Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.214.319
 
Nietzsche Và Nhóm George
Hamvas Béla

( Trích trong tiểu luận triết học: Câu chuyện vô hình)

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung, ( 2011.02.06)

 

Khi hai đầu sách đầu tiên của Zarathustra ra đời, trong một lá thư, Nietzsche viết ông ao ước giá mà ông có môn đệ (1). Muộn hơn, sau khi quen với Andreas Salomé Lou, ông hy vọng ít nhất đã tìm ra một người. Thực ra không phải một môn đệ như ông chờ đợi; có lẽ trong đời ông chỉ muốn tìm một dấu hiệu ngoài ông ra còn dấu ấn nào của ông chăng. Nhưng cuộc thử nghiệm kiểu Andreas Salomé Lou thất bại. Nietzsche sau rốt luôn luôn ”còn lại” một mình.

 

Cũng trong cùng một năm, khi Nietzsche sụp đổ ở Turin, Stefan George ngay từ phút đầu tiên đã tìm được vài ba người tụ tập quanh mình. Vị trí của nhà thơ lúc này dễ dàng hơn rất nhiều: ’’Nietzsches Opfer gab dem Dichter den Weg zur Gemeinschaft frei”( Sự hy sinh của Nietzsche đã mở toang con đường cho nhà thơ đến với công chúng) – Wolters (2) viết.

 

Trong kẻ nào còn một giọt máu nóng, âm điệu của Nietzsche còn cổ vũ cho kẻ đó. Từ  thể hiện đầu tiên là Geburt der Tragödie [Sự ra đời của Bi kịch] thông qua tinh thần thức tỉnh của Menschliches Allzumenschliches [Người, quá là người] qua Zarathustra, những tác phẩm cuối cùng của Nietzsche mở ra một cuộc sống siêu nhân mới hoàn toàn khác: mở ra ý nghĩa thực chất của thế kỷ XIX và của mười chín thế kỷ.

 

Cần phải tỉnh táo nhận ra cái gì đã và đang diễn biến: …”Đời sống tinh thần đang ở trong tay bọn bịp bợm và lũ khờ khạo đắc thắng…Những mạng lưới ca ngợi khiến nhân loại chệch hướng…Họ ngoi lên bằng sự hỗ trợ lẫn nhau và những lời tán dương” (3) Và té ra:” tất cả,  bằng dư luận, chỉ muốn mặc cả một điểm duy nhất, hoàn toàn vô giá trị…giả mạo…và vì thế vô thần”(4)

 

Kẻ nào chống lại sự tha hóa điên cuồng đang tràn khắp châu Âu, kẻ vẫn còn mong mỏi một cuộc sống thật sự, kẻ đó tự thức tỉnh và đi tìm bè bạn. George ngay lập tức gặp những người bạn.

 

Tư tưởng khởi đầu của nhóm George không phải muốn lập ra một tờ báo, để đăng tải thi phẩm của các thành viên nhóm, để không bị bôi nhọ trong các tạp chí đương thời. Blätter für die Kunst (Tạp chí nghệ thuật) chỉ là sự ngưng tụ của một đời sống nhóm cho đến tận lúc đó vẫn chưa hề có công chúng, không có và không giữ quan hệ với thời đại. Những người đầu thập kỷ chín mươi đặt tên những nỗ lực của Nhóm là l’art pour l’art( nghệ thuật vị nghệ thuật).

 

Nhưng, tại sao mục đích tự thân của nhóm là nghệ thuật? cần hiểu, nghệ thuật là cái gì. Đối với thế kỷ XIX - trong mọi trường hợp-  nghệ thuật là sự thể hiện của thời đại, hay như thế nào đấy, còn là sản phẩm thời đại. Đối với con người vĩnh hằng- cũng vậy với nhóm George- nghệ thuật là sự thực hiện một đời sống mới. Nietzsche, trong một lăng kính nào đấy đối với thế hệ của George, là Plutarch, và satting eure Seelen an Plutarch – Nietzsche tuyên bố- các anh hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng Plutarch, và hãy dám tự tin vào bản thân các anh, như các anh tin vào các nhân vật của ông (ý muốn nói đến các nhân vật cổ đại trong tác phẩm ’’Các cuộc đời song hành” của Plutarch). Bằng con người đã trưởng thành hay đã làm quen với một đời sống anh hùng có thể khiến toàn bộ cái thời hiện đại náo nhiệt này chìm vào quên lãng.”(5)

 

Và hàng trăm con người này bắt đầu tụ tập xung quanh George, như vậy trong Nhóm lần đầu tiên mơ ước của Nietzsche biến thành hiện thực, nghĩa là bắt đầu xuất hiện môn đệ của Nietzsche.

 

’’Trong một thời kỳ- Gundolf nói- cùng với một cuộc sống không nhà thờ, không  phép thuật công khai,  không còn những bí ẩn, chỉ ngôn từ là nơi trú ẩn duy nhất của tinh thần, là nơi ẩn náu cuối cùng của thánh thần trong con người,…vì vậy cần đến sự nghiệp lịch sử gắn bó với ngôn từ của Nietzsche và George “(6)

 

Nhà nước, nhà thờ, xã hội, kinh tế giờ đây là hiện trường cho tất cả, trừ lĩnh vực tinh thần. Và sự vắng bóng của tinh thần này lan tràn khắp các lĩnh vực của hành động cụ thể, giờ đây đã xâm nhập cả vào nghệ thuật. Âm nhạc kết thúc với Beethoven, hội họa với Böcklin. Điêu khắc, xây dựng, vũ khúc trong tay kẻ tầm thường và hời hợt, hoặc là đồ rởm, hoặc trở thành lời thú tội tự cắn xé.

 

và:” Cái gì không thể duy trì tiếp trong cái toàn bộ thì thử cố gắng tồn tại trong các mảnh vụn,…nhưng đâu rồi một lòng tin thật sự trong một nhà nước hiện đại, một xã hội hiện đại, một nền giáo dục hiện đại, trong khoa học, trong tri thức?”

