Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.177
123.222.896
 
Mai Thảo (1927-1998) . 2
Thụy Khuê

Nghệ thuật tiểu thuyết

 

Tiểu thuyết của Mai Thảo phần lớn xây dựng trên vũ trường, trên đổ vỡ, trên những cuộc sống về đêm của một Sài-gòn ăn chơi đàng điếm. Thường là những bức tranh đời ông qua nhiều khía cạnh: một nghệ sĩ tự do, không chấp nhận bị ràng buộc bởi bất cứ một yếu tố nào kể cả gia đình. Và như thế cô đơn và tự do trở thành một cặp uyên ương miên viễn. Tiểu thuyết Mai Thảo (cũng giống như trường hợp Bình Nguyên Lộc) viết vội để đăng báo hàng ngày, bán rất chạy, được tuổi trẻ miền Nam thời ấy gối đầu giường.

Tại sao có hiện tượng ấy? Bởi đó là một nghệ thuật bình dân. Bình dân như quan điểm nghệ thuật của Tự Lực văn đoàn thủa trước, nghĩa là ở trong tầm tay của tất cả mọi người, trái với quan niệm nghệ thuật trí thức của Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Dương Nghiễm Mậu.

 

Trước tiên hãy nói về «điều kiện» viết của Mai Thảo.

 

Ở thời điểm ăn khách nhất, mỗi ngày ông viết hai, ba feuilleton đăng báo, sau in thành truyện dài... Hỏi Trần Thanh Hiệp: có đúng là anh Mai Thảo viết mỗi ngày hai ba feuilleton đăng báo không anh? - Đúng, nó viết thế đấy! Lại hỏi: Thế đêm nào cũng đi nhảy, uống rượu đến khuya, còn làm chủ báo, còn viết tiểu luận, truyện ngắn, tuỳ bút... thì lấy thì giờ đâu? - Ừ nó vẫn có thì giờ!

 

Trên giá sách căn phòng Mai Thảo ở California không có lấy một cuốn của ông. Hỏi: Sao không có sách của anh? Anh không giữ tác phẩm của anh à? Anh có đọc lại những gì anh đã viết không? Trả lời: Không. Vả lại những gì tôi đã viết cũng thường thôi. Cầm bằng cho gió bay đi. Giữ làm gì thêm nặng.

Giữ làm gì. Tôi viết cũng thường thôi.

 

Mai Thảo không đọc lại thật. Ví dụ có một lỗi trong cuốn «Sau khi bão tới», nếu đọc lại chắc chắn ông đã sửa: tên người tình cũ (đã mất) của Dũng ở những trang đầu là Uyển; sau đó vài trang, người tình của Kính (bạn Dũng) cũng tên Uyển. Mấy trang sau, Uyển (của Dũng) trở thành Liên. Trừ lỗi này, toàn truyện không có một sơ hở kỹ thuật nào khác, các chi tiết dù nhỏ nhặt, ăn khít với nhau. Bố cục các truyện dài (qua chín mười quyển mà chúng tôi đã đọc) luôn luôn chặt chẽ, các dữ kiện gắn bó mật thiết, không có dấu vết nào của lối viết feuilleton, cẩu thả.

 

1- Tiểu thuyết «Khi mùa mưa tới» mở đầu bằng những dòng:

«Phủ nhìn lên. Phiến trời nhỏ, thật xa, giữa những bờ tường xám, hồng dần. Trên những ô kính của cái chòi canh lục lăng cao vút, tia năng rực rỡ thứ nhất vừa ánh.

Đứng tựa lưng vào một thân cột lớn, hai tay đút túi quần, mơ màng, Phủ nghe thấy vọng lại từ những hành lang dài thẳm sau lưng những bước chân rộn rịp, những cửa sắt mở ra trong tiếng khoá lách tách, tiếng trục nghiến rít lanh lảnh, và chàng bỗng thấy thèm muốn được ngủ, được ném cái thân thể mỏi mệt, nhớp nhúa, hôi hám xuống bất cứ một thứ mặt phẳng trống trơn nào, vùi mái tóc rũ rượi vào bất cứ một khoảng trũng nhầy nhụa nào. Nhưng ngủ. Miễn là ngủ. Ngủ mê man và bằn bặt. Ngủ. Một ngày. Một tháng. Một đời. Một phút cũng được. Nhưng ngủ.

