Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.125
123.228.298
 
Nắm tro
Kim Quyên

Ông nhìn hai con thằn lằn đang rượt đuổi nhau trên tường, chúng đùa giỡn  hồn nhiên , vô tư đến độ làm cho ông quên được trong giây phút nỗi đớn đau đang hành hạ cơ thể của căn bệnh hiểm nghèo.

 

Hai con thằn lằn vờn nhau một lúc rồi âu yếm nhau ngay trước mặt ông như thể nó không cần biết ông đang chăm chú nhìn nó. Nó khiến ông  nhớ lại những mãnh tình đã đi qua đời mình, những gương mặt phụ nữ thanh tú cũng như quê kệch mà ông đã gặp gỡ, trao tình.

 

Không hiểu sao, những ngày cuối đời ông lại nhớ quay quắt đứa con rơi với người phụ nữ ở rừng miền Đông thuở nào. Mẹ nó, một người con gái quê mùa, thân hình thô kệch, nước da đen dòn, tay chân cứng cõi, ông  không còn nhớ rõ gương mặt, chỉ nhớ cái bớt son nằm trên thái dương phía bên trái, cái bớt son mà có lần hai người đang vụng trộm với nhau ông vô tình hỏi , cô ta cười âu yếm bảo mụ bà làm dấu để sau nầy hai người có thất lạc dễ tìm kiếm nhau. Nghe cô nói, ông bực bội hết sức nhưng vẫn cố nở nụ cười tình đáp lại.

 

Ông không thương cảm được người con gái đó. Cô ta là một nông dân thất học, làm cái nghề mà người ngợm lúc nào cũng hắc ra mùi hành tỏi , mùi măng chua và đủ thứ mùi tạp nhạp khác, nói năng thì cụt ngủn, cụt ngẳn chẳng ra câu ra cú gì , nói chi đến chuyện tình tứ mộng mơ,  người như vậy làm sao hiểu được, với tới được những người trí thức như ông.

 

Nhưng giữa khu rừng dầy đặc, mịt mù cây lá, chỉ có những bầy khỉ và cô gái kia, người có thể đáp ứng được nổi khát khao cho cái cơ thể tràn trề sinh lực của một người đàn ông đang tuổi chín mùi. Ông không yêu thương nhưng cần cô ta như cá cần nước, như cây cần mưa, như con gà trống cần gà mái,vậy thôi.

 

Ngày cô ta vui mừng báo tin có thai là ngày u ám nhất đời ông. Rồi đây tổ chức sẽ biết được, sẽ kiểm điểm kỷ luật rồi đưa ông về chiến trường, về  nơi đạn bom, sinh tử, nơi đó làm sao hợp với tạng người thư sinh nho nhả, trói gà không chặt của ông. Ông là người có ăn học, là vốn quí của cách mạng, cần phải được bảo vệ, nâng niu. Không lẽ ông sẽ chết vì những chuyện trai gái vớ vẫn nầy sao. Không! Một trăm một ngàn lần không. Ông phải giải quyết cho êm thắm , không để nó phá hoại đời ông một cách vô lý như vậy.                

 

Ông bàn với Bí thư chi đoàn cho cô gái nghỉ việc với lý do cơ quan cần tinh giản gọn nhẹ để tiện cho việc di dời khi tình hình động và có thể một bộ phận sẽ sát nhập với đơn vị khác, chỉ chừa lại những người có chuyên môn về in ấn cho nhà in nầy thôi. Bí thư chi đoàn thống nhất ý kiến của ông và đưa ra bàn bạc trong buổi họp chi đoàn suốt buổi chiều mà vẫn không xong vì có nhiều ý kiến phản bác . Đa số đoàn viên  đều quí mến cô  cấp dưởng đảm đang, tận tuỵ và hết sức chân tình với mọi người. Không có cô, cơ quan sẽ khó khăn trăm bề. Việc cơm áo, gạo tiền, việc ốm đau và nhiều việc không tên khác ai sẽ đứng ra lo. Họ kiến nghị ông nên giữ cô gái lại, ông hứa sẽ xem xét, cân đo mọi việc.

 

Phải mất hai đêm ông ngồi với cô bên bờ suối cạn để an ủi, động viên cô quay về nhà lo sinh nở và chờ đợi ông. Cô ta khóc rấm rức trên vai ông nhưng sao tiếng khóc đó không làm cho ông xúc động được chút nào.Ông chỉ muốn cô rời xa nơi nầy càng nhanh càng tốt.