 

Còn tương lai:” Giáo dục là việc hoàn tất nhanh nhất một thực thể trẻ trung dành cho dịch vụ của nhà nước và của kinh doanh.” (7)- ’’Ai sẽ tạo dựng một hình ảnh con người chân chính, trong khi tất cả mọi người chỉ mang trong mình hình ảnh loài sâu bọ ích kỷ của quyền lợi riêng và sự sợ hãi của một con chó bị đánh, và lao xuống sự thú vật hóa, hoặc thứ còn xấu hơn, sự cứng nhắc cơ khí hóa.”(8)

 

Chỉ có mỗi ngôn từ là thành trì cuối cùng duy nhất chứa đựng tinh thần, mà sự tha hóa không lay chuyển nổi: là thứ vẫn còn thiêng liêng vượt qua cả thể loại báo chí dối trá có ý thức, vượt qua thứ văn học bệnh tật vì tiền và sự hư hỏng, qua cả thứ khoa học u mê, hướng về các giá trị chỉ còn lại ngôn từ. Ngôn từ là không gian cuối cùng của một đời sống lớn lao, cần phải đổi mới nó từ đây.

 

Nietzsche và George : ’’Thừa hưởng cùng một gia sản, có cùng một nhiệm vụ: một lần nữa mang lại trọng tâm, mức độ, tấm gương và luật lệ cho nhân loại đang tan rã.” (9) bằng sức mạnh của ngôn từ.

 

Nietzsche không thể tránh khỏi việc người ta biến ông thành mốt của thế kỷ. Übermensch (Siêu nhân) trở thành khẩu hiệu để người ta tung quảng cáo và bảo đảm thu nhập cho họ bằng cách khai thác thứ văn học đã tha hóa. Họ coi Nietzsche là người của họ: là kẻ dông dài có tài năng và trí tuệ, thấp hơn nữa là kẻ lừa gạt khôn khéo, như một kẻ tìm ra thơ tự do, hình ảnh thiếu kết cấu hoặc âm nhạc vô điệu tính, hoặc tìm ra siêu nhân.

 

Nhóm Goerge biệt lập và cao hơn hẳn sự ồn ào dân chủ, họ nhận ra chân dung Nietzsche và hiểu ý nghĩa thực sự của Übermensch.

 

’’Nietzsche ist das Wahrzeichen für die Scheidung zweier Zeitalter geworden- Nietzsche đã trở thành dấu hiệu của ranh giới chia hai thời đại. Có thể gọi là phá hoại hay đổi mới tùy theo tình cảm của từng người.” (10) Người nào vẫn đang trong thời kỳ tàn phá sẽ chỉ nhìn thấy sự thủ tiêu, còn kẻ nào hướng tới một cuộc sống mới sẽ thấy đấy là thể hiện của một cuộc sống mới. ’’Ông là vì sao đang ngự trị ở trung điểm thời đại chúng ta đang sống”(11) Con người siêu nhân thực ra đã xuất hiện từ tác phẩm đầu tiên. Nhưng trước khi nghiên cứu ý nghĩa thực chất của nó, biết phân biệt nó mới là điều quan trọng.

 

Người ta không quen phân chia ranh giới rõ ràng giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa lý tưởng. Trong cả hai đều có hương vị của sự viển vông  thể hiện như một khát vọng của con người và cả hai đều đối diện với thực tế. Nhưng thực ra giữa chúng có sự khác biệt cơ bản.

 

Lãng mạn luôn là khát vọng hồi tưởng: đầu thế kỷ trước quay lại thời trung cổ Rousseau mơ ước được quay trở lại trạng thái mông muội. Lãng mạn luôn có khát vọng hoài cổ: quay lại-đâu cũng được, vào Hy lạp cổ, vào thời kỳ đa giáo, thế nào cũng được.

 

Chủ nghĩa lý tưởng- tất nhiên không nên hiểu theo thế giới lý tưởng cộng đồng chung của thế kỷ XIX, mà hiểu theo ý tưởng của Platon- là một khát vọng cao quý. Khát vọng sức mạnh có tác dụng của tinh thần sẽ cải biến và khiến con người trở nên cao đẹp hơn.

 

Từ sự khác biệt này tiếp dẫn đến hai hành vi khác nhau cơ bản. Kẻ lãng mạn là kẻ muốn sửa chữa thế gian trong cái ý nghĩa, hỗ trợ những yêu cầu không có cơ sở và bất khả thi. Đằng sau sự ’’quay trở lại” của mọi khát vọng hoài cổ có một nỗi niềm sâu sắc của việc không có niềm tin. Con người không còn tin vào sức mạnh của tạo hóa và của một khoảnh khắc cuộc sống nữa. Quay lại!- Đây lúc nào cũng là nỗi sợ hãi hiện tại và là dấu hiệu bất lực vô sinh của hiện tại.

 

Chủ nghĩa lý tưởng không xuất phát từ sự bất lực, mà từ cái đang có, không mang ý nghĩa của sự bất khả, mà mang khát vọng sáng tạo; không hỗ trợ những đòi hỏi không có cơ sở, mà muốn sự phát triển đi lên trong các lĩnh vực tinh thần. Lý tưởng hình thành, sáng tạo và nung nóng. Không có ý định quay lại, mà muốn trải qua các khoảnh khắc trong cái toàn thể và sâu sắc để vươn tới cái toàn diện.

 

Chủ nghĩa lãng mạn là khát vọng quay lại, nên luôn luôn ở tư thế ” quay đầu”. Còn bản chất của chủ nghĩa lý tưởng là khát vọng tôn giáo: so sánh với Thượng đế trong tất cả các khoảnh khắc của cuộc sống. Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa lý tưởng đúng là đều đối mặt với hiện thực, nhưng một cái chạy trốn khỏi hiện thực và một cái vượt qua hiện thực.

 

Bởi vậy lãng mạn là kẻ xuất hiện trong đời thực để đánh nhau với cái cối xay gió, đảm nhận những nhiệm vụ bất khả kháng, đặt ra những mục đích không đạt được, và bởi vậy không có cả sự đối lập thực sự: sự viển vông. Còn kẻ lý tưởng bằng toàn bộ bản chất của mình đối diện với thực tế, cuộc chiến của kẻ này luôn luôn hướng tới những môi trường hiện thực, bởi kẻ lý tưởng muốn thực hiện và nâng bản thân lên: đấy là kẻ anh hùng.

