tâm trạng nào buồn hơn nữa không, khi anh đã thấy cái viễn ảnh xa: "ngày sặc máu nuôi thân thơ dại/đêm xanh xương tái mặt nhớ mồ"...Thử hỏi có còn những câu thơ nào hay và buồn hơn những câu thơ trong bài: "Nói Với Người Đã Khuất". Bài thơ đầu trong tập thơ của anh.

 

Cái viễn ảnh đau buồn đó là sự thật sau này đeo đuổi suốt đời anh, cho nên anh đã bộc bạch với người bạn mà tôi nghĩ là thân nhất trong đời: "...tôi phải đi chàng hảng, ngậm bồ hòn giá áo túi cơm". Mất cha, mất mẹ là mất tất cả.

 

Rồi anh viết tiếp: Thơ tôi mần, thủy chung như nhất ( nhất dĩ quán cũng được) là hình ảnh tôi lẽo đẽo bước theo ông Nội tôi ( lúv đó tôi mới 9 tuổi) đi trên một cánh đồng vắng ra nghĩa địa, hai tay ôm một cái niêu đất nhỏ( mẹ tôi sẫy thai vì đuối sức, lam lũ quá nhiều). Giữa chiều chạng vạng tối, ông Nội tôi bổ vài nhát cuốc rồi thở dài buồn, bảo tôi đặt cái niêu đất xuống khoảnh hố nhỏ và cạn rồi lấp lại. Mộ của đứa em chưa kịp làm người của tôi nằm chung với dãy mộ của người lớn, trong góc kẹt quạnh hiu.Tôi thấy lạnh và tội nghiệp quá!!!..."

 

Để rồi 40 năm sau khi anh đến Mỹ, anh viết: tháng 10/2002 tôi bồng cháu trong cái hủ cốt( giống như kiều tôi bồng em tôi cách đây đúng 40 mươi năm) và đưa xuống biển ở San Diego.

Bài "Âm âm đáy vực" gồm chín đoạn thơ, như tâm sự của anh qua những con chữ mà anh viết có sự chọn lọc cẩn thận cho đứa con đầu lòng của anh: Nguyễn Quế Phương. Trích vài đoạn:

 

I/.

" Nghe suốt âm đáy vực

Những cánh bướm đa sắc ngân tiếng chuông

Nơi sơ sinh khóc theo tiếng bom

Nơi mẹ hụt hơi rặn ra một sinh linh

Đỏ hỏn nhịp luân hồi

Nơi ta nhặt những âm vang muôn triệu đóa cầu vòng

Nghẹn ngào cháy trên lưng đồi

Nghẹn ngào chảy trong tinh huyết

Ánh lên muôn kiếp cỏ non

Cỏ khát khao xanh búp lửa

Nghẹn ngào cháy trên đồi tranh

Bầy quạ đen ôm những trận gió nồm..."

 

II/

Nuôi lửa trong cát

Gọi tiếng sóng biển xuyên qua ngực

Xuyên suốt âm vang

Nghẹn ngào những mắt gai xương rồng

Cát rú trắng trong sương

Nơi ta ngồi tru trăng như con chó ốm

Nghẹn ngào gốc thông già

Sần sùi sóng và gió

Chạy và hú chạy và hú

Sân ga buốt nắng quê nghèo

Những thay ma buồn thiu

Ngủ vùi theo mây trắng...

 

 

Ngày nào trên quê hương con chào đời trong tiếng bom, tiếng đạn. Khói lửa chiến tranh phủ trên muôn vạn nẻo đường. Cái quê nghèo của anh cũng không tránh khỏi. Và, cũng  nơi quê nghèo ấy, con anh ra đời: chạy và hú chạy và hú/ sân ga buốt nắng quê nghèo/ những thay ma buồn thiu/ ngủ vùi theo mây trắng...

 

Một hình ảnh thật rõ, không phải ở quê anh mà còn nhiều nơi khác.Cái thực của Nguyễn Lương Vỵ khi anh làm thơ. Sàng lọc chữ nghĩa kỹ càng. Nhưng vẫn làm cho người đọc đọc một cảm nhận thích thú khi đọc thơ anh.

 

Để rồi với cái tuổi 50, anh ôm đứa con vào lòng ra biển, dù đó là tro cốt của một kiếp người. Nhưng đó lại là một phần máu thịt của anh tạo nên. Anh thấy, chung quanh anh, nào bướm đa sắc màu hòa cùng tiếng chuông. Và: gọi tiếng sóng biển xuyên qua ngực/ xuyên suốt âm vang/ ngẹn ngào những mắt gai xương rồng..

 

Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ không chỉ đọc để chiêm nghiệm thơ hay hay dở; mà với Nguyễn Lương Vỵ thơ anh làm cho người đọc phải suy nghĩ từng con chữ, từng câu thơ  để thấy cái hay của thơ Vỵ. Không những một vài bài mà toàn tập thơ, bài nào, cũng phải thấy cái “nhân sinh quan” của Vỵ.

