Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.194
 
Sân khấu âm nhạc Việt Nam có gì lạ?
Bùi Đức Hào

Những lao xao đình đám trên các phương tiện truyền thông Viêt Nam (VN) chung quanh sự kiện Uyên Linh đoạt giải Vietnam Idol cuối năm qua đã khiến không ít người tự hỏi: sân khấu âm nhạc VN đương thịnh thời lột xác hay chỉ đơn thuần lao vào quỹ đạo của một nền “show-biz” rập khuôn Anh Mỹ?

 

Câu trả lời đòi hỏi một phân tích đầy đủ và đi vào chiều sâu mà bài viết này không có tham vọng thực hiện. Người viết chỉ xin nêu một số thông tin góp nhặt trên mạng, để mong được hầu chuyện cùng bạn đọc trong mấy ngày đầu Xuân.


Vietnam Idol hay “cơn sốt” mơ sao thời hội nhập

 

Dưới tiêu đề Vietnam Idol 2010 với giải thưởng"khủng" 20.000 USD, Kanaria (24H.COM.VN) 1 viết:

“ Ra mắt khán giả VN lần đầu tiên vào năm 2007 và đã trải qua hai mùa giải thành công rực rỡ, chương trình Vietnam Idol đã tìm ra được những giọng ca tài năng và toả sáng trong làng nhạc Việt (…). Trong lần trở lại này, chương trình có nhiều sự đổi mới (…). Đơn vị sản xuất BHD và Đài truyền hình VN (VTV6) được Unilever Việt Nam - đơn vị mua bản quyền format gốc từ Fremantle Media- chỉ định làm đơn vị truyền thông mới và kênh phát sóng chính thức cho chương trình (…)Thí sinh giành chiến thắng cuối cùng sẽ nhận được phần thưởng 20.000 USD và được nhà sản xuất chương trình hỗ trợ thực hiện một album nhạc”(chữ in đậm:BĐH nhấn mạnh).

 

Như vậy, VN đã theo chân một số nước “chịu chơi” hăng hái nhập hàng để… xài lại món Pop Idol 2 : mặc dù không thọ quá 2 năm ở Anh(là xứ sản sinh) nhưng nó cũng đã ăn khách ở Mỹ (nay đã qua năm thứ 9, dưới cái tên American Idol 3 ). Đoạn mô tả sau đây4 có lẽ nói lên cụ thể nhất hiện tượng mê thích đặc biệt cuộc thi hát sôi động này tại Sài Gòn:

 

Đỉnh điểm của sự quan tâm là khi một chương trình phát vé mời lại có giá vé chợ đen lên đến hơn 1 triệu/vé. Đêm chung kết công bố kết quả Vietnam Idol 2010 diễn ra tại sân khấu Lan Anh hôm 25.12, có giá vé chợ đen ở khu vực khán đài từ 500 - 700.000 đồng/vé, và giá vé ngồi ở tầng trệt từ 1.200.000 -1.500.000 đồng/vé. Vậy mà lượng “cung” vé chợ đen này vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu trực tiếp theo dõi chương trình của rất nhiều người” ( BĐH nhấn mạnh).

 

Vậy là, bất chấp những “scandales”5,6  xứng với các chiêu thức “marketing” xoàng xỉnh nhất  được nghi là không hoàn toàn do ngẫu nhiên trong những vòng đầu của sản phẩm truyền thông toàn cầu hóa này (“lùm xùm giữa thí sinh khuyết tật Sơn Lâm và giám khảo Siu Black; rò rỉ những bức ảnh nhạy cảm của Đức Anh Hugo trong quá trình giảm cân và việc chửi thề; vụ thí sinh Đăng Khoa lén ghi âm và phổ biến đoạn audio”…), khán giả Vietnam Idol dường như càng về sau càng dễ “bỏ qua” và bị lôi cuốn mạnh bởi cái không khí hấp dẫn hiếm có của “sân chơi”.

                                

 

« Văn Mai Hương thể hiện bản lĩnh của một tài năng âm nhạc mới » 4

 

Nói như phóng viên 24H.COM.VN 4, “thành công lớn nhất của cuộc thi Vietnam Idol 2010 là việc phát hiện ra hai tài năng trẻ cho nền âm nhạc Việt: Văn Mai Hương và Uyên Linh”. Mai Hương được phóng viên này coi là một trong vài trường hợp rất hiếm hoi thí sinh dưới 17 tuổi mà đã lọt vào chung kết một chương trình Idol trên thế giới, kể từ khi American Idol được khai sinh (2002).

 

Một tác giả trên một bài báo khác6 nói rõ hơn :

« Văn Mai Hương trong sáng, chỉn chu trong cách hát, tinh tế trong cách xử lý thanh nhạc và được Ban Giám Khảo (BGK) ngợi khen không tiếc lời (Hoàn toàn có thể gọi em là ngôi sao ca nhạc dù em chỉ 16 tuổi. Em có sự nhuần nhuyễn trong cách hát để khi hát một ca khúc, em làm người ta quên đi lứa tuổi của mình”).