 

Nói về giai đoạn lãng mạn của Nietzsche là một sự lầm lẫn cơ bản. Ông chưa bao giờ là kẻ hoài cổ lãng mạn. Gundolf đã phân tích Geburt der Tragödie ( Sự ra đời của bi kịch) của Nietzsche bằng những từ ngữ sau: Sẽ không ai hiểu bất cứ một từ ngữ nào của Nietzsche, nếu trong tiềm thức không hiểu rằng đối với ông mọi giá trị -và toàn bộ việc đánh giá các giá trị của ông- chỉ duy nhất hữu hiệu ở một mức độ: cuộc sống anh hùng ca.

 

Nếu ta nói về từ cổ đại, mà không nói về một cuộc đời anh hùng, thì bởi vì ở đây không chỉ nói về tầm vóc sức mạnh, cả sự tạo thành sức mạnh cũng không, như có thể lần theo dấu vết những tư tưởng của Nietzsche. Ý nghĩa thực chất của nó đã được tác phẩm đầu tiên của ông soi sáng, tác phẩm ông bàn về nghệ thuật, không gian siêu hình của nghệ thuật, về nguồn gốc và ý nghĩa của bi kịch.

 

Kết quả của những nghiên cứu về Nietzsche cho thấy nhân vật của tác phẩm mang tính Homéros-Apollon và bi kịch- Dionysos chính là con người thượng đế, là người anh hùng bi thảm. Người hùng này không chỉ khác những con người khác về sức mạnh, mà còn chủ yếu trong kích thước người-„ Người anh hùng là con người được tạo dựng bởi thượng đế, có giá trị vĩnh viễn “(12)

 

Ý nghĩa của con người siêu nhân như sau: sự xuất hiện của con người anh hùng trong thời đại hiện nay. Trong nội dung mà Gundolf diễn đạt, anh hùng không phải là sức mạnh phi thường, không chỉ là tầm vóc, mà trước tiên là sự tạo dựng từ thượng đế, mang giá trị vĩnh cửu.

 

Như vị trí đầu tiên của một đời sống mới trong thời hiện đại, nhóm George hiểu rằng cần phải sống nhân danh con người vĩnh hằng. Sức mạnh tạo dựng của Nietzsche bắt đầu được thực hiện trong nhóm George. Ngoài Gundolf còn có Hildebrand trong Nhóm nghiên cứu về Nietzsche trong hai cuốn sách và trong một công trình nghiên cứu; có Bertram, người viết một cuốn sách Nietzsche lớn; có Klages, kẻ tách ra khỏi Nhóm nhưng vẫn có thể cảm thấy tác động của Kosmiker-Kreis ( Nhóm vũ trụ: Nhóm trí thức, văn nghệ sĩ từ 1899-1904 chống Kitô giáo/Do Thái giáo, muốn quay về các huyền thoại phương Đông, có sự tham gia của Stephan George) ở Müchen lên hành vi của ông, và có Pannwitz, người không  liên hệ trực tiếp với Nhóm, nhưng chỉ có thể hiểu được hoàn toàn tinh thần của ông từ Nhóm.(13)

 

Tất cả những gì Nhóm dẫn chứng để chống lại Nietzsche, chỉ có thể phân loại từ một tiêu chí duy nhất : der Kampf zwischen Erkenntnis und Schweigen, zwischen Übermut und Ehrfurcht, zwischen Frevel und Frommheit wird nicht ausgekämpft und entschieden, sondern vereinigend aufgehoben und zu grossartiger Vorbildlichkeit verdichtet und verewigt”(14) [cuộc đấu tranh giữa nhận thức và im lặng, giữa ngạo mạn và tôn kính, giữa độc ác và nhu thuận không được đẩy đến cùng và quyết phân thắng bại, trái lại đều bị thủ tiêu và được hợp nhất và vĩnh cửu hóa thành mẫu mực vĩ đại]

 

Những tác phẩm của Nietzsche không nêu quyết định về những điều này, mà chỉ đưa ra khả năng lựa chọn. Khi Hildebrandt so sánh Nietzsche với những điển hình lớn của nhân loại, ông nói:”Er ist nicht die Gestalt, die das Bild einer neuen Welt göttlich ausstrahlt” (Nietzsche không mang dáng dấp của kẻ chiếu rọi hình ảnh một thế giới mới một cách thần thánh)( 15)

 

Nietzsche còn lại trong sự phân vân: quyến rũ, bối rối, làm hỏng, chỉ lối, cảm nhận, mê hoặc nhưng ông không nói gì chắc chắn. Và hành vi có vấn đề này cũng tác động trở lại cả với con người siêu nhân:” Con người siêu nhân không phải một hình ảnh cổ được làm mới, mà là một con người cố gắng đạt tới mục đích có thể đạt”( 16)

 

„Nietzsche ward der Zerstörer des entseelten Glaubens,aber nicht der Erwecker des lebendigen”(17) [„Nietzsche là kẻ phá hủy lòng tin đã trở nên vô hồn, chứ không phải là kẻ khơi dậy lòng tin đầy sức sống”].

 

Mọi lời phản đối được bộc lộ khi người ta so sánh Nietzsche với Platon. Platon theo quan niệm của nhóm thể hiện như một con người vũ trụ, con người siêu nhân: ’’Trong Platon hầu như không có ý thức về việc ông đi trên con đường tạo hóa, chưa nói đến chuyện ông tuyên bố những gì trong các kinh nghiệm cá nhân, mà ông chỉ chú ý trực tiếp đến các quy luật thế giới” ’’Platon sống theo quan niệm  của các sức mạnh vũ trụ” ’’Hành vi thượng đế của Platon ở chỗ bằng sự im lặng thông thái, ông không đặt câu hỏi thượng đế xuất hiện trong thế gian hay nhìn  thượng đế là thế gian”.

 

Ngược lại trong Nietzsche sự ngạo mạn thống trị.” Kẻ bước qua lề luật  của thế gian, không dừng lại là kẻ môi giới nữa, mà đã nâng bản thân mình lên thành thượng đế”(18) Sự ngạo mạn này nghiền nát thế giới của Nietzsche. Câu giải thích cho hành vi này là: ông ở trong trạng thái mơ hồ, và nói những lời mơ hồ.

