Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.213.067
 
Thời Chiến Vùng Tam-Biên Qua Thơ Lâm Hảo Dũng
Trần Văn Nam

Trên tuần báo “Sàigon Times” vùng thung lũng San Gabriel thuộc địa phận Los Angeles ở Hoa Kỳ, ta có dịp đọc nhiều lần “Bài Gợi Nhớ Về Châu Đốc” của Lâm Hảo Dũng. Bài thơ làm ta nhớ lại nếp sống dân gian Việt Nam với truyền thống “Cửa chùa rộng mở cho bá tánh”: đi lỡ đường thì có thể vào chùa ngủ nhờ một đêm. Và bài ấy cũng có một đoạn thơ tả rất kỳ diệu con sông Cửu Long bằng cái nhìn vừa thấm nhuần huyền ảo của đạo Phật vừa chan chứa lòng yêu mến quê hương. Quang cảnh ngoạn mục của chùa Tây An ở núi Sam Châu Đốc đẹp rực rỡ trên nóc với những tượng rồng quẫy đuôi trong những đêm rằm. Tác giả tả những con rồng trên nóc chùa, hay tác giả viết về con sông Cửu Long đi ngang qua chùa rồi tiếp tục dòng chảy về hướng đại dương. Nếu từ trên cao, trên núi Sam xa, nhìn về sẽ mường tượng dòng trường giang hiện ra sau lưng chùa có cái đuôi vĩ đại nhưng nhỏ dần về phía biên giới Kampuchia:

 

… Em ở bên kia trời cách biệt

Mắt buồn vây kín núi Sam xa

Ta như lữ khách không nhà cửa

Ngủ đậu trên chùa mỗi tháng ba.

… Em khóc dòng sông đó phải không

Đêm mơ về thấy chín con rồng

Vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự

Đón Hội Long Hoa một tối rằm.

(Trích “Bài Gợi Nhớ Về Châu Đốc”)

 

Khi đã sống định cư ở hải ngoại, Canada, Lâm Hảo Dũng cũng có nhiều bài thơ nhớ quê hương đồng bằng sông Cửu Long, đôi khi sử dụng phương ngữ Nam Bộ. Lâm Hảo Dũng đóng góp thơ cho “một vùng trọng điểm hoài hương” của các giai đoạn “di tản-vượt biên-định cư”. Các “vùng trọng điểm hoài hương” khác, người viết bài này đã có đề cập đến trong Giai phẩm Xuân nhật báo Người Việt năm 2006. Xin lướt qua vài câu thơ nhớ Nam Bộ khi ở Canada của Lâm hảo Dũng:

 

… Phó thường dân thích giăng câu đặt trúm

Thích lai rai nghe gió mới se buồn

Ngủ dật dờ bên xáng múc chiều hôm

Đời trôi chậm hay nhanh chàng bỏ mặc…

(Trích bài “Tôi Chỉ Muốn Làm Phó Thường Dân Nam Bộ”)

 

Chỉ với bốn câu ấy thôi mà ta đã nhận ra tác giả đưa vào phương ngữ “lai rai”, và nhắc đến đặc thù ở Nam Bộ như “xáng múc, đặt trúm”, và có cả cách nói mới của ngôn ngữ hàng ngày gần đây, như “phó thường dân”. Vậy có thể nói tình hoài hương hướng về trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long là một khía cạnh hiện hữu trong thơ Lâm Hảo Dũng; cũng khá dồi dào như khía cạnh vui buồn đời sống định cư ở Canada. Đoạn thơ dưới đây nhắc nhở ta cũng nên kể khiá cạnh “hải ngoại” ấy trong thơ của ông:

 

Tám năm rồi không thể

Quên đi chuyện tình buồn

Nên một ngày tháng chạp

Em đi về Việt Nam

Tôi ngồi đây đếm tuổi

Giữa đêm dài cô đơn

Tám năm nào biết được

Em vẫn còn xa tôi

Như ngàn năm mây trắng

Quên mất một khung trời…

(Trích bài “Chuyện Tình Buồn Cuối Đông”)

 

