Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.097
123.230.655
 
Món Ăn Cuối Cùng
Trần Minh Nguyệt

Thứ bảy không đi làm- trời lạnh, tôi đang cuộn mình trong chăn ấm thì chuông điện thoại réo vang. Tôi mắt nhắm – mắt mở với tay lấy điện thoại, một số điện thoại lạ tôi không có lưu trong máy. Tôi không muốn nghe vì chắc mẫm là mấy thằng bạn ở công ty gọi tôi đi nhậu đây mà. Thứ bảy, chủ nhật chúng cũng thường tụ tập ở nhà một thằng nào đó mà bày tiệc nhậu, rồi tám đủ thứ chuyện - chúng gọi hai ngày này là ngày “ xả stress” để có sức lực niềm vui “ chiến đấu”  cho tuần kế tiếp. Riêng tôi, có tuần tham dự, có tuần không; tuần nào không muốn tham dự là tôi không bắt máy vì biết cứ bắt máy là lũ bạn lại thuyết phục, quyến dụ tôi phải đến họp mặt cho kì được. Nhưng lũ bạn của tôi cũng khá tinh ranh, gọi số quen cho tôi không được chúng chuyển sang gọi số sim mới toanh,  khiến cho tôi  bị “ mắc bẩy” mấy lần rồi. Nghĩ là bạn gọi, nên tôi bỏ điện thoại xuống dưới gối và tiếp tục ngủ, nhưng điện thoại cứ réo hết lần này đến lần kia, réo không ngừng khiến tôi đâm lo. Tôi nghĩ mình cứ bắt máy và giả giọng như là đang bị cảm chắc lũ bạn cũng tha cho thôi. Tôi cầm điện thoại áp vào tai, một giọng nói lạ ở đầu dây bên kia  : “ Làm gì mà không bắt máy hả cha nội? Tao gọi mãi từ nãy giờ  muốn chết luôn. Mầy đang làm gì vậy? Còn nhớ thằng bạn này không? Chắc là dân thành phố nên quên mất tao rồi chứ gì? ”. Một loạt các câu hỏi vang lên, không đầu – không cuối, làm tôi thấy bực mình, tuy vậy tôi vẫn nhẹ nhàng trả lời: “ Chắc là anh nhầm số của tôi với ai rồi? ”. Giọng nói bên kia gần như hét lên -  “ Nhầm gì mà nhầm, ba mẹ mầy cho tao số điện thoại này đó, mầy không ngờ phải không? Cũng đúng thôi, mầy là dân thành phố giàu có còn tao là một thằng nhà quê vô danh tiểu tốt mà, thôi chào mầy, tao không làm phiền nữa! ”. Tiếng tút tút vang lên, Hiển bỏ điện thoại xuống mà lòng thấy nghi hoặc không yên. Điện thoại lại réo lên lần nữa, Hiển cầm vội máy lên và lần này là của ba anh.  Ba anh nói với giọng vui vẻ “ Thằng Nam điện thoại cho con chưa?  Nó lên thành phố có việc vào thăm con, ba đã cho nó số điện thoại và địa chỉ nhà của con rồi… ”. Tôi giật mình -  thì ra là thằng bạn nóng tính và rất thân của tôi hồi đại học, đã hơn tám năm rồi chúng tôi không gặp lại nhau, từ khi tôi cưới vợ hắn lên dự cho tới hôm nay làm sao tôi nhớ nổi hả trời…

                     

Tôi bấm máy gọi lại theo số của thằng bạn, khi có tín hiệu bắt máy tôi đã la làng lên : “ Nam! Thằng chết dẫm kia!  Mầy cũng không bỏ được cái tật nóng tính như Trương Phi sao? Gọi điện thoại cho tao mà không nói tên, nói tuổi chi hết, bổng dưng trách móc, chửi tao một hồi vậy, làm sao mà tao biết là mầy chứ, tao nói nhầm máy là vì ngày thường tao có đắc tội với ai đâu? Mà bị chửi tùm lum vậy? ”. Tiếng hắn cười tỉnh khô rất dể ghét, hắn là vậy đó, nóng giận vậy nhưng rất dể tha thứ không giận ai lâu bao giờ. Tôi cũng thấy thương và nhớ thằng bạn này lắm - tôi dịu giọng hỏi “ Mầy đang ở đâu? Tao tới đón? Nhà tao khó tìm lắm…”. Nam cười cầu hòa “ Tao đang ở ngã Bảy, chính xác là đang ngồi trong một quán cà phê Thanh Đa cách Ngã bảy 50m ”.