 

Ông chỉ tranh đấu, cho dù một cách anh hùng tới đâu, nhưng kết quả vô vọng. Nietzsche tự nói về bản thân mình:” ein labyrinthischer Mensch sucht niemals die Wahrheit, sondern seine Ariadne” ( 19) („một con người mê cung không bao giờ đi tìm sự thật mà chỉ đi tìm sợi chỉ của nữ thần Ariadne của mình”) (Ariadne là nữ thần trong thần thoại Hy Lạp giúp Theseus vượt qua mê cung để tiêu diệt quái vật Minotaur). Nietzsche phức tạp, rắc rối, hay đúng hơn chưa đủ rõ ràng, rành mạch và chín muồi, khi một mặt nghiền nát những tấm bảng đạo luật hai nghìn năm, mặt khác dựng thêm những tấm bảng mới.

 

Và sau cùng điều này giải thích Nietzsche không thể trở thành nhà thơ, chỉ là nhà tư tưởng: ông không thể tạo dựng, chỉ tranh đấu- âm thanh của ông chưa từng là Sprache (ngôn ngữ), chỉ Rede (lời nói), hay nói cách khác không phải là thi phẩm mà chỉ là lời nói.

 

Đây là quan niệm thống nhất toát ra từ các tác phẩm của Nhóm, từ những giải thích của Bertram, Hildebrant, Gundolf, thậm chí Klagess, George. George là người nói về Nietzsche bằng từ này:” Orator” (nhà hùng biện/kẻ thuyết giảng) (20). Và trong thi phẩm của mình:” sie hätte singen, nicht reden sollen diese neue Seele” (Tâm hồn mới này lẽ ra phải hát lên chứ không phải chỉ nói ra). Từ đây hình thành quan niệm của Nhóm rằng Nietzsche không phải là nhà thơ, mà chỉ là nhà hùng biện. Và:” Erschufst du Götter nur um sie zu zerstören?” („Ngươi sáng tạo ra những thần linh chỉ để hủy hoại họ mà thôi?”) (21) - từ đây hình thành quan niệm của Nhóm về các vấn đề của Nietzsche.

 

Sự giải thích và giải quyết quan niệm này nằm ở một nơi rất sâu: nơi Nietzsche đối diện với Platon trong tư duy của Nhóm. Platon là con người vĩnh hằng, là thực thể vũ trụ, là Gründer, là kẻ sáng lập. Nhưng vấn đề ở chỗ, Platon của Nhóm giống George trong mức độ nào(22), hay nói cách khác hai kẻ sáng lập đã tan vào nhau như thế nào- Akademia và Kreis („Viện Hàn Lâm” của Platon và ’’Nhóm” George)- cái từ đó một đế chế mới cần phát triển ra.

 

Tư tưởng cơ bản của Akadémia và Kreis: vượt lên trên một thế giới hư hỏng không phương cứu chữa, thu thập con người muốn cách tân và cùng với họ cách tân nhà nước. Từ sự đồng nhất của Akadémia và Kreis dẫn tới sự tính chất tương tự của những người sáng lập: vai trò giống nhau và hình ảnh tương đồng của Platon và George. Và như vậy khi người ta đo độ lớn của Platon bên cạnh Nietzsche, thực chất người ta đo George. Điều này nổi bật từ nghiên cứu của Gundolf, khi ông nói cái Nietzsche không thể thực hiện được bằng chủ nghĩa Titanismus (cá nhân kiêu hùng chống lại thế lực hùng mạnh. Thần thoại Hy Lạp: hình tượng Promatheus chống lại Zeus), tự nó trỗi dậy từ cuộc sống trong George  không cần bạo lực, cùng trong năm khi Nietzsche thất bại.

 

Sự tương phản nổi lên giữa Ludwig Klages và George, sự tách biệt giữa nhà triết gia và nhà thơ đưa ra một lời giải thích điểm mơ hồ này. George gặp Klages tại München đầu những năm chín mươi (thế kỷ 19). Ngoài hai người còn có Kosmiker-Kreis trưởng thành từ nhóm bạn giữa Wolfskehl và Schuler. Họ đều là những kẻ đối lập và chán ghét môi trường: khát vọng, khả năng sáng tạo cái mới dẫn họ đến với nhau.

 

Tất cả mọi cái khác đều từ điều này mà ra. Sự thống nhất của nghệ thuật, thí dụ của cổ đại, việc quay lưng lại với đám đông, đối ngược với điều này là tri thức lớn hơn của con người, đối lập với thế gian thảm hại là một sự nhân từ mới. Tài năng của George và Klages có sự khác biệt. George là nhà thơ, Klages là kẻ thông hiểu và là nhà giải nghĩa: nhưng ở cả hai có một sự quý phái chỉ nhận ra được từ những con người cao thượng.

 

Nhưng tại một điểm, họ lại không gặp nhau, và không thể gặp nhau.Thông thường có thể gọi điểm này là bóng tối và sự trái ngược của ánh sáng. Klages là con người của các lực lượng bóng tối, cảm giác và sự sống đơn giản, cùng với Schuler, là tất cả những gì có nghĩa là nguyên tử và tượng trưng của cổ đại: bản năng, sự đam mê, sự gắn bó. George cùng Wolfskehl gắn bó với ánh sáng: với trật tự,với tỷ lệ, sự hoàn thiện.

 

Như vậy có thể hiểu nền tảng của triết học của Klages: đời sống và tinh thần, như hai nguyên tử đối chọi lẫn nhau; như vậy có thể hiểu hình thức có chủ ý trong thi phẩm của Goerge, muộn hơn ở Nhóm  thể hiệu tất cả những gì không bị giới hạn nghiêm ngặt đều có thể. Trong sự sâu sắc tuyệt đối tất cả cùng tồn tại, trong cảm xúc thế gian, mà sự thể hiện toàn vẹn như sau:” Verleibung des Gottes und Vergöttung des Leibes” ( Biến Thượng đế thành xác thân và biến xác thân thành Thượng đế)  và trong cái toàn bộ tập quán-đời sống chứa đựng: sự quý phái, cái cao thượng của đời sống và sự kính trọng những cội nguồn niềm vui trong sạch.

 

Nhưng họ cần phải tách ra, bởi họ sống cái tập quán này từ một khía cạnh trái ngược. Tất nhiên, sự trái ngược này, vì tuyệt đối, có thể lật ngược. Klages con người của bóng tối là một nhà bác học, kẻ làm việc với các khái niệm, xây dựng hệ thống triết học và viết những tác phẩm lý thuyết. George là nhà thơ, người sống trong cảm hứng khoảnh khắc, kẻ với rung động cùng thân xác sâu sắc biết cảm nhận một tâm trạng nắm bắt mơ hồ.

