Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.084
123.232.924
 
Vịt và người
Phạm Toàn

Trước Chúa, chúng ta hoàn toàn bình đẳng

về sự khôn ngoan … và về sự điên rồ

A.EINSTEIN

 

Trong trường hợp như sắp diễn ra đây, một nhà văn tài tình hơn tôi sẽ làm một điều tôi không làm được, nhà văn đó chắc là sẽ dùng ngòi bút mô tả hết sức du dương như sau: bỗng một tiếng nói cất lên làm tan mất cái tĩnh lặng tiết chớm đông Hà Nội…

 

Đúng thế, vì tôi bỗng giật mình! Buổi chiều Hà Nội chớm đông đang bắt đầu khô khô để nhiều mảng màu sắp sửa hoe hoe vàng. Và cái thành phố vào lúc sắp lên đèn yên lặng đến lạ lùng. Hà Nội khi đó vẫn còn hơi hướng một cái làng, chỉ thiếu một nét xưa nhà nhà người người cầm cây đèn hoa kỳ đi sang nhà hàng xóm xin lửa nữa là hoàn thành bức tranh quê …

 

Khi xảy ra câu chuyện đang kể đây, Hà Nội đã không còn nữa tiếng còi báo động, nhưng vẫn chưa có nhiều tiếng xe pháo ngày đêm gầm gào, và cũng chưa có nhiều người đổ về các loại chợ lao động họp giữa đường cả ở đầu ngõ các cửa ô cũng như ở cửa các văn phòng dịch vụ tư vấn, để mà chen vai thích cánh tranh nhau hoặc chia nhau chút hy vọng còm.

 

Cả một con phố dài dằng dặc trải ra trước mặt tôi vẫn không một bóng người, vì cái tầng lớp người còn có cái thú vui tản bộ trên đường phố Hà Nội đã vơi đi quá nhiều. Để nhấn mạnh cho cái thênh thang của đường phố, đó là dáng đi lạch bạch của hai con vịt đi phía trước, cách xa tôi chừng dăm mét. Tôi vừa đi theo hai nàng vịt vừa thầm nghĩ trong bụng: “em” gầy gầy kia là người đàn bà vỗn dĩ ở phường Khán Xuân, còn “em” beo béo hơn một chút đi bên cạnh chắc chắn giống người đàn bà vốn dĩ ở làng Nghi Tàm… Nghĩ rồi lại tự trách mình: “Hủi quá đi mất! Báng bổ quá đi mất!” Nói đùa nghĩ đùa vậy thôi, chứ thực lòng, tôi yêu vô cùng hai nàng thơ ấy, một người chắc chắn là dáng beo béo, nhàn nhã, và một người chắc chắn là dáng gầy gầy, nhẹ nhõm.

 

Cuộc sống chẳng khi nào chiều lòng người quá: tôi chẳng có điều kiện để được mơ mộng lâu thêm nữa trong cái tĩnh lặng Hà Nội khi bước vào thời hiện đại.

 

Lúc hai ông bà đó cất tiếng nói với nhau, tôi bỗng nhận ra rằng mình không đơn độc trên đường phố, mà sát bên mình, và có lẽ cùng đi song hành từ rất lâu cùng với mình cũng nên, còn có hai người nữa.

Nói cho đúng, ấy là tiếng bà vợ nói với ông chồng, vì tôi nhìn qua và để ý, thì mới đầu chỉ thấy ông chồng gật gù nghe vợ nói và tủm tỉm cười. Tuy bà vợ nói khẽ, chỉ đủ cho ông chồng nghe, nhưng tiếng bà trầm trầm trong cổ họng như tiếng đàn ông nên vang khá xa đến tận tai tôi.

Bà vợ:

-   Hai con cùng què!

Chẳng biết vì sao, khi đó tôi lại xen rất nhanh vào câu chuyện của họ:

-   Không què!

Và khi đã không kìm hãm được nữa, thì cái gì định nói nhất định sẽ phải tuôn ra:

-   Chú ý hai con mắt!

