Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.341
 
Nhân vật tiểu thuyết Thanh Tâm Tuyền
Nguyễn Vy Khanh

Nhân vật tiểu thuyết Thanh Tâm Tuyền

 

Thanh Tâm Tuyền (sanh năm 1936, mất 22-3-2006), một trong những khuôn mặt văn nghệ trội bật của miền Nam thời kỳ 1954-1975, bắt đầu văn nghiệp với thi ca, tiếp nối với tiểu thuyết và trở lại với thơ trước khi ngưng viết. Về thơ, hai tập Tôi Không Còn Cô Độc (1956) và Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy (1964) như là những tuyên ngôn cho thơ Tự do chúng tôi đã dành ở một chương khác. Về văn xuôi, các tác phẩm tiêu biểu của ông là Bếp Lửa (1957) và Khuôn Mặt (1964), Dọc Đường (1966) - hai tập sau là những tập truyện ngắn. Ngoài ra ông đã xuất bản các tập tiểu thuyết khác, Cát Lầy (1967), Mù Khơi (1970), Tiếng Động (1970), Một Chủ Nhật Khác (1975),... một tập Tạp Ghi (1970) gồm những bài viết trên nhật báo Tiền Tuyến ký Ba-Tê, một tập kịch Ba Chị Em (1967), và một tập thơ sau khi ông sang Hoa Kỳ định cư theo diện HO, Thơ ở Đâu Xa (1990).

 

Bếp Lửa

 

Cái phi lý đã bắt đầu. Thanh, thanh nữ quên tuổi trẻ của mình, "dám sống cái thân phận một người con gái không được che chở" để làm nuôi em ăn học. "Những người sinh ra để đi một mình suốt đời không có một sự gì ràng buộc, thật là bất hạnh". Thanh có giọng ca truyền cảm và thích hát bài "Trở về mái nhà xưa", như cố tìm một ràng buộc để có nơi chốn trở về, một trở về như một hạnh phúc, vì nếu không, sẽ là bất hạnh cuộc đời. Qua Thanh, một nhân vật khác, Tâm, anh họ xa của Thanh di cư vào Nam, sau thời dạy học trường dòng ở Bắc Ninh và sống như "con sâu" giữa một Hà Nội chiến tranh, cuối cùng phải di cư vô Nam xa quê nhà, xa mái nhà, sẽ diễn tả sự đi-tìm-hạnh phúc của anh. Tâm viết bưu thiếp về Bắc cho Thanh: "Chúng ta phải tự tạo lấy sự ràng buộc nhau để cùng nhau bám chặt lấy quê hương nếu không chúng ta sẽ mất trong sự quên lãng. Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng". Hai tình yêu làm một! Tình yêu của những người "sinh ra để đi một mình suốt đời (...) không một sự gì ràng buộc ta, thật là bất hạnh" (tr. 88).

 

Nhưng cũng người thanh niên ấy, ngủ đêm với Hạnh ở khách sạn sau khi tình cờ gặp lại người con gái ngày xưa chàng từng theo chọc, nắm tay để tìm lại hơi ấm khi chàng đang bơ vơ ngày sinh nhật Chúa. Chàng nghĩ chiến tranh hay "sự khủng bố tinh thần đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương" (tr. 70). 

 

"Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô..." vì họ đã "tìm thấy cuộc hiện sinh tự do và lựa chọn" với triết gia thời thượng J-P. Sartre. Và ông đã lựa chọn làm nhà văn vì "mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót" khơi từ "Cái chết lựa chọn không bao giờ phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót" (Bếp Lửa, Tựa, tr.  VII).

 

Những thanh niên đứng trước những đổi thay quá lớn. "Cái chua xót là tất cả chúng ta đều thành thật, thành thật đến cái độ có thể chết" (tr. 40). Họ phải co những lựa chọn, Thanh Tâm Tuyền cũng đã chọn thái độ làm con người tự do, theo cộng sản với ông "là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình" (tr. 53). Họ phê phán bạn mình là "lãng mạn" và chối bỏ Thượng đế. "Theo tôi có những lúc người ta cần giải quyết giữa người với người và Thượng đế không nên có mặt ở lúc ấy. (tr. 64). Khổ nhục làm người ở khắp nơi "Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não" (tr. 65).

 

Bếp lử như tụ điểm hạnh phúc mãi tìm và mái nhà xưa vẫn là ám ảnh khôn nguôi. Thanh hát lại bài "Trở về mái nhà xưa". "Hàng phố bé lại trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát. Khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga, tôi còn nghe tiếng hát ấy ở trên tai tôi. Trở về mái nhà.

Xưa,

Còn lại hai người đàn ông đi chân về ngoại ô" (tr. 76).

 

Khuôn Mặt

 

Con người thao thức và tình yêu bị ám ảnh bởi những suy tư, dằn vặt, đi đôi với những thèm khát kiếm tìm khôn nguôi. Tình yêu bắt đầu từ những ngày Hà Nội. Thanh yêu một người con trai và đã nghe lời người yêu di cư vào Nam trước, nhưng đã năm năm Thanh vẫn chưa gặp lại chàng. Chàng "biệt tích", "mất tích" và "vắng mặt", còn nàng thì sợ một ngày nào đó trí tưởng tượng của nàng sẽ không còn có thể hình dung nổi bóng dáng chàng. Thanh sống giữa hiện tại và quá khứ, nàng sống trong đợi chờ, tiếp tục lữ hành, kể cả đêm nay, cái đêm định mệnh, trong xóm vắng đến nhà bạn tự nhủ nếu bạn có nhà tức chàng đã thuận để nàng làm lại cuộc đời. Nhưng cửa nhà cô bạn khóa trái và một thanh niên lạ theo đuổi nàng, mời nàng về nhà. Để tránh âu yếm vội vàng của hắn, nàng nhoài mạnh người và té xuống nước chết đuối. Tình yêu khó khăn, bị xâu xé bởi nhiều mặc cảm, bị chi phối bởi nhiều vấn đề trong cuộc sống, một cuộc sống xáo trộn không lối thoát của một đất nước bị chiến tranh, xáo trộn:"Anh yêu em anh chỉ làm khổ em. Anh biết thế mà không làm sao được. Vì giữa chúng ta còn một khoảng cách biệt anh không vượt nổi, đó là những người chết, họ xen vào giữa tình yêu của anh với em. Em hiểu anh nói gì không?" (tr. 103).

