Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.447
 
Dịch và tán phét về thơ Prévert : Mấy lời đính chính.
Phan Huy Đường

Chúng tôi nghĩ đăng lại toàn bài và những thư từ trao đổi của bạn đọc và ghi nhận của các tác giả thật thú vị, xin đăng lại Dịch và tán phét về thơ Prévert cùng Mấy lời đính chính.VCV

 

Les feuilles mortes

 

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,

Des jours heureux quand nous étions amis,

Dans ce temps là, la vie était plus belle,

Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,

Tu vois, je n'ai pas oublié.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,

Les souvenirs et les regrets aussi,

Et le vent du nord les emporte,

Dans la nuit froide de l'oubli.

Tu vois, je n'ai pas oublié,

La chanson que tu me chantais...

C'est une chanson, qui nous ressemble,

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Nous vivions, tous les deux ensemble,

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Et la vie sépare ceux qui s'aiment,

Tout doucement, sans faire de bruit.

Et la mer efface sur le sable,

Les pas des amants désunis.

 

Souligné : PHD

Poème de Jacques PREVERT / Musique de Kosma

 

Thuở lá chết

 

Ôi, ta quá mong em nhớ,

Những ngày âu yếm bạn giữa chúng ta,

Thuở ấy, đời đẹp hơn,

Và mặt trời nóng bỏng hơn hôm nay.

Lá chết nhiều không sao ôm hết,

Em thấy không, ta đã không quên.

Lá chết nhiều không sao ôm hết,

Kỷ niệm và hối tiếc cũng thế thôi,

Và gió Bắc cuốn chúng đi

Vào đêm lạnh quên lãng.

Em thấy không, ta vẫn không quên,

Bài ca em hát cho ta…

Đó là một bài ca giống chúng ta,

Em, người yêu ta và ta, người yêu em.

Chúng ta đã cùng sống,

Em, người yêu ta và ta, người yêu em.

Rồi cuộc đời chia lìa những kẻ yêu nhau,

Thật dịu dàng, không tiếng động.

Và biển xoá đi trên cát,

Dấu chân những tình nhân đã chia ly.

 

Nhấn mạnh : PHĐ

Thơ Jacques PREVERT / Nhạc Kosma

PHĐ "dịch" càn

 

Bài thơ này độc đáo ở chỗ nào ?

Thoạt đọc, ngôn ngữ giản dị, hồn nhiên, thậm chí trẻ con[1] (tu vois… tu vois…). Tầm thường như ngôn ngữ hàng ngày, toàn ý-chung. Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! Lạ thật.

Ba câu sau tạo âm hưởng cho toàn bộ bài : lưu luyến, thiết tha, ám ảnh.

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,

Tu vois, je n'ai pas oublié.

Tu vois, je n'ai pas oublié,

 

Ba câu thơ như trên trời rơi xuống. Không hoà vần với câu trước, câu sau, nên lời và tồn tại… độc lập. Thế thì còn "thi phú" gì nữa ? Nỗi nhớ nhung tha thiết ám ảnh này loang ra, lây vào tất cả những câu văn sau khiến chúng ngây ngất… nhớ, bất kể nhớ gì ! Vì sao thế ? Vì nỗi nhớ ấy phi thời gian, phi không gian.

Từ tant ở đây quả khó dịch. Nghĩa rất mơ hồ. Đại ý là nhiều. Nhiều bao nhiêu ? Không biết ! Có thể dịch thành quá nhiều ? Cũng được. Thí dụ : Ôi, ta quá muốn… Nhưng quá ở đây không có nghĩa là quá xá, quá độ, quá lâu, nên giảm bớt, mà có nghĩa… ngược lại : bao nhiêu cũng không đủ nói hết được lòng ta ! Thế thì nhiều hay quá ở đây không thuộc phạm trù số lượng, không chỉ là quan hệ về lượng của con người với không gian. Điều ta mong muốn không là thấy em trước mắt mình. Ta muốn em… nhớ.

Từ tant kín đáo hoà âm với từ quand trong câu thơ sau. Quand ám chỉ thời gian. Thời điểm nào trong năm tháng một đời người ? Không biết… Bao lâu ? Không biết… Chỉ nhớ đó là thời… hạnh phúc ! Thế thì không là quan hệ về lượng của con người với thời gian.

 

Tóm lại, đây không là quan hệ của con người với vật giới. Là quan hệ của ta với em, của ta với mình, của mình với nhau. Trong tâm khảm ta, tất cả những thứ khác – lá chết, gió Bắc, e tutti quanti – chỉ tồn tại và có ý nghĩa xuyên qua quan hệ ấy. Quan hệ gì ? Yêu. Người đời coi đây là bài thơ tình, quả không sai.

 

Quand lại kín đáo hoà âm với ce temps . Ce thường được dùng để chỉ định một điều gì đích xác trong ngoại giới. Ở đây lại chỉ định một thời gian hàm hồ không có dấu mốc, không có độ dài trong Thời Gian… vật lý, chỉ có hình thái nhớ nhung. Thế thì, ở đây, dưới dạng ngôn ngữ, thời gian và nhớ nhung … một. Thời gian … nhớ nhung ! Nhớ nhung một cuộc sống đẹp. Trong bài thơ này. Nhớ nhung hiện sinh hoá thành ngôn từ, vật thể hoá thành âm thanh và ký hiệu, thành vết chân có thực của con người ở đời, trong thế giới thực và, biết đâu, có thể, trong lòng người khác.

 

Temps lại kín đáo hoà âm với brûlant trong câu thơ tiếp : nóng bỏng. Thế thì, ở ta, thời gian chỉ là nỗi nhớ nhung nóng bỏng một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống chỉ em mới có thể cho ta. Hè hè…

Ta khẳng định điều ấy với em :

 

Em thấy không, ta đã không quên.

Em thấy không, ta vẫn không quên,

Nghĩa là ta vẫn nhớ ? Không ! Nghĩa là, dù muốn, ta không thể quên ! Ở đời, ta nhớ  nhiều thứ lắm. Chỉ có vài điều ta không thể quên. Em…

 

Đây là câu nói chuyện trực diện với người khác. Nó có nghĩa : ngay bây giờ em đang ở ta. Thế thì điều ta khao khát khi ta quá mong em nhớ là : ta được… ở em như em ở ta. Ngay bây giờ. Mãi mãi.