Hai ông bà cùng dừng lại và cùng nhìn tôi như thể tôi vừa từ trên bầu trời theo máy bay Mỹ vào ném bom Hà Nội, xong xuôi đâu đó thì lạc bước xuống con đường đầy lá vàng này để cãi lại họ rằng không, hai con vịt đó không què, nhưng hai con vịt đó có những con mắt hết sức khác thường.

 

Đúng thế, rành rành tôi thấy hai con vịt đang lạch bạch đi giữa đường phố thủ đô có đôi con mắt khác thường: một mắt ở phía trước, mé bên trên sống mũi, và một mắt ở phía sau phía trên gáy. Đôi vịt đó không có hai con mắt ở hai bên gần thái dương, ở gần cái địa chỉ bà con thường sau khi đè nghiêng kẻ tội đồ can tội làm cho người Việt Nam mắc tội sát sinh, để bà con đành lòng sau khi thành kính đập đập con dao bài vào đúng cái chỗ ấy, làm cho mạch máu nổi lên đập giật giật, rồi miệng thì lẩm bẩm tao hóa kiếp cho mày, mày sinh kiếp khác nhé, hôm nay cho tao đĩa tiết canh thật ngon

 

Cả chục năm sau, khi kể lại chuyện những con mắt vịt lạ lùng đó cho bè bạn nghe, ai ai cũng cho là tôi có vấn đề về mắt hoặc thần kinh nếu không phải là kẻ chuyên bịa chuyện. Nhưng thật lòng, tôi thích viết văn nhưng rất không thích “sáng tác” như các bậc kỳ tài, tôi thích viết chuyện có thật, như tôi nhìn thấy thật, như tôi sờ thấy thật, như tôi nghe thấy thật, như tôi cảm thấy thật …

Dưng mà, cái chuyện mắt vịt ở mũi và ở sau gáy thì rành rành là bịa, làm quái gì có chuyện đó, chưa bao giờ thấy hết!”

 

Về chuyện này, quả tình tôi oan, mặc dù không sao chứng minh được là mình oan. Tôi chỉ biết nói thật, nói cho hết: rõ ràng tôi có nhìn thấy và có nghe thấy cả tiếng chân lạch bạch của đôi vịt đi trước mặt tôi – trước mặt ba chúng tôi, tức là một cặp vợ chồng già nữa và tôi – và đó là đôi vịt có những con mắt không bình thường, hết sức không bình thường, những con mắt không nằm ở đôi bên thái dương chỗ chuẩn bị để có đĩa tiết canh, mà là một con mắt nằm mé trên sống mũi, và một con mắt kia nằm khuất sau gáy.

Cũng chẳng cần đợi cả chục năm sau, ngay khi tôi vừa cãi lại đôi vợ chồng già, họ liền quay lại nhìn tôi như nhìn người vừa từ trên máy bay Mỹ tụt xuống.

-   Hóa ra …?

-   Tôi cũng đi theo đôi vịt như hai ông bà…

-   Tôi và ông nhà tôi theo suốt mà chưa bắt lại được…

-   Bắt lại?

-   Phải, bắt lại!

-   Hóa ra vịt kia là của hai ông bà?

-   Chẳng của chúng tôi còn của ai vào đấy?

-   Ngộ nhỡ tôi cũng nhận đó là vịt của tôi thì sao nhỉ?

Tôi trót buột miệng nói trêu người đàn bà của thăng long đông đô hà nội đó, rồi kịp nhận ra ngay cái tật sểnh miệng của mình. Tôi đành nói tiếp để đỡ tội:

– Xin lỗi, tôi buột miệng nói đùa thôi đó... Xin lỗi, tôi không cố ý... Xin lỗi, thật sự tôi chẳng có ý gì khác cả!

 

Những điều tôi nói ra huyên thuyên khiến cho đôi vịt đang tồn tại như hoang đường trong không khí nay bỗng trở thành chuyện có thực mười mươi. Trước đây, với tôi, hai con vịt là một hình bóng tôi đeo đuổi để biết cho rõ mấy con mắt của chúng thực sự nằm ở đâu… Với hai ông bà, đôi vịt kia cũng là một thứ để họ đeo đuổi, vì mục đích gì không rõ, nhưng rành rành họ đã đi tới được kết luận hai con vịt cùng què.