 

Trong niềm khao khát đến cực điểm muốn thét vỡ thành tiếng trong đầu, thoắt hiện lên như một riễu cợt chua chát, hình ảnh ấm cúng của một căn buồng mầu hồng nhạt. Những riềm cửa xanh mầu nước biển lất phất như những cánh bướm đêm. Ánh sáng chìm chìm lẩn lẩn. Mùi nước hoa phảng phất trên mặt đệm trắng muốt. Cái cánh tay trắng ngần sữa đọng của người đàn bà. Phủ lạc đến cái phòng ngủ ấy lần đầu. Như người đàn bà ấy, chàng cũng mới gặp lần đầu, ở Sài-gòn» (Khi mùa mưa tới, Thái Lai 1964, trang 7).

 

Một lối mở truyện rất lạ. Khó có thể hiểu làm sao tác giả có thể viết những dòng như thế này một mạch kiểu feuilleton, ngoài sự dụng bút của một thiên tài.

Đây là một đoản khúc có ba âm giai, với ba chiều ống kính:

Phần mở: Phủ nhìn lên... ống kính chiếu ngược lên trời.

Phần giữa: Đứng tựa lưng vào... ống kính chiếu vào tiềm thức.

Phần kết: Trong niềm khao khát... ống kính chiếu sâu thêm vào vô thức, để chuyển đoạn.

Ba âm giai và ba ống kính nối kết mật thiết với nhau trong cách hành ngôn và hành động của mộng tưởng, từ lúc Phủ ngẩng mặt nhìn trời: bức tranh ấn tượng và siêu thực giao thoa trong tia nắng thứ nhất, chiếu trên những ô kính của chiếc chòi canh lục lăng cao vút. Một sức hấp dẫn ma quái bắt đầu, vì cả chòi canh, bờ tường, lẫn tia nắng, không có gì chứng thực là hiện hữu hay ảo ảnh.

 

Quay về mình, Phủ nghe những thanh âm vọng lên từ một tiềm thức xa xôi, mầu sắc đã biến đi nhường chỗ cho âm thanh: bản nhạc kinh dị trổi lên với tiếng những bước chân rộn rịp, tiếng khoá lách tách, tiếng trục nghiến rít lanh lảnh... hình hài nhớp nhúa, âm nhạc thôi miên Phủ đến một thèm muốn không cự lại được: ngủ. Ngủ như một sự chết, thoát, chìm nghỉm.

 

Trong giây phút cực điểm của thèm muốn đang vỡ bung, một hình ảnh nén sâu trong tiềm thức vung lên «căn buồng màu hồng nhạt với những riềm cửa xanh màu nước biển lất phất như những cánh bướm đêm». Lại một hình ảnh vừa thực vừa phi thực. Phủ thoát khỏi ám ảnh ngủ để bước vào một cơn mê mới: giấc mộng hồng. Giấc mộng đưa Phủ vào cuộc đời thực phũ phàng.

 

Mở truyện như vậy là một lối: Từ mộng vào thực của Mai Thảo

 

2- Truyện dài «Sau khi bão tới» bắt đầu bằng những hàng như thế này:

«... Người tài xế taxi nhổ mạnh ra ngoài xe một bãi nước miếng. Y ném theo vệt nước tung toé một tiếng chửi thề cục cằn. Thò một nửa mái đầu bù rối ra ngoài khung kính, cặp mắt y nhíu lại những đường hằn bực bội nhăn nhúm. Cặp mắt ấy vừa theo dõi những đầu người nhấp nhô trước mặt, vừa ném chếch sang phía vỉa hè, lên cao, nơi có những tấm biển số nhà thấp thoáng dưới một hàng hiên dài. Những cửa tiệm còn mở cửa. Nhưng hàng hiên nhô rộng, đã che hết ánh sáng từ những ngọn điện đường chiếu xuống, và những con số lờ mờ trên những tấm biển nhỏ, không nhận được ra. Nhiều tấm biển số nhà hiện ra và mất hút. Sự nóng nẩy của người tài xế bực bội cũng gia tăng thêm. Y lại nhổ nước miếng và lại chửi thề nữa.

 

Cuối cùng chiếc taxi già cũ rú máy khét lẹt, dừng khựng lại. Người tài xế kéo mạnh tay số về điểm chết, quay lại hỏi dồn, như một nạt nộ:

- 234. Phải không?» (Sau khi bão tới, trang 7- 8).