 

Ám ảnh dằn vặt nhưng đầy đam mê. Đam mê như đọa đày. "Tôi mong chàng nghe thấy những nhịp run trong gân tay của tôi, tôi mong chàng nhận được cái linh hồn trọn vẹn của tôi trong ánh mắt" (tr. 112). Hơn thế nữa, con người ray rứt, khắc khoải nhưng tình yêu ở đây thiết tha và nhiệt tình, khôn nguôi, không gì bồi đắp, thỏa mãn. Cái không trọn vẹn và bi đát của câu chuyện, của nhân vật khiến người đọc bị lôi cuốn, bị động. Nội tâm tuổi trẻ : "Anh khuyên em phải can đảm. Làm thế nào mà can đảm mãi một mình nổi. Anh biết không rồi tới một ngày hình ảnh của anh em không còn giữ được trong trí tưởng em nữa, cuộc đời hằng ngày sẽ nghiến vụn nó ra làm cho nó tan biến mất. Như bây giờ muốn nhìn khuôn mặt anh, trí tưởng tượng của em đã bất lực. Năm năm qua rồi. Anh chỉ hiện lên đôi lúc rõ ràng trong giấc mộng mà thôi, khi tỉnh dậy thì đầu óc em trống trơn dù em có muốn ghi nhớ lại để có thể mở mắt trông thấy anh nhưng không thể nào được. Em muốn được gặp anh khi thức không phải khi mê, nhưng anh thấy không mỗi giây phút trôi qua làm mòn dần trí nhớ. Đã có lúc em phải vay mượn ở những khuôn mặt khác những nét hao để tưởng tượng tới anh, nhưng em biết em chỉ có được một khuôn mặt xa lạ không phải của anh" (tr. 108). Khuôn mặt chỉ thấy bằng tiềm thức, còn với ý thức và đời thực thì nhòa dần. Đưa đến cái chết người. Nàng nhìn người lạ theo đuổi nàng nơi ngoại ô "tim tôi thắt lại. Hắn có nét mặt hao hao giống chàng" (tr. 112). Quá khứ thành ảo tưởng! "Từ khi lớn lên, chưa bao giờ tôi được nghe một giọng nói mơn trớn đến thế. Lời nói của người con trai trói tôi vào tới cùng bản thể trong ấy dấu kín tuổi ấu thơ hằng cửu mà mọi sự vật đều hòa lên một giọng nói như vậy. Ngôn ngữ rất đầy, rất thực xô đẩy nhau rơi và lấp kín những trống không của tâm hồn như một lực lượng bất tận của vật thể..." (tr. 124). 

 

Như anh chàng Meursault trong L'Étranger của A. Camus, khuôn mặt hờ hững, hiện hữu có đó như không cần thiết, như không nhân tính, vì khuôn mặt đó như mang cả con người của thời đại máy móc. Khuôn mặt tiêu biểu của một thời đại. Hắn là ai? Khi mười tuổi theo mẹ bỏ nhà vào Nam đã "yêu" một người con gái lớn tuổi hơn, sinh viên Hà Nội về thăm nhà ở miền Trung, đi cùng chuyến xe lửa, "yêu" vì tiếng nàng hát khe khẽ như ru. Hắn theo mẹ trốn bỏ gia đình khắc nghiệt tha phương tìm sống. Máu mủ anh theo mẹ nhưng con người luân lý trong anh vẫn khinh mẹ anh đã không can đảm chịu đựng. "Anh là đứa con không muốn nhận cha mẹ. (...) Anh theo mẹ anh và anh khinh mẹ anh đã không đủ can đảm chịu đựng..." (tr. 142). Hai con người đó khuấy động khiến anh vong thân, làm gì thì cũng phần này của anh chống phần kia của anh. Hậu quả là anh sống trong nghi ngờ tất cả dù thành thật tới mấy, luân lý trở thành vô nghĩa với anh. "Anh thù hận luân lý, anh thù anh" (tr. 143). Anh sống qua cái nhìn bất thường và soi mói quá quắt về cuộc đời và tha nhân. Cho đến khi anh gặp Thanh, người đàn bà cũng lớn tuổi hơn anh, là cái ở ngoài cái luân lý luôn dằn vặt, anh tưởng thế! Nhưng cũng có thể vì khuôn mặt hắn "khả ố", khiến Thanh vùng vẫy để phải rơi xuống nước. Cả hai đều có một khuôn mặt quá khứ ám ảnh.

 

Khuôn mặt nàng mới đó đã có những "khoảng trống đáng sợ (...) tôi không chắp nổi những đường nét thành hình ảnh, sự quên lãng hãi hùng gậm nhấm cả linh hồn tôi" (tr. 135). Truyện Khuôn Mặt chấm dứt ở nhận định chỉ có thân tình của người với người mới giúp con người tìm lại được cái hạnh phúc đánh mất từ bước khởi hành, tìm lại cái thân tình của thế giới. Cái chết của người con gái xa lạ tên Thanh đã giúp "tôi" hiểu hạnh phúc đã có và đâu là mục đích của đời "tôi". Hóa ra cái vô nghĩa kia chỉ là ánh sáng nguyên thủy của cuộc đời, cái ông bà Adam-Eva đã có trước khi khôn ngoan cắn tái táo. Hành trình gian nan để đi đến cái nhận định nguyên sơ, đến tình cảnh, nhưng là một lữ hành xứng đáng, một thân phận! Và hóa ra chống đối cái đạo lý, luân thường của xã hội, con người Thanh Tâm Tuyền cũng tự chống lại mình, vì nguyên thủy, con người này đã bị cái đạo lý luân thường của xã hội xâm chiếm, khiến cái-tôi của họ không còn toàn vẹn. Câu kết truyện Khuôn Mặt : "Tôi sẽ không chịu nhận tội lỗi mà người ta xét thấy tôi có như tôi từng chấp nhận cái luân lý người ta đã nhồi vào sọ tôi thuở bé (...) Bây giờ thì anh thèm ngủ, ngủ và nằm mộng thấy em, trong căn nhà chúng ta. (...) anh ngủ, anh đang ngủ, anh chỉ khóc với em trong giấc ngủ mà thôi..." (tr. 144). Thời gian xáo trộn như những mảnh sống và ký ức!