Chắc hai ông bà cũng nghĩ là tôi cũng đeo đuổi đôi vịt với những dụng ý hoặc những mục đích nghiên cứu tương tự như của họ. Có lẽ đó là lý do để người đàn ông bây giờ dứt khoát can thiệp vào. Ông khẽ chuyển cái can đang chống từ tay phải sang tay trái, rồi ông lấy bàn tay phải khẽ cầm lấy cánh tay bà vợ và lắc lắc nhẹ. Và khi ông chồng lên tiếng, tôi nhận rõ âm sắc khác nhau của chồng và vợ: giọng ông chồng thanh hơn, nhẹ hơn, và dụt dè hơn.

-   Mình… Ta đi về thôi …

-   Còn đôi vịt?

-   Vịt gì nữa?

-   Đôi vịt kia kìa!

-   Vịt có phải của mình đâu? … Thôi đừng tham, mình ạ… Hôm nay đi dạo bộ thế là đủ vui rồi.

-   Nhưng còn đôi vịt? Bỏ à? Để mất à?

-   Thì có phải vịt của mình đâu mà bỏ với chả mất?

-   Không! Mình về đi. Cứ để mặc em với hai con này! Tôi với mình theo dõi hai con vịt đã mấy dãy phố qua đây, nó đi đâu ta theo đó, rõ ràng nó có là của ai đâu…

-   Nhưng nó vẫn không là của mình!

-   Không! Ban đầu chỉ là hai con vịt lạc thì chẳng là của ai hết. Nhưng bây giờ thì đã rành rành là của mình. Bây giờ tôi với mình bắt lấy nó, thế là hoàn toàn của mình. Phải thế không? … Tôi rất tiếc, mình trói gà không chặt, nói gì vồ vịt, chứ nếu không thì… Thôi, mình về trước đi vậy. Cứ để mặc em với hai con này!

 

Để bà con mình đỡ thắc mắc, đến đây người chép chuyện xin kính báo điều này: trong suốt cuộc tranh luận vừa rồi diễn ra giữa người với người, thì hai con động vật có tên gọi thông dụng là vịt thuộc họ vịt (anatidae) bộ ngỗng (Anseriformes) đã tranh thủ nghỉ ngơi, hai cô ả đã đang yên lành nằm xuống sát bên gốc một cây sấu già. Có thể cuộc hành quân vừa rôi đi qua mấy phố dài dặc đã khiến cho cả hai con vịt cũng như mấy người đi theo chúng mệt bở – “ôi còn đâu sức xuân xưa khi dòng họ ào ào ngày đêm vượt những cánh đồng bất tận”.

 

Cuộc nghỉ ngơi này là cần thiết để cả động vật lẫn con người cùng tái tạo sức đi bộ của người và vật chốn Tràng An. Với hai con vịt, rõ ràng là cần thiết rồi. Nhưng cũng cần thiết cho cả những con người đeo đuổi chúng. Dẫu sao cũng nên nhìn nhận cái ý vị của cuộc sống ở chỗ này và thấy cứ y như thể hai con vịt đã có được cái trí khôn động vật thị thành, chúng cũng ý tứ biết nằm tạm đó chờ đợi chấm dứt cuộc cãi cọ của mấy con người kỳ dị kia.

 

Kỳ dị thật đó chớ? Những con người chẳng biết vì sao cứ lẵng nhẵng đi theo chúng! Chúng sẵn sàng thử thách sự kiên nhẫn lẵng nhẵng của con người. Và bây giờ chúng lại tỏ ra thừa đủ kiên nhẫn và lịch sự chờ cho họ cái nhau xong thì chúng sẽ lại lên đường. Khi đó, chắc chắn mấy người kia sẽ lại đi lẵng nhẵng theo chúng cho mà coi!