 

Nhưng từ tăm tối những khát vọng khác hẳn với ánh sáng tiếp theo. Thế giới mong ước của Klages: sự vô độ, sự ngây ngất,hoang dã, văn hóa bất lực với chính bản thân. Còn George là kẻ sáng lập vương quốc của: một Platon mới, người tạo dựng những tế bào đầu tiên của Politeia mới trong Kreis: chuẩn bị cho sự tự chủ của tinh thần. Klages và George cần phải chia tay nhau. Di sản và nguồn chung kéo họ lại với nhau, nhưng thế giới quan khác nhau tách họ ra.

 

George- và Nhóm dưới ảnh hưởng của George- đứng về phía ánh sáng. Nhưng điều này tự bản thân nó không nói lên điều gì hết; thậm chí để thế giới quan bộc lộ ra cũng không. Ở đây có một cái gì đó không minh bạch, để mâu thuẫn bộc lộ trong quan điểm về ánh sáng và bóng tối giữa George và Nietzsche không thể hiện nổi thế giới quan mơ hồ này. Klages, khi muốn xóa ánh sáng trong lý thuyết của Nietzsche cần hiểu sai lệch về Nietzsche, cũng như George, khi muốn xóa bỏ bóng tối trong Nietzsche.

 

Hai bản án từ George: Nietzsche xây dựng lên các thần linh để đánh đổ họ, và vì thế cần ca hát cho các linh hồn mới chứ không cần hùng biện. Mâu thuẫn thực sự cần thể hiện qua một sự nâng cấp khác. Ở đây nổi lên như thể Nietzsche bị thiệt thòi so với George, như thể Nhóm có quyền kết án Nietzsche. Bản thân sự hợp nhất vai trò nảy sinh giữa Platon và George là không hợp lý, và nếu George không cất lời phản đối việc hợp nhất vai trò, điều ấy có nghĩa là ông đảm nhận hình tượng Platon. Cứ cho là điều này hợp lý đi. Nhưng đóng vai Platon để chống lại Nietzsche, hóa chẳng ra là trong nhà triết học Hy lạp này ẩn náu Stefán George: điều này còn lớn hơn cả sự mơ hồ và rối bời. Ở đây có những nguyên nhân sâu sắc hơn xảy ra và góp thêm vào.

 

Trước tiên cần minh bạch hóa lời kết án- nhà hùng biện. Theo George và Nhóm, giọng của Nietzsche là giọng hùng biện. Nếu đúng là hoàn thiện, giọng hùng biện này cần cất tiếng ca. Nhưng lời kết án này chưa đủ sâu sắc. Chất Đức trong thi ca chưa bao giờ biết đến sáng tạo lớn như ở các dân tộc châu Âu, và nếu nói về các nhà thơ lớn như Goethe hoặc Hölderlin, sự vĩ đại của họ không phải ở thi phẩm.  Chất Đức vĩ đại nằm ở chỗ khác: ở không gian siêu hình và trong âm nhạc.

 

Các nhà thơ như Klopstock, Heine hay C.F. Meyer, thế giới có cả trăm. Các nhà tư tưởng như Kant, Hegel, Schopenhauer chỉ có một; các nhà soạn nhạc như Bach, Mozart, Haydn và Beethoven cũng chỉ có một. Chất sống Đức tại đây thể hiện hoàn toàn và sâu sắc cái là nó- kể cả khi trong Goethe vai trò nhà tư tưởng rất lớn và trong Hölderlin vai trò nhà soạn nhạc cũng vậy. Và cội rễ giữa không gian siêu hình và âm nhạc đã lập tức trở nên rõ rệt nhất ở một điểm, nơi hai điều này hội ngộ. Điểm đó là: Nietzsche. Chất âm nhạc trong ngôn từ của Nietzsche, đồng thời với chất siêu hình- là ngôn từ đẫm chất Đức nhất.

 

Chất Đức sâu sắc hơn cả của Geothe, của Hölderlin, và chất nhạc sâu sắc hơn cả của Mozart, hay của Beethoven, bởi vì cùng lúc là cả hai. Ở Nietzsche: ’’Khái niệm là bản chất, hơn cả yếu tố nghệ thuật một cách gợi cảm”(23). Ở ông ngôn từ bắt nguồn từ thẳm sâu lòng đất, nơi âm thanh, nhạc, ngôn ngữ, tư duy, khái niệm, hình ảnh chưa tách rời nhau. Ngôn từ ở Nietzsche ngang bằng với đời sống.

 

Tư tưởng- Benz viết- ở Nietzsche:” giống như một cảm nhận hứng khởi bản năng không thuần túy tư duy mà như thi hứng: chất thi ca đặc thù nảy sinh, ngân vang…thứ tư tưởng mộng mơ đã nâng lên tận lãnh vực thi ca cao hơn hiện thực, trao bản thân nó cho giai điệu của âm nhạc và trở thành một bài thơ dẫn đề(dithyrambus) …những tư tưởng của Nietzsche không phải do logika xâu chuỗi lại, mà do một thứ âm nhạc vô hình… và sau cùng hoàn toàn lãnh đạm việc ông nói cái gì nếu ông nói…và bản án chừng nào chưa đạt đến mức cao nhất ta còn chưa cảm thấy sự kết án của tư tưởng, cái có thể gọi là sự chống đối, mà ta chỉ chú ý đến âm thanh lanh lảnh của bản án mà thôi.”(24)

 

Thực ra cái có thể diễn đạt về sự sâu sắc có thể thu thập được Nietzsche nói và lấy ra từ đó: hình ảnh, âm thanh, từ ngữ, tiếng ngân vang, sự đam mê và kỷ luật tư tưởng cùng lúc, thuần túy logic và âm nhạc cùng lúc, hay nói đúng hơn là đỉnh cao nhất sự diễn đạt của con người: siêu hình và âm nhạc.

 

Bằng điều này có thể thấy bản án kết tội Nietzsche chỉ là một nhà hùng biện, và không đủ chất thi ca chỉ có nghĩa rằng: ở đây George và Nhóm không nhận ra phần quan trọng hơn, to lớn hơn và sâu sắc hơn trong thế giới của Nietzsche.