 

Ta chỉ khao khát thôi, không nỡ xin. Vì ta đã dám làm.

Điên thật, hè hè…

Ôi Trời Xanh đểu giả, cho ta đủ thứ hay dở, sao nỡ không cho ta chút tình thơ ?

*

Như chuyện zui chơi chữ nghĩa trong một oép văn chương, Mai Ninh đã hiệu đính bản dịch trên như sau, chính xác và có nhạc điệu hơn :

 

Les feuilles mortes

 

Oh, je voudrais tant que tu te souviennes,

Des jours heureux quand nous étions amis,

Dans ce temps là, la vie était plus belle,

Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,

Tu vois, je n'ai pas oublié.

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,

Les souvenirs et les regrets aussi,

Et le vent du nord les emporte,

Dans la nuit froide de l'oubli.

Tu vois, je n'ai pas oublié,

La chanson que tu me chantais...

C'est une chanson, qui nous ressemble,

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Nous vivions, tous les deux ensemble,

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Et la vie sépare ceux qui s'aiment,

Tout doucement, sans faire de bruit.

Et la mer efface sur le sable,

Les pas des amants désunis.

 

Souligné : PHD

Poème de Jacques PREVERT / Musique de Kosma

 

Những chiếc  lá chết

 

Ôi, ta mong biết bao em còn nhớ,

Những ngày hạnh phúc thời chúng ta là bạn,

Thuở ấy, đời đẹp tươi hơn,

Và mặt trời bỏng gắt hơn hôm nay.

Lá chết rơi nhiều không sao hốt hết,

Em thấy không, ta đã không quên.

Lá chết rơi nhiều không sao hốt hết,

Kỷ niệm và hối tiếc cũng thế,

Theo gió bắc cuốn đi,

Trong đêm lạnh của lãng quên.

Em thấy không, ta vẫn nhớ,

Bài ca em hát cho ta …

Đó là một bài ca giống chúng ta,

Em, người yêu ta và ta, người yêu em.

Hai chúng mình đã từng chung sống,

Em, người yêu ta và ta, người yêu em.

Rồi cuộc đời tách lìa những kẻ yêu nhau,

Nhẹ nhàng, không tạo ra tiếng động.

Và biển xoá đi trên mặt cát,

Dấu chân những tình nhân đã chia ly.

 

Nhấn mạnh : PHĐ

Thơ Jacques PREVERT / Nhạc Kosma

PHĐ "dịch" càn

Mai Ninh hiệu đính

 

Hàn Thuỷ cũng tham gia cuộc zui.

 

Lời Việt cho Les feuilles mortes

Hàn Thuỷ

Sau bản dịch bài thơ Prévert này của Phan Huy Đường, tại hạ tự nhiên có cao hứng dịch lại thành lời Việt cho bài hát, vì bài « Les feuilles mortes » ấy không chỉ là một bài thơ. Âu cũng là dịp đầu năm khai bút. Sau đó cũng xin dông dài thêm vài chuyện, vọng cổ cho vui...

 

Mùa lá chết

 

Người ơi, nhớ người, tôi xin người nhớ ngày xưa,

Thời hạnh phúc mình chung sống tình bạn đầm ấm,

Ngày xưa ấy đời tươi thắm đẹp hơn bao giờ,

Và nắng trưa nồng cháy, nay chừng đã lạnh câm.

Mùa rơi lá nhiều rơi chết tàn úa đầy sân

Tôi nhớ, thấy không người, vẫn nhớ.

Mùa lá rơi nhiều lá rơi tàn úa vô vàn

Mà những kỷ niệm tiếc nuối thì cũng cầm như...

Để rồi cho gió bắc cuốn đi về xa,

Vào trong đêm lạnh giá của lãng quên.

Tôi nhớ, thấy không người, vẫn nhớ,

Nhớ khúc ca khi người hát tặng tôi...

Một bản tình ca, là ảnh hình hai ta,

Hình ảnh tình yêu, của người và tôi.

Một thời còn nhau, một trời một đôi,

Người là tình yêu, và tôi yêu người.

Nhưng đời chia lìa những người yêu nhau,

Êm đềm sâu lắng, chẳng tiếng xôn xao.

Và trên bãi cát dạt dào biển sóng xoá mờ,

Những bước chân nhân tình cách lìa đau.

 

Nhạc: Kosma, lời: Prévert,

bản dịch lời: Hàn Thuỷ

 

…chuyện cũng đã từ hơn 60 năm rồi. Cả hai đều rất nổi tiếng. Prévert viết lời và Kosma viết nhạc, chung, chứ không hẳn là nhạc hay thơ có trước. Cặp này (trong một thời, từ 1939 đến 1951, sau đó họ không cộng tác với nhau nữa) cộng lại cũng sánh như một Bob Dylan hay một Trịnh Công Sơn : lời và nhạc quyện vào nhau không thể chia cắt. Và điều quan trọng là họ đều thể hiện tình cảm của nhiều người trong thời họ đang sống, và đều được đón nhận nồng nhiệt như nhau.

 

Vậy thời của Prévert, Kosma và bài hát này ? Đó là vào đầu năm 1945 – và ta nhớ, tháng 8 năm 1944 Paris mới được giải phóng khỏi tay quân đội Đức Quốc Xã. Trước đó Kosma đi vào kháng chiến bí mật và Prévert hoạt động công khai, nhưng cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác trong vùng tạm chiếm, ông tỏ thái độ ủng hộ kháng chiến chống Đức một cách gián tiếp khéo léo, do đó tình bạn của họ không hề sứt mẻ, và khi Kosma từ kháng chiến về họ hợp tác lại với nhau ngay –, bài hát này là một phần của ca kịch « Le rendez vous » (cuộc hẹn hò), cũng do hai người cộng tác, như nói trên; sau họ chuyển thể thành phim « Les portes de la nuit » (ngưỡng cửa của đêm), do Marcel Carné đạo diễn, nhạc Kosma, đối thoại và lời nhạc Prévert. Không cần đi vào chi tiết của hai bản ca kịch hay phim này, chỉ biết là bài hát trong phim do Yves Montand thể hiện, và từ đó về sau nó nổi tiếng trên cả thế giới, cũng như bài hát khác trong phim là « Les enfants qui s'aiment » (Những đứa trẻ yêu nhau).

