Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.216.423
 
Tựa Đoàn Thêm” In Trong “Đường Vào Tình Sử “Đinh Hùng
Thế Phong

Tựa  Đoàn Thêm” In Trong “Đường Vào Tình Sử “Đinh Hùng. Phụ Lục

  Thế Phong  

 

 

Kính gửi thi sĩ Đinh Hùng,

 

Ông bạn có cho xem bản thảo tập thơ ‘Đường vào tình sử’ và tôi đã trình bày qua thiên kiến. Song ông bạn còn muốn tôi ghi rõ ra, để tiện bề ngẫm lại.

 

Tôi nghĩ thế khác nào phê bình, mà phê bình theo tôi, cần dành cho những nhà văn chuyên trách nghiên cứu, chớ không phải là công việc của những người cùng sáng tác, nhất là khi hai đường lối làm thơ không giống nhau, rất e nhiều phần chủ quan bất tiện.

 

Vả chăng, tôi đã đọc kỹ, ngay trên các trang đánh máy, khuyên tròn, sổ ngang, hay gạch bằng bút chì đỏ xanh để lưu ý tác giả, như vậy tưởng đã đủ phận sự một bạn đọc với tất cả sự thận trọng cần thiết để xét một tác phẩm.

 

Nhưng ông bạn còn bảo: chính vì thấy đọc kỹ nên mới đòi hỏi, và mặc dầu đã như trên, chỉ có nhận định về chi tiết, còn thiếu về đại cương toàn thể; vả lại, có chịu viết ra hộ, thì mới cân nhắc cẩn thận từng ý, chớ không hời hợt gọi là, như khi nói chuyện qua loa.

 

Từ chối làm sao bây giờ? Thôi thì đành hạ bút, với sự dè dặt của người hằng quan niệm phê bình như một ngành văn học rất cao, chứ không thể là sự phán đoán táo bạo của bất cứ ai cầm sách đọc. Dù sao, nhìn rõ được đến mức nào, với tư cách một độc giả, cũng xin trình bày để tùy ý ông bạn xét.

 

Tôi còn nhớ khi trao tay cho tôi tập thơ này, ông bạn vừa cười vừa bảo”: Đây là loại thơ tình, có xem  thì xem…”.  Xem lắm chứ, nhưng vì sao tác giả đã thốt ra câu đó?  Ngụ ý, là e ngại rằng tôi coi thơ tình không hợp thời, hoặc không hợp với sở thích của tôi, bởi vì khi tôi làm thơ, bạn biết tôi thường tránh nói thẳng về tình ái. Ông bạn đã xác nhận, thì tôi phải đính chính.

 

Lỗi thời, hợp thời ? Một vấn đề làm nhức óc kẻ sáng tác. Song đối với riêng tôi, và như có dịp trình bày trên một tạp chí, hợp thì càng lợi cho tác giả, không hợp thì chưa chắc đã hại gì đến giá trị tác phẩm. Nhiều tranh vẽ của Monet, của Cézanne, của Matisse, của Picasso, khi mới trưng ra, đã bị công chúng và các nhà phê bình mạt sát đả kích: nhưng cách đó một vài năm hay một vài chục năm, các vị trên lại được ca ngợi và họa phẩm được đấu giá hàng mấy trăm triệu quan mỗi bức. Ngược lại, có nhiều tác phẩm, tưởng là bị loại bỏ rồi, mà vẫn được các giới trí thức ưa chuộng, tỉ như kịch của Shakespeare. Vậy ông bạn không nên băn khoăn, chúng ta chỉ biết sáng tác bằng tất cả tâm hồn ta, giá thử tâm hồn đó đã được đào luyện theo nếp bị coi là cũ, thì đổi đề tài hay kỹ thuật cũng chỉ gượng gạo; và ngược lại, nếu tâm hồn ta được đào luyện theo các phương pháp mà có người cho là tân tiến, thì ý và lời ta muốn có vẻ khác, cũng chẳng thể dối ai. Tằm nhả tơ hay ong kéo mật, có biết là hợp thời hay lỗi thời đâu? Ta có mật, tuy đã có từ mấy ngàn năm nay, nhưng điều tốt đẹp, vẫn không thiếu người ưa.