 

Tin vào lời ông, cô gái đành  đau đớn rứt rời ông và cơ quan trở về gia đình. Ông như trút được gánh nặng ngàn cân. Thật hú vía! Nếu không nhờ tính kiên quyết, sự tính toán khôn khéo, trong phút chốc tương lai ông kể như tối đen như đêm ba mươi.

          

***

 

Tiếng súng ngưng rồi. Đời ông phơi phới như diều gặp gió. Từ vị trí cai quản một xưởng in nho nhỏ- lúc trong rừng- ông được cất nhắc lên một chức vụ cao trong ngành báo chí và truyền thanh. Hình ảnh ông được nêu hàng ngày trên báo. Những bài báo của ông luôn được in trang trọng ở trang đầu. Người đọc ái mộ những bài viết đầy tính nhân văn  đối với nhiều vấn đề cấp thiết của xã hội đương đại. Chiếc ghế ông ngồi càng ngày càng vững như bàn thạch, không  sức mạnh nào có thể xô ngã được.

 

Khi người gát cổng đưa cô gái nhỏ vào phòng khách gặp ông, trong vài giây ngờ ngợ ông nhận ra ngay cái cục nợ oan gia nghiệp chướng ngày xưa đến đòi nợ ông.

 

- Dạ..Phải bác là bác Ba Khanh không? Con là..

 

- Không. Tôi không phải Ba Khanh Ba Khiếc nào hết. Ông ấy không có ở đây. Giọng ông sắc lạnh.

 

-  Vậy sao ông giống hình đăng trên báo quá !

 

- Ờ..ờ.. Thì người giống người, hơi đâu cô để ý. Ông cười nhạt.

 

-  Con là Thương, con của mẹ Nhớ ngày…

 

-  Cô nầy ngớ ngẩn thiệt, Thương với lại Nhớ. Nhớ thương cái gì ? Làm sao tôi biết được. Mời cô về cho. Tôi phải đi họp đây! Ông bước ra ngoài cửa phòng, gọi: Lộ ơi! Đưa cô nầy ra cổng dùm chú, chú bận đi họp gấp.

 

Ông bươn bả bước ra chiếc Mercedes bóng lộn đang chờ , trước khi lên xe, ông còn dặn người gát cổng: “Chiều nay nhớ tới nhà chú cho mấy con chó ăn dùm, thím mầy về quê rồi”.

 

Cô gái thất thiểu bước ra cổng, nước mắt ràn rụa trên đôi má xanh xao.

                                         

***

 

 

Ngày còn đương chức, việc chung, việc riêng bề bộn đan xen nhau ngập đầu. Nào việc đối nhân xử thế trong cơ quan, việc lấy lòng cấp trên, giải quyết những áp phe linh tinh để có thêm thu nhập. Thật  hú hồn! Cái áp phe giúp cho tay trùm xã hội đen ra tù năm xưa, bây giờ bị bắt may phước là nó không khai báo, nếu không thì công cán bao nhiêu năm xây đấp chỗ ngồi đã tan thành mây khói. Đường quan lộc của ông  rất đỏ, cho nên có những lần coi như sắp sụp hầm   nhưng ơn Trời phò hộ, ông vẫn hãnh tiến trên quan lộ.

 

Nhưng ông không ngờ, vừa mới “hạ cánh an toàn”việc chung thì mắc ngay chứng bệnh nan y. Chẳng lẽ Trời trừng phạt ông, nếu đúng là Trời trừng trị thì hãy cho ông chết tốt, đừng hành hạ dây dưa khiến ông phải đau đớn từng ngày, từng giờ, phải đợi chờ cái chết trong căn phòng vắng lạnh giữa bốn bức tường vôi trắng toát.

 

An không được, ngủ không yên,vết mỗ nơi dạ dày cứ quằn quặn nhức buốt, mình mẫy như ai xé ai dần. Ông cố chồm người về phía chiếc ghế để lấy viên thuốc ngủ nhưng không ngốc đầu lên nổi. Ông cất tiếng yếu ớt:” Bà ơi ! Bà…à..B..à..”

 

Vợ ông đi chợ hay đi đâu mà không căn dặn với ông một câu, nuôi ông lâu ngày bà vợ chắc cũng mõi mòn, nhiều lúc nhìn gương mặt lành lạnh của bà khi chăm sóc ông, ông biết bà còn hận ông nhiều việc lắm. Nhưng ông biết nói thế nào cho bà tha thứ bao nhiêu tội lỗi của ông, để ông được yên lòng khi nhắm mắt.