                                  

 

“Phong cách thể hiện của Uyên Linh càng ngày càng lôi cuốn khán giả ”4

 

Tuy nhiên, hầu như mọi người đều cho rằng thu hoạch lớn nhất của Vietnam Idol mùa này chính là sự “đăng quang” của Uyên Linh, bởi cô "đã làm được điều mà các ca sĩ chuyên nghiệp cũng phải thèm muốn: chạm vào trái tim khán giả"4. Mặc dù một khởi đầu không mấy thuận lợi- thậm chí đã may mắn được đi tiếp nhờ có một thí sinh tự ý bỏ cuộc “ nhường lại ” chỗ6, "nhưng từ vòng Gala thứ 6, Uyên Linh đã khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sự lôi cuốn trong phần biểu diễn của cô. Mỗi chuyển động, mỗi lời ca của cô trên sân khấu bỗng nhiên trở thành một làn sóng lan tỏa đến từng khán giả, từng gia đình, gây “cơn địa chấn” trên hàng loạt mạng xã hội"4 .

 

Tác giả đã ca ngợi Mai Hương nêu trên viết :Uyên Linh, với giọng hát quyến rũ, sáng đẹp và căng đầy cảm xúc đến mức làm nức lòng cả khán phòng và thuyết phục toàn bộ BGK, đến nỗi nhạc sĩ khó tính Quốc Trung đã phải thốt lên rằng “tôi thực sự ngả mũ”(…) Cô đã khiến tất thảy mọi người lay động, tan chảy theo bài hát của mình. Nhiều người chưa từng nhắn tin bình chọn bao giờ cũng quyết định nhấc máy để vote cho Uyên Linh (BĐH nhấn mạnh).

 

Về phần mình, phóng viên Lữ Đắc Long7 nhận xét:“Vẫn tinh tế, ngọt ngào  ngây ngất trong mỗi lần xuất hiện, Uyên Linh luôn làm cho khán giả phải lắng nghe từng câu, từng giai điệu cho dù đó không phải là những ca khúc thuộc loại ăn khách ở thị trường, thậm chí là rất khó hát, rất khó đệm đàn…” ( BĐH nhấn mạnh).

               

 

Khán giả trực tiếp theo dõi Đêm chung kết công bố kết quả Vietnam Idol 2010 tại sân khấu Lan Anh hôm 25.12 4

 

Phải chăng đó chính là đặc trưng của một tài năng mà sự phát hiện hoàn toàn không có vẻ gì là “hiển nhiên” hết, lúc đầu?

 

Phóng viên này nhìn nhận: 

Chưa có năm nào, Vietnam Idol lại tạo cơn sốt đến vậy với rất nhiều yếu tố bất ngờ, kịch tính. Uyên Linh không phải là thí sinh tạo được sự chú ý cho BGK và khán giả ngay từ đầu. Vóc dáng cũng như gương mặt khá "bình thường" và cả giọng hát ban đầu cũng chưa được tạo được ấn tượng. Tuy nhiên, càng vào đến các vòng trong, cô gái 22 tuổi có vóc dáng nhỏ bé và giọng nói -theo như nhạc sĩ Quốc Trung nhận xét- là "rất kinh khủng" , đã "lột xác" và thuyết phục tuyệt đối BGK cũng như khán giả bởi giọng hát đã "chạm được vào trái tim" mọi người. Bên cạnh đó, Uyên Linh đã làm người xem ngạc nhiên bởi phong cách lôi cuốn, khiến khán giả "phát điên" như nhận xét của giám khảo, MC Diễm Quỳnh (BĐH nhấn mạnh).

 

Họ Lữ còn cho thêm những thông tin cụ thể:

Sau đêm diễn chung kết, Uyên Linh tạo nên cơn sốt chưa từng thấy trên Internet với cả "núi" bình luận trên các mạng xã hội và một làn sóng kêu gọi bình chọn cho cô gái học ngành ngoại giao này. Cư dân mạng "lùng sục" các bài hát của cô để được nghe lại Chỉ là giấc mơ, Đường cong... Chiến thắng của cô gái này cũng không nằm ngoài dự đoán của độc giả khi 74% trong tổng số hơn 114 nghìn độc giả bình chọn dự đoán Uyên Linh sẽ trở thành thần tượng âm nhạc. Có thể nói, trải qua 3 mùa Vietnam Idol nhưng năm nay chương trình mới thực sự tạo được dấu ấn rõ nét với khán giả (BĐH nhấn mạnh).

 

Bất luận “đúng, sai” về “nền tảng” của các cách đánh giá, khó có thể nghi ngờ sự kiện của ca nhạc năm 2010 : Uyên Linh, quán quân Vietnam Idol 2010, đã tạo ấn tượng hơn bất cứ thí sinh nào khác, trong tất cả những cuộc thi hát năm qua tại VN.

 

Về mặt sự kiện, đoạn sau đây trích từ một bài báo8 cung cấp thêm – nếu cần – những chi tiết sáng giá:

phần trình diễn thu hút hơn 1 triệu lượt người xem trên Youtube,“ Chỉ là giấc mơ”, điều mà chưa từng có một clip nhạc Việt nào làm được trước đó.“ Chỉ là giấc mơ” không phải là một ca khúc quá xa lạ, nhưng rõ ràng nó không được phổ biến cho tới khi đến…“mồm” của Uyên Linh. Trước đó đã có 1 diva là Thanh Lam, cùng giọng ca hàng top trong các nữ ca sĩ là Ngọc Anh 3A thể hiện. Trong khoảng 3 năm trở lại đây,” Chỉ là giấc mơ” xuất hiện hầu hết trong các cuộc thi lớn nhỏ như một món ăn không thể thiếu. Nhưng có một vấn đề xảy đến, các thí sinh thể hiện ca khúc nào đều rơi vào tình trạng, “vừa hát vừa run”, họ cùng chung một nỗi “lo sợ” vì nghĩ đến 2 cái bóng quá lớn trước đó. Uyên Linh tự tin vượt qua được “hàng rào” đó, cô ấy “giải” “bài toán” theo một cách khác, và kết quả thế nào thì tất cả đều thấy (BĐH nhấn mạnh).