 

Còn tình yêu mà ông bạn ca hát, đâu có lỗi thời ? Chất sống của con người mất làm sao được ? Có lẽ ông bạn ngại vì có người bảo: đương ở giai đoạn tranh đấu cho cuộc sống còn của dân tộc và nhân loại giữa lúc cần” nói lên” những thắc mắc và giải quyết những vấn đề con người thời đại “ vv… sao vẫn yêu đương vớ vẩn và say sưa mộng  đẹp?  Không bàn cãi vì ngại lạc đề, tôi chỉ nhìn nhận khách quan một sự hiển nhiên: hiện nay vẫn chẳng có tiểu thuyết nào hay, phim điện ảnh nào hay, mà hoặc không có tình hay không có người đẹp. Bỏ tình đi, đuổi hết người đẹp đi, vô số nhà xuất bản và các rạp điện ảnh  sẽ đóng cửa: chẳng lẽ cho vỡ nợ cả. Tôi cũng tự hỏi vì sao hôm nay có phim ái tình ly kỳ thì hàng ngàn người gìa trẻ trai gái chen chúc lấy vé, ngay ở những thời kỳ bom đạn 1942-1945 .

 

Vậy tôi thiết nghĩ ông bạn cứ tùy ý chọn đề tài, hay đúng hơn cho nhà thơ, thì cứ theo cảm xúc riêng đưa đẩy tới những điệu vần hòa hợp với đời sống nội tâm, nếu tình yêu là chất đẹp dồi dào mạnh mẽ nhất của đời sống đó: chẳng lẽ tôi lầm, khi đã theo dõi dòng thơ của ông bạn chan chứa qua hàng trăm bài, nhất là từ” Mê hồn ca “? Tôi vẫn biết hiện nay một số nhà thơ đã tìm nguồn mới, ở cảnh vật nhìn theo những đường lối mới của nhỡn quan; hoặc những khu vực khác của linh hồn, trong thâm tâm u uẩn, hoặc những xúc động của thời đại, và tôi cũng không mong gì hơn là nhà thơ Việtnam dấn bước đến những miền bao la đó, thì tứ thơ của ta mới phong phú như của thi nhân Âu châu. Song chính ở Pháp, tôi thấy nhà thơ, tuy đã ngao du ở nhiều non nước lạ, cũng vẫn thiết tha với người đẹp, hoặc chưa dứt được yêu đương. Trong hai cuốn hợp tuyển toàn những thơ tình vừa xuất bản năm 1955 “ Anthologie de la Poésie  amoureuse” của Georges Pillement có cả những nhớ nhung thao thức của Paul Valéry, Paul Claudel hay Marie-Noel là những thi nhân thiên về triết lý hoặc tín ngưỡng cao siêu, chớ không kể xiết những người như Aragon thất thanh kêu gọi nàng Elsa ?

 

Cho nên tất cả vấn đề ở đây, không phải là cứ làm thơ tình hay không nên làm nữa, nhưng là diễn tả thứ tình chi, với lời lẽ như thế nào, và làm sao rung động được, sau khi mặc khách tao nhân từ mấy ngàn năm nay đã cho chảy bao nhiêu suối mực, tràn bao nhiêu lớp sóng nước mắt vì mỹ nhân và tung ra bốn phương trời bao nhiêu luồng gió “ phong tình”? Vậy thì tình của ông bạn có những đặc tính gỉ ?  Tôi không dám đòi hỏi những sự tân kỳ, vì đã yêu thì con người nào chẳng nhớ nhung, thương tiếc, sầu, ghen, giận, tủi, khóc, cười… Tôi cũng không dám đòi hỏi như nhiều bạn khác, rằng thi nhân phải nói hộ bằng lời đẹp hơn của tôi, những tình cảm mà tôi không diễn tả nổi. Vì tôi trọng tự do của mỗi con người, xin để cho mỗi người sáng tác cảm xúc theo cá tính và hoàn cảnh riêng biệt của người ta trước hết; rồi nếu hợp với tôi, thì càng tốt cho tôi; nhược bằng không nói hộ gì cho tôi, thì cũng chẳng sao. Cần nhất là họ hãy nói ra cho đẹp những gì của họ đã. Nếu không thế, thì tôi sẽ mắc lỗi độc đóan, kiêu căng ép buộc người ta phải hợp với tôi hay sao  Nhưng tôi lại xin đặt vấn đề nội dung và văn thể như sau, vì tôi muốn đòi hỏi gắt gao hơn ở một thi nhân có tên tuổi: thi nhân yêu với ánh sắc chỉ mang bóng dáng Đinh Hùng, với lời lẽ gì gợi ra được những ánh sắc đó?