                   

Thứ Bảy đường đông nghịt người phải mãi đến 40 phút sau tôi mới lò dò vác bộ mặt nhăn nhó đến gặp thằng bạn “khó ưa nhất” của tôi được. Tới nơi, không để hắn kịp mở miệng tôi nói phủ đầu luôn: “ Mầy đừng trách tao gì cả, lúc nữa tao chở mầy về nhà tao, mầy sẽ biết tại sao tao đến muộn thôi mà ”.  Hắn cười khì - nói: “ Mầy nóng tính hơn tao mất rồi thằng ôn ạ ”.  Đường phố Sài Gòn bị sửa chữa nhiều đoạn nên kẹt xe luôn, hắn ngồi sau xe tôi chở mà cứ nhấp nhõm. Nghĩ sao, hắn  lầm bầm : “ Đường như thế này, tao thấy tao với mầy đi bộ còn nhanh hơn đó .”.  Tôi im lặng không trả lời hắn, tôi cho xe vòng vèo hết hẽm này đến hẽm kia, đến được nhà tôi phải đi qua tám con hẽm mà hẽm nào cũng sâu hun hút. Nhà tôi ở gần cuối con hẽm, là ngôi nhà cấp bốn, ở giữa hai ngôi nhà tầng nên nó đã nhỏ càng thấy nhỏ hơn. Nam nhìn tôi với ánh mắt ái ngại, sau cùng hắn cười :  “ Tao phục trí nhớ của mầy đó. Mầy tìm nổi đường về nhà là quá giỏi rồi, nhà chi mà đường khó đi quá chừng vậy ? ”. Tôi cười cười chọc quê hắn: “ Tao dân thành phố, giàu nên coi bạn không ra gì cả, tao cúp máy …” . Thằng Nam đấm vào lưng tôi, chúng tôi cùng cười vui vẻ.

-  Tao với mầy hôm nay nhậu thoải mái, say thoải mái – mụ vợ và cu con của tao về nhà ngoại ăn cưới dì út rồi. Thứ hai mới cưới nhưng về sớm lo công việc, còn tao thì chiều mai mới đi.

 

Tôi định dẫn hắn ra quán nhưng hắn không chịu bảo mua về nhà nhậu say thì ngủ không nguy hiểm, không phiền tới ai mà giá lại rẻ, không tính thêm tiền chỗ ngồi, các em phục vụ!. Hắn đảm đang ra phết, mua có hơn hai trăm ngàn mồi mà về chế biến đủ các món thơm phức, cũng gà quay, thịt heo luộc, thịt bò lụi… Nhìn cách hắn bày lên đĩa tôi đã cảm thấy thèm ăn rồi.

 

Chúng tôi đang ngồi lai rai, khề khà - kể lại chuyện xưa và hỏi chuyện nay, bỗng dưng tiếng la hét ở khu nhà bên kia đường vang lên làm Nam giật mình - có vẻ ái ngại.  Hắn đứng lên, định chạy ra cửa, nhưng tôi kịp ấn hắn ngồi xuống - nói khẻ  : “ Chỉ là một người bị tâm thần thôi mà”.

Bên kia dãy phố vẫn oang oang tiếng rền rĩ của ông Cổn như mọi hôm :  “ Tránh xa tao ra, tao sẽ giết chết mầy, bà con làng xóm ơi? Cứu tôi với, nó nhìn chằm chằm vào tôi, nó định giết tôi”. Sau đó giọng ông lại the thé vang lên, nhưng lần này là van xin:“ Tao xin mầy, tha cho tao, tao biết lỗi rồi, tao không ăn nữa. Đồ quân ác đức, bất nhân, đừng lại gần tao, tao xin mầy mà”. Sau tiếng phẩn nộ, rền rĩ của một giọng hét không cung bậc, đều đều - là tiếng ầm ầm, của nắm tay ông Cổn đập  vào cửa..