 

Thú vị và nặng ký, có lẽ là lời những khen của BGK thường được dẫn chứng:

BGK tiếp tục tỏ rõ sự ưu ái dành cho Uyên Linh khi nhận xét về tiết mục cuối cùng của cô (bài Cám ơn tình yêu). Nhạc sĩ Quốc Trung: "Tôi thật sự thán phục em vì em chưa được đào tạo. Điều quan trọng nhất của một nghệ sĩ là thẩm mĩ và tâm hồn. Điều đó thì không thể đào tạo được, và em thì lại có rất nhiều. Tôi thành thật...ngả mũ”. Trong khi đó, chị Siu Black nghẹn ngào: "Tôi không hiểu vì sao lần đầu em thi Vietnam Idol mà lại không thành công nhỉ? Tại sao chúng tôi lại thiếu sót? Khi em hát bài này, chị không muốn so sánh em với Mai Hương, nhưng độ cảm xúc em tăng gấp bội, vì sự chững chạc của em”. 9

 

Bạn muốn biết ý kiến một chuyên gia ngoại cuộc ư ? Nhà soạn nhạc Tuấn Khanh, một trong ba GK của cuộc thi hát nổi tiếng Sao Mai Điểm Hẹn (xem dưới đây) có nhận xét thế này:

"Tôi tin Uyên Linh sẽ là một trong những giọng ca tạo nên làn gió mới cho không gian nhạc Việt đã quá nhàm chán và bị thao túng bởi các "ngôi sao", "thần tượng"... thời trang suốt nhiều năm nay"10 (BĐH nhấn mạnh).

 

Trở lại với BGK Vietnam Idol, ta sẽ không hình dung hết tính thuyết phục của Uyên Linh đối với họ nếu bỏ qua những trích dẫn đầy ấn tượng này 10 :

"Không bài hát nào khó với em" (Siu Black), "Em hát làm tôi sung sướng đến lặng người" (Đạo diễn Quang Dũng), "Sẽ rất bất ngờ nếu số phiếu bình chọn của em không phải là cao nhất" (MC Diễm Quỳnh), "Không lẽ tôi cứ khen em hoài?" (Quốc Trung)... Đỉnh điểm của những lời tán thưởng đó là: "Cách đây không lâu tôi có trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề sản xuất cho ca sĩ. Từ lâu tôi đã không còn hứng thú để làm việc với họ nữa nhưng sau khi nghe em hát tôi sẽ rút lại câu nói đó” (Quốc Trung).

 

Nhưng một trong những cái “lạ lùng” của trường hợp Uyên Linh chính là “vấn nạn” mà Siu Black đã thành thực nêu ở trên, và được nhắc lại đó đây khá nhiều : Uyên Linh ( mà giới truyền thông VN – vốn quen với những lạm phát( inflation), soán đoạt( usurpation) danh nghĩa tước vị, nhất là bằng cấp, lẫn sự hàm hồ( ambiguité) đáng tiếc về ngôn từ –, không ngần ngại phong cho những danh hiệu “ thần tượng”, “ hiện tượng”, “ diva”11) đã không thành công ở một số cuộc tranh tài ca hát hoăc lần thi trước đó!

 

Có lẽ điểm đáng nói ở thí sinh này là đức tính kiên trì, sự tự tin, khôn khéo và khả năng bứt phá khi “ cờ đến tay” với một quan niệm( conception) thể hiện nghệ thuật vững chắc, tuy tự nó không mới lạ, nhưng đã được triển khai tới cùng. Đọc lời thổ lộ của Uyên Linh về cách cô chiêm ngưỡng thần tượng của mình là Whitney Houston, ta dễ đoán biết thêm nhiều điều:

Mỗi lần nghe cô ấy hát, Linh có cảm giác không rời mắt được, hết sức lắng nghe và chú ý từ đôi môi, động tác cơ thể, cho đến từng chuyển động cuốn hút trên sân khấu. Khi cô ấy thăng hoa, gợi cho Linh mơ ước được một lần rực rỡ như cô ấy.” 12

 

Đã có khá nhiều phân tích khá chính xác về giọng ca mới này, từ xuất xứ, quá trình học tập đến những ưu, khuyết điểm và yếu tố thành công: bạn đọc quan tâm có thể tham khảo thêm, khởi từ những nguồn được nêu trong bài này chẳng hạn.10,12-16

 

Dĩ nhiên, bản thân những “ scandales” ban đầu của Vietnam Idol, rồi đến sự xuất hiện “bất ngờ” của một ngôi sao mới như Uyên Linh, đã không khỏi dẫn đến sự hình thành một số cái “ phô” ( fausses notes) – theo lối nói hãy còn rất…Tây trong làng nhạc Việt –, từ khuynh hướng nói quá hoặc “ nói theo” cho đến những phê bình không mấy rộng lượng của dăm ba ca sĩ thành danh 17 ( mà trường hợp Thanh Lam là điển hình 18,19).