Nhưng khía cạnh trọng điểm hoài hương ấy và khía cạnh đời sống hải ngoại ấy có lẽ trùng lập với nhiều nhà thơ khác, không tạo nên một lãnh vực riêng biệt, không độc đáo như thời chiến vùng Tam Biên trong thơ Lâm Hảo Dũng. Thời chiến trước 1975, nhà thơ đồn trú ở Tây Nguyên, rõ hơn nữa là thuộc đơn vị pháo binh tại vùng ba biên giới Việt-Miên-Lào. Địa danh những cứ điểm quân sự một thời nghe danh trong tin tức thời cuộc, rải rác trong thơ của ông. Nhưng khói lửa trong thơ Lâm Hảo Dũng không được nhà thơ mô tả chi tiết trận đánh nào rõ nét; chỉ là kể lại những mất mát bạn bè; kể lại kết quả khi tàn trận; nên không phải là những biểu hiện cụ thể và trực tiếp. Trái với hừng hực khói lửa, ta chỉ cảm thức mênh mông của rừng núi; “hiu hắt gà khuya gọi sáng rừng” (thơ LHD); mưa dai dẳng buồn nơi đồn trú; sương và mây mù luôn luôn có mặt tại những cao điểm xa cách nhìn xuống miền xuôi; gơị tò mò với các địa danh nghe thật lạ tai do phiên âm từ các ngôn ngữ dân tộc. Những địa danh này dần dần cũng hết lạ tai khi mà chiến sự cứ mãi đề cập đến chúng trong bối cảnh thời chiến có con đường mòn Hồ Chí Minh:

 

Những ngày ở Dakto

Anh không biết gì hơn

Ngoài cơn mưa mù tháng sáu

… Đang đốt đời trong cao điểm đó

Bao giờ thấy lại ngọn Chư Pao?

… Những trưa quán cốc nhìn mưa xám

Còn thấy mây mù đỉnh Ngok Long

… Một mai về lại Tam Biên đó

Hãy ngắm Poko núi Phượng Hoàng…

 

Xin nói nhiều hơn về con sông Poko mà Lâm Hảo Dũng đã nhắc tới. Sông Poko chảy theo hướng Bắc Nam thuộc tỉnh Kontum xưa kia, chạy song song với con đường 14 có nhiều cứ điểm quân sự của Hoa Kỳ trước đây để ngăn chặn quân xâm nhập từ Bắc vào có cả xe tăng và cao xạ phòng không. Khi qua khỏi thị xã Kontum thì sông này chảy lệch về phía Tây làm thành thác Yali (nay đã xây thành đập nước) và hợp lưu với sông Xê Xan của Kampuchia đưa nước vào Mekong gần thành phố Stung Treng. Ta hãy nghĩ đến một hồ chứa nước khổng lồ tại Yali để đưa nước vào Mekong với sự hợp tác Việt Nam và Kampuchia và được tài trợ do các Cơ Quan Phát Triển Á Châu của Liên Hiệp Quốc. Phải chăng đây là giải pháp tạo nền hòa bình vĩnh viễn giữa hai nước; vừa tránh được viễn ảnh chiến tranh mà một cường quốc nào đó muốn khai thác sự thù địch lâu đời do lịch sử để lại cho hai quốc gia láng giềng; vừa giúp cho hai nước có con sông Cửu Long quanh năm nước ngọt tràn trề. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp và kiệt quệ nghề đánh bắt thủy sản do mười mấy con đập trên thượng nguồn sông Mekong.

 

