Sáu nhà thơ bạn hữu của chị, của anh, của tôi.. Trần Hữu Lục, Tôn Nữ Thu Thủy, Cao Quảng Văn, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồ Đắc Thiếu Anh, Trương Nam Hương. Những cái tên, những gương mặt đã gợi nên xứ Huế với sông Hương, cầu Tràng Tiền, núi Ngự Bình. Sáu tác giả, mỗi người 9 bài thơ, không phải là thơ tuyển nhưng hiển nhiên có chọn.
Cả sáu đều rời quê cha đất mẹ ra đi để rồi chọn Sài gòn, mảnh đất nhiều nắng, nhiều gió phương Nam làm bến đỗ cuộc đời. Vì sao các anh các chị ra đi ư? Tôi rất thích những dòng nhận xét của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết cho Trần Hữu Lục :”Thời tuổi trẻ chúng tôi gần như đứa nào cũng có chút ít máu lãng du trong người, cứ lên đường và đi. Đi để mà đi chứ không đến một nơi nào đã định. Đi để có một khỏang cách với quê nhà, với tình yêu. Đi để có một cái gì đó để lại phía sau. Đi để có những lá thư gửi về, để có thêm những nỗi nhớ nhung, những lời than thở..”. Người con xứ Huế ấy đã giải thích giùm nguyên cớ những chuyến ra đi của một thời trai trẻ. Không chỉ của người xứ Huế mà của tất cả những ai phiêu dạt, tha hương chúng tôi.
Huế trong “ Giêng xanh” là “ lá trúc vô tình còn ngóng đợi. Và nguyệt cầm nghiêng xuống bóng xưa” ( Huế thu-Trần Hữu Lục). Là “Tiếng chuông chạm vào con sông đang chảy. Nước thôi cau mày” ( Tiếng chuông- Tôn Nữ Thu Thủy). Là “Tịch mịch Huế. Những con đường không nói” ( Huế sớm em về-Cao Quảng Văn).” Núi thả thông xanh cho hồn Huế trẻ” ( Ba miền dải lụa lưng ong-Hồ Đắc Thiếu Anh)” Sống vàng quện ánh sao rơi. Văn Lâu khúc hát trao lời núi sông” ( Hãy cho nhau-Tôn Nữ Hỷ Khương). “Sông Hương chảy thon mình qua dâu bể” (Màu Huế- Trương Nam Hương). Thấy ngay rằng, Huế trong “ Giêng xanh” tuyệt nhiên không phải là Huế của năm này, tháng này; của sự kiện này, biến cố kia. Huế của từng anh, từng chị đã hiển hiện trong ẩn ức, đã được lọc qua những ưu tư, bể dâu của gần cả một kiếp người để mang vẻ đẹp đã được chà mài của tháp chuông Thiên mụ, Đỉnh Phú Văn Lâu, của đỉnh núi Ngự Binh, của lăn tăn song nước Sông Hương.
Nói thế để bắc cầu nói rằng 6x 9 bài thơ trong “ Giêng xanh” đâu chỉ gói gọn trong những kỷ niệm nhớ thương nơi chôn rau cắt rốn. Không có bài thơ nào trong tập mang tên “Giêng xanh”. Nó được rút từ một câu thơ của nhà thơ Trần Hữu Lục “ Vuột mất rồi thời giêng xanh”. Để vuột mất rồi ư tháng Giêng và mầu xanh của chồi nõn, lộc lá, của tiếng lích chích bày chim sâu đang rỉa cánh rỉa lông ngoài bờ dậu.. Để vuột mất rồi ư tháng Giêng, màu xanh long lanh những giọt nước mưa li ti đậu trên mái tóc em; trong nụ hôn nồng nàn mùa xuân anh trao cho em lần đầu như một lời đính ước. Ai chẳng có, chẳng trải qua một “ Giêng xanh” trong cuộc đời. Và dù nắm bắt được hay để vuột mất thì với thời gian, với tuổi tác, với những chua chát đã thử nếm, những đắng cay đã trải nghiệm để “ Giêng xanh” bây giờ không chỉ trở thành nỗi nhớ, trở thành hòai niệm, mà vui sao - lại bỗng trở thành những gì ước ao, những gì trong khắc khỏai hy vọng muốn thế, cần phải thế. Một kiếp người, ai biết đâu dại đâu khôn, chuyện con kiến mà leo cành đa…
Trần Hữu Lục vật vã, trăn trở với rất nhiều giả định “ Giá như “ trong có tám khổ thơ để đi tới bất chấp cả quy luật tự nhiên của trời đất: “ Giá như…có thể trẻ lại.Anh đón em về ngày kia”. Kín đáo, tế nhị và kỹ càng hơn nhưng vì thế càng day dứt, trăn trở hơn khi Tôn Nữ Thu Thủy “Gặp lại người hôm nay. Đôi mắt từ thuở nọ”. Có vẻ như cuộc đời suôn sẻ, ít thác ghềnh nhưng Cao Quảng Văn cũng không tránh được những chát đắng:” Nắng ghé môi ai. Nửa đời quên cười”. Tôn Nữ Hỷ Khương đã giáp mặt với tận những đúc rút mà bấu víu lấy hy vọng: ” Nửa đời thực-Nửa đời hư. Chìm trong khúc hát đợi chờ tri âm”. Những giả định, những khắc khỏai lòng tự hỏi lòng như vậy hầu như thấm đẫm trong cả 9 bài thơ của Hồ Đắc Thiếu Anh. Nói thơ của chị buồn, có lẽ chưa đủ. Không làm bộ làm tịch, không khoe khoang nỗi buồn, không muốn tỏ ra là người từng trải, từng câu thơ của chị như thảng thốt, như run rẩy, như thẫm ướt nỗi buồn và cả sức chống trả với nỗi buồn vây bủa: “ Dòng đời trôi mấy ngả. Sao không là ngày xưa?”, “ Phải chi mấy ngàn năm ngừng lại. Lấp kín biển đời, dấu nỗi đau”. Và Trương Nam Hương nữa, trẻ nhất và thành đạt nhất trong nghiệp thơ so với các đàn anh, đàn chị góp nên tập “ Giêng xanh” lại cũng đã ngấm nỗi buồn của kiếp người, kiếp thi nhân từ bao giờ: “ Ruổi rong khắp bốn phương trời. Câu thơ hành khất theo người hành hương”.
Có ai đó đã nói: “ Hãy đập vào trái tim. Thơ từ đó vọt ra”. Lại cũng ai đó đã nói:” Thơ là cuộc độc thọai trong một gian phòng đã khóa chặt mọi cánh cửa”.
“ Giêng xanh” là tiếng lòng chân thành, cởi mở nhất; là cuộc tâm tình càng không có người nghe càng tốt nhất!
Nhưng kỳ lạ sao, chính vì lẽ này, gấp trang cuối của “ Giêng xanh” tôi rất muốn giới thiệu với các bạn./.