 

Tuy nhiên, sự kiện ca nhạc của năm không chỉ có một mặt về phía sân khấu: nó còn làm hé lộ những nét tương đối mới của bộ mặt quần chúng VN – đặc biệt là giới trẻ – hôm nay. Theo một “ lãnh đạo MobiFone” 20 thì:

từ khóa “Cám ơn tình yêu” nhận được tới gần 30 triệu kết quả khi tìm kiếm trên Google, là một căn cứ cho thấy độ nóng của tên chương trình và khả năng thực hiện viral marketing (marketing lan truyền kiểu vi rút) nhờ đó. Các thương hiệu nhắm vào giới trẻ đều muốn gắn liền với hình ảnh về niềm đam mê cháy bỏng, khao khát thành công, khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ và tạo nên cú đột phá trong sự nghiệp như Uyên Linh (BĐH nhấn mạnh).

 

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên mạng 21, nhà soạn nhạc Tuấn Khanh đã có nhận xét khá sâu sắc về khía cạnh tâm lý của quần chúng, cho rằng:

 

Người Việt vốn thích những câu chuyện và huyền thoại: ví dụ số người nghe đĩa Susan Boyle đếm trên đầu ngón tay, nhưng người ta thích câu chuyện đổi đời như vậy. Uyên Linh cũng rơi vào vùng trũng không gian huyền thoại của đời mình  là một người bị gạt ra khỏi chương trình và được người khác cho một tấm vé để đi vào, từ đó vượt lên trở thành ngôi sao rực sáng. Trong lúc người ta đang muốn tìm sự thay thế cho các ngôi sao trị vì trên bầu trời âm nhạc đã già cỗi và không có gì để nghe nữa, thì người ta tìm thấy một tia hy vọng (BĐH nhấn mạnh).

 

Quần chúng đó đã có nhiều dấu hiệu “lên cơn” khác thường: tại thời điểm nóng của cuộc thi, khi gõ hai chữ “Uyên Linh” trên Facebook, ta thấy rất nhiều trang liên quan hiện ra, và điều thú vị là những trang này có tên rất “cuồng tín” như: Hội những người phát cuồng vì Uyên Linh; Hội những người bất bình cho Uyên Linh; Hội những người cai nghiện Uyên Linh nhưng không thành công…4

 

Cũng thế, theo VCTV8 thì người ta “buôn” “Uyên Linh” từ công sở tới quán trà đá vỉa hè, từ trong nhà ra ngoài đường, dù nhiều người, thành thật mà nói, cũng chẳng biết Uyên Linh mặt mũi ra sao, bao nhiêu tuổi, hát hò thế nào. Uyên Linh đã trở thành một thứ “mốt” của mọi chủ đề bàn luận.

 

Như bất cứ hiện tượng đam mê ca nhạc nào khác – tuy không thể nào so sánh được với những làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt tột độ đã từng “nuốt trửng” những Beatles, những Kurt Cobain v.v… trên thế giới trước đây – hiện tượng quần chúng trẻ VN ồ ạt ủng hộ Uyên Linh có cái lý của nó, cùng lúc với tất cả cáingoại lý (irrationnel) đương nhiên của loại phản ứng đám đông này.

 

Phải chăng, đó là một trong những biểu hiện có ý nghĩa – bất luận người trong cuộc có ý thức hay không – của một xã hội đang đổ xô tiêu thụ và ve vuốt cái tôi (cùng lúc với niềm cô đơn kỳ lạ, đâu đó), vừa nghiện những giấc mơ vừa thèm được bộc lộ “nỗi lòng”, là những gì mà hình như chỉ có ca nhạc mới thỏa đáp được, cho dù mong manh, phiếm hão đến đâu: chính những thoả đáp ấy được cảm nhận là vừa tầm và tức khắc, là đã, là thực hơn bất cứ ảo giới khách quan nào khác đang vây phủ họ?

 

Họ nâng niu “thần tượng” vừa mới “đăng quang” đã từng làm họ “thổn thức” 16 , tìm cách nối dài những cảm giác trải nghiệm 22,23, hăm hở đi theo “Sao” của mình:

Gần 2.000 khán giả Hà Nội đã được một đêm mãn nhãn, mãn nhĩ khi được gặp mặt thần tượng, nghe thần tượng hát và được gặp những gương mặt yêu quý, những giọng ca mình yêu thích.Không chỉ có thanh niên mà cả người trung niên, trẻ em cũng theo cha mẹ đến xem chương trình. Không chỉ một người mà có cả gia đình đến bốn người cùng mua vé đi xem hát (…) Và cũng là một sự cống hiến hết mình của những ca sĩ trong cuộc thi Việt Nam Idol khi họ làm sống lại những giây phút cuộc thi, trong sân khấu của các live show Idol 2010 đúng như nguyện vọng những người tổ chức chương trình. 23

 

Một hiện tượng xã hội hoàn toàn “ăn nhịp” với kết quả cuộc thăm dò dư luận thế giới của BVA (cho báo Le Parisien ngày 3/1/2011) 24: người VN lạc quan nhất thế giới?

 

Rất có thể. Nhưng dẫu sao, như những lời bình rất thực tế của nhiều độc giả trên mạng 25 , lý do đưa tới lời tuyên bố lạc quan – nếu có – của “người VN” không nhất thiết và cũng không luôn luôn là những lý do tương ứng với một trạng thái hạnh phúc thật sự, như ta giả định hoặc hy vọng. Trong trường hợp của “cơn sốt mơ sao” đang khảo sát đây, lạc quan có thể đến từ sân khấu hoặc một góc nhìn sân khấu, dưới bóng đèn mờ ảo của một không gian thiếu ánh mặt trời. Vietnam Idol không phải là tất cả.