 

Thanh Tâm Tuyền coi cuộc đời là một vô nghĩa toàn diện. Nhân vật của ông từng có những dứt khoát với quá khứ, từng có những quyết tâm làm lại cuộc đời, khiến cuộc đời có một ý-nghĩa-nên-có-và-phải-có. Bi kịch bắt đầu từ đó và hạnh phúc cũng ở đấy, Mọi người vẫn xác nhận, nhưng nhân vật của ông phải vượt qua cái xác tín đó, để cái hạnh phúc trở thành thật, xứng đáng hơn! Phải vượt qua cái mơ hồ của riềng mối, của một phong hóa, của những phạm trù trung trung, có thể chấp nhận! Sự vật có đó, xấu hay đẹp, tầm thường hay vĩ đại, vẫn do con người thường thường, những con người theo khuôn, chấp nhận. Gọi là cái mơ hồ vì Thanh Tâm Tuyền dự phóng, trừu tượng hóa cái phải-là, nên-là, cho ra thể thống con người hôm nay. Vì ông còn nghĩ, sự vật đó có giá trị tự tại, của nó; vậy tại sao mọi người chung chung cứ gọi nó là thế này, cứ gán cho nó một ý nghĩa có thể chủ quan!

 

Bếp Lửa và Khuôn Mặt đã là cuộc lữ hành của những kẻ tự vạch đường, tự thoát ra khỏi tầm thường và khuôn sáo của lâu nay. Cô đơn và trong trừu tượng của sâu thẳm con người. Nhưng cuối cùng rồi cái phi lý vẫn bủa vây: con người của ông dù ý hướng đầy, dù ước vọng dồi dào, vẫn lún sâu trong thực tại. Càng phủ nhận càng lún sâu. Nhân vật của ông sẽ để cho cuộc sống vô nghĩa hóa, họ sẽ buông xuôi, sống theo thói quen, hay tìm giấc ngũ và dễ để cho cái chết cám dỗ. Phi lý nhưng hữu lý. Sợ bị lịch sử vượt qua, họ lại đi đến sự buông xuôi. Có bị đè bởi thế giới nặng nề, bởi những trọng lực của cuộc sống, nhân vật của ông mới sống ý nghĩa cuộc đời theo ý họ, có thể là một K.O. đồng tình! Con người đối nhau xa lạ, thân thể, cảm giác gần sát mà vẫn không hiểu nhau. "Họ là những sinh vật mà đời sống bị dồn xuống thế hèn mọn là những khúc cây ngọ nguậy, sự hiện hữu của họ lén vào giữa chúng tôi như một luồng khí độc, mặc dầu họ không để ý đến chúng tôi, họ co rúm vào trong họ một cách thiểu não lạ thường" (Khuôn Mặt, tr. 106).

Khi sống, khi yêu, nhân vật của ông tỏ ra ... bất thường, xa lạ và kín như bưng với nhau. Nhưng hình như tình yêu đã có lúc là một nụ cười không được tiếp nhận liền, một dịu dàng không dễ cảm thấy. Như một bài hát xưa của Nghệ - "bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với mình những phút cô đơn..." (BSNBB, tr. 98). Tình yêu cô đơn vì tôi từ chối ý nghĩa đã có, từ chối cả ngôn ngữ, vì chính tôi đang chỉ đứng bên lề. Vì bên lề, bạn của các nhân vật chính của Thanh Tâm Tuyền cũng là những kẻ đứng ngoài hay đã bị xã hội bằng cách này hay cách khác, kết án. Những không-có-giá-trị gì! Những ả giang hồ về chiều, những người tự thua hoàn cảnh, đi làm công an cho Tây, như Quang trong Cuối Đường. Tình bạn không có nghĩa là có thể tâm sự với nhau, vì nhân vật chính của Thanh Tâm Tuyền không thích những tự-minh-oan, hãy để việc đó cho cuộc đời! Nhưng như vậy không có nghĩa họ đã trở thành vật vô tri. Ít ra là có vẻ. Nghệ thích Hội vì người con gái làng chơi ế ẩm đó xấu nhưng theo Nghệ "cái xấu làm cho người ta tầm thường, hèn mọn, và dễ yêu hơn". 

 

Truyện Đại Lộ có ba người đi trên nó. Chuyện những con người tự do, sống cho mình và tôn trọng thân phận và tự do của người. Họ sống trung thực và trọn vẹn cái hiện sinh của họ, đến không cả tố giác Châu hoạt động cho kẻ khác, Ngọc qua bên kia. Họ không muốn theo một khuôn mẫu luân lý và khuôn mẫu của đa số, của xã hội. Đến gần với thực tại có những thanh niên trong truyện Đại Lộ. Họ đứng trước những lựa chọn khó khăn của một Hà Nội thời tạm chiếm. Họ ít nói với nhau, có khi dùng thơ để "nói" với nhau. Họ có những "yên lặng lạ lùng", hoặc những hối hận vì "câu nói vô nghĩa" ít oi. Tế nhị và kiểu cách quá đáng không, dù tiếng nói có thể làm xa thực tại, con người có thể sống thật trong yên lặng và thơ là một cố gắng để trở về với cái yên lặng nguyên ủy của vạn vật. Viên gạch với giòng số "1934" ghi trên là cái có thực. Tâm chỉ nói một câu:"Viên gạch của bờ hè đại lộ này hôm nay được 18 tuổi khi chúng tôi đi qua", ít nói vì anh là thi sĩ, Châu yên lặng vì nàng bắt đầu yêu Tâm. Và hai năm sau họ gặp lại nhau trước khi xa nhau lần này không biết bao lâu vì một người ở lại một di cư vào Nam. Cái thế giới Đại lộ có vẻ lỗi thời đó không ngờ là một loại thiên đường cuối cùng, nơi đó ý tưởng không làm con người quên con người thực của nhau, dù làm cách mạng hay làm thơ. Hai năm sau gặp lại nhau, câu nói trên Tâm sẽ lập lại, cộng thêm hai vì chàng biết Châu đã yêu chàng khi viên gạch còn 18 tuổi.

