Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.230.598
 
Những Người Hát Rong
Trần Quang Vinh

Mùa xuân phương nam có cảm giác như thiếu một cái gì?

Nhận ra rằng, đó là những luồng gió bấc se se lạnh ẩn sâu trong tiềm thức!

Nắng thổi hơi nóng trên đường phố ngập ngụa bụi khói. Nôn nao thương nhớ cái rét ngọt ngào ở miền quê xa lắc…

 

Chợt nghe tiếng đàn réo rắt cùng lời ca thao thiết não nề!

Ngơ ngác, sững sờ!

 

Thời gian không gian như tan biến. Đọng lại là những ký ức bâng khuâng vô định của kiếp người …

Bên vỉa hè, một người đàn ông đứng tuổi mù lòa. Nghênh nghênh đầu, tay chơi đàn, miệng hát. Phía trước là đứa bé gái chừng mười tuổi, tay cầm tập vé số, vai đeo loa, thòng sợi dây điện nối vào chiếc đàn ghita dẫn người cha mù lòa .

       

Đó là bố con người hát rong. Họ dùng lời ca tiếng đàn làm món quà khuyến mãi để bán vé số dạo trên đường phố.

 

Những hoài niệm xa xưa thấp thoáng hiện về.

 

Ngày ấy, tôi còn là một đứa bé theo mẹ đi chợ phiên ở làng. Đến gốc đa gần cổng chợ gặp một đám đông vây quanh ông già mù ngồi kéo nhị, miệng ngân nga khúc hát dân gian. Trước mặt là chiếc nón lá cũ nát đã tuột vành. Bên trong nón có nhúm tiền xu hào nhầu nhĩ.

 

Người ta đặt tiền vào nón để thưởng thức những làn điệu Hề mồi, Trống quân Cò lả…Trẻ con chen lấn reo hò.

 

Ông già mù cò cưa tay nhị, chuyển làn điệu kể tích Thị Kính, Thị Màu. Lắc lư đầu bạc. Não nùng giai điệu Xẩm xoan. Bên khóe mắt, những giọt nước đặc quánh trào ra …

 

Mẹ cởi ruột tượng đựng tiền, móc ra tờ bạc một hào, bỏ vào nón. Tôi giương mắt ngạc nhiên hỏi:

- Mẹ mua gì ạ ?

 

Dắt tôi đi vào chợ, mẹ thong thả bảo, ông già mù không bán hàng con ạ! Ông  là người hát rong ở làng. Hồi bằng tuổi con, mẹ rất thích nghe tiếng đàn tiếng nhị của những người hát xẩm ở gốc đa này.

 

Mấy năm sau, ông già hát rong thường ngồi dưới gốc đa gần cổng chợ qua đời. Nhưng ở làng lại xuất hiện cặp vợ chồng người hát rong từ nơi khác đến. Người chồng chơi đàn bầu, vợ kéo nhị. Hàng ngày họ lang thang hát rong. Vào phiên chợ lại trở về ngồi dưới gốc đa. Họ vẫn hát những làn điệu dân ca giống như ông già mù hát xẩm ngày xưa. Những lúc đông người, hai vợ chồng vừa đánh đàn bầu, vừa kéo nhị, song ca khúc hát giao duyên. Phiên chợ náo nhiệt như một ngày hội lớn.

 

Thời gian  trôi đi.

 

Cuộc sống đã có muôn vàn sự biến đổi lớn lao kỳ vĩ. Ở các thành phố xuất hiện hàng ngàn ban nhạc, dàn nhạc đồ sộ hiện đại. Nhưng cõi nhân sinh vẫn là như thế! Chẳng bao giờ mất đi lời ca bụi bặm dung dị của những người nghệ sĩ dân gian… Kiếp này tôi xin làm người hát rong…/.

 

VT, Xuân 2011

Trần Quang Vinh
Số lần đọc: 1830
Ngày đăng: 27.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngày mới đến Tuy Hòa - Từ Thế Mộng
Mảnh đời - Nguyên Minh
Thương người không thể cầm trong tay - Nguyễn Lệ Uyên
Còn thương rau đắng… - Huỳnh Thúy Kiều
Mai Châu – Bản Lác xuân này . - Lý Viễn Giao
Duy Thanh, người họa sĩ cuối đời chỉ …nguệch ngoạc! - Du Tử Lê
Bạn Xa Xứ - Nguyễn Thị Hậu
Mẹ ngồi vá áo thềm xưa - Huỳnh Thúy Kiều
Ghi Chép Buổi Sáng - Hamvas Béla
Hớt tóc ngày tất niên - Huỳnh Như Phương