Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.211.970
 
Ðọc thơ Từ Thế Mộng
Lãm Thúy

( Lẽo Ðẽo Một Phương Qùy )

 

Hình như giữa năm 2003. Trần Hoài Thư có tặng Lãm Thúy tập thơ “Lẽo đẽo một phương quỳ”. Cái tên nghe ngồ ngộ, còn Từ Thế Mộng _ Tác giả _ thì vẫn còn xa lạ với Lãm Thúy. Dù trước 75, Lãm Thúy rất mê thơ và cũng biết được một số bài thơ tiêu biểu của các tác giả quen thuộc.

Tập thơ mỏng đọc hơn nửa đêm đã hết, nhưng dư âm của nó thì để lại lâu dài.

 

Thơ Từ Thế Mộng hay, nói vậy hình như còn chưa đủ. Nó còn bao gồm cả sự duyên dáng, dí dỏm, chân thực và rất dễ cãm nhất là thơ lục bát của ông thật mượt mà.

 

“Còn gì lại giữa mông mênh

Có cô em đứng làm thinh mỉm cười!”

(Buổi trưa rượu ngà ngà tắm biển Ninh Chữ)

 

Cũng trong bài này, tác giả đã bộc lộ ra bản chất của mình:

 

“Đất trời cũng nhẹ như ta

Cũng phiêu lãng tắm, cũng tà tà bay”

 

Cái không gian trong thơTừ Thế Mộng là biển và dĩ nhiên, hầu hết những hình bóng Mỹ nhân đều mặc aó tắm:

 

“ Anh đứng trên bờ

Chờ em đến thiên thu

Còn hắt bóng

Em thanh thản đi lên

Thân thể mịn căng trong chiếc aó tắm màu xám

Với bàn tay nâng ướt tóc

Nghẹn ngào

Anh thấy mắt em nâu!

(Chờ em đến thiên thu) (trang 15 )

 

Dời mắt khỏi thân thể “ mịn căng” ấy để còn có thể thấy mắt em nâu. Tác giả “nghẹn ngào” là phải. Cách diễn tả thật đạt! Sự ngưỡng mộ tình yêu thương, lòng ham muốn khát khao, tất cả họp lại làm thành nỗi nghẹn ngào một trạng thái xúc động tột cùng gần như đau đớn.

Tả về cô gái nhỏ cao nguyên, ngây thơ như con nai rừng, Từ Thế Mộng viết:

 

“Đôi vú nâng nâng trên ngực em trần

Là gái lạ của trời cao nguyên đó

Ánh mắt hoang vu, nụ cười trẻ nhỏ

Thịt da nàng in nắng mới tinh khôi.”

(Nai rừng)

 

Cái đẹp của thân thể phụ nữ, nhất là những gái tơ nõn nà, được nhà thơ miêu tả vô cùng hấp dẫn, gợi cảm, mời mọc:

 

“Thân thể em căng ra như những sợi dây dàn

Căng ra

Và sắp nở

Những đóa hoa trên aó tắm xanh em.

Không còn xanh

Mà như lửa

Anh tan thành giọt nhỏ

Ríu hương em

Mà nổi điệu đàn lên

Điệu đàn em

Ôi trời ơi

Muốn rụng ra ngoài tim”

( Cây đàn muôn điệu trang  24)

 

Thơ Từ Thế Mộng như thế đó . Cái hừng hực như lửa của lòng đam mê, của sự khát khao, của ý chiếm đoạt. Tất cả bộc lộ hồn nhiên, không che giấu.

 

Thơ anh có những câu thắp bừng bừng lửa dục, nhưng là thứ lửa dục đáng yêu, sự ham muốn chiếm ngự, thống lĩnh cái đẹp, thứ lửa nồng nàn của một trái tim say đắm. Đọc thơ anh như vậy, rồi nghĩ đến sự tàn phá của thời gian, sự lụi tàn của đời sống, những thứ đáng buồn ấy đã mang anh ra khỏi cuộc đời. Nghe sao thật ngậm ngùi.

Tình yêu trong thơ Từ Thế Mộng thiết tha vô cùng. Chính sự mẫn cảm với cái đẹp làm thơ anh thêm duyên dáng, dễ thương. Anh không chối bỏ cái «mê gái» của mình khi chiêm ngưỡng những dung nhan mỹ nữ :

 

Áo trắng ngây thơ đôi vú nhỏ

Áo xanh mơn mởn bờ mông non

Áo hồng chúm chím môi vừa nụ

Ôi gái tơ nào hoa chẳng thơm !