 

Ở đây, Mai Thảo chiếu thẳng ống kính vào nhân vật phụ nhất là người tài xế taxi. Hắn không có nhiệm vụ gì hết, trừ nhiệm vụ mở đầu tác phẩm. Hắn mở phũ phàng, trần tục, thô lỗ. Và hắn đóng bằng cách quay số vể điểm chết, như một khai tử, nhưng đồng thời hắn cũng cho ta thấy cách xây dựng hiện thực của Mai Thảo, đúng hơn là cách Mai Thảo ném hiện thực phũ phàng về phiá người đọc, hệt như tay tài xế nhổ nước miếng và «y ném theo vệt nước tung toé một tiếng chửi thề cục cằn». Sự tục tằn không đến từ tiếng chửi thề (bởi tác giả không cho biết lời hắn chửi) mà đến từ hành động: «y ném theo vệt nước tung toé». Chính cái sự y ném... ấy, làm ta buồn nôn và đó là hiện thực Mai Thảo: dùng thủ thuật hình ảnh giống như trong thơ, nhưng phũ phàng, lỗ mãng như cuộc đời. Một thứ hiện thực gián tiếp đã được lọc qua một hình ảnh khác. Ông không chỉ quay hiện thực bằng caméra ngang như mọi người mà còn đảo tít các chiều khác nhau theo ánh mắt bực bội của người tài xế: chiếu vào những đầu người nhấp nhô, ném chếch sang vỉa hè, lên cao... rọi vào những hàng hiên nhô, những ngọn điện đường chiếu xuống..., những tấm biển số nhà... Mai Thảo thay đổi không ngừng cách nhìn hiện thực, ông tận dụng mọi chiều không gian, như đã nhìn Hà-nội, Cửu-long, sông Hồng, khiến cho cái màn tìm nhà của gã tài xế trở thành một hoạt cảnh sống động vừa tục tằn vừa sục sạo, khổ ải.

Sự hắc ám của người tài xế mở ra trang đầu, đối diện với khuôn mặt «lạc lõng, bỡ ngỡ, nai lạc bầy» của người con gái đi tìm anh, lần đầu tiên đến Sài-gòn, là một đối chất mới. Sự đối chất sáng tối này sẽ xẩy ra trong toàn diện tác phẩm.

 

Và đó là lối mở truyện: đối chất biền ngẫu của Mai Thảo.

 

3- Truyện dài Mái tóc dĩ vãng, bắt đầu bằng những dòng như thế này:

 

«Tấm màn trong suốt bỗng vén mở từ từ. Như một dấu chân êm ái vừa nhẹ lướt khỏi tiềm thức, giấc ngủ dịu dàng chuyển mình. Tiếng trục quay rì rào. Tiếng trục quay rì rào trong đầu Quyền. Tấm màn trong suốt vẫn đều đặn vén lên, tới đâu đẩy mắt Quyền mở ra tới đó. Tiếng trục rì rào ngừng bặt. Và Quyền tỉnh dậy.

 

Chàng nằm im, nghe ngóng. Phút giây tỉnh thức ngắn ngủi tụ đọng nguyên vẹn trong bầu không khí chiêm bao mơ hồ lưu luyến, Quyền chưa nghe, chưa nhìn thấy gì, giấc ngủ còn là một trạng thái xanh biếc chưa đổi mầu, mặt đệm dưới lưng giam cầm trong khoảng trũng ấm áp lũ tay chân bất động trong dáng điệu cũ, gây cho Quyền cái cảm giác ngây ngất vừa dềnh lên từ một vực thẳm thơm ngát. Quyền đã thức, nhưng chàng còn nằm tròn trong cái cảm giác thơm ấy như trên một đài hoa lớn. Rồi những cánh hoa lả tả rụng xuống. Và, với sự hiện hữu của chung quanh, Quyền biết giấc ngủ đã bỏ đi, chàng không trở lại với nó được nữa. Mấy giờ? Quyền không đoán được. Tiếng đồng hồ thả giọt xuống một vùng bóng tối trên đầu, xếp đặt dần trong thần trí minh mẫn vị trí của căn phòng, khung cửa sổ mở rộng cắt thành một hình vuông trên một nền trời mực tầu ở rất xa bên ngoài, là khởi điểm quy định cho Quyền đoán thấy những đồ vật im lìm chung quanh». (Mái tóc dĩ vãng, Xuân Thu tái bản, trang 10).