 

Với thân phận, có lẽ, là một chuỗi buồn trong thơ anh. Với nhiều người làm thơ khác, khi nói đến chiến tranh mỗi nhà thơ có cái nhìn khác nhau. Như nhà thơ Phạm Triều Nghi khi đi ngang qua đèo Bình Khê, anh viết:

.....

“Chạy mau...chạy mau nguời mẹ Hoài  Ân

Quang gánh trên vai chất đầy thống hận

Máu bầm vướng vướng víu bàn chân

Chạy đi...chạy d8i người chị  Hoài Nhơn

Sao cứ nằm ôm con thơ đùm trong tay nải

Máu khô đen khuôn mặt lạc thần

Pháo tràn lan xối xả

Lửa rần rật sau lưng

Chạy về đâu?

Biết về đâu những bước chân vô hồn?

 

Còn với Nguyễn Lương Vỵ, anh thấy chiến tranh trên quê hương xóm làng nhỏ bé của anh, cái thực không xa với tuổi thơ anh lắm. Cho nên:

 

“ Gió vu vơ nức từng nhánh sông

Từng gương mặt bà con ẩn hiện

Từng cái chết là từng câu chuyện

Gốc rạ cằn đứt ruột trời xa”

Để rồi ta nghe tiếp:

“ Chạy và hú chạy và hú

Sân ga buốt nắng quê nghèo

Những thây ma buồn thiu

Ngủ vùi theo mây trắng..”

 

Nỗi mang mang buồn làm sao ấy. Ngủ vùi theo mây trắng...

Chiến tranh trên mảnh đất nghèo xứ Quảng. Không phải chỉ có đời anh mà còn cả đời con anh nữa: nơi sơ sinh khóc theo tiếng bom.

 

Đọc thơ của Vỵ, không phải đọc vài ba bài trong tập thơ mà hiểu hết được ý niệm thơ của anh. mà phải “lắng lòng” mới đọc hết được những ý trong mỗi bài. Như viềt về thân phận: năm mươi năm mùi tóc khét nắng vẫn còn vương .

Hay:

Nghe trong  xứ sở ngân dài

Tiếng xương khua với tủy mài tiếng ru

Tiếng hờn nuốt bóng trăng lu

Tiếng oan ực hết oán thù mây bay

 

Trong bài Thần Sầu gồm 9 đoạn khi anh vừa đúng 50 tuổi. Một đứa bé mồ côi: “ngày sặc máu nuôi thân thơ dại” rồi sau đó: “thằng con nít âm thầm đi biệt/bay và bay hạt bụi khốn cùng/đời quá chật mà sao thống thiết/chó tru lời nhật nguyệt linh lung”.

 

Đấy, tôi đã đọc và đã thấy  được nỗi lòng của một Nguyễn Lương Vỵ. Có thể một bài Thần Sầu thôi, tôi đã hiểu. Bây giờ: tiếng oan ực hết oán thù mây bay.

 

Có thể lấy cậu viết của Nguễn Tôn Nhan để làm câu kết cjho bài viết của tôi klhi đoc tập thơ Hoà Âm âm âm âm của anh gởi tặng.” tôi phải cảm ơn Vỵ nhiều lắm. Hãy cho tôi đọc nhiều thơ nữa đi, đọc suốt đời càng thích. Vì “chữ” của Vỵ đâu phải chỉ là “chữ” không thôi, nó chính là TÍNH LINH của chúng ta, dù chỉ là loại tính linh đầy những máu:

 

Với tuyệt đích Hoà-Âm-Nâm-Nín-Máu ( thơ của Nguyễn Lương Vỵ)

và, tôi đã nói, thơ Vỵ từ một cõi uyên nguyên trở về./.

 

Amarillo ngày 29-9-2007

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1640
Ngày đăng: 24.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lâm Hảo Dũng, Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây. - Nguyễn Lệ Uyên
Đọc Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) - Trần Vấn Lệ
Nắng Qua Lăng Kính - Võ Thị Như Mai
Thế Giới Nghệ Thuật Đoàn Hữu Nam Trong Tiểu Thuyết Thổ Phỉ. - Sương Nguyệt Minh
Trần Hoài Thư: Cuộc Đời và Thơ Văn như chất keo dính chặt qua Ô Cửa - Phạm Văn Nhàn
Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác - Thụy Khuê
Những Con Chữ Hân Hoan, Búng Mình Trên Mặt Sông Chữ, Nghĩa Lữ Quỳnh - Du Tử Lê
Nghìn năm nghe gió nói lời cây - Lâm Xuân Vi
Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa - Phạm Văn
Tiếng kêu trầm thống trong Những cơn mưa mùa đông (*) - Nguyễn Lệ Uyên