 

Thường khi đọc thơ tình, cũng như nhiều bạn, tôi hay tò mò tự hỏi : người đẹp ở đây là ai, đã có chuyện với tác giả trong trường hợp nào ?  Thi sĩ Lamartine có nàng Elvire, Hugo có Drouet, Vigny có Marie Dorval là nữ tài tử kịch trường đi lại lâu năm… Vậy thì giai nhân của Đinh Hùng người ở đâu ta, gặp gỡ bao giờ, hay ít ra tên ho là chi ?

Phải chăng là cô Tần Hương mặc áo hoa vẽ bướm, đã khiến thi nhân tơ tưởng, khiến:

 

Chàng nhặt từng cánh hoa

Giữ từng con bướm ép ?

 

Không, đó chỉ là hình ảnh lơ mơ trong đầu óc người thiếu niên đương tuổi bừng xuân, áp ủ “ Giấc mộng ban đầu” cũng như bóng dáng phơ phất qua đường với:

 

Cặp má nào phơn phớt ánh phù dung

Đâu lả lướt mái tóc dài sóng gợn ?

( trong bài” Khi mới lớn”)

 

Hay là cô nhỏ ngây thơ còn trèo cây khế,  vin hái quả xanh bên tường ? Không thể vì lại thấy em khác trong  cảnh” Da hội” tưng bừng cho say mê chốc lát, để rồi thi sĩ thở than”

 

Ta chọn nhầm hoa, lẫn ái tình

 

Nếu cứ dò la như vậy thì đọc hết hàng mấy trăm câu cũng chưa tìm ra ái với dung nhan và tính tình rõ rệt. Khó lắm, chúng ta có kiên tâm thì cũng chẳng hài lòng, chỉ như Lưu Thần, Nguyễn Triệu trở lại tìm tiên mà chỉ thấy khói mây nghi ngút .

 

Tôi đọc nữa và ngẫm  lại. Thôi phải rồi. Người đẹp của Đinh Hùng không phải là con nhà họ Trần ở Hà Nội hay họ Lưu ở Saigon. Đâu phải người cõi này ? Nàng là “ Em Huyền Diệu” , là” Nữ Chúa  Sầu”. là” Công Chúa Si Mê”, là” Sầu Hoài  Thương Nữ”, nàng

 

…. tự ngàn xưa chuyển bước về

Thuyền trao sóng mắt dán trăng đi

 

Dĩ nhiên nàng đẹp, nhưng với những dáng vẻ thấp thoáng của con người xứ mộng. Nàng ẩn hiện biến hóa khôn lường. Có lúc nàng mượn hình ở” Lam tuyền viễn mộng”

 

Nép mặt hoa rừng mưa giấc ngủ

Ngàn thương mái tóc xõa như mây

Có khi, nàng là thiếu nữ chờ yêu nũng nịu

Hồng lên má phấn hoa bừng tỉnh

Xuân với em vừa lá tóc xanh

 

Buổi khác, nàng nhập vào mỹ nhân bên hàng xóm, gió hiu quạnh rung phím dương cầm:

 

ôi mắt xanh, mày lặng, áng mi dài

người khuê nữ tóc buồn như suối chảy

 

Những đêm trăng, khi lòng chàng thao thức nàng rón rén đến gần bên:

 

Tuyết rợn làn da bóng nguyệt trôi

 

Lại có lần như người kiếp trước, nàng lặng lẽ đến trong giấc ngủ canh khuya:

 

Em đến mong manh góc ngọc  chìm

Tàn canh hồn nhập bóng trăng im

 

Rồi chán làm cô gái nhỏ leo cây khế, hoặc cô vũ nữ một đêm vui, hay cô Tần Nương nào đó, nàng hóa thân ra tất cả các cô em xinh xắn ngây thơ

 

Các em đi tha tướt áo màu hoa

 

hoặc:

 

những nàng như liễu mắt xa xôi

để thi sĩ ngẩn ngơ say tỉnh

 