(Gái tơ trang 78 )

 

Trong bài thơ «  Biển màu » , cái đẹp lồ lộ, khêu gợi :

 

Chập chùng hoá những bờ vai

Hoá ra em trắng từ hai bán cầu.

 

Chưa hết đâu, trong bài thơ ngắn «  Biển hừng », nỗi rạo rực đắm say còn bộc lộ rõ ràng hơn :

 

Em nhỏ nhẻ đi lên

Biển còn xanh ướt tóc

Sao áo tắm hoa em

Lại hừng như lửa bốc ?

 

Cái cách đão ngữ tự nhiên trong thơ Từ Thế Mộng làm tăng thêm sức gợi cảm, thi vị của thơ : « Áo tắm hoa »

«  Lửa bốc » « áo xanh em »

Cũng trong chiều hướng thưởng thức cái đẹp thiên nhiên của gái tơ ta thấy :

 

Tà Dôn

Có gái ngủ ngày

Ngực non tơ

Nhú

Xanh đầy áo hoa.

( Quê nhà lẩn thẩn trang 65 )

 

Nỗi nhớ quê nhà của thi nhân cũng đặc biệt hơn thiên hạ. Hình ảnh « ngực non tơ  _ nhú » thật xiết bao gợi cảm, đi cùng màu sắc « xanh đầy áo hoa » thì thật tuyệt !

Đọc thơ Từ Thế Mộng, thấy quả là nhan sắc được tôn vinh. Từ đó chúng ta tự hỏi phải chăng những phụ nữ, nhất là phụ nữ đẹp cũng cần có những đàn ông « mê gái» để chiêm ngưỡng sắc hương của mình ? Và hẵn là hãnh diện biết bao cho những mỹ nhân nào đã từng là đề tài, là niềm thi hứng cho những thi nhân viết lên những dòng thơ tuyệt diệu, những trang thơ mượt mà , thắm đượm để lại cho đời như câu thơ :

 

Tặng em

Nõn hoa lan này

Để hoa

Thơm được bàn tay

Em cầm

(Ngọc Lan trang 68)

 

Ôi! Lãng mạn và dễ thương làm sao! Hoa Ngọc Lan trắng trong tinh khiết, thơm tho ngần ấy, mà còn hãnh diện bởi được bàn tay em cầm, thì quả là bàn tay ngà ngọc ấy còn trắng muốt thơm lừng hơn cả Ngọc Lan hương

 

Chỉ tặng một đoá hoa, qua đó đủ nói lên trọn vẹn niềm ngưỡng vọng thiết tha.

Chính bởi mối tình si mê ấy, thi nhân mới nói rằng:

 

Có em

Có cả thiên đường

Không em

Chút cỏ vô thường

Cũng không!

( Giọt mưa của tôi trang 37 )

 

Có khi đọc thơ, ta cảm được vì ta hiểu điều tác giả muốn nói, có khi , hơn thế, ta hiểu cả những điều tác giả không định nói. Riêng Lãm Thúy, khi đọc thơ, có khi không hiểu gì cả mà vẫn cảm thấy hay. Ví dụ như hai câu  « Không đề 1 »   ( trang 32)

 

 

Thấy em một chút đã mừng

Cần chi biết sợi dây lưng ngắn dài !

 

Sao mà có cái dây lưng vào đây không biết nữa !

Nhưng trong hai câu « Không đề 2

 

Anh ơi đừng nhíu lông mày

Đừng xao xác ngó mà trầy trụa em.

 

………thì Lãm Thúy hiểu liền, mà còn hiểu sâu sắc nữa là khác.

Tiếng Việt ta có thành ngữ “Ngó như lột trần người ta”. Nhà thơ tài hoa của chúng ta còn dữ dội hơn: ngó đến “trầy trụa”.

 

Thử nghĩ xem, Từ Thế Mộng ở biển, yêu biển, cả một rừng sắc hương trong thơ anh và cả một rừng áo tắm.

 

Áo rượu chát, áo hoa, áo xám, áo xanh, áo đỏ, áo trắng, áo hồng…ngó miết mà người đẹp sợ “trầy trụa” sắc hương.

 

Cũng có những khi, thơ ông hiền hoà những mối tình trong sáng:

 

Cặp đầy ấp

Mộng vàng hoe

Thôi

Em đừng gõ

Guốc đè ngợp anh!