Sao Mai Điểm Hẹn và Bài Hát Việt:

vai trò đối trọng và kiến tạo âm nhạc theo phong cách khác

 

Ra đời ba năm trước Vietnam Idol, Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH) “là một cuộc thi ca nhạc truyền hình được VTV3 tổ chức hai năm một lần bắt đầu từ năm 2004. Đây là một trong hai cuộc thi hát lớn của Đài truyền hình VN, cuộc thi còn lại là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc hay còn gọi là giải Sao Mai được tổ chức vào các năm lẻ.” 26

 

Đây là cuộc thi ca nhạc được xem như có tầm cỡ “ sân khấu lớn”, uy tín vào bậc nhất VN và do đó, thí sinh lắm khi là những ca sĩ đã hành nghề. SMĐH đã từng trao giải cho nhiều giọng ca nổi tiếng26,27, trong đó xuất sắc nhất – theo một sự đồng thuận rộng rãi – là Tùng Dương, ca sĩ mà người viết bài này đã có dịp dành cho những dòng ngưỡng mộ28 sau khi nghe CD đầu tay của anh ( « Chạy trốn », bao gồm các sáng tác của Lê Minh Sơn). Trong năm 201029, SMĐH đã có nhiều cố gắng nhằm thay đổi và làm phong phú thêm cách thực hiện (“format chương trình”, theo lối nói không mấy thuần Việt hiện nay), nhất là ở những vòng cuối. Tuy nhiên, mùa thu hoạch được cho là không có đột phá ấn tượng và sự phân định “ngôi thứ” về sau xem ra không dễ chút nào30. Thêm vào đó, ngoài việc giọng ca thiên phú người Ba Na là Mỹ Như bị loại đã gây nhiều thất vọng, những lủng củng về tổ chức trong việc trao giải Triển vọng đã khiến ngay cả một GK (tức thành viên Hội Đồng Nghệ Thuật [HĐNT]) cũng phải lên tiếng21,31.

                                                 

 

Cỏ và Mưa , duo Minh Chuyên - Tùng Dươngtrên SMĐH

 

Dẫu sao, điều mà mọi người thấy khá rõ là thế hệ ca sĩ mới hiện nay phần đông có chất giọng và nhất là trình độ biểu diễn cao hơn hẳn so với nhiều người lớp đàn anh đàn chị. Đó vừa là cơ may, vừa là quy luật phát triển. Trong phần chung kết SMĐH, giải cao nhất- của HĐNT- đã về tay Minh Chuyên 32, nữ ca sĩ đầu tiên giành được ngôi vị này sau bốn mùa SMĐH, kể từ khi ra đời. Năm nay 24 tuổi, là sinh viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, cô đã từng có mặt trong Top 10 Vietnam Idol 2008.Bạn đọc có thể xem Minh Chuyên hát một bài loại nhạc mới chung với Tùng Dương qua “đường dây” dưới đây, hoặc xem cách Minh Chuyên hát hai bài rất quen thuộc của Trịnh Công Sơn là Dấu chân địa đàng  Sóng về đâu , để có cơ sở tự đánh giá trong “hệ quy chiếu” (référentiel) âm nhạc của mình. Riêng theo thiển ý, Minh Chuyên đã tỏ ra xuất sắc và tinh tế qua cách thể hiện hai tác phẩm “kinh điển’ này – nhất là bài sau! –, là điều được chia sẻ bởi khá nhiều người33,34.

 

Nhìn chung SMĐH là một sân chơi  khá « cổ điển » và sự nghiêm túc, tính bài bản, tương đối được tôn trọng hơn nhiều nơi khác. Sự có mặt của Mỹ Tâm – bên cạnh hai nhà soạn nhạc Tuấn Khanh và Hồ Hoài Anh trong HĐNT – là một nhân tố khá thú vị, do nét đẹp nổi bật bên ngoài và nhiệt tình sôi nổi bên trong của ca sĩ này, một sự bộc trực hồn nhiên qua những phát biểu thẳng thắn làm đôi khi – tiếc thay ! – một số người có thể là không vừa ý. Tuy nhiên, đối với Mỹ Linh thì ê-kíp âm nhạc của SMĐH 2010 không bằng Vietnam Idol, bởi vì:

như trường hợp Uyên Linh, nếu xuất hiện tại Sao Mai Điểm Hẹn, có lẽ số phận cô ấy đã khác, bởi tiêu chí 2 cuộc thi thì gần như nhau nhưng cách mà êkíp âm nhạc thực hiện lại rất khác nhau. Với Vietnam Idol, cô ấy đã chinh phục được mọi người bằng cảm xúc, bằng cách trình diễn lôi cuốn và sự gần gũi của mình, trong khi đó, độ “nóng” của Sao Mai Điểm Hẹn đã giảm đi12.

 

Sự có mặt song song của SMĐH và Vietnam Idol, tự nó, là một bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa lòng sân khấu âm nhạc VN. Mọi lố bịch, tiểu xảo, sẽ dần dà được nhận ra và loại bỏ. Ít ra trên mảnh đất này, quy luật chọn lọc theo thẩm mỹ của người thưởng ngoạn sẽ không hoàn toàn tùy thuộc vào « quy luật thị trường » thô bạo.