 

Thành phố vẫn chưa lên đèn, rành rành là vì thiếu năng lượng. Nhà máy phát điện Yên Phụ hồi đó vẫn chữa gỡ lớp băng bó bọc kín toàn thân, cả mấy ống khói cũng được choàng kín bằng gạch xây. Hệ quả là cả thành phố sống trong chế độ tiết kiệm điện: lên đèn muộn, tắt đèn sớm, và không chong đèn ban đêm. Có điều là, xét về mặt mỹ học, cái thành phố tiết kiệm điện tuy thế cũng có mặt đáng yêu của nó. Hoàng hôn tự nhiên bỗng được kéo dài thêm trên con đường có đôi vịt đang nghỉ ngơi, cạnh đó có hai vợ chồng về già đang nghỉ ngơi vì họ đang được đôi vịt cho họ nghỉ ngơi, và có một nhà văn trẻ không ra trẻ già chẳng ra già lúc nào đầu óc cũng nghỉ ngơi.

 

Tôi bước lên chỗ gốc cây sấu già, định tới gần để nghé coi đôi con mắt vịt thực hư ra sao, có đúng một con mắt trên sống mũi và một con mắt phía sau gáy hay không, hay đó chỉ là sản phậm của tưởng tượng vô cùng thiếu lành mạnh của anh nhà văn lúc nào cũng nghỉ ngơi này.

-   Đừng! Đừng tới đó! (Người đàn bà ngăn tôi lại).

-   Tôi chỉ cốt nhìn thử xem …

Tôi định nói “xem những con mắt vịt…” nhưng kịp ngừng lại, vì nghĩ rằng mình có nói ra điều đó thì bà ta cũng chẳng hiểu ý tôi định nói gì. Nhưng nói thực lòng, tôi rất muốn nói ra những gì mình nhìn thấy liên quan đến những con mắt của đôi vịt theo như tôi cảm nhận được. Chắc chắn đôi vịt này phải có điều gì đó bí ẩn. Chắc chắn chúng có thể nhìn cả về phía trước lẫn phía sau nên chúng mới biết vừa đi vừa đợi hai vợ chồng ông bà xứ Tràng An vẫn lẵng nhẵng phía sau.

Ông chồng bỗng lên tiếng như thể ông vừa ghé sát tai tôi mà nói:

-   Lúc nãy tôi đã định bỏ đi…

 

Tôi quay ngang sang thì đã thấy mặt mình sát vào gương mặt thanh tú của ông rồi. Cơn tò mò của nhà văn khiến tôi nêu câu hỏi cật vấn ông cứ như cách người ta hỏi cung người ở trại cải tạo:

-   Vậy sao ông chưa bỏ đi?

-   Dọc đường đi qua mấy phố, hai con vịt có những thay đổi kỳ lạ…

-   Thế hử? Thay đổi ra sao?

-   Ban đầu, chúng là một đôi vịt cái…

-   Bây giờ chúng vẫn là vịt cái!

-   Không! Ban đầu thôi. Sau rồi chúng bỗng tự biến đổi thành một con đực và một con cái…

-   Đâu có? Vẫn y nguyên hai con vịt cái…

-   Tôi cam đoan, chúng đã thành một đực một cái rồi…

-   Không thể! Dọc đường từ khi bắt gặp chúng, tôi vừa đi vừa đặt thầm tên cho hai con, một con Khán Xuân, còn một con là Nghi Tàm mà!

-   Tôi cũng vậy! Do chỗ thấy chúng trở thành một đực một cái, nên tôi cũng kịp đặt tên ngầm cho cả đôi, Bích Câu đực Bích Câu cái.

-   A ha ha ha…

-   A ha ha ha … sao hai chúng mình lại gặp nhau ở điểm đó nhỉ? Ông làm nghề gì ở đất Hà Thành này?

-   Tôi làm nghề hay đùa… Thế còn ông?

-   Nghề của tôi thì không hẳn đã là nghề của kẻ thích nghiêm túc…

-   Đó là hai cực của một chuỗi thái độ có thể xoay vần để rồi vào lúc nào đó sẽ gặp nhau ở … một tiếng cười hoặc ở … một câu rủa.

-   Tôi không nghĩ như vậy, nhưng tôi đồng ý như vậy.

-   Còn tôi có thể không đồng ý như vậy, nhưng tôi bao giờ cũng cứ nghĩ như vậy.

-   Tại sao?

-   Vâng, tại sao, thưa ông bạn mới gặp mới quen?