 

Khoảng mươi phút sau tiếng rền rỉ, tiếng khóc, tiếng van xin không còn nữa. Tất cả đã trở lại cái yên lặng lạnh ngắt như ban đầu - chỉ có tiếng của tôi và Nam rì rầm.  Nam hỏi  : “ Ông ấy bị  cú sốc thần kinh gì mà la hét nghe dễ sợ dữ vậy mầy? Chỉ qua những câu nói  khiến tao nghĩ chắc là ông ấy bị một chấn động nào đó cũng ghê lắm! ”. Tôi  cười – giọng thản nhiên: “ Bộ mầy là thầy bói hay sao mà đoán mò giỏi vậy? Tao có nghe nói cũng giống như mầy đoán vậy, nhưng không được rõ ràng ? Chỉ một người có thể  biết rõ, đó là anh Khắc – người trước kia là tài xế lái xe cho ông ta,  bây giờ đang chăm sóc ông ấy hằng ngày thôi!” .

 

Tôi vừa nhâm nhi cái đùi gà quay - vừa kể cho Nam:

- Ông Cổn và anh Khắc đến ở đây mới hơn ba tháng thôi, ngôi nhà này là nhà của ba, mẹ ông để lại - tao nghe nói ông ta có một biệt thự lớn ở trung tâm quận 10, hiện giờ vợ con ông đang ở. Người trong hẽm này nói ông Cổn bị ma nhập nên không ai dám đến gần ngôi nhà, cũng không ai dám hỏi han, tiếp xúc gì với anh Khắc. Tao không tin là có ma đâu nhưng mụ vợ nhà tao thì sợ hết vía, không dám cho tao trò chuyện với anh Khắc nên tao cũng không biết thêm gì nhiều. Thấy Khắc đơn độc quá, nên  thỉnh thoảng tao có lén sang nhà thăm - nói chuyện, thăm hỏi anh ta vài ba câu.

 

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu - tôi quay sang nhìn Nam : “ Mầy có sợ ma không? Nếu không, tối nay tao với mầy qua nhà anh Khắc chơi một lát nhé? ”  Nam ực xong cốc bia - giọng hào hứng: “ Ba cái chuyện mê tín tào lao  tao không tin đâu - mà dù tin là có đi nữa cũng không việc gì phải sợ?  Tao nghĩ mình sống lương thiện, không có ác ý  làm hại  ai, thì trời thương, ma cũng nể mà ! ”.

 

Tôi đưa ly lên cụng vào ly Nam -  lấy chiếc Nokia trong túi áo – bấm số - gọi cho anh Khắc. Tôi báo tin tối sẽ đến thăm chơi với anh một lát vì bà xã vắng nhà - buồn quá! Tôi nghe giọng anh đáp lại - không chút do dự - biết là anh sẽ rất vui…

 

Buổi chiều tôi chở Nam đi lo vài công việc riêng của anh ta, hơn tám giờ chúng tôi mới sang nhà anh Khắc được - lẽ ra là còn nấn ná ở nhà lai rai trò chuyện, nhưng anh Khắc đã nhắn tin gọi mấy lần.

 

Hai chúng tôi được anh Khắc đón ở cổng nhà.

Ngôi nhà được trang trí nội thất khá mỹ thuật và ấm cúng: Trên tường trang hoàng bằng những bức tranh cổ, dưới ánh sáng của những ngọn đèn trần trông chúng thật  kì ảo - những con ngựa trong tranh như biết chạy; những thiếu nữ trong tranh như biết nói - họ như đang mỉm cười chào đón chúng tôi vậy. Trên bàn  giữa phòng khách, anh Khắc chỉ để sẵn ấm trà nóng với một đĩa bánh “ Trứng Nướng” - không có bia rượu hay mồi nhắm nào cả. Tôi và Nam hơi ngạc nhiên vì hồi chiều chính anh bảo chúng tôi không được đem theo món nhấm gì qua cả, mọi chuyện để anh lo . Như hiểu được ý nghĩ  của chúng tôi, anh Khắc nó - như thì thầm : “ Mình xin lỗi hai cậu, mình không rời khỏi nhà sang nhà cậu Hiển để chung vui với mấy cậu được mà ở nhà này mình không dám nhậu đâu. Các cậu thông cảm cho mình nhé ? ”. Chúng tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong ngôi nhà khép kín này, nhưng nhìn anh Khắc có vẻ bối rối, lúng túng - nên vội trấn an anh: “ Không sao anh à! Vợ em không có nhà, em hôm nay như sỗng chuồng nên rủ bạn sang thăm anh thôi mà, chúng ta vui vẻ như thế này là quý rồi !”.