Chàng đã sống với nàng ra sao ? Rất thiết tha, đằm thắm: lúc” kể chuyện lòng”  hay” tư tình dưới hoa “, lúc” gắn chặt lời thề trên gối” hoặc cùng hòa nhịp ân tình dạ khúc… Chàng kêu gọi” xin hãy yêu tôi”, say sưa chỉ vì  một tiếng em, có bận” hờn giận nhau rồi tình  lại mới” , chàng đã từng được hưởng cảnh ấm cúng, trong buổi” xuân ấm hương rừng”, ở giờ phút mở lòng đón” hy vọng chiều xuân”. Nhưng rồi cũng như bao khách si tình khác, phải chia phôi thương nhớ” gặp nhau lần cuối” trải qua đêm chớp bể mưa nguồn, bơ vơ trên đường khuya trơ bước, dù sao cũng “ lạc hướng Mây Tần”(*) .(* :- những chữ” trong ngoặc” lấy ở đầu đề các bài thơ của Đinh Hùng”- Đoàn Thêm chú thích.)

 

Điều rất đáng chú ý, là tuy họ yêu nhau, chàng thiết tha vô cùng, mà nàng thì ngay trong những giờ phút gần gũi, xem chừng không đủ đằm thắm để đáp lại mối tình sâu xa, sôi nổi, day dứt của chàng.

 

Chàng đón chờ từng nụ cười, khóe mắt, làn hương trên tóc, một lời êm ái, một bước đi

 

Chừng nghe qua bóng lá xanh

Có chân ai lặng bước nhanh trong sầu

( Thủy mặc)

 

Chàng băn khoăn thăm dò từng ý nghĩ, từng rung động của nàng và mỗi khi gần nhau, mong muốn nàng cũng xao xuyến như về mọi cảnh mọi sự để” hai linh hồn vào chung một mộng / hai bóng người làm một bóng thôi” ( Sâm Thương sầu nhạc). Cho nên, chàng phải gạn hỏi rất nhiều

 

-Em đã cho lòng thương nhớ chưa?

Khi chiều sương bạc ánh saot hưa

-Em có vì thu gieo lệ không ?

( Lạnh mùa đông cũ)

 

hoặc:

 

-Em hiểu rằng tôi yêu đến đâu

Khi trăng sơ ý xế ngang đầu

Hồn đêm chợt thoáng qua làn mắt

Tôi ngẩng nhìn em một thoáng mau

 

hoặc:

 

-Em muốn đôi ta mộng chốn nào ?

Ước nguyện đã có gác trăng sao…

( Tự tình dưới hoa)

 

Lúc vui cùng hỏi, lúc buồn cũng muốn biết, nghĩ sao :

 

-Em trở về đây để nắng hồng

Hồn xưa còn đẹp ý xưa không ?

( Buồn xưa)

 

Thu về em đã gặp thu chưa?

Giải nước trường giang lạnh mấy bờ ?

( Nụ cười thương nhớ)

 

Nhưng Nàng cứ im lặng, đôi khi nở nụ cười, nhiều lúc ngả bóng mi sầu, chẳng thấy trả lời một câu, dầu chàng năn nỉ hết lời: muốn biết dĩ nhiên  cần nghe nói, và cứ lặng thinh thì thông cảm làm sao ?

 

-Nói đi em, từng ý nhỏ mà say

Từng rạo rực cánh lòng hoa đương mở

-Nói đi em cho từng mảnh sao rơi

Từng vũ trụ tắt dần trong lồng ngực

 

Hay là chẳng lên tiếng, thì ít ra cũng biểu lộ tâm tình bằng cách khác:

 

- Em hãy cười như thuở mới quen

Trời xanh trao khóe mắt như thuyền

Em hãy nhìn như thuở mới say

Màu xuân tô nét nắng đôi mày

( Hy vọng chiều xuân)

 

Van lơn mãi, cũng vậy thôi, “ anh nhìn em như chiêm ngưỡng một hành tinh,” ( Đường vào tình sử) song “Em nhìn lơ đãng biết bao nhiêu !” ( Truyện lòng). Kết cục, là anh đau khổ vì không thỏa dạ:

 

Khát vọng còn nguyên lửa cháy rừng

(Lời thề trên gối)

 

Trước tình trạng  đó, ai  có thể hành động khác thi nhân, nghĩa là chẳng ôm hận ra đi, mặc dầu vẫn yêu:

 

Từ buổi ấy, mê một làn hương quý

Tôi ra đi chưa biết sẽ về đâu ?