*

Bây giờ thử suy diễn tại sao bài hát đã được đón nhận rộng rãi như thế. Trước hết, tuy khởi đi từ một hoàn cảnh cụ thể, nhưng nó đã vượt lên để trở thành phổ quát, do đó nó sống qua thời gian và không gian. Sống qua thời gian và không gian vì thời gian và không gian ấy đã trở vào trong nội tâm, đã trở thành một tình cảm trong nội tâm, như bang chủ Cái bang AMVC (PHĐ) viết « thời gian và nhớ nhung … một. Thời gian … nhớ nhung ! ». Nhưng vượt qua cũng là một phủ định biện chứng (hè hè !) và da thịt của cuộc phủ định này đau đớn lắm. Thời gian thực của nhớ nhung là thời gian trước chiến tranh, và sự phủ định thực của thời gian đó là chiến tranh, đối với những con người bình thường giản dị – người anh hùng hay triết gia có thể không coi chiến tranh là sự triệt tiêu hạnh phúc của mình.

 

Do đó lời của bài thơ này rất giản dị, rất đời thường. Chỉ có ba ẩn dụ, một là « lá chết », hai là « những dấu chân trên cát », cả hai tương đối phổ biến. Ẩn dụ thứ ba, « gió bắc », sẽ xin đề cập sau. « Lá chết» thì chắc chắn đã có từ lâu trên cả địa cầu, và tượng trưng cho buồn đau nhung nhớ. Ở đây đau thương này gợi đến rất cụ thể hàng triệu người đã chịu chết hay mất mát trong chiến tranh, bởi vậy Prévert không viết kiểu lá thu vàng bay lất phất qua song cửa... mà viết: lá chết... « se ramassent à la pelle » (nghĩa đen : phải hốt đi bằng xẻng), thành ngữ thông thường của tiếng Pháp, có nghĩa: vừa rất nhiều, vừa tàn tạ, không có giá trị gì cả. Còn về ẩn dụ thứ hai thì – tại hạ không biết đủ để khẳng định điều này – có thể « dấu chân trên cát » là một sáng tạo rất đẹp của Prévert, sau đó mới trở thành phổ biến; nếu thế, quả là một kỳ diệu của thiên tài : cái đẹp vừa được sáng tạo bỗng lập tức thành quen thuộc vì cảm nhận được ngay. Còn lại thì sao ? chỉ có người yêu tôi và tôi yêu người, ngày xưa mình hạnh phúc, vân vân... phức tạp hơn một chút thì thấy ngày xưa mặt trời nóng bỏng hơn.

 

« Thế mà tràn trề nhục cảm, biến thành thơ ! » (PHĐ). Sao vậy ? vì ở đây có một tứ thơ chủ yếu khác : sự ca ngợi tình yêu một cách đơn giản trần trụi « tôi yêu người, và người yêu tôi » kiểu từ thượng cổ tới nay ai cũng nói được đó, lại là một ẩn dụ thứ tư nữa, chính ẩn dụ đó đã đi vào lòng người đang đau đớn. Tứ thơ này kỳ lạ ở chỗ, thường thì ẩn dụ là một hình ảnh nào đó được dùng để kín đáo gợi lên một ý tưởng hay cảm xúc chỉ có một liên hệ mảnh mai với nó; vậy mà ở đây: một câu nói thông thường, nếu đọc và nghe tỉnh táo trong một văn cảnh khác sẽ thấy gần như thô lỗ, lại gợi lên... chính nó, tình yêu, một cách mãnh liệt, tràn đầy, trong lòng mọi người.

 

Vì nó còn là sự phủ định chiến tranh, phủ định số phận nghiệt ngã làm nên cuộc chia ly, mà bài thơ chỉ nhắc đến như « gió bắc » và « đời ». Sự chối từ đó làm nên điều kỳ diệu của ngôn ngữ: nói « gió bắc » – ẩn dụ kín đáo về quân đội Đức Quốc Xã, nước Đức ở phía đông bắc của nước Pháp – cuốn đi kỷ niệm và tiếc nuối vào quên lãng, thực ra là vì không muốn nói « gió bắc » cuốn đi đời sống ngày xưa, làm cho nó thành kỷ niệm và tiếc nuối. Chứ còn, trong một cuộc sống hạnh phúc, có đâu thời gian cho kỷ niệm và tiếc nuối. Và rồi « gió bắc » ở đoạn đầu đã trở thành « đời » một cách chung chung trong điệp khúc, như « số phận », « định mệnh »... như điều luôn luôn hiện hữu trong mỗi đời người.

 

Nhạc và lời bốn câu trong đoạn giữa của bài hát da diết nhất và có kịch tính cao nhất, chính vì nó thể hiện biện chứng tâm lý « biết nhưng không muốn biết nữa » này, nhất là ở hai câu giữa : quên và không quên đối chọi nhau đột ngột. Quên là muốn quên hết khung cảnh quá khứ và lý do làm cho mình đã mất hạnh phúc, nhớ là chỉ nhớ tới tình yêu thôi, tình yêu trần trụi trong tiếng nhạc ngân lên khẳng định trong bốn câu sau đó. Và những lời thủ thỉ giữa một người với một người trở thành tiếng ngân vang tha thiết với đời trong điệp khúc của bài hát, mà âm điệu thay đổi hoàn toàn. Nếu trong nửa đầu ca sĩ nói với người yêu – có thể đang xa cách, có thể không xa cách nhưng do hoàn cảnh đã đổi thay không yêu nhau nữa, có thể đã chết – trong tâm tưởng của riêng mình, với giọng điệu kể lể rất riêng tư thân mật; thì trong nửa sau ca sĩ vừa nói với người đã yêu, vừa đồng thời nói với mọi người, « người và tôi » trở thành « những người yêu nhau », ngôi thứ ba.