 

Khi chúng tôi đã yên vị - đang bưng tách trà uống từng ngụm -thưởng thức hương vị loại trà Bách Hợp đặc biệt - anh Khắc bắt đầu tâm sự : “ Về ở nơi con hẽm này tôi buồn quá, tôi không bệnh hoạn gì mà nhiều người lại tránh né tôi, chỉ có cậu Hiển thỉnh thoảng còn chào hỏi, qua lại thăm tôi thôi.” Ngừng lại một lúc - anh cầm tách trà lên, rồi lại đặt xuống giọng xúc động : “ Trước kia, tôi là tài xế của ông Cổn, còn bây giờ là người giúp việc, chăm sóc cho ông ấy. Tôi  đã mang ơn ông nhiều nên không nỡ bỏ ông lại một mình khi bệnh hoạn như vậy! Ông ta dù có làm chuyện gì sai, chuyện gì độc ác đi chăng nữa cũng là ân nhân - đã cứu sống ba, mẹ tôi khỏi bàn tay của tử thần”. Anh Khắc nhìn chằm chằm lên trần nhà - giọng yếu ớt : “ Nhà tôi nghèo, lần đó ba tôi bị huyết áp cao - liệt cả tay chân, phải nằm bệnh viện điều trị khá lâu, rất tốn kém. Mẹ tôi đi thăm nuôi hằng ngày - và  rủi thay lại bị xe đụng té ngã - chấn thương sọ não. Lúc hay tin tôi không biết xoay sở làm sao cả.  Anh chị em tôi ai cũng nghèo, biết đào đâu ra tiền mà lo cho cha, mẹ? Chúng tôi cứ nghĩ - cha, mẹ đã tới số phải ra đi rồi - chỉ biết than khóc cho số phận “ phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” như ông bà ta đã từng nói. Ông chủ tôi bất ngờ đã đến  thăm và bỏ ra cho tôi mượn hơn 100 triệu để đóng viện phí, lo việc thuốc thang kịp thời. Ông bảo sẽ trừ dần tiền công hằng tháng của tôi một phần. Ông cho biết vừa trúng mối làm ăn, kiếm được vài trăm triệu trong một tuần lễ! Ông chủ tôi là người chuyên buôn bán cổ vật nên chuyện trúng mối là rất bình thường. Sau khi cha, mẹ tôi khỏe lại, tôi vẫn là tài xế của ông như cũ, nhưng tuyệt nhiên ông không nhắc đến khoản nợ, và mỗi tháng lương vẫn trả đủ không trừ một đồng nào cả. Có lần tôi băn khoăn  -  áy náy hỏi thì ông chỉ cười : “ Tôi cho luôn cậu đó, nhưng cậu phải làm tài xế cho tôi suốt đời nhé? Cậu siêng năng, thiệt thà, tốt bụng, bên cạnh tôi hiện giờ hầu như không có người  nào giống cậu được. Họ ngon ngọt luồn cúi với tôi không phải vì thương yêu kính trọng tôi mà vì muốn moi tiền của tôi thôi ! ”.  Ông chủ của tôi bị phát bệnh đột ngột như cậu Hiển biết đấy là chỉ vì một món ăn cầu kì mà giới quý tộc, người giàu sang ưa chuộng mà thôi!”.

 

Có tiếng rền rĩ vọng xuống từng chặp từ tầng trên - anh Khắc vội đứng dậy - xin lỗi chúng tôi - và chạy lên cầu  thang.  Một lúc sau, anh lửng thửng bước xuống – giọng khẻ khàng:  “ Ông ấy đang ngủ - ông trở mình, và chắc có lẽ đã gặp ác mộng chi đó nên nói mơ thôi ! Chuyện ấy xảy ra hằng ngày mà! ”.  Anh Khắc nâng tách trà lên nhấp một ngụm - anh kể  “ Tôi là tài xế nên  ông Cổn với tôi như hình với bóng vậy. Ông  rất tin tưởng tôi nên đi đâu cũng đưa tôi đi theo cùng.  Phải nói là ông ta rất sành  sỏi về các món ăn chơi. Tất cả các món ngon vật lạ trên đời  gần như ông đã hưởng thụ gần hết. Tôi nhờ theo ông mà cũng biết thêm một số món ăn nổi tiếng Đông, Tây kim cổ, chứ nghèo như cỡ tôi làm gì mà dược đụng đũa tới mấy món của hàng đại gia ấy?  Những ngày ở Hà nội trước đây - có hôm ông Cổn kêu tôi đánh xe đến Nhà hàng Grand Plaza  để ăn phở cùng mấy đại gia Hà thành. Tô phở Sagaguyu  giá đến sáu trăm năm chục ngàn đồng đấy! Món ấy thì tôi cũng được ăn một lần - nhưng vốn nhát gan, có nhiều món ăn khác tôi không dám sờ đũa đến. Mà cũng chính nhờ vậy tôi mới được thoát nạn chăng? Mới còn được tỉnh táo ngồi đây mà nói chuyện cùng hai cậu …”. Anh Khắc có vẻ trầm ngâm.

