Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.219.430
 
Khi Mê Tín Được Gắn Dấu Quốc Gia
Lại Nguyên Ân

Từ “mê tín” được từ điển Wiktionary định nghĩa như sau:

 

1. (danh từ) Lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa.

2. (động từ) Tin một cách mù quáng.

 

Tôi cho rằng: Mê tín là nằm trong một dãy trạng thái tâm lý nhân loại, từ “niềm tin” qua “tín ngưỡng”, đến “mê tín”; các trạng thái này tất nhiên nương tựa nhau, chuyển hóa nhau; “mê tín” có thể bị tăng tiến hay được thuyên giảm nhờ “niềm tin” được điều chỉnh; mà sự điều chỉnh ấy lại là kết quả tác động của nhận thức, của tri thức.

 

Đương nhiên, con người thuộc những xã hội phát triển thấp sẽ mang tâm thức mê tín nhiều hơn con người ở những xã hội phát triển cao hơn. Người Âu Tây ít mê tín hơn người ở các phần còn lại của thế giới, − ấy là do những thành tựu phát triển tri thức khoa học và phát kiến kỹ nghệ rất sớm sủa (người ta tính từ thời Phục hưng, tức từ thế kỷ XIV) ở khu vực của họ đã tác động vào nhận thức, vào tư duy của từng con người và vào nếp tư duy của cộng đồng, khiến họ trở thành bộ phận sớm nhất trong nhân loại đã rời bỏ những nếp nghĩ mông muội có xuất xứ từ ngẫu tượng giáo và vật linh luận nguyên thủy.

 

Phần thế giới ngoài Âu Tây, do tiếp xúc với tư duy duy lý khoa học Âu Tây, sau một vài thế kỷ, cũng đã bắt kịp Âu Tây trên một số phương diện cơ bản. Chẳng hạn ở Việt Nam, từ thời điểm kẻ dám thông báo về sự tồn tại của loại “đèn treo ngược” (đèn điện) còn bị coi là đáng tội “khi quân” (giữa thế kỷ XIX) đến thời điểm bùng nổ công nghiệp hóa (cuối thế kỷ XX), tư duy con người ở một số vùng, một số giới tiên tiến đã đạt tới những chuẩn duy lý gần như ngang bằng với các dân tộc của thế giới hiện đại. Tất nhiên cũng đã có những giai đoạn, các chuẩn “duy lý” thông tục bị thô thiển hóa đã lấn át những tập quán và tín ngưỡng cổ truyền, đẩy chúng vào khu vực hoạt động giấu diếm, phi pháp.

 

Tình hình đã khác đi từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, khi các lễ hội xưa dần dần được phép hoạt động công khai trở lại, hơn thế, còn trở thành niềm hứng khởi của cả dân gian lẫn các giới quan chức, bởi chúng được coi như nguồn bổ sung cho những niềm tin đang lung lay trước các làn sóng văn minh của thời đại.

 

Song, chính sự tái bùng nổ của lễ hội cũng chính là nguồn khích lệ cho sự trỗi dậy của các loại “mê tín” vốn chưa bao giờ rời bỏ cộng đồng cư dân từ thượng cổ đến hiện tại vốn chủ yếu chỉ sống với nghề nông, phụ thuộc vào nắng mưa ấm lạnh của thời tiết và những biến động xã hội mà người ta khái quát thành sức mạnh của ông Trời.

 

Hầu hết các lễ hội đều gắn với những “mê tín” nhất định, mà một trong những biểu hiện nổi bật là ở khát vọng của công chúng thủ đắc những “tín vật”, “linh vật” nhất định.

 

Nắm được “bí kíp” này, các nhà tổ chức các loại lễ hội khác nhau đều đang ra sức khai thác tâm lý mê tín của công chúng, làm sống lại những “linh vật”, “tín vật” vốn có từ xa xưa, thậm chí táo bạo “sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới.