 

Tóm lại về sự trần trụi phổ quát của lời bài hát : Người kia đã chết ? không biết ! Người kia ở xa ? không biết ! Người kia đã đổi thay ? Không biết ! Ai gây ra cuộc chia ly, biết nhưng không muốn biết nữa. Ngày xưa chúng tôi/ta yêu nhau, và bây giờ tôi chỉ muốn nhớ lại tình yêu ấy, thế thôi. Và cuối cùng chấp nhận, ngay cả nỗi nhớ về tình yêu đó, nỗi nhớ đã được « vật thể hoá thành âm thanh và ký hiệu, thành vết chân có thực của con người ở đời » (PHĐ), cũng đang được sóng biển xoá đi... Nhưng xoá đây nằm ở thì hiện tại, đang xoá, có nghĩa là không chắc xoá được ! bốn câu kết cực kỳ đẹp: trách móc số phận, buồn đau, cam chịu và hy vọng cùng hiện diện.

 

Thế rồi khắp nơi, không chỉ ở Pháp – và không chỉ sau chiến tranh thứ hai – người ta hát và khiêu vũ trên nền một bản nhạc buồn, khi thủ thỉ khi da diết. Một bài hát khẳng định tình yêu với lời lẽ dung dị của đời thường. Nhưng hát được như thế là khởi đầu của giải thoát khỏi thảm kịch – bất kể thảm kịch nào – và khẳng định quyền có hạnh phúc của những con người bình thường. Nhưng người ta trên thế giới khi phóng tác lại lời thường không diễn tả hết những ẩn ý và cảm xúc của nguyên bản. Có sao đâu ! Cảm xúc tập thể của một cộng đồng ở một thời đại không giống như của một cộng đồng khác ở một thời đại khác.

Nếu muốn, mời bạn đọc nghe Thái Thanh hát lời Việt do Phong Vũ đặt từ năm 1957, trong đó ẩn dụ « muà thu lá vàng bay... » đã lấy lại hình ảnh buồn man mác muôn thủa của nó. Cũng thế, xin nghe thêm « Autumn leaves » (lá mùa thu), bản tiếng Mỹ – chỉ dùng lại điệp khúc thôi – do Doris Day hát năm 1956, và Eva Cassidy hát, qua phong cách Jazz, 50 năm sau. Cuối cùng xin giới thiệu Phạm Ngọc Lân hát cả lời Pháp lẫn lời Việt do ông phóng tác, và tự đệm đàn guita rất điêu luyện (tại hạ không quen ông, chỉ bất ngờ thấy trên mạng bản vidéo khá hấp dẫn này khi đi tìm thông tin về bài hát).

Bạn đọc có thể xem nguyên bản nhạc và lời ở tài liệu đính kèm.

*

Vài dòng về việc dịch, dịch khởi đi từ cảm hứng, rồi phần lớn về sau là lao động chữ nghĩa, khi đó phải loay hoay chọn lựa và sắp xếp từ ngữ... gần như giải một bài toán khô khan. Vì vậy, theo thiển ý, việc dịch thơ chỉ may ra đạt nếu không khi nào quên cảm nhận (xin dùng chữ này để chỉ chung ý tưởng và cảm xúc nhận được). Cảm nhận phải bao trùm bản dịch thơ, ưu tiên hơn sự trung thành với ngôn từ. Dịch lời cho một bài thơ/nhạc nhuần nhuyễn như bài này thì cảm nhận đến từ cả nhạc lẫn lời – có khi các ca sĩ lớn cũng có phần ảnh hưởng. Bạn sẽ thấy Yves Montand không hát mà chỉ đọc tám câu thơ đầu, và... ối giời ! nụ cười của Juliette Greco khi chuyển sang điệp khúc.

Cảm nhận đó (dĩ nhiên chủ quan) vừa được trình bày ở trên.

 

Tại hạ, khi dịch để hát được bằng tiếng Việt, cố theo sát cả âm điệu lẫn ý tưởng và tình cảm từ đó toát ra, mặc dù biết rằng như thế là « quy hình tròn thành hình vuông ». Không thể không có khuyết điểm, đặc biệt là với câu hỏi « tiếng Việt này có là tiếng Việt không ? » Xin bạn đọc xét xem và lượng thứ. Nhưng có một điều có lẽ thấy lạ tai, đó là hai chữ « người », và « tôi ». Chỉ xin nói đó là lựa chọn của tại hạ từ trước khi bắt đầu.

Hàn Thuỷ

*

Và đây là bài thơ của chính Kosma trong tiếng mẹ đẻ cho khúc nhạc của chàng, do Nguyễn Hồng Nhung dịch :

Một bài ca nghe cuối năm   

(Sống trong thế kỷ XX đầy biến động của các loại chủ nghĩa gây đau thương cho con người, thế gian này ai không mơ tới khát vọng YÊU bằng muôn nẻo ngôn ngữ Bábel?

 

Bài thơ Les Feuilles Mortes để đời của thi sĩ Pháp lừng danh Jacques Prevert được ông hoàng nhạc sanzon người Hungary Kozma József  phổ nhạc -khi sang Paris trốn nạn diệt chủng Do thái đông Âu.

Bài hát Những chiếc lá rơi giờ đây vang lên tha thiết hơn bao giờ hết, vì nhân loại vẫn chưa gặp khả năng đi hết khát vọng YÊU!

 

Nguyễn Hồng Nhung không biết tiếng Pháp -thật tiếc- để có thể dịch từ bản gốc lời bài ca này. NHN có xem bản dịch bài thơ tiếng Pháp từ Googl e- khá nhiều sự khác biệt so với bản tiếng Hung.

Nhưng than ôi, computer không thể yêu thay người - NHN đành chỉ  làm điều nó có thể làm được : dịch từ thứ tiếng nó biết, tiếng Hungary.

 

Nhưng bài ca này ngân bên tai độc giả người Việt sẽ mang linh hồn của ba thứ tiếng -trong muôn vàn linh hồn ngôn ngữ Bábel.)