 

Bản án thứ hai: Nietzsche xây dựng lên thần linh để đập tan thần linh. Đây là vấn đề của Nietzsche. Câu trả lời về điều này cùng lúc vừa đơn giản vừa phức tạp. Sự nhầm lẫn cơ bản khi cho rằng Nietzsche nói về một cái gì đó tích cực, cái con người có thể giữ họ ở một chuẩn nào đấy; nhưng cũng nhầm lẫn thật cơ bản nếu tin rằng ông không nói về điều gì tích cực. Nietzsche khác hẳn với các nhà tư tưởng khác- ngoại trừ Lão tử và Herakliktos- ông không đề ra nội dung của tư tưởng trong lý tưởng, trong chuẩn mực, trong mục đích, mà trong hành vi. Triết học của ông có liên quan đến cái mà Jaspers gọi là:” Denkende Gesamthaltung des Menschen”(25) ’’Toàn bộ tư thế suy tư của con người”

 

Ông không nói đến cái tích cực: ông chỉ ra hành vi tích cực:” Đối với Nietzsche sự thật không phải là một cái gì đã tìm ra cần phải chứng minh. Cái duy nhất ông đã làm, là danh dự của tinh thần, là thứ không bao giờ có thể câm lặng được trước chính nó nữa.” ( 26) Nietzsche gạch bỏ thần linh, để trình bày như một vấn đề thần linh?- để phơi bày sự vô cảm của thần linh trước các sự kiện của con người?- để chỉ ra:thần linh cũng vô cảm với các chuẩn mực như thiên nhiên?- rằng nói chung không phải là sự thần thánh nhân đạo mà chỉ là sức mạnh nguyên thủy?

 

Hildebrandt nhìn vị trí của Nietzsche một cách khá sai, khi cho rằng:” Es is für die Wirklichkeit eine edle Sorge die Norm nicht vorzeitig festzustellen (Một sự lo âu cao cả cho thực tại là không đề ra chuẩn mực một cách quá sớm) - ông không muốn đề ra chuẩn mực một cách quá sớm” (27). Nietzsche thực ra không hề muốn đề ra bất kỳ một loại chuẩn mực nào.” Một dạng tư tưởng mới xuất hiện- ông viết trong Jenseits (Bên kia thiện ác) – và tôi dũng cảm nói thêm, đừng đặt cho nó một cái tên hoàn toàn không nguy hiểm…Như tôi cảm thấy trong tương lai tư tưởng này có quyền, có lẽ cả không có quyền nữa đặt tên nó là thử nghiệm. Bản thân cái tên này có thể chỉ là thử nghiệm, nếu như con người muốn: thử nghiệm.”

 

Nietzsche không đưa ra sự an toàn, thậm chí ngược lại thì có. Ông lật tẩy tất cả mọi sự giả dối và mang danh an toàn, ông khám phá sự phân vân vốn có của con người, nhưng vẫn chưa quan sát bằng nỗi lo âu nghiêm chỉnh họ sẽ chịu đựng thế nào đây, mà từ trên cao ông riễu cợt chú ý, ai, kẻ nào vội vã hốt hoảng rơi vào sự hoảng hốt, xáo trộn sau khi bị ông tước mất toàn bộ khả năng chạy trốn, và giờ đây, dù muốn, dù không cần nhận thức rằng sự an toàn, mục đích, chuẩn mực, lý tưởng không bao giờ còn nữa.

 

Bằng hành động của mình cùng lúc ông giải phóng cho con người, trả lại cho nó quyền tự sắp đặt, khi cùng lúc mọi hành động đều trở nên nguy hiểm, nhưng giờ đây nó không thể chịu trách nhiệm được nữa. Nhưng sự chế nhạo quan trọng hơn khi nó hoàn thành sự giải phóng: trong sự chế nhạo này không ở đâu, chưa từ bất kỳ nhà tư tưởng hay nhà thơ nhà văn, nhà nghệ sĩ nào xuất hiện một sự kính trọng hiển nhiên và sự nghiêm chỉnh như thế , sự kính trọng từ chối không can thiệp vào công việc của bất cứ ai, chừng nào nó còn tồn tại. Chỉ khi nào dối trá nó mới làm hỏng chính nó, như một con chó sói cào cấu hỗn loạn cùng với toàn bộ sự giả dối của nó.

 

Còn, nó làm gì, tin gì, nghĩ gì, tự nó giải quyết lấy: bởi vì từ những điều này sẽ bộc lộ ra nó đạt được gì. Bởi vì Nietzsche không đưa lại tự do cho con người, mà đưa ra lòng tự hào, một hành vi ứng xử không chịu để kẻ khác xác định chuẩn mực sống cho mình. Đây là quyền của tôi- là quyền con người trực tiếp của tôi- tôi tự sắp đặt cho tôi- tôi từ chối mọi khả năng giải quyết kiểu bầy đàn một cách chung chung,một thứ luật lệ áp đặt vào tất cả mọi người.

 

Tại sao? bởi tôi tự do và ánh sáng thượng đế có trong tôi. Hildebrandt gọi cái mà Nietzsche nhìn thấy trong con người là götliches Ich (cái Tôi thần thánh). Sự thần thánh tôi, với sự thần thánh này không thể dựng lên các quy tắc, sự thần thánh này tự thân sống bên trong, nguyên thủy và độc lập. Nietzsche dừng lại trong sự mơ hồ?-đúng và không đúng.- Đúng bởi ông không dựng lên một thần tượng tiếp, những tấm bảng luật lệ tiếp; không đúng, bởi khi ông lấy đi toàn bộ các dạng an toàn, cùng lúc ông đánh thức ý thức về cái tôi thần thánh. Ông dừng lại ở sự bất an? ở chỗ tôi nên làm gì :đúng; nhưng không ở chỗ tôi là cái gì.