 

Nam cắt ngang lời anh Khắc: “ Có món ăn mà không dám ăn thật hả anh? Em chưa nghe ai nói vậy bao giờ đó ! ”. Anh Khắc cười  hiền - tiếp tục, giọng có vẻ thích thú : “ Những món tôi kể lại ra đây xem thử các cậu có dám gắp không nhé, phần tôi thì chịu thua rồi!.  Ví dụ như món ăn có tên là “Nhộng Nai” – mà thực chất ra là    giòi tẩm bột chiên giòn”. Người ta lấy đầu con vật ( bò, heo, trâu, chó v v v) đã bị giết thịt để trên gác bếp, cho ruồi đẻ trứng vào đó, hóa ra con giòi, con giòi ăn thịt trong đầu con vật nên rất mập -  lớn cỡ bằng ngón tay cái của tôi vầy nè. Khi có khách gọi món, nhà hàng lấy đầu con vật xuống dùng thanh gỗ gõ gõ vào cho giòi rớt xuống trên thau bột, những con giòi lăn ra dính bột, và  người đầu bếp đem chấy giòn, thêm một ít gia vị. Ông chủ tôi ăn bảo là rất béo, rất ngon....”.

 

Tôi và Nam chỉ nghe kể thôi cũng đã cảm thấy ớn lạnh, rùng mình. Anh Khắc nhìn chúng tôi cười: “ Mới một món vậy mà các cậu đã sợ rồi sao? - Những món ăn sau này, có nằm mơ các cậu cũng không ngờ tới được. Có thể nói, tôi và ông chủ đã từng đặt dấu chân trên “ khắp các vùng chiến thuật” của đất nước. Thỉnh thoảng còn sang cả Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc vì nghề buôn bán cổ vật không dừng chân ở đâu lâu được, nhưng đi đến đâu là ông chủ tôi tìm để thưởng thức các món đặc sản, các món ăn lạ của vùng đó. Thôi thì đủ các món ăn kì lạ quý hiếm đắc tiền như: mì dế rán, tinh hoàn bò đực, bò cạp rán, thịt cá mập trộn, chuột lang quay, nhện đen hấp, trứng kiến, lưỡi vịt, và chó, mèo, rắn rết -  thứ gì cũng có đủ. Đồ uống và tráng miệng  thì dùng  nước tiểu của bò, bánh ngọt có lúc nhúc những con ong ở giữa …” .  Anh Khắc còn đang vui vẻ muốn  kể tiếp nhưng Nam đã la lên: “ Thôi đủ rồi, anh!  Món ăn gì mà nghe ghê sợ quá đi! Thiếu gì thứ để ăn mà lại đi ăn mấy món kỳ cục, quái lạ đó rồi cho là quý tộc, sang giàu? Chưa biết là ngon hay bổ thế nào - nhưng  nếu có ai mướn em cũng chẳng dám ăn nữa mà…”. Anh Khắc gật đầu -  cười, như tán thành ý của Nam : “ Tôi cũng như cậu thôi, dù  đi theo ông  nhưng chỉ ăn những món quen thuộc, những món lạ này thì dù chịu đói hay gặm khúc bánh mì tôi không dám đụng đến ! ”.

 

Tiếng gầm thét bất chợt của ông Cổn vang lên ở tầng trên làm chúng tôi giật nẩy mình. Chúng tôi theo anh Khắc chạy lên lầu. Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông Cổn – dáng người to cao, nét mặt dữ dằn, và màu da trắng bệch. Hai mắt ông rực lên sòng sọc – Ông hét lớn : “ Mầy muốn chết hả? Sao mầy cứ theo tao hoài vậy? Khắc ơi nó muốn hại anh, muốn giết anh, giúp anh đuổi nó đi…”.  Nói xong, ông ôm lấy mền trùm kín đầu và khóc nấc lên. Khắc mở khóa vào phòng, chúng tôi dợm muốn bước theo nhưng anh đưa tay ngăn lại. Anh gọi tên ông - “ Anh Cổn, anh Cổn…”  mấy lần - nghe tiếng anh, ông như người bị cuốn trôi giữa dòng nước xoáy vớ được cái phao cứu sinh. Ông ôm chầm lấy anh - giọng như van “ Cứu anh đi Khắc, bao nhiêu tiền anh cũng cho mà, đuổi nó đi, đừng để nó nhìn, nó cắn xé anh nữa”. Khắc rút từ trong người ra một con khỉ giấy màu vàng - anh nói to : “ Mầy đi đi, ông chủ tao là người tốt không làm hại mầy đâu, mầy còn quay trở lại là tao đánh chết không tha đó”. Ông Cổn nhìn theo con khỉ giấy mà anh Khắc vừa nhét qua khe cửa với nụ cười ngu ngơ, mãn nguyện.  Khắc dỗ cho ông  uống thuốc xong - khoảng 20 phút sau,ông chìm vào giấc ngủ ….

 

Nam đúng là người nóng tính, tò mò - không biết cái gì là tìm hiểu cho bằng được. Khi anh Khắc xuống dưới lầu, chưa  kịp ngồi vào ghế - Nam hỏi liền : “ Sao ông Cổn lại hết la hét, bình tâm  khi nhìn thấy anh đuổi con khỉ giấy vậy? Tôi thật tình không hiểu, anh à! Có gì uẩn khúc phải không anh? ”. Anh Khắc từ tốn  kể : “ Các cậu không hỏi tôi cũng sẽ cho biết mà – đâu có gì phải giấu diếm? Chuyện có liên quan đến một con khỉ lông vàng. Năm ngoái, chủ tớ tôi ra Lạng Sơn, trên đường về một số ông bạn sành ăn chơi của ông chủ  mời đến nhà Hàng Ánh Dương để thưởng thức món ăn độc nhất vô nhị mà ông chủ tôi chưa được nếm bao giờ. Khi chúng tôi tới nơi đã có ba đại gia ngồi sẵn ở đó rồi, ông chủ tôi ngồi với họ, còn tôi là tài xế nên ngồi chờ ở bàn bên cạnh. Trên bàn của họ đã để một nồi nước nấu sẵn bốc hơi nghi ngút, nhân viên nhà hàng khiêng ra một con khỉ lông vàng trong một cái lồng đặc biệt ôm chặt lấy người nó. Con khỉ dường như biết trước điều gì sẽ xảy ra – nó thu mình, yên lặng;  nước mắt cứ lăn ra từng giọt nhỏ. Lúc sau, Nó gắng đưa hai tay ra, chắp lại trước ngực - kêu gào  “ khẹt, khẹt…  liên hồi như lời van xin đã bị tắt nghẹn ở cổ họng nó. Tôi quá đỗi sợ hãi không biết họ sẽ làm gì với con khỉ đây. Tôi thoáng nhìn lướt lên gương mặt của ông chủ tôi và những người bạn của ông ta đang hả hê chờ đợi. Ông chủ tôi hình như đã hiểu ra điều gì nên nét mặt không tươi vui mà hơi biến sắc, chịu đựng. Còn bốn người bạn của ông cười nói tỉnh khô như không hề có chuyện gì. Một ông dáng to bự, đẩy đà - nói lớn: “ Chúng ta bắt đầu được rồi chứ?”. Ba người kia hưởng ứng theo, nhưng ông chủ tôi ngồi yên, không  nói gì. Có lẽ vì sĩ diện, ông không muốn thua kém ai trong chuyện sành ăn, điệu nghệ, trưởng giả -  nên  gượng cười thay cho câu trả lời. Người đàn ông mặt choắt, mũi khoằm, cầm một con dao mỏng như lá lúa mở nắp đỉnh lồng : Một ô tròn chỉ vừa đỉnh đầu của con khỉ nhô lên  thôi - ông lẹ làng cạo sạch lông ở cái chõm đầu ló lên đó. Con Khỉ giãy giụa và lại chắp đôi tay run run cầu cứu. Tôi sợ hãi vội quay mặt đi -  đứng phắt dậy – đi như chạy ra xe ....  Khoảng 20 phút sau, ông chủ tôi được hai nhân viên nhà hàng dìu ra xe. Ông ói mữa dữ dội. Gương mặt vàng bệch, đôi mắt trắng dã như người bị gió độc. Ông nói  “ Đi mau lên Khắc, anh sợ quá rồi. Lâu nay anh chỉ ăn món nào được họ làm thịt, chế biến - nấu nướng xong, đằng này con khỉ sống  vậy mà họ dạt chõm đầu múc từng muỗng não chấm vào nước lèo mà ăn, thật kỳ dị. Con khỉ cứ trừng trừng nhìn anh trước lúc nó không còn kêu gào, dẫy dụa được nữa. “  . Lên xe, ông chủ ôm chặt lấy tôi, làm xe lạng tay lái nhưng may mà quảng đường vắng người. Ông về nhà, chỉ hơn một tuần sau là phát bệnh như các cậu thấy đó.. Ông la, hét đập phá, không dám gặp ai - ông chỉ còn nhớ cái tên “ Khắc” của tôi thôi. Vợ con ông quyết định đưa ông sang vùng ngoại ô đây để tránh tiếng là họ có một người chồng, một người cha bị bệnh tâm thần. Một tháng họ mới cử người xuống đây thăm ông một lần, nhưng cũng chẳng  phải là thăm mà chỉ theo yêu cầu của tôi, đưa một Bác sĩ tâm thần tới thăm bệnh và cho thuốc uống mỗi ngày. Ông chủ lúc trước giàu có, bề thế vậy mà bây giờ sống cuộc sống thật buồn thảm ! Tôi rất thương ông…”.