 

LES FEUILLES MORTES

http://www.youtube.com/watch?v=JWfsp8kwJto&feature=related

http://www.youtube.com/watch?v=J0EjWWlOCUY&feature=related

 

Kozma József (Hungary)

Hulló levelek

Szemébe mondtam , hogy nem szeretem

Vártam, hogy erre majd mit mond nekem

Gyötörtem, kínoztam szüntelnül.

Féltékeny voltam oly' kegyetlenül

 

Hazudtam néki, hogy más várt

Ha este randevúnk volt

Szerettem volna ha könnyet ejt tán'

De Ő csak nevetve fölém hajolt

S azt mondta :szeretsz te engem

Szíved enyém ,tudom én

S én ellöktem magamtól durván

Nem szólt egy szót sem csak nézett rám

 

A két szemét még most is látom,

Könny nélkül sírt, csak nézett vádlón.

Egy percig állt, sebzetten, bénán,

Nem szólt egy szót, csak elment némán.

Hervadt falevél hullt le a fákról,

Elvitte őt az őszi szél.

Mégis minden este vissza - vissza várom,

Mert szívem csak őérte ég

 

Elmult a tavasz és elmult a nyár

Szomorú szívem csak őreá vár

Beláttam, hibáztam, megbántam én

Él bennem mégis egy halvány remény

Visszetér hozzám , ha eljön az ősz

És rájön, hogy mégis szeretem Őt

Szerelmünk emléke mindent legyőz

S még jobban szeretem mint azelőtt

Már érzem csókját a számon

És látom lágy mosolyát

A vétkemet százszor is bánom

És várom hívó szavát

 

Magamba járok az őszi ködben,

Vállamra hervadt falevél röppen.

Egy régi nótát dúdolok halkan,

Szívem csak ott van ahol te vagy.

Talán csak megszokás viszi a lábam

Egy kis pad felé, a lomb alatt,

Ahol összebújva ültünk még a nyáron,

És mosolyogva néztél reám.

 

NHỮNG CHIẾC LÁ RƠI

 

Tôi nói vào mắt nàng, ta không yêu em,

và chờ đợi câu trả lời sẽ đến

tôi đầy đọa, nghiền rứt nàng không nghỉ

ôi lòng ghen đâu giới hạn, bạo tàn.

 

Tôi  dối nàng, có người thương đang đợi

trong hẹn hò buổi tối hai ta,

tôi những muốn nhìn nước mắt rơi, có lẽ

nhưng Nàng chỉ cười, âu yếm kề bên

nàng thì thào: anh yêu em

trái tim anh là của em, em biết.

 

Thô bạo lạnh lùng tôi đẩy nàng ra

không một lời, ngước nhìn tôi lẳng lặng

đôi mắt nàng, tôi vẫn thấy lúc này

 khóc không lệ, chỉ cái nhìn kết tội

sững phút giây, đau đớn, lặng câm

không một lời nàng rảo bước âm thầm.

 

Những chiếc lá úa héo tàn từ cây rụng

gió thu vàng  đã  cuốn em đi.

Nhưng mỗi tối tôi vẫn chờ vẫn đợi

 trái tim buồn chỉ cháy đỏ bởi em.

Mùa xuân đã qua, rồi mùa hè cũng hết

trái tim buồn chỉ ngong ngóng chờ  em.

Tôi đã thấy tôi sai lầm, tôi làm nàng đau khổ

váng vất đâu đây tia hy vọng lé loi

nàng sẽ về  bên tôi khi thu vàng sẽ đổ

sẽ nhận ra, tôi vẫn chỉ yêu Nàng.

 

Ký ức tình yêu chúng mình mạnh hơn tất cả

ta sẽ yêu em hơn gấp bội ngày xưa

đôi môi anh cảm nhận vị hôn em thuở trước

nụ cười dịu dàng phảng phất  mắt anh

trăm nghìn lần tội anh không tha thứ

nhưng anh vẫn chờ lời nhắn rủ thiết tha.

 

Lang thang một mình màn sương thu hương khói

lá úa vàng chạm vai đẫm bay bay

nho nhỏ trong tôi rì rầm bài ca ngày ấy

trái tim này chỉ đọng chốn có em.

 

Bước chân âm thầm thói quen đưa dẫn

đến chiếc ghế dài, vòm lá thân thương

nơi chúng mình rúc vai nhau cuối hè phai ấp ủ

và em cười, đôi mắt ngước nhìn anh.

 

NGUYỄN HỒNG NHUNG dịch từ bản tiếng Hung

(29. Tết Tân Mão. 2011.)

 

Tiểu sử của Kosma :

ÔNG HOÀNG CỦA DÒNG NHẠC SANZON:

KOZMA JÓZSEF( JOSEPH COSMA)

 

Kozma József sinh ngày 22 tháng 10 năm 1905 tại Buadapest- Hungary. Gia đình ông sống tại  một phố cổ Buda, số nhà 27 phố Iskola, tại đây cha mẹ ông mở một trường dạy đánh máy và học chữ tốc ký. Kozma có một người em trai tên là Ákos. Năm 1944 lũ phát xít đã xử bắn mẹ và em trai Kozma József cùng với nhiều người Do thái khác bên bờ sông Đanuýp.

 

Bà ngoại của Kozma từng là học trò của nhà soạn nhạc nổi tiếng Hungary Liszt Ferenc khuyến khích cháu mình theo học piano từ lúc lên 5 tuổi. Năm 11 tuổi Kozma  viết bản mở màn ( ouverture) cho opera đầu tiên.

 

Tốt nghiệp phổ thông xong ông theo học tại Viện hàn lâm âm nhạc- cùng thời với nhạc trưởng Hungary Ferencsik János và nhà soạn nhạc Hungary Farkas Ferenc nổi tiếng- Kozma József học soạn nhạc và chỉ huy dàn nhạc từ một trong những bậc thày âm nhạc vĩ đại của thế kỷ XX, nhà soạn nhạc Hungary Weiner Leo.

