Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.230.901
 
Thiên Đường Tuổi Thơ
Nguyễn Thanh Hiện

Ngồi thử tính những thứ ta còn nợ cuộc sống, thì thấy quá nhiều, trong đó có khoản nợ lũ chuồn chuồn. Mà ta có nợ lũ chuồn chuồn là cũng tại ông Sáu Thiết. Với đám trẻ bọn ta hồi ấy, ông Sáu Thiết như một vị lãnh tụ anh minh dẫn dắt  bọn ta thoát khỏi cảnh ngu tối. Ông trời chỉ có một cái chân, và lúc nào cũng có chửa, nên lúc nào cũng nhìn thấy cái bụng to tổ bố. Mới đầu thì hết thảy lũ heo đều có sừng, sau đó  thì mới nhượng lại hết thảy sừng cho lũ bò. Con sông nào cũng có hai cái bờ nằm ở hai bên, lúc có nước thì chảy, lúc không có nước thì đứng im…

 

Thứ kiến thức bách khoa đó là do ông Sáu Thiết truyền đạt. Ở làng ta có nhiều thứ có vẻ kỳ cục. Đàn bà phụ nữ cũng hút thuốc lá, cũng cầm cày cày ruộng, như đàn ông. Nói chung, hằng ngày, người lớn ai cũng đi cày. Chỉ ông Sáu Thiết là ở nhà để dẫn dắt đám trẻ bọn ta. Ta thì ta cho rằng khi được ông Sáu truyền cho kiến thức ấy, thứ kiến thức liệt kê sau đây, thì trong đám trẻ nít bọn ta đã xảy ra một cuộc cách mạng, cũng to lớn như khi loài người tìm ra lửa.

 

Chuồn chuồn bay cao thì nắng, bay thấp thì gió, bay vừa thì mưa.

Chuồn chuồn, khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.

Chuồn chuồn cắn rún biết bay.

   