(Bài ca Áo trắng trang 89)

 

Tưởng tượng phong phú thay! Tiếng guốc học trò gõ nhịp trên đường mà có thể đè ngợp người tình si.

Cũng bởi lòng si mê, nhung nhớ tương tư ấy mà:

 

Nghe từng giọt

Nhểu

Đêm

Đen

Nhớ em

Lẩn thẩn

Đốt đèn

Đếm

Mưa!

(Đếm mưa trang 91)

 

Cũng bởi niềm say mê cuồng nhiệt ấy, nên :

 

Ta còn hay đã mất ?

Có sá gì đâu em !

Xa em, ở đâu rồi cũng chỉ là hoang mạc

Hồn ta, ngọn đèn tàn hắt hiu !

( Như là chiêm bao trang 104)

 

Thơ Từ Thế Mộng luôn ánh lên cái sắc đa tình.

 

Cho anh hôn

Cả nốt ruồi son anh

Trong mình em

Bừng bừng

Lửa cháy

(Cho anh hôn trang 33)

 

Cũng chính bởi tính “mê gái” ấy mà tác giả thú nhận:

 

Thấy em mặc áo tắm

Anh cứ hay rùng mình

Khoảng hở và khoảng khuất

Cứ làm anh chông chênh!

(Chông chênh trang 84)

 

Nhưng trong thâm sâu hồn anh ta đọc thấy có nỗi gì đó thật xót xa, thật tội nghiệp. Đó là khi:

 

Chờ em cho mãn kiếp

Chờ

Cho chiêm bao vẫn cứ ngờ

Chiêm bao!

Cho mình

Như dĩa dầu hao

Giốc tim

Rót hết lửa vào

Phương em!

Cho mình

Đêm cứ thừa đêm

Thấy em cuộn bóng mình bên

Gối người!

(Chờ em _ trang 36)

 

Ý thơ đau xót này, ta bắt gặp lần nữa trong bài thơ “Đêm trăng nghe tiếng vạc kêu” (trang 102)

 

Xẹt ngang qua mái hiên nhà

Không gian rộng

Bỗng vỡ oà

Vạc kêu!

Tiếng kêu

Lạnh chỗ anh nằm

Nghe quằn quại

Cả tiếng lòng

Quạnh hiu

Giật mình

Thấy mộng quàng xiên

Thấy tay em đã

Mòn yêu dấu người!

 

Thú thực, đây là bài thơ Lãm Thúy yêu nhất trong cả tập thơ của Từ Thế Mộng. Câu thơ hàm súc biết bao, ngậm ngùi chua xót biết bao, những khoảnh khắc đau xót như vậy trong đời người cũng đủ làm tan nát cả trái tim rồi.

 

Tiếng vạc kêu sương đêm trăng buồn, quằn quại như tiếng lòng hiu quạnh, hoang vu. Nhớ đến người mơ, mộng mị quàng xiên , như câu hát nào tội nghiệp:

 

“ Em trong vòng tay lạ

Em thành đàn bà

Cho anh xót xa!”

 

Ở đây, không những em đã là đàn bà trong vòng tay khác mà câu thơ còn ẩn chứa nỗi buồn rầu cay đắng trong câu ca dao:

 

Cổ tay em trắng lại tròn

Em để ai gối nó mòn một bên!

 

Ôi! người đàn bà mình yêu, tay mòn yêu dấu, thân mòn gối chăn với ai đâu. Buồn chưa!

 

Trong trái tim đa tình, lãng mạn của thi nhân, Từ Thế Mộng còn chứa động biết bao tình cảm đằm thắm ngọt ngào cho những thân yêu ruột thịt _ cha mẹ, vợ con _ bạn bè, cháu chắt, quê hương:

 

Cha già gót nhẹ như tiên

Thương cha thương cả ưu phiền của cha

Ngày qua rồi tháng cũng qua

Chỉ lòng hiếu thảo là hoa không tàn

(Hoa không tàn Trang 30)

 

Và người cha thân yêu của ông được hình dung đơn sơ, mộc mạc.

 

Sướng sao là cái sơ sài

Cực sao là cái động hoài tới thân”

 

Còn mẹ, bao giờ cũng là hình ảnh tảo tần:

 

Suốt đời lặn lội vì con

Quản gì thân mẹ có còn hay không?