 

Quyền đang ở trạng thái thức ngủ chập chờn: «Tấm màn trong suốt bỗng vén mở từ từ...» chỉ là tâm thức của Quyền đang chuyển mình từ trạng thái đóng sang mở. Tiếng trục quay rì rào vang trong đầu Quyền như tiếng sóng chiêm bao, và khi tiếng trục chấm dứt Quyền tỉnh. Trạng thái tỉnh kéo theo một tâm thức khác: sự định thần, và bây giờ chàng thấy giấc ngủ là một «trạng thái xanh biếc» và «lũ tay chân bất động» đang bị giam cầm trong khoảng trũng của mặt đệm ấm áp. Chàng đang nhập hồn, «lũ tay chân» ấy chưa phải là của chàng, «chúng» còn đang muốn tiếp tục hưởng những hơi ấm cuối cùng của chăn gối. Chính Quyền cũng chưa muốn bước ra khỏi vực thẳm thơm ngát của đài hoa mà chàng đang nằm. Nhưng tiếng đồng hồ vô tình đã «thả giọt xuống vùng bóng tối trên đầu chàng» làm cho bóng tối ấy tan đi và chàng dần dần tỉnh hẳn. Khó có một cuộc tỉnh ngủ nào nên thơ và lãng mạn như thế. Lối mở pha trộn mộng thực này gây liên tưởng đến cách viết của Marcel Proust, nhưng tuyệt đối vẫn là sản phẩm của Mai Thảo. Mai Thảo 1963. Với tiểu thuyết đầu tay, đã chinh phục độc giả qua lối viết mới lạ: với cảm xúc lãng mạn, Mai Thảo đi vào vùng tri giác của con người trong giây phút chập chờn giữa mộng và tỉnh: ở chính giây phút nửa ngủ nửa thức ấy, sự gì đã xẩy ra?

Đó là lối mở truyện đi tìm thời gian đã mất của Mai Thảo.

 

4- Truyện dài «Để tưởng nhớ mùi hương», giới thiệu nhân vật nữ chính như thế này:

«Người đàn bà chừng ba mươi tuổi. Có thể hơn một chút, ở cái nhìn còn trong suốt, đen láy, thăm thẳm, phảng phất như mầu đen nhìn thấy giữa lòng một đài hoa. Buổi chiều đi qua trên đầu nàng, trên mái tóc Trang, trên cuộc đời nàng, nàng ngồi đó một mình, trầm tư trong mơ màng, và nàng vừa gội đầu xong. Những sợi tóc lướt thướt toát ra mùi bồ kết thơm cay, được những ngón tay cong vút lùa vào, hất nhẹ, cho thả dài thành một dòng suối mun từ đỉnh đầu xuống gần sát mặt đất.

 

«Trang ngồi như thế, hơi cúi xuống, soi dung nhan nàng trên mặt nước giới hạn và trong vắt của cái bể non bộ. Đường mũi, vành môi, gò má, trũng mắt mờ mờ hiện. Đẹp. Trang biết nàng đẹp. Khuôn mặt phản chiếu lên từ đáy nước đã mất đi ánh hào quang rực rỡ của những xuân đời Trang đã bỏ lại, nhưng Trang biết nàng còn đẹp, một nhan sắc vô ích, một mình, lặng lẽ nó biết nó đẹp, nhưng không biết đẹp cho ai và dùng để làm gì. (...)

«Trang bất chợt dúng một ngón tay vào lòng nước, khoắng mạnh. Mặt nước tan tác. Phiến trời mất biến. Khuôn mặt Trang vỡ tan». (Để tưởng nhớ mùi hương, Nguyễn Đình Vượng, 1971, trang 14-15).