 

Sau khi tốt nghiệp Viện hàn lâm âm nhạc, khoảng 1926-1928 ông làm trợ lý chỉ huy dàn nhạc và korrepetitor trong nhà hát Opera Budapest. Bên cạnh đó ông làm việc cho cả nhà hát kịch avant-gárd, ông viết nhạc cho dàn diễn viên múa kịch câm( movement).

 

Năm 1928 như một nhạc trưởng ông nhận được một học bổng tại nhà hát Opera Đức. Tại trung tâm về cuộc sống tinh thần Berlin ông gặp những nghệ sĩ có ảnh hưởng đặc biệt đến cuộc đời ông sau này . Ông làm quen và làm việc cùng ông bác, anh của mẹ Moholy- Nagy László( một trong những người sáng lập nhóm Bauhaus)

 

Ông kết bạn với Bertolt Brech, Hanns Eisler, Kurt Weill, Capa ( với Friedmann Endre, với Éva Besnyo, sau này là những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới) Dưới ảnh hưởng của họ, Kozma từ bỏ nhà hát Opera Berlin sang gia nhập với nhóm nghệ sĩ lang thang của Brecht và cùng cộng tác với Hann Eisler và Kurt Weill. Tại Berlin ông làm quen với nữ nghệ sĩ dương cầm Lilli Apel người vợ đầu tiên của ông.

 

Năm 1933 Kozma József chạy trốn khỏi Berlin vì Hitler, cùng vợ- không một xu dính túi và không biết một chữ tiếng Pháp nào- vợ chồng ông sống lưu vong ở Paris. Mãi tận năm 1949 ông mới được nhận quốc tịch Pháp. Trong những năm lưu vong đầu tiên ông đệm nhạc thuê cho các buổi diễn ba lê, vợ ông dạy dương cầm thuê. Sau đó ông làm quen và bắt đầu có quan hệ với đạo diễn phim Jean Renoir con trai họa sĩ Renoir.

 

Nghệ thuật phim ảnh Pháp lên đến đỉnh cao vào những năm ba mươi của thế kỷ, trong đó có phần đóng góp rất lớn cho nhạc phim của Kozma József. Bản nhạc phim đầu tiên của ông viết dựa theo thơ của nhà thơ Pháp Florelle dala Prévet. Năm 1936 ông viết nhạc cho bộ phim của Renoir có nhan đề „ Tội lỗi của Lange”.

 

Chẳng mấy chốc ông trở thành nhà soạn nhạc phim thường xuyên cho giới điện ảnh Pháp, tên ông gắn liền với nhạc của hơn năm mươi bộ phim Pháp như: „ Ảo tưởng Vĩ đại”( la Grande Illusion, 1937) phim” Thành phố của những tình yêu” (Les Enfants du Paradis,1945) phim Marseillaise, 1937, và rất nhiều bộ phim nổi tiếng khác đã gắn liền với tên tuổi đã trở nên nổi tiếng thế giới của Kozma József- hay tiếng Pháp  là Joseph Kosma. Ai mà không biết đến bộ phim cực kỳ nổi tiếng”  Những cánh cổng của đêm”( Les portes de la nui, 1946)?

 

Cuộc cách mạng của dòng nhạc Sanzon

 

Từ năm 1935 trở đi ta có thể nói đến một giai đoạn mới của nhạc sanzon Pháp. Cái ngày này chúng ta gọi là đặc thù của nhạc sanzon Pháp, ra đời trong khoảng thời gian ấy. Và phần lớn do chính công sức của Kozma József. Năm 1935 ông làm quen với nhà thơ Pháp nổi tiếng Jacques Prévert, và phổ nhạc khoảng tám mươi bài thơ của J. Prévert.

 

Thế nhưng những bài hát này không được trình diễn công khai cho đến tận 1945, bởi Kozma József là người Do thái, ông sống bất hợp pháp trong những năm 1940-1944, viết nhạc bằng tên giả và các nhạc phẩm của ông không được phép trình diễn.

 

Nhưng sau chiến tranh lập tức các ca sĩ thời thượng và các nghệ sĩ nổi tiếng nhất đã lập tức biểu diễn các nhạc phẩm của ông, như Yves Montand, Edith Piaf, Juliette Gréco và anh em nhà Jacques( Les Fréres Jacques). Trong các bản sanzon của Kozma điểm mới là hai câu truyền thống trong cấu trúc  điệp khúc  tăng tính tự do cho lời bài hát, còn nhạc cụ sử dụng thuần túy được coi như một cuộc cách mạng thời bấy giờ.

 

Nơi gặp gỡ ưa thích của những nhân vật hiện sinh nổi tiếng của Paris( Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre, Jacques Prévert và nhiều người khác) là Café Flore, nơi lần đầu tiên Juliette Gréco ca những bài ca của Kozma józsef ( ví dụ: Nàng thơ của SaintGermain-des-Prés ) đây cũng là nơi biểu diễn của các ca sĩ sanzon nổi tiếng như Yves Montand và Edith Fiaf. Năm 1951 Kozma ly hôn với người vợ đầu tiên Lilli và cắt đưta quan hệ với Jacques Prévert.

 

Nhạc viết cho Opera, operett, kịch câm của Kozma József

 

Nhạc phim khiến tên tuổi của Kozma József nổi tiếng thế giới, nhưng tác phẩm riêng của ông còn giàu có hơn rất nhiều. Bên cạnh nhạc phim và sanzon, ông viết nhạc ba lê,kantata, ông viết ba vở opera, nhạc thính phòng, nhạc dành cho piano, ông viết operett.

Năm 1962 tại Budapest trình diễn vở Opera” Những người dệt lụa xứ Lyon” của Kozma. Ông viết nhạc đệm cho nghệ sĩ kịch câm Marcel Marceau, viết nhạc đệm cho vở diễn của Jean-Paul Sartre, ông phổ nhạc cho thơ Apollinaire và Aragon. Lần cuối cùng, khi đang viết nhạc cho một vở hài kịch theo yêu cầu của nhà hát Opera Lyon, ông bị nhồi máu cơ tim và mất.