 

Viết cho con trai, Anh nói:

 

Con mãi là nụ hồng

Trong lòng ba chớm nở

( Bài thơ mừng con trai Trang 45)

 

Cho con gái thì :

 

Ba còn gì để lại cho con

Ngoài những bức thư tình ba viết cho má con

Và những bài thơ cô đơn của ba

( Bức thư của người con trai Trang 51)

 

Với bạn bè cũng thắm thiết yêu thương.

Càng cầm tay nhau, càng chếnh choáng

Bịn rịn

Rời nhau là lênh đênh !

(Phan Thiết từ đây ta lẻ bạn _Trang 17)

 

Riêng câu thơ viết cho Bo _ “Bé ngoại” thật dễ thương:

 

Trong vòng tay ấm bao la

Ngước lên hỏi mẹ

Quê nhà

Ngoại đâu?

 

Chỉ ngần ấy thôi, đủ biểu lộ một trời yêu thương ngọt ngào, những ngọt ngào mà chua xót hơn cả là tình thương bao la tác giả dành cho đứa con bệnh hoạn tội nghiệp.

 

Mọi người quen đều thương mến con

Con lộ ra biết bao điều khác

Rất tự nhiên dễ cho người tội nghiệp

Con trú mình như một vết thương!

 

Đứa trẻ “sinh ra để gánh nợ đời”

 

Gánh xấu xa cho anh

Gánh ngu đần cho chị

Gánh bệnh hoạn cho mẹ cha thỏa lòng sáng ý

Bằng hồn con ngờ nghệch giữa nhân gian

 

Còn thơ cho vợ, người đầu ấp tay gối, anh viết thật tức cười

 

Hỡi em rất hay ghen chồng

Hít hà chi lắm cho lồng  lộn lên

Lộn lồng ông mới quàng xiên

Không dưng sao lại làm duyên hít hà.

 

Phần này thì để người đọc tự hiểu, Lãm Thúy không dám phân tích.

Riêng tình quê hương vẫn bàng bạc trong tim anh bằng những nỗi nhớ nhung đau xót:

 

Và trái tim con

Đau thắt nỗi quê nhà

Và biết bao những hình ảnh núi non, biển sóng, Tà Dôn, Phan Thiết, Qui Nhơn.

 

Muốn có một cái nhìn tổng quát về thơ Từ Thế Mộng, Lãm Thúy bắt buộc phải phân tích cà hai mặt: mặt nổi là tính dê gái , bạn bè ai cũng biết, thơ anh bộc lộ rõ ràng, còn mặt kia là một con người đầy ắp lòng yêu thương, chân tình, giấu kín một hồn thơ sâu lắng buồn rầu, cô đơn.

 

Muốn viết về thơ anh lâu rồi, từ ba bốn năm trước, nhưng Lãm Thúy tự biết mình không có khả năng đó và cảm thấy mình tầm thường, nhỏ nhoi, không xứng đáng để phê bình một nhà thơ đã thành danh trước 1975.

 

Nay, người thơ đã đi về cát bụi, những cảm nghĩ đơn sơ này thay cho một lời tiễn biệt muộn màng gửi đến Từ Thế Mộng, một thi nhân tài hoa mà Lãm Thúy đầy lòng ngưỡng mộ./.

 

Nguồn TQBT

Lãm Thúy
Số lần đọc: 2228
Ngày đăng: 26.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tác giả - Tác phẩm Người đồng hành quanh tôi, Tập II. - Trần Hữu Dũng
TWIST dù của tiểu thuyết hay một nhạc điệu... - Cung Văn
Đọc Cuối Cùng Tác Phẩm Cuối Cùng Của Nhà Văn Võ Phiến - Trần Vấn Lệ
Một cuộc kiếm tìm không ngưng nghỉ - Nguyễn Quang Thiều
Cát Vàng của Lữ Quỳnh, qua cảm nhận - Phạm Văn Nhàn
Đọc thơ Lâm Hảo Dũng nghĩ đến những ngày đã qua - Phạm Văn Nhàn
Rong bút - Trần Hoài Thư
Chu Cẩm Phong Có Viết 2 Cuốn Nhật Ký Trong Cùng Một Thời Gian ? - Bùi Minh Quốc
Thư Quán Bản Thảo Số 45 tháng 1-2011 - Nhiều Tác Giả
Không Gian Tôn Giáo Và Không Gian Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên - Đinh Văn Hạnh
Cùng một tác giả