Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.111
123.229.606
 
Những bãi chiến trường trong tương lai
Phạm Nguyên Trường

Peter Singer (Sueddeutsche Zeitung– Đức), 05/02/2011,  Phạm Nguyên Trường dịch

 

Bắc Băng Dương, vũ trụ và không gian mạng – những khu vực mà trước đây con người chưa với tay tới hay đơn giản là không tồn tại, nhưng hiện nay đã có ý nghĩa kinh tế vô cùng to lớn. Lịch sử buộc chúng ta phải chuẩn bị cho những cuộc xung đột trong những khu vực mà mới gần đây vẫn chưa có người đặt chân đến này.

 

Khi các lãnh tụ chính trị suy nghĩ về những khu vực có thể bùng nổ chiến tranh trong tương lai trước hết họ thường nhìn vào những điểm nóng trên bản đồ địa lí. Họ cố gắng tìm hiểu xem nước nào sẽ sụp đổ trong thời gian sắp tới (Pakistan hay Yemen?) hay nước nào sẽ trở thành nguồn gốc của khủng hỏang (Iran, Bắc Triều Tiên?). Còn những người tự coi mình là Bismark của thời hiện đại và đang sọan thảo những chiến lược ở tầm rộng lớn thì lại coi thế giới như là được xây dựng bằng những viên gạch liên hệ mật thiết với nhau. Họ chú ý tới những nước phát triển rất nhanh và đang làm biến đổi khung cảnh địa chính trị, như là Trung Quốc và Ấn Độ. Các chiến lược gia này thường tập trung chú ý vào những khu vực ảnh hưởng chồng lấn lên nhau, và họ tập trung vào việc tìm những đường đứt gãy cũng như những điểm có thể xảy ra những trận động đất mới. Nhưng nếu ta đi xa bản đồ vài bước thì ta sẽ hiểu một điều khác: đang xảy ra những vận động đầy ý nghĩa, có ảnh hưởng đến sự kiện là trong thế kỉ mới chiến tranh sẽ diễn ra ở đâu và bằng phương pháp nào.

       

Từ những cuộc chiến tranh tranh giành nơi săn bắn trong thời tiền sử đến những cuộc chiến tranh giành địa điểm khai thác vàng ở Tân thế giới (có thể kể thêm những cuộc xung đột vì mỏ dầu ở Cận Đông trong thời gian gần đây): hễ tìm ra khu vục giàu có là y như rằng ở đó sẽ có xung đột. Do càng ngày trên bản đồ càng có ít những điểm trắng cho nên các ngành công nghệ mới sẽ trở thành lĩnh vực cạnh tranh. Trong hơn 5 ngàn năm, lòai người chỉ đánh nhau nhằm tranh giành mặt đất và mặt nước. Sau đó, trong giai đọan chuyển tiếp giữa thế kỉ XIX và thế kỉ XX đã xuất hiện những ngành công nghệ mà trước đó không lâu chỉ có trong những câu chuyện của Jules Verne, tức là những ngành công nghệ cho phép các bên đối địch trong Thế chiến I đánh nhau cả trên trời và dưới nước nữa. Những cuộc chiến tranh trên trời và dưới nước đòi hỏi những đơn vị quân sự mới, những qui định mới.

 

Ở đây có nhiều sự tương đồng với thế kỉ XXI. Thí dụ như Bắc Băng Dương, giới chính trị đã chẳng hề quan tâm đến khu vực này trong một thời gian dài. Nhưng do những thay đổi khí hậu mà công nghệ của chúng ta gây ra, nước đã ấm hơn. Do đó đã xuất hiện khả năng sử dụng những con đường giao thương mới cũng như khai thác những mỏ mới trong khu vực này, một khu vực có thời từng là điểm trắng trên bản đồ địa lí. Ở đây cũng có thể có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên tương tự như  Saudi Arabia.

 

Khi một khu vực mới được phát hiện thì đồng thời cũng xuất hiện những vấn đề an ninh mới. Trên thực tế, một khu vực rộng lớn như thế với những vấn đề lãnh thổ còn bỏ ngỏ như thế chưa từng xuất hiện, kể từ khi Giáo hòang Alexander VI tìm cách chia Tân thế giới cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và là nguyên nhân của những hành động quân sự của tất cả các nước không có phần trong cuộc chia chác này. Hôm nay các diễn viên mới cũng đang chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh ở khu vực Bắc cực, mặc dù xung đột không phải là không tránh khỏi. Một cố vấn của Thủ tướng Putin của Nga từng tuyên bố: “Bắc Băng Dương là của chúng tôi”. Canada, Na Uy, Mĩ cũng như các nước không tiếp giáp với Bắc Băng Dương, thí dụ như Trung Quốc - theo tất cả những gì đã biết - có quan điểm khác và họ đang tăng cường tiềm lực để có thể đưa ra đòi hỏi của mình.