( Giáp mặt phù dung)

 

Mà có muốn tìm an ủi chốn khác, cũng vô ích, và chỉ:

 

thấy quanh đây toàn xác thịt âu sầu

toàn những dáng hoa phai buồn ủ rũ

 

Vì khát vọng của nhà thơ đâu phải là những xác thịt, nhưng là một tâm hồn bạn, một tâm hồn vừa chan chứa yêu thương, lại vừa cảm thấy được tất cả nỗi lòng thi sĩ vói bao nhiêu hoài mênh mang trước những bóng vang huyền ảo của tạo vật, những uẩn khúc vui buồn nhớ tiếc từ dĩ vãng tha về con người hiu quạnh trong hiện tại và âm thầm chờ đợi tương lai. Lạc bước đi tìm lại hạnh phúc của những ngày vui không còn nữa:

 

Dòng sông bơ vơ tìm dĩ vãng

Thuyền trôi bang khuâng về tương lai

( Hờn giận)

 

Và lời gió cùng run cùng cánh bướm

Em không thấy u hoài như sóng gợn

Tự lòng anh rung lại mấy thanh âm

( Tiếng dương cầm)

 

Ngày xưa bướm trắng mây vàng

Ta sống trong vườn tiên giới

Bây giờ lạc xuống trần gian

Tôi đi tìm Bồng lai mới

(Linh hồn Hoài Điệp)

 

Nỗi cô đơn trước cuộc đời và vũ trụ đã giải nghĩa khát vọng yêu đương kia, và được diễn tả qua những điệu vần  đượm sầu man mác:

 

Giữa đêm lòng bỗng hoang vu

Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san

( Vào thu)

 

Mây bay ánh mắt trăng tà

Nắng hương cỏ dại, sương pha áo ngàn

Người đi vào giấc mơ tan

Ta soi dòng suối đêm tàn tìm nhau

( Xuân ấm hương rừng)

 

Đêm tàn, núi đổ, ra đi một mình

( Hoài niệm)

                          

Hồn rừng động tiếng nai kêu

Con thuyền độc mộc trôi theo nỗi buồn

( Sóng hồ Ba Bể)

 

Nhịp bước nắm cung đàn ảo tưởng

Buông chìm tâm sự nửa đêm say

( Một tiếng em)

 

Nhưng khách tình si còn nặng nợ với giai nhân, nên  tuy lòng tự nhủ lòng, mà vẫn thiết tha kêu gọi, không phải để van lơn cho riêng mình, nhưng tin rằng tình yêu của mình rất cần thiết cho tất cả những ai là hiện thân của sắc đẹp muôn đời muôn vẻ, vì thi nhân sinh ra đời để ca tụng Đẹp của Hóa công, hoặc dùng thơ mà điểm tô Đẹp đó:

 

-Xin hãy yêu tôi, những lòng thiếu nữ

Tôi chép thơ ca tụng miệng hoa cười

-Tôi không yêu sao có má em hồng ?

Tôi không buồn sao có mắt em trong ?

Tôi không mộng sao có lòng em đẹp ?

-Yêu tôi với, tôi làm thơ ân ái

Để yêu người và cũng để người yêu

Để các em qua từng bước diễm kiều

Trong cánh nước non tình tôi xếp  đặt .

( Xin hãy yêu tôi)

 

Như thế, nghĩa là thi sĩ vẫn yêu, không phải là yêu một người, nhưng yêu đời, yêu sắc đẹp. Cứ như thế mãi, hoa vẫn nở vẫn tàn, nước vẫn chảy, sông núi vẫn im lìm, giai nhân vẫn lặng tiếng; nhưng Đinh Hùng vẫn yêu như đã yêu từ muôn kiếp trước rồi  “hóa thân vào  nét chữ cuồng si”.

Chẳng biết sau khi nhận xét như trên, tôi đã thấu đáo hồn thơ của ông bạn chưa ? Dù sao,  tôi đã hết lòng tìm hiểu đươc phần nào xin trình bày ra phần ấy.

Chắc ông bạn còn muốn biết ý kiến tôi về lời thơ.