 

Nhưng nói tới thẩm mỹ âm nhạc cũng là chạm tới nhiều vấn đề « gai góc» gắn liền với sự đi tìm cái mới. Ở Việt Nam, từ 2005 đến nay, may thay đã có Bài Hát Việt (BHV), « là chương trình công diễn và thi các ca khúc mới dành cho các tác giả VN do Đài truyền hình VN tổ chức, phát sóng hàng tháng trên VTV3 vào Chủ nhật cuối cùng của tháng.» 35

 

Vì bài hát dự thi « phải là các bài hát chưa từng được công bố hoặc mới được phát hành trong các Album kể từ đầu năm 35», và bài hát của tháng- do HĐNT( gồm 11 người !) bầu chọn – « là bài hát được đánh giá cao nhất về mọi khía cạnh nghệ thuật 35», sự có mặt của các giải thưởng BHV quả là một sự kích thích lớn cho hoạt động sáng tác âm nhạc VN, trong lẫn ngoài nước. Mà không chỉ riêng cho sáng tác : ngoài giải thưởng này, còn có bốn giải khác, như mô tả dưới đây:

 

- Phối khí hiệu quả: do Hội đồng nghệ thuật bầu chọn, là bài hát được đánh giá cao nhất về mặt phối khí.

- Ca sĩ trình bày xuất sắc nhất: do Hội đồng nghệ thuật bầu chọn, trao cho ca sĩ đã trình bày ca khúc mới một cách hiệu quả nhất.

- Ca khúc ấn tượng: do khán giả bình chọn trong quá trình chương trình diễn ra, là ca khúc gây ấn tượng ban đầu cho nhiều khán giả nhất.

- Ca khúc được khán giả yêu thích nhất: do khán giả bình chọn trong thời gian giữa 2 liveshow, dành cho bài hát mà được nhiều khán giả yêu thích nhất35.

 

Đây đúng là một tham vọng thúc đẩy sáng tạo quá lớn, không tránh khỏi những lúc « đuối hơi ». Dù thế, khi tổng kết chặng đường năm năm, nhà soạn nhạc Dương Thụ đã đưa ra những nhận xét sắc bén, trong một bài báo36 cô đọng, chính xác, thể hiện nhiều tâm huyết hiếm thấy. Ông cho rằng

"Tân nhạc của gần một thế kỷ trước cần 10 năm để khẳng định mình dù nó không có đối thủ. Bài Hát Việt với hai đối thủ nặng ký là lực cản và “nhạc thị trường” mới 5 năm mà đã tựu thành... Đó là một thành công ngoài mong đợi".

 

Về khuynh hướng sáng tác, Dương Thụ nhấn mạnh :

"Những ca khúc thành công trong Bài hát Việt rất ít khi chạy theo đề tài (...). Nó đã bộc lộ một cách tự do hơn về bất cứ vấn đề gì theo những cảm xúc có tính chất cá nhân: tình yêu, môi trường hoặc những vấn đề của riêng mình hoặc của xã hội, mặc dù sự bộc lộ này có thể chưa thật sâu sắc. Đây là một nét mới và cũng là sự kế tục những gì đã thể hiện ở những nhạc sĩ cách tân thuộc thế hệ đàn anh".

 

Về số lượng, nhà soạn nhạc tóm lược một cách đầy phấn khởi:

Bài hát Việt, trong 5 năm đã thực hiện 46 live show (41 live show chung kết tháng, 5 live show chung kết năm) để trình diễn 387 bài được chọn vào chung khảo trên cơ sở 1126 bài vào sơ khảo và gấp 5 lần như thế những bài được gửi đến dự thí. Trong bối cảnh âm nhạc rất có vấn đề hiện nay những con số như thế quả là rất ấn tượng.

 

Cụ thể, ta có thể kể tên những thành tựu nổi bật của BHV mà người viết bài này đã hân hạnh được thưởng thức tại quê nhà và do đó ước mong bạn đọc sẽ tìm nghe, bởi nó thật sự đưa ta vào thế giới mới lạ của dòng nhạc cách tân (cùng với các vấn nạn mà bất cứ dòng nghệ thuật đương đại nào cũng đặt ra !). Đó là các tác phẩm đoạt giải «Bài hát của năm»: À í a, trong năm đầu tiên 2005 (tác giả Lê Minh Sơn), Chuông gió ( Võ Thiện Thanh, 2006), Con cò (Lưu Hà An, 2007), Chênh vênh ( Lê Cát Trọng Lý , 2008) và Đồng hồ treo tường ( Nguyễn Xinh Xô, 2009).

 

 

Lê Cát Trọng Lý

 

                                                   

Đinh Mạnh Ninh

 

Như một nhận xét của nhà báo Ngô Bá Lục,37

"các ca khúc đoạt giải Bài hát Việt đều trở thành “hit” của các ca sĩ như Thu Minh (Mong anh về, Chuông gió), Tùng Dương (Con cò), Ngọc Khuê (Bà tôi), Nguyễn Đức Cường (Nồng nàn Hà Nội), Hà Anh Tuấn - Phương Linh (Thiên đường gọi tên, Cơn mưa tình yêu)."

 

Mặt khác, sân khấu BHV cũng đã cho khán giả « khám phá » nhiều giọng ca trẻ đầy triển vọng mà tiêu biểu là Đinh Mạnh Ninh38, đó là chưa nói đến tính năng động và tài viết nhạc39 của nghệ sĩ mới 21 tuổi này.