 

Mấy lúc nầy đây, ông muốn gặp con Thương, nhận hết mọi  lỗi lầm với nó rồi cha con hủ hỉ với nhau đôi ngày. Chỉ có nó, một đứa trẻ mới lớn, còn ngây thơ, hồn nhiên , con của một nông dân chất phác mới dễ tha thứ cho ông. Ông tin chắc, nó sẽ quên hết mọi việc cũ và chăm chút ông như ngày xưa mẹ nó đã đút cho ông từng muỗng cháo khi ông bị sốt rét giữa rừng già.                                

 

- Ôi! Thương ơi! Con.. ở đâu.. Thương..ương.. ơi?

 

Ông nấc lên trong cổ họng đắng nghét. Ông cố khóc thật lớn cho vơi bớt nỗi đau nhưng tiếng khóc không thoát ra được, cứ âm âm trong ngực khiến cho cổ họng như bị nghẹt. Ông ôm ngực vật vã, máu trong cơ thể như ngừng chảy, lạnh từ hai bàn chân lạnh dần lên đầu gối, ông lã đi trong hơi thở nhẹ dần…

 

…. Kìa! Ngọn lửa! Ngọn lửa đã lan  tới đám quần áo tẩn liệm , da thịt ông bắt đầu nóng rát dữ dội, thân hình ông co quắp lại vì mấy dây gân, dây chằng, dây thần kinh, động mạch, tĩnh mạch.. đang bắt lửa. Mặc cho đau đớn cùng cực, ông vẫn cố nhìn  những bạn bè thân thuộc, những người thân yêu nhất trong gia đình xem họ có khóc lóc đau đớn vì ông không.

 

….Kìa! Những người bạn thân tình, chí cốt ngày xưa đứng đó với gương mặt vô cảm, vô tình.  Đám “ đàn em” luôn luôn sát cánh với ông trong chuyện làm ăn, trong những cuộc ăn chơi thâu đêm, suốt sáng. Họ đang chỉ chỏ ngọn lửa, cười nói lào xào như trong một buổi họp cơ quan. Những cô gái từng là tình nhân của ông, từng xẻ chia với ông những phút giây hoan lạc, đang xúm chùm nhau thì thào bàn chuyện thời trang. Tội nghiệp bà vợ!  Gương mặt âu sầu ủ rủ trong bộ đồ tang, đôi mắt mõi mệt vì thiếu ngủ, tay ôm tấm hình ông, chốc chốc đưa tay chùi nước mắt. Ông chợt nhìn thấy  đứa con gái gầy gầy đứng khuất sau mấy chiếc hàng đỏ chói ,  hai gò má xanh xao ướt đẫm nước mắt, nó len lén nhìn tấm hình ông rồi khẽ nấc lên. Đúng là con Thương! Đứa con tội nghiệp của ông. Ôi! Thương ơi! Mẹ con con hãy tha thứ cho ba ! Mình ơi! Mình ơi! Tha tội cho anh! Họ hàng, bè bạn ơi! Xin đừng khinh ghét tôi nữa!

 

Chút nữa đây, tôi chỉ còn là nắm tro. Chỉ còn là nắm tro bay theo gió xuống sông, ra biển. Tôi đã biến mất trên cõi đời rồi. Xin hãy rộng lòng thứ tha cho tôi được nhẹ lòng.                                   

Kim Quyên
Số lần đọc: 2656
Ngày đăng: 30.12.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cô gái nhỏ trong cơn bão khô - Lê Đình Trường
Hơ tay trên ngọn khói - Lê Đình Trường
Vẽ lại bức trang xưa - Nguyễn Quang Sáng
Dâm nữ - Trầm Hương
Mùa dưa gang - Kim Quyên
Mưa nửa đêm - Kim Quyên
Trăng muộn - Lá Me
Tai ngược - Phạm Lưu Vũ
Người của mỗi người - Dạ Ngân
Người duy nhất - Dạ Ngân
Cùng một tác giả
Mùa dưa gang (truyện ngắn)
Mưa nửa đêm (truyện ngắn)
Bông (truyện ngắn)
Đám cưới vùng sâu (truyện ngắn)
Hàng xóm (truyện ngắn)
Lá rụng (truyện ngắn)
Nắm tro (truyện ngắn)
Nghiệp văn (truyện ngắn)
Người ấy (truyện ngắn)
Người dưng khác xứ (truyện ngắn)
Sóng ngầm (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Sen (thơ)
Cúc (thơ)
Hồng (thơ)
Mai (thơ)
Đi Biển (truyện ngắn)