 

Như tôi thường thưa chuyện với ông bạn, thiết nghĩ lời thơ phải tùy tứ thơ, chất thơ, là phần cốt yếu. Đã là tình yêu, thì không cần gọt rũa như khi khách quan tả cảnh, hoặc dùng những chữ mới lạ như khi muốn gợi những thắc mắc hoang mang; nhưng trái lại,  lời phải thốt ra từ đáy lòng, càng sát bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, thành thực của ý hiện ra bình dị của lời.

 

Về điểm đó, tôi nhận thấy ông bạn đã thành công ở nhiều bài nhiều đoạn và những câu mà tôi đã trích ra không những có tính cách dẫn chứng về nội dung, còn bộc lộ được tình cảm, có khi với âm hưởng hồn nhiên của lời ca dao thôn dã, nhưng luôn luôn có giọng đơn sơ thân mật của câu tâm sự hai  người. Kể ra thì còn nhiều đoạn khác nữa, để khiến cho độc giả nhập tâm, chính tôi đã thuộc lòng những câu như:

 

Tôi hết thơ hoa, mộng bướm rồi

Bây giờ lòng kể truyện lòng thôi

Bởi em mơ dáng sầu đôi chút

Tôi mới bâng khuâng ngỏ mấy lời.

( Truyện lòng)

 

Tả tình như vậy, tả cảnh cũng có một đặc sắc: cảnh ngắm qua tình, tình hợp với cảnh, hay chỉ mượn cảnh tả tình ? không thể phân biệt rõ, nhưng chính vì thế mà cảnh không bao giờ khó khăn, lúc nào cũng đượm vui buồn; nghĩa là cảnh có hồn vậy

 

…Còn nhớ tới bây giờ

Những buổi trưa hè, tiếng võng xưa

Câu chuyện đêm trường bên giếng nước

Tiếng buồn, ai hát giọng đò đưa ?

( Lạc hướng Mây  Tần )

 

Nhưng đơn giản không phải là thiêu thú vị, và những thi ảnh gợi ra bằng vài nét, nhiều khi thấp thoáng như bóng vang hay những cảm giác êm dịu, vì ngả về sầu, và được buông theo những vần điệu nhẹ nhàng:

 

Em về rũ tóc mưa sa

Năm canh chuốt ngón Tỳ bà khói sương

( Vào thu)

 

Lá xanh che khuất đường trưa

Bóng thêu hoa nắng lưa thưa điểm vàng

(Thủy mặc)

 

Bỗng nghe lạc trận mưa ngàn đổ

Cả một mùa thu đã quá giang

( Sóng nước đồng chiều)

 

Song theo tôi, đó chỉ là những vẻ đẹp rất thường gặp ở một nhà thơ nhiều năm tên tuổi.

Kính bút,

 

Saigon, ngày 25 – 12 - 1960

 

ĐOÀN THÊM

( trích” Chiêu niệm 4 nhà văn Saigon “/ Thế Phong / Nxb Đồng  Nai 1999 ( từ trang 35- 44)

 

 

Thế Phong
Số lần đọc: 2024
Ngày đăng: 13.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn Chương Việt trân trọng thông báo kỷ niệm Tạp chí VĂN cùng thân hữu và bạn đọc: - Nhiều Tác Giả
Chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 5 năm YHVHV - Vũ Trà My
Chia buồn Nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan đã qua đời - Nhiều Tác Giả
10 ngọn nến cho ngày sinh nhật Thư Quán bản Thảo . - Trần Hoài Thư
Thư Quán Bản Thảo Mười Năm - Phạm Văn Nhàn
Thơ qua mắt nhìn của Phạm Thị Ngọc Liên và Phạm Cao Hoàng - Vũ Trà My
Mùa Xuân, Đọc Thơ Xuân Của Hoàng Đế Trần Nhân Tông - Phan Thành Khương
Một số tài liệu báo chí Việt Nam viết về L. Tolstoi, những năm 1920-30 - Lại Nguyên Ân
Chúng tôi vừa được tin Tiểu Kiều sinh ngày 15. 8. 1953 tại Thừa Thiên Huế, là hiền thê của Nhà thơ Võ Quê đã từ trần. - Nhiều Tác Giả
Thư mời của Tạp chí Vietnam Heritage - Nhiều Tác Giả