Thơ thời chiến vùng Tam Biên có lẽ là đề tài riêng cho Lâm Hảo Dũng, dường như không có nhà thơ nào khác. Tuy không hiếm nhà thơ trước 1975 đề cập thời chiến xứ sương mù vùng cao, nhưng chỉ chung chung miền Tây Nguyên, hoặc có riêng thì thường là thành phố Đà Lạt thơ mộng, hoặc hậu cứ an ninh Pleiku Buôn-Mê-Thuột. Nhưng Lâm Hảo Dũng lại có cái chung với họ: nỗi sầu nơi biên trấn, nhớ gia đình, nhớ người yêu, nhớ người thân, nhớ thành phố hay quê hương xa cách vì thời cuộc đời lính xa nhà. Tuy là lính tác chiến, nhưng có mấy khi họ ca ngợi trận đánh nào trong văn chương; phấn khởi chiến thắng ít thấy trong thi ca. Quân đội Việt Nam Cộng Hòa không có sĩ quan Chính Ủy để chỉ đạo chính trị cho tinh thần binh sĩ. Đôi khi họ có những nét như ngao ngán chiến tranh, nhưng không phải là chủ trương phản chiến nhằm tác động người khác. Họ chỉ quy vào chính họ mà thôi, tự cảm thấy không thích hoàn cảnh đang làm lính biên trấn, hoặc muốn biểu lộ niềm thương tiếc bạn bè chết trận. Riêng cho cá nhân, không phải nhân danh chủ trương phản chiến chống chính quyền đang điều khiển chiến tranh. Họ coi như bổn phận thi hành quân dịch; mong sao cho mau hết chiến tranh để về đoàn tụ với những mến thương họ đành phải ly biệt. Họ từng đợi chờ bao nhiêu năm mà không thấy ló dạng hòa bình; có một thời ngưng chiến rồi cũng trôi qua mau:

 

… Một mai về lại Tam Biên đó

Sương mỏng như là chiếc lá bay

Vợ con trong đáy hồn xưa cũ

Nhẹ ngủ êm đềm… nhưng rất say.

(Trích bài “Một Mai Về Lại Tam Biên Đó”)

 

Ta pháo miền cao theo biệt động

Ngậm ngùi thấy lại Dakto xưa

Đâu “căn cứ sáu” mưa trên xác

“Căn cứ năm” tràn bóng ma đưa

Ta kể nhau nghe đời chiến trận

Thằng Nam mất tích ở Nam Lào

Y Uyên bỏ cuộc vài năm trước

Thằng Sự khinh đời cũng chết mau

Thôi nhé Viêm ơi tàu đã đến

Ta lên Tân Cảnh ghé Kontum.

(Trích bài “Đêm Gặp Nguyễn Lăn Viêm Ở Phi Trường Cù Hanh”)

 

Chiến chinh đời tiếp diễn

Ta còn kiếp dọc ngang

Hẹn ngày mai nắng ấm

Ta xuống phố An khê

Bên tách cà phê nóng

Quên dọc đường hiểm nguy.

(Trích bài “Tháng Chín Về Mang Yang”)

 

Vùng chiến sự Tam Biên không chỉ giới hạn ở các miền đất quanh Pleiku - Kontum- Buôn Mê Thuột, mà việc quân còn trách nhiệm liên đới xuống duyên hải tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Định. Cho nên thơ Lâm Hảo Dũng cũng đậm nhạt dấu vết vùng miền có những tháp Chàm xưa cổ. Những tháp này không đồ sộ như ở Quảng Nam, Nha Trang hay Phan Rang, nhưng cũng đủ gợi hứng cho Lâm hảo Dũng có những bài thơ về phế tích cổ tháp và thiếu nữ Chàm. Lâm Hảo Dũng nhắc nhở cuộc chinh chiến Việt Chiêm xưa, và qua đó mong ước hòa bình cho mọi cuộc chiến tranh. Nhà thơ Lâm Hảo Dũng cảm hứng liên hệ đến những cổ tháp hơi xa xôi đối với vùng Tam Biên, như quần thể tháp Chàm ở Mỹ Sơn gần Đà Nẳng; hoặc thành Đồ Bàn gần Quy Nhơn; trong khi ngay ở Tam Biên cũng có tháp Chàm gần Cheo Reo bên sông Ba thuộc địa phận tỉnh Pleiku (tên mới ngày nay là tỉnh Gia Lai). Vùng Tam Biên ngày xưa cũng là đất đai của nước Chiêm Thành, nên cổ tháp rải rác nơi đây không phải hiếm hoi. Nghĩ về nước Chàm, liền nghĩ đến ước mong dứt chiến tranh, một liên tưởng có vẻ không tương hợp với tính chất của hai cuộc chiến. Sống yên vui và có được tình yêu trai gái, đó là ước nguyện muôn thuở. Những ước mơ gần gũi tuổi trẻ thời chinh chiến có như vậy mà thôi; chưa đặt tới ước nguyện nhân bản cho con người nói chung (nhưng đôi khi cũng thấy tác giả liên hệ đến tính nhân bản bao hàm tới toàn thể nhân loại). Bên cạnh lý tưởng hòa bình qua nhắc nhở Chiêm Thành, còn có những lãng mạn như được cùng em Chiêm-nữ tắm nước sông đầy; muốn nhìn vào đôi mắt sâu của thiéu nữ Chàm mà trực cảm nỗi sầu siêu hình có tính chất tôn giáo nào đó (chắc không phải là nỗi sầu mất nước như ta từng nghe niềm ai oán này qua bài hát “Hận Đồ Bàn” của nhạc sĩ Xuân Tiên; hoặc qua tập thơ “Điêu Tàn” của nhà thơ Chế Lan Viên):