 

Còn nhiều hơn thế nữa. Đối tượng của Nietzsche trong Ecce Homo :” Kẻ cá nhân nhất cùng đồng thời siêu việt nhất- cần nói về đời sống của con người bằng cách thức nói về đời sống một thần linh”(28) „ Hãy nhìn xem, đây là con người ấy! con người này là ý nghĩa của thế giới, trong nó vừa là sự huyền bí vừa là thần tượng…và giờ đây không phải sự thần thánh hóa từng con người riêng lẻ nữa…Kẻ thần đồng không phải là kẻ nhà thơ tạo dựng, và nâng lên luồng huyền thoại nữa, bởi vì đấy là sự kiêu ngạo Empedoklés cho rằng đấy là tác phẩm của con người và số phận của thần thánh, mặc dù không phải như thế. Chỉ nhà tư tưởng biết giải mã nhà thơ. Chỉ kẻ nào đập tan hình ảnh của thượng đế…kẻ đó biết xác định lại một lần nữa sức mạnh tạo hóa huyền bí. Và nhận ra rằng thượng đế tạo dựng nên thế giới nhưng giờ đây nó không bao giờ muốn trở thành thượng đế nữa. Một đời sống mới đã tràn ngập thế gian, và trong cuộc sống mới này không còn âm nhạc của thế giới bên kia nữa: mà là âm thanh, tiếng vang của thế giới sống động của con người.”(29)

 

Làm sao có thể xảy ra việc George và Nhóm không hiểu được chính điều mà Nhóm cần phải hiểu? Không còn nghi ngờ gì nữa ngày nay không chỉ tư duy, nghệ thuật, khoa học, hay tinh thần trong ý nghĩa thông thường nhất, mà cả những điều thực tiễn nhỏ nhặt và riêng tư nhất kể cả đời tư nếu không đi qua trường học”Nietzsche”, đơn giản như sau: tuyệt đối không nói lên điều gì. Một con người” phi Nietzsche” ngoài thời gian sống của nó chỉ nhộn nhịp như một loài côn trùng. Nhưng nếu ngày nay không có thứ tinh thần dành cho con người, để có thể trải qua sự giác ngộ”Nietzsche”, thì cũng không có khả năng khác để trải qua.

 

’’Mọi thử nghiệm- Jaspers nói- muốn đi về hướng Nietzsche, hoặc muốn bắt chước Nietzsche, cho dù chỉ trong ngôn từ, đều không thể- đều vô nghĩa lý.”(30) George và Nhóm đã phạm sai lầm đầu tiên: muốn vượt qua, muốn biết nhiều hơn. Sự cố gắng này với Nietzsche đồng nghĩa với thất bại. Lại một lần nữa đặt ra chuẩn mực cho mọi người, đẩy lùi lại sự giải phóng hoàn toàn của cái tôi. Sự ghen tức đã quấy rầy một quan điểm trong sạch?- ít lắm. Nguyên nhân thiếu hụt hoàn toàn sự hiểu biết phát sinh từ bên trong của nhóm, từ mối quan hệ của George với các môn đồ, rốt cuộc phản chiếu lại trong mối quan hệ của George với Nietzsche.

 

Nếu sai lầm nằm trong quan hệ thày trò, và con người im lặng, bởi muốn trở nên thông minh hơn- muốn cho người kia thời gian để nhận ra sai lầm- thực ra đã để trôi qua khả năng cảnh báo sớm hơn.- Đấy là chưa nói đến việc sự im lặng thông minh này luôn luôn mang mùi vị của chiến thuật. Im lặng mọi giá đều tồi tệ: con người đánh mất cơ hội can thiệp trong một khoảnh khắc cần thiết, ngoài ra ngay với bản thân cũng đáng nghi ngờ vì có vẻ như đang lưỡng lự.

 

Còn nếu nhắc nhở đến lỗi lầm, thường xuyên xảy ra chuyện khoảng cách giữa hai người đáng lẽ cần chấm dứt, thực ra lại tăng lên. Không chỉ vì người ta thường bực tức với kẻ mắc lỗi, mà vì lời nhận xét thường mang khuynh hướng điều chỉnh tự nhiên, và khuynh hướng này thường làm người ta không chấp nhận con người như là nó, và đây là điều nhục nhã trong mọi trường hợp. Nếu sai lầm rơi vào mối quan hệ con người, đây là điều không thể sửa chữa được.Không thể bảo được cũng không thể im lặng được; sự nhắc nhở cũng tồi tệ  chẳng kém gì sự ngụy trang. Bởi vì sai lầm không phải dấu hiệu của sự giữ gìn mà là của sự thiếu vắng: nghĩa là dấu hiệu của sự không có. Yếu kém hoặc ảo tưởng.

 

Nơi nào có sai lầm, ở đó thực ra toàn bộ quan hệ chưa bao giờ có, và không thể.Tồn tại một dạng hợp nhất lỏng lẻo, nhưng điều này từ đằng xa chưa phải là cộng đồng hoặc nhóm.

 

Giữa Nietzsche và George chưa từng có quan hệ thày trò thực chất. Và điều này mang lại hậu quả nặng nề hơn người ta tưởng. Cuối cùng George là người lập ra Nhóm trong danh nghĩa người anh hùng đáng kính: George muốn xây dựng một vị trí sùng bái con người anh hùng. Và sức lực của một người không nổi lên như đã thực hiện bản thân mình bao nhiêu mà nổi lên là biết kính trọng người khác đến đâu. Tất nhiên sự kính trọng người anh hùng không được phép gán cho hành động ngất xỉu vào lòng người khác, hoặc kính trọng vì cảm thấy mình không đủ sức mạnh để thực hiện chính bản thân mình, vì vậy gắn bó với người anh hùng để trong cái bóng của họ thử tìm may mắn.

 

Sự kính trọng người anh hùng là sự sùng bái: là sự bộc lộ hoàn toàn cái tinh thần anh hùng, là sự thực hiện cái tinh thần anh dũng. Con người biết hòa tan bản thân mình vào chất anh hùng bao nhiêu, lúc đó không chỉ là sự kính trọng mà còn là sức mạnh nữa. Mức độ của sức mạnh và sự lớn lao của con người nằm ở chỗ họ biết kính trọng đến dường nào kẻ cao cả hơn họ. George không đủ mạnh trong sự kính trọng với Nietzsche, bởi vậy ông cũng không đủ mạnh để hiểu Nietzsche.