Khi ta sinh ra thì thấy ở đất quê mình có lũ cu gù trên hàng tre sau nhà, thấy có đám cò trắng cứ  mỗi chiều về thì từ cánh đồng làng cùng cất cánh bay về núi, thấy có lũ bò heo gà vịt. Và tất nhiên trong đám sinh vật nhiều vô kể ấy có lũ chuồn chuồn. Đông lắm. Ở trên đồng làng, ở trong vườn nhà, đường nơi nào cũng có lũ chúng. Như vậy là nhờ ông Sáu Thiết bọn ta đã biết dự báo thời tiết, biết nỗi buồn vui của lũ chuồn chuồn. Nhưng cái biến cố mang tính cách mạng ấy là do chuyện cắn rún. Trong muôn loài, chỉ loài chim mới biết bay. Và nghe đâu thần thánh cũng bay được như chim. Giờ bọn ta chỉ làm mỗi việc đơn giản, là cho lũ chuồn chuồn cắn rún của mình, thì sẽ nhập vào thế giới của thần thánh và thế giới của các loài chim! Một luồng sinh khí mới bỗng thổi vào cuộc sống vốn bình lặng của đám trẻ bọn ta. Thì ngày nào ông Sáu Thiết lại không cho chuồn chuồn cắn rốn của ông, cho bọn ta xem. Mà cũng lạ thật, như để giúp bọn ta sớm nhập vào thế giới thần tiên  ấy,  lũ chuồn chuồn kéo về làng ta mỗi ngày một đông. Chỗ cốt tử là cắn thế nào, cho nên không phải đứa nào cho chuồn chuồn cắn rún thì cũng biết bay. Ông Sáu nói. Như vậy, vấn đề còn lại là bọn ta phải học cho bằng được cách cho chuồn chuồn cắn rún. Nhưng ông Sáu bảo đây là việc tâm truyền, tức cứ nhìn ông làm mà làm theo, chứ chẳng thể diễn bằng lời. Lúc cho chuồn chuồn cắn rún miếng đầu tiên, ta thấy tới ba bốn ông trời. Nhè chỗ núm ruột mà cắn, làm sao không đau. Mẹ ta hỏi đau sao mà bỏ cơm? Ta nói là đau rún.. Mẹ hỏi đương không sao đau rún? Ta không đáp, mà hỏi lại mẹ, rằng hồi nhỏ mẹ có cho chuồn chuồn cắn rún không? Tối, mẹ kể cho nghe. Mẹ ta đáp thế tức là bà đã rõ nguồn cơn. Tối, cơm nước xong yên, ta theo mẹ ta bay vào cái thế giới ấy. Bà hạ cánh xuống bờ một con sông. Đang mùa đông. Con nước đầy bờ. Một chặp, một con thuồng luồng to lớn ngóc đầu lên khỏi  nước, khạc ra một ông vua, lát sau, ông vua khạc ra những con rắn mẹ rắn con. Còn mẹ thì khạc ra thứ gì ? Ta xen vào cuộc bay của mẹ. Bà bảo đừng hỏi, vì mọi thứ là do lũ chuồn chuồn mà ra. Ta nghe nhẹ cả người. Và ngủ một hơi đến sáng. Có phải đoán biết chuyện trong đêm hay không, vừa trông thấy ta, ông Sáu hỏi bay được rồi phải không? Ta đâu dại gì đi khai chuyện bay theo mẹ ta. Sao ông Sáu vẫn chưa kể cho lũ con nghe ông đã bay thế nào? Lần đầu tiên ta lên tiếng đòi hỏi vị lãnh tụ anh minh của mình phải kể ra những chuyến bay của ông. Lập tức, lũ trẻ nít trong làng tôn ta là đại ca. Đại ca đã bay được lần nào chưa? Bọn chúng theo hỏi. Ta dại gì đi khai thật với lũ đàn em chuyện đã bay được hay chưa bay được. Có một sáng trời trở gió. Lũ chuồn chuồn như tụ tập về làng ta nhiều hơn. Cứ coi ta làm, rồi đứa nào nấy cho chuồn chuồn cắn rún,  và nấy bay. Ông Sáu lại nói to lên câu ông vẫn nói mỗi lần dạy cho bọn ta cách cho chuồn chuồn cắn rún. Còn lũ chuồn chuồn thì vừa bay, vừa sà lên đầu bọn ta. Chuồn chuồn cắn miếng thứ hai, ta thấy tới mười một ông trời. Kể từ bữa đó, cứ nghĩ đến bộ răng của lũ chuồn chuồn là ta cảm thấy rất hãi. Tuy thế, ta vẫn thầm hứa với lũ chúng rằng, ngày nào ta biết bay, thì ta sẽ dìu dắt lũ chúng vào thế giới của thần tiên. Có lẽ là ông Sáu, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của bọn ta, muốn để cho mỗi đứa trong bọn ta tự tìm thấy cái thế giới lý tưởng ấy theo cách riêng của mình, nên chẳng bao giờ hé môi về những chuyến bay thời thơ ấu của ông. Còn ta, sau lần  liều mình tra hỏi ông, và được đám trẻ nít trong làng tôn là đại ca, ta thấy thế là mình đã đạt được niềm vinh quang. Có một đứa trong bọn ta đã cho chuồn chuồn cắn rún ngay trước ông Sáu và bọn ta. Có lẽ là đau lắm, nên thằng đó đã phản ứng một cách dã man là ngắt con chuồn chuồn ra làm đôi, và ném xuống đất. Ta cứ tưởng ông Sáu  không còn coi nó là đệ tử của ông. Không sao, có những thứ lý tưởng người ta phải đổ ra rất nhiều xương máu mới có. Bọn ta chỉ hiểu câu ấy ở mức độ rằng thằng đó chẳng có lỗi chi. Tức, trong quá trình cho chuồn chuồn cắn rún để biết bay, nếu thấy đau, cứ việc giết chuồn chuồn, chẳng sao