 

… Và nếu được cho ta về Lâm ấp

Thuở huy hoàng thành quách rợp cờ bay

Để những đêm khi sao trời tắt rụng

Ta cùng em đùa tắm nước sông đầy.

(Trích bài “Dưới Tháp Chiêm Gầy”)

 

Khi bỏ đèo Nhông về với núi

Ta làm mây ở cuối trời xa

Ngắm đôi hàng tháp Chiêm gầy guộc

Thương mắt em buồn chuốc rượu ta

… Ta muốn bỏ thành lên ở núi

Sống hoang vu như cỏ cây sầu

Bởi bao tham vọng trên trần thế

Sẽ úa tàn khi bạc mái đầu                                                                                  

Chiến sĩ không nên buồn rã rượi

Cười ngông nghênh nhé, súng cầm tay

Muốn như muông thú xin đành hẹn

Một tối mơ màng cốc rượu cay.

(Trích bài “Cảm Khái Khi Về Núi”)

 

... Ai biết sầu chôn những gái Hời

Bên kia Trà Kiệu nắng phai rồi

Xa trong bóng núi mờ sương bạc

Ánh lửa mơ hồ ma diễu chơi…

 (Trích bài “Một Tối Tôi Về Ngang Mỹ Sơn”)

 

Căn cứ về số lượng những bài thơ sáng tác của Lâm Hảo Dũng, ta thấy gần như có sự đồng đều giữa ba đề tài; và cả ba đều đậm nhạt xen vào thơ tình: đề tài hoài hương miền đồng bằng sông Cửu Long; đề tài đời sống khi định cư ở xứ người; đề tài một thời chiến vùng Tam Biên. Riêng đề tài thứ ba: Thơ thời chiến ở Tam Biên không là thơ hiện thực chiến tranh vùng ác liệt thuở trước; và thơ tình điểm xuyết cũng là thứ tình mơ hồ với Chiêm nữ. Qua kỷ niệm một thời biên trấn và qua nhắc nhở Chiêm Thành, tác giả có những ý tưởng lai vãng về hoà bình, mong chấm dứt chiến tranh; điểm xuyết vài nét lãng mạn tình yêu và cũng có đôi chút khinh bạc của người từng thấy những rủi may ngoài chiến trận./

 

(Trích Tạp chí “Thư Quán Bản Thảo” số 45, tháng 1 năm 2011. Bản gửi từ tác giả)

Đọc thêm:

http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tacpham.asp?TPID=14743&LOAIID=35&TGID=2259

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2462
Ngày đăng: 23.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi Mê Tín Được Gắn Dấu Quốc Gia - Lại Nguyên Ân
Nietzsche Và Nhóm George - Hamvas Béla
Thơ – Cách Tân Và Cách Tâm. - Hoàng Hưng
Thơ Đẹp Là Một Vận Chuyển Toàn Bộ - Trần Văn Nam
Những Va Chạm Hai Mặt – Xét Từ Cảm Thức Thơ Hậu Hiện Đại - Hoàng Thụy Anh
Những Truyện Ngắn Việt Nam Làm Liên Tưởng Đến Điện Ảnh - Trần Văn Nam
Về Bản Sắc Dân Tộc Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Từ Thế Mộng, Thơ đời thường - Đặng Tiến
Sartre Và Văn Học. 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sartre Và Văn Học. 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)