 

 

Ông mất ngày 7. tháng Tám năm 1969 trong căn nhà tại la Roche Guyon ngoại ô Paris. Ông sống tại đây với người vợ thứ hai (Marie Merlin). Ông được chôn cất tại nghĩa trang Montmartre ở Paris. Kozma József không có con với cả hai người vợ, vì vậy di sản âm nhạc của ông nằm trong Viện Nizza, còn chiếc dương cầm của ông năm 1995 rơi vào sở hữu của một người hâm mộ Kozma. Ở Paris người ta thành lập và duy trì ”Hội những người bạn của Kozma”, còn căn nhà của Joseph và Marie Kosma ngày nay có thể viếng thăm thường xuyên tại La Roche-Guyon.

 

Nguyễn Hồng Nhung sưu tầm và dịch từ tiếng Hungary

( 2011.02.27)

 

*

Góp ý của Phạm Ngọc Lân

 

Tôi (PHĐ) đã gửi bản dịch của tôi cho vài oép bạn trước khi công bố nó trên oép ămvc. Những oép sau đã đăng :

http://DienDan.org/

http://www.phongdiep.net/

http://www.vanchuongviet.org/

Sáng nay, tôi nhận được meo của vanchuongviet.org chuyển lại bài góp ý sau của Phạm Ngọc Lân. Rất lý thú. Xin đăng lại.

 

Thưa ban biên tập vanchuongviet.org,

 

Tôi gửi vài lời góp ý này về bài viết "Dịch và tán phét về thơ Prévert" đăng hôm nay, 27-2-2011. Mong ban biên tập vcv gửi đến hai tác giả Phan Huy Đường và Hàn Thuỷ, và nếu được, đăng lên vcv để góp vui thêm vào công việc lý thú của hai người mà tôi được hân hạnh biết ở Paris. Tôi hiện nay sống ở Toulouse, Pháp.

Thân mến,

 

Phạm Ngọc Lân

Góp ý với bài viết "Dịch và tán phét về thơ Prévert"

 

Rất vui được tác giả Hàn Thuỷ giới thiệu tôi với độc giả của vanchuongviet.org trong bài viết về ca khúc Les Feuilles Mortes, lời cùa Prévert, nhạc của Kosma. Sở dĩ được hân hạnh này vì tôi cũng có viết lời Việt cho bài hát này, và có hát với đàn ghi-ta đăng trên YouTube, Hàn Thuỷ tình cờ nghe được.

 

Và cũng qua bài viết, lại được biết thêm là Kosma cũng có viết lời tiếng Hungary cho bản nhạc này, qua lời dịch của Nguyễn Hồng Nhung.

 

Khi đọc bài thơ của Prévert đăng trên đầu bài viết, câu thứ hai "Des jours heureux quand nous étions amis", với từ "quand" được tác giả Phan Huy Đường nhấn mạnh, tôi hoảng quá ! Vì tôi vẫn hát "où" thay vì "quand". Mà quả thật, từ "quand" ở đây chỉ thời gian, từ "où" chỉ không gian, như vậy từ "quand" chính xác quá rồi còn gì nữa! Nhưng không lẽ tôi hát sai từ bao nhiêu năm trời mà không biết?

 

Từ "quand" được PHD nhấn mạnh là vì sau đó, tác giả nói đến vần giữa các từ "tant", "quand" và "temps-là", như vậy thì quả thật là cái "quand" này quan trọng trong mạch thơ của Prévert, không phải chuyện đùa!

 

Tôi vội vàng lên mạng nghe lại Montand hát ờ Olympia, tám câu đầu Montand chỉ đọc thôi, và... ông đọc là "où". Rồi vào nghe Juliette Gréco hát ở Berlin năm 1967, với đàn ghi-ta đệm, Juliette cũng hát "où". Tôi sực nhớ ra là hồi đó, tôi có một bản photocopy của bài hát này, lục lại trong thùng sách nhạc cũ, tìm ra được nó, mừng quá. Bản in năm 1947, nhà xuất bản Enoch & Cie, Paris, với hình Yves Montand còn trẻ măng ngoài bìa. Và bản in cũng ghi "où", chứ không phải "quand".

 

Như vậy thì PHD, cũng là chỗ tôi quen biết, "phịa" ra từ "quand" này để "tán phét" như trong tựa đề của bài viết chăng?

 

Phải nói thêm rằng ngôn ngữ Pháp có những "quái đản" như trường hợp này. Rõ ràng bối cảnh là thời gian, nhưng lại dùng "où" là tiếng dùng cho không gian. Mà không phải chỉ có trong bài thơ này thôi đâu! Vả lại, khi tôi hát thử với từ "quand" thì câu hát nghe không êm xuôi như khi hát với từ "où", là một từ rất khiêm tốn trong cách phát âm, hình như có mặt ở đó thật, nhưng chỉ muốn cho người ta lướt qua mình trong câu hát...

 

Bài viết cũng nhắc đến Mai Ninh, một người bạn khác của tôi, được giới thiệu "đã hiệu đính bản dịch trên như sau", nhưng sau đó, không thấy bản dịch này đâu cả, chỉ đăng có bài tiếng Pháp thôi.

 

Tôi xin được viết lại đây lời tiếng Pháp in trong ấn bản trên, để thấy những chỗ khác biệt (đặc biệt là "et je t'aimais"). Và cũng viết ra đây lời tiếng Việt để hát với giai điệu của Kosma. Xin nhấn mạnh rằng tôi không tìm cách "dịch" bài thơ tiếng Pháp của Prévert, cũng không có ý định viết một bài thơ tiếng Việt. Tôi chỉ viết lời cho một bản nhạc có sẵn. Lấy ý tổng quát của Prévert, và viết ra một bản tiếng Việt có thể hát được, không bị gượng ép bởi những cái "lặt vặt làm khổ ta" như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.

 

Les Feuilles Mortes – Mùa Thu Lá Úa

Nhạc của Joseph Kosma, lời của Jacques Prévert, 1945

 

Oh ! je voudrais tant que tu te souviennes

Des jours heureux où nous étions amis

En ce temps-là la vie était plus belle

Et le soleil plus brûlant qu'aujourd'hui

 

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle

Tu vois, je n'ai pas oublié

Les feuilles mortes se ramassent à la pelle

Les souvenirs et les regrets aussi

 

Et le vent du nord les emporte

Dans la nuit froide de l'oubli

Tu vois, je n'ai pas oublié

La chanson que tu me chantais

 

*

C'est une chanson qui nous ressemble.  