 

Trong Isabelle, Lưu cứ đứng ngoài đời sống, muốn tìm ra cho mình lối sống trước khi chịu sống: "Chúng ta không sống, chúng ta chỉ luôn luôn tự hỏi phải sống như thế nào? Phải sống như thế nào là chẳng sống gì cả" (tr. 40). Isabelle trở thành hình bóng văn chương "đẹp và không có", ấp ủ Isabelle thì hắn không sống, bịa thêm cuộc đời khác với văn chương tức từ chối cuộc đời mình. Anh khắc khoải với giấc mộng hoàn thành tác phẩm lớn nhưng mộng không thành và anh bị Yến, người yêu, người đàn bà tự coi có lý tưởng, xem anh như văn sĩ xẩy non, bất lực. Bỏ Yến vào Nam, anh gặp Quỳnh Dao, nhưng vẫn bị ám ảnh Isabelle, cuối cùng anh muốn trở về với cuộc sống bình thường có thực với ý định cưới Ba, một sinh vật sống giữa cuộc đời và không có vấn đề.

Một người khác chối từ cuộc sống : ông già xưng Tôi trong Mùa Hè đốt thuốc phiện để nuôi giữ chút lửa sống èo uột, đời héo dần vì tự nhốt mình trong một quan niệm tình yêu tuyệt đối. Ông "hủy diệt tình cảm trong lửa dục, ngọn lửa ấy rực rỡ thiêu đốt hết sự thân ái có người muốn mang tới, nó chói chang thành một nỗi cô đơn nóng nảy" (tr. 53). Tuổi trẻ ông chỉ tìm kiếm do đó ông đã quên sống và đồng thời đánh mất tuổi trẻ. Đến năm năm mươi tuổi mới tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu vụng trộn với một thiếu phụ đã có gia đình. "Tôi (...) một tâm hồn mệt mỏi, một thể xác nghiện ngập yếu đuối. Chính tôi cũng không ngờ hạnh phúc lại đến trong một tình trạng như thế, nỗi hạnh phúc đột ngột tràn đến trong chúng tôi bằng những thôi thúc vô biên, những lượn sóng vồ vập như giữa biển khơi không thấy bến bờ, một thứ tiếng nói âm thầm chôn dấu ở dưới tầng đáy nào của cơ thể. (...). Ra khỏi thân nàng, tôi bàng hoàng kinh ngạc, không biết có phải chính tôi đã vừa đặt chân vào một miền đất lạ hoang vu, không biết có phải chính tôi vừa nhóm lên được ngọn lửa nồng nàn giữa khu rừng già mịt mùng khô khan (...) Có thể nào điều tìm kiếm những năm hai mươi tuổi lại đến vào tuổi già lão chăng?" (tr. 53-54), "...một ngọn lửa nhỏ lùa hơi ấm trong cái con người đã kiệt quệ (tr. 62) "Ngọn lửa ấy đủ ấm cho quãng đời còn sót và ngọn lửa ấy chỉ tắt khi tôi chết" (tr. 56). Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy sẽ thoát khỏi vòng tay gầy ốm và nghiện ngập của ông khi người chồng đem vợ con đi làm ăn xa.

 

Trong Cuối Đường, một Hà Nội bị Tây chiếm đóng, Quang, kẻ tự thua hoàn cảnh, đi làm công an cho "kẻ thù", bị cộng sản bắt, khi trốn về được thì chỉ còn là một bộ xương trần truồng. "Tôi" nằm vạ, lăn trên cỏ trong nắng, đợi đưa đám Quang, tôi căm thù đời, và sẵn sàng sống đến cuối đường đời, đến tận cùng, đến chết!

 

Trong Buổi Sáng Ngoài Bãi Biển, Nghệ từ chối viết văn vì văn chương quá tham vọng "muốn chụp lên đời sống để sửa đổi nó" (tr. 90). Anh ghét lây nữ văn sĩ hắn cho là họ "lên mặt đạo đức dạy đời" (tr. 93). Cũng theo Nghệ, tìm kiếm và chạy theo lý tưởng dù là văn chương, đều là không sống. Đành vui với những hạnh phúc bất ngờ, anh đi ngủ với một gái nhảy mặt rỗ ôm mộng thành ca sĩ. Phải chăng vì tình yêu mà anh ta đã giữ người vũ nữ ở lại căn phòng khách sạn thêm mấy ngày?

 

Tất cả đối với Thanh Tâm Tuyền đều vô nghĩa! Ông dùng văn chương qua Khuôn Mặt để kêu gọi mọi người trở về với cái vô nghĩa. Muốn vậy phải ý thức rằng cái thực không là cái đã được trừu tượng hóa, cái đã được lý tưởng hóa, đã có cái lý nhập vào. Khó là những cái đó đã trở thành những lý tưởng để con người sống theo, chạy theo mà không biết rằng tất cả đã thành những mãnh lực của cái chết và mọi người đều bắt bóng không ngừng nghĩ. Những nạn nhân của trừu tượng và mọi chủ nghĩa ý thức. Vô nghĩa vì nếu cứ theo luân lý chung và kinh điển, thì làm sao cắt nghĩa được chuyện Yến làm cách mạng đến khô héo thân thể,  Isabelle xấu đi vì sứ mạng nhà văn và trong Khuôn Mặt đã ly gián những kẻ yêu nhau. Thanh vì muốn trung thành với một người biệt tích, đã tiêu hủy tuổi trẻ của mình và chạy trốn hạnh phúc trong cái chết, một cách phi lý - có thể hợp lý, một cách vật lý! Cũng trong truyện này một người con trai, nhân vật xưng tôi, bị đạo lý xã hội xâm đoạt tâm hồn, khiến anh không bao giờ dám hài lòng về mình. Ông già trong Mùa Hè đời héo dần vì tự nhốt mình trong một quan niệm tình yêu lạ đời, ám ảnh bởi kinh nghiệm hụt hẫng phi lý của lần lập gia đình năm hai mươi tuổi.