-   Tại vì tôi quá nghiêm túc nên tôi hay đùa.

-   Còn tôi, tại vì tôi phải đùa để bảo vệ sự nghiêm túc.

Hai chúng tôi bỗng ôm chầm lấy nhau mà cười.

Đời có những niềm vui bất chợt như thế.

 

Ông bạn mới quen đánh rơi chiếc can chống vì trong khi hai tay ôm choàng lấy tôi, ông cứ lúng túng mãi để chuyển nó từ tay trái sang tay phải rồi lại từ tay phải sang tay trái… Bây giờ, ông đã ôm được tôi và dựa hẳn vào tôi, nên tôi thấy ông lấy chân đá cái can cho bắn đi xa, tỏ vẻ bất cần cái của nợ đó, và hai chúng tôi dựa hẳn vào tiếng cười của nhau mà đứng.

 

Tôi cầm tay ông bạn mới quen, lôi ra một góc cho cách xa khỏi bà vợ ông ta, cứ như thể hơi hướm bà vợ sắp làm loãng mất câu chuyện nghiêm trọng của chúng tôi, và cũng cốt để tôi nói ông nghe về cái điều bí mật liên quan đến mấy con mắt vịt tôi vẫn giữ ấm ức một mình trong lòng.

 

Tôi thấy người bạn này chính là kẻ để ta giãi bày. Nhưng tôi vô cùng lo lắng. Một nỗi lo gan ruột. Nếu đúng là đôi vịt từ một đôi vịt cái đã chuyển giới dọc đường thành một đực một cái, thì cùng với phép lạ đó có thể tồn tại những con mắt vịt ở trán và ở gáy như tôi thực sự nhìn thấy. Nhưng nếu như điều ông bạn nói đó chỉ là chuyện đùa, tức là nếu ông nói một điều không thực, thì tôi có thể tin hay không tin ở mấy con mắt vịt mà mình đinh ninh là đã nhìn thấy như mình kể đi kể lại mãi rồi: một mắt phía trên sống mũi và một mắt phía sau gáy.

 

Chẳng nhẽ chính tôi đã đùa lại chính mình? Chẳng nhẽ chính mình đã chơi khăm mình bằng cách tự mình nhìn thấy bốn con mắt vịt không theo cách sắp xếp bình thường mà là những con mắt nằm ở trán và ở gáy như tôi thực sự nhìn nhầm?

Nỗi sợ khiến tôi thận trọng. Tôi không kể ngay chuyện những con mắt vịt lạ kỳ, mà tìm cách đi mon men từ xa đến gần:

-   Ông thấy không? Thời buổi chúng mình bây giờ thật sướng.

-   Tôi cũng nghĩ có lẽ vậy…

-   Ngày xưa bằng tuổi ông và tôi thì Nguyễn Du đã chết rồi, chết lạnh cóng từ đôi chân, rồi lạnh cóng lên đến quả tim...

-   Các cụ ngày xưa cóc chịu tập thể dục.

-   Hì hì … Thời các cụ không có những sự lạ… Như chuyện con vịt có mắt ở sau gáy…

-   Đúng!

-   Ông có tin là có những con vịt có mắt ở sau gáy không?

-   Sao không?

-   Một con mắt ở sống mũi và một con mắt ở sau gáy?

-   Sao không?

-   Tôi nói với ông một điều bí mật này nhé?

-   Bí mật nào của ông thì tôi cũng biết từ tám hoánh. Có bí mật bằng đôi vịt cái biến thành một đực một cái không?

-   Ờ nhỉ! Thế đôi vịt của chúng mình thực hư ra sao? Một đực một cái hay là hai con cái? (Tôi vừa buột mồm nói đôi vịt của chúng mình mà cứ ngon lành như không ấy!)

-   Muốn biết thực sự là đực hay cái thì phải đánh tiết canh!

-   Vậy là ông nói đùa? Ông đùa tôi?

-   Sao tôi lại đùa? Tôi là người nghiêm túc. Ông mới là người thích làm người hay đùa! Chính ông chẳng nhận như vậy hay sao?

-   Không, tôi nói thật, tôi nói thật…

-   Thì ai chả nói thật?