 

 Tờ giấy hoặc mảnh vải có đóng “quốc ấn” (tân tạo) quân chủ, chiếc túi đựng một ít hạt ngũ cốc được xem là “lộc” của triều đình quân chủ, − ấy là những “linh vật” được phục chế từ những tín điều đã tồn tại từ thời quân chủ: tin vào vận may do vua quan ban phát, xem nó là “lộc trời”, “lộc vua” − một niềm tin mà chẳng biết do định hướng nào, các nhà tổ chức lễ hội ngày nay lại muốn khơi dậy trong tâm thức cư dân hiện đại? Giá trị văn hóa truyền thống ư? Loại “giá trị” tuân phục vua quan, cầu lộc rơi lộc vãi từ tay các giai tầng thống trị, − đâu có phải hệ giá trị cần được dung dưỡng, duy trì trong thời đại giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thời đại của các nguyên lý dân chủ, công bằng, văn minh?   

 

Hơn thế, các nhà tổ chức lễ hội hiện đại ở ta còn muốn “sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới, như là vừa muốn làm sống lại vừa muốn tạo thêm ra càng nhiều càng hay những sinh hoạt của thời trung đại trong ý thức và đời sống của cư dân.

 

 Ngọn lửa lấy từ một nơi nào đó được xem là gốc tích một truyền thống nào đó, ít lâu nay đã trở thành “linh vật” hiện đại cho nhiều lễ hội thể thao, văn hóa, thậm chí lễ hội chính trị.

 

Trong hội thơ xuân Tân Mão này, người ta còn sáng tác thêm hai loại linh vật: ấy là “nước” ở nguồn Pác Bó và “đất” ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

 

Trong số những người làm thơ hẳn có những kẻ cảm thấy cội nguồn thơ Việt, − qua  chuyện xác định “tín vật”, “linh vật” này, − bị thu rút ngắn hẳn lại: nó chỉ có độ sâu quá khứ chưa đầy trăm năm, chứ không còn là độ sâu ngàn năm, bởi người ta không đến lấy đất ở Trường An, Ninh Bình, nơi nhà sư Đỗ Pháp Thuận từng đáp vua Lê Hoàn bằng thơ “Quốc tộ như đằng lạc…”, cũng không đến lấy nước từ sông Như Nguyệt, nơi xuất hiện thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, cũng không đến lấy nước từ giếng cổ trong hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…

 

Tất nhiên chuyện lựa “đất” nào “nước” nào, dầu sao cũng chỉ là tiểu tiết; điều chính yếu ta quan sát được ở đây vẫn là nỗ lực tạo thêm những “tín vật”, “linh vật”: có vẻ như người ta đang gắng làm cho chúng tràn ngập đời sống hiện tại. Sống với thế giới linh vật, tín vật cả cũ lẫn mới ấy, khó mà nói cư dân chúng ta sẽ trở thành cái gì: con người của thế giới hiện đại hay con người của quá khứ trung cổ?

 

Một điều đáng nói là hầu hết những lễ hội kể trên đều gắn với hoạt động tham dự thậm chí chủ trì của quan chức cao cấp, hoặc do các tổ chức chính thống chủ trì, với tư cách những lễ hội chính thống ở tầm quốc gia. Tức là những tín ngưỡng, những “mê tín” ấy đã mặc nhiên được đóng dấu quốc gia.

 

Trong một tình thế như vậy, không khó để thấy trước rằng, tâm lý chuộng “mê tín” chỉ càng ngày càng gia tăng. Bởi khi giới những người quản lý xã hội, quản trị cộng đồng cũng mang những niềm tin, “tín ngưỡng”, “mê tín” ngang với mức của công chúng dân cư, thì không có cách gì làm vơi bớt hay phai nhạt sự “mê tín” của số đông cư dân được cả./.   

 

17/02/2011

● Đã trích đăng “Tuổi trẻ” 19/02/2011

Lại Nguyên Ân
Số lần đọc: 2195
Ngày đăng: 22.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ – Cách Tân Và Cách Tâm. - Hoàng Hưng
Thơ Đẹp Là Một Vận Chuyển Toàn Bộ - Trần Văn Nam
Những Va Chạm Hai Mặt – Xét Từ Cảm Thức Thơ Hậu Hiện Đại - Hoàng Thụy Anh
Những Truyện Ngắn Việt Nam Làm Liên Tưởng Đến Điện Ảnh - Trần Văn Nam
Về Bản Sắc Dân Tộc Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Từ Thế Mộng, Thơ đời thường - Đặng Tiến
Sartre Và Văn Học. 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sartre Và Văn Học. 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Vài Cảm Nhận Về Môtip “Đôi Ta …”Trong Ca Dao Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Milarepa - Hamvas Béla
Cùng một tác giả