 

Người đàn bà văn sĩ trong Isabelle đóng kịch vai văn sĩ. Mới viết vài cuốn sách, được tâng bốc, được gán cho một cái nhãn, thế là bà tưởng bà đã là văn sĩ thật và lớn, bà ăn uống đi đứng như văn sĩ. Nhưng bà đang sống trong ảo tưởng, đang có sứ mạng và làm việc đó một cách lương thiện, bà nghĩ thế! Bà đẹp cái đẹp no và tốt lành, và lương thiện. Nhưng bên cạnh đó là một nhà văn xấu, mặt đầy những "nét gầy và góc nhọn", xương xẩu, khô xác ra vì "sứ mệnh" làm văn! Hóa ra bà phản bội những ước muốn có thể của xã hội mà cả của bà. Làm văn là trừu tượng hóa, là ra lời. "... Muốn làm đàn bà hiền hãy sống hiền thục, đừng viết hiền thục, giả dối" (tr. 86). Cũng như Yến, người nữ cách mạng, ngực lép và cũng xương xẩu như bà nữ văn sĩ. Viết văn hay làm cách mạng đều là tiểu thuyết hóa cuộc đời, đều từ chối sống cho thực tại vì cả hai đều có ảo tưởng, làm đẹp cho đời hay cứu rỗi người. Bên cạnh thế giới đó, Lưu trở về sống cuộc sống cụ thể bên con kinh, muốn trở nên một người tuyệt đối không có lý, anh đã bỏ cách mạng, bỏ làm ăn và văn nghệ để trở về với một "cô Ba hiền khô", với con chó già, với khoảng đất sũng nước, v.v. - tức yên lặng và vô nghĩa, nhưng đều có thực, như là những chờ đợi đích thực.

 

Cuộc đời đơn giản và tự nhiên hơn! Đó là con chó già nằm phục bên cối đá, là tiếng hát người con gái giang hồ giữa khuya, v.v. Muốn sống thực, con người chỉ việc buông thả mình theo trọng lực của vật chất của thân xác. Đẹp là hình ảnh một Lưu bỏ thế giới giả tạo để trở về nơi con kinh, là ông giáo già độc thân quên lý tưởng và lý thuyết trong tay một người đàn bà lơ đãng. Hay như Thanh khi tỉnh dậy trong nhà thương, lần theo tay người yêu mà tìm lại mình, tìm lại thân thể thật của mình, "tôi sung sướng cử động mấy ngón chân" (tr. 127). Như Quang chấp nhận đi làm công an để giúp đở gia đình.

 

Những hạnh phúc và hình ảnh đẹp đó rất mờ nhạt và hiếm hoi trong Khuôn Mặt: Thanh sẽ chết, ông giáo già không thêm một lần may khác, Lưu thật ra chỉ là kẻ chiến bại sống tạm bợ những ngày cuối cùng của mình. Họ như tìm ra chân lý quá trễ tràng. Trễ, nhưng có thật và chứng minh thêm rằng hạnh phúc là điều có thể. Ông giáo trong Mùa Hè nói với người yêu: "hạnh phúc sẽ tới, hạnh phúc ấy có thật, không phải viễn vông như anh đã tưởng. hạnh phúc thế nào cũng gặp..." (tr. 54). Những hạnh phúc "tình cờ" của hôm nay, như những cách thế hiện hữu! Người quân nhân trong Buổi Sáng Ngoài Bãi Biển quan niệm "những anh chàng yếu đuối mới cần ái tình làm chổ trốn thân phận", do đó anh thụ hưởng cái tình chợt đến với cô vũ nữ, thích thì giữ cô ả thêm vài ngày. Hạnh phúc nếu có, anh đã có phần đóng góp!

 

Đó cũng là cái bi đát của cuộc đời hữu hạn! Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền tự tra vấn, dám  nhìn thẳng và nói thẳng với đồng loại như Quang với Lưu trong Isabelle : "Tôi nghĩ cái tội của mình đối với chính mình là chúng ta đã dùng đời chúng ta để tạo thành tiểu thuyết trong khi sống. Chúng ta muốn đời chúng ta phải là một câu chuyện có thể kể được mà chính ta là nhân vật chính. Bởi thế chúng ta không sống, chúng ta chỉ luôn luôn tự hỏi phải sống như thế nào? Phải sống như thế nào là chẳng sống gì cả" (tr. 39-40). Thảm kịch làm nhân vật hay làm người thực hữu, cũng như lý luận về con người và làm người! Cái chính cuối cùng rồi là chính sự có mặt, là sự lên tiếng, thay vì chỉ là những lý luận siêu hình suông, những định nghĩa phi lý cuối đường lý luận!

 

Cái luân lý làm khổ nhân vật tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền chính là ý thức hệ cộng sản, đã chối bỏ vì di cư vô Nam, nhưng cái luân lý đó đã xâm chiếm con người. Ý thức hệ đó đã đến làm rối loạn những người thanh niên như hắn trong Khuôn Mặt. Họ bị tố cáo là có tội, là không lương thiện, là khả nghi, không vô tội. Và họ trở thành tất cả vô nghĩa, vì lương thiện căn bản đã mất, con quỷ đã hiện ra nơi cửa thiên đàng chỉ cho họ thấy sự thật trơ trẽn của họ. Để thoát ra khỏi vòng vây ý thức hệ đó, họ đành phải tố giác bóng tối và gian xảo. Thế giới bây giờ hiện ra như dở dang, cần hoàn thiện và con người trở về với một thức tỉnh nguyên ủy lên án tất cả mọi ý thức hệ làm vong thân hóa con người, mọi sức mạnh đã cáo buộc con người vô cớ! Như Thanh trong Khuôn Mặt. Như người con trai nhỏ tuổi hơn nàng thô bạo góp phần đưa đến cái chết cho nàng. Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền ngừng ở đó, ở ý chí và sự tố cáo, vì phần lớn họ chấp nhận cuộc đời sau một hành trình gian nan và có khi cô đơn. Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền gần với nhân vật của Nguyễn Đình Toàn, ý thức chín, tự tin, nhưng ưng thuận chứ không nỗi loạn bi quẩn như nhân vật Dương Nghiễm Mậu. Dĩ nhiên sau một hành trình ý thức gai góc, đi tìm để trả lại ý nghĩa nguyên thủy bất động cho sự vật. Nhân vật của Thanh Tâm Tuyền tự đảm nhận cái hiện sinh của mình: "Tôi" trong Cuối Đường đã mắng nhiếc Tuấn bất nhân khi bỏ mặc gia đình túng thiếu để chạy theo những cao vọng lý tưởng cho mai sau.