 

Nói đến sáng tác kiểu mới, thường thì người ta vẫn hay sợ nó mang tính cách quá «tiên phong», không có quần chúng. Thế nhưng, vẫn theo nhà báo họ Ngô thì thậm chí ca khúc “Bà tôi” còn trở thành bài hát cửa miệng của nhiều người. Nó còn được xuất hiện trên sân khấu hài, vốn dành cho tất cả mọi người. Một chương trình hài bình dân dành cho số đông thì họ phải dùng ngôn ngữ quen thuộc, và “Bà tôi” được chọn, có nghĩa là nó có đời sống sâu rộng trong công chúng. Các bài hát ở BHV còn được xuất hiện ở nhiều cuộc thi hát từ Văn nghệ quần chúng đến cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc chuyên nghiệp. Rất nhiều thí sinh đã chọn và thành công. Có những ca khúc như Nồng nàn Hà Nội được một số trang web tổng kết là Bài hát được nghe nhiều nhất trên mạng năm 2008…

 

Đó là điều đáng mừng, mặc dù sự thận trọng và óc khách quan vẫn luôn luôn là cần thiết ngay cả trong lãnh vực này. Vì thế, Ngô Bá Lục nhắc nhở :

Không có một chương trình hay cá nhân cụ thể nào có thể cải tạo được thị trường âm nhạc, nên cũng đừng hy vọng Bài hát Việt sẽ đứng ra làm chàng Đông Ki Sốt như thế. Bài hát Việt, nó chỉ là một hoạt động của showbiz và tất nhiên có tác dụng nhất định. Một nền âm nhạc không chỉ trông chờ vào một sân chơi, vài bài hát mà nó còn cả một guồng máy, bên cạnh đó là trình độ dân trí và tư duy âm nhạc của người làm nghề. 

 

Chính thế. Dương Thụ cũng đã trân trọng đánh giá rằng những tác phẩm trội nhất của BHV là có

giá trị như sự manh nha cho những tìm tòi về mặt ngôn ngữ âm nhạc, thể hiện sự thay đổi về cách tư duy, cách cảm nhận và diễn đạt âm nhạc để tạo ra những giá trị âm nhạc mới, những giá trị đương đại, phù hợp với người nghe hôm nay.

 

Đã đến lúc âm nhạc VN cần một bước chuyển hóa nhảy vọt về chất lẫn về dạng. Tiếp tục chỉ hát mãi Trịnh Công Sơn hay Phú Quang,Trần Tiến… là thú nhận [rằng với mình ] lịch sử thanh nhạc đang dừng lại, hoặc chối nhận dòng chảy của nó.40

 

Thế nhưng, ngay như không cần đặt vấn đề một cách quá cao xa hoặc «hàn lâm» như vậy, thì cũng dễ thấy rằng sân khấu ca nhạc Việt Nam hãy còn cần  rất cần – một tư duy nghệ thuật đúng nghĩa, một cốt cách thể hiện xứng đáng hơn những gì ta đang bị bắt buộc phải chứng kiến. Vì sao vậy?

Trước hết, bởi vì ca sĩ VN nhiều khi phạm những lỗi «nghề nghiệp», do không có hoặc chưa thấm nhuần những nguyên tắc cơ bản về chất lượng : hát không đúng ca từ41 (kể cả những danh ca hàng đầu), hát sai nốt nhạc (là điều người viết sẽ chứng minh trong một dịp khác), cẩu thả trong y phục trình diễn (hình như do thiếu tư vấn hoặc tư vấn thiếu trình độ). Hậu quả đáng tiếc là những màn trình diễn ấy không khỏi gây phát ngượng cho những ai có đôi chút hiểu biết, dù chỉ sơ sài, về các ca khúc «kinh điển» được thể hiện cũng như về mỹ thuật… Tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn với xu hướng ăn mặc thiếu lịch sự hiện nay, có lẽ do nhầm lẫn trầm trọng giữa gợi cảm tinh tế với phơi bày dung tục.42

 

Mặt khác, sự kiện cháy vé đặc biệt ở Hà Nội trong những buổi trình diễn «nhạc sến» của các ca sĩ hải ngoại43,44 lại càng khiến ta phải suy nghĩ. Phải chăng nó nói lên đến hai lần sự nghèo nàn : người thèm được nghe vì «đói» nhạc êm, nhạc «sến » ru êm45 vì nhạc khác không… nghe được ?

Vế thứ nhất đòi hỏi một khảo sát xã hội học. Vế sau kêu gọi sự sáng tạo như một thách đố.

Có lẽ đó cũng chính là ý nghĩa, là sự gửi gấm của Dương Thụ qua câu ông viết :

 

Không lặp lại cái hay cũ, nói không với “nhạc thị trường”là một bước tiến quan trọng. Nhưng để tạo dựng được một ngôn ngữ âm nhạc mới, mới nhưng phải trở thành cái hay mới lại là cả một chặng đường dài phía trước./.


Nguồn : Diễn Đàn Forum, bản của tác giả gửi


Chú thích

 

1 Vietnam Idol 2010 với giải thưởng "khủng" 20.000 USD

2 http://fr.wikipedia.org/wiki/Pop_Idol

Cũng theo Wikipedia thì FremantleMedia đã triển khai khoản 50 phiên bản khác nhau trong 110 nước trên thế giới ( chứ không phải như thông tin4 cho rằng Việt Nam là một trong 8 nước đã mua bản quyền chương trình Idol )

3 http://fr.wikipedia.org/wiki/American_Idol

4 Vietnam Idol 2010: Cơn sốt bao nhiêu độ?

5 Những cú sốc Vietnam Idol 2010

6 Giải mã “cơn sốt " Vietnam Idol 2010

7 Cận cảnh Uyên Linh chiến thắng Vietnam Idol, LỮ ĐẮC LONG (Theo Bưu Điện Việt Nam)

8 Góc khác về Uyên Linh - hiện tượng nhạc Việt 2010, Theo VCTV

9 Uyên Linh - Diva mới của làng nhạc Việt?, Phương Anh ( Theo Bưu Điện VN)

10 Uyên Linh: tự học để thành Thần tượng âm nhạc, Quỳnh Nguyễn

11 NS Huy Tuấn: Phong Diva cho Uyên Linh, thật vớ vẩn

Nhân năm mới cũng xin ước mong sẽ có cải thiện mới: giới truyền thông âm nhạc Việt nam hiện nay còn rất tùy tiện trong việc xử dụng từ «Diva », và gán nó thoải mái cho nhiều ca sĩ đang hành nghề một cách thiếu cân nhắc, đến độ khiến người ta không thể không nghi ngờ chính trình độ hiểu biết của các nhà «  ban phát huy chương » này !