 

Trong vũ trụ cũng diễn ra những chuyện tương tự - trước đây đấy là khu vực không ai có thể với tới, nhưng nay ý nghĩa kinh tế và quân sự của nó đang gia tăng một cách cực kì nhanh chóng. Cái không gian mà những thước phim của Fritz Lang và Geoge Lucas từng nói tới hiện có 947 vệ tinh do 60 nước phóng lên. Đấy là điểm nối của những động mạch quan trọng nhất của ngành thương mại, giao dịch cũng như họat động quân sự trên thế giới. 80% giao dịch của Mĩ được thực hiện thông qua các vệ tinh nhân tạo.Khôi hài là một viên tướng không quân Mĩ tên là Lance Lord đã bắt chước Clausewitz và gọi vũ trụ là “trung tâm hấp lực mới”. Theo đơn đặt hàng của Lầu năm góc, người ta đã tiến hành hơn 20 cuộc nghiên cứu về cách thức tiến hành chiến tranh trong vũ trụ.

 

Thiếu tướng Ya Yunzhu thuộc Viện hàn lâm quân sự quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cảnh báo rằng “nếu Mĩ nghĩ đến việc trở thành siêu cường trong vũ trụ thì đương nhiên là họ sẽ không phải là người đơn độc”. Năm ngóai Trung Quốc đã phóng nhiều hỏa tiễn hơn Mĩ và dự định trong mười năm tới sẽ đưa vào quĩ đạo gần trái đất 100 vệ tinh dân sự và quân sự nữa. Quan trọng hơn là trong những năm qua cả hai nước đều đã nhiều lần chứng tỏ khả năng tiêu diệt vệ tinh bằng những phương tiện tự động. Nga, Ấn Độ, Iran, thậm chí các tay chơi không mang tầm vóc quốc gia như Những con hổ giải phóng ở Shri Lanka cũng tìm cách tiêu diệt vệ tinh hay tiến hành những công việc nhằm chống lại những mục tiêu trong vũ trụ.

 

Không gian điều khiển, khác với không gian dưới mặt nước, trong không khí, trong những khu vực lạnh lẽo của Bắc cực hay trên vũ trụ không chỉ ở chỗ chỉ mới tồn tại trong thời gian gần đây. Tuy nhiên ta khó mà tưởng tưởng nổi chức năng của nó đối với cách sống của chúng ta. Những con số nhằm mô tả lĩnh vực này lớn đến nỗi có cảm giác như đấy là những điều bịa đặt. Mạng internet tòan cầu bao gồm khỏang 250 triệu website, mỗi năm luân chuyển khỏang 90 ngàn tỉ tin tức. Trong lĩnh vực quân sự, internet cũng được sử dụng rất rộng rãi. Chỉ riêng Lầu năm góc đã có tới 15.000 mạng máy tính đặt trên 4000 cơ sở và căn cứ ở 88 nước.

 

Nhưng do giá trị thực tế của không gian ảo mà nó cũng đã trở thành lĩnh vực họat động của bọn tội phạm, trở thành đấu trường xung đột cũng như đối đầu về chính trị và kinh tế. Công ty Symatec, chuyên họat động trong lĩnh vực an ninh công nghệ thông tin, phát hiện ra rằng năm ngóai có 240 triệu chương trình độc hại và hơn 100 tổ chức tham gia thực hiện những chiến dịch quân sự, tình báo và khủng bố lớn. Cục điều tra liên bang Mĩ (FBI) cho rằng những cuộc tấn công trên không gian ảo là nguy cơ đứng hàng thứ ba, cần phải nói thêm rằng các đây mười năm trên bàn làm việc của giám đốc tổ chức này vẫn chưa có một chiếc máy tính nào. Từ ý tưởng trong đầu, trong vòng có mấy năm bộ chỉ huy không gian điều khiển của Mĩ đã biến thành một tổ chức với 90 000 nhân viên và ngân sách lên tới 3 tỉ dollar.