 

Dọc Đường

 

Một buổi chiều cuộc chiến, nơi một vùng đất đỏ vườn cao su. Có những người dân sống hiền lành thanh thản và một người thanh niên từ xa đến nói là để tìm người thân. Đêm đã ập xuống, tiếng trực thăng đến gần, thả đạn, và hắn vẫn chưa xin được chỗ trú. Dọc Đường là những cảnh cuộc đời nhỏ, ô trọc, những mảnh đời thường nhưng đầy hoài nghi và bất trắc, và một cuộc kiếm tìm gần như phi lý, từ xa đến, không biết thuộc phe nào, mưu đồ gì, người thân hình như ở đó và không một chuẩn bị cho đêm. Một kẻ lữ hành đúng nghĩa, một gói bọc giấy dầu làm hành trang vô vọng, lỡ độ đường, bị chối từ. Bơ vơ dọc đường, nhìn vào những mái nhà ánh đền có leo lét nhưng chắc ấm cúng hơn, "người" hơn. Hắn có thể là bất cứ người nào, bơ vơ, lạc lõng trước và trong cuộc chiến. Cuộc chiến tranh khiến con người dù vốn chân chất nhất cũng mất hết tâm hồn, lòng thương người.

 

Con đường thẳng, không điểm tận, bao kẻ lữ hành vẫn chưa đi được hết. Hoặc bất cứ đâu cứ nghĩ chân là điểm đến. Hãy tưởng tượng những con đường như thế trên mặt đất, với những kẻ lữ hành hay lang thang, hành hương hoặc cố lết trên đó. Và những hội ngộ bất ngờ, những tai nạn và rủi ro, như những con số. Nơi hội tụ là một quán nhỏ bên đường, thường được xem là nơi nghĩ chân, trú ẩn, nhưng khi màn đêm buông xuống thì quán "phải" trở lại vắng lặng, không thể chứa tạm cả kẻ lỡ độ đường. Nơi đó có ba gã đàn ông đánh cá nhau về những chiếc xe trên quốc lộ, họ làm chứng nhân cho những cuộc lữ hành, những người đi làm lịch sử, có thể chính họ làm lịch sử - nhưng với những con số và may rủi. Nhưng người đàn ông không tên ấy biết đến đó làm gì, để gặp thằng em, người thân, tình thân gia đình, cứ xem như là cứu cánh cuộc đi, nhưng gặp thằng em để làm gì thì hình như không ai biết, mà biết để làm gì. Đấy là nội dung truyện ngắn dùng làm tựa tập truyện, cũng là truyện tiêu biểu về bút pháp và nội dung - từng chi tiết và đối thoại đều có ý nghĩa đúng chổ của chúng.

 

Những truyện còn lại là những mảnh rời về con người và cuộc sống. Tư là chuyện cô gái làng chơi trẻ, không đẹp nhưng có lúc biết buồn và biết yêu, bất chợt (Tư thấy yêu đương bồng bột, tr. 20) một chàng tên Phương, rời cô nhưng bỏ lại cái ví, vật trở thành kỷ niệm cho Tư ("... từ bây giờ Tư đã có kỷ niệm. Tư đã có dĩ vãng để mỗi lần muốn nhớ, Tư có thể gợi ra được" tr 25). Người Gác Cổng thì thua bạc, rình xem một cặp trẻ tình tự, cho họ thuê phòng và nửa đêm lão Chà nỗi cơn tán tỉnh cô gái, và bị gã tình nhân dùng thanh sắt đập ngất đi. Trên Mây kể chuyện giới vũ nữ và một phi công tên Hội và Chim Cú là chuyện một cô gái tên Huệ trong một xóm lao động.

 

Tiếng Động (1970) được tác giả ghi là truyện tình chỉ gồm hai chương. Truyện mang hình thức trích đoạn của một tập nhật ký và vài lá thư tình lãng mạn. Nhân vật rất thu gọn, chỉ có một nhân vật xưng Tôi và một vài bóng dáng gặp gỡ trong cuộc sống cùng mẹ con hàng xóm nhìn qua khe vách. Một loại Cuồng nhân nhật ký của Lỗ Tấn hay Gogol. Hiện đại hơn dĩ nhiên với quan niệm khắc kỷ kiêu căng (narcissism) kiểu  ??? "Tôi mắc chứng tật nguy hiểm" (tr. 58). Một con người cuồng, tự thỏa mãn về nếp sống vật chất cũng như tình dục, chỉ hài lòng với những khuôn mặt đã quen và với những tiếng động than thuộc khu xóm. "... Anh bỗng nghĩ đến nếu một buổI nào anh giật mình thức giấc và quanh anh lặng lờ tuyệt tích mọI tiếng động, anh sẽ kinh hãi đến chừng nào. (...) Anh hiểu đời sống chính nằm trong sự khua động mỗI ngày, khua động không ngừng nghĩ cùng với người và vật ở quanh mình" (tr. 132-133). Người sống trong vỏ ốc thường ham triết lý suy tư! Ngoài thế giới của hắn, hắn không cần ai khác, hắn "mất tích" đối với mọI người và mọi người cũng "mất tích" đối với hắn!

 

Cát Lầy (1967) là đời sống và triết lý sống của một số thanh niên năng nổ lý luận muốn và phải làm cái gì có ý nghĩa cho cá nhân và tập thể, nhưng sống vào thời đảo chánh như cơm bữa ở miền Nam, họ đã đi từ thất vọng đến tuyệt vọng, cuối cùng là những cái tự chết phi lý như của Diệp, của Trí, nhân vật xưng Tôi, như những tình cờ dưng không xảy ra!