-   Tôi có chuyện này muốn nói thật với ông đây, nhưng nói ra chẳng biết ông có tin hay không…

-   Ông nói gì tôi cũng tin… Nói đi, ông nói gì tôi cũng tin!

 

 

Ôi, tuyệt vọng! “Ông nói gì tôi cũng tin!” Một niềm tin tuyệt đối như vậy cũng đồng nghĩa với chẳng tin gì hết. Nói “Ông nói gì tôi cũng tin!” hoặc bảo mình “Ông nói láo đến đâu tôi cũng tin!” liệu có khác gì nhau?

Và nỗi đau đớn trong lòng tôi lúc này không phải là được tin hay không được tin, mà là bản thân mình có còn tin cái gì để tin được chính mình nữa hay không. Rất có thể tôi bị rơi vào cạm bẫy của chính mình hay sao đây? Đôi vịt kia có những con mắt bình thường ở mé bên trên thái dương, hay chúng có đôi con mắt khác với loài vịt của cuộc đời thường, một con mắt ở trên sống mũi và một con mắt ở sau gáy?

 

Bà vợ của ông bạn già tôi mới bắt quen lúc này đã ngồi thụp xuống ngay trên lớp gạch lát đường mà nghỉ. Hai con vịt cũng gục đầu vào nhau mà thiu thiu ngủ. Ra dáng chúng cũng chóng quen với cái gốc cây sấu già. Ra dáng chúng đã định sống cuộc đời tráng sĩ, sáng đâu là nhà, tối đâu là giường. Ra dáng chúng quên béng những con người vô công rồi nghề đã lẵng nhẵng đi theo chúng không biết bao nhiêu là đường đất.

 

Đúng lúc ấy thì đèn điện thành phố bừng lên. Cuộc thức tỉnh của ánh sáng không chỉ làm cho trí tuệ con người thức giấc, mà ngay cả sức vươn tới ánh sáng của đôi vịt lạc chuồng cũng được thức tỉnh.

 

Một con liền vươn đôi cánh vỗ liền mấy nhịp, rành rành là bắt chước con người vuôn vai ngáp dài, và nó hét toáng lên “quạc…ạc  quạc …ạc quạc…ạc”, rõ là mồm của một con mẹ vịt cái.

 

Con kia cũng bắt chước bạn ưỡn cái ức lên mà vỗ cánh, sau rồi chỉ khẽ “khoạp khoạp khoạp” sơ sài mấy tiếng, khàn khàn như tiếng … một con vịt đực. Rõ éo le! Cứ như thể nó cố ý báo cáo thiên hạ rằng ta đây nam nhi hăng máu vịt thì ít, và còn để thông tin cho một nhà văn bất tài, một cách gián tiếp để tôi tin rằng cậu này có lẽ có tên là Bích Câu đực gì gì đó, đúng như cái tên ông bạn mới quen của tôi đặt thầm cho.

Với niềm tin của một cậu bé, tức cũng là niềm tin của một nhà văn, tôi hỏi ông bạn mới quen, cố tình giữ lấy cái gọng bỡn cợt để cho câu chuyện nếu có gì thì cũng không thành nghiêm trọng:

-   Có phải con vịt vừa rồi đã … “chuyển giới” dọc đường hành quân đó không?

-   Con gì kia?

-   Con Bích Câu đực của ông ấy?

-   Dòng chảy của con ngòi có tên Bích Câu là đường đi quen thuộc tới một quán thịt vịt. Đực cái gì thì cũng vào đĩa tiết canh…

 

Tôi sững người ra trước câu đùa. Xưa nay tôi thích đùa. Tôi đã quen với cái đùa. Nhưng nào ngờ, lần này cái đùa lại như một cây gậy từ một cõi vu vơ hạ xuống nện trúng đầu mình!

Nhưng đó mới chỉ là cây gậy thứ nhất nện xuống cái thân phận nhà văn nhạy cảm này.

Cây gậy thứ hai nện xuống diễn ra chớp nhoáng liền ngay đó.