 

Một Trang trong khung cảnh Tự Lực trong nhậy cảm Thạch Lam. Một Trang, thừa tự của Lạnh Lùng, nhưng Khái Hưng đã đi qua, và Mai Thảo đến như một bắc cầu giữa quá khứ và hiện tại. Tất cả không khí khơi gợi lại thời Tự Lực: từ chiếc bể non bộ, đến mái tóc mun, mùi thơm bồ kết, quá khứ hiện lên trong từng màu sắc, từng mùi vị, nhưng Trang không còn là Nhung thời cũ trong vòng lễ giáo chưa ý thức được mình. Trang có ý thức, Trang nghe những xúc cảm chẩy trong cơ thể, nghe những rạo rực thôi thúc thân xác. Trang biết nàng đẹp. Một sắc đẹp vô ích. Trang biết mình đam mê. Một đam mê vô ích. Trang biết con người là một sinh vật đam mê vô ích. Như Sartre. Và Trang có thể bằng một cử chỉ khoắng tan những ảnh ảo của nhan sắc, của đời nàng. Trang đã giã từ thời điểm lạnh lùng Khái Hưng, nàng khai phá nỗi cô đơn hiện sinh Mai Thảo.

 

Đó là lối mở truyện tự lực thời hiện sinh.*

 

Độc giả của Mai Thảo ở thời điểm ấy cũng là những kẻ đang bắc cầu giữa mộng và thực: một Nguyễn Tường Thiết mới lớn, muốn thoát khỏi ảnh hưởng người cha Tự Lực, mong xây dựng một đài hoa tân kỳ cho thế hệ trẻ của mình. Một Trần Vũ, gia đình thuần túy Hà thành, di cư vào Nam đem theo tất cả hành trang đau thương của thời kháng chiến, lớn lên và đọc Mai Thảo khi vừa bước vào tuổi vị thành niên.

 

Một cô gái mới lớn nhìn thấy tất cả những rung động của mình trong chữ nghiã Mai Thảo qua nhiều chiều ông kính, qua nụ hôn đầu, bất tận, đã xác định mình như một thực thể hiện hữu:

«Lửa và ánh sáng nghìn cũ làm sống trái đất ngu ngơ câm nín bây giờ là lửa và nụ hôn là ánh sáng làm sống lên, làm ngoi lên, làm nở ra Linh, từng cánh run rẩy, từng đài bỡ ngỡ, Linh nở lên thành hình hài mới, trước tấm gương mà Linh nhìn ngắm nàng bằng ôm ghì, bằng nhắm mắt, bằng nhận được tận cùng và đáp lại trọn vẹn, để thấy rằng nàng đang được đời sống đích thực thụ thai, nàng đang được tình yêu đích thực khai sinh.

 

Linh muốn nói thật nhỏ, bằng cái tiếng nói mê sảng thì thầm lạc giọng: «Tôi đã có thực» Linh muốn thét thật lớn, cho tiếng thét đánh vỡ tan tành những thành trì vô hình của Huế: «Tôi đã là tôi», Linh muốn truyền âm thanh qua miệng chàng, tới tâm hồn chàng: «Vì anh đó mà em có, vì anh đó mà em đã là em» Nhưng Linh không nói, không thét được, vì nàng đang hôn.

 

Cái hôn bất tận, kéo nàng vào ngã vào vùng phiêu lưu quay cuồng của cảm giác vừa tiếp nhận, vừa khám phá...» (Khi mùa mưa tới, trang 229).

 

Một tay du đãng nhìn thấy ảnh mình đậm nét trong kính chiếu hậu của Mai Thảo. Một kẻ trác táng, «tội lỗi» chất đầy, đi đâu cũng thấy «Đám đông như một bầy kiến lửa. Kẻ khác như kẻ thù. Và dư luận: con rắn độc ngóc đầu phun phì phì cái hơi thở hôi hám của nó vào mặt mũi, vào sự yên vui cửa đời chàng» (Khi mùa mưa tới, trang 17). Và tự hỏi: «Đi đâu? Tìm đến một cuộc sống khác? Đồng ý. Nhưng cuộc sống nào? Và để làm gì?» (trang 140).

 

Một vũ nữ về già, nhìn thấy sự «Thảm thương nhất là một đời vũ nữ về già. Đó là hình ảnh một vực thẩm rơi lần xuống, rơi lần xuống, cho tới khi chạm đáy. Đó là hình ảnh một ngõ cụt không có lối thoát, một khuôn mặt nghiêng chìm vào tối tăm, một vụ tự tử chậm, một vụ chết đuối chắc chắn vì chắc chắn chẳng còn một bàn tay nào đưa ra cho kẻ chết đuối để tạo cho kẻ đó cơ hội và niềm hy vọng cuối cùng. Ấy thế nhưng mà vẫn phải sống, dù sống chỉ là chết. Ấy thế mà vẫn phải cười dù đầu óc não nề và tâm tư phiền muộn» (Khi mùa mưa tới, trang 128).