 

Một Chủ-Nhật Khác (1975) có thể xem là tiểu thuyết cuối cùng của Thanh Tâm Tuyền đã được xuất bản. Nhân vật trí thức hoặc du học ở Pháp về, nhập ngũ sống đời chiến tranh. Kiệt sống bất thường, ngoại tình như điều nên làm, có lúc tự nhận sa sút tinh thần (tr. 17), sau rõ ra bị tâm thần, phải vào dưỡng trí viện. Nhân vật nữ tên Ly thì bị bênh ám ảnh (schizophrénie), có những cơn hôn ám mê cuồng, nhưng sống buông thả khi khác! Những Kiệt, Thùy, Duy, Nghiêm, Ly, Hiền, Oanh, ..  những con người Việt Nam sống trong âm nhạc cổ điển Tây phương và phim ảnh Âu Mỹ! Và họ đã gặp nhau vào một ngày chủ nhật có thể có thật, khoảng sau những trận chiến khốc liệt của mùa Hè 1972! Kiệt là người đã nghĩ rằng "con người ta cũng chỉ là loài thú quen sống bầy. Chàng rời chốn ẩn núp lẻ loi đi tìm đồng loại để được che chở an toàn.." (tr. 22), nhưng chính chàng lúc bệnh điên trở nặng đi lang thang trong rừng để bị đồng ngũ bắn chết, một cái chết nhiều câu hỏi nhưng không trả lời!

 

Ba Chị Em gồm 3 vở kịch, hai vở kia là Bão Rớt và Cửa Đêm. Thu, Nguyệt và Hương, ba chị em mà như ba kẻ lạ với nhau, trong tương quan với người mẹ. Liên hệ và tình cảm mỗi người con là một thế giới riêng, nhiều khúc mắc. Hương thương tất cả người thân nhưng "chưa bao giờ con giám thương con cả. (...) Tôi không giám thương tôi, không giám nghĩ đến tôi và tôi đau khổ. (...) Tôi không được quyền sống với chính tôi, người ta nghĩ về tôi thế nào thì tôi phải sống như như thế sao? " (tr. 12). Hương, "đứa con gái hiền lành ngoan ngoãn luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của kẻ khác đã ngoại tình. Vì tôi muốn người ta không thể bắt tôi sống theo ý nghĩ cố định của người ta, dù phải giá đắt, cái chết, tôi vẫn làm" (tr. 13). Thu xưng tôi với mẹ và khinh thường mẹ đã không là người đàn bà chung tình. "Tôi là con mẹ, tôi thương mẹ nhưng nhất định phải khác mẹ. Tình yêu bất lực gây ra thù hằn và trong thâm tâm càng thương nhau đau đớn" (tr. 15). "Người đàn bà phải chung thủy với một người. Tôi đã chọn làm người để chung thủy, lỗi ở tôi, tôi gánh chịu nhưng tôi không phản bội chân lý tôi tìm thấy" (tr. 16). Nguyệt bỏ nhà ra đi khi 18 tuổi và trở về với tên Cẩm Vân. Nhưng cả đều rơi vào tay một tên đàn ông mà không biết, chồng Thu, người chị cả, tình nhân của Hương cô gái út và là người đã quỳ xuống chân Nguyệt "... nếu không yêu anh thì em hãy giết anh để anh được chết trong tay em" mà nàng vẫn xem như "một bải đờm" (tr. 20). Doãn Quốc Sỹ, Trần Lê Nguyễn, Thanh Tâm Tuyền, là thời của những lý tưởng chính trị, nhắm hành động, dấn thân. Họ đóng vai chính trong vở kịch, diễn lại phần nào đời họ qua văn chương, phần tinh yếu nhất, chôn kín nhất. Vở kịch Ba Chị Em của Thanh Tâm Tuyền cũng là bi đát của thế hệ ông, những nghịch cảnh ở buổi giao thời kháng chiến, đi ở, bắc nam, vùng kháng chiến vùng tề,.. Ba Chị Em kịch độc thoại hay kịch về con người thời đại cô đơn mất niềm tin nơi tha nhân, kể cả người thân và người yêu, mất cả tự tin. Nhân vật như quen thuộc nhau, nhưng vẫn đóng kịch, đối thoại của họ như căn cứ trên cái gì đó như có đó. Người vắng mặt ... Không ngạc nhiên trước những tiết lộ tưởng là bất ngờ!

 

*

Thanh Tâm Tuyền khởi đầu sự nghiệp viết văn khi ông di cư vào Nam. Một thanh niên nơi vùng đất mới, xa quê hương và người thân, bạn bè. Mất hết. Những nan đề tại sao và tại sao. Bị cú bất ngờ, phải lựa chọn sự sống còn. Ở bước khởi hành, họ đã bị cáo. Như lời ông viết trong Tựa tập Bếp Lửa: "Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô..." vì họ đã "tìm thấy cuộc hiện sinh tự do và lựa chọn" với Sartre. Và ông đã lựa chọn làm nhà văn vì "mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót" khơi từ "Cái chết lựa chọn không bao giờ phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót" (Bếp Lửa, tr.  VII).

Cái chủ đề của Thanh Tâm Tuyền là nói lên sự vô nghĩa nguyên ủy của sự vật. Để đạt mục đích đó, ông dùng ngôn ngữ để phá hủy ngôn ngữ: trong các tiểu thuyết và truyện ngắn, nhân vật của ông phó mặc cho dòng đời trôi, sự việc qua, có khi họ không tin đã thấy sự việc sự vật, như Nghệ trong Khuôn Mặt chứng kiến một người đàn bà thò tay lấy bút máy trước mặt nhiều người trên xe buýt, anh tự nhủ "chỉ thấy những bóng ma". Như Meursault xa lạ đến quái đản thì nhân vật của Thanh Tâm Tuyền tuyệt đối sống ngoài ngôn ngữ của con người. Thanh Tâm Tuyền cũng là người dẫn đầu với thơ tự do, đưa đến khủng hoảng của ngôn ngữ, thơ tự do đã là một công trình phá vỡ ngôn ngữ và văn hóa!

Con người chạy theo hạnh phúc nhưng trước hết phải đảm nhận trách nhiệm đối với chính bản thân, tự do hay dân chủ chỉ có khi mỗi cá thể tự đảm nhận và tôn trọng tha nhân, phải sống đầy đủ và trọn vẹn cái hiện sinh của mình.

 

- Thanh Tâm Tuyền có cái nhìn lạnh lùng, thản nhiên có thể vì thiếu tự tin thật sự dù đã tỏ ra dứt khoát và tự tin. Trong những truyện như Thềm Sương Mù đăng trên Sáng Tạo số 4 (b.m. 10-1960) nhưng sau không thấy in lại, cho thấy một thái độ coi thường những căn bản luân lý cũ, một biểu lộ tình dục bất thường!