hết. Ta thì sau  khi cho chuồn chuồn cắn rún  miếng thứ hai, chẳng còn dám cho lũ chúng cắn thêm miếng nào nữa. Nhưng cứ đêm đến là ta lại đòi bay theo mẹ ta. Có một đêm bà hạ cánh xuống một khu rừng già. Một con hổ thấy mẹ ta thì nhoẻn miệng cười, rồi lửng thửng đi về phía suối nước. Một chặp, lũ chim bay đến đậu trên  gọp đá, chỗ mẹ ta đương ngồi, hót vang rừng vang núi. Lúc lũ chúng bay đi thì một tòa lâu đài hiện ra ở  phía bên kia gộp đá. Mẹ của con đang đợi đấy. Một đứa bé gái nói với mẹ ta. Rồi nắm tay mẹ ta dắt vào tòa lâu đài. Chị rất nhớ em. Nàng tiên có mái tóc xỏa kín lưng nói, rồi đặt  đứa con trai của mình vào  một đóa hoa đương nở. Em cũng rất nhớ chị. Mẹ ta nói. Vậy ngày xưa mẹ cũng là tiên? Ta xen vào cuộc bay của mẹ. Mẹ ta bảo hãy im, vì bà đang trò chuyện với tiên. Đứa con gái mang ra một bình nước cam lồ, đưa cho thằng bé uống. Cha con bé ấy giờ ở đâu? Mẹ ta hỏi. Lúc thì ngủ ở bên này, lúc lại ngủ ở  bên kia dải Ngân Hà. Nàng tiên có mái tóc xỏa kín lưng kéo áo lau nước mắt, nói. Còn cha thằng bé thì ở đâu? Mẹ ta lại hỏi. Cũng chẳng rõ nữa, chuyện tình duyên ở chốn này cũng giống như chuyện trần gian. Nàng tiên có mái tóc xỏa kín lưng đáp. Ta rất muốn hỏi bà nữ tiên nói thế là sao, nhưng mẹ ta đã chuyển sang một chuyến bay khác. Như vậy là đám trẻ nít trong làng không còn đến với ông Sáu . Bọn chúng mê những chuyến bay ta chế biến từ những chuyến bay của mẹ ta. Khi ta bay đến bờ con sông đó thì mây kéo đến kín trời đất,  ta hô mưa đi, tức thì trời đổ mưa,  đứng nhìn con nước sông một chặp, ta khạc ra một ông vua, lấy lá mít chằm mũ mà đội, chằm dày mà mang, chằm áo quần mà mặc, ta hô, tức thì ông vua có cái bụng to gấp ba cái đầu lật đật chạy vào trong xóm, leo lên cây mít, để hái lá mít, lát sau chạy trở lại chỗ bờ sông để gặp ta, thưa đại ca, dày mũ quần áo đủ cả, giờ thì đi đâu nữa, đi bắt chuồn chuồn, ta hô, ông vua có cái bụng to gấp ba cái đầu chạy đi bắt chuồn chuồn, thưa đại ca, chuồn chuồn bắt rồi, cho cắn rún, ta hô, và thấy lão vua nhăn mặt nhăn mày, có đau không, ta hô, thưa đau, đã biết bay chưa, ta lại hô, thưa chưa, chưa biết bay thì chết, ta hô, và khạc ra những ngọn lửa to bằng cái thúng, một chặp sau thì ông vua có cái bụng to gấp ba cái đầu biến thành những rắn mẹ rắn con… Sau đó thì sao, đại ca? Lũ nó óng lên. Khi nghe mẹ ta  kể những chuyến bay thời thơ ấu của bà, ta đâu hiểu hết những điều bà nói ra. Nên giờ chế biến các chuyến bay ấy thành ra các chuyến bay của ta, thì ta cũng đâu hiểu ta đang nói những gì. Nhưng là đại ca, nên ta phải lên mặt lũ chúng. Sau đó thì cứ việc bay, chứ còn sao,  lũ bay là một lũ ngu. Ta mắng. Sau bữa thằng đó xé chết con chuồn chuồn, dường chẳng đứa nào trong bọn ta còn dám  cho chuồn chuồn cắn rún của mình. Không dám cho chuồn chuồn cắn rún, nhưng đứa nào cũng tuyên bố là sẽ bay. Tao sẽ bay vào những chỗ còn hay hơn đại ca! Chúng đã tuyên bố với nhau như thế. Có nghĩa là có một cuộc âm thầm chạy đua vào chốn thiên đường. Chẳng biết ông Sáu Thiết, vị lãnh tụ anh minh của bọn ta, đang vui vì biết  bọn ta đang đua nhau để bay, hay đang buồn vì chúng nó kéo đến với ta, mà không đến với ông để  học cách cho chuồn chuồn cắn rún. Bay được rồi phải không? Gặp đứa nào, ông cũng hỏi vậy.  Còn ta, để giữ niềm vinh quang lũ chúng phong tặng, ta phải tiếp tục kể cho chúng nghe những chuyến bay của mình. Có nghĩa là ta phải bám theo các chuyến bay thời thơ ấu của mẹ ta, để tiếp tục  chế biến thành các chuyến bay của ta, chẳng còn thiết nghĩ đến chuyện cho chuồn chuồn cắn rún để biết bay nữa. Nên rốt cuộc là ta vẫn còn nợ lũ chuồn chuồn./.

 

2009, tiết lập thu

 

Nguyễn Thanh Hiện
Số lần đọc: 1931
Ngày đăng: 07.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ngọn lửa bất diệt - Huỳnh Văn Úc
Núi Đổ Trong Lòng - Hà Thúc Sinh
Mùa Xuân Hư Vô * - Lữ Quỳnh
Mộ Ông Ðá - Kinh Dương Vương
Tiếng leng keng của chiếc chuông đồng - Phạm Văn Nhàn
Người Thơ - Hà Thúc Sinh
Vịt và người - Phạm Toàn
Lạc Nhau - Hà Thúc Sinh
Một Cuộc Dành Lại - Nguyễn Thanh Hiện
Chạnh Lòng - Nguyên Minh