 

Nhưng đó cũng lại chính là hình ảnh chàng, hình ảnh những người bạn trác táng của Mai Thảo và chính bản thân Mai Thảo trong những đêm phòng trà tăm tối âm u:

«Những ý nghĩ buồn rầu về hình ảnh một người vũ nữ về già thoắt làm Phủ liên tưởng đến đời chàng. Mình cũng thế. Phủ nghĩ thầm. Mình cũng không biết ngày mai cuộc đời sẽ ra sao, lòng không đợi chờ, không hy vọng, đã hết ngạc nhiên bởi không còn tin tưởng. Lát nữa trở về con đường đêm, những bước chân nặng lết đi, kéo theo sự phiền muộn như một sợi dây xích sắt vô hình quấn từng vòng thật chặt lấy số kiếp. Một căn buồng khách sạn rẻ tiền. Những vỉ tường trần trụi. Ánh sáng lạnh lẽo ngoài hành lang. Ánh sáng mờ đục dưới cái chao đèn cáu bẩn ở đầu giường. Một giấc ngủ nặng, có mồ hôi nhớp nhúa ở cổ áo, một giấc ngủ vật vã như một chạy trốn tuyệt vọng vào lãng quên» (Khi mùa mưa tới, trang 128).

 

*

 

Những truyện dài của Mai Thảo chỉ viết độc một đề tài: Mai Thảo.

Những nhân vật chính trong truyện dù là Ninh, Dũng, Quyền, Trường, Phủ... họ đều là Mai Thảo, dưới những ống kính khác nhau, trong những thời đoạn khác nhau.

Những vũ nữ về già như Mẫn, Uyển, Phấn, Điệp, Ngà, Oanh, Phụng... những người đã chọn cuộc sống tự do, trác táng, không ràng buộc với ai, cũng là... Mai Thảo.

 

Một Mai Thảo thông suốt chiều dài tác phẩm: «cảm thấy nghi ngờ trước chính những cái chàng hằng coi như lẽ phải hằng cửu. Một đời sống tự do không ràng buộc. Một bản thân đơn độc tách rời, không hệ lụy, vô trách nhiệm đối với kẻ khác. Có phải như thế là đã tìm thấy lý tưởng? Có phải như thế là sống cuộc đời đáng sống?» (Mái tóc dĩ vãng, trang 231). Một Mai Thảo luôn luôn đặt lại vấn đề tự do của mình: «Chàng nghĩ những bước chân vô định lang thang chính là cuộc đời chàng như một hành tinh mải miết lăn đi trong không gian vô tận, nó vĩ đại, nó kiêu hãnh vì cuộc hành trình lớn, nhưng kỳ thực là nó buồn thảm, nó lạnh lùng vì không tìm được chỗ dừng chân» (Mái tóc dĩ vãng, trang 230).

 

Một Mai Thảo tự do «Không chịu lưu đầy một đời trong nếp cũ. Nghĩa là phải dám sống như một người tự do. Được đổi thay khi mình muốn thay đổi» (Để tưởng nhớ mùi hương, trang 112). Một Mai Thảo đòi hỏi tự do, thực hiện tự do, nhưng vẫn luôn luôn hoài nghi những điều mình làm, kể cả tình yêu: "Gắn bó với nhau, nhưng vẫn giữ cho nhau được nhẹ thoáng như mây trời. Hoà lẫn vào nhau, nhưng vẫn sáng suốt dành cho nhau một lối thoát. Thế là yêu ư?» (Để tưởng nhớ mùi hương, trang 132).

 

Một Mai Thảo muốn chặt đứt quá khứ, nhưng quá khứ vẫn cứ đeo đuổi. Một Mai Thảo, người xa lạ, xa lạ với cả chính mình: «Phải, tôi là một người lạ mặt. (...) Một người lạ mặt trước hết với chính tôi.