 

Vị trí của học trò không phải là một hành vi bình thường. Mối quan hệ này xác định những điều xa hơn hẳn sự học tập, con người cần ứng xử thế nào với „cổ xưa” với” tiền bối”, như vậy đây là mối quan hệ của con người với cội nguồn. Người học trò lớn nhất từ xưa tới nay: Platon. Cả cuộc đời ông không làm gì hết ngoài viết về ông thày của mình. Trong tác phẩm của Platon không có Platon đóng vai trò- mà là Sokrates, nhà hùng biện. Đây là sự trong sáng lớn nhất của tác phẩm Platon, như Hildebrandt đã nói:” Bỏ lại bản sắc riêng của mình trong sự nghi ngờ”

 

Không thể biết Platon đã nghĩ gì, chỉ biết thày của ông đã nghĩ gì. Đây chính là điểm khác khi so sánh George với Platon. Platon hòa tan vào người đã mở đường cho tư duy của  ông. Còn George muốn vượt qua ông thày của mình. Muốn vượt qua không phải vì không hiểu, mà George không hiểu vì muốn nâng mình lên. Ở George thiếu sự kính trọng”vị tiền bối” thiếu sự trung thành của học trò. Và trong tư duy George bối rối không phải vì không hiểu Nietzsche, mà vì từ ông thiếu sự sùng kính tự thân, và vì thế ông bị khóa lại trước sự thấu hiểu hoàn toàn ông thày của mình.

 

Tác phẩm chỉ là kết quả của tinh thần, và tinh thần cũng chỉ là kết quả cuối cùng của hành vi. George muốn vượt qua khỏi Nietzsche và vì thế không hiểu nổi Nietzsche. Và vì không hiểu, nên ông không hiểu nổi sự trung thành riêng của bản thân, không hiểu chủ nghĩa anh hùng, hình thức tạo thành từ thần linh riêng, ưu thế riêng của mình, hay còn gọi là mức độ cao cả của tinh thần mình, và vì thế không thể hiểu được mức độ to lớn của Akademia của Kreis

 

Kết quả của sự lỏng lẻo của Nhóm là trong George chưa đủ lòng thành kính?. Sự thiếu lòng thành kính của George- thiếu sự kính trọng và cả sức mạnh nữa- là nguyên nhân để những mối quan hệ lỏng lẻo có thể tụ lại với nhau? Trong George chưa đủ chủ nghĩa anh hùng? Hoặc các thành viên của Nhóm chưa xứng đáng với sự gắn kết mới mà hình tượng Nietzsche và George đã thần thánh hóa?

 

Có thể đây là điều mà Gundolf” bảo là ringen zwischen Leidenschaft und Weihe” ( Cuộc đấu tranh giữa đam mê và việc được thụ phong thành môn đồ) (31)- đề cập với khái niệm ngụy trang và cuộc đấu tranh đam mê cá nhân, là sự thực hiện hoàn hảo của Kreis bị ngăn cản trong Nhóm? các thành viên của nhóm không xác định nổi, cái gì quan trọng hơn đối với họ, hành vi anh hùng ca, sự kính trọng người anh hùng và điều đi kèm theo: bước vào cái vĩnh hằng, cái thực ra có nghĩa là: một hình thức thần linh, hay quan trọng hơn đối với họ là, họ tiếp tục là các cá nhân, quan trọng hơn là sự may mắn, công danh của họ, và như vậy tiếp tục, một cách đi xuống: sự thành công của họ sự giàu có và công danh của họ?

 

Sự trong sạch của tinh thần, sức mạnh, kết quả vẻ đẹp sự nghiêm chỉnh  của sáng tạo phụ thuộc vào lòng thành kính của con người hướng tới những tấm gương, những người thày, người anh hùng, và điều này quyết định toàn bộ hành vi của tinh thần. Và ở đây xuất hiện câu hỏi mà Nietzsche đã nói đến (32), rất hiện đại, rất thời đại hôm nay- hoặc là nỗi đau đớn hay là sự từ bỏ?-„ wir sind kein Material mehr für eine Gemeinschaft ( Chúng ta không còn là vật liệu cho việc tạo dựng cộng đồng nữa)

 

Chú thích:

1.    Thư của Nietzsche cho Overbeck

2.     Wolters: Stefan George und die Blätter für die Kunst

3.    L.Klages: Die psychologischen Errungenschaften Nietzsches

4.    F.Gundolf: Nietzsche als Richter unserer Zeit

5.    Nietzsche: Wille zur Macht

6.    Gundolf: George

7-11 Gundolf: Nietzsche als Richter unserer Zeit

12. Gundolf: Nietzsche als Richter unserer Zeit

13. K.Hildebrandt: Nietzsches Wettkampf mit Sokrates und Platon- Hildebrandt: Wagner und Nietzsche. Ihr Kampf  gegen neunzehnte Jahrhundert- E.Bertram: Nietzsche. Versuch einer Mythologie- Klages: Die Psychologischen Errungenschaften Nietzsches Pannwitz: Staatslehre- Pannwitz: Die deutsche Idee Europa- Pannwitz: Kosmos atheos

14.Bertram:Nietzsche

15.Hildebrandt: Nietzsches Wettkampf etc.

16. Hildebrandt: Nietzsche als Richter etc.

17. Hildebrandt:Wagner und Nietzsche

18. Hildebrandt: Nietzsches Wettkampf

19. Nietzsche: Empedokles Fragment

20. F.Wolters: Stefan George

21.George:Nietzsche. Der siebente Ring

22.B. Brecht: Platon und de Georgekreis

23-24. R.Benz: Die Stunde der deutschen Musik

25. K.Jaspers: Vernunft und Existenz

26. K.Löwith:Nietzsche

27. Hildebrand:Nietzsche als Richter

28.Benz:Die Stunde etc.

29. Benz:Die Stunde etc.

30. Jaspers: Vernunft der Existenz

31.Gundolf:George

32. Nietzsche:Wille zur Macht

 

Nguyễn Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hung

( 2011.02.06)

                                        

Hamvas Béla
Số lần đọc: 1836
Ngày đăng: 22.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thơ – Cách Tân Và Cách Tâm. - Hoàng Hưng
Thơ Đẹp Là Một Vận Chuyển Toàn Bộ - Trần Văn Nam
Những Va Chạm Hai Mặt – Xét Từ Cảm Thức Thơ Hậu Hiện Đại - Hoàng Thụy Anh
Những Truyện Ngắn Việt Nam Làm Liên Tưởng Đến Điện Ảnh - Trần Văn Nam
Về Bản Sắc Dân Tộc Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Từ Thế Mộng, Thơ đời thường - Đặng Tiến
Sartre Và Văn Học. 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sartre Và Văn Học. 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Vài Cảm Nhận Về Môtip “Đôi Ta …”Trong Ca Dao Tây Nam Bộ - Trần Minh Thương
Milarepa - Hamvas Béla