 

- Thanh Tâm Tuyền tỏ ra dứt khoát trong sự lựa chọn bó buộc một bên là ý thức hệ cộng sản, một bên là tự do dân chủ. Con người tự do, tự tin, không nhìn lại quá khứ, chối bỏ đàn anh. cộng sản là ý thức hệ có hấp lực vào thời đó, thuyết hiện sinh cũng phát xuất từ một gốc nhưng không đủ hấp lực bằng, có thể vì không viễn tượng và chương trình ! Trong Khuôn Mặt đầy những suy nghĩ của người trẻ tuổi trước lịch sử và đất nước. Đề tài Hà Nội thời tạm chiếm và những thanh niên trước ngã ba đường (Bếp Lửa và những truyện Đại Lộ, Isabelle trong Khuôn Mặt).

 

- Không thiếu thốn vật chất, nhưng tinh thần trống rỗng, những giấc mơ Hà Nội đổ vỡ, vắng thiếu ý nghĩa cuộc sống và hành động. Nhân vật trong thế giới tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền tự kỷ, ái kỷ đôi khi đến bệnh hoạn, muốn phá hủy tha nhân, trở nên nguy hiểm vì chúng biết hóa trang, ngụy tạo! Bên cạnh có nhân vật đã dám chân thực, dù bị cáo buộc. Chân thực để tìm lại cái vô tội nguyên ủy, cái vô nhiễm nguyên sơ, thời mà ngôn ngữ chỉ là xáo, không cần thiết. Yên lặng nguyên ủy. Không lý trí, không ý thức hệ cũng không tư duy. Không cần cả có bị lịch sử đè bẹp hay vượt qua! Nhị nguyên xuất hiện và thế bí đến với con người. Nơi nài có lý và ngôn ngữ thì không thể có thực thể và phi lý, phải là con người lịch sử thì phải bỏ rơi con người muôn thuở! Thành ra đa phần con người sống theo lý và lịch sử, muốn yên, đã phải "nín thở qua sông", giả tự nhiên và giả lương thiện - do đó đã phải xa vườn địa đàng, như Hòa trong Bếp Lửa, Quang trong Cuối Đường (Khuôn Mặt). Thanh Tâm Tuyền qua Bếp Lửa và Khuôn Mặt đã chấp nhận làm một con người gãy đổ, sống với chân thật, kể cả tự vạch mặt !

 

Cái xấu cũng là cái dễ yêu, như trong cuộc đời đầy buồn nôn không có gì là lạ, là phải bất ngờ. Hắn gần người con gái đêm trước phấn sáp làm cho dung nhan tạm được, và cũng hắn sáng hôm sau tỉnh táo hơn nhưng nghiêm chỉnh hơn, hắn nhận ra cái hắn ưa, cái xấu của người con gái: ".. ánh nắng lộ liễu của nửa sáng chiếu vào phòng đã phô ra trước mắt tôi một con người khác đêm trước. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không thất vọng. Cái mặt rỗ của Hợi làm xấu hẳn đi nhưng tôi ưa cái xấu đó, cái xấu làm cho người ta trở nên tầm thường hèn mọn và dễ yêu hơn" (BSNBB, tr. 92). Cái phải-dễ-yêu giữa những người thân, như một tất nhiên!

 

Thanh Tâm Tuyền đã chứng tỏ tài đi sâu vào tâm trạng nhân vật, cả con người nói chung, có khi cầu kỳ khó hiểu. Nhân vật trong tiểu thuyết của ông luôn lạc loài, cô độc, đầy hoài nghi tư duy và tiêu cực hành động. Ngay từ Bếp Lửa, nhân vật đã già sớm thường trực ước mơ hành động. "Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ... (tr. 11). Nhân vật của ông đã đem cái hoài nghi và niềm tin gãy đổ của con người Hà Nội thời kháng Pháp cuối vào miền đất mới Sài Gòn, xuống Vũng Tàu, lên Đà-Lạt, qua Thủ-Dầu-Một, ... mất niềm tin nhưng cao ngạo và rơi vào bi đát của ám ảnh bệnh hoạn ở những tập tiểu thuyết cuối. Từ làm dáng trí thức đi đến bi quan trước thực tế cuộc đời, nhưng Thanh Tâm Tuyền luôn có ý muốn lột trần lịch sử và thực chất con người qua thế giới nhân vật riêng của ông. Về thơ, dù không là người khởi xướng và không thành công về thơ, nhưng ông đã đẩy thơ tự do tiến bước. Thanh Tâm Tuyền đã để lại cho văn học thời 1954-75 những tập tiểu thuyết với những nhân vật tiêu biểu thời đại./.

 

Chú-thích:

* Các trích dẫn từ các ấn bản Sài Gòn: Bếp Lửa (Sáng Tạo tb, 1965), Khuôn Mặt (Sáng Tạo, 1964), Dọc Đường (Sáng Tạo, 1966), Cát Lầy (Giao điểm, 1967), Tiếng Động (Hiện đại, 1970), Mù Khơi (Kẻ Sĩ, 1970); và một ấn bản California : Một Chủ Nhật Khác (Culver City, CA: Văn, 1983).

 

 (6-1999)

Nguyễn Vy Khanh
Số lần đọc: 3456
Ngày đăng: 23.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khi Mê Tín Được Gắn Dấu Quốc Gia - Lại Nguyên Ân
Nietzsche Và Nhóm George - Hamvas Béla
Thơ – Cách Tân Và Cách Tâm. - Hoàng Hưng
Thơ Đẹp Là Một Vận Chuyển Toàn Bộ - Trần Văn Nam
Những Va Chạm Hai Mặt – Xét Từ Cảm Thức Thơ Hậu Hiện Đại - Hoàng Thụy Anh
Những Truyện Ngắn Việt Nam Làm Liên Tưởng Đến Điện Ảnh - Trần Văn Nam
Về Bản Sắc Dân Tộc Và Thơ Hôm Nay - Hoàng Hưng
Từ Thế Mộng, Thơ đời thường - Đặng Tiến
Sartre Và Văn Học. 1 - Đỗ Ngọc Thạch
Sartre Và Văn Học. 2 - Đỗ Ngọc Thạch
Cùng một tác giả
Thơ Du Tử Lê (tiểu luận)
Thơ Hôm Nay (phê bình)
Lục Bát Huy Tưởng (nghệ thuật)