 

Chặt đứt một quá khứ. Chôn vùi từng kỷ niệm. Đánh loãng trí nhớ, vít kín con đường trở lại với sau lưng, nơi vẫn những xâu chuỗi ám ảnh chập chờn theo đuổi. Giết chết cái tôi cũ. Khỏi đầu cái tôi mới. Làm một kẻ lạ mặt với chính mình, trong đổi thay một con đường khác với con đường của những dấu chân, những cỏ hoa và những bờ bến thuở xưa. Sống là một làm lại.» (Để tưởng nhớ mùi hương, trang 13).

 

Bởi trên đường lẩn trốn mọi ràng buộc, Mai Thảo luôn luôn gặp ràng buộc. Trên đường từ chối tình yêu, Mai Thảo luôn luôn gặp tình yêu. Những thiếu nữ như Thúy, như Hậu, như Khánh, như Linh... là những cản lực bất ngờ không thể cưỡng lại được trên đường «tìm tự do» của Mai Thảo. Cản lực ấy là tình yêu. Tình yêu của người con gái mới lớn, biết yêu lần đầu. Tình yêu đầu đời của người con gái dậy thì như ngọn gió khốc liệt quật ngã những lý tưởng siêu việt nhất, ghê gớm nhất. Bởi nó là hình ảnh của bản thể lần đầu tiên xuất hiện, là sự nhận diện thân xác và hiện hữu chính mình của người con gái qua kẻ khác.

 

Cuộc hiện sinh trong tiểu thuyết của Mai Thảo là cuộc nhận diện thân xác mình qua sự tiếp xúc với thân xác kẻ khác. Nhận diện sự hiện hữu của mình qua tình yêu của kẻ khác. Không có kẻ khác thì không thể có mình. Không có tình yêu thì không có cuộc sống. Không có hiệu hữu. Nhưng con người tự do còn một đòi hỏi khác: đòi hỏi không chịu ràng buộc với ai. Đòi hỏi không bị chiếm hữu.

 

Cho nên cuộc hiện sinh trong tiểu thuyết của Mai Thảo trở thành cuộc đối đầu giữa hạnh phúc và tự do trong suốt chiều dài tác phẩm. Ở Suối độc là cuộc đối đầu giữa Trường và Thúy, giữa cuộc đời phóng túng sa đọa và tình yêu thần thánh của người con gái dậy thì táo bạo lăn xả vào tình yêu. Ở Khi mùa thu tới lại một tiếng sét ái tình phi lô-gic giữa hai kẻ không thể gặp nhau: Linh một cô gái Huế tinh khiết và Phủ, chàng trai đầy tội lỗi Sài-gòn.

 

Để tưởng nhớ mùi hương là một trong những truyện rất chín của Mai Thảo. Tình yêu đích thực ở đây được mô tả dưới nét Trang, một người phụ nữ đứng tuổi, trang khiết, một «lạnh lùng» đã thoát khỏi tay Khái Hưng để chuyển sang thời Mai Thảo, táo bạo hơn, nhục cảm hơn, khốc liệt hơn và bi đát hơn, bởi không có lễ giáo nào ép buộc, chỉ còn có mình đối diện với chính mình. Mọi quyết định, mọi đắn đo là ở tự lương tri, (lương tri hiểu theo nghiã triết học của Kant). Lương tri xuất hiện như định mệnh cuối cùng: nếu con người không thoát khỏi bản năng, thì cũng không thoát khỏi lương tri. Khi Ninh đóng cửa phòng, mặc tiếng gọi thiết tha của Trang, thế «lạnh lùng» vào tay Mai Thảo đã đảo ngược: người «thủ tiết» ở đây, không còn là người đàn bà mà là người đàn ông: sự tự do và bình đẳng đã đạt tới đỉnh và tính bi đát cũng đã lên tới cực: Mai Thảo không đối chọi hạnh phúc với tự do nữa, mà đối chọi hạnh phúc với lương tri và lần này, hạnh phúc đại bại. Con người Kant trong Mai Thảo đã thắng con người Epicure.

 

Trung thành với triết lý nhị nguyên của đời mình, toàn bộ truyện dài của Mai Thảo khai quật những bi đát nẩy sinh từ sự đối đầu giữa những yếu tố nguyên khai của đời sống: tự do và hạnh phúc. Hạnh phúc và lương tri. Muốn có hạnh phúc thì phải mất tự do, phải trói buộc đời mình vào đời một kẻ khác. Muốn có tự do thì suốt đời sẽ là kẻ đi trên hành tinh sa mạc. Mai Thảo đã lựa chọn tự do, và trên hành trình sa mạc đó, Mai Thảo chỉ thua cuộc khi phải đối chọi với lương tri của chính mình.