Hai bóng thanh niên đèo nhau bằng xe đạp ào tới, một đứa mở ra một cái túi, một bóng áo trắng kia bắt vội và nhét nhanh vào trong túi hai con vịt đang đứng thanh thản nghỉ ngơi bên gốc cây sấu già. Trong cái nhập nhoạng của một chiều thu Hà Nội, cuộc tiến công kẻ cướp diễn ra quá nhanh. Nhanh, quyết liệt, dứt khoát, đã đánh là thắng, không một giây trù trừ. Vài chục năm sau, thế hệ mới sẽ nói rất đẳng cấp!

 

Tôi vẫn còn kịp nghe thấy tiếng bà mệnh phụ người Hà Nội la lên:

-   Vịt của tôi!... Của tôi!

Một tiếng vặc lại quá xấu xí, tôi không nỡ nhắc lại ở đây.

 

Mối lợi vật chất đã mất, mối lợi tinh thần cũng chẳng còn. Hai ông bà người Tràng An bỏ tôi đứng đó một thân một mình, người chồng dắt tay người vợ, hai ông bà vừa đi vừa khẽ an ủi lẫn nhau.

Họ bỏ quên tôi hẳn.

 

 

Nhiều năm sau…

Nhiều năm sau, nay nhớ lại và ghi lại, thì câu chuyện còn có một đoạn kết như sau chứ không cộc cằn đến thế.

Tôi tiếp tục đi bộ một mình trên con đường Tràng An tối thui vì chế độ điện tiết kiệm đã có hiệu lực.

Một tiếng khóc nức và một tiếng “Mẹ ơi …” kéo dài trong bóng tối.

Đó là một bé gái. Tôi hỏi cháu bé:

-   Sao cháu khóc?

-   Mẹ cháu bắt đi nhanh.

-   Nào bác dắt cháu cùng đi nhanh.

-   Cháu muốn đi chậm. Mẹ cháu cứ bắt đi nhanh.

-   Đi nhanh cùng bác đi! Bác vội lắm!

-   Bác cứ như mẹ cháu. Lúc nào cũng nhanh lên nhanh lên.

-   Bác vội đi tìm hai con vịt.

-   Cháu cũng có vịt đây. Bác thích cháu cho. – Em bé nói và chía ra con vịt nhồi bông vẫn ẵm bên mình.

-   Của bác là vịt thật không phải vịt nhồi bông như của cháu. Vịt của bác đặc biệt lắm, con nào cũng có hai mắt…

-   Bác này! Vịt nào chẳng có hai mắt?

-   Ờ, nhưng vịt của bác có một con mắt ở giữa mũi này (tôi lấy tay chỉ vào mũi mình) và một con mắt nữa ở sau gáy này (tôi lấy tay chỉ vào sau gáy mình).

-   Thế à? Thế thì phải đi tìm… nhanh lên nhanh lên.

-   Cháu bắt đầu nhanh lên nhanh lên rồi đó.

-   Mẹ ơi… Mẹ ơi chờ con… Con đi nhanh đây…

Một tiếng bật cười khanh khách sát ngay phía sau hai chúng tôi. Hóa ra người mẹ vẫn kiên nhẫn chờ con và thành phố tối thui đã giúp cho người mẹ lúc này bỗng xuất hiện bất ngờ.

Người mẹ dắt tay đứa con gái bé bỏng phăm phăm đi trong đêm tối đất Tràng An.

Bỏ mặc tôi đứng lại một thân một mình.

Bỏ mặc một người viết văn đứng đây một thân một mình trong đêm tối đất Tràng An./.

 

Hà Nội, giữa tháng 9 - 2010

 

Phạm Toàn
Số lần đọc: 1558
Ngày đăng: 02.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lạc Nhau - Hà Thúc Sinh
Một Cuộc Dành Lại - Nguyễn Thanh Hiện
Chạnh Lòng - Nguyên Minh
Đêm Khải Huyền - Quý Thể
Lũ Mèo Hoang - Trần Hoài Thư
Món Ăn Cuối Cùng - Trần Minh Nguyệt
Phở Hách - Hà Thúc Sinh
Ê-va xóm cồn - Quý Thể
Chiếc phao - Lê Văn Thiện
Đêm Màu Hồng - Võ Công Liêm