12 Uyên Linh: Nếu bạn dũng cảm dẫn đường..., Vĩ Thanh

13 Hành trình trở thành thần tượng âm nhạc của Uyên Linh, QUÂN ANH (Theo Bưu Điện Việt Nam)

14 Uyên Linh - tài năng từng bị bỏ quên?, Khanh Chi

15 Giọng hát Uyên Linh – Từ góc nhìn của một khán giả,

16 UYÊN LINH: CÓ PHẢI LÀ CA SĨ MỘT MÀU?, 

17 Loạt Sao "lớn" không xem Uyên Linh là "hiện tượng" và có cá tính

18 Thanh Lam bị khán giả chỉ trích dữ dội vì « dám » chê Uyên Linh

19 Thanh Lam bình thản trước sự công kích dữ dội của fans Uyên Linh

20 Các thương hiệu lớn bắt đầu khai thác Uyên Linh

21 Nhạc sĩ Tuấn Khanh không biết ai trao giải Triển vọng trong SMĐH, 24H.COM.VN (Theo Tiền Phong),

22 Uyên Linh, Mai Hương cháy hết mình trong liveshow “Cảm ơn tình yêu”

23 Uyên Linh khóc khi hát ở Hà Nội, Hoàng Điệp

24 người VN lạc quan nhất thế giới?

25 Người Việt Nam lạc quan nhất thế giới: dân trí, SGTT, NLD (xem thêm lời bình của các độc giả)

26 http://vi.wikipedia.org/wiki/Sao_Mai_%C4%91i%E1%BB%83m_h%E1%BA%B9n

27  SaoMai - Điểm hẹn: Kasim Hoàng Vũ và Nguyễn Tùng Dương

28 Trên đỉnh âm nhạc Lê Minh Sơn, talawas 2006

29 http://vi.wikipedia.org/wiki/Sao_Mai_%C4%91i%E1%BB%83m_h%E1%BA%B9n_2010

30 Sao mai điểm hẹn 2010: Trao giải khó như lên trời?

31 Sao mai điểm hẹn 2010: “Ung nhọt” thi nhau phát tán

32 Minh Chuyên đăng quang thuyết phục,

33 Minh Chuyên gây bất ngờ với nhạc Trịnh Công Sơn : VTC, TTVH

34 Nghe Minh Chuyên hát “Sóng về đâu” ở Sao mai điểm hẹn 2010.

35 http://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A0i_h%C3%A1t_Vi%E1%BB%87t

36 Nhạc sĩ Dương Thụ: "Bài hát Việt sẽ không ngừng lại"

37 Nhà báo Ngô Bá Lục: “Đừng hy vọng BHV sẽ đứng ra làm chàng Đông Ki Sốt

38 Đinh Mạnh Ninh: "Ca sĩ phải yêu mới hát được"

39 "Lời yêu nào" chiến thắng bình chọn BHV tháng 9

40 Điều này hoàn toàn độc lập với giá trị thách đố thời gian của những sự nghiệp sáng tác, như trường hợp Trịnh Công Sơn ( mà người viết đã có dịp vinh danh cách đây 10 năm; sự kiện hàng ngàn dân Sài Gòn «  trung thành » với cuôc họp mặt hằng năm kỷ niệm ngày ông mất ở khu du lịch Bình Quới phải chăng còn nói lên nhiều hơn cả một sự ngưỡng mộ thuần túy về nghệ thuật : sự đồng nhất với một biểu tượng bản sắc ?

41Ông hoàng, nữ hoàng, diva cũng hát sai lời

42 Sao Việt với trào lưu siêu "cũn cỡn"

43 Hà Nội “cháy vé” show ca sĩ hải ngoại

44 Ca sĩ hải ngoại đổ xô về nước vì... cát-xê?

45 Vì sao “nhạc sến” vẫn còn?
Bùi Đức Hào
Số lần đọc: 2540
Ngày đăng: 13.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nổi Chìm Sân Khấu 2010 - Tuấn Giang
Đặc Trưng Nghệ Thuật Múa - Tuấn Giang
Những Thuyết Nguồn Gốc Nghệ Thuật - Tuấn Giang
Bài Lorca: - Hoàng Hưng
Văn Chương Cần Trình Diễn Hay Trí Thức ? - Trần Vũ
Đổi Mới Nghệ Thuật Xiếc - Tuấn Giang
Xem tranh Lê Ký Thương - Khổng Ðức
Liên hoan trình diễn nghệ thuật Gillawarna, Sydney - Nguyễn Đức Hiệp
Về các phạm trù mỹ học và nền nghệ thuật mới . - Yến Nhi
Nghệ thuật ? để làm gì ? - Phan Huy Đường
Cùng một tác giả