 

Giờ phút bi đát nhất của con người tự do, vì không chịu ràng buộc đời mình, là giờ người vũ nữ về già nhìn lại đời mình:

«Ngà tắt đèn, đóng cửa đi ra. Nàng ngồi ngoài đầu thềm cho tới sáng. Sương phả ướt đẫm vai, tóc mà Ngà không hay. Nàng đưa cặp mắt buồn rầu nhìn ra khoảng tối tăm yên tĩnh trước mắt, tưởng như nhìn thấy đời nàng hiện lên. Một cuộc đời vô nghĩa, trống rỗng, bẩn thỉu, tàn tạ. Ngà thổn thức khóc. Nàng tàn nhẫn lạnh lùng với tất cả những người đàn ông. Nhưng đó là thứ lạnh lùng tàn nhẫn bề ngoài, che dấu một trạng thái yếu đuối không muốn tỏ lộ. Ngà vẫn chỉ là một người đàn bà. Nghĩa là thiếu vắng tình yêu và thèm khát hạnh phúc. Mình già rồi, Ngà đớn đau nhủ thầm. Cuộc sống không phải, không thể như thế này. Thêm một vết nhăn trên khuôn mặt. Thêm một mệt mỏi và ngờ vực trong tâm hồn, và sự tàn tạ kéo đến.» (Khi mùa mưa tới, trang 158-159).

 

Cuộc nhận diện cô đơn không chỉ xẩy ra trên vai những vũ nữ về già, trong ánh rượu chát, trong khói thuốc mù mịt phòng trà, trong những khách sạn rẻ tiền tăm tối, trong những phòng hồng biệt thự xa hoa, mà còn là những làn lưới thường trực vô hình đan cài đau đớn của những kiếp người, mọi nơi, mọi thời, mỗi khi tỉnh ruợu lúc tàn canh, từ Nguyễn Du trở ngược lên tiền sử. Tác phẩm của Mai Thảo xuyên xuốt những mẩu đời ngang trái, biệt lập, đối chọi nhau, của những gái điếm hết thời, của những cô gái nhà lành, những tay du đãng, những gia đình êm ấm hạnh phúc, những kẻ ăn chơi trác táng, một chú Lềnh nghiện hút, một cụ Quảng Hưng liệt giường, một cô gái quê bốc hoả chỉ đợi dịp là trốn theo trai... toàn diện con người đan cài với nhau trong khối cảm thông vượt ngoài tầm cảm giác, như một linh giác tiềm tàng trong bản thể tác giả: một lòng nhân hậu tuyệt đối, sống âm thầm trong hơi chữ, trong từng lời đối thoại, trong mỗi cử chỉ của nhân vật, dù nam hay nữ, người ta đều gặp lại Mai Thảo, gặp lại lòng nhân hậu đất Chợ Cồn của u già vùng nước mặn.

 

Hình ảnh Mai Thảo cúi xuống vũ nữ Cẩm Nhung một chiều như lời Nguyên Sa kể lại chính là tâm hồn tác phẩm Mai Thảo.

 

Một biển nhân hậu, bởi hải hậu chính là quê hương ông./.

 

Paris tháng 4- 5/2008

 

Thụy Khuê
Số lần đọc: 2552
Ngày đăng: 17.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trần Phong Giao, người gác cổng văn học, tạp chí Văn - Du Tử Lê
Đinh Hùng ( 1920-1967), Giải Quán Quân Thơ ” Văn Chương Toàn Quốc 1961 ”( miền Nam ). - Thế Phong
Vũ Hoàng Chương: ” …Thơ Ta Chẳng Viết Cho Đời… “ - Thế Phong
Quà xuân của nhà văn hoá Hữu Ngọc - Vân Long
Trăn trở về danh cầm họ Nguyễn - Lâm Bích Thủy
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Từ Chi - “một hiện tượng - một sự kiện dân tộc học” 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Văn Cao, Mùa Xuân Cuối Cùng - Phạm Đình Trọng
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 1 - Thụy Khuê
Cao Xuân Huy, Mùa thu gẫy cánh - 2 - Thụy Khuê