Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.212.888
 
Những chân trời, thơ của Cao Quảng Văn
Huỳnh Như Phương

Cao Quảng Văn thuộc thế hệ những người làm thơ ở miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Thơ ông xuất hiện trên những tờ báo phản kháng nổi tiếng thời ấy: Thần chung, Đuốc nhà Nam, Tin văn, Trình bầy, Đối diện… Viết trong thời giông bão, thơ phải mang không khí của bão giông. Huống chi nhà thơ là người trí thức thanh sạch, luôn cảm nhận không phải niềm đau nhức siêu hình mà là những vết thương có thật của đời sống:

 

Trên những cánh đồng khô bên những bãi sình lầy

Một dòng nước mắt nào vừa tuôn chảy

Một khuôn mặt nào nhăn nheo

Một nụ cười nào khô héo

Một trái bom nào đã nổ

Trên trán em mùa xuân để tang

Một cánh hoa nào vừa nở muộn màng

Trong những khu vườn hoang

Khi ngày sắp tắt.

(Sáng mai chim hót, 1967)

       

Dù Cao Quảng Văn không thiếu những câu thơ hào sảng và tráng khí, nhưng giọng điệu chung của thơ ông vẫn là giọng tâm tình, nhỏ nhẹ, hiền hoà như con người ông, đặc biệt trong những bài thơ gửi gắm ước mơ về một ngày mai trên đất nước:

 

Em ơi chiều nay gió về trên sông

bồi hồi từng cơn lá rụng

mình anh lang thang trên đường vắng

mơ hoài một tiếng sơn ca

trên những chiến trường đỏ lửa

mơ hoài một tiếng trẻ thơ reo vui

một sớm mai bếp hồng thân ái.

(Về vui đêm nay, 1971)

 

Gặp lại Cao Quảng Văn trong tập Những chân trời này, người đọc dễ nhận ra thơ ông bây giờ đã hướng đến những chủ đề khác: tình yêu và hoài niệm, thời gian và ký ức, hạnh phúc và muộn phiền… Sau những trải nghiệm, thơ ông trở nên hàm súc hơn, nhiều khoảng trống hơn, nhất là xuất hiện những niềm hồ nghi, những câu hỏi:

 

Ai đã sống

Như đã ngàn năm sống

Với tin yêu

Rồi thất vọng

Tràn bờ?

Ngàn năm sau

Có còn gì lưu lại

Hay chỉ còn

Niềm câm lặng trong thơ?

(Câm lặng nỗi buồn)

 

Có vẻ như niềm tin của nhà thơ đã bắt đầu suy suyển khi thơ ông biết đến những con đường chồn chân mỏi gối và những bước chân ngập ngừng lo ngại:

 

Chân bước trên đường

Mà không biết về đâu

Những mắt nhìn chìm tan

Bóng tối

Ngày nhòa đêm giọt lệ chan

Nắng sớm

Mưa chiều sám hối.

( Những chân trời)

 

Nhưng thật ra thì ông vẫn còn tin ở phép lạ của thời gian: Hàu ngậm cát sầu/ Năm tháng hoá trân châu… Rồi ông tự dặn lòng: Với kiên nhẫn – thời gian/ Dâu tằm xanh sẽ hoá thành lụa quý.

Một điều gì như là nghịch lý: càng sốt ruột với thời gian, người thơ lại càng sống chậm như một cách níu giữ thời gian, để niềm bình thản không bị khuấy động và hồn người như tan loãng trong dòng sông ngừng không muốn chảy hay giữa  buổi chiều đang dừng lại.

 

Thơ Cao Quảng Văn bây giờ là những đoản khúc mang nhịp điệu chậm rãi của những giọt mưa âm thầm, những tiếng gió nhẹ nhàng thổi qua kẽ lá, đôi lúc trùng lặp một âm hưởng u hoài.

 

Nhưng trên cả nỗi hoài nghi và niềm hy vọng, trên cả nỗi sốt ruột hay lòng bình thản trước thời gian, đó là tình yêu được giữ gìn trong ngôn ngữ của thơ ca. Giữ gìn thơ ca là giữ gìn tình yêu. Và giữ gìn được tình yêu là giữ gìn được tất cả:

 

Đời chậm hay mau

Thời gian vẫn thế

Trang sách tình yêu

Chữ có nhiệm màu?

Hãy giữ giùm anh

Thơ-chưa-nên-dòng

Cho năm tháng này còn xanh mắt trong.

(Hãy giữ giùm anh)

 

Phúc cho những ai còn tin vào thơ ca như Cao Quảng Văn.

Phúc cho những ai còn giữ được tình yêu như Cao Quảng Văn.

 

Huỳnh Như Phương
Số lần đọc: 1823
Ngày đăng: 14.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gọi chiều nước lên… - Đỗ Hồng Ngọc
Một cốt cách ở đời (*) - Đỗ Hồng Ngọc
Cuối năm, với Nguyễn Ngọc Tư... - Huỳnh Kim
Ðọc thơ Từ Thế Mộng - Lãm Thúy
Tác giả - Tác phẩm Người đồng hành quanh tôi, Tập II. - Trần Hữu Dũng
TWIST dù của tiểu thuyết hay một nhạc điệu... - Cung Văn
Đọc Cuối Cùng Tác Phẩm Cuối Cùng Của Nhà Văn Võ Phiến - Trần Vấn Lệ
Một cuộc kiếm tìm không ngưng nghỉ - Nguyễn Quang Thiều
Cát Vàng của Lữ Quỳnh, qua cảm nhận - Phạm Văn Nhàn
Đọc thơ Lâm Hảo Dũng nghĩ đến những ngày đã qua - Phạm Văn Nhàn