 

Cho mãi đến tận thời gian gần đây phần lớn các cuộc thảo luận vẫn xoay quanh những kịch bản bị thổi phồng như “Trân Châu Cảng-số”, hay “cuộc chiến trên không gian điều khiển” giữa Nga và Gruzia hay tin tức ngọai giao bị tiết lộ. Phần lớn những vụ tấn công như thế đều gây rắc rối nhưng chỉ có thể coi đấy là những vụ rò rỉ chứ không thể là chiến tranh được. Mối nguy thật sự nằm ở chỗ do bị tác động thường xuyên mà khả năng sáng tạo của chúng ta cũng như việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta có thể bị yếu đi, mặc dù đấy chính là tác nhân quan trọng nhất đối với sự thịnh vượng và an ninh trong các nước phương Tây. Theo những đánh giá hiện có, mỗi năm các công ty Mĩ và châu Âu bị mất hàng tỉ dollar vì những thương vụ không thành, những khỏan nghiên cứu và thử nghiệm vô ích, mà tất cả đều là do những cuộc tấn công do các tổ chức chính trị và quân sự cũng như các cơ quan tình báo tiến hành. Các haker họat động trên lãnh thổ của một nước Đông Nam Á đã ăn cắp thông tin liên quan đến chương trình xây dựng máy bay tiêm kích F-35, với dung lượng là mấy terabyte (1 terabyte = 1 000 000 000 000 byte, gần bằng dung lượng của tòan bộ mạng internet mười năm trước). Hàng tỉ đồng bị đánh cắp ở đây không chỉ là hàng tỉ đồng đã chi cho công tác nghiên cứu và thử nghiệm, mà còn là mất ưu thế về công nghệ trên thị trường thế giới cũng như trên bãi chiến trường tương lai từ 10 đến 20 năm.

 

Từ đó có thể rút ra một bài học. Đấy là dù mối lo về Afghanistan hay sự trỗi dậy của Trung Quốc có quan trọng đến đâu thì các chính khác tham gia quyết định những vấn đề trong lĩnh vực an ninh cũng phải nhận thức được rằng trên thế giới đang diễn ra những thay đổi cực kì to lớn. Trong thế kỉ XXI con người sẽ tạo ra những giá trị lớn trong những lĩnh vực mà trước đây chưa ai với tới, thậm chí chưa hề tồn tại. Điều đó cũng có nghĩa là một lần nữa chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu ở những khu vực mà trước đây ta chưa bao giờ làm.

 

Những người yêu chuộng hòa bình cũng phải học bài học này. Có thể làm ngơ những lĩnh vực đó hoặc đơn giản là từ bỏ chiến lược cần thiết và hi vọng vào những điều tốt đẹp hơn. Hoặc là phải làm việc nhằm ngăn chặn xung đột và khủng hỏang, tạo ra những định chế và tiêu chuẩn để có thể xử lí và điều chỉnh những không gian mới, những không gian quyết định bộ mặt của thế giới chúng ta.

 

Peter Singer là giám đốc cơ sở Century Initiative trong thế kỉ XXI tại trung tâm nghiên cứu Brookings (Mĩ),ông cũng là tác giả cuốn “Wired for War”.

 

Nguồn Schlachtfelder der Zukunft, 05/02/2011 18:04

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ:

 http://inosmi.ru/world/20110208/166329729.html

 

Đã đăng trên phamnguyentruong.blogspot.com

Phạm Nguyên Trường
Số lần đọc: 1696
Ngày đăng: 11.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới. Tiếp theo và hết - Hiếu Tân
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới. tiếp - Hiếu Tân
Top 10 nhà độc tài đang gặp rắc rối - Hiếu Tân
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới. Tiếp - Hiếu Tân
Nền dân chủ có thể hoạt động như thế nào ở Trung Đông.Tiếp và hết - Hiếu Tân
Ai Cập và Tunisia: Bài học cho các nhà độc tài trên toàn thế giới - Phạm Nguyên Trường
Nền dân chủ có thể hoạt động như thế nào ở Trung Đông. Tiếp - Hiếu Tân
Nền dân chủ có thể hoạt động như thế nào ở Trung Đông - Hiếu Tân
Ghen tị với Ai Cập: Đối lập Nga mường tượng thay đổi - Phạm Nguyên Trường
WikiLeaks: vai trò của the Guardian trong sự rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử thế giới - Hiếu Tân
Cùng một tác giả
Một vụ ám sát hụt (truyện ngắn)
Thiên tài (truyện ngắn)
Người (truyện ngắn)
Chết treo (truyện ngắn)
Bắc Phi, tiếp sau là gì? (nhìn ra thế giới)
Vì sao Gaddafi phải ra đi? (nhìn ra thế giới)
Bàn về chủ quyền quốc gia (nhìn ra thế giới)
Tầng lớp trí thức là gì? (nhìn ra thế giới)
Giờ hoàng đạo của NATO (nhìn ra thế giới)
Mùa xuân Miến Điện (nhìn ra thế giới)