Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.229.410
 
Cảm nhận khi đọc Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa Của Trần văn Sơn
Phạm Văn Nhàn

Nhận được tập thơ “thấp Thóang Vài Nụ Hoa” của nhà thơ Trần Văn Sơn gởi qua tặng. Cầm tập thơ trên tay, mỏng, đủ cho tôi đọc trong chốc lát là xong. Nhưng không phải vậy, đọc đi rồi đọc lại, mới thấy thơ của Sơn không là của anh, mà là của những người sinh vào thời buổi tự mình không chọn lịch sử mà lịch sử chọn. Chiến tranh!

 

Tuổi trẻ chúng tôi lớn lên chẳng được tự mình chọn cho mình có một cuộc sống riêng tư theo ý muốn, mà chúng tôi giống như những viên bi nhỏ nhoi bị lực hút của một quả cầu lửa nam châm hút vào làm thiêu rụi. Quả cầu lửa đó là thế lực xanh đỏ chụp xuống trên quê hương chúng tôi từ lâu.  Nhà thơ Trần văn Sơn cũng như  tôi không làm sao thoát khỏi. Phải lăn vào, lăn vào nó như con thiêu thân. Và, cuộc sống trước mặt sẽ ra sao, mặc cho thế sự. Chấp nhận nó ngay cả cuộc sống trước mặt, cho dù lắm bẽ bàng. Người bạn chiến đấu nằm xuống hôm nay và, biết đâu ngày mai là tôi, là anh, là những người sẽ nối tiếp. Những câu thơ trong bài: Nói Với Bạn Bè của Sơn đã nói lên cái tâm trạng của những người sinh cùng một thế hệ ấy. Thế hệ chiến tranh ( chữ của Trần Hoài Thư):

 

“Tao vẽ một vòng tròn trong nghĩa trang này

Dành riêng tụi mày vài vuông đất mới

Đứa nào chết sớm vào mộ nghĩ ngơi

Đứa nào sống lâu thắp nhang cầu nguyện.”

 

Như thế đấy, giản dị vô cùng. Cho nên, trong thơ Sơn nói thật lòng, không ngại: “ thằng Trung chết sớm là nó có phước/Được người thắp nhang được người vái thấm” Đời lính chúng tôi quan niệm như thế đấy, nhẹ như mây trời.

 

Với Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa, Sơn làm nhiều thể loại thơ. Nhưng khi đọc lên, tôi thấy dù là loại thơ nào cũng đã gói ghém lên cả một trời tâm sự của anh và cũng là của tôi. Đọc, thấy nó gần gũi trong quá khứ, hiện tại và cả một tương lai không biết có tươi sáng hơn không trên cái xứ tạm dung này. Tuy nhiên có tươi sáng hay không cũng mặc, cứ nhìn vào thẳng cuộc đời, cực khổ ư? Sung sướng ư? Thì vẫn chung quanh Sơn …thấp thoáng vài nụ hoa rồi.

 

Sao mà đẹp thế? Tôi muốn nói đến “Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa” của Sơn. Có lẽ bài này anh làm sau những ngày anh ra khỏi trại cải tạo ( không thấy ghi năm tháng). Nhưng khi đọc lên, tôi đoán như thế, Phải không Sơn? Nhưng đây cũng là bài thơ mà Sơn đã chọn làm nhan đề cho cả một tập thơ, đủ nói lên cái tính bao dung của một người lính cũ miền nam. Dù biết rằng, sau những năm tháng gian khổ, đọa đầy. Cho nên dẫu:

 

“ Dẫu không cửa không nhà

Vẫn an nhiên mà sống…

Dẫu:

“ Một ngày, một ngày qua

Khốn khó vây quanh ta

Cháo rau ngày hai bữa

Chưa đủ ấm thịt da”

Dẫu:

 

“Mộng có khi là thực

Nhưng thực phải thế nào

Ngày. Ngày qua- còn đó

Tia nắng chưa rọi vào”

 

Thế mà, với Sơn nhìn đâu anh vẫn thấy:

 

Sáng nay trời thật đẹp

Hoa ngào ngạt quanh nhà

Vườn ai vừa mới nở

Thấp thoáng vài nụ hoa.”