Toi, tu m'aimais et je t'aimais

Et nous vivions tous deux ensemble

Toi qui m'aimais, moi qui t'aimais.

Mais la vie sépare ceux qui s'aiment

Tout doucement, sans faire de bruit

Et la mer efface sur le sable

Les pas des amants désunis

 

Mùa thu lá úa

Lời Việt của Phạm Ngọc Lân

 

Thầm mơ ước người xưa có còn nhớ thời thơ ngây

Đời tươi thắm mình say đắm cùng xây mộng ước

Ngày xưa ấy mình vui sống hạnh phúc sum vầy

Và nắng chan hoà ấm ngôi nhà với ngàn hoa

 

Mùa thu lá vàng bay úa tàn khắp trời thênh thang

Kỷ niệm xưa vẫn còn anh vẫn nhớ

Mùa lá thu vàng úa bay tàn mãi chân trời nào

Và tiếc thương rồi cũng bay theo lá mà thôi

 

Rồi cơn gió cuốn mang theo tình ta

Vào đêm quên lãng... đêm giá băng

Em thấy đó, anh vẫn còn ghi nhớ mãi

Tiếng hát em, câu ca riêng tặng anh

 

*

Bài ca năm đó, mình yêu nhau thắm thiết

Mùa thu lá úa, kỷ niệm ngày xưa

Rồi qua cơn gió, làm bay đi lá úa

Kỷ niệm ngày xưa, theo gió xoá nhoà

Đời chia cắt tình đôi ta

Xoá mờ trong trí nhớ

Bao kỷ niệm xưa

Cả những ước mơ

Và trên cát, vết chân đôi nhân tình đã qua

Biển sóng xoá tan đi vết tình ta...

 

http://www.youtube.com/user/phamjngocjlaan#p/u/22/mx6abflGkAI

Phạm Ngọc Lân

Toulouse, 27 thàng 2, 2011

*

Tôi (PHĐ) đã trả lời vanchuongviet.org như sau :

 

Anh Hoà thân mến,

Anh nên đăng bài đính chính của Phạm Ngọc Lân. Đầu tháng 3, khi đăng bài của tôi trên ămvc, tôi sẽ đăng luôn bài của Phạm Ngọc Lân.

 

Mấy lời đính chính này chắc chắn là có cơ sở :

a/ Bản thân tôi cũng nhớ như Phạm Ngọc Lân vì tôi nhớ hai bài hát của Y. Montand và J. Greco.

b/ Nhà xuất bản Enoch & Cie đã đăng năm 1947, thế nào J. Prévert cũng đã có duyệt. Với truyền thống xuất bản ở Pháp, sửa một từ trong một bài thơ không là chuyện đùa.

 

Bản tôi dùng, tôi tình cờ gặp trên oép. Tôi ngạc nhiên phát hiện nó khác trí nhớ của tôi. Tôi vốn không tin trí nhớ của tôi cho lắm và tôi biết, lúc phổ nhạc, đôi khi người ta sửa vài từ để dễ hát. Tôi nghĩ, người yêu thơ Prévert tới mức đăng tải trên oép của mình một bài thơ trứ danh thì hẳn đã kiểm soát (té ra là không ? Tôi cũng vậy ! Copier-Coller kinh thật ?) Tôi tự hỏi, tại sao có sự khác biệt này ? Thế là nổi hứng tán phét.

 

Tôi tò mò trở lại oép xem tôi đã nhặt văn bản kia từ đâu. Dĩ nhiện, cả trăm nghìn trang ! Trên mấy trang đầu, cứ như Truyện Kiều ấy, đã có 4 văn bản khác nhau, có văn bản còn thêm nguyên một khúc (sic) : văn bản của Phạm Ngọc Lân và 3 văn bản sau :

 

http://rosannadelpiano.perso.sfr.fr/Prevert.htm

http://lapoesiequejaime.net/prevert.htm

http://fle.blogcindario.com/2005/06/00068-les-feuilles-mortes.html

 

Kinh thật ! Qua đâu mà thế ? Có ca sĩ "sửa" trong một buổi trình diễn ? Bản thân Prévert sửa nhân một dịp tái bản ? Chủ oép "phịa" ra chăng ?

Chịu thua.

 

Thôi, tán phét một tí trên một văn bản có thể sai nhưng không tồi cũng chẳng chết ai. Vẫn lý thú. Nhưng tôi sợ nàng thơ là phải lắm. Mỗi lần đụng tới nàng, tức khắc "ăn đòn", hè hè… Có lẽ từ nay tôi nên chạy mặt nàng.

 

PHĐ, 2011-02-27

 

Cảm  nhận và dịch thơ ở từng người nó lạ lùng thế đấy. Có trời mới hiểu nổi.

2011-02-27

 



[1] Prévert có nhiều bài thơ được dạy ở tiểu học.

Phan Huy Đường
Số lần đọc: 2464
Ngày đăng: 28.02.2011
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một ý tưởng sắp "duy vật biện chứng" - Phan Huy Đường
Dịch và tán phét về thơ Prévert - Phan Huy Đường
Nguyên Sa, Nhà Báo, Nhà Thơ - Nguyễn Vy Khanh
Ở Biên Giới Của Vô Biên Và Tương Lai - Hoàng Hưng
Đọc Lại Một Bài Phan Khôi Viết 80 Năm Trước - Lại Nguyên Ân
Thời Chiến Vùng Tam-Biên Qua Thơ Lâm Hảo Dũng - Trần Văn Nam
Nhân vật tiểu thuyết Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Vy Khanh
Khi Mê Tín Được Gắn Dấu Quốc Gia - Lại Nguyên Ân
Nietzsche Và Nhóm George - Hamvas Béla
Thơ – Cách Tân Và Cách Tâm. - Hoàng Hưng