 

Nghe anh Khắc kể xong câu chuyện, cũng hơn mười giờ đêm rồi. Bên ngoài yên tĩnh lạ thường. Cái yên lặng sâu hút, lạnh lẽo - như cuộc đời mờ mịt của ông Cổn đang mê thiếp trên tầng lầu kia. Nói lời từ biệt anh mà lòng chúng tôi  vẫn luôn cảm thấy ngậm ngùi cho một cảnh đời điên đảo. Dù anh Khắc nói  chắc như đinh đóng cột rằng “ Ông chủ của tôi nhất định một ngày nào đó sẽ hết bệnh, vì trong ông còn có lòng nhân từ mà!  Ông đâu dám ăn món ăn cuối cùng đó mà chỉ đưa muỗng “ ăn thử” một chút cho biết rồi ngồi nhâm nhi cốc rượu để chứng kiến thôi !”.

 

Nhưng cái ngày đầy ánh sáng đó bao giờ mới đến được đây? Trên đường về lại nhà – Nam chợt nắm tay tôi - thở dài: “ Tôi với cậu nghèo vậy mà khỏe! Không có gì phải vướng bận hay lo lắng”.Tôi siết chặt tay Nam và mỉm cười trong đêm./.

Trần Minh Nguyệt
Số lần đọc: 1709
Ngày đăng: 29.01.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ê-va xóm cồn - Quý Thể
Chiếc phao - Lê Văn Thiện
Đêm Màu Hồng - Võ Công Liêm
Sai Một Li Đi Một Dặm - Vũ Anh Tuấn
Tìm về - Phạm Văn Nhàn
Chiến tranh - Trần Hoài Thư
Kẻ hát rong không cần quen biết - Trần Hạ Tháp
Âm Thầm - Lê Văn Thiện
Đời đầy chuyện ngạc nhiên - Trần Hoài Thư
Máy In Tiền - Hoàng Xuân Hoạ
Cùng một tác giả
Chuyện của bà năm (truyện ngắn)
Mùa xuân năm ấy (truyện ngắn)
Một giọt máu rơi (truyện ngắn)
Giọt máu (truyện ngắn)
Một Câu Chuyện Tình (truyện ngắn)
Chuyện Làng Tôi … (truyện ngắn)
Tiếng Gọi ThẦm (truyện ngắn)
Món Ăn Cuối Cùng (truyện ngắn)
Một Lần Li Hôn (truyện ngắn)
Cảm Giác (truyện ngắn)
Bác Sĩ Mụt Ruồi (truyện ngắn)
Bên Dòng Sông Quê (truyện ngắn)