 

Tuyệt vời quá, đủ thấy được tâm hồn của anh. Tâm hồn của một nhà thơ khoác áo lính. Có lẽ người lính năm xưa đã ngộ được rồi chăng? khi mà: Mai kia ở động ngồi thiền/ tụng kinh gõ mõ điền viên một đời”. Để rồi, đọc thơ Sơn, ngẫm lại mình, tôi chưa thấy được thấp thoáng ở đâu đó có vài nụ hoa mới nở trong vườn nhà ai, như Sơn. Khi mà cuộc sống của chính bản thân còn quá khổ khi ở trại cải tạo ra. Nhưng với Sơn thì khác. Tôi khoái bốn câu thơ cuối của bài thơ: “Sáng nay trời thật đẹp/Hoa ngào ngạt quanh nhà/ Vườn ai vừa mới nở/ Thấp thoáng vài nụ hoa.”

Tôi nghĩ, với Sơn, những câu thơ anh làm, có lẽ khi lên thăm chùa trên núi Tà Cú mà ngộ chăng? Trong cuộc sống khổ như thế mà anh vẫn thấy vườn nhà ai có hoa mới nở, để nhà thơ thấy thấp thoáng vài nụ hoa. Đọc bài thơ: Nghĩ Quẩn Khi Ngủ Đêm Tại Pho Tượng Phật Nằm Trên Đỉnh Núi Tà Cú mà nhớ những ngày tháng cũ, tuổi thơ tôi khi lên thăm chùa. Cảnh u tịch của ngôi chùa cổ. Một ông sư. Một hồi  chuông chiều ngân lên. Đủ để thấy : Chống gậy trúc qua sông đón thuyền. Núi còn đó, chùa xưa còn đó, đã bao năm không lên. Chắc có nhiều đổi thay? Để đến nổi nhà thơ đã lên núi viếng chùa xưa, anh thốt lên:

 

“ Mở mắt

Thấy tường trắng

Nhắm mắt

Thấy tường đen

Có cái không ai thấy

Cái ta

Ta biết.

 

Bây giờ chùa như thế sao? Có lẽ một ngày nào đó về thăm, lòng ta cũng “diện bích” như nhà thơ?

 

Trong “Thấp Thoáng Vài Nụ Hoa” những bài thơ Sơn làm đã gợi lại trong tôi cuộc đời của người lính cũ, như anh. Sau 1975, buông súng, vào tù, rồi ra tù, rồi qua Mỹ. Cuộc đời cứ trải dài ra sau bao năm tháng thăng trầm trong cuộc sống. Thăng trầm trong đời lính không nói làm gì, vì có ai tránh khỏi trong thời chiến. Nhưng, có lẽ, nhà thơ đã khơi lại một chút dư âm, dù một chút thôi, cũng đủ làm cho những con sóng đã một lần ngủ yên trong lòng tôi trỗi dậy. Một kỷ niệm khó quên, dù biết rằng, thời đánh giặc năm xưa của chúng tôi thật lòng nói ra buồn nhiều khi nhìn thấy nếp sống của người dân phố thị. Nhưng sao đọc lại, nhớ vô cùng trong bài “ Kích Đêm” mà Sơn đã làm khi còn trong quân ngủ:

 

“ Gió lòn qua kẽ lá

Cuốn tròn trong poncho

Rét từng cơn mệt lả

Đồi tiếp đồi bao la

….

Đêm rơi sương ướt đẫm

Quả tim vết đạn hằn

Bao năm ôm súng đạn

Không một lần về thăm”

 

Để rồi hôm nay, sống trên đất người, nắng mưa là chuyện của trời đất. Nhưng sao, đọc những vần thơ lục bát về mưa của Sơn viết về quê nhà, tôi thấy như gần gũi quá. Mưa quê nhà có khác mưa trên xứ người không? Tôi đang mong những cơn mưa vội đến rồi đi như ngày nào Sài Gòn đang nắng chợt mưa/ Dừng chân đụt vội mưa vừa dứt cơn. Chỉ cần cơn mưa chợt đến như thế, một chút thôi để thấy cái mùi đất ẩm  ở quê nhà khi cơn mưa  vừa rớt hột. Cái mùi đất ẩm ngây ngây, nhưng lại ngất ngây lòng người ít gặp được nơi tôi đang sống. Những cơn mưa quê nhà, để: thương quá người ơi/ Giọt mưa và giọt hồn tôi rơi đều.   

Đọc thơ Sơn thấy đầy ấp những hình ảnh kỷ niệm của đời anh đã trải qua, nơi chốn, bạn bè, tù tội. Để rồi những nơi ấy đã gợi lên cho tôi những hình ảnh, địa danh mà tôi cũng đã đến. Những nỗi khổ trong trại cải tạo, miền Bắc hay miền Trung. Những người bạn tù thiếu ăn, thiếu thuốc khi ngã bịnh thì chết. Chiếc hòm không đáy lại được đem đến. Manh chiếu bó lại đem ra nghĩa địa tù để chôn. Bạn tù đi ngang qua, cúi đầu tưởng nhớ. Trại tù nào cũng giống nhau. Đói. Lạnh. Và khổ. Anh trải qua những trại cải tạo miền bắc. Tôi trải qua những trại cải tạo miền rừng núi Trung phần. Đọc những câu thơ anh ghi lại trong tù, sao nghe buồn quá đỗi.

 

Thơ Sơn gần gũi với tôi đến thế. Ngôi miếu cổ Bảy Đầu Rồng, nhà thơ ngồi uống rượu với Nguyễn Bắc Sơn bên cạnh ngôi miếu cổ đó. Nơi đó, gần 20 năm qua, tôi không về lại thăm, người bạn khốn khổ của tôi với Nguyễn Bắc Sơn không biết ra sao? Anh Huỳnh Tấn Ngọc mà NBS đưa anh về tá túc trong ngôi cổ miếu ấy sau những năm sống ở kinh tế mới. Bây giờ đọc thơ Sơn, chẳng lẽ ngôi cổ miếu ấy, hôm nay:

 

Ngổn ngang gạch đá lạnh hương trầm

 

để nhà thơ ngồi buồn mà:

 

chợt thoáng trong ly bóng nguyệt rằm?

 

Rồi quê hương anh. Nơi chốn anh sinh ra và lớn lên; mà ngày ngày tôi với những người “đồng khổ” đẩy chiếc xe ba gác chở theo nào những nồi niêu, thùng bọng, cát và xi măng ra núi Cố để trùng tu ngôi mộ cụ Nguyễn Thông. Con dốc đá cao cao mà người dân quê tôi gọi là dốc lầu Ông Hoàng, nơi sinh trưởng của nhà thơ. Với tôi, đẩy chiếc xe ba gát lên dốc cực vô cùng, thế mà nghe người lính cũ cũng làm nghề thợ hồ như tôi, đẩy xe lên dốc mà miệng vẫn hát  nghêu ngao: đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến. Lầu Ông Hoàng đó…trong bài nhạc của Trần Thiện Thanh. Mệt, nhưng lại thấy vui vui và khỏe khi gió biển thật nhiều, thật đầy thổi lên từ bờ biển Phú Hài, quê anh. Cái mệt như tan vào bọt biển mất hút trên những đồi cát ngút ngàn bất tận, mà sau này trên những đồi cát ấy nhà thơ Từ Thế Mộng đã an giấc ngàn thu.. Để hôm  nay, đọc bài thơ: Chiều Trên Lầu Ông Hoàng bỗng dưng những kỷ niệm xưa như sống lại. Nhưng khác với Sơn, tôi không thể:

“Chiều ngồi bên em

Bay bay tà áo mỏng

Tháp Chàm vẫn trăm năm

Chờ ai mùa biển động.

 

Đá mòn bước chân người

Tường xám xịt khắc đầy tên kỷ niệm

Thời gian! Thời gian ơi

Thầm mơ vầng trăng Hàn Mặc Tử

 

Em về hoa mắc cở

Phủ đầy mộ Nguyễn Thông

Lầu Ông Hoàng- núi Cố

Giữa biển trời mênh mông.

 

Cũng cùng khổ như tôi sau cái ngày tan hàng rã đám ấy, nhà thơ cũng: Cõng con dắt vợ leo đồi/ Phá rừng làm rẫy cất chòi tịnh tâm/ Vợ con tắm vũng trâu nằm/ Lưng gùi tay rựa quanh năm cuốc cày/ Đầu trần chân đất hôm nay/ Mai sau rồi cũng bóng mây lưng đèo. Hay nhà thơ đã ngộ được ra chăng? khi biết: Tử sinh bóng ngã bên bờ nhân gian.

 

Có lẽ thế, đời là vô thường mà, có phải thế không Sơn? Cho nên anh mới nhìn thấy được quanh cuộc sống của anh, nơi nào cũng : thấp thoáng vài nụ hoa. Mà, tôi nghĩ ít có ai như nhà thơ Trần Văn Sơn khi mà cuộc sống đời thường còn có quá nhiều vất vả  ( tinh thần lẫn vật chất).

 

 

Ngay cả khi Sơn đến định cư ở Mỹ trong tuổi đời quá mệt mỏi, chẳng có thời gian để hưởng thụ để bù lại những năm tháng khổ ải trong tù, những năm tháng cõng con dắt vợ lên lên rừng để dựng chòi làm nương , làm rẫy. Ngày qua ngày, sống trên đất tạm dung anh đã viết: Chín năm hít toàn bụi vải/ Nhìn quanh bốn bức tường trơn. Những câu thơ trong bài thơ; Thơ Viết Trên Bàn Máy May nghe thật não lòng của một người lính cũ. Để rồi hằng ngày trên vùng Đất Mới, anh phải:

 

Mình nhỉ! Dậy đi trời sắp sáng

Ngủ hoài nuôi mộng cũng bằng không

Quê nhà xa lắc cơn hồng thủy

Cuồn cuộc muôn phương vẫn một lòng

 

Mình nhỉ! Dậy đi trời sắp sáng

Ngủ hoài nuôi mộng cũng bằng không

Bao đêm thao thức nghe mình khóc

Hận muốn quay về thuở kiếm cung

 

Mình nhỉ! Dậy đi trời sắp sáng

Chiếu chăn không dịu nỗi đau đời

Mười năm lưu lạc hồn u uẩn

Thương mái nhà xưa vắng tiếng người

 

Mình nhỉ! Dậy đi trời sắp sáng

Chiếu chăn không dịu nỗi đau đời

Quê người có phải là cố xứ

Đất mới ươm mầm hạt thóc rơi

 

Cái nặng lòng của nhà thơ cứ âm ấp trong người anh một cõi trời cố xứ. Dù nơi ấy, đã một lần làm anh khổ nhục. Nhưng, với anh, quê hương vẫn là Phố quẩn quanh vài ba quán cốc

Hay :

 

Phố quạnh hiu vài ba xóm nhỏ/Đường quanh co ngõ hẹp tối tăm.

Thế mà, khi rời xa nó, anh nhớ vô cùng:

Dặn lòng không khóc

Sao giọt lệ rơi

Quê hương

Chìm trong mây.

 

Bốn câu thơ ngắn ngủi ấy của Sơn mới hiểu tấm lòng của nhà thơ xa xứ hôm nay./.

 

( nguồn Thư Quán Bản Thảo)

 

 

Phạm Văn Nhàn
Số lần đọc: 1668
Ngày đăng: 02.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đôi Điều Cảm Nhận Về: Hạt Bụi & Hoa Quỳnh - Mang Viên Long
Hòa Âm âm âm âm...của Nguyễn Lương Vỵ - Phạm Văn Nhàn
Giêng Xanh: Nỗi Buồn Như Hơi Thở… - Tô Hoàng
Lâm Hảo Dũng, Quê Nhà Khuất Cuối Chân Mây. - Nguyễn Lệ Uyên
Đọc Thơ Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê) - Trần Vấn Lệ
Nắng Qua Lăng Kính - Võ Thị Như Mai
Thế Giới Nghệ Thuật Đoàn Hữu Nam Trong Tiểu Thuyết Thổ Phỉ. - Sương Nguyệt Minh
Trần Hoài Thư: Cuộc Đời và Thơ Văn như chất keo dính chặt qua Ô Cửa - Phạm Văn Nhàn
Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác - Thụy Khuê
Những Con Chữ Hân Hoan, Búng Mình Trên Mặt Sông Chữ, Nghĩa Lữ